CÁC GIÁO DÂN SẼ PHẢI TRẢ GIÁ CHO VIỆC CHỐNG THAM NHŨNG!?

Những ngày qua, dư luận xã hội không ngớt bức xúc về vụ việc hai nhà báo chống tham nhũng phải ngồi tù. Câu chuyện hai nhà báo kiên trì, khẳng khái trong cuộc chiến chống tham nhũng phải ra trước vành móng ngựa biến những lời kêu gọi chống tham nhũng của chính phủ trở thành trò hề.

Ai cũng biết việc chính phủ cộng sản kêu gọi chống tham nhũng thực chất chỉ là khẩu hiệu, mị dân, nhằm che đậy tình trạng tham nhũng vốn đã trở thành quốc nạn.

Ai cũng biết việc chính phủ cộng sản kêu gọi chống tham nhũng chỉ là để vuốt ve dư luận, chứ thực chất họ sẽ không bao giờ thực hiện, bởi vì, chống tham nhũng là chống đảng Cộng sản và bởi chỉ có đảng viên mới có cơ hội và có quyền tham nhũng.

Những nhà báo và những giáo dân Thái Hà vì quá tin tưởng vào câu khẩu hiệu “toàn dân tích cực chống tham nhũng”, nên đã phải trả giá.

Các giáo dân giáo xứ Thái Hà đang bị giam hay tại ngoại cũng sẽ phải chịu một bản án như kịch bản đã xảy ra với hai nhà báo lão thành hăng hái chống tham nhũng. Người nhận tội sẽ được hưởng án treo và người không nhận tội - vì thực ra tất cả họ vô tội, sẽ phải chịu cảnh tù đầy.

Hai vụ án có một diễn tiến giống nhau. Sau khi bắt giam các nhà báo, chính quyền bắt đầu chơi các xếp của các tờ báo: tước thẻ nhà báo, cách chức, thuyên chuyển. Sau khi bắt các giáo dân Thái Hà, chính quyền Hà Nội cũng tiến hành một việc tương tự: ra “văn bản láo” cảnh cáo các linh mục và đề nghị thuyên chuyển các linh mục ra khỏi Hà Nội.

Hai vụ án có nhiều tình tiết giống nhau. Sau khi khởi tố, các điều tra viên không biết có thể khép họ vào tội gì. Câu nói của ông Đoàn Văn Lê - cán bộ điều tra Công an quận Đống Đa, nói với một giáo dân Thái Hà minh chứng điều đó: “Một đàn gà thả vào vườn vồ được con nào, con ấy chết” . Câu nói này cũng cho thấy sự lúng túng của cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận Đống Đa.

Trong vụ việc Thái Hà, các điều tra viên đã nhiều lần đề nghị với Viện kiểm sát thay đổi tội danh, bởi tất cả những tội danh khép cho các giáo dân vô tội thì đều không đủ yếu tố cấu thành tội. Cuối cùng, vào phút chót, sau khi Chính quyền phá nốt bức tường dài vài trăm mét, và cưỡng chiếm khu đất 178 Nguyễn Lương bằng – khu đất còn đang trong vòng tranh tụng - bất chấp pháp luật, thì Viện Kiểm sát mới chính thức huỷ và thay đổi tội danh của các bị cáo.

Trong vụ việc Thái Hà, tội trạng lớn nhất của các linh mục và giáo dân Thái Hà chính là đã can đảm đứng lên tố cáo chính quyền tham nhũng và tự mình cầu nguyện chống tham nhũng.

Ai cũng biết khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng bị Nhà nước cưỡng chiếm từ năm 1961. Cuối năm 2006, khu đất được các quan chức dùng mọi thủ đoạn hô biến nhằm tư túi. Đầu năm 2008, giáo dân thắp nến cầu nguyện. Các quan tham thấy vậy nên hoảng sợ và tìm mọi cách để che đậy hành vi tham lam này. Theo thông tin của một số cán bộ, công nhân viên công ty cổ phần May Chiến Thắng, khi thấy giáo dân kiên quyết đòi lại quyền lợi và khi thấy vụ tham nhũng có thể bại lộ, Công ty May Chiến thắng đã phải chi ra 300 triệu để bồi dưỡng cho các quan chức quận Đống Đa - người nhiều nhất 20 triệu và ít nhất 5 triệu, lấy kinh phí để dàn xếp vụ Thái Hà. Tuy nhiên, vụ việc đã không dễ dàng chìm xuồng, trái lại nó đã được đẩy lên một cao trào mới do những hành xử bất nhân của các cấp chính quyền. Trong cuộc gặp giữa UBND thành phố Hà Nội với giáo xứ Thái Hà, khi bà Phùng Thị Tý – Giám đốc Công ty Chiến thắng, phản đối việc chính quyền thu hồi khu đất, thì ông Vũ Hồng Khanh – Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã cướp lời: “Bà về nói với các nhân viên như vậy, còn nếu bà muốn biết lý do khác thì lên Thanh tra thành phố họ nói cho mà nghe” .

Trong vụ việc Thái Hà cơ quan chống tham nhũng của chính phủ thay vì cảm ơn giáo dân Thái Hà đã có công phát hiện và tố cáo tham nhũng thì lại quay lại chống những người chống tham nhũng bằng cách bắt giam các giáo dân và kết án họ. Việc ông Trương Vĩnh Trọng, trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng của chính phủ, ngày 20/9/2008 tới thị sát linh địa Đức Bà và ngày hôm sau 21/9/2008 chỉ đạo công an thuê đầu gấu, thả con nghiện tấn công giáo dân Thái Hà, là một minh chứng khác cho thấy chính quyền cộng sản tham nhũng sẽ dùng mọi thế lực để đè bẹp những người chống tham nhũng.

Bản cáo trạng các giáo dân Thái Hà đã tự tố cáo hành vi bao che cho tội trạng tham nhũng của chính quyền. Vẫn những luận điệu kết án các giáo dân vi phạm pháp luật trong khi những hành vi vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước như báo chí, truyền thanh, truyền hình, việc UBND thành phố cưỡng chiếm khu đất bất chấp pháp luật, việc ông Nguyễn Thế Thảo ngu ngơ ra văn bản cảnh cáo các giáo sĩ nhà thờ Thái Hà, thì lại không được nhắc tới.

Sắp sửa có một vụ án kết tội những người chống tham nhũng được xử mà người bình thường cũng đã đoán trước được kết quả phiên xử. Phiên toà này, giống như vụ xử hai nhà báo, không phải do toà xử mà do “Ban Văn Hoá Trung ương” xử với những khung án đã được áp đặt trước. Việc ra toà và quan toà công bố tội trạng chỉ là hình thức.

Ông Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an thành phố Hà nội, trong cuộc gặp mặt với các linh mục nhà thờ Thái Hà ngày 23/8/2008, đã từng nói: “Tôi không muốn các giáo dân vô tội phải vào tù” . Ai cũng biết các giáo dân này vô tội. Ngay các điều tra viên Công an quận Đống Đa, sau khi điều tra cũng đã biểu tỏ một thái độ như vậy. Bản cáo trạng thì vừa thiếu sự thật, vừa yếu pháp lý để có thể kết tội người giáo dân.

Thế nhưng những giáo dân này vẫn sẽ phải vào tù, bởi vì họ dám lên tiếng cho sự thật và lẽ công bình; dám cả gan phát hiện, tố cáo và cầu nguyện chống tham nhũng.

Vụ án Thái Hà nếu xử sẽ lại là một màn kịch vụng về của Chính quyền cộng sản, tố cáo bộ mặt nham hiểm, vô luân của chế độ cộng sản, đồng thời sẽ là thời khắc tôn vinh những anh hùng của thời đại mới- những giáo dân can đảm, kiên trung trong công lý và sự thật.

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008