Ngày 01-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 01/06/2020

41. Đi theo Thánh Giá thì con phải hết lòng khinh chê chuyện thế tục để theo đuổi sự yên vui.

(Thánh Gioan Maria Vianney)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:44 01/06/2020
37. CỨNG THÌ BỚT NỬA GIÁ

Có một khách quen muốn mua hàng hóa của Tô châu, có người chỉ cho và nói:

- “Người Tô châu mua đồ luôn bớt nửa giá, ông coi họ kêu giá bao nhiêu thì ông trả giá một nửa, như thế mới không bị thiệt thòi.”

Ông khách nghe xong thì gật đầu liên tục.

Quả nhiên, ông ta đến hàng tơ lụa để mua lụa, hể kêu giá hai lượng bạc thì ông ta trả giá một lượng; kêu giá một lượng thì ông ta trả giá bảy tiền năm phân.

Chủ quán rất giận, cười nhạt nói:

- “Nếu vậy thì ngài không cần phải mua, tiểu quán sẽ tặng cho ngài hai khổ vải !”

Ông khách ấy chấp tay thi lễ nói:

- “Không dám không dám, tôi chỉ cần một khổ là đủ rồi ạ.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 37:

Đi mua hàng thì dĩ nhiên là phải có trả giá, nhưng trả giá không có nghĩa là coi hàng hoá của người ta không ra gì. Khi mua hàng thì có người trả phân nửa; có người trả hai phần ba giá, lại có người không trả gì cả vì thấy hàng hoá đúng là có giá trị với đồng tiền, nhưng dù trả giá hay không thì tất cả người mua và người bán đều thích cái lợi về mình.

Trong đời sống linh thiêng của người Ki-tô hữu cũng thế, có những lúc chúng ta đem linh hồn cao quý của mình rao bán cho ma quỷ với giá rất hời, nhưng ma quỷ là kẻ phỉnh phờ xảo quyệt đã trả giá bằng một ly rượu, có linh hồn thì nó trả giá bằng một vài trăm ngàn đồng, có linh hồn thì nó trả giá bằng một lời yêu thương giả dối.v.v... thế là chúng ta mất cả vốn lẫn lời và cảm thấy sung sướng sống trong tội lỗi của mình.

Người Ki-tô hữu không bao giờ đem rao bán linh hồn của mình để mua những thứ nay còn mai mất là tiền tài, danh vọng và xác thịt. Nhưng sẽ dùng ơn của Thiên Chúa ban cho qua tiền tài, danh vọng và sức khoẻ để làm sáng danh Ngài và mưu ích cho phần rỗi linh hồn của mình cũng như của tha nhân, đó là cái lợi lớn nhất mà chúng ta cần phải đạt cho được trong đời sống tâm linh của mình.

Linh hồn của chúng ta đã được cứu chuộc bằng máu vô giá của Đức Chúa Giê-su, cho nên chúng ta không dại gì đem bán nó với giá rẽ ba mươi đồng bạc như Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, kẻ phản thầy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu thương hiệp nhất noi gương Chúa Ba Ngôi
Lm Đan Vinh
21:08 01/06/2020


CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN

LỄ CHÚA BA NGÔI A

Xh 34, 4b-6.8-9; 2 Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 3, 16-18

(16) Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (17) Quả vậy, Thiên Chúa sai Con Một của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. (18) Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH:

Tin Mừng lễ Chúa Ba Ngôi trích trong cuộc đàm thoại ban đêm giữa Đức Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô về ơn cứu độ. Sau khi cho ông biết điều kiện để được cứu độ là phải tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Đức Giê-su đã mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để chịu chết đền tội thay cho thế gian (14-16). Ai tin vào Người Con ấy thì sẽ được cứu độ (17-18).

3. CHÚ THÍCH:

- C 16: + Thiên Chúa đã yêu: Đây là một chân lý mặc khải mới mẻ, vì truyền thống Do thái trước đó chỉ nói đến Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en là con dân của Người, chứ không nói đến việc Người còn yêu cả thế gian, không phân biệt chủng tộc, quốc gia, màu da hay tiếng nói nữa. + Thế gian: chỉ chung toàn thể vũ trụ mà nhân loại là thành phần quan trọng nhất. Thế gian trong câu này ám chỉ đối tượng được Thiên Chúa yêu thương (x. Ga 3, 16), nhưng ở câu khác lại ám chỉ bọn đầu mục dân Do thái là những kẻ thù ghét Đức Giê-su (x. Ga 12, 31; 1 Ga 2, 16-17). + Con Một của Người: Trong kinh tin kính, Giáo Hội dạy các tín hữu tuyên xưng đức tin “tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha… được sinh ra từ trước muôn đời. Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha (x. 2 Sm 7, 12-16; Mt 3, 13-17). Như vậy Đức Giê-su có hai bản tính là tính Thiên Chúa và tính loài người, nhưng Người chỉ có một Ngôi Vị là Ngôi Con hay Ngôi Lời. Việc ban Con Một để cứu độ thế gian là dấu chứng rõ ràng nhất biểu lộ tình yêu tột đỉnh của Thiên Chúa đối với thế gian (x. 1 Ga 4, 9-10). + Ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết: Niềm tin vào Ngôi Con là điều kiện cần để được ơn cứu độ và được sống muôn đời.

- C 17: + Không phải để lên án thế gian: Sứ mệnh của Con Thiên Chúa đến thế gian không phải để kết án nhưng để cứu chuộc thế gian (x. 1 Ga 4, 14). + Tại sao nơi khác Đức Giê-su lại phán: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử, cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9, 39)? : Thực ra điều Thiên Chúa muốn là sai Con Một đến để ban ơn cứu độ cho thế gian. Nhưng thế gian có nhận được ơn cứu độ đó hay không tùy theo thái độ đáp trả của họ là tin nhận hay từ chối Người. Chính do sự lựa chọn này mà thế gian sẽ được xét xử: Tin nhận Chúa Giê-su thì được cứu, nghĩa là được ơn tha tội, được giao hòa với Chúa Cha và được sống muôn đời. Giống như người mù dù không xem thấy, thì nhờ tin Chúa Giê-su lại được xem thấy. Còn ai từ chối Chúa Giê-su là đã tự lên án chính mình, tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ của Người, giống như các đầu mục Do thái, tuy sáng mắt nhưng do không tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, nên lại trở thành kẻ đui mù.

- C 18: + Ai tin vào Con của Người thì không bị kết án: Tin ở đây không phải chỉ bằng lời nói “Lạy Chúa, Lạy Chúa !”, nhưng bằng việc làm theo thánh ý Thiên Chúa, biểu lộ qua sự thực hành lời Chúa Giê-su dạy” (x. Mt 7, 21.24). Thánh Phao-lô cũng nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính, có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ… Vì tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát” (x. Rm 10, 9-10.13). + Nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi: Sứ mệnh của Đức Giê-su là ban sự sống, ban ơn cứu độ cho những ai tin Người. Ai cố tình không chấp nhận Ngôi Lời Nhập Thể, tức là không tin vào Danh Con Một Thiên Chúa (x Ga 6, 64), là đã tự loại mình ra khỏi ơn cứu độ, đồng nghĩa với việc tự kết án chính mình. + Vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa: Con Một Thiên Chúa là Chúa Giê-su (x. Ga 2, 23; 1 Ga 3, 23). Tin vào danh của Con Một Thiên Chúa tức là liên kết với Chúa Giê-su, nhìn nhận và kêu cầu quyền năng của Người. Chỉ nhờ Danh Chúa Giê-su, loài người mới được ơn cứu độ (x. Pl 2, 9-11; Cv 10, 43). Trái lại, những kẻ không tin vào Danh Người thì đã bị kết án.

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1) Chúa Giê-su đã dạy thế nào về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi?

ĐÁP:

+ Trong Tin Mừng Gio-an, Đức Giê-su đã nói nhiều về mối liên hệ mật thiết giữa Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần sau bữa tiệc ly Vượt Qua (x. Ga 14.15.16.17).

+ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại lời Đức Giê-su mặc khải rõ nhất về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (x. Mt 28, 19). Tin Mừng Mát-thêu cũng ghi lại cuộc thần hiện tại sông Gio-đan như sau: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17). Tiếng phán, Đức Giê-su và chim bồ câu là biểu tượng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

+ Thánh Phao-lô cũng dạy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi trong lời nguyện chúc sau: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13, 13).

+ Tin Mừng Lu-ca và sách Công Vụ Tông Đồ lại trình bày lịch sử cứu độ theo chiều kích Ba Ngôi như sau: Thời Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời cứu thế rao giảng Tin Mừng là kỷ nguyên của Chúa Con, và thời Giáo Hội được khai sinh và phát triển đến Rô-ma, hay đến “tận cùng thế giới” là kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

- HỎI 2) Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi được Thánh Kinh trình bày như mầu nhiệm Tình Yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa ra sao?

ĐÁP:

+ Chúa Cha hằng hữu đã sinh ra Chúa Con từ trước khi có thời gian (x. Tv 2, 7).

+ Chúa Cha yêu mến Chúa Con và ban cho Chúa Con mọi quyền xét xử (x. Ga 5, 20.22). Chúa Con chính là hình ảnh của Chúa Cha. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9-10). “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14, 11). “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Chúa Giê-su luôn vâng phục và làm theo thánh ý Chúa Cha (x. Ga 5, 19).

+ Chúa Thánh Thần là Tình yêu hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 15, 26).

- HỎI 3) Ta có thể dùng một số hình ảnh nào để minh họa về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? :

ĐÁP:

+ Nhà thần học PHĂNG-SÍT (Frank Sheed) đã dùng hình ảnh mưa rơi để giúp người ta hiểu phần nào về mầu nhiệm đơn nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi khi nói rằng: “Nước đang mưa đây đích thực là nước, nhưng có thể xuất hiện bằng ba dạng khác nhau là: dạng hơi nước, dạng băng đá và dạng nước thường như ta thấy”.

+ Thánh I-nha-xi-ô một lần kia trong lúc cầu nguyện bỗng nhận ra “ba nốt nhạc có thể làm thành một hợp âm duy nhất” cũng giống như Ba Ngôi hiệp nhất trong một bản thể duy nhất.

+ Thánh Pa-tríck thường dùng hình ảnh lá cây tam diệp thảo do ba lá nhỏ ghép lại thành một lá lớn.

+ Có người lại dùng một hình tam giác đều có ba cạnh ba góc bằng nhau để diễn tả mầu nhiệm này.

+ Ngòai ra chúng ta cũng có thể dùng hình ảnh sau đây để minh họa phần nào về mầu nhiệm này như sau: Một người đàn ông khi lập gia đình và có con thì tuy anh ta chỉ là một người, nhưng đóng ba vai trò khác nhau: Là cha của đứa con, nên anh được con gọi “Bố ơi”; Là con của bố mẹ. nên anh được bố mẹ gọi “Con ơi”; Là chồng của vợ, nên anh được vợ gọi “Mình ơi”.

- HỎI 4) Ba Ngôi Thiên Chúa làm gì cho chúng ta?

ĐÁP:

+ Thiên Chúa Cha (Ngôi thứ Nhất) đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật. Đặc biệt loài người đã được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Người và có hồn thiêng bất tử và có tình yêu thương (x. St 1, 37).

+ Khi nguyên tổ loài người nghe theo ma quỷ cám dỗ mà phạm tội không vâng lời ăn quả cây trái cấm nên phải mang án chết như lệnh Chúa truyền: “Ngày nào ngươi ăn trái này thì ngươi sẽ phải chết”. Nhưng khi nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm và sẽ phải chết, thì Thiên Chúa đã hứa ban Chúa Con (Ngôi thứ Hai) xuống thế để cứu chuộc loài người khi đề cập đến “Dòng dõi người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn ma quỷ”. Người dòng dõi ấy là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến cứu độ loài người, bằng việc mở ra con đường về trời là đạo Công giáo. Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời trong 3 năm để dạy loài người nhận biết tôn thờ và sống hiếu thảo với Thiên Chúa. Cuối cùng, Người đã vâng ý Chúa Cha đi con đường "Qua đau khổ vào vinh quang", là chịu chết trên thập giá để đền tội thay loài người và ngày thứ ba sống lại để cứu độ loài người.

+ Sau khi sống lại, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra thổi hơn ban Thần Khí hay Thánh Thần (Ngôi thứ Ba) cho các Tông đồ. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ khác, là Thần Chân Lý, do Chúa Cha sai đến để thay Chúa Giê-su tiếp tục dạy dỗ các môn đệ (x. Ga 14, 16). Trong thời Cựu Ước, Thánh Thần đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy loài người. Đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Đức Giê-su sau khi Người chịu phép Rửa tại sông Gio-đan, để tấn phong Người làm Đấng Thiên Sai (x Mt 3, 16-17). Sau đó, Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc để chịu ma quỷ thử thách cám dỗ (x Mt 4, 1-11), rồi Người đi khắp nơi rao giảng Tin mừng Nước Trời (x Mt 4, 17). Thánh Thần cũng làm cho Đức Giê-su từ cõi chết sống lại. Vào chiều ngày phục sinh, Chúa Giê-su đã hiện ra sai các Tông đồ tiếp tục thi hành sứ mạng cứu độ của Người và thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha tội (Ga 20, 20-23).

+ Vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần lại hiện xuống trên cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai dưới dạng cơn gió mạnh ào vào nhà nơi các Tông đồ đang cầu nguyện và làm xuất hiện trên đầu mỗi vị một hình lưỡi lửa (x Cv 2, 1-4). Từ đây Thánh Thần luôn hiện diện trong Hội Thánh để thánh hóa các tín hữu qua các phép bí tích Hội Thánh cử hành, giúp các Mục Tử chu toàn sứ mệnh chăm sóc đoàn chiên và làm chứng nhân cho Người đến tận cùng thế giới (x. Ga 15, 26).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 7-8).

2. CÂU CHUYỆN:

1) THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU TỘT ĐỈNH?

Thánh MÁC-XI-MI-LI-EN KON-BÊ thụ phong linh mục năm 1918. Cha đã bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam trong trại tập trung Auschwitz. Đây là nhà tù đáng sợ nhất vì có mọi hình phạt dã man dành cho các tù nhân. Tù nhân không được mang tên của mình mà phải mang một con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đã đưa ra một quy định bất công: Nếu một tù nhân trốn trại, thì mười tù nhân khác sẽ phải chịu chết thay cho anh ta.

Vào một đêm tháng 8.1941, một tù nhân đã vượt ngục thành công. Thế là sáng hôm sau mười người khác đã được chỉ định phải chết thay. Trong số mười người này có một người tù tên là GAJOWNICZEK. Khi bị gọi tên, anh ta đã khóc lóc thảm thiết thương cho mẹ già, vợ dại, con thơ từ nay không còn ai chăm sóc nuôi dưỡng. Trước cảnh tượng đó, do đức bác ái thôi thúc, Cha Kolbe đã tình nguyện xin được chết thay cho người tù kia. Được chấp nhận, cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14. Sau ít ngày, người ta mở cửa ngục để lôi xác mười người đã bị chết đói ra ngoài. Riêng cha Maximilien Kolbe vẫn còn thoi thóp thở, người ta chích cho ngài một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong lễ phong thánh cho chân phước Kolbe do Đức Thánh Cha Phao-lô VI cử hành, một cụ già trong đoàn người dâng lễ vật hôm ấy đã được Đức Thánh Cha ôm hôn. Đó chính là người tù đã được cha thánh Kolbe chịu chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát bài thánh ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì người mình yêu”. Đây là chứng tích một tình yêu cao cả khiến mọi người hiện diện đều xúc động rơi lệ.

2) TÌNH THƯƠNG THỂ HIỆN QUA LÒNG THƯƠNG XÓT:

Một người cha hứa cho cô con gái 12 tuổi một số tiền với điều kiện cô phải xén sạch đám cỏ dại ở sân trước nhà. Cô bé vui vẻ mang máy cắt cỏ ra làm việc. Đến chiều, cả đám cỏ đã được cắt xén gọn gàng – nhưng vẫn vẫn còn một mảng nhỏ sót lại ở góc sân vẫn chưa được cắt. Cha của em đã không trả số tiền như đã hứa vì công việc chưa hoàn thành. Cô bé nhất định không chịu cắt nốt mảng cỏ còn lại và sẵn sàng chịu mất số tiền công. Tò mò muốn biết lý do, ông bố đến gần mảng cỏ kiểm tra thì phát hiện ra có một chú cóc đang ung dung ngồi ở giữa mảng cỏ ấy! Thì ra cô bé vì quá thương con cóc, nên đã không nỡ đưa lưỡi dao xén nốt đám cỏ ấy.

Câu chuyện trên phần nào diễn trả tình yêu của thiên Chúa (1 Ga 4, 8). Thiên Chúa không nỡ hủy diệt loài người tội lỗi, nên đã sai con Một xuống thế làm người, chịu chết đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ loài người. Người cũng cử Thánh Thần đến thánh hóa loài người, biến họ nên Con Thiên Chúa để xứng đáng được vào Nước Trời. Vì thế, lễ Chúa Ba Ngôi cũng nhằm tôn vinh tình yêu của Thiên Chúa.

3) MẸ SẴN SÀNG HY SINH CHỊU CHẾT ĐỂ CON ĐƯỢC AN TOÀN:

Ngày 20.06.1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến X, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ, nên đã từ chối. Chị thà bị chết vì ung thư hơn là được chữa trị bằng bằng quang tuyến X, sẽ ảnh hưởng nặng nề đến đứa con trong bụng sắp chào đời.

Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khỏe, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng: ”Vào mấy ngày cuối cuộc đời, dù biết mình sắp bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào cũng sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”. Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng sống cho đứa con, dù chưa một lần thấy mặt”.

4) PHỤC VỤ VÔ VỤ LỢI LÀ PHƯƠNG THẾ ĐỂ DIỄN TẢ TÌNH YÊU THIÊN CHÚA:

Một bà kia không biết tình yêu là gì. Bà không tin vào Thiên Chúa, từ nhỏ đến lớn bà đã sống trong cảnh mồ côi nghèo khổ và bị mọi người đối xử bất công, đến nỗi bà thù ghét mọi người và ngược lại mọi người chung quanh cũng ghét bỏ bà. Một lần kia, cha sở đến thăm bà và nói về tình thương của Thiên Chúa. Nhưng bà bảo:

- Tôi không hiểu ông nói gì. Chưa hề có ai yêu thương tôi và tôi cũng không hiểu yêu thương là gì nữa.

Cha sở về lại nhà xứ và cầu nguyện liền mấy ngày rồi sau đó nảy ra ý này: ngài mời nhóm Tông đồ trong xứ kể cho họ nghe câu chuyện này. Rồi đề nghị mọi người giúp cho bà ấy hiểu được thế nào là tình yêu của Thiên Chúa, bằng cách thay phiên nhau đến giúp đỡ phục vụ bà, để bà thấy mình vẫn được nhiều người yêu thương giúp đỡ.

Mấy tháng sau, một ngày kia, khi cha sở lại thăm thì bà xúc động rướm nước mắt:

- Thưa cha, đến bây giờ thì con đã hiểu yêu thương là gì rồi. Vậy con có thể xin cha cho con được đón nhận tình yêu của Thiên Chúa hay không?



3. SUY NIỆM:

1) THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU:

Yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, cần phải có đối tượng nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa không đơn độc nhưng có Ba Ngôi để có thể vừa cho vừa nhận.

- Tình yêu của Chúa Cha: Chúa Cha ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có: “Mọi sự của Cha đều là của Con”. Chúa Con chính là hình ảnh của Chúa Cha như Chúa Giê-su nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”.

- Tình yêu của Chúa Con: Vì yêu Chúa Cha, nên Chúa con dâng lại cho Chúa Cha tất cả những gì mình đã nhận trong sự khiêm hạ và hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, như thánh Phao-lô viết: “Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá”. (Pl 2, 8).

- Tình yêu rộng mở: Tình yêu không chỉ đóng khung trong Ba Ngôi, nhưng đã được biểu lộ qua công trình sáng tạo vũ trụ vạn vật và chương trình cứu độ loài người.

2) SỐNG YÊU THƯƠNG NOI GƯƠNG THIÊN CHÚA:

Để nên con Thiên Chúa, mỗi tín hữu chúng ta hãy sống cụ thể giới răn mến Chúa yêu người như sau:

a- Thể hiện tình yêu đối với tha nhân giống như Thiên Chúa đã yêu chúng ta: Tin Mừng hôm nay cho biết Tình yêu thực sự cần có các đặc tính giống như tình yêu của Thiên Chúa như sau:

+ Tình yêu dâng hiến: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người đến trần gian để hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 3, 16a; 10, 11). Vậy tình yêu của bạn dành cho tha nhân thế nào? Bạn có dám hy sinh chịu thiệt vì người mình yêu không?

+ Tình yêu vị tha: Tình yêu chân chính luôn tìm làm cho người yêu vui vẻ hạnh phúc như Chúa Giê-su đã phán: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Bạn có yêu cha mẹ và người thân noi gương Chúa Giê-su không?

+ Một tình yêu cao cả: Thánh Gio-an viết: “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (1 Ga 4, 19). Thiên Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta đáng yêu, nhưng như thánh Phao-lô đã dạy: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân” (Rm 5, 8). Cũng vậy, chúng ta phải yêu mọi người, nhất là những người tàn tật, cô đơn, tội lỗi, và yêu cả những kẻ thù ghét làm hại mình (x. Lc 6, 27-42). Thánh Phao-lô dạy: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13, 7). Còn tình yêu của bạn đối với tha nhân như thế nào?

+ Một tình yêu tôn trọng: Tình yêu của Thiên Chúa không chiếm hữu hay cầm tù người yêu nhưng luôn tôn trọng tự do của lòai người chúng ta: “Ai tin thì được sống đời đời. Còn kẻ không tin thì đã bị kết án”. Còn tình yêu của bạn dành cho người khác có sự tôn trọng và tin tưởng không? Bạn có ghen tuông và cấm người yêu gặp gỡ tiếp xúc với người khác không?

b- Sống tình mến Chúa:

Mỗi ngày hãy làm dấu thánh giá để tuyên xưng đức tin vào mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, rồi dành ba phút để cầu nguyện với từng Ngôi trước khi đi ngủ như sau:

+ Phút thứ nhất: Nghĩ đến những ơn lành hồn xác Thiên Chúa đã ban cho mình, và dâng một lời để tạ ơn Chúa Cha.

+ Phút thứ hai: Xét mình để biết điều sai lỗi trong ngày. Chẳng hạn: Đã tỏ thái độ dửng dưng khi thấy người khác bị đau khổ… rồi dâng lời xin Chúa Giê-su tha tội cho mình và giúp ta sẵn sàng giúp đỡ tha nhân.

+ Phút thứ ba: Nhớ đến những sự khó khăn ta đang gặp phải và xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để giúp ta giải quyết và sẵn sàng xin vâng thánh ý Thiên Chúa.

Việc cầu nguyện này bao gồm cả ba phương diện là tạ ơn, ăn năn sám hối và xin ơn lành hồn xác. Việc cầu nguyện như thế sẽ giúp ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi trong cách suy nghĩ nói năng và hành động.

c- Thực hành yêu người cụ thể như sau:

Không chỉ yêu thương bằng lời nói nhưng bằng việc làm cụ thể theo kinh Thương Người như sau:

+ Thương xác bảy mối: Cho kẻ đói ăn; Cho kẻ khát uống, Cho kẻ rách rưới ăn mặc; Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc; Cho khách đỗ nhà; Chuộc kẻ làm tôi; Chôn xác kẻ chết.

+ Thương hồn bảy mối: Lấy lời lành mà khuyên người; Mở dậy kẻ mê muội; Yên ủi kẻ âu lo; Răn bảo kẻ có tội; Tha kẻ dể ta; Nhịn kẻ mất lòng ta; Cầu cho kẻ sống kẻ chết.

TÓM LẠI: chúng ta sẽ xa lạ với Thiên Chúa nếu chúng ta không sống tình yêu thực sự với tha nhân như thánh Gio-an đã viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8). Ước gì cuộc đời chúng ta sẽ thấm đượm tình yêu, để mọi việc chúng ta làm đều bắt nguồn từ tình yêu và qui hướng về tình yêu,

4. THẢO LUẬN:

Noi gương Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, bạn quyết tâm làm gì để sống tình mến Chúa yêu người?

5. CẦU NGUYỆN:

LẠY CHÚA BA NGÔI LÀ TÌNH YÊU hoàn hảo. Xin hãy biến đổi trái tim sơ cứng như đá của chúng con thành trái tim bằng thịt biết yêu thương. Xin dạy chúng con yêu thương mọi người, biết sống nhờ và sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường nhận lãnh. Xin cho chúng con luôn nhìn thấy Chúa Giê-su đang ở trong chúng con và trong mọi người. Nhờ tình yêu Chúa thôi thúc, chúng con hy vọng sẽ trở nên con thảo của Chúa Cha và nên anh chị em của mọi người.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại trung tâm bạo động chủng tộc Minneapolis, nhà thờ lịch sử Da Đen gióng lên niềm hy vọng vào tình yêu Chuá Kitô.
Trần Mạnh Trác
13:51 01/06/2020
( CNA ngày 29 tháng 5 năm 2020).- “Nhờ vào tình yêu cuả Chúa Kitô mà chúng ta sẽ có hy vọng vượt qua những tội lỗi phân biệt chủng tộc, ” là lời cuả cha chánh xứ của một giáo xứ Mỹ Da Đen lịch sử ở Minnesota, trong buổi cầu nguyện hôm thứ Sáu vừa qua, giữa các cuộc biểu tình và bạo loạn ở St. Paul và Minneapolis, sau cái chết của ông George Floyd khi ông ta bị cảnh sát khám bắt.

“Phân biệt chủng tộc, ” Linh mục giáo sư Erich Rutten cho biết, “ là một tội trọng sâu thẳm trong tâm hồn. Không chỉ trong tâm hồn cuả một cá nhân, mà cả trong tâm hồn của đất nước chúng ta.”

“Để vượt qua nó, chúng ta cần có tình yêu cuả Chúa Kitô, ” vị linh mục chánh xứ và là tuyên úy cuả Đại Học Công Giáo Thánh Thomas (University of St. Thomas in St. Paul) nói. “Chúng ta cần phải đi ra ngoài cái vỏ sò thoải mái cố hữu của mình và phải đối diện với nhau. Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên kêu gọi chúng ta cần phải thực sự gặp mặt nhau.”

Cha Rutten đã chủ sự giờ cầu nguyện tối thứ Sáu, vài giờ sau khi nhiều tòa nhà trong khu phố cuả giáo xứ bị đốt cháy. Buổi cầu nguyện có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Bernard Hebda và Đức Giám Mục Phụ Tá Andrew Cozzens của tổng giáo phận St. Paul-Minneapolis.

Vì phải giữ gìn các biện pháp cách ly xã hội trong lúc dịch tễ, giáo dân đã tham dự buổi cầu nguyện qua phương tiện livestream trên Facebook.

Nhà thờ Thánh Peter Claver được thành lập vào năm 1888 với tư cách là giáo xứ Công Giáo La Mã người Mỹ gốc Phi Châu đầu tiên ở Minnesota.

Cha Rutten đọc đoạn Tin Mừng trong đó Chúa Giêsu liên tục hỏi thánh Phêrô rằng ông có yêu Ngài không và sau đó ban cho thánh Phêrô quyền chăn nuôi đàn chiên của mình.

Cha Rutten giảng về bản chất của tình yêu, về tội phân biệt chủng tộc và về nhu cầu công lý trên thế giới.

Trong Tin Mừng, Cha Rutten nói, Chúa Giêsu đã hỏi những người yêu mến Người và theo Người, và ban “ tình yêu của Thiên Chúa Cha để bao bọc mọi người trong mọi sự.”

Và tuy rằng mỗi người đều có thể nói họ muốn yêu tất cả mọi người, điều này nói thì dễ hơn là làm, Cha Rutten nói thêm.

“ Khi chúng ta suy nghĩ về điều đó trong tâm trí, thì chắc chắn, chúng ta muốn yêu tất cả mọi người, ” Cha Rutten nói. “Tuy nhiên, việc đó trở nên khó khăn hơn một chút với gia đình, khó hơn một chút nữa với các giáo dân trong giáo xứ. Càng khó hơn nữa với những người mà chúng ta không biết rõ hoặc là có gì khác với chúng ta hoặc thậm chí làm cho chúng ta sợ hãi.”

Cha Rutten đã cầu nguyện cho công lý và hòa bình, vì không thể có hòa bình nếu không có công lý. Để đạt được những mục tiêu này, Cha Rutten nói rằng chúng ta cần phải rất khiêm tốn, chúng ta cần phải rất hào phóng và chúng ta cần tìm kiếm sự hòa giải thực sự: một nền công lý phục hồi.

Chủ nhật tuần này, ngày lễ Ngũ tuần, thế giới cần một sự tuôn tràn những nguồn ơn cuả Chúa Thánh Thần, Cha Rutten nói.

Trong bối cảnh cuộc sống ồn ào, thế giới ồn ào của chúng ta và đặc biệt là năng lượng bạo động của những ngày vừa qua, chúng ta phải cầu nguyện cho công lý và hòa bình chủng tộc, Ngài nói thêm.

Tiếp theo Đức Giám Mục Phụ Tá Andrew Cozzens đã đọc bản kinh “Wake Me Up Lord, ” (Xin Chuá đánh thức con) một lời cầu nguyện chống lại nạn phân biệt chủng tộc được Hội Đồng Các Giám Mục Hoa Kỳ xuất bản năm 1989

Khi kết thúc buổi cầu nguyện, Đức Tổng Giám Mục Hebda đã bầy tỏ tình yêu lớn lao của Ngài đối với giáo xứ St. Peter Claver và lưu ý rằng nhà thờ có một vai trò quan trọng và duy nhất đối với Giáo Hội Công Giáo ở vùng Twin City (Hai thành phố sinh đôi: Minneapolis và St. Paul cuả Minnesota) trong việc nâng cao nhận thức về phân biệt chủng tộc và làm thế nào Giáo hội có thể được chào đón nhiều hơn.

“Đã nhiều lần tôi từng nghe ở giữa những bức tường này rằng thật là 'kiệt sức' khi phải dạy cho phần còn lại của Giáo hội về nạn phân biệt chủng tộc, và tôi biết ơn sự kiên nhẫn và sự kiên trì của quí bạn (những giáo dân gốc Phi Châu), ” Ngài nói.

“Chúng tôi tiếp tục học hỏi từ quí bạn và lời cầu nguyện sâu sắc của quí bạn. Vì vậy, xin vui lòng nhận lấy sự biết ơn chân thành của tôi, và của Đức cha Cozzens, cho tất cả những gì quí bạn đang làm”.

Cập nhật ngày 1 tháng 6: Nhà thờ và trường học Thánh Peter Claver đã được nhiều giáo dân Da Trắng và Da Đen chung sức đóng ván tất cả các cửa sổ để bảo vệ cơ sở, lời ghi chú trên Facebook cuả họ viết rằng:

“Nhà thờ của chúng tôi không phải chỉ là một tòa nhà, mà đó là tất cả những người tụ tập với nhau (trong những ngày này, kể cả trên mạng ảo) để ngợi khen Thiên Chúa và hỗ trợ lẫn nhau. Hôm qua giáo dân của chúng tôi đã tập hợp để bảo vệ cơ sở của giáo xứ. Có người mang theo vật dụng. Người khác mang đến thức ăn. Nhưng tất cả chúng tôi đều mang đến sự cam kết và tình yêu thương với giáo xứ này. Và chúng tôi đã cùng nhau đóng ván các cửa sổ để bảo vệ các tòa nhà yêu quý của chúng tôi khỏi bị những thiệt hại có thể xảy ra trong thời gian bất ổn. Sự hăng say cam kết của rất nhiều người đã làm cho những công việc nặng nhọc được nhẹ đi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Chúng tôi là #ClaverStrong (Claver vững mạnh).”
 
Các Hiệp sĩ Columbus đang đẩy mạnh việc giúp các giáo phận bị ảnh hưởng bởi coronavirus
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:57 01/06/2020
Theo nguồn tin Aleteia, bộ phận đầu tư của Hiệp sĩ Columbus hy vọng sẽ lấp đầy khoảng trống cho các giáo phận bị tổn thất tài chính vì các nhà thờ bị đóng cửa. “Khi bạn không có Thánh Lễ, không phải ai cũng nhất thiết phải suy nghĩ, 'Trời ạ, cha cần tiền để tiếp tục bật đèn', Tony Minopoli nói, chủ tịch và giám đốc đầu tư của The Knights of Columbus Asset Advisors, bộ phận thuộc sở hữu của Hiệp sĩ Columbus.

Các giáo phận riêng lẻ có thể nộp đơn tín dụng lên tới 1 triệu đô la, với khoản tín dụng lên tới 100 triệu đô la có sẵn cho các giáo phận bị khó khăn vì không thực hiện việc quyên góp do COVID-19.

Nhiều giáo xứ đã kêu gọi giáo dân tiếp tục đóng góp hàng tuần bằng cách bỏ một phong bì tại văn phòng giáo xứ, hoặc bằng cách sử dụng một phương thức trao tặng trực tuyến như FaithDirect. Tuy nhiên, việc giảm số tiền đóng góp rất có ý nghĩa đối với hầu hết các giáo xứ, chẳng hạn tiền đóng góp lên tới 50% tại Tổng giáo phận New York.

“Nói chung, nhà thờ ở trong tình trạng tương tự như nhiều doanh nghiệp nhỏ, ” ông Minopoli nói, “vì cả doanh nghiệp nhỏ và nhà thờ đang tìm cách làm thế nào để có thể duy trì hoạt động cho đến khi cuộc sống hàng ngày trở lại bình thường.”

Các dòng tín dụng ngắn hạn mang lãi suất khoảng 2% trong hai năm. Vào cuối nhiệm kỳ, người vay có thể chuyển đổi số dư thành khoản vay lãi suất thấp cố định trong 5, 10 hoặc 20 năm tương tự như loại Hiệp sĩ Columbus đã cung cấp cho các thực thể Công Giáo từ năm 1896, Minopoli nói Fox News.

“Tại thời điểm này, điều rất quan trọng đối với chúng tôi là hỗ trợ Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ, để Giáo hội có thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ tinh thần và từ thiện không thể thay thế, và có thể giữ các nhân viên hỗ trợ sứ mệnh và tiếp cận cộng đồng của mình, ” Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson nhận định. “Quỹ của chúng tôi được thiết kế đặc biệt để giúp các giáo phận và giáo xứ vượt qua đại dịch này về mặt tài chính để họ có thể tiếp tục công việc quan trọng của mình - bây giờ và sau đại dịch.”

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tình trạng kinh hoàng hiện nay
J.B. Đặng Minh An dịch
16:48 01/06/2020
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng hiện nay

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Tổng Giám Mục Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng đang tiếp diễn ở các thành phố Hoa Kỳ từ vài ngày qua. Tuyên bố này diễn ra chỉ vài ngày sau tuyên bố hôm thứ Sáu từ bảy vị Tổng Giám Mục và Giám Mục là chủ tịch các ủy ban USCCB. Điều này cho thấy tính cách nghiêm trọng và cấp bách của tình hình hiện nay.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Việc giết hại anh George Floyd là một hành động vô nghĩa và tàn bạo, một tội lỗi kêu thấu đến trời cao để đòi công lý. Làm thế nào lại có thể xảy ra ngay tại Hoa Kỳ này những cảnh tượng kinh hoàng trong đó cuộc sống của một người da đen có thể bị tước đoạt trong khi những lời kêu cứu của anh không được trả lời, và sự giết hại anh được ghi hình lại khi nó đang xảy ra?

Tôi đang cầu nguyện cho linh hồn anh George Floyd và những người thân yêu của anh, và thay mặt cho các giám mục anh em của mình, tôi chia sẻ sự phẫn nộ của cộng đồng da đen và những người đứng cùng với họ ở Minneapolis, Los Angeles và trên toàn quốc. Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh ta phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó. Và chúng ta tin tưởng rằng chính quyền dân sự sẽ điều tra vụ giết hại anh ta một cách cẩn thận và bảo đảm những người chịu trách nhiệm phải bị trừng trị thích đáng.

Tất cả chúng ta nên hiểu rằng các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy trong các thành phố của chúng ta phản ánh sự thất vọng và sự tức giận chính đáng của hàng triệu anh chị em chúng ta, những người thậm chí ngày nay vẫn phải trải qua sự coi thường, sỉ nhục, và không có cơ hội bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ. Xã hội Hoa Kỳ không nên diễn ra như thế. Phân biệt chủng tộc đã được dung thứ quá lâu trong cách sống của chúng ta.

Mục sư Martin Luther King, Jr. đã nói thật chí lý: bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe. Chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn ngay từ bây giờ. Lần này, chúng ta phải lắng nghe những gì mọi người nói qua nỗi đau của họ. Cuối cùng chúng ta cần phải thoát khỏi sự bất công chủng tộc vẫn còn lây nhiễm quá nhiều trong các lĩnh vực trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên bạo lực của những đêm gần đây là tự hủy hoại và tự đánh bại mình. Chúng ta chẳng đạt được gì qua bạo lực và rất nhiều mất mát. Chúng ta hãy tập chú vào phần thưởng là sự thay đổi thực sự và lâu dài.

Các cuộc biểu tình hợp pháp không nên được khai thác bởi những người có các giá trị và các chương trình nghị sự khác nhau. Đốt phá và cướp bóc cộng đồng, hủy hoại sinh kế của những người lân cận của chúng ta, không thúc đẩy chính nghĩa bình đẳng chủng tộc và phẩm giá con người.

Chúng ta không nên để anh George Floyd chết một cách vô lý. Chúng ta nên tôn vinh sự hy sinh của cuộc đời anh bằng cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc và sự căm ghét khỏi trái tim của chúng ta và canh tân cam kết thực hiện lời hứa thiêng liêng của đất nước chúng ta là trở thành một cộng đồng yêu quý cuộc sống, tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

+ Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ



Source:USCCB
 
Cập nhật các diễn biến chính trong tình hình của Hoa Kỳ hiện nay
Đặng Tự Do
18:00 01/06/2020
Tính đến ngày thứ Ba mùng 2 tháng Sáu, tử vong toàn thế giới đã lên đến 376, 990 người, trong số 6, 357,127 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, đã có 106, 889 trường hợp tử vong, trong số 1, 857,932 trường hợp nhiễm coronavirus.

Các cuộc biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh George Floyd đã nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ngay trong tình trạng cô lập vì coronavirus, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Đức, Pháp, Anh, Tân Tây Lan và thậm chí tại Tây Ban Nha nơi các cuộc tụ họp trên 25 người có thể dẫn đến mức phạt đến 10, 000 Euros cho mỗi người tham gia. Tờ South China Morning Post ghi nhận một phản ứng thích thú từ các mạng xã hội của Trung Quốc đối với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Người ta nói về các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ với đầy sự hả hê.

Các cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ là đặc biệt nghiêm trọng vì dễ dàng trở thành bạo động đốt phá, cướp bóc, và hủy hoại sinh kế của những người vô tội.

Trong bối cảnh đó, tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ để giải quyết nhanh chóng vấn đề cho các thống đốc bang

Hôm thứ Hai 1 tháng Sáu, trong bài phát biểu của mình tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington DC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng việc gây bạo loạn và cướp bóc là hành động của bọn khủng bố quốc nội và đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ tới các tiểu bang nếu họ không ngăn chặn được các cuộc bạo loạn trong khu vực tài phán của mình.

“Thưa đồng bào người Mỹ của tôi, nhiệm vụ tổng thống đầu tiên và cao nhất của tôi là bảo vệ đất nước vĩ đại của chúng ta, và người dân Mỹ.

Tôi đã tuyên thệ giữ vững luật pháp của quốc gia chúng ta và đó chính xác là những gì tôi sẽ làm.”

Tổng thống Trump cho biết ông đang huy động tất cả các nguồn lực dân sự và quân sự có sẵn của liên bang để ngăn chặn các cuộc bạo loạn và cướp bóc để chấm dứt sự hủy diệt và đốt phá.

Ông cho biết đã đề nghị tất cả các thống đốc tiểu bang triển khai Vệ binh Quốc gia của mình và sẽ ra tay hành động nếu họ không làm như thế.

“Nếu một thành phố hoặc một tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của cư dân mình, thì tôi sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ, ” ông nói.

Các viên chức hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã được bổ sung vào 1, 700 thành viên Vệ binh Quốc gia đang có mặt để khống chế bạo lực trong các cuộc biểu tình ở Washington DC, gây ra sự tàn phá kinh hoàng vào tối Chúa Nhật 31 tháng Năm.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến nguyên nhân cái chết của anh George Floyd, tiểu bang Minnesota xác nhận cái chết của Floyd được coi là một vụ giết người, nhưng chính quyền phủ nhận anh ta chết vì ngạt thở.

Một nhân viên kiểm tra y tế ở Minnesota đã xếp cái chết của George Floyd là một vụ giết người, và nói rằng trái tim của Floyd đã ngừng đập trong khi anh ta bị cảnh sát kiềm chế và bị đè cổ.

Báo cáo hôm thứ Hai liệt kê ra những tình trạng quan trọng khác dẫn đến cái chết của anh George Floyd bào gồm: mắc bệnh tim và cao huyết áp, đã nhiễm độc fentanyl và sử dụng methamphetamine gần đây.

Những kết luận này được đưa ra vào tuần trước, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền chính thức xác định cái chết của anh ta là một vụ giết người.

Tại địa điểm nơi Floyd bị ghì chặt xuống vỉa hè, anh trai của George Floyd, là Terrence, đã đưa ra lời khẩn cầu xin chấm dứt ngay các cuộc biểu tình bạo lực và các hành vi cướp phá trên khắp nước Mỹ.

Thị trưởng của các thành phố nơi xảy ra các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa vào hôm Chúa Nhật đang suy tính có nên dỡ bỏ hay giữ lệnh giới nghiêm.

Miami đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, được thực hiện sau khi bạo lực xảy ra tại một cuộc biểu tình vào tối thứ Bảy. Nhưng Thị trưởng Seattle là bà Jenny Durkan vừa tuyên bố thành phố của bà sẽ bị giới nghiêm từ 6 giờ tối.

Giờ giới nghiêm của thành phố Minneapolis đã được dời lại hai giờ, tức là bắt đầu từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng thay vì từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng. Sau một đêm bạo lực, Washington DC sẽ ngừng hoạt động từ 7 giờ tối.

Chính quyền tiểu bang Minnesota cho biết hôm thứ Hai rằng người lái xe tải chở dầu đã lao vào người biểu tình trên cầu 35W bắt ngang qua sông Mississippi. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ tin rằng anh ta không có ý định tấn công những người biểu tình.

Ủy viên An toàn Công cộng John Harrington cho biết tài xế xe tải, Bogdan Vechirko, 35 tuổi, lái một chiếc xe dầu từ Xa lộ Liên tiểu bang 94 về hướng cầu 35W, đã tăng tốc vì lên cầu nhưng không hành động nhằm chủ ý tấn công những người tham gia cuộc biểu tình. Anh ta đang trên đường đi nhận dầu nên container trên xe lúc đó không có dầu.

Harrington nói: “Anh ấy đang tăng tốc để lên cầu, nhìn thấy đám đông và hoảng loạn.”

Harrington cho biết Vechirko đã nói với các nhà chức trách rằng anh ta nhìn thấy một phụ nữ trên chiếc xe đạp ngã xuống trước mặt anh ta và anh ta đã đạp thắng. Anh ta đã bị những người biểu tình lôi xuống xe và đánh đấm dữ dội nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi ra khỏi nhà thương, anh ta đã bị cảnh sát giam giữ.


Source:Washington Post
 
Để ngăn ngừa và chống tham nhũng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô ra tự sắc về việc mua sắm và ký khế ước của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican
Vũ Văn An
19:57 01/06/2020
Theo tin Zenit, ngày 1 tháng 6, 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra tự sắc về “sự minh bạch, kiểm soát và cạnh tranh, trong các thủ tục phán định các khế ước công cộng của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican”. Luật lệ mới sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi công bố.



Văn phòng Báo Chí của Tòa Thánh giải thích rằng “văn kiện này là thành quả của việc làm đồng lực có phối hợp của Phủ Quốc Vụ Khanh và nhiều cơ quan khác nhau của Giáo Triều Rôma, trong đó, có Hội Đồng Kinh Tế, Văn Phòng Kinh Tế, Cơ quan Quản Trị Di Sản Tông Tòa và Cơ Quan Cai Trị Thị Quốc Vatican”.

Văn Phòng trên nhận định “đây là một bộ luật độc đáo, thay thế việc qui định hiện hành tại một số cơ quan cá thể và nay được áp dụng cho mọi cơ quan phải phúc trình cho Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican”.

Văn Phòng cũng cho biết: văn kiện trên dựa vào “luật lệ quốc tế tiến bộ nhất về vấn đề này”, dĩ nhiên với một tinh thần gia đình khi đưa ra nguyên tắc hướng dẫn đó là “sự cần cù của người cha nhân hậu trong gia đình, người luôn mong muốn một lối quản trị hữu hiệu và hợp đạo đức các tài nguyên của mình”. Người cha này, tất nhiên, nhằm cổ vũ “sự minh bạch, việc kiểm soát và xử lý hợp tình hợp lý các cuộc cạnh tranh có thực chất giữa những người muốn thiết lập mối liên hệ kinh tế với các bộ phận liên hệ”.

Bẩy chìa khóa để hiểu các qui định mới

Nhân dịp này, Vatican News làm nổi bật một số khía cạnh chủ chốt quanh đạo luật gồm tới 86 điều mới này, nhằm cải tiến việc quản trị các tài nguyên và giảm thiểu nguy cơ tham nhũng tại các cơ quan của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. Ngoài 86 điều trên, còn 12 điều phụ liên quan đến các vấn đề tố tụng.

Như trên đã nói, đạo luật mới này dựa vào Công Ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng được ký tại Merida, và thay thế cho các qui định trước đây tại Cơ quan Quản Trị Di Sản Tông Tòa và Cơ Quan Cai Trị Thị Quốc Vatican cũng như mọi cơ quan của Giáo Triều Rôma.

Sau đây là 7 điểm chủ chốt được Vatican News phân tích:

Điểm một: Như người cha nhân lành của gia đình

Ngay ở đầu tự sắc của ngài, Đức Phanxicô nhấn mạnh nguyên tắc chung và rất được kính trọng, mà dựa vào đó, mọi quản trị viên buộc phải chăm lo chức năng của mình là sự cần cù của một người cha nhân lành của gia đình.

Đức Giáo Hoàng nhìn nhận rằng khả thể thực hiện được nhiều tiết kiệm nhờ việc lựa chọn các đề nghị khác nhau là điều có tính quyết định trong việc quản lý các tài sản công cộng, nơi tính cấp bách cần phải có một nền quản trị trung thanh và trung thực được cảm nhận và khẩn trương hơn bao giờ hết.

Tự sắc cho rằng các qui định mới nhằm cổ vũ sự minh bạch, việc kiểm soát và cạnh tranh trong các thủ tục phán định các khế ước công cộng được qui định nhân danh Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican.

Bình đẳng trong đối xử và khả thể trong việc tham dự qua một Đăng Ký thích đáng và các thủ tục chuyên biệt sẽ là một bảo đảm cho các tác nhân kinh tế muốn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, lao động và công trình cho Tòa Thánh và Thị Quốc.

Điểm hai: Mục tiêu của đạo luật

Điều thứ nhất giải thích mục tiêu của đạo luật mới: sử dụng bền vững các qũi nội bộ, minh bạch trong các thủ tục phán định, “bình đẳng trong đối xử và không kỳ thị đối với các đề nghị, đặc biệt qua các biện pháp có khả năng chống lại các thỏa thuận bất hợp pháp trong vấn đề cạnh tranh và tham nhũng”.

Điều 5 liệt kê các nguyên tắc căn bản sau đây: tính hợp đạo đức trong xu hướng của các chọn lựa kinh tế và của các đối nhân liên quan tới các khía cạnh tôn trọng Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội; tính độc lập và tính phụ đới quản trị trong các chọn lựa quản trị của Cơ Quan; hợp tác trung thành giữa các Cơ Quan và các văn phòng khác nhau của Cơ Quan Cai Trị Thị Quốc để có được việc tiết kiệm chi phí, hiệu quả và hiệu năng, đặt kế hoạch và hợp lý hóa chi phí, tránh những hoạt vụ (operation) không cần thiết và, nhất là, thủ tục phán định phải minh bạch, khách quan và vô tư.

Điểm ba: Không xung đột quyền lợi

Các biện pháp được chấp thuận phải chống lại việc xung đột quyền lợi, các thoả thuận bất hợp pháp trong vấn đề cạnh tranh và tham nhũng, để tránh “bất cứ sự cạnh tranh méo mó nào và bảo đảm sự bình đẳng trong đối xử với mọi tác nhân kinh tế”.

Điểm bốn: Các động lực để loại trừ

Các tác nhân kinh tế cần bị loại bỏ khỏi việc đăng ký và tham gia cạnh tranh: những ai vào lúc đó đang bị điều tra, bị các biện pháp ngăn ngừa hay bị kết tội ở mức thứ nhất vì tham gia các tổ chức tội phạm, tham nhũng, lừa đảo, vi phạm khủng bố, rửa tiền cho các hoạt động tội ác và lạm dụng lao động trẻ em.

Tuy nhiên, trong các lý do để loại trừ cũng có vấn đề không tuân theo các nghĩa vụ liên quan đến trả thuế hay đóng góp vào an sinh xã hội theo qui định của các quốc gia nơi họ hoạt động, cả việc cư ngụ hay thiết lập ở các nước “có chế độ ưu đãi tài chánh”.

Điểm năm: Trung ương tập quyền

Trừ một vài ngoại lệ, mọi hàng hóa và dịch vụ phải được các cơ quan mua sắm một cách bình thường theo phương thức trung ương tập quyền, nếu không, sẽ có nguy cơ bị vô hiệu hóa khế ước liên quan. Điều 15 nói rằng “thẩm quyền trung ương” một đàng là Cơ Quan Quản Trị Di Sản Tông Tòa đối với các bộ sở của Giáo Triều Rôma và các định chế liên thuộc Tòa Thánh, và đàng khác là Cơ Quan Cai Trị Thị Quốc. Các ngoại lệ cho việc trung ương tập quyền này có được dự trù, nhưng phải thật hữu lý.

Văn phòng Kinh Tế, sau khi nghe Cơ Quan Quản Trị Di Sản Tông Tòa và Cơ Quan Cai Trị Thị Quốc, sẽ công bố và cập nhật mỗi 6 tháng bảng liệt kê giá cả và chi phí tham chiếu các hàng hóa và dịch vụ, cùng với chi phí việc làm của các chuyên gia đã đăng ký. Các giá cả này sẽ được tính toán, có xem xét tới giá cả và chi phí của thị trường nơi các cơ quan của Vatican tiếp nhận các cung cấp. Các cơ quan này phải đặt kế hoạch mua sắm hạn chót là 31 tháng 10 hàng năm.

Điểm sáu: Những người lệ thuộc Vatican trong các Uỷ Ban Phán Định

Văn Phòng Kinh Tế sẽ lập danh sách các người lệ thuộc và các chuyên gia có thẩm quyền tạm thời để thi hành chức năng lên kế hoạch chuyên môn và thành viên ủy ban chọn lựa. Họ sẽ được rút thăm và tham gia lần lượt vào các Ủy Ban, luôn dựa trên các khả năng chuyên môn chuyên biệt của họ.

Một cách rất chi tiết là “các bất tương hợp” đối với việc được liệt vào danh sách. Trong đó có họ hàng đến cấp thứ bốn hay thân thuộc tới cấp thứ hai của bên tác nhân kinh tế cung cấp đề nghị; cả việc đã là thành viên trong 5 năm trước của tác nhân kinh tế cung cấp đề nghị.

Điểm bẩy: Các qui định quốc tế

Dù các nguyên tắc căn bản và các mục tiêu thuộc trật tự giáo luật cũng như đặc tính đặc thù của Thị Quốc Vatican được nhấn mạnh, tuy nhiên, với đạo luật mới do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành, người ta gặp lại nhiều qui định và các thực hành tốt vốn được nhiều quốc gia trên thế giới trân quí.
 
Hàng loạt các nhà thờ Công Giáo tại 6 tiểu bang của Hoa Kỳ bị tấn công, nhà xứ cũng bị cướp phá.
Đặng Tự Do
20:53 01/06/2020
Các nhà thờ Công Giáo và đặc biệt là các nhà thờ chính tòa ở một số thành phố là một trong những tòa nhà bị tấn công trong các cuộc biểu tình và bạo loạn xảy ra trên toàn quốc trong tuần qua.

Các nhà thờ ở California, Minnesota, New York, Kentucky, Texas và Colorado đã bị tấn công. Nhiều nhà thờ chính tòa bị vẽ bậy hoặc bị hư hại. Nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Denver chịu thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Những kẻ phá hoại liên tục tấn công nhà thờ chính tòa Denver trong nhiều đêm biểu tình và bạo loạn cuối tuần qua. Nhà thờ và nhà xứ đã bị phun sơn với các khẩu hiệu bài Công Giáo, chống cảnh sát, hô hào vô chính phủ, và các khẩu hiệu và biểu tượng bài tôn giáo khác.

Các cửa xung quanh nhà thờ bị hư hại nặng. Cảnh sát phải bắn hơi cay để giải tán những kẻ quá khích tràn vào cướp phá nhà xứ. Các cánh cửa lớn của nhà thờ chính tòa đã bị phá hủy hoàn toàn và cần phải được thay thế.

Ba túi đá được cảnh sát tìm thấy từ bãi đậu xe, nhưng may mắn là các cửa sổ giá trị nhất của nhà thờ chính tòa không hề hấn gì. Các cửa sổ khác trong khuôn viên của nhà thờ đều bị vỡ toang.

Nhà thờ chính tòa St. Patrick ở thành phố New York đã bị vẽ bậy với các hàng chữ nguệch ngoạc mang nội dung xúc phạm Thiên Chúa.

Tại thành phố New York, video an ninh đã bắt được hai người phụ nữ phun sơn vào nhà thờ chính tòa vào chiều thứ Bảy, trong các cuộc biểu tình trong thành phố. Cảnh sát đang tìm cách xác định hai người phụ nữ và trao giải thưởng cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hai phụ nữ này.

Hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám mục New York và là Chủ tịch Ủy ban các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là CORL, đã ra một tuyên bố chung lên án bạo lực của cảnh sát đã dẫn đến cái chết của anh Floyd cũng như các hình thái bạo lực và cướp bóc đang diễn ra làm tê liệt nhiều thành phố Hoa Kỳ.

“Chúng tôi tôn trọng những ai muốn tôn vinh ký ức về anh George Floyd với các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại tội ác kinh hoàng và ma quỷ, là tội lỗi phân biệt chủng tộc, ” Đức Hồng Y nói.

“Trong khi hỗ trợ các thành viên trong gia đình của Floyd, chúng ta không thể gây nguy hiểm cho nhau khi chúng ta đáp lại sự thôi thúc phải đồng thanh lên tiếng và phẫn nộ. Cướp bóc và bạo lực làm mất đi trọng lượng trong tiếng nói tập thể của chúng ta.”

Tại Dallas, nhà nguyện Thánh Giuđa Tađêô nằm trong khu vực trung tâm thành phố đã bị ném đá gây hư hại nặng nề vào tối thứ Sáu.

Hiệu sách Các Nữ Tử Thánh Thánh Phaolô ở Chicago cũng bị ném đá tương tự. Sáng sớm Chúa Nhật, các nữ tu đã dời nhà tạm lên lầu. Những kẻ cướp bóc đã tràn vào hôi của nhưng may mắn không có gì bị lấy đi. Không ai trong số các nữ tu bị tấn công.

Nhà xứ của nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn xác Lên Trời ở Louisville bị thiệt hại do bị ném đá. Ba cửa sổ đã bị vỡ toang vào tối thứ Sáu và nhà thờ đã phải đóng ván lên các cửa sổ khác để ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra trong những ngày tới.

Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đang cư trú tại nhà xứ cùng với một linh mục khác. Ngài đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ôn hòa và lên án “ bạo lực vô nghĩa “ trong thành phố.

Tại Minneapolis, nơi các cuộc biểu tình bắt đầu, nhà thờ chính tòa Đức Bà – là Vương cung thánh đường đầu tiên ở Hoa Kỳ - chịu thiệt hại nhỏ trong các cuộc biểu tình vào ngày 29 tháng Năm. Một kẻ nào đó đã nhóm lửa đốt các hàng ghế trong nhà thờ, nhưng lửa đã không lan rộng ra.

“Vương Cung Thánh Đường Đức Bà đã chịu thiệt hại nhỏ ngày hôm qua. Không ai bị thương trong vụ việc này vào thời điểm chúng tôi đang cầu nguyện cho hòa bình và sự chữa lành trong thành phố của chúng ta, ” một phát ngôn viên của nhà thờ cho biết trong một tuyên bố đưa ra hôm 30 tháng Năm. Nhà thờ này là nhà thờ đồng chính tòa của Tổng Giáo Phận St. Paul và Minneapolis.

Tại Los Angeles, nhà thờ Đức Mẹ Núi Li Băng, nhà thờ chính tòa Thánh Phêrô, và nhà thờ chính tòa của Công Giáo Maronite thuộc giáo phận Công Giáo Đông phương Đức Mẹ Li Băng, đã bị phá hoại và vẽ bậy trong các cuộc biểu tình và bạo loạn.


Source:Catholic News Agency

 
Đức Thánh Cha dành một xe cứu thương để chăm sóc cho người vô gia cư ở Rome
Thanh Quảng sdb
21:18 01/06/2020
Đức Thánh Cha dành một xe cứu thương để chăm sóc cho người vô gia cư ở Rome

(Tin Vatican - Devin Watkins)

Vào sáng Chủ nhật ngày lễ Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm phép một xe cứu thương của Vatican được dành riêng để phục vụ người nghèo ở Rome.

Đức Thánh Cha đã giao xe cứu thương cho Văn phòng từ thiện của Tòa Thánh, do Đức Hồng Y Konrad Krajewski quản trị.

Theo một tuyên cáo của Văn phòng Báo chí Tòa thánh cho hay thì xe cứu thương thuộc về về Vương quốc Vatican và có biển số SCV (Vatican).

Từ đây, xe sẽ được xử dụng, dành riêng để hỗ trợ những người nghèo nhất, những người gần như không được tổ chức nào ngó ngàng tới.

Bị bỏ rơi và đơn độc

Tuyên cáo có nhắc lại nỗi thống khổ của bà Modesta Valenti, một phụ nữ lớn tuổi vô gia cư, sống ở thành phố Rome, mà thành phố đã dùng tên bà mà đặt cho một con phố.

Vào ngày 31 tháng 1 năm 1983, sau một đêm dài lạnh lẽo, bà ngủ ở ngoài ga tàu Termini, bà bị cảm lạnh.

Một số người qua đường đã gọi xe cứu thương, nhưng bị từ chối giúp đỡ; vì bà hôi hám thiếu vệ sinh... Sau cả 4 tiếng dài, một số bệnh viện cũng từ chối giúp bà. Bà Modesta bị bỏ rơi nằm trên đất, bị đau lạnh và bà đã chết trước khi xe cứu thương cuối cùng đến.

Một phần của một nhóm

Xe cứu thương mới được làm phép sẽ hỗ trợ các sáng kiến khác được giám sát bởi Thánh bộ trợ giúp người nghèo.

Các công cuộc cứu giúp người nghèo của Vatican bao gồm một phòng khám bệnh di động, để chăm sóc người nghèo ở các khu dân cư nghèo ở Rome, cũng như Phòng khám bệnh Lòng thương xót, được thiết lập tại Quảng trường Colonnade, gần Quảng trường Thánh Phêrô, nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc cứu trợ cho người vô gia cư trong khu vực.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Sàigon: Thánh lễ cầu cho các bệnh nhân.
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:52 01/06/2020
“ Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đến với cộng đoàn, Ngài canh tân đổi mới trái tim mỗi người chúng ta trở thành một người có trái tim biết yêu thương”. Đó là lời chia sẻ của Lm Chánh xứ Đa minh Vũ ngọc Thủ khi ngài chủ tế Thánh Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, cũng là ngày truyền thống cầu cho các bệnh nhân diễn ra lúc 10g chúa nhật 31/05/2020 tại giáo xứ Tân Việt, hạt Tân Sơn Nhì.

Vào lúc 9g00, ban Caritas, quý chức và các đoàn thể đón tiếp các bệnh nhân để các cha ban các Bí Tích Xức Dầu cho các bệnh nhân.

Xem Hình

Chia sẻ Tin Mừng, Lm Chủ tế nói: “ Chúa Giê su lập Bí Tích Hòa giải khi Chúa Thánh Thần được ban cho các tong đồ để các ngài ra đi mà ban các Bí Tich hòa giải mà trong Thánh lễ hôm nay các anh chị em bệnh nhân được lãnh nhận. Chúng ta biết gió nhưng không biết gió từ đâu tới và thổi đi đâu, sức mạnh của Chúa Thánh Thần cũng vậy chúng ta không thấy Chúa Thánh Thần, thế nhưng qua hiệu quả của gió chúng ta biết được sức mạnh của Ngài.

Chúa Thánh Thần hôm nay cũng đến với cộng đoàn, Ngài canh tân đổi mới trái tim mỗi người chúng ta trở thành trái tim biết yêu thương, chúng ta thấy trong Thánh lễ này vì tình thương mà các gia đình đã đem các bệnh nhân đến để tham dự Thánh lễ.

Ngài kết luận: Ước mong sao, mỗi người KiTo hữu có Chúa Thánh Thần ở với, luôn biết sống yệu thương và qua đó lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa đến với mọi người.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau khi ban phép lành, Lm Chánh và phó xứ gởi đến các bệnh nhân một món quà tượng trưng cho tấm lòng của cộng đoàn giáo xứ.

Xin dâng lên Chúa tất cả các bệnh nhân đau yêu tinh thần và thể xác. Xin Chúa Thánh Thần ban ơn trợ giúp để chúng con nhận ra Thánh ý Chúa mỗi ngày trong đời sống.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sứ điệp Ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Đức Hồng Y Charles Maung Bo,Tổng Giám mục Yangon, Miến Điện.
Phạm Văn Trung
09:42 01/06/2020
'Xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần lan tỏa khắp mọi dây thần kinh và mọi tế bào trong cơ thể anh chị em và mang lại sự chữa lành hoàn toàn cho mọi người trong anh chị em'

Chúc Anh Chị Em Một Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Vui Tươi, Sức Khỏe Và Hạnh Phúc!

Chúc tất cả các anh chị em đang tập trung tại nhà một Ngày Lễ Vui tươi. Đây là một ngày quan trọng. Sinh nhật của Mẹ Giáo hội. Ngày thứ 50 sau lễ Phục sinh, ánh sáng của Lễ Chúa Thánh Thần xuyên qua mọi bóng tối, qua sự kìm kẹp của Covid. Hãy để ánh sáng này bắt đầu chữa lành thế giới khỏi đại dịch đó.

Xin sức mạnh của Chúa Thánh Thần lan tỏa khắp mọi dây thần kinh và mọi tế bào trong cơ thể anh chị em và mang lại sự chữa lành hoàn toàn cho mọi người trong anh chị em. Đây là một ngày giải thoát tuyệt vời.

Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh Thần, xin đổ đầy trái tim chúng con sự khôn ngoan của Chúa.

Chúa Thánh Thần không có mặt thường xuyên trong cuộc trò chuyện của chúng ta. Anh chị em có thể đến nhà thờ rất thường xuyên, anh chị em có thể nghe về Chúa Cha, anh chị em có thể nghe về Chúa Giê-su Cứu thế nhưng không có nhiều bài giảng về Chúa Thánh Thần. Khi Chúa Giêsu được đưa lên thiên đàng sau khi 'hoàn thành sứ vụ', Ngài đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho tất cả những người theo Ngài.

Trong cuộc sống, chúng ta cần Chúa Thánh Thần nhưng chúng ta vẫn phải đấu tranh suốt đời vì chúng ta tương tác hạn chế với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là ngôi ba, không phải là một tinh thần mà là một ngôi, Kinh Thánh gọi là “Người”. Ngài tác động vào toàn nhân loại từng giây, từng phút. Thánh Phaolô chỉ ra, mỗi người trong chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, chúng ta hiếm khi tìm kiếm Sự Khôn Ngoan của Ngài. Chúng ta giống như người ăn xin mù lòa có chiếc đĩa vàng.

Một người ăn xin mù lòa thường ngồi trước một ngôi đền và xin ăn. Người ta thường ném cho anh những đồng tiền xu. Có lần một người hào phóng chuẩn bị ném một đồng xu nhưng đột nhiên cảm thấy chiếc đĩa được người ăn xin đưa ra trông khác hẳn. Ông kiểm tra cái đĩa. Đó là một đĩa bằng vàng. Ông kêu lên với người ăn xin: Anh giàu có hơn bất kỳ ai khác. Người ăn xin mù lòa nài nỉ: Đừng lấy một người ăn xin mù lòa ra làm trò đùa. Tôi là một người nghèo. Người đàn ông kia trả lời: đúng, anh bị mù và ăn xin nhưng anh đang ăn xin với một cái đĩa vàng.

Nhiều người Công Giáo giống như người ăn xin mù đó. Cầu xin sự khôn ngoan và an ủi, mà không biết chúng ta có sự hiện diện bằng vàng của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. Ngài không chỉ hiện diện như một người ban quyền năng và thần sức mạnh mà còn có bảy ân huệ hào phóng : khôn ngoan, thông minh, biết lo liệu, dũng cảm, hiểu biết, đạo đức và kính sợ Chúa. Giống như bảy bí tích, đời sống tinh thần của chúng ta được củng cố bởi bảy ân huệ này.

Không chỉ bảy ân huệ này, Chúa Thánh Thần cũng đồng hành với chúng ta theo bảy cách khác nhau - xây dựng chúng ta trong Thiên Chúa. Kinh thánh gọi Chúa Thánh Thần bằng nhiều tên khác nhau.

Ngài là PARACLETE, đấng an ủi trong thời đại đau buồn của chúng ta

Ông là Cố vấn giúp chúng ta chọn điều tốt bỏ điều ác,

Ngài là Thầy dạy mở mắt chúng ta về những mầu nhiệm trong Kinh thánh

Ngài là Bạn đồng hành trong cuộc hành trình cuộc đời của chúng tôi, hướng dẫn chúng ta đạt đến vận mệnh của mình

Ngài là Đấng Ban Sức Mạnh luôn sát cánh với chúng ta những lúc đổ vỡ, tuyệt vọng và cô đơn

Ngài là Đấng cầu thay với Chúa Cha cho mọi nhu cầu của chúng ta

Ngài là Đấng Chữa lành bằng sự hiện diện êm dịu của Ngài trong chúng ta.

Khi chúng ta chèo chống vượt qua phong tỏa cùng với gia đình, chúng ta cần rút ra ơn ích từ bảy ân huệ của Thánh Thần và bảy thuộc tính của Ngài mà chúng ta vừa nhắc đến.

Chúa Thánh Thần là một phần không thể thiếu trong hành vi sáng tạo, cứu chuộc và thiết lập lịch sử cứu độ. Trước khi tạo thành thế giới, Ngài bay là là trên cõi hỗn mang; trong sự thụ thai không mắc tội tổ tông truyền của Thiên Chúa nhập thể, Chúa Thánh Thần đóng một vai trò. Khi sứ vụ của Chúa Giêsu được hoàn thành, lời hứa ban Chúa Thánh Thần đã tạo lập ra Giáo Hội của Chúa Kitô. Vai trò của Chúa Thánh Thần là dấu chỉ sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa trong thế giới.

Chúa Thánh Thần là người làm ra kỳ công. Khi chúng ta nhận thức được sức mạnh của Ngài trong chúng ta, chúng ta được ban năng quyền để làm ra những điều kỳ diệu. Bây giờ, chúng ta hãy nhớ cảnh Thánh Phê-rô giảng đạo cho hơn ba ngàn người. Chỉ vài tuần trước, ông không xấu hổ khi phản bội Chúa Giê-su Ki-tô, không chỉ một lần, không phải hai lần mà ba lần. Sự hèn nhát đã nắm chặt tâm hồn ông. Các môn đệ khác chạy trốn, bỏ lại Chúa Giêsu, đạp lên nỗi thống khổ của Con đường Thập Tự.

Nhưng khi Chúa Thánh Thần đến, có một điều kỳ diệu lớn lao: tâm trí của mọi tông đồ đã được soi sáng. Họ hiểu ra ngay sứ mệnh của Chúa Giêsu. Họ tràn đầy mong muốn truyền giáo. Nỗi sợ hãi vốn gây què quặt nhường chỗ cho lời tuyên bố không hề sợ hãi. Đám mây hoang mang đã tan chảy và sự thật về sứ mệnh của Chúa Kitô được soi sáng trong lòng họ. Họ không sợ tử đạo. Được Chúa Thánh Thần đốt nóng, những ngư dân không chữ nghĩa của Galilê sẽ thách thức đế chế La Mã hùng mạnh, đi đến nhiều quốc gia khác nhau để truyền giáo. Được Chúa Thánh Thần tác động, các ông bước ra ngoài, đảo lộn thế giới và thành lập một hội thánh tồn tại được hai thiên niên kỷ, truyền cảm hứng cho hàng tỷ người theo con đường của Chúa Kitô. Điều này không đến từ tiền bạc hay tòa nhà đồ sộ mà nhờ sức mạnh tuyệt đối của Chúa Thánh Thần hoạt động trong những người đàn ông và phụ nữ đơn sơ đó. Họ đã hoàn thành lời tiên tri của Chúa Giê-su trong sách Công vụ 1: 8 “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”.

Giáo Hội Công Giáo cần phải lấy lại sức mạnh từ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ngài ngự trong mỗi người chúng ta: qua bí tích rửa tội, qua bí tích thêm sức của chúng ta. Anh em là Đền Thờ của Thánh Thần. (1 Cô-rin-tô 6:19). Ngài là tiếng nói hướng dẫn chúng ta vượt qua thời gian tốt lành cũng như thời gian tồi tệ.

Hãy để tôi suy nghĩ một chút về Tin Lành Thịnh Vượng:

Tin Lành Thịnh Vượng sinh ra từ giấc mơ tư bản của người Mỹ. Thông điệp cốt lõi của nó là cuộc sống là để tận hưởng những lợi ích vật chất trong thế giới này. Nghèo đói là một lời nguyền và thiếu phúc lành từ Thiên Chúa. Những người công chính luôn giàu có.

Tin Lành Thịnh Vượng là giáo huấn của Kinh thánh bị đóng gói như một lời hứa ngọt ngào về sự thịnh vượng. Tin Lành Thịnh Vượng đưa ra một tuyên bố táo bạo: Thiên Chúa sẽ ban cho bạn những khát khao của trái tim bạn: tiền trong ngân hàng, một cơ thể khỏe mạnh, một gia đình thịnh vượng và hạnh phúc vô biên. Thiên Chúa muốn làm cho mọi tín hữu trở thành những người giàu có. Một đức tin mạnh mẽ không thể sờ thấy được dẫn đến sự giàu có, đến phần thưởng trần thế sờ thấy được.

Các tín hữu sẽ trải nghiệm những xa hoa của cuộc sống như một phần thưởng cho lối sống tốt. Tin Lành Thịnh Vượng nhìn thế giới như nó vốn có và hứa hẹn một giải pháp. Nó đảm bảo rằng đức tin sẽ luôn luôn tạo ra một phương cách. Nếu bạn tin, và bạn nhảy vọt qua, bạn sẽ hạ cánh trên đôi chân của mình. Nếu bạn tin, bạn sẽ được chữa lành.

Những người giảng thuyết của nó được gọi là “Siêu mục sư”, rao giảng cho “các siêu hội thánh”. Họ thuyết giảng cho hàng ngàn người trong các sân vận động và truyền hình tới hàng triệu người. Họ rao giảng một thứ thần học 'hạt giống'. “Nếu bạn gửi 100 đô la (hạt giống) cho việc truyền giảng, Chúa sẽ cho bạn một ngàn đô la (thu hoạch)” Hầu hết các siêu mục sư là triệu phú.

Tin Lành Thịnh Vượng khuyến khích mọi người - đặc biệt là các nhà lãnh đạo và nhà thuyết giáo của nó – ăn uống vui chơi trong các máy bay phản lực tư nhân và những ngôi nhà trị giá hàng triệu đô la như là bằng chứng của tình yêu của Chúa.

Các mục sư hiểu được tình trạng của người dân ngày nay:

Các tín hữu muốn có một lối thoát: thoát khỏi nghèo đói, sức khỏe suy yếu và cảm giác rằng cuộc sống của họ là những cái xô bị rò rỉ. Điều họ muốn là sự trấn an: rằng nếu họ cầu nguyện, tin tưởng và sống đúng đắn, họ sẽ được thưởng dư dật tiện nghi.

Vì vậy, các mục sư rao giảng một ' Tin Lành Thịnh Vượng ' - nếu bạn tin tưởng và hào phóng cho nhà thờ, bạn sẽ gặt hái được gấp trăm lần sự giàu có và sức khỏe tốt.

Hầu hết các mục sư này thuộc về các hội thánh Ngũ Tuần. Họ cũng nhắm mục tiêu - Kitô hữu giàu có. Phong trào này đã trở thành một hiện tượng toàn cầu khi bất bình đẳng gia tăng ở nhiều quốc gia. Thay vì nhìn vào nguyên nhân gốc rễ của sự đau khổ của con người, các nguyên nhân cấu trúc của nghèo đói (khối tài sản khổng lồ trong tay một ít người giàu) Tin Lành Thịnh Vượng làm cho mọi thứ trở thành kết quả của nỗ lực cá nhân.

Vì sự hấp dẫn của thông điệp, hàng ngàn người được 'xức dầu trong các Giáo hội thịnh vượng' với Chúa Thánh Thần.

Đây gần như là một tội lỗi chống lại Chúa Thánh Thần. Bởi vì không lâu ngay sau khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria, bài Magnificat của Mẹ là một bản tóm tắt ngắn gọn về lệnh truyền của Chúa Thánh Thần: (Lu-ca 1: 53-53)

Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Và Chúa Giêsu nói:

Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa. (Mác-cô 10:25).

Tin Lành Thịnh Vượng chống lại Đức Giáo Hoàng hiện tại vì Ngài kiên quyết yêu cầu Kitô giáo nên quan tâm đến việc phân phối của cải và nâng đỡ người nghèo. Thường thì họ gọi Ngài là “Giáo Hoàng Đỏ” (cộng sản).

Tin Lành Thịnh Vượng này là một trở ngại rất lớn cho việc truyền giảng Kitô giáo ở phương Đông. Các truyền thống tôn giáo của phương Đông như Ấn Độ giáo, Phật giáo kiên quyết từ bỏ những thứ xa xỉ và sống một cuộc sống đơn giản. Đối với nhiều người ở phương Đông Kitô giáo nhìn từ quan điểm Tin Lành Thịnh Vượng là một mô hình khác của nền kinh tế thị trường của phương Tây. Nó không có gì để đóng góp cho sự khôn ngoan và đơn sơ của các tôn giáo phương đông.

Các nhà giảng thuyết Tin Lành thịnh vượng lạm dụng Chúa Thánh Thần vì họ thường thích thú các lời tiên tri và nói tiếng lạ, v.v... Hầu hết trong số họ tuyên bố đã được Chúa Thánh Thần ban quyền lực.

Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã đến với cộng đoàn các môn đệ và làm cho họ trở nên phong phú để loan báo Tin mừng về sự hiệp nhất của con người. Họ có thể bước ra ngoài và nói “Bấy giờ ông Phê-rô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi!” (Công vụ 3: 6)

Chúa Thánh Thần đã bị tiếng xấu từ những người tự xưng là 'hội thánh được xức dầu'. Có Chúa Thánh Thần không phải là chạy ra ngoài, nói tiếng lạ và tạo ra những cuộc triển lãm chữa bệnh ồn ào và cuồng loạn, tạo ra những lời tiên tri không hồi kết thường tấn công những người tôn giáo khác, gây ra sự chia rẽ giữa mọi người. Thứ Cơ đốc giáo đó đem đến tiếng xấu cho sứ điệp của Chúa Kitô.

Khi Chúa Thánh Thần đến, Sứ đồ Phao-lô tuyên bố một cách rõ ràng, làm cho cuộc sống của mình nên thanh sạch và sống một cuộc đời đạo đức. 'Sống theo Thần Khí, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa.' (Galát 5:16). Thay đổi đời sống, một cuộc sống chứng tá ​​thu hút người khác. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, có một sự thay đổi bất ngờ trong cõi lòng các Môn đồ, sự thay đổi đó đã tạo ra sự thay đổi trong cõi lòng của 3000 người nghe các ngài. Đời sống thay đổi và một đời sống được linh hoạt theo tinh thần 'bước đi theo Thần Khí’.

Bước đi theo Thần Khí nghĩa là chúng ta sống theo ba nguyên tắc:

Hiện tại như một Món quà tuyệt vời : Sống mọi khoảnh khắc, không phải là sống những phiền nhiễu và những nỗi đau của quá khứ, hay những giấc mơ của tương lai, nhưng sống mọi khoảnh khắc như món quà của Chúa Thánh Thần.

Trong sự Tùy thuộc : Sống cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là người ban phát, Thiên Chúa nuôi chim trời và mặc trang phục cho hoa lá trên cánh đồng, luôn là một người Cha Abba quan phòng.

Được hướng dẫn bởi Thần Khí : Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đi qua khu rừng của những nhầm lẫn khác nhau của cuộc sống. Cuộc sống là một cuộc đấu tranh liên tục để lựa chọn. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống biện phân không ngừng.

Đây là những trụ cột của một người được xức dầu, một môn đệ đích thực của Chúa Thánh Thần.

Một lần nữa, thế giới chứa đầy những tiên tri giả, những người quá sẵn lòng hướng dẫn sai lạc những tín hữu nhẹ dạ cả tin. Những người này tự xưng là tiên tri, họ tuyên bố có đường dây nóng lên thiên đàng và thực hiện các chuyến đi thường xuyên lên thiên đàng, kháo láo về những tiên đoán đáng ngờ, tham vọng thúc giục Chúa Thánh Thần, biến Kitô giáo thành kho truyện cười và pha loãng sứ điệp của Chúa Kitô. Sự ồn ào và cuồng loạn được cho là biểu hiện của Chúa Thánh Thần đã khiến hàng ngàn người sợ hãi khi tiếp cận với sứ điệp cứu độ của Chúa Kitô. Kitô giáo không phải là một tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc. Một trong những lý do khiến phương Đông tránh Kitô giáo là sự ồn ào và tiếng om sòm liên quan đến cái gọi là sứ mệnh Kitô giáo.

Sự loạn trí ghê tởm này này không được ngăn cản các Kitô hữu thực sự tìm kiếm những ân huệ thực sự của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô chỉ ra rằng mỗi Kitô hữu đích thực nên tìm kiếm những ân huệ ban sự sống từ Chúa Thánh Thần. (1 Cô-rin-tô 12: 4-8)

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh.

Chúng ta cầu xin cho chúng ta, là người Công Giáo, nhận thức được những ân huệ quyền năng tuyệt vời, những ân huệ có sẵn cho chúng ta. Chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống và ban quyền năng cho các tâm hồn Kitô hữu. Hôm nay chúng ta mừng ngày thiết lập Giáo hội nhờ sự can thiệp của Chúa Thánh Thần.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự can thiệp của Chúa Thánh Thần để làm sạch mọi tế bào bị nhiễm bệnh, để củng cố mọi dây thần kinh bị tổn thương. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể tiêu diệt virus này. Chúa Thánh Thần bay là là trên mặt đất trước khi có công trình sáng tạo, Chúa Thánh Thần cũng cần phải bay lượn trên mỗi người chúng ta, trên mỗi gia đình của chúng ta, trên các thành phố và quốc gia của chúng ta. Chúng ta hy vọng tất cả chúng ta có thể trở lại nhà thờ sau lễ này.

Chúng ta cần giơ tay và quỳ xuống cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Phaolô nói, lời cầu nguyện thực sự đến từ sự thúc giục của Chúa Thánh Thần.

Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. (Rm 8:26)

Chúng ta đã chèo chống qua Mùa Chay và Mùa Phục sinh với nỗi đau nhói tim trong bóng tối ngột ngạt. Chúng ta là những người có đức tin vào một Thiên Chúa sống động, yêu thương và giải thoát. Hãy để ánh sáng xuyên thấu của Chúa Thánh Thần phá vỡ bóng tối của đại dịch để làm sạch thế giới này. Hãy để mỗi gia đình đang lắng nghe những điều này được tràn đầy Chúa Thánh Thần.

Hãy để gia đình bạn được chúc phúc

Có sức khỏe tốt, sự bình an và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.

https://zenit.org/articles/pentecost-message-of-cardinal-charles-maung-bo-sdb-archbishop-of-yangon-myanmar/Myanmar

Phạm Văn Trung.
 
Văn Hóa
Cảm xúc Tháng Sáu
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
01:01 01/06/2020

Mùa Hè đã đến từ những ngày tháng Năm với tiếng ve sầu kêu rỉ rả. Những chú ve với vòng đời ngắn ngủi cố gắng ngân lên khúc hòa âm cuối trước khi tắt lịm trở thành những cái xác không hồn rụng rơi trên đất. Chợt giật mình thảng thốt.... Lại sắp hết nửa vòng tuần hoàn nữa, sao thời gian trôi đi nhanh thế! Mái tóc xưa xanh mướt giờ đã điểm sương muối để rồi mỗi năm Hè đến, những cảm xúc tháng Sáu lại trỗi dậy hòa lẫn vào thời tiết đất trời.

Tháng Sáu, hè vẫn râm ran trên những tán lá. Những chùm phượng vẫn thắm đỏ như những đốm lửa rực hồng trên những tàn cây bên đường cùng những cánh hoa bằng lăng tím ngắt và sắc vàng hoa điệp lung linh …. Nắng vẫn hừng hực như đổ lửa. Hơi nóng hầm hập trải dài trên đường phố, len lỏi qua từng ngóc ngách, đeo dính vào cảm giác con người từ những ngày sang hạ.

Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn phải căng mình ra dưới nắng rát vì cuộc mưu sinh. Những mầm cây, những tán lá xanh non vẫn khe khẽ cựa mình đón ánh nắng chói chang như để bớt già cỗi cùng thời gian, năm tháng.... Nắng tháng Sáu làm lòng người nhớ những cơn mưa rào bất chợt. Tiếng ve sầu chợt ngừng lại, lắng đọng trong cái không khí oi nồng. Tiếng sấm động xa xa rồi những cơn mây dông ùn ùn kéo đến bủa vây báo hiệu cơn mưa đang đến.

Mưa rào mùa hạ rơi nhanh, đập mạnh nhưng phũ phàng, dứt khoát giống như ly nước lạnh làm mát dịu cõi lòng và giúp tâm trí nguội đi những nghĩ suy nóng nảy. Mưa đổ ào ào như trút hết những hạt mưa trên cao thấm sâu vào lòng đất để cây lá căng tràn nhựa sống và những mầm xanh nẩy chồi thức giấc. Những cơn mưa mát lịm làm dịu đi cái nắng hè oi ả, gội mát lòng người. Những cơn mưa thất thường, mau đến và vội đi để cho nắng lại lên, lộ ra một bầu trời trong trẻo tinh khôi, như một tâm hồn thanh khiết được lọc rửa những bụi trần.

Tháng Sáu được Giáo hội dành để kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Kính nhớ Tình Thương Cứu Độ của Thiên Chúa được tỏ bày ra nơi con người Đức Giêsu và nhất là trong cái chết trên thập giá vì tội lỗi con người. Trái Tim hiền lành và khiêm nhường đã bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá. Từ đó Máu và Nước đã tuôn trào đến giọt cuối cùng để nhiều tội nhân được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Nước để làm cho các linh hồn trở nên công chính và Máu để ban sự sống cho các linh hồn.

Vì thế tôn thờ và chiêm niệm Trái Tim Chúa là học hỏi về sự hiền lành và khiêm nhường vì chính Chúa Giêsu đã phán: “Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11, 29). Với tôi, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu còn cưu mang và cho tôi được sinh ra trong cái nôi ấm áp ngày 17 và cũng đón cha tôi về yên nghỉ trong ngày mồng ba.

"Chúa đã yêu thương và tuyển chọn các ngươi" (Dnl 7, 6). Tháng Sáu năm nay cũng là thời điểm Ban chấp hành (BCH) Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhiệm kỳ 2020-2023 các cấp được bình chọn theo Nội quy mới ra mắt và tuyên hứa. Thực thi vai trò trách nhiệm của người giáo dân trong việc cộng tác với Giáo hội loan báo và làm chứng nhân Tin Mừng của Chúa Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.

Đây là những đoàn viên có tinh thần đạo đức, có năng lực và tinh thần trách nhiệm, có điều kiện tich cực dấn thân hi sinh phục vụ, biết cộng tác gắn bó mật thiết trong sinh hoạt đoàn thể, nhiệt thành cộng tác với Giáo hội địa phương để thực thi hiệu quả sứ vụ Tông đồ như trong thư gởi cộng đồng Dân Chúa ngày 05-05-2020, Hội đồng Giám Mục VN đã mời gọi: “Cách riêng với những anh chị em đang tích cực sống ơn gọi Tông đồ giáo dân, chúng tôi khuyến khích anh chị em can đảm dấn thân, trở thành muối men và ánh sáng (X. Mt 5, 13-17) trong môi trường anh chị em đang sống và làm việc, góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này.”

Ơn gọi của chúng ta đều là ơn ban từ Chúa Quan Phòng. Chúa mời gọi chúng ta trở nên Tông đồ của Ngài ngay trong môi trường mình đang sống và trong khả năng hạn hẹp của mình. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em...” (Ga 15, 16)

Như dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20, 1-16), chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa. Tất cả đều được đặt ngang hàng với nhau dù được phân công phục vụ với các chức danh khác nhau. Không phải đồng hàng trong cái hư danh do con người đặt ra, nhưng đồng hàng dưới đôi mắt nhân lành của Thiên Chúa. Ngài không xét đoán chúng ta theo tài năng và công trạng nhưng chỉ xét đoán theo tình yêu của Ngài và chúng ta phải “lấy tình yêu đáp lại tình yêu” đó.

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ những cơn mưa Tình Yêu của Người trong trái tim chúng con. Xin cho trái tim chúng con luôn rộng mở, để chúng con kín múc được những nguồn mạch thâm sâu của Tin Mừng. Một trái tim hiền lành biết mở ra đón nhận những đóng góp, phê bình của anh em. Một trái tim khiêm nhường biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu những điều chưa biết thay vì tranh cãi, lí luận đủ điều để bảo vệ những thiếu sót, khiếm khuyết của mình.

Xin cầu chúc các anh em tân BCH các cấp trở thành những vị Tông đồ nhiệt thành loan truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cùng mở rộng Nước Chúa là Nước chan hoà ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu, ánh sáng an bình. Amen.
 
VietCatholic TV
Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2020 của Đức Thánh Cha Phanxicô
Giáo Hội Năm Châu
16:17 01/06/2020
Nhân dịp Chúa nhật lễ Chúa thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đi Thông điệp hàng năm cho Chúa nhật Truyền giáo nhấn mạnh tới sứ mệnh trong bối cảnh đại dịch coronavirus hiện tại.

(Tin Vatican - Sr Bernadette Mary Reis, fsp)

Vào Chủ nhật lễ Hiện xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Thông điệp hàng năm cho ngày Chúa nhật Truyền giáo của năm 2020. Chủ đề được rút từ sách Tiên tri Isai: “Lạy Chúa, con đây, xin hãy sai con” (Is 6: 8). Chủ nhật Truyền giáo sẽ được mừng vào ngày 18 tháng 10 năm 2020.

Lời mời gọi dấn thân truyền giáo trong cuộc khủng hoảng hiện nay

Thánh Cha bắt đầu sứ điệp của mình với những lời ngài đã dùng để cầu nguyện trong dịp cầu nguyện bất thường được tổ chức vào ngày 27 tháng 3. Ngay cả trong sự mất phương hướng và trong nỗi sợ bị kích động bởi cuộc khủng hoảng toàn thế giới hiện nay, Thánh Cha Phanxicô nói Chúa vẫn tiếp tục hỏi “Ta sẽ sai ai? ” Ngay dù khi chúng ta cảm nghiệm được sự yếu hèn của mình trong nỗi đau và cái chết mà chúng ta đang trải nghiệm, chúng ta cũng được nhắc nhở về nỗi khát vọng sâu thẳm của chúng ta đối với cuộc sống và sự giải thoát khỏi ách quỷ ma! Từ đó lời mời gọi truyền giáo được dấy lên như một lời mời gọi ra khỏi chính mình trước tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, qua hành động và cầu nguyện.

Những người Truyền giáo với sứ mạng của Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giống như Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh của mình bằng cách chết trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi trao hiến cho người khác. Nhiệm vụ của chúng ta, lời mời gọi của chúng ta, sự sẵn lòng của chúng ta được bắt nguồn từ ơn gọi của Chúa Giêsu là sứ giả của Chúa Cha. Ơn gọi cá nhân của chúng ta, cũng được khởi nguồn từ sự kiện chúng ta là con cái của Chúa trong Giáo hội.

Một Giáo hội truyền giáo

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng: Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu trong lịch sử. Do đó, các thành viên được thanh tảy trong Giáo hội cũng được sai đi nhân danh Giáo hội. Qua những chứng tá và loan báo Tin Mừng của chúng ta mà Thiên Chúa tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Đây là cách mà Ngài có thể đụng chạm và biến đổi trái tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hóa ở mọi nơi và mọi thời.

Đáp lại lời mời gọi tâm giao

Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta: Sứ mệnh truyền giáo là một lời mời gọi tự do và ý thức trước tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Một lời mời gọi truyền giáo chỉ có thể được nhận ra khi chúng ta có một mối tương giao thân tình với Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo hội. Điều đó dẫn đến câu hỏi là chúng ta có sẵn sàng để đón nhận Chúa Thánh Thần hiện diện và hành động trong cuộc sống của chúng ta. Lời mời gọi đó được rộng mở cho các cặp vợ chồng, cho các tu sĩ nam nữ cũng như cho các thừa tác viên được truyền chức cho các phận vụ này trong cuộc sống.

Một câu hỏi khác mà Đức Thánh Cha đề cập đến: Chúng ta nên tự hỏi mình liệu chúng ta có sẵn sàng để được sai đi bất cứ nơi nào và lúc nào để loan truyền đức tin và tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi: Cha, Con và Thánh Thần không? Và câu hỏi cuối cùng là nếu chúng ta sẵn sàng đáp lại lời mời gọi như Đức Maria hằng luôn mở rộng tâm lòng trước tôn ý của Thiên Chúa không?

Sứ mệnh truyền giáo trong cuộc sống

Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận thách đố của sứ mệnh mệnh truyền giáo của Giáo hội ngày nay là “Chúa muốn gì nơi chúng ta trong thời điểm xảy đại dịch này? ” Khi nhiều người chết đơn độc hay bị bỏ rơi, khi nhiều người bị mất việc, với sự giãn cách xã hội, phải bó chân ở nhà, Đức Thánh Cha nói chúng ta được mời để khám phá lại rằng chúng ta cần các mối quan hệ xã hội cũng như tương quan cộng đoàn và mối tâm giao với Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha cho hay: Tình huống này có thể làm tăng thêm nhận thức của chúng ta trước nhu cầu liên đới với tha nhân. Thiên Chúa sẽ chạm đến trái tim của chúng ta thông qua những tiếng kêu thống thiết trước những nhu cầu của tha nhân. Những người trong cộng đoàn của chúng ta, những người không được tham dự các nghi lễ phụng vụ của giáo xứ, giờ đã thấm thía cảm nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu không được tham dự các Thánh lễ mỗi Chủ nhật!

Ta sẽ sai ai?

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc sứ điệp của mình bằng câu hỏi mà Tiên tri Isai đã viết “Ta sẽ sai ai? ” một lần nữa lại được vang vọng nơi chúng ta và đợi chờ chúng ta đáp trả một cách quảng đại: “Lạy Chúa con đây, xin hãy sai con!” (Is 6: 8).

Sứ điệp Ngày Chúa nhật Truyền giáo sẽ là một ngày mà chúng ta sẽ tái xác quyết lại thông qua tâm tình cầu nguyện, suy tư và cống hiến vật chất một các tích cực vào sứ mệnh của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Ngài.

Đức Thánh Cha Phanxicô xác định rằng sự quyên góp được thực hiện vào ngày 18 tháng 10 sẽ hỗ trợ các công cuộc truyền giáo được thực hiện dưới danh hiệu Hội Truyền giáo Tòa thánh, đáp ứng những nhu cầu tinh thần và vật chất cho nhiều dân tộc và nhiều Giáo hội trên khắp thế giới, hầu cứu rỗi các linh hồn.
 
Hoa Kỳ đại nạn, Trung Quốc thoát hiểm, mộng bá quyền phơi phới trào dâng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:11 01/06/2020

1. Các diễn biến chính trong tình hình của Hoa Kỳ hiện nay
Tính đến ngày thứ Ba mùng 2 tháng Sáu, tử vong toàn thế giới đã lên đến 376, 990 người, trong số 6, 357, 127 trường hợp nhiễm coronavirus.

Riêng tại Hoa Kỳ, đã có 106, 889 trường hợp tử vong, trong số 1, 857, 932 trường hợp nhiễm coronavirus.

Các cuộc biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của anh George Floyd đã nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới. Ngay trong tình trạng cô lập vì coronavirus, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Đức, Pháp, Anh, Tân Tây Lan và thậm chí tại Tây Ban Nha nơi các cuộc tụ họp trên 25 người có thể dẫn đến mức phạt đến 10, 000 Euros cho mỗi người tham gia. Tờ South China Morning Post ghi nhận một phản ứng thích thú từ các mạng xã hội của Trung Quốc đối với những gì đang diễn ra tại Mỹ. Người ta nói về các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ với đầy sự hả hê.

Các cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ là đặc biệt nghiêm trọng vì dễ dàng trở thành bạo động đốt phá, cướp bóc, và hủy hoại sinh kế của những người vô tội.

Trong bối cảnh đó, tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ để giải quyết nhanh chóng vấn đề cho các thống đốc bang

Hôm thứ Hai 1 tháng Sáu, trong bài phát biểu của mình tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington DC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nhấn mạnh rằng việc gây bạo loạn và cướp bóc là hành động của bọn khủng bố quốc nội và đe dọa sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ tới các tiểu bang nếu họ không ngăn chặn được các cuộc bạo loạn trong khu vực tài phán của mình.

“Thưa đồng bào người Mỹ của tôi, nhiệm vụ tổng thống đầu tiên và cao nhất của tôi là bảo vệ đất nước vĩ đại của chúng ta, và người dân Mỹ.

Tôi đã tuyên thệ giữ vững luật pháp của quốc gia chúng ta và đó chính xác là những gì tôi sẽ làm.”

Tổng thống Trump cho biết ông đang huy động tất cả các nguồn lực dân sự và quân sự có sẵn của liên bang để ngăn chặn các cuộc bạo loạn và cướp bóc để chấm dứt sự hủy diệt và đốt phá.

Ông cho biết đã đề nghị tất cả các thống đốc tiểu bang triển khai Vệ binh Quốc gia của mình và sẽ ra tay hành động nếu họ không làm như thế.

“Nếu một thành phố hoặc một tiểu bang từ chối thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của cư dân mình, thì tôi sẽ triển khai quân đội Hoa Kỳ và nhanh chóng giải quyết vấn đề cho họ, ” ông nói.

Các viên chức hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã được bổ sung vào 1, 700 thành viên Vệ binh Quốc gia đang có mặt để khống chế bạo lực trong các cuộc biểu tình ở Washington DC, gây ra sự tàn phá kinh hoàng vào tối Chúa Nhật 31 tháng Năm.

Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến nguyên nhân cái chết của anh George Floyd, tiểu bang Minnesota xác nhận cái chết của Floyd được coi là một vụ giết người, nhưng chính quyền phủ nhận anh ta chết vì ngạt thở.

Một nhân viên kiểm tra y tế ở Minnesota đã xếp cái chết của George Floyd là một vụ giết người, và nói rằng trái tim của Floyd đã ngừng đập trong khi anh ta bị cảnh sát kiềm chế và bị đè cổ.

Báo cáo hôm thứ Hai liệt kê ra những tình trạng quan trọng khác dẫn đến cái chết của anh George Floyd bào gồm: mắc bệnh tim và cao huyết áp, đã nhiễm độc fentanyl và sử dụng methamphetamine gần đây.

Những kết luận này được đưa ra vào tuần trước, nhưng đây là lần đầu tiên chính quyền chính thức xác định cái chết của anh ta là một vụ giết người.

Tại địa điểm nơi Floyd bị ghì chặt xuống vỉa hè, anh trai của George Floyd, là Terrence, đã đưa ra lời khẩn cầu xin chấm dứt ngay các cuộc biểu tình bạo lực và các hành vi cướp phá trên khắp nước Mỹ.

Thị trưởng của các thành phố nơi xảy ra các cuộc biểu tình tương đối ôn hòa vào hôm Chúa Nhật đang suy tính có nên dỡ bỏ hay giữ lệnh giới nghiêm.

Miami đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm, được thực hiện sau khi bạo lực xảy ra tại một cuộc biểu tình vào tối thứ Bảy. Nhưng Thị trưởng Seattle là bà Jenny Durkan vừa tuyên bố thành phố của bà sẽ bị giới nghiêm từ 6 giờ tối.

Giờ giới nghiêm của thành phố Minneapolis đã được dời lại hai giờ, tức là bắt đầu từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng thay vì từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng. Sau một đêm bạo lực, Washington DC sẽ ngừng hoạt động từ 7 giờ tối.

Chính quyền tiểu bang Minnesota cho biết hôm thứ Hai rằng người lái xe tải chở dầu đã lao vào người biểu tình trên cầu 35W bắt ngang qua sông Mississippi. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ tin rằng anh ta không có ý định tấn công những người biểu tình.

Ủy viên An toàn Công cộng John Harrington cho biết tài xế xe tải, Bogdan Vechirko, 35 tuổi, lái một chiếc xe dầu từ Xa lộ Liên tiểu bang 94 về hướng cầu 35W, đã tăng tốc vì lên cầu nhưng không hành động nhằm chủ ý tấn công những người tham gia cuộc biểu tình. Anh ta đang trên đường đi nhận dầu nên container trên xe lúc đó không có dầu.

Harrington nói: “Anh ấy đang tăng tốc để lên cầu, nhìn thấy đám đông và hoảng loạn.”

Harrington cho biết Vechirko đã nói với các nhà chức trách rằng anh ta nhìn thấy một phụ nữ trên chiếc xe đạp ngã xuống trước mặt anh ta và anh ta đã đạp thắng. Anh ta đã bị những người biểu tình lôi xuống xe và đánh đấm dữ dội nhưng không nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi ra khỏi nhà thương, anh ta đã bị cảnh sát giam giữ.


Source:Washington Post
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về tình trạng kinh hoàng hiện nay
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục lãnh đạo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng hiện nay

Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez của Tổng Giám Mục Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra một tuyên bố về cái chết của anh George Floyd và các cuộc biểu tình kinh hoàng đang tiếp diễn ở các thành phố Hoa Kỳ từ vài ngày qua. Tuyên bố này diễn ra chỉ vài ngày sau tuyên bố hôm thứ Sáu từ bảy vị Tổng Giám Mục và Giám Mục là chủ tịch các ủy ban USCCB. Điều này cho thấy tính cách nghiêm trọng và cấp bách của tình hình hiện nay.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


Việc giết hại anh George Floyd là một hành động vô nghĩa và tàn bạo, một tội lỗi kêu thấu đến trời cao để đòi công lý. Làm thế nào lại có thể xảy ra ngay tại Hoa Kỳ này những cảnh tượng kinh hoàng trong đó cuộc sống của một người da đen có thể bị tước đoạt trong khi những lời kêu cứu của anh không được trả lời, và sự giết hại anh được ghi hình lại khi nó đang xảy ra?

Tôi đang cầu nguyện cho linh hồn anh George Floyd và những người thân yêu của anh, và thay mặt cho các giám mục anh em của mình, tôi chia sẻ sự phẫn nộ của cộng đồng da đen và những người đứng cùng với họ ở Minneapolis, Los Angeles và trên toàn quốc. Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh ta phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó. Và chúng ta tin tưởng rằng chính quyền dân sự sẽ điều tra vụ giết hại anh ta một cách cẩn thận và bảo đảm những người chịu trách nhiệm phải bị trừng trị thích đáng.

Tất cả chúng ta nên hiểu rằng các cuộc biểu tình mà chúng ta đang thấy trong các thành phố của chúng ta phản ánh sự thất vọng và sự tức giận chính đáng của hàng triệu anh chị em chúng ta, những người thậm chí ngày nay vẫn phải trải qua sự coi thường, sỉ nhục, và không có cơ hội bình đẳng chỉ vì chủng tộc hoặc màu da của họ. Xã hội Hoa Kỳ không nên diễn ra như thế. Phân biệt chủng tộc đã được dung thứ quá lâu trong cách sống của chúng ta.

Mục sư Martin Luther King, Jr. đã nói thật chí lý: bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe. Chúng ta nên lắng nghe nhiều hơn ngay từ bây giờ. Lần này, chúng ta phải lắng nghe những gì mọi người nói qua nỗi đau của họ. Cuối cùng chúng ta cần phải thoát khỏi sự bất công chủng tộc vẫn còn lây nhiễm quá nhiều trong các lĩnh vực trong xã hội Mỹ.

Tuy nhiên bạo lực của những đêm gần đây là tự hủy hoại và tự đánh bại mình. Chúng ta chẳng đạt được gì qua bạo lực và rất nhiều mất mát. Chúng ta hãy tập chú vào phần thưởng là sự thay đổi thực sự và lâu dài.

Các cuộc biểu tình hợp pháp không nên được khai thác bởi những người có các giá trị và các chương trình nghị sự khác nhau. Đốt phá và cướp bóc cộng đồng, hủy hoại sinh kế của những người lân cận của chúng ta, không thúc đẩy chính nghĩa bình đẳng chủng tộc và phẩm giá con người.

Chúng ta không nên để anh George Floyd chết một cách vô lý. Chúng ta nên tôn vinh sự hy sinh của cuộc đời anh bằng cách loại bỏ sự phân biệt chủng tộc và sự căm ghét khỏi trái tim của chúng ta và canh tân cam kết thực hiện lời hứa thiêng liêng của đất nước chúng ta là trở thành một cộng đồng yêu quý cuộc sống, tự do và bình đẳng cho tất cả mọi người.

+ Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ



Source:USCCB