Dân số và sự sống con người: Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt

1.4. Những nguy cơ của chính sách dân số khắc nghiệt

Kể từ khi sản xuất được viên thuốc tránh thai (1958), chế tạo ra được những phương pháp tránh thai để áp dụng vào việc kế hoạch hóa gia đình cho đến nay, người ta đã thấy được một số hậu quả có ảnh hưởng không nhỏ lên đời sống con người, nhất là những người nữ. Có nhiều nguy cơ sinh học sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống của các bà mẹ và các đứa trẻ được sinh ra nếu cứ sử dụng thường xuyên các loại thuốc ngừa thai, các phương pháp phá thai, và cứ sử dụng hoài và không đúng cách thì phụ nữ có nguy cơ vô sinh, ung thu vú, tử cung… [1]

“Do chính sách một con và tư tưởng thích có con trai nối dõi nên nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc đã tìm mọi cách để bảo đảm rằng đứa con sinh ra sẽ là trai. Một số bậc phụ huynh đã trả tiền để được siêu âm giới tính thai nhi bất hợp pháp và nạo phá thai nếu đó là thai nữ.” [2] Việc áp dụng các biện pháp tránh thai hoặc các chính sách dân số khắc nghiệt sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống con người sau này.

1.4.1. Chênh lệch giới tính

Các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, các chính sách hạn chế sinh sản đã làm cho tỷ lệ nam nữ không bình thường. Tại các nước có chính sách hạn chế sinh sản, chúng ta đều thấy rõ sự chênh lệch giới tính. Số nam sinh ra thường ít hơn nữ theo tỷ suất sinh sản tự nhiên, nhưng tại những nơi áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, số trẻ nam được sinh ra lại nhiều hơn nữ. Sự chênh lệch càng lớn hơn tại những nước có nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhất là các nước Châu Á. [3] Với quan niệm trọng nam khinh nữ, cùng với biện pháp siêu âm tiền sản để biết thai nhi là nam hay là nữ, khi người ta biết được là nữ thì người ta bỏ đi, còn nam thì giữ lại. Cái điều này đã làm cho sự chênh lệch giới tính ngày càng cao, nhất là tại Trung Hoa. [4]

Người ta rất lo ngại về sự tác động xấu của chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc đối với tệ nạn buôn người. Ông Steven Law, thứ trưởng lao động Mỹ, cho biết trong số khoảng 600-800 ngàn người bị mua bán ra nước ngoài trên toàn thế giới có đến 250 ngàn nạn nhân là ở Trung Quốc. Sự mất quân bình giới tính ở Trung Quốc là do chính sách một con. Chính sách này là một trong những nguyên do gây ra tình trạng này. [5]

Từ sự chênh lệch này sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đền xã hội nhức nhối. Việt Nam đang đứng trong tình trạng báo động về sự chênh lệch giới tính. Tỷ lệ là 100 gái/120 trai. Theo Nguyễn Bá Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, trong quý I năm 2007, có 338.000 bé được sinh ra thì có khoảng 154.400 bé gái và 183.700 bé trai. Năm 2006, tỷ lệ này là 100 gái/110 trai, tương đương với Trung Quốc những năm 1988-1990, khi đất nước này bước vào giai đoạn mất cân bằng giới tính. [6] Mức chênh lệch này không đồng đều, mỗi nơi mỗi khác. “Tại thời điểm 2005, Hòa Bình có tỷ lệ 100 gái/111 trai; Tuyên Quang là 100/112; Phú Thọ 100/111; Thái Nguyên 100/112; Phú Yên 100/116…[7]

Sự mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh là một trong những mặt trái của việc thực hiện chính sách kiểm soát sinh đẻ. Tình trạng này thường xuất hiện ở những nước có chính sách hạn chế sinh đẻ khắc nghiệt, chẳng hạn như ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, các tỉnh có sự chênh lệch cao cũng là những địa phương thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình. Và hình như, nơi nào người ta thực hiện chính sách tốt thì nơi đấy sự chênh lệch giới tính càng cao. [8]

1.4.2. Những vấn đề xã hội

Từ việc chênh lệch giới tính quá lớn, một số rất lớn đàn ông không tìm được vợ, nhất là những người nghèo và ít học. Điều này không chỉ là vấn đề của bản thân người không cưới được vợ mà là một gánh nặng cho toàn xã hội. Khi người đàn ông sống trong sự kìm nén, không được thỏa mãn nhu cầu sinh lý, thì sẽ gây ra nhiều vấn đề xã hội khác: nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em, nô lệ tình dục, sinh hoạt tình dục bừa bãi… sẽ có nhiều người bị bệnh tâm lý, bệnh tâm thần và các căn bệnh khác liên quan đến tình dục. Ở Trung Quốc, số đàn ông rất lớn không thể lấy được vợ. Từ nhu cầu giải quyết sinh lý của những người này, nhiều băng đảng đã cấu kết buôn bán phụ nữ. Gần đây, nhiều cô gái Việt lấy chồng ở Đài Loan, cứ tưởng là sang đó được hạnh phúc, đổi đời, ai ngờ sang đó làm vợ cho nhiều người trong một gia đình. Nhiều phụ nữ Việt đã bị lừa bán ra nước ngoài cho những chủ chứa. Việc mất thăng bằng về giới tính không phải là chuyện nhỏ. Một đại diện của Việt Nam tại UNPFA có văn phòng ở Hà Nội cho biết: “Hệ quả của tình trạng mất cân bằng về giới tính đã và đang xảy ra tại các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Họ phải nhập khẩu các cô dâu, nhiều người trong số này là từ Việt Nam. Tôi không biết Việt Nam sẽ nhập khẩu cô dâu từ đâu nếu chuyện tương tự xảy ra tại đây trong 10 hoặc 15 năm tới”. [9]

Christophe Guilmoto nói: “Khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng chính xác của việc thiếu phụ nữ trong 20 năm tới. Không một xã hội loài người nào mà chúng ta biết lại phải đối mặt với vấn đề tương tự”. [10]

Nguyễn Bá Thủy cho biết: “Sự mất cân bằng này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong tìm kiếm tình bạn và vấn đề hôn nhân. Nhiều nam giới không tìm được bạn tình hoặc vợ sẽ lâm vào tình trạng gia tăng nồng độ nội tiết tố nam (testosteron), dẫn đến tăng tính hung hãn. Tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và mại dâm cũng sẽ tăng.” [11] Những năm gần đây, làn sóng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới để đưa sang Camphuchia, Trung Quốc… đang ngày càng gia tăng và có quy mô lớn. [12] Không chỉ là chuyện buôn người, nhưng rồi đây, những người đàn ông muốn lấy được vợ hoặc để giải quyết vấn đề ức chế sinh lý phải dùng những biện pháp bỉ ổi khác, và điều này đã xảy ra rồi.

“Một số làng quê đã xuất hiện tình trạng con gái bị phong tỏa không cho tiếp xúc hoặc lấy chồng ở nơi khác, các thanh niên làng khác sang chơi, tìm hiểu bạn gái thì bị trai làng sở tại đuổi đánh, nhiều vụ đã thành án mạng, tình đoàn kết của hai làng bị phá vỡ qua nhiều thế hệ; một số tệ nạn xã hội khác cũng gia tăng, đó là hiếp dâm, xâm hại tình dục trẻ em, quan hệ tình dục đồng tính…”[13]

Các chuyên gia lo ngại hiện tượng này có thể gây ra những hậu quả xã hội khôn lường. Một số người tin rằng việc hàng triệu đàn ông không thể kiếm được vợ có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng các hành vi bạo lực, chống xã hội. [14]

“Theo sự phân tích của giới chuyên môn, sự mất cân bằng giới tính sẽ đưa tới nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Nạn trai thừa gái thiếu sẽ có phần tác động làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái cũng như hoạt động mại dâm. Ở khía cạnh khác, nhiều nhà xã hội học cho rằng một số thanh niên nam giới bị cô đơn vì không tìm được người yêu bạn tình hay để lập gia đình, sẽ có thể bị lâm vào tình trạng gia tăng những bệnh tâm thần, và có thể làm cho tính tình thay đổi chẳng hạn như trở thành hung hãn.” [15]

1.4.3. Môi trường

Những năm gần đây, nhân loại phải chịu nhiều thảm họa do thiên nhiên gây ra. Những thiên tai xảy ra phần lớn là do ý thức của con người. Mỗi khi con người khai thác thiên nhiên một cách bừa bãi thì người ta không thể lường được hậu quả của nó. Môi trường đang trở thành đề tài nóng bỏng, khiến các nhà khí tượng, khoa học, xã hội học, sinh thái học và các quốc gia đang phải bận tâm. Môi trường đang là vấn đề của toàn xã hội, của toàn thế giới. Những gì đang xảy ra trong môi trường hiện nay là hồi chuông báo động cho con người. Nếu con người không ý thức được tầm quan trọng của mình đối với môi trường thiên nhiên, thì hậu quả không chỉ là mình phải gánh chịu trước mắt nhưng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các thế hệ con cháu sau này. Người ta đang nỗ lực kêu gọi mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi công ty xí nghiệp và mỗi quốc gia phải hành động ngay để cứu vãn môi trường. Người ta kêu gọi bảo vệ các loài động thực vật khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Người ta kêu gọi khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vừa phải. Người ta kêu gọi trồng cây gây rừng… Nhưng người ta quên đi một điều, một điều rất quan trọng có lẽ ảnh hưởng đến môi trường nhất, đó là sự mất cân bằng giới tính nơi con người, dân số già cỗi, sinh đẻ khan hiếm. Sự mất cân đối trong việc gia tăng dân số tự nhiên không là nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường ư? Chắc chắn là có. Con người cũng là một nhân tố trong môi trường thiên nhiên. Mỗi một nhân tố trong môi trường bị suy thoái thì chắn hẳn môi trường sống của các nhân tố còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Như chúng ta đều biết, con người làm chủ môi trường, con người có quyền thống trị trên thiên nhiên và con người cũng là một yếu tố trong thiên nhiên. Do đó, mức tăng trưởng tự nhiên về dân số là điều rất quan trọng đối với sự tồn vong của môi trường thiên nhiên.

“Cuộc sống có qui luật của nó. Con người muốn tồn tại và phát triển thì cần phải có những tác động để hạn chế những hiểm hoạ của thiên nhiên, nhưng cũng cần phải có những giải pháp để bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống như qui luật của nó, có những điều không thể thay đổi và chúng ta cần phải sống chung với nó một cách hoà bình để giữ vững sự cân bằng của vũ trụ. Có như vậy chúng ta mới có thể thành công trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng con người.” [16]

Dù nói gì thì nói, dù kêu gọi gì thì cứ kêu gọi, nhưng nếu không kêu gọi bảo vệ nhân vị sự sống, không tôn trọng giá trị và phẩm giá của con người thì những tiếng kêu đó chỉ là tiếng kêu trong sa mạc. Con người là nhân tố quyết định trong mọi vấn đề sống con. Để bảo vệ và duy trì môi trường sống cho mọi loài vật thì tiên vàn bảo vệ và duy trì sự sống và phẩm giá con người.

Chú thích:
[1] Thảo Nguyên, Thuốc tránh thai - con dao hai lưỡi, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.sahara.com.vn/index.php?page=5&sub=943&script=tintuc&type=news&script=tintuc&view=10488.
[2] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/.
[3] Mất cân bằng giới tính: Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[4] Chính sách một con của Trung Quốc và tệ nạn buôn người, truy cập ngày 15/11/2007; http://www.voanews.com/vietnamese/archive/2006-03/2006-03-13-voa41.cfm?renderforprint=1&textonly=1&&TEXTMODE=1&CFID=223242319&CFTOKEN=62695177.
[5] Ibidem.
[6] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[7] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó., truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[8] Thanh Nhàn, Việt Nam chưa sợ mất cân bằng giới tính, truy cập ngày 05/12/2007; http://www.vnexpress.net/Vietnam/Doi-song/2006/07/3B9EC3AD/.
[9] Mất cân bằng giới tính: Việt Nam - bản sao của Trung Quốc, truy cập ngày 02/11/2007; http://thtt.chinhphu.vn/home/xahoi/2007/11/200711021907283750.aspx.
[10] Ibidem.
[11] Chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh đã đến mức báo động, truy cập ngày 21/11/2007; http://chamsoctre.com/content/view/304/32/.
[12] Phạm Trần, Hàng chục ngàn phụ nữ VN bị bán qua biên giới, truy cập ngày 22/11/2007; http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2004/12/357765/.
[13] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.
[14] Thanh Bình, Trung Quốc soạn thảo luật chống mất cân bằng giới, truy cập ngày 18/11/2007; http://vietnamnet.vn/thegioi/2007/08/733788/.
[15] Báo động tình trạng chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh ở Việt Nam, truy cập ngày 20/11/2007; http://www.sbtn.net/?catid=61&newsid=21071&pid=157.
[16] Hồng Long, Chênh lệch giới tính và những vấn đề của nó, truy cập ngày 23/11/2007; http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id=BT21047731.