Anne Hendershott trên Catholic World Report, ngày 24 tháng 1 năm 2024, nhận định rằng: Nỗ lực áp đặt quan niệm của phương Tây về mối quan hệ đồng tính đã diễn ra được một thời gian và Vatican hiện là một phần của vấn đề.



Thực vậy, tuyên bố Fiducia Supplicans của Vatican “mâu thuẫn trực tiếp với đặc tính văn hóa của các cộng đồng châu Phi”, các giám mục châu Phi đã chính thức đưa ra một tuyên bố phản đối mạnh mẽ như thế vào ngày 11 tháng 1 với tựa đề “Không ban phúc lành cho các cặp đồng tính trong các Giáo hội châu Phi”.

Được ký bởi Đức Hồng Y Congo Fridolin Ambongo Besungu, chủ tịch Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar (SECAM), tuyên bố thừa nhận “làn sóng chấn động” mà Fiducia Supplicans đã gây ra, đồng thời tuyên bố rằng “nó đã gieo rắc những quan niệm sai lầm và tình trạng bất ổn trong tâm trí của nhiều tín hữu giáo dân, những người thánh hiến và thậm chí cả các mục tử và đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ.”

Mặc dù tuyên bố của Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar minh nhiên phủ nhận việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô cố gắng áp đặt “bất cứ hình thức thuộc địa hóa văn hóa nào ở Châu Phi”, nhưng thật khó để ủng hộ một tuyên bố như vậy khi chính Fiducia Supplicans cũng có những dấu chỉ của một việc thuộc địa hóa văn hóa—một nỗ lực nhằm áp đặt quyền lực nhà nước thuộc địa của Vatican thông qua sự phụ thuộc văn hóa của một khuôn khổ khái niệm hoặc một bản sắc văn hóa này lên một khuôn khổ khái niệm hoặc bản sắc văn hóa khác ở Châu Phi.

Và dù Hội nghị chuyên đề các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar thừa nhận rằng tuyên bố của Vatican về các phước lành đồng tính “không thay đổi giáo huấn của Giáo Hội về tình dục và hôn nhân của con người”, tuyên bố của các giám mục châu Phi vẫn đã phàn nàn rằng “ngôn ngữ mà nó sử dụng vẫn quá tinh tế để những người bình thường có thể hiểu được”.

Có thể lập luận rằng sự mơ hồ phức tạp của Fiducia Supplicans tự nó là một dấu ấn của chủ nghĩa thực dân văn hóa bởi vì tuyên bố này có thể được định nghĩa khác nhau bởi những người có quyền áp đặt cách giải thích của riêng họ về giá trị của các mối quan hệ đồng tính lên người khác bằng những cách giải thích rất khác nhau. Đó chính là ý nghĩa của chủ nghĩa thực dân văn hóa. Khái niệm chủ nghĩa thực dân văn hóa thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa như một phương tiện để thực hiện quyền lực chính trị và kinh tế. Ở đây, chúng ta đã thấy ở đất nước của chúng ta rằng không cần thiết phải có các hành động quân sự để thay đổi đáng kể luật pháp về các vấn đề như quyền sinh sản—bao gồm cả phá thai—và chuyển đổi giới tính. Thay đổi văn hóa có thể có tác động mạnh mẽ như chiến tranh về hậu quả của nó.

Giáo hội từ lâu đã cảnh cáo về hậu quả của việc áp đặt những thay đổi văn hóa mạnh mẽ lên nhiều tập tục, bao gồm cả đạo đức tình dục và các vấn đề cuộc sống. Giáo Hội luôn khuyên người Công Giáo nên “phản văn hóa” trong các vấn đề sự sống và hôn nhân bằng cách bác bỏ việc chấp nhận quyền sinh sản của văn hóa phương Tây bằng cách tôn trọng mọi sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, và bảo vệ hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Nhưng bây giờ, theo một cách nào đó, Vatican rõ ràng đang cố gắng yêu cầu tất cả chúng ta xác nhận một số giá trị văn hóa suy đồi nhất của nền văn hóa chính thống.

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo, chủ tịch Hội nghị chuyên đề của các Hội đồng Giám mục Châu Phi và Madagascar, khi giải thích việc Châu Phi từ chối việc chúc phúc cho các cặp đồng tính luyến ái, đã lưu ý rằng phương Tây đã đánh mất ý nghĩa của hôn nhân và văn hóa như thế nào, điều mà ngài nói “là trong suy giảm…” “Từng chút một chúng sẽ biến mất. Chúng sẽ biến mất. Chúng tôi cầu chúc cho chúng một cái chết tốt đẹp…” Về bản chất, đây là một lời khiển trách rõ ràng đối với chủ nghĩa thực dân văn hóa.

Không chỉ các giám mục châu Phi mới bác bỏ Fiducia Supplicans và việc nó khuyến khích việc ban phúc lành cho các cặp đồng tính. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hung Gia Lợi đã cùng với các giám mục ở một số quốc gia Đông và Trung Âu khác bác bỏ việc áp đặt chủ nghĩa thực dân văn hóa phương Tây trong những phúc lành này. Trong tuyên bố của mình, các giám mục Hung Gia Lợi đã viết: “Chúng ta có thể ban phép lành cho tất cả các cá nhân bất kể bản dạng giới tính hay khuynh hướng tình dục của họ, nhưng chúng ta phải luôn tránh ban phép lành chung cho các cặp vợ chồng chỉ sống với nhau trong mối quan hệ đơn thuần hoặc những người không có hôn nhân hợp pháp, hoặc mối quan hệ đồng tính.”

Ở một khía cạnh nào đó, các giám mục Hung Gia Lợi – những người không phụ thuộc về kinh tế vào sự rộng lượng của Vatican – thậm chí còn mạnh mẽ hơn các giám mục châu Phi trong việc bác bỏ chủ nghĩa thực dân văn hóa mà Vatican đang cố gắng áp đặt. Trong khi các giám mục châu Phi ca ngợi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tập trung chủ yếu vào “đặc tính văn hóa của các cộng đồng châu Phi” khi bác bỏ Fiducia Supplicans, thì các giám mục Hung Gia Lợi và Đông Âu đã nói rõ rằng ý tưởng về phước lành đồng tính là mâu thuẫn trực tiếp với Lời Chúa Kitô.

Giám mục người Hung Gia Lợi Janos Szekely của Giáo phận Szombathely tuyên bố rằng lý do họ không bao giờ có thể thực hiện Fiducia Supplicans là vì “nếu chúng tôi phải ban phép lành cho hai người trong trường hợp như vậy, là chúng tôi làm sai lệch Tin Mừng của Chúa Kitô và không làm điều chúng tôi nên làm trong tư cách mục tử đối với một cặp như vậy.”

Có những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa thực dân văn hóa do Vatican áp đặt thông qua Fiducia Supplicans với chủ nghĩa thực dân văn hóa đang tiếp diễn mà Liên minh Châu Âu và Liên Hiệp Quốc đã cố gắng áp đặt lên Châu Phi, Hung Gia Lợi và các nước Đông và Trung Âu khác trong nhiều năm. Gần đây nhất, vấn đề đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2019, các cuộc đàm phán giữa Liên minh Châu Âu và cộng đồng Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương (ACP) trong nỗ lực tìm kiếm người kế thừa cho một hiệp ước được gọi là Thỏa thuận Cotonou năm 2000. Hiệp ước Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương - Liên minh Châu Âu được đề xuất, được thiết kế để định hướng mối quan hệ giữa 27 quốc gia của Liên minh Châu Âu và 79 quốc gia Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương trong hai thập niên tới, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì nhiều lý do tương tự như những lý do phản đối Fiducia Supplicans.

35 quốc gia Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương, cùng với Hung Gia Lợi và Ba Lan, đã từ chối ký thỏa thuận. Mô tả chúng là những “bác bỏ” (holdouts), báo cáo của phương tiện truyền thông đã kết luận rằng ngôn ngữ của hiệp ước cổ vũ quyền sinh sản—bao gồm cả phá thai—cũng như quyền của người LGBT và giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em: “Một số quốc gia châu Phi trước đây đã bày tỏ sự miễn cưỡng của họ trong việc phê chuẩn hiệp ước về các dự khoản của nó về việc không phân biệt đối xử mà họ cho là khuyến khích đồng tính luyến ái.”

Những nước từ chối ký thỏa thuận mới của Liên minh Châu Âu – bao gồm Nigeria, Rwanda và Senegal – sẽ mất khả năng tiếp cận các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, vốn dựa vào thỏa thuận này để có thể hoạt động hợp pháp bên ngoài Liên minh Châu Âu. Đây là một hình thức trắng trợn của chủ nghĩa thực dân văn hóa vì nó dùng sức mạnh kinh tế để thay đổi văn hóa. Tổng thống Obama đã cố gắng thực hiện một kiểu chủ nghĩa thực dân văn hóa tương tự ở châu Phi trong nhiệm kỳ tổng thống của ông khi viện trợ bắt đầu gắn liền với việc chấp nhận các mối quan hệ đồng tính và phá thai. Nhiệm kỳ tổng thống của Obama là đỉnh cao của chủ nghĩa thực dân văn hóa của Mỹ ở châu Phi, nhưng dường như nó đã được hồi sinh dưới thời chính quyền Biden. Politico đưa tin Tổng thống Biden không chỉ lên án luật chống kê gian của Uganda vào tháng 5 năm ngoái, ông còn đề xuất khả năng thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Người ta không thể bỏ lỡ sự tương đồng giữa áp lực được nhận thấy từ Vatican về việc ban phước cho các cặp đồng tính và áp lực tài chính rất thực tế từ Liên minh Châu Âu đối với những quốc gia từ chối thay đổi văn hóa của họ về các vấn đề cuộc sống và hôn nhân để phù hợp với các giá trị tiến bộ phương Tây của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán các chính phủ Châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương và những “người phản đối” khác sẽ ứng phó như thế nào trước áp lực kinh tế nhằm tuân thủ các yêu cầu của Liên minh Châu Âu và Liên hiệp quốc về sức khỏe sinh sản bao gồm phá thai, quan hệ đồng tính và giáo dục giới tính toàn diện cho trẻ em. Nhưng cho dù đó là một số ít các quan chức tiến bộ nhưng đầy quyền lực tại Vatican hay giới tinh hoa ở Liên minh châu Âu hay Liên hiệp quốc đang cố gắng áp đặt một hệ tư tưởng văn hóa mới, thì điều quan trọng là cuộc tấn công vào chủ quyền văn hóa và quốc gia của tất cả các tiểu bang và quốc gia phải được bác bỏ mạnh mẽ.