THÁI BÌNH - 10 ngày sau khi ông Phạm Trung Phồn, cựu chiến binh, 75 tuổi, sinh sống tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, bị chính quyền và công an tỉnh bắt giữ, người dân tiếp tục lên phường đòi quyền lợi.

Một nữ nông dân ở Phường Tiền Phong cho BBC Việt ngữ biết:

Nông dân Thái Bình khiếu kiện
"Họ vẫn cứ ra đấy, vì đã xong công việc đâu mà về. Phải đòi hỏi quyền lợi, đã giải quyết hết đâu".

Vẫn theo người dân địa phương, trong số hơn 10 người bị bắt giữ trong cuộc bạo động hôm 23/4, ngày ông Phồn bị bắt, một người đàn ông ngoài 80 tuổi, ông Chớ và một phụ nữ khác có con tật nguyền ở nhà, đã được trả tự do.

Trong số những người bị cảnh sát chống bạo động bắt giữ, hai nhân vật được nhắc tên nhiều nhất sau ông Phồn, là bà Hiền và ông Hành, vẫn chưa được thả.

Báo 'Thái Bình' của Đảng Bộ Tỉnh này đã có một số bài ngắn với thời lượng hạn chế về vụ việc.

Gây rối trật tự?

Ông Hà Công Toàn, Phó Tổng Biên tập tờ 'Thái Bình' cho BBC biết quan điểm về vụ phản kháng bùng phát cách đây 10 hôm và về việc ông Phạm Trung Phồn bị bắt giữ. Ông Toàn nói:

"Chúng tôi nêu lại tình hình xảy ra ở phường đó với đánh giá tình hình chung chứ không đi sâu."

"Ông Phồn bị tội gây rối trật tự, vì đã có sự gây rối. Bên công an người ta đã có quyết định khởi tố, và đã đưa ra các tội danh. Công an và kiểm sát đã thống nhất về việc này."

Trong khi đó, một cán bộ hưu trí ở Phường Tiền Phong cho BBC biết bà con đều đánh giá cao ông Phồn.

Chính ông Phồn là người đề nghị quần chúng không gây mất trật tự hay bạo động. Vị cán bộ này nói:

"Ông Phồn tuyệt đối không gây rối. Ông ấy còn can ngăn bà con. Các cháu thanh niên ra đó, ông còn dặn dò các cháu ra đó đừng có động chạm sờ mó cái gì làm hỏng hóc các thứ ở đó."

"Đại khái là ông ấy không có chửi bới gì, chỉ có can ngăn thôi, nhưng bà con thì có chửi bới."

Vẫn người cán bộ hưu trí này cho hay người dân đã trở nên phẫn nộ khi cảnh sát ập tới hiện trường và thu giữ nồi cháo mà người dân nấu để ăn uống trong thời gian biểu tình ngồi.

Đồng thời, lực lượng an ninh được tăng cường từ tỉnh đã tịch thu một 'hòm công đức' mà người dân quyên góp được.

Nhiều người dân Tiền Phong hiện đang tiếp tục chờ đợi xem việc chính quyền sẽ xử lý ra sao trường hợp của ông Phồn.

Trong khi đó, dân yêu cầu chính quyền tiếp tục giải quyết quyền lợi bằng việc thực hiện các khoản tiền bồi hoàn đúng với giá cả thị trường cho phần đất đai nông nghiệp và đất 5% mà họ đã bị trưng thu hoặc có quyền lợi được hưởng.

Vụ việc ở Tiền Phong xảy ra sau hơn 10 năm nổ ra cuộc biểu tình của nông dân toàn tỉnh Thái Bình năm 1997 cũng với các lý phản đối bất công và tham nhũng ở chính quyền cơ sở.

(Nguồn: BBC July 31-07-2008)