Ngày 18-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:13 18/10/2016
49. HÀM DƯỚI TRỐNG TRẢI.
Có một viên quan tuổi tác đã cao, ngay cả râu ria cũng có khá nhiều sợi bạc, nhưng ông ta vẫn lấy thêm vài bà vợ nhỏ. Một hôm, ông ta kêu vợ lớn vợ bé lại, bắt họ nhổ tất cả các sợi râu bạc cho ông.
Vợ lớn sợ rằng nếu nhổ sạch các sợi râu bạc, thì ông ta sẽ trẻ lại và được các bà vợ nhỏ thích, còn mình sẽ thất sủng, bèn nhổ tất cả các sợi râu đen dưới cằm của chồng; còn các vợ nhỏ thì thích viên quan trẻ lại, thế là nhổ sạch các sợi râu bạc của ông ta.
Không bao lâu, dưới cằm của viên quan trống trải, một cọng râu cũng không còn !
(Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư 49:
Hạnh phúc nhất của con người là yêu và được yêu.
Đau khổ nhất của con người là bị phản bội, nhất là phản bội tình yêu.
Thiên Chúa thấy rất rõ điều ấy nơi con người, nên Ngài chỉ tạo dựng có một nam và một nữ, rồi ra một quyết định bất di bất dịch để đem lại hạnh phúc cho con người, đó là: một vợ một chồng.
Nhưng thời nay có những người đàn ông có tính hay “thòm thèm”, không phải thòm thèm nhậu nhẹt với bạn bè, cũng không phải thòm thèm cao lương mỹ vị, nhưng thòm thèm vợ của người khác, thòm thèm kiếm thêm bồ nhí để tự mình phá vỡ hạnh phúc mà mình đã xây dựng lâu nay, đó là phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Thời nay cũng có những cô gái trẻ thích kiếm những đàn ông có danh giá địa vị trong xã hội, những ông có tiền của, những ông lớn tuổi để có tiền tiêu xài, mà những bậc này thì thường là vợ con đùm đề, cho nên, suy cho tận cùng của lương tâm, thì những cô gái này đã góp phần phá vở hạnh phúc của người khác.
Hạnh phúc gia đình là ưu tiên số một của mọi người, dù đàn ông hay đàn bà, thời xưa hay thời nay thì ai cũng biết yêu và muốn một tình yêu trọn vẹn và chung thuỷ, cho nên ai cũng cố công gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, do đó khi mà có một người thứ ba chen vào trong tình yêu của họ, thì tự nhiên “chiến tranh” sẽ bùng nổ, và mọi tội ác như gian dâm, ghen tương, nói dối, giết người...từ đó mà phát sinh.
Ở suốt đời với một người mình không yêu thương thì thà không lập gia đình còn hơn, cho nên khi không có tình yêu với nhau thì đừng miễn cưỡng đến với nhau, thà rằng để “hàm dưới trống trải” mà thong dong, hơn là cặp đôi đầy đủ mà không có tình yêu...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:16 18/10/2016

34. Bí tích Thánh Thể bao hàm các loại mùi vị của đức hạnh, làm cho con người ái mộ tu đức, vui lòng chịu đau khổ.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Suy niệm Chúa Nhật 30 thường niên C
Lm. Anthony Trung Thành
10:06 18/10/2016
Suy Niệm Chúa Nhật XXX THƯỜNG NIÊN C

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy hình ảnh hai người lên đền thờ cầu nguyện. Họ khác nhau về nhiều mặt: về địa vị, về thái độ cầu nguyện và đặc biệt kết quả của lời cầu nguyện của họ cũng khác nhau.

1. Người Biệt phái

Biệt Phái hay còn gọi là Pharisiêu. Đây là nhóm tín đồ Do Thái giáo. Họ thông thạo Lề Luật, tuân giữ luật cách nhiệm nhặt, tự cho mình là thánh thiện. Họ sống tách biệt với dân nghèo và dân ngoại. Hôm nay, một người trong nhóm Biệt phái đó lên đền thờ cầu nguyện. Ông đứng thẳng. Ông kể công đức của mình với Chúa: “Tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (Lc 18,12). Theo luật Do Thái, mỗi năm chỉ buộc ăn chay một lần vào ngày Đền tội (x. Lv 16,19-31), và chỉ buộc dâng cúng một phần mười hoa lợi từ ruộng đất của mình (x.Tl 14,22). Vậy mà, người biệt phái này ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cúng một phần mười tất cả các thứ hoa lợi, tức là ông dâng cả những phần hoa lợi mà luật không buộc. Nếu xét theo việc làm của ông, thì quả thật ông không phải là một người xấu. Trái lại, ông là một người tốt, đáng khen ngợi và những việc làm của ông đáng cho mọi người học tập. Nhưng đáng tiếc là ông làm tất cả những điều đó không phải vì yêu mến Thiên Chúa nhưng vì yêu mình.

Vì thế, ông mắc vào những thứ sai lầm sau đây: Sai lầm thứ nhất, ông tự đề cao mình khi cho rằng những gì ông làm được là do sức ông chứ không phải do ơn ban của Thiên Chúa. Sai lầm thứ hai, ông dựa vào các công đức của mình để đòi buộc Thiên Chúa ban ơn cho ông. Sai lầm thứ ba, ông dựa vào công đức của mình để khinh thường người khác: “Tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Thái độ và lời nói của ông sặc mùi kiêu ngạo, thiếu bác ái với anh em mình. Vì vậy, lời cầu nguyện của ông không được Chúa chấp nhận, chính Đức Giêsu đã nói: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống” (x. Lc 18,14). Như vậy, người biệt phái đến đền thờ không phải là để cầu nguyện cho bằng để kể công với Chúa. Ông đến đền thờ là vì ông chứ không phải vì Chúa.

Xét mình lại, có thể ít nhiều chúng ta vẫn có thái độ như người biệt phái kia: kể công với Chúa vì mình làm được chuyện nọ chuyện kia như đi lễ, đi nhà thờ, lần hạt, xưng tội rước lễ, làm việc bác ái…; hay khi chúng ta dựa vào những công việc mình làm được để khinh thường người khác?

2. Người thu thuế

Trong xã hội Do thái thời bấy giờ, ai làm nghề thu thuế là người đó tiếp tay cho ngoại bang, ức hiếp dân lành. Họ thường áp đặt lên người dân những khoản thu nặng nề, quá mức cho phép. Họ có thể lợi dụng chức quyền để tham ô, tham nhũng. Vì vậy, người thu thuế được đồng hóa với người tội lỗi, ngang hàng với bọn gái điếm. Tin mừng cho chúng ta biết, cùng lên đền thờ cầu nguyện hôm nay còn có một người thu thuế. Thái độ của người thu thuế khác với người biệt phái: ông không có việc lành để dâng cho Chúa. Ông chỉ có tội lỗi. Ông thực sự là người khốn nạn, đáng trách, đáng phạt không phải thời bấy giờ mà cả trong xã hội chúng ta ngày hôm nay. Nhưng, ông lại có tấm lòng khiêm tốn. Bởi vì, ông nhận ra tội lỗi của mình. Ông thống hối ăn năn và đến đây để xin Chúa tha thứ. Tin mừng kể: “Ông đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'.” (x. Lc 18,13). Vì thái độ và tấm lòng khiêm tốn của ông nên Đức Giêsu cho biết: “Người thu thuế ra về và được khỏi tội.” Ngài còn khẳng định: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (x. Lc 18,14).

Xét mình lại, có thể chúng ta giống người thu thuế khi đi lễ mà không bao giờ vào nhà thờ, chỉ đứng xa xa, không phải vì khiêm nhường mà vì thói quen. Có thể chúng ta giống người thu thuế ở điểm lỗi công bằng, tham ô tham nhũng nhưng không chịu sám hối ăn năn và đền bù tội lỗi của mình. Ước gì chúng ta giống người thu thuế ở điểm này, đó là thái độ khiêm nhường, biết nhận ra tội lỗi của mình để biết thống hối ăn năn, xin Chúa tha thứ.

3. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta

Thứ nhất, cần phải tránh xa tội kiêu ngạo. Người kiêu ngạo thường đề cao mình, đề cao công trạng của mình, đẩy Thiên Chúa ra bên lề của cuộc đời mình. Mặt khác, vì muốn đề cao mình, nên người kiêu ngạo thường hạ thấp kẻ khác bằng các thủ đoạn: nói xấu, nói hành, bỏ vạ cáo gian. Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế, người mắc tội kiêu ngạo sẽ dễ sinh ra biết bao nhiêu tội lỗi khác. Lịch sử cứu độ cho chúng ta thấy: Vì kiêu ngạo nên Thiên thần Luxife đã bị Thiên Chúa giáng phạt xuống hỏa ngục; vì kiêu ngạo nên Tổ tông loài người đã sa ngã phạm tội; vì kiêu ngạo mà biết bao người đã sa ngã phạm tội cách này cách khác trong đạo ngoài đời. Lời cầu nguyện của kẻ kiêu ngạo sẽ không được Thiên Chúa nhận lời. Nên chúng ta cần tránh xa tội kiêu ngạo.

Thứ hai, cần phải luyện tập nhân đức khiêm nhường. Khi đề cao gương của người thu thuế, Đức Giêsu muốn chúng ta học nơi ông sự khiêm nhường, nhận biết mình là người tội lỗi cần được tha thứ. Vì mỗi người chúng ta là kẻ tội lỗi. Chúng ta mắc tội Tổ tông. Chúng ta mắc tội riêng. Để được tha thứ tội lỗi cần phải có lòng khiêm nhường thống hối ăn năn. Khiêm nhường là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Người khiêm nhường sẽ được Thiên Chúa yêu thương và mọi người mến chuộng. “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tâng mây” (Hc 35,15).

Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin loại ra khỏi chúng con tính kiêu ngạo và giúp chúng con biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và anh chị em mình. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Người Pharisêu và người thu thuế
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
10:08 18/10/2016
Người Pharisêu và người thu thuế

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Năm – C

(Lc 18,9-14)

Chúa Nhật tuần trước, hai nhân vật mang tính biểu tượng được Chúa Giêsu trình bày cho chúng ta : một bên là vị thẩm phán bất công, đại diện kẻ áp bức, bên kia là bà góa đi kiện, điển hình của kẻ bị áp bức. Qua dụ ngôn đầy tính hài ước, Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải cầu nguyện luôn đừng ngã lòng và xác tín rằng, Thiên Chúa hằng nhận lời chúng ta (x.Lc 18,1-8).

Để xác định thái độ nội tâm và hình thức bề ngoài khi hướng về Thiên Chúa, Chúa Nhật tuần này, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn gồm hai nhân vật đại diện cho con người hôm nay : một bên là người pharisiêu tự cho mình là công chính tuân giữ Luật Chúa cách hoàn hảo và bên kia là người thu thuế, tội lỗi, tay sai cho bọn đế quốc, vơ vét tiền bạc trên lưng của đồng bào (x.Lc 18, 9-14).

Khi đọc lý do tại sao người Pharisiêu lại tạ ơn Chúa, chúng ta chiêm ngưỡng sự hào phóng của ông thực sự là một người " tốt ", không chê trách được gì. Điều này dường như không phải là quan điểm của Đức Giêsu, Người không kể dụ ngôn này cho những người công chính, nhưng "cho những ai hay tự hào mình là người công chính." (x.Lc 18,9-14)

Người Pharisêu

Người Pharisêu tiêu biểu cho người bảo thủ cảm thấy mình phù hợp với Thiên Chúa và tha nhân, khinh thường kẻ khác. Người thu thuế là kẻ đã phạm lầm lỗi, nhưng anh nhìn nhận lỗi lầm đó và khiêm tốn xin Chúa tha thứ. Anh nghĩ, mình không thể cứu được mình nhờ công nghiệp riêng mình, mà phải cậy nhờ vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu cuối cùng của dụ ngôn minh chứng: Người này, khi trở về nhà, thì được nên công chính, nghĩa là, được tha và hoà giải với Chúa; người Pharisêu trở về nhà trong tình trạng y như hồi ra đi vẫn giữ cảm giác về sự công chính của mình, đương nhiên mất sự công chính của Chúa (x.Lc 18,14).

Trong thực tế, người Pharisiêu đã đặt ra cho mình chỉ tiêu công chính. Ông không như người khác : ăn chay, nộp thuế… Ông tự xây dựng hình ảnh người công chính cho mình, quên mất điều quan trọng nhất của lề Luật là tình yêu tha nhân.

Tệ hơn nữa là thái độ của ông. Ông "tạ ơn Thiên Chúa" ; nhưng không được, ông thích liệt kê những kẻ tội lỗi. Trong lời cầu nguyện, ông không cần đến Thiên Chúa. Như thế, ông không công chính với chính mình, sức mạnh nội tâm của ông cho phép ông vượt lên trên mức tầm thường, nhưng ông đã coi thường sự đáng kính của ông. Một người hài lòng với chính mình, làm sao có thể giao tiếp được với Thiên Chúa ?

Người thu thuế

Người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Anh chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm, nên đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng anh đang khao khát : "Lạy Chúa, xin thương con là kẻ có tội. " (Lc 18,13). Anh khao khát tình thương nên anh được Chúa đoái thương và lời anh cầu xin được chấp nhận. Một kẻ tội lỗi như anh, có thể chứa đựng lòng thương xót, bởi vì không giống như các pharisiêu đóng cửa lòng mình và thỏa mãn với sự đầy đủ của mình, anh mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đón lấy ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đấng mà anh đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng của mình.

Bài học từ hai người trên

Giống như hầu hết các dụ ngôn, Đức Giêsu cho thấy hai nhân vật trái ngược nhau. Những người thu thuế hôm qua là những người Pharisêu mới của ngày nay! Ngày nay người thu thuế, kẻ phạm tội, nói với Chúa: "Lạy Chúa con tạ ơn Chúa, vì con không phải như những người Pharisêu có lòng tin kia, giả hình và bất bao dung, lo lắng về sự ăn chay, nhưng trên thực tế sống còn xấu hơn chúng con." Thật nghịch lý, xem ra dường như có những kẻ cầu nguyện như thế này: "Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa, vì con là kẻ vô thần! "

Rochefoucauld nói rằng sự giả hình là đồ cống nạp nết xấu trả cho nhân đức. Ngày nay nó thường là đồ cống nạp nhân đức trả cho nết xấu. Đúng thế, điều này được bày tỏ ra, nhất là những kẻ tỏ ra mình xấu hơn và vô sỉ hơn mình, ngõ hầu không xuất hiện kém hơn những kẻ khác. Nhà triết học Tin Lành Soren Kierkegaard viết: "Ngược lại với tội lỗi không phải là nhân đức, nhưng đức tin. "

Một kết luận thực tế : Rất ít người vừa Pharisêu vừa là người thu thuế, tức là, công chính trong mọi sự hay là tội lỗi trong mọi sự. Phần đông chúng ta có một chút ít cả hai trong cuộc sống. Lúc tồi tệ nhất chúng ta ứng xử như quan thu thuế trong cuộc sống, kinh doanh vô đạo đức, và lúc khác chúng ta như người Pharisiêu trong đền thờ, được cho là hợp lý bởi hành vi tôn giáo của chúng ta. Điều tệ nhất có lẽ là hành động như người thu thuế trong đời sống thường ngày của chúng ta và như người Pharisêu trong nhà thờ. Những người thu thuế là những kẻ tội lỗi, không có áy náy lương tâm, coi tiền bạc và nghề nghiệp trên hết mọi sự. Những người Pharisêu, ngược lại, là rất khắc khe và chăm chú đến lề luật trong sự sống hằng ngày của mình.

Nếu chúng ta đành cam chịu nên một ít của cả hai, bấy giờ chúng ta hãy nên kẻ nghịch của điều chúng ta mới diễn tả: Pharisêu trong sự sống hằng ngày và thu thuế trong nhà thờ! Như người Pharisêu, chúng ta phải cố gắng trong sự sống hằng ngày không làm kẻ trộm và người bất chính, nhưng theo những điều răn của Chúa và trả những món nợ chúng ta mắc; như người thu thuế, khi chúng ta ra trước mặt Chúa, chúng ta phải công nhận rằng chút ít gì chúng ta đã làm là hoàn toàn ân huệ của Chúa, và chúng ta hãy cầu xin cho chính chúng ta và cho tất cả mọi người lòng thương xót Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chiến dịch giải phóng Mosul bắt đầu, khủng bố Hồi Giáo IS chống cự quyết liệt
Đặng Tự Do
03:27 18/10/2016
Quân Kurd tấn công Mosul sáng 17 tháng 10, 2016
Chiến dịch giải phóng Mosul, thành phố lớn thứ hai của Iraq, đã chính thức bắt đầu vào sáng sớm ngày thứ Hai 17 tháng 10.

Quân Kurd tiến từ phía Đông vào thành phố Mosul. Trong khi đó 42,000 quân Iraq và các đơn vị quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite tiến từ phía Nam.

Một sĩ quan người Kurd, là Đại tá Salar Jabar, cho biết trong 24 giờ đầu tiên của chiến dịch giải phóng Mosul, 5 người lính Kurd bị thiệt mạng và 5 người khác bị thương. 20 quân khủng bố Hồi Giáo IS bị bắt làm tù binh và con số thương vong của IS được ghi nhận là đáng kể. Chiến thuật phòng thủ của IS là đặt trên đường đi những hầm chông, và những mìn tự chế. Đồng thời, ít nhất là 5 xe chứa đầy bom đã được quân khủng bố Hồi Giáo IS lái đâm thẳng vào quân Kurd để cản trở đà tiến của đối phương.

Trong thông báo dành cho giới báo chí, quân Kurd cho biết trong 24 giờ đầu tiên họ đã giải phóng được 9 làng trên một diện tích 220 km2.

Quân Iraq tiến từ phía Nam Mosul được ghi nhận là vấp phải sức đối kháng mạnh hơn của bọn khủng bố Hồi Giáo IS.

Theo kế hoạch, quân Kurd và quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite sẽ đánh đến ngoại ô thành Mosul nhưng không vào thành. Việc chiến đấu với khoảng 6,000 quân khủng bố Hồi Giáo IS trong thành Mosul sẽ do một lực lượng chống khủng bố của quân Iraq đảm trách. Dàn xếp này thể hiện hai quan ngại của chính quyền Baghdad. Thứ nhất là quan ngại tranh chấp lãnh thổ trong tương lai với người Kurd. Thứ hai, trong trận chiến tại tỉnh Anbar, quân tình nguyện Hồi Giáo Shiite đã tàn sát một số thường dân theo Hồi Giáo Sunni vì hận thù tôn giáo. Chính quyền Baghdad không muốn thấy điều này tái diễn tại Mosul.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ bế mạc tuần đại phúc tại cụm nhà thờ Bắc Hải, giáo phận Xuân lộc
Hoàng Bá Quý
10:35 18/10/2016
GP.XUÂN LỘC: Thánh lễ đại trào và Bế mạc "Tuần Đại Phúc" tại cụm Nhà thờ Bắc Hải

HỐ NAI - Để kết thúc "Tuần Đại Phúc" bằng tâm tình tạ ơn, lúc 19 gờ chiều Chúa Nhật ngày 16/10/2016, tại cụm Nhà thờ Bắc Hải, giáo hạt Hố Nai đã diễn ra Thánh lễ đại trào và Bế mạc "Tuần Đại Phúc" với sự tham dự của hàng ngàn cộng đoàn tín hữu bốn giáo hạt: Biên Hoà, Tân Mai, Hố Nai và Hoà Thanh.

Xem Hình

Trong những năm tháng còn lại của Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo đã đẩy mạnh việc sống Năm Thánh trong toàn giáo phận Xuân Lộc, với "Tuần Đại Phúc" lần lượt được cử hành tại từng nhà thờ hành hương và tổ chức theo các cụm giáo hạt. Cao điểm kết thúc tuần lễ Đại Phúc này chính là Thánh lễ đại trào và bế mạc tại điểm hành hương giáo xứ.

Để sống Năm Thánh ý nghĩa trong suốt tuần lễ thánh này, tất cả tín hữu Kitô từ linh mục, cộng đoàn cho đến các Dòng tu tại cụm giáo hạt và giáo xứ sẽ phải thực hiện nhiều hoạt động hơn thường ngày như: tĩnh tâm, giải tội, Chầu Thánh Thể, nghe suy niệm về Lòng Thương Xót Chúa, tổ chức bác ái xã hội, cầu nguyện và đọc kinh Mân Côi, gia tăng việc dọn vệ sinh môi trường, thăm viếng và giúp đỡ những gia đình đang đau khổ phần hồn hay phần xác, những người neo đơn già yếu hay bệnh tật, đặc biệt là những gia đình đang gặp khó khăn vì bất hợp luật,...

Buổi chiều hồng phúc được bắt đầu vào lúc 17 giờ với Giờ Thánh Đền Tạ. Tuy có một cơn mưa như trút nước kéo đến bất chợt trước giờ lễ nhưng thời tiết mưa lại không gây cản trở quá lớn đến niềm vui dự lễ của cộng đoàn 60 giáo xứ vùng Biên Hoà. Từ lớp tu sĩ cho đến giáo dân đến dự ngày càng đông hơn, ngồi chật kín nhà thờ và chung quanh thánh đường, đã tạo nên bầu khí sốt sắng và thánh thiện của ngày Đại Phúc.

Thời gian gặp gỡ và chia sẻ đề tài của Đức Cha giáo phận được bắt đầu vào lúc 18g15. Qua đôi điều chia sẻ về "Lòng Thương Xót của Chúa", Đức Cha đã nhấn mạnh việc thực thi lòng thương xót nơi tâm hồn mỗi người. Thứ nhất phải liên tục nài xin Lòng Thương Xót Chúa cho mình, cho mọi người, cho gia đình, cho giáo xứ và thế giới. Thứ hai phải trở thành cánh tay nối dài của lòng thương xót Chúa, không chỉ xin qua lời cầu nguyện mà còn phải qua chính cuộc sống mình. Hãy sống tha thứ, sống an bình với những người lầm lỡ và tội lỗi để Chúa tỏ lộ lòng thương xót của Ngài cho họ.

Sau cùng, Đức Cha Giuse chúc phúc cho cộng đoàn. Ngài cảm ơn Chúa và đọc kinh Sáng Danh để kết thúc bài huấn từ.

Thánh lễ đại trào diễn ra thật long trọng khi có sự đồng tế của quý Cha quản hạt, quý Cha Bề trên, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ, quý Chức Ban hành giáo bốn giáo hạt, quý Ban trị sự các Giới và Đoàn thể, Anh Em chủng sinh, đông đảo thành phần dân Chúa thuộc cụm giáo xứ và nhiều anh chị em lương dân di dân.

Qua Tin mừng thánh Mác-cô (2,1-12), Đức Cha Giuse đã giúp cộng đoàn càng hiểu rõ hơn lòng nhân từ của Chúa. Ngài luôn chạnh lòng thương với những người đau yếu, bệnh tật, đặc biệt là người có lòng tin chạy đến với Chúa và muốn được chữa lành giống như người bại liệt trong Tin mừng. Liên hệ, Đức Cha mời gọi các gia đình và cộng đoàn hãy luôn nhận thức mình là kẻ tội lỗi, hãy đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa từ bi, nhất là đừng nản chí kêu xin lòng thương xót của Ngài.

Trước khi thánh lễ kết thúc, Cha quản hạt Đaminh Bùi Văn Án đã vui mừng tạ ơn Chúa và có đôi lời cảm ơn đến Đức Cha, Đức ông, quý Cha, và quý Tu sĩ. Ngài không quên cám ơn quý Chức Ban hành giáo bốn giáo hạt, Ban trị sự các Giới và Đoàn thể, Anh Em chủng sinh, anh chị em lương dân di dân và cộng đoàn tín hữu hiện diện đã góp phần làm cho buổi lễ diễn ra sốt sắng và thành công tốt đẹp.

Huấn từ và gửi gắm, Đức Cha Giuse kỳ vọng những con cái của giáo phận, cách riêng là các giáo xứ trong bốn giáo hạt hãy sống là những sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa cho tha nhân, cho những người gặp gỡ hằng ngày, và cả với những người gặp một lần.

Trước khi kết thúc Tuần Đại Phúc tại cụm Nhà thờ Bác Hải. Tất cả cộng đoàn cùng hướng về ngai toà Đức Mẹ hầu dâng cuộc đời, gia đình, giáo hạt và giáo phận lên cho Mẹ "Mẹ ơi ! Giáo phận con đây, nguyện xin dâng hiến mẹ từ bi. Xin mẹ luôn đỡ nâng phụ trì, và thương dẫn dắt trên đường đi..."

Với Ơn Toàn Xá, Đức Cha đã ban phép lành trọng thể cho những tín hữu có tâm hồn thánh thiện và sốt mến đón nhận ân phúc trọng đại này. Thánh lễ khép lại trong niềm vui hỷ hoan của cộng đoàn vì nhận được ơn tha thứ tuôn trào từ lòng thương xót của Chúa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông cáo báo chí của Lm Đặng Hữu Nam về việc khiếu kiện tại tòa án huyện Kỳ Anh
Lm Đặng Hữu Nam
10:46 18/10/2016
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tư thế lúc Rước lễ
Nguyễn Trọng Đa
15:22 18/10/2016
Giải đáp phụng vụ: Tư thế lúc Rước lễ

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Trong phần trả lời của cha ngày 21-6-2016, cha nói dài về tần suất Rước lễ, và các lý do thực tế khác nhau tại sao tần suất này thay đổi trong suốt nhiều thế kỷ. Trong phần giới thiệu của cha, cha nói rằng cha cố gắng giới hạn mình vào một câu trả lời ngắn gọn, vốn là khá hợp lý, và do đó cha không thể nói các việc khác, chẳng hạn tư thế của các tín hữu khi Rước lễ. Tuy nhiên, con nghĩ rằng vấn đề tự nó sẽ rất thú vị để điều tra từ quan điểm của sự phát triển lịch sử. Xin cha cho chúng con biết một lịch sử ngắn gọn về tư thế, và sự thực hành của các tín hữu trong Nghi thức Rước lễ. - M. S., Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Đáp: Tư thế cho việc Rước Lễ đã thay đổi theo thời gian, và vẫn còn khác nhau giữa nhiều nghi lễ của Giáo Hội. Nó cũng phụ thuộc vào tần suất Rước lễ, việc Rước lễ dưới một hay hai hình, và cách thức cho Rước lễ dưới hai hình.

Về nơi Rước lễ của các tín hữu, truyền thống Latinh thời đầu ưa chuộng việc đến gần bàn thờ, và thật ra, hầu hết các giải pháp sau này duy trì một mối quan hệ với bàn thờ, mặc dù trong thực tế, việc Rước lễ diễn ra một nơi khác. Trong một số khu vực, nơi có đông người Rước lễ, giáo sĩ sẽ đi đến gần các tín hữu.

Khi cung thánh được tách ra khỏi phần chính của nhà thờ bằng các cửa, các cửa này được mở ra vào thời gian Rước lễ, để các tín hữu có thể đi vào và Rước lễ ở một bàn thờ cạnh. Sự thực hành này đã được cắt giảm từ đầu thế kỷ IX. Sau đó, cung thánh bắt đầu được bao quanh bởi một tường cao, và các tín hữu sẽ đến Rước lễ ở một bàn thờ được dựng lên bên ngoài tường này. Ở một số nơi, như miền Bắc Phi, các tín hữu sẽ đến gần một chấn song. Chấn song này là cao hơn so với chấn song bàn thờ, và cao đến ngực. Vì vậy, cho đến thời điểm này, tư thế Rước lễ là đứng. Đây vẫn là sự thực hành của hầu hết các Giáo Hội Đông Phương, vì đối với họ, tư thế quỳ không là tư thế chung phụng vụ.

Từ thế kỷ IX, việc thực hành Rước lễ chỉ bằng rước Mình Thánh và trực tiếp trên lưỡi đã trở thành quy định. Tương tự như vậy, giữa thế kỷ XI và XVI, sự thực hành Rước Mình Thánh trong khi quỳ dần dần chiếm uy thế trong nghi lễ Latinh.

Khoảng thế kỷ XIII, ở một số nơi có việc giăng một tấm vải, do hai thừa tác viên cầm, cho người Rước lễ quỳ. Sau đó, trong thế kỷ XVI, người ta thường đặt miếng vải trên bàn hoặc ghế dài giữa gian giữa và cung thánh. Bởi vì việc này tỏ ra khá thuận tiện cho việc cho Rước lễ, chúng dần dần được thay thế bởi chấn song bàn thờ bằng gỗ, kim loại hoặc đá, vốn là phổ quát trong thực hành từ thế kỷ XVII cho đến gần đây.

Mặc dù Công đồng chung Vatican II đã không kêu gọi cất đi chấn song bàn thờ, trong thực tế, chúng đã được loại bỏ ở nhiều nơi. Việc thực hành Rước lễ đứng chứ không quỳ gối, và rước trên tay chứ không phải trên lưỡi, cũng là phổ biến hơn. Việc cho Rước lễ dưới hai hình, lấy Máu Thánh trực tiếp từ chén thánh, cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi tư thế.

Các qui chế phụng vụ vẫn cho phép quỳ, mặc dù Hội đồng Giám mục được phép qui định các qui chế khác, nhưng không phải để không cho phép quỳ.

Như vậy, Huấn thị Tổng quát của Sách Lễ Rôma, số 160, có một văn bản hơi khác nhau ở Hoa Kỳ và ở các nước nói tiếng Anh khác.

Ở Anh và xứ Wales, qui chế nói:

"Linh mục sau đó cầm Chén thánh hay Bình thánh, và đi đến gần các người Rước lễ, khi họ, như một quy luật, đến gần linh mục trong đoàn xếp hàng. Các tín hữu không được phép tự mình cầm Mình Thánh hoặc Chén thánh, và không chuyền nhau từ người này đến người khác. Các tín hữu Rước lễ hoặc quỳ hoặc đứng, theo quyết định của Hội Đồng Giám Mục. Tuy nhiên, khi họ Rước lễ đứng, họ được đề nghị làm một cử chỉ thích hợp của sự tôn kính, như được xác định trong các qui chế, trước khi Rước lễ”.

Ở Hoa Kỳ:

"... qui chế cho việc Rước Lễ trong các giáo phận của Hoa Kỳ là tư thế đứng. Các người Rước lễ không được từ chối cho Rước lễ, bởi vì họ quỳ. Thay vào đó, các trường hợp như vậy cần được giải quyết về mục vụ, bằng cách cung cấp cho các tín hữu giáo lý đúng về các lý do của qui chế này.

"Khi Rước lễ, người Rước lễ cúi đầu của mình trước Bí Tích như một cử chỉ tôn kính, và tiếp nhận Mình Thánh Chúa từ thừa tác viên. Mình Thánh có thể được rước trên lưỡi hay trên tay, tùy theo quyết định của mỗi người Rước lễ. Khi Rước lễ dưới hai hình, cử chỉ tôn kính cũng được thực hiện trước khi rước Máu Thánh”. (Zenit.org 18-10-2016)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thông Báo
Kính mời tham dự các chương trình mừng 20 năm VietCatholic
VietCatholic Network
05:01 18/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


 
Văn Hóa
Cảm nhận về thánh sử Luca : Người hoạ sĩ vẽ chân dung tuyệt với
Sơn Ca Linh
09:13 18/10/2016
NGƯỜI HỌA SĨ VẼ CHÂN DUNG TUYỆT VỜI
(Một chút cảm nhận về Thánh sử Luca)

Nếu người nào có hỏi,
“Ai đã vẽ chân dung Thiên Chúa và con người đẹp nhất” ?
Dĩ nhiên, mọi người Kitô hữu sẽ trả lời :
“Chỉ mình Đức Giêsu-Kitô,
Đấng là Con Thiên Chúa và Con loài người”.
Nhưng làm sao ta có được thủ bản của Ngài đây ?
Hãy cứ yên tâm,
Thánh Thần đã chọn một thiên tài của muôn thế kỷ.
Một nhà văn Hy Lạp, và cũng là y sĩ,
Là người mang tước hiệu THÁNH SỬ LUCA.

Vâng, với cuốn Tin Mừng thứ ba,
Và tác phẩm Tông Đồ Công Vụ,
Chính Luca đã như một kỳ công làm sống lại,
Lời rao giảng của Chúa Giêsu, Tin Mừng cứu độ,
Mà dung mạo Thiên Chúa từ đây,
Sẽ vĩnh viễn “bị bôi xóa dứt khoát,
Hình ảnh của Đấng Toàn Năng, Giận hờn và báo oán”
Để trở thành một Thiên Chúa của nhân ái bao dung.

Vâng, Thiên Chúa qua thánh sử Luca,
Đã trở thành một “Đấng Tối Cận và Đấng Tối Thấp”
Đến độ trở thành một trẻ em bé nhỏ,
Được người mẹ nhà quê
“vấn tã và đặt nằm trong máng cỏ” hôi tanh (Lc 2,7)
Là Đấng như một người cha già,
Sẵn sàng “dập tắt lời thú tội của đứa con hoang,
Để siết chặt nó trong vòng tay âu yếm” (Lc 15,21-24)

Là Đấng không ngại ngùng, lúng túng,
Để những giọt nước mắt ưu sầu tưới đẫm bàn chân,
Của một người phụ nữ,
Mà tiếng tăm là hạng tội lỗi khắp thành. (Lc 7,36-50)

Là Đấng sẵn sàng ngước mắt lên, để nhìn, để gặp,
Để trở thành vị khách không được mời,
Của một anh Giakê thu thuế ngoại đạo (Lc 19,1-10)

Rồi cũng chính Luca,
Đã hướng Phêrô gặp được ánh mắt nhân từ,
Của đêm bạo hành, chia ly và phản bội,
Để nhận ra một Thiên Chúa của tha thứ và tình yêu. (Lc 22,61-62)

Và Thiên Chúa của Luca,
Chính là Tên tội đồ bị đóng đinh,
Đã mở đôi mắt trái tim của tên trộm lành,
Để anh ta nhận ra một Vương Quốc Nước Trời,
Qua lời nhắn gởi :
“Hôm nay anh sẽ ở cùng Ta trên thiên đàng đấy nhé !” (Lc 23,43).

Vâng nhà họa sĩ, văn sĩ Luca,
Đã vẽ lại chân dung của một Thầy Giêsu,
Hiện thân của một Thiên Chúa sao mà thân thương, sao mà gần gũi !
Gần đến độ,
Dù mang hào quang chói rạng của ngày thứ nhất Phục Sinh,
Vẫn có thể đồng hành, dung dị,
Rồi chén tạc, chén thù
với bạn hữu một chiều Emmau bên quán trọ. (Lc 24,13-35)

Là Đấng Thiên Chúa tuyệt đối sang giàu,
Nhưng quá tế nhị, sẵn sàng,
Để cho đám phụ nữ thấp hèn lo cho miếng cơm manh áo. (Lc 8,1-3)

Vâng, cũng chính nhờ những nét họa của Luca,
Khi Thiên Chúa vào đời “vấn tã và nằm trong máng cỏ”,
Mà thế giới, bao độ Giáng Sinh về, tươi vui rộn rã,
Những đèn sao, những máng có, hang Bê Lem…

Và cũng nhờ bởi Luca,
Mà thế giới suốt 2000 năm hát mãi khúc tâm ca,
Bài thánh thi của Mẹ Maria Magnificat ! (Lc 1,46-56)

Và cũng từ đó,
Ta thấy được vẽ đẹp lạ lùng của từng người nhân loại,
Một nhân loại
dù hóa thân trong những phận người nghèo khó đơn sơ.
Như bà Mẹ góa Naim mất con (Lc 7,11-17),
Như nạn nhân bị vất bỏ bên đường
để gặp được người Samari nhân hậu (Lc 10,29-37)

Nhờ Luca để ta tin và nhận biết một nhân loại,
Luôn được Thiên Chúa luôn rộng tay đón đợi
Và mở lối yêu thương.
Luôn được kiếm tìm và dẫn lối đưa đường,
Để tất cả trở về làm nên một Dân Tộc Mới.

Vâng, với Luca, ta đã biết có một thuở khai sinh Giáo Hội,
Mà tất cả nhờ quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần.
Như gió bảo cuồng phong, như lửa hồng tuôn đổ,
Để làm nên một Dân Mới mang căn cước Thần Linh. (Cv 2,1-4)

Đã bao năm rồi,
Kể từ ngày Hội Thánh mới khai sinh,
Nhưng nhờ Luca,
Giêsu đó, Thiên Chúa đó, Tin Mừng đó…
Sao cứ mới mãi, trẻ hoài,
như mới sáng hôm nay khi ta vừa thức dậy !

Ôi, Luca vị Thánh sử,
Người họa sĩ tuyệt tài,
Đã vẽ chân dung của Thầy Giêsu,
Và chuyển tải Tin Mừng của Ngài sao quá tuyệt.
Người văn sĩ của Thánh Linh,
Người y sĩ thâm tình,
Nhân loại được nhờ Ngài,
Mà chạm được tới bàn tay uy quyền của Chúa.(Lc 8,43-45)

Chúng con cảm ơn Ngài,
Người họa sĩ vẽ chân dung muôn đời có một !

Sơn Ca Linh
(18/10/2016)



 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nắng Ban Mai
Dominic Đức Nguyễn
20:44 18/10/2016
NẮNG BAN MAI
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Bình minh đón Chúa Ba Ngôi
Rỡ ràng nhân loại bồi hồi Thiên duyên
Tình say tình đắm nguyên tuyền
Chứa chan hy vọng nơi miền Thánh Ân.
(Trích thơ của Dã Tràng Cát)