Có dấu hiệu chính quyền Việt Nam trả lại một số tài sản của giáo hội Công Giáo

HÀ NỘI 16-1 (TH).- Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Sang, giám mục địa phận Thái Bình, trong một bài viết phổ biến trên báo điện tử VietCatholic News ngày 15 tháng 1, 2008 cho biết:

“Theo tin 'hành lang' tôi được biết: ngày 14 tháng 1, 2008, thủ tướng chính phủ, ngài Nguyễn Tấn Dũng, đã cho mời Ðức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam (HÐGMVN) và Ðức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt - tổng thư ký HÐGMVN tới phủ thủ tướng để bàn về đất đai mà HÐGMVN đã xin sở hữu lại”.

“Ngài thủ tướng đã thông báo cho hai vị là chính phủ sẵn sàng trao lại các đất của Tòa Khâm Sứ cũ, đất tại Thánh Ðịa La Vang và học viện Pio X Ðà Lạt. Thủ tướng cũng yêu cầu HÐGM ra lệnh cho các nơi đang có đất tranh chấp phải ngừng các buổi cầu nguyện. Chính phủ hứa sẽ lập một ủy ban gồm các bên hữu quan để cứu xét và mau chóng giải quyết các nơi tranh chấp.”

Sự đòi hỏi này có phải là điều kiện đi kèm để 3 cơ sở quan trọng của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được trả lại hay không, không thấy Ðức Giám Mục Nguyễn Văn Sang nêu ra.

Cho tới nay, sau một tháng với hàng ngàn giáo dân kiên nhẫn cầu nguyện, không hề có tin tức chính thức từ phía Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hoặc từ phía nhà cầm quyền Việt Nam loan tin có chuyện tranh chấp đòi lại tài sản đã bị nhà nước chiếm đoạt, hoặc tin tức cầu nguyện đòi tài sản, hoặc kết quả của các lần tiếp xúc, đề nghị giải quyết từ phía nhà cầm quyền trung ương.

Người ta chỉ thấy Ðức Cha Sang nêu ý kiến riêng rằng: “Ðứng trước những đề nghị trên, các vị giám mục có mặt chắc đã hoan nghênh và cảm tạ thiện chí của nhà nước, song không dám cam đoan ra lệnh cho các địa phương ngừng cầu nguyện”. Bởi vì “Thực ra, công việc này vượt quá thẩm quyền của HÐGMVN, bởi còn tùy thuộc vào quyết định của các giám mục địa phương, nơi có những vấn đề về đất đai còn vướng mắc”. Ðức Cha Sang cũng nêu ý kiến riêng rằng: “Nhân danh cá nhân, tôi rất tán thành ý kiến của hai vị, song cũng với tư cách cá nhân, tôi không ra lệnh hoặc yêu cầu, nhưng có quyền đề nghị và mong ước: lấy thiện chí mà đáp lại thiện chí, nhất là trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón Xuân Mậu Tý, để trong những ngày lễ Tết thiêng liêng của dân tộc, đồng bào được sống trong yên vui và hòa thuận.”

Trong bài viết khéo léo dưới hình thức tâm tình nhưng kín đáo đưa tin này, Giám Mục Nguyễn Văn Sang nói rằng: ”Xin các vị tiếp tục cầu nguyện cho chúng tôi - những địa phương còn sống trong cay đắng và uất ức vì những khúc mắc về vấn đề đất đai chưa được giải quyết - sẽ chóng được Chúa an ủi, nâng đỡ, để đi tới thành công như lòng sở nguyện”.

Hàng ngàn cơ sở của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam trên cả nước từ thành thị tới thôn quê đã bị nhà nước và đảng CSVN chiếm đoạt từ nhà thờ, tu viện, cơ sở xã hội, trường học v.v... sau khi bắt đầu cai trị miền Bắc từ 1954 và cả nước từ 1975.

Các tiết lộ được phổ biến rời rạc trên các hệ thống truyền thông cho thấy Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, qua các giáo phận và họ đạo, từng khiếu nại các vụ lấn chiếm vẫn tiếp diễn trong nhiều năm qua. Hầu hết các vụ phản đối đều diễn ra trong âm thầm và chỉ một số nhỏ lọt tin ra ngoài, phổ biến trên Internet.

Những vụ nổi bật như đan viện Thiên An ở Huế, Dòng Thánh Giuse ở Nha Trang.

Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cuối năm 1999 sang đầu năm 2000, ngài đã cùng giáo dân giáo xứ Nguyệt Bìu (cách Huế chừng 7 cây số về phía Tây) căng biểu ngữ “Tự do tôn giáo hay là chết” khi chống lại nhà cầm quyền địa phương lấn chiếm đất đai của giáo xứ. Cha Lý bị kết án tù 8 năm hồi cuối Tháng Ba 2007 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nứơc”. Sau khi bùng nổ vụ cầu nguyện đòi cơ sở Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, người ta mới thấy xuất hiện thêm một số vụ khác như đòi cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội, đòi nhà xứ ở thành phố Hà Ðông, đòi một số cơ sở ở Sài Gòn.

Ðể chuẩn bị những bước kế tiếp để đòi lại các cơ sở của giáo hội tại các địa phương, Giám Mục Sang đề nghị: “Chúng ta hãy chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ, đơn từ về đất đai của địa phương mình đang có vấn đề chiếm dụng, sở hữu trái phép, để sẵn sàng nộp lên ủy ban thanh tra cứu xét một cách mau lẹ, hợp tình và hợp lý.”

Trong khi chờ đợi thì “Tạm thời chấm dứt các buổi cầu nguyện với các hình thức đang có. Ðặc biệt, không để những hình thức cầu nguyện như thế này diễn ra trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Như thế, cũng là cách chúng ta tạo điều kiện cho gia đình cũng như xã hội, cách riêng, cho những anh em cán bộ các cấp, cho các công nhân, xí nghiệp v.v... an tâm cùng với gia đình ăn Tết trong hòa bình và an vui, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam”. Bài viết của giám mục địa phận Thái Bình được phổ biến cùng một ngày với một bản tin về cuộc tranh chấp đòi lại tài sản cho Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà, Hà Nội.

Trong bản tin phổ biến trên ViêtCatholic News cùng ngày 15 tháng 1, 2008, tin tức cho thấy “tình hình có vẻ căng thẳng hơn và có chiều hướng xấu đi” vì “sự hiện diện của công an và giáo dân nhiều hơn mọi ngày”.

Một mặt, phía nhà nước có những lời nói và văn bản cho thấy sẽ buộc nhà cầm quyền địa phương không làm cho tình hình xấu thêm. Trái lại, thực tế chứng minh khác hẳn. “Chúng tôi tìm hiểu một số người dân trong khu vực, thì họ cho biết rằng, mấy hôm nay, chính quyền địa phương đang tìm mọi cách để lôi kéo dư luận, tạo một cái nhìn xấu về nhà thờ. Họ còn cho biết công ty May Chiến Thắng đã họp thống nhất với một số cán bộ an ninh sẽ làm lại tường rào bằng sắt, bất chấp việc công ty May Chiến Thắng đã nhận được công văn số 219/UBND-ÐCNN, của UBND thành phố Hà Nội về việc “yêu cầu công ty May Chiến Thắng dừng lại việc xây dựng lại tường rào bảo vệ cho tới khi có kết luận của thanh tra liên ngành”. Bản tin trên VietCatholic News viết.

Cũng trong bản tin này, nguồn tin nói “Nhà thờ đã công khai trưng ra các tờ đơn khiếu nại từ những năm 1996 cho tới bây giờ, đề nghị chính quyền trao trả lại khu đất này cho nhà dòng và cho giáo xứ. Qua đó, chúng tôi được biết, chiều ngày 11 tháng 1, 2008, nhà thờ Thái Hà, trong hơn một tuần qua, đã lần thứ hai gửi đơn lên các cấp chính quyền, đề nghị trao lại cho Nhà Dòng Chúa Cứu Thế và giáo xứ Thái Hà khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế mà xí nghiệp Dệt Thảm len (nay là công ty May Chiến Thắng) đã bán cho một số tập thể và cá nhân.”

Không thấy phía nhà cầm quyền địa phương phản ứng gì đối với đòi hỏi này.

Nguồn tin chỉ nói rằng giáo dân giáo xứ Thái Hà vì mục đích cao cả đã “chấp nhận chịu rét mướt, không bạo động khi bị khiêu khích; không nhụt bước khi chính quyền ra tăng áp lực; không tức tối khi người ta dùng những xảo thuật và những trò tiểu nhân”.