ĐAN VIỆN THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG LÂM ĐỒNG



Nhân kỷ niệm 50 năm hiện diện tại Giáo Phận Đàlạt, ngày 8-9-2007 (1957-2007)

Đan Phụ Viện Thánh Mẫu Châu Sơn tại Đơn Dương Lâm Đồng là một Dòng tu chiêm niệm theo truyền thống Xitô, trực thuộc Tòa Thánh Rôma. Dòng Châu Sơn Đơn Dương phát xuất từ Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan Ninh Bình và là thành viên của Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam.

I. NGUỒN GỐC VÀ MỤC ĐÍCH CỦA DÒNG.

Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam bắt đầu nhen nhúm từ tâm nguyện của linh mục thừa sai Henri Denis (1880-1933) : “muốn làm thày dòng và giúp đào luyện cho có thày dòng Việt Nam”. Năm 1912 đang khi làm cha xứ họ đạo Nước Mặn (Thừa Lưu), ngài viết thư trình Đức Cha E. G. Allys Lý, Giám mục giáo phận Huế : “…Lý tưởng mà con mơ ước là được làm tu sĩ tông đồ tại An Nam, nơi đó Thiên Chúa cần được một số người nhận biết, yêu mến và phụng sự (cách triệt để hơn). Họ có nhiệm vụ làm cho mọi kitô hữu nhận thức rằng lý tưởng đan tu không phải là một ‘chuyện đời xưa’ nhưng nó còn hiện thực và hiện thực hôm nay cũng như đời xưa”.

Trong cuộc sống thường ngày tại họ đạo Nước Mặn và sau đó tại chủng viện An Ninh, ngài ra sức tập làm thầy đòng và chuẩn bị cho công cuộc vĩ đại : sáng lập Dòng Nam chiêm niệm trên đất nước Việt Nam.

Ngày 15.08.1918, Nhà Dòng Đức Bà Việt Nam được khai sinh tại Phước Sơn, Quảng Trị, trong giáo phận Huế. Trong sắc chỉ thành lập Dòng, Đức Cha E. G. Allys Lý xác định : “Mục đích chính của tu sĩ dòng này là nên hoàn thiện trong đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh. Mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân”.

Từ một dòng thuộc quyền giáo phận, năm 1935, toàn thể tu sĩ Phước Sơn khấn trọng thể gia nhập Dòng Xitô thuộc quyền Toà Thánh. Từ con số hai vào buổi sơ khai, đến lúc này cộng đoàn Phước Sơn đã lên đến bảy mươi tu sĩ. Như một cây đủ tầm vóc, Dòng Đức Bà Vlệt Nam bắt đầu đâm chồi nẩy lộc um tùm kỳ diệu.

Đúng lúc đó, Đức Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng tha thiết ao ước có một Dòng Nam chiêm niệm trong giáo phận Phát Diệm mà ngài vừa đảm trách “để nên như cây thu lôi thiêng liêng, cùng với Nhà Dòng Kín, bênh đỡ giáo phận bằng lời cầu nguyện và hãm mình”. Ngài mời gọi và thu xếp để ngày 08.09.1936, Dòng Phước Sơn khai sinh nhà con tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình : đó là Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Nho Quan, hay Dòng khổ tu Châu Sơn như quần chúng thường quen gọi.

Từ một cộng đoàn non trẻ, Dòng Châu Sơn không ngừng củng cố, phát triển và lớn mạnh. Đời sống chuyên cần cầu nguyện, sự vui vẻ hy sinh và tính cần cù lao động của các tu sĩ đã khiến Nhà Dòng nhanh chóng trở thành “tiếng kêu” vang lên từ nơi sơn lâm chướng khí. Khắp giáo phận Phát Diệm và các giáo phận miền Bắc đều nghe biết về Dòng Châu Sơn. Rất nhiều người gồm linh mục, thày giảng, chủng sinh, giáo dân từ khắp nơi tìm đến đan viện cầu nguyện, tĩnh tâm và tìm hiểu ơn gọi chiêm niệm. Hầu như tuần nào cũng có người xin gia nhập cộng đoàn. Rất nhiều người đã nhờ lời cầu nguyện và sự trợ giúp tận tình của Nhà Dòng mà được ơn lạ. Dân chúng kéo đến làm ăn sinh sống chung quanh đan viện ngày một đông. Từ đó hình thành nhiều họ đạo thuộc quyền đan viện.

Cộng đoàn nghĩ đến việc thành lập nhà mới. Cha phó Bề Trên Jean Berchmans Nguyễn Văn Thảo và cha già Eugêniô Nguyễn Văn Trang được cử đi tìm đất lập dòng. Hai cha lần lượt tham quan các nơi thuộc tỉnh Cao bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tiếc thay thời cuộc đã không thuận lợi ! Tuy nhiên điều đó lại không ngoài chương trình quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn làm nhiều việc kỳ lạ !

Quả nhiên năm 1953, hoàn cảnh lịch sử tạo điều kiện thuận lợi cho các tu sĩ thực hiện ý định trên. Một số tu sĩ vào Nam thành lập cộng đoàn Châu Sơn Nam, tạm thời cư trú tại họ đạo Phước Lý (Thành Tuy Hạ, Biên Hòa). Tháng 06.1957, cộng đoàn Châu Sơn Nam di chuyển đến ‘miền đất hứa’ : đồn điền Canhkina ở huyện Đơn Dương, tỉnh Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng) trong giáo phận Sàigòn. Đồn điền toạ lạc trên một ngọn đồi thuộc cao nguyên Lang Biang, ở độ cao trung bình l050 mét. Khí hậu tinh khiết. Đất đai mầu mỡ. Núi rừng hùng vĩ trùng điệp, bạt ngàn bóng thông. Cảnh quan tuyệt mỹ, yên bình tĩnh mịch, rất phù hợp vớl lý tưởng đan tu. Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn được thành lập tại Đơn Dương. Bề Trên các cấp và Toà Thánh phê chuẩn việc thành lập này.

II. TỪ CỘNG ĐOÀN CHÂU SƠN NAM ĐẾN ĐAN PHỤ VIỆN CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG.

Bước đầu các tu sĩ không tránh khỏi nhiều khó kbăn thử thách, từ vật chất đến tinh thần. Cộng đoàn phải gánh chịu ít nhiều mất mát, không phải do hung thần sốt rét như những năm 1936-1938 ở đồn điền Lacombe Nho Quan, mà vì những biến động do hoàn cảnh di cư. Tuy nhiên với căn tính đan tu sẵn có, các đan sĩ ra sức thiết lập ngôi trường phụng sự Thiên Chúa theo tu luật Biển Đức, tu trào Xitô và tinh thần của Đấng Sáng lập, cha Henri Denis Biển Đức Thuận. Cộng đoàn chọn khẩu hiệu “UT UNUM SINT”, quyết một lòng đoàn kết gắn bó phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh trong “cầu nguyện và lao động” nơi miền đất mới.

Đêm đêm vào lúc 2 giờ khi núi rừng còn đang yên giấc, các tu sĩ đã chỗi dậy dâng lời ca ngợi tạ ơn Thiên Chúa. Và “mỗi ngày 7 lần” các tu sĩ liên tục cầu nguyện thay cho Hội Thánh. Bởi các tu sĩ “không lấy gì làm hơn thần vụ” (Tl. c. 43), nên các giờ kinh ở ca toà được kéo dài bằng việc lao động trong thinh lặng ngoài ruộng vườn, ở xưởng thợ, nơi học tập.

Tháng 08.1959, Đức Tổng phụ Dòng Xitô Dom Sighard Kleiner, đặc cử linh mục đan sĩ Gilbert Barnabé (Cố Bá 1904-1975) từ Phước Sơn đến Đơn Dương tạm quyền Bề Trên cộng đoàn Châu Sơn. Ngài có công ổn định và nâng cao đời sống đan tu trong hoàn cảnh mới, góp phần tô điểm Giáo Hội Việt Nam đang thời hưng thịnh. Sau 300 năm đón nhận Tin Mừng, Giáo Hội Việt Nam vinh dự có 3 Tổng Giáo phận Hà Nội, Huế, Sàigòn, theo Tông hiến “Chư huynh đáng kính” do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24.ll.1960. Tiếp đến ngày 27.ll.1960, Giáo phận Đàlạt được thành lập. Từ nay, Đan viện Châu Sơn Đơn Dương thuộc Giáo phận Đàlạt, Tổng giáo phận Sàigòn.

Nhiều Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân lần lượt tìm “đến và xem” (Ga l,39). Không ít người ở lại gia nhập cộng đoàn. Số tân linh mục và khấn sinh ngày một tăng thêm. Cộng đoàn vững bước phát triển và cất cánh bay cao. Ngày 27.07.1961, cộng đoàn hân hạnh được Thánh Bộ Dòng Tu ban sắc thiết lập Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương thành “Đan viện tự trị” (Monasterium in prioratum sui iuris). Và cha Đan Viện Trưởng tiên khởi là linh mục đan sĩ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng đắc cử vào ngày 12.l0.1962. Cha Đan Viện Trưởng có cái nhìn thấu suốt, trực giác cao và am hiểu thực tế. Cha dựa vào anh em và cùng với anh em khẩn trương đưa cộng đoàn phát triển về mọi mặt.

Trước những thành tựu đáng khích lệ của cộng đoàn Châu Sơn tại Đơn Dương, Đại Hội toàn Dòng Xitô năm 1963 nhất trí nâng Đan viện tự trị Châu Sơn cùng với hai Đan viện Phước Sơn và Phước Lý lên hàng “Đan Phụ viện” (Abbatia). Thánh Bộ Dòng Tu châu phê quyết định này qua văn thư ngày 13.11.1963.

Đầu tháng 03.1964. Đức Tổng Phụ Dòng Xitô từ Rôma sang Việt Nam đến Đơn Dương chủ tọa buổi họp công nghị bầu chọn Viện Phụ tiên khởi. Các đan sĩ nhanh chóng dồn phiếu tín nhiệm cha Đan Viện Trưởng Stêphanô. Đức Viện Phụ tiên khởi Stêphanô Trần Ngọc Hoàng chọn khẩu hiệu : “Amator Regulae et Fratrum” (Yêu Thánh luật và Yêu anh em), tiếp tục sứ mệnh “Abba” của mình nơi cộng đoàn đan tu Châu Sơn.

Để đánh dấu bước trưởng thành của Dòng Xitô giữa lòng Giáo Hội Việt Nam, đồng thời để động viên khích lệ ơn gọi sống đời chiêm niệm, Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đề nghị tiến hành nghi lễ chúc phong ba Viện Phụ tiên khởi của Dòng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn. Buổi lễ chúc phong được long trọng cử hành vào ngày lễ Thánh Cả Giuse 19.03.1964 do Đức Sighard Kleiner chủ sự. Hầu hết các Giám mục đều có mặt. Đại diện Chính quyền các cấp, Bề Trên các Dòng tu, linh mục, nam nữ tu sĩ và rất đông đồng bào lương giáo hoan hỷ tham dự.

Tại Rôma, Toà Thánh không ngừng quan tâm theo dõi từng bước phát triển của Dòng Xitô tại Việt Nam. Ngày 06.l0.1964, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban sắc thành lập “Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam” gồm các Đan phụ viện Phước Sơn, Châu Sơn, Phước Lý, Đan viện Châu Sơn (Nho Quan) và các Đan viện khác trong tương lai sát nhập vào Hội Dòng hoặc do những Đan viện trên thành lập. Hội Dòng Xitô Thánh Gia Việt Nam trở thành Hội Dòng thứ 12 trong Dòng Xitô.

Đây cũng là thời điểm Công đồng Vatican II chắp cánh cho cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương bay cao bay xa trên đường tìm Chúa. Các văn kiện của Công đồng khẳng định vị trí cao quý của các tu sĩ giữa lòng Giáo Hội và đưa ra những đường hướng cụ thể thích hợp. Các linh mục tu sĩ cần mẫn nghiên cứu học hỏi và ứng dụng vào đời sống. Tữ năm 1968, Tiểu ban phụng vụ được hình thành. Ngày 08.09.1969, vào dịp Sinh Nhật Đức Mẹ, cộng đoàn bắt đầu thực hiện chương trình Việt hoá phụng vụ, canh tân các giờ kinh thần vụ. Thánh lễ đồng tế được cử hành hằng ngày, như “như dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái”. Tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn cùng hiệp thông, cùng nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Không còn phân biệt Dòng I, Dòng II.

Đức viện Phụ Stêphanô Trần Ngọc Hoàng cống hiến tài đức và công sức cho cộng đoàn suốt nhlệm kỳ 10 năm (1964-1974). Mặc dù công nghị đan sĩ tiếp tục tín nhiệm, nhưng ngài một mực từ chối quyền tái cử. Ngày 19.03.1974, cha Đan viện phó kiêm Tập sư Liên An Vũ Đức Chính đắc cử Viện Phụ thứ hai của Đan phụ viện Châu Sơn. Đức Tân Viện Phụ chọn khẩu hiệu “Caritas et Pax” (Yêu mến và Bình an). Nhiệm kỳ của Viện Phụ Liên An phải đương đầu với không ít gian nan thử thách nặng nề do biến cố Mùa Xuân 1975 và biến cố Mùa hè 1976. Đức Viện Phụ Liên An được mời đi học tập từ tháng 07.1976 đến tháng 09.1980. Hậu quả là ngài yếu bệnh và bại liệt bán thân. Đức nguyên Viện Phụ Stêphanô tạm đảm trách giải quyết mọi việc. Về sau vì hoàn cảnh bắt buộc và vì sự tín nhiệm của cộng đoàn, ngài chấp nhận lãnh đạo đan viện thêm một thời gian nữa (từ 19.03.1989).

Đất nước bước sang thời kỳ đổi mới. Nhiều ơn gọi mới tìm đến đan viện. Nhiều vấn đề mới xuất hiện. Mặc dù sức khoẻ kém, nhưng Đức Viện Phụ Stêphanô vẫn hết sức lèo lái con thuyền Châu Sơn cho đến tuổi nghỉ hưu đúng theo Hiến pháp quy định. Và ngày 06.02.1994, cha Đan viện phó kiêm Tập sư Giêrađô Nguyễn Văn Thất đắc cử Viện Phụ thứ ba của Đan viện Châu Sơn Đơn Dương. Đức Tân Viện Phụ Giêrađo chọn khẩu hiệu : “Ut omnes unum sint in veritate per caritatem” (Xin cho tất cả nên một trong chân lý và tình thương). Với những năng lực dồi dào và tinh thần đan tu sâu sắc. Đức Viện Phụ Giêrađô cùng tập thể Châu Sơn trẻ trung năng động, đoàn kết nhất trí phát huy các nguồn lực còn tiềm ẩn và tiếp tục phát triển bền vững. Chắc chắn Đan phụ viện Châu Sơn Đơn Dương sẽ vượt qua những rào cản, vật cản để thăng tiến và tỏa sáng, sáng mãi.

III. 50 NĂM ĐAN VIỆN CHÂU SƠN

Cha tân viện phụ đặc biệt quan tâm đến việc huấn luyện đan tu cho anh em trẻ. Căn cứ theo huấn thị của thánh bộ tu sĩ về việc huấn luyện trong các Hội dòng số 61 : “cần phải huấn luyện các tu sĩ ngang tầm mức mong chờ và đòi hỏi của thế giới ngày nay”, từ năm 1994, cha viện phụ Giêrađô đã gửi anh em trẻ xuống trụ sở ở 81A Trần Bình Trọng để theo học các lớp triết học và thần học. Hơn nữa, đến năm 1997 ngài còn gửi 2 anh em đan sĩ đi du học ở Pháp.

Tuy nhiên, công tác được lưu ý hơn cả là việc huấn luyện các anh em đang sống trong Đan Viện. Chương trình đào tạo không chỉ nhằm về mặt kiến thức nhưng là toàn diện con người. Vì thế, cha viện phụ đã tổ chức dạy đầy đủ các môn về nhân bản, tu đức đan tu cho các lớp tập sinh theo giáo luật và Hội Dòng qui định. Cha viện phụ còn lưu ý đến việc thường huấn cho các đan sĩ nữa qua việc cho anh em tham dự các tuần tĩnh huấn của Hội Dòng và ngài cũng thường xuyên mời các chuyên viên đến bồi dưỡng kiến thức cho anh em theo từng khóa huấn luyện.

Ngày 22-5-2000 cha viện phụ Giêrađô mãn nhiệm khi vừa tròn 70 tuổi theo hiến pháp của Hội Dòng, sau 6 năm tận tụy phục vụ Cộng Đoàn.

Ngày 15-6-2000 cha Phanxicô Phan Bảo Luyện được Cộng Đoàn bầu làm viện phụ. Cùng với dòng thời gian, Cộng Đoàn Châu Sơn không ngừng thăng tiến trong ơn gọi sống đời đan tu chiêm niệm của mình. Đan Viện trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc tĩnh tâm, cá nhân cũng như tập thể. Cha viện phụ và Cộng Đoàn Châu Sơn hằng ao ước Đan Viện trở thành một môi truờng thuận tiện cho mọi tâm hồn khao khát tìm gặp Chúa. Vì thế, Cha tân viện phụ đã cho xây dựng một khu nhà khách tĩnh tâm với 40 phòng cá nhân được trang bị đầy đủ tiện nghi.

Tuy nhiên, một trong các thao thức chính của viện phụ Phanxicô là làm sao có thể huấn luyện anh em đan sĩ trẻ trong nội vi Đan Viện, không để anh em phải xuống Sài Gòn học triết học và thần học trong môi truờng không thuận lợi cho đời sống đan tu. Vì thế vào ngày 4-8-2003 viện phụ Phanxicô đã chính thức thành lập học viện Châu Sơn để đào tạo anh em về triết học, và thần học. Tháng 8-2006 một khu nhà dành riêng cho anh em học viện bao gồm 70 phòng ngủ, được khánh thành.

Sau 7 năm phục vụ Cộng Đoàn ngày 9-3-2007, cha viện phụ Phanxicô mãn nhiệm khi vừa tròn 70 tuổi theo hiến pháp của Hội Dòng. Ngày 25-3-2007, cha Ephrem Trịnh Văn Đức được Cộng Đoàn bầu làm viện phụ.

Một giai đoạn mới của đan viện lại bắt đầu.

www.simonhoadalat.com