Xem hình ảnh

Mưa bão đã không là một hiện tượng bất thường trong tháng 6 ở vùng Kerens TX. Cũng vì vậy mà đã có 3 lần (trong tổng số 14) đại hội Thánh Thể tổ chức tại đan viện Biển Đức Thiên Tâm diễn ra trong cảnh lầy lội gió mưa.

Nhưng không vì thế mà sự thu hút cuả Ngày Thánh Thể giảm đi, và cứ sau mỗi lần như vậy thì đan viện lại xây dựng thêm một cơ sở nào đó để cải thiện việc sinh hoạt cho người hành hương, như xây thêm một hội trường để tăng thêm chỗ ngủ đêm, như thiết kế điện nước cho 4 khu rừng để có thêm chỗ cắm trại (cho xe và lều cá nhân), thay chiếc nhà bếp bằng lều vải bằng một nhà tiền chế bằng sắt kiên cố, và đặt thêm trailers cho các thiện nguyện viên...

Nhưng hiện tượng bất ngờ xẩy ra vào chiều thứ Bảy vừa qua sẽ là một đề tài bàn luận lâu dài cho những người đi tham dự đại hội năm nay.

Sau 2 ngày thời tiết êm ả, thì vào chiều thứ Bảy, một cơn giông nổi lên mạnh mẽ làm xáo trộn mọi chương trình, thường là tột đỉnh cuả 3 ngày đại hội.

Cơn giông với mưa đá bắt đầu nổi lên lúc 3.30g chiều ở vùng Ennis, rồi theo gió ‘chính Bắc’ lan tới Kerens vào khoảng sau 4g.

Gió thổi liên hồi, có lúc gió giật lên trên 50 miles/g, làm cho cây cối gẫy cành và vài cây bị trốc gốc nằm ngổn ngang bên quốc lộ 287.



Nước hồ Richland-Chambers bị gió dồn lên cao, sóng lớn đập vào thành con cầu dài trên 1 mile, và người ta đã phải chặn cầu (và đường 287) vào lúc 6g chiều, cho mãi tới khuya mới mở lại.

Tại đan viện, cơn giông bất ngờ đó đã gây hoảng loạn cho những thực khách ngồi trong 2 căn lều ‘nhà cơm’. Gió thổi như muốn làm tung nóc lều, và người ta đã hè nhau chạy ra...may sao không có ai bị đè bẹp hoặc bị thương tích. Đây có lẽ sẽ là một kinh nghiệm điều hành cho các nhân viên An Ninh Trật Tự về sau này.

Điện bị ‘cúp’...Tuy đan viện có đủ cơ sở để tiếp tục hoạt động trong mọi thời tiết, nhưng việc mất điện đã làm ngưng trệ mọi sinh hoạt vì thiếu ánh sáng và hệ thống phát thanh.

Ở đây là miền quê, phải mất nhiều giờ sau đó thì điện mới được phục hồi....Lại thêm một nhu cầu mới cho đan viện là làm sao có một hệ thống điện ‘back up’.

Nhưng cái cực nhọc nhất có lẽ đã xẩy ra ở khu vực đậu xe. Đan viện chỉ có một số bãi xi-măng hạn chế mà lại dùng làm sàn cho các lều vải, cho nên mọi người phải đậu xe trên bãi cỏ.

Mưa nhiều làm cho bãi cỏ thành lầy lội, càng về khuya thì càng lầy hơn vì các vết xe lún xâu hơn. Tội nghiệp cho chủ nhân cuả xe đã đành, nhưng thật là tội nghiệp hơn cho các anh em thiện nguyện viên phải ‘cứu nạn’ từng chiếc xe một cho tới ‘thật khuya’.

Nhưng trong những giọt nước mưa (và nước mắt) đó, có một điểm son được ghi nhận.

Những bà ‘làm bếp’, là những người thiện nguyện lo đủ mọi việc rửa ráy và nấu nướng cho khách hàng hương, họ bận rộn trước khi ‘nhà cơm’ mở cửa cho đến sau khi thực khách ra về.

Bận rộn như vậy thì lúc nào họ mới có thời giờ để cầu nguyện nhỉ? Và nhiều khi họ còn ‘gấu ó’ với nhau nữa! than ôi!

Nhưng trong lúc mưa bão thứ Bảy vừa qua, trong khi mà mọi người còn ‘ngơ ngác’ không biết phải nghĩ gì làm gì, thì tôi đã nghe tiếng vọng ra văng vẳng cuả các bà ‘làm bếp’ đang đọc kinh cầu nguyện. Đây là nhóm duy nhất mà tôi thấy khi rảo quanh các khu sinh hoạt, họ biết rủ nhau cầu nguyện trong những lúc khốn khó.

Họ lần chuỗi Mân Côi để cầu xin cho mọi người được ‘tai qua nạn khỏi’.

Có phải vì thế chăng? Mà sau một cơn giông bão khiếp đảm vừa rồi, đã không có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra... ngoại trừ vài chiếc dù, vài chiếc cờ nằm lăn lóc trên những vết xình lầy.

TB: Tôi đã định đây là lần cuối làm phóng sự Ngày Thánh Thể ở đây. “Sông có khúc, người có lúc” mà. Đã quá tuổi nhỉ hưu nhiều rồi! Tuy nhiên không ai muốn chấm dứt một câu chuyện với một kết thúc buồn cả. Vậy thì, hy vọng hẹn gặp lại quí độc giả một lần nữa, năm sau.