Vài cảm tưởng sơ khởi về “Sấm Truyền Ca” của Lm. Lữ Y Đoan

° Trần Thái Đỉnh

Cảm tưởng đầu tiên khi được cầm trong tay và đọc tập “Sấm Truyền Ca” là vui mừng và hãnh diện vì mình có một tài liệu quý giá như thế cả về giá trị văn học lẫn về phương diện lịch sử.

Liền sau niềm vui của sự khám phá này là một sự hối tiếc lớn lao, vì chúng ta đã không giữ được bản chữ nôm (như tôi biết, về cuốn Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, người ta hiện còn giữ được hai ba bản nôm khác nhau), càng buồn tiếc khi thấy chính bản quốc ngữ cũng bị mất mát quá nhiều do nước mưa làm mục nát và bị mối ăn mất nhiều phần...

Nhìn vào tài liệu hiện nay có trong tay, tất nhiên còn cần có một sự phê bình văn học, để xem đâu là nguyên tác của Lữ Y Đoan và đâu là những sửa chữa hoặc thêm bớt của các vị như Phaolô Qui, v.v...

Đi sâu vào bản văn, người ta không thể không kính phục sâu xa với nền học ván uyên bác (Nho, Phật) và uyên thâm (thâm nho) của tác giả khiến tác giả đã có thể “ung dung” vận dụng sự hiểu biết của mình để đưa Thánh Kinh vào trong văn hóa dân tộc và sử dụng văn hóa dân tộc để trình bày đạo lý của Thánh Kinh. Đây là công việc ngày càng được Giáo Hội mạnh mẽ khuyến khích, sau khi đã có những đổi mới rất táo bạo của công đồng Vatican II, như việc dùng tiếng nói của mỗi dân tộc thay cho tiếng La-tinh làm ngôn ngữ của Phụng vụ v.v... nhất là để cử hành thánh lễ và các bí tích. Nhưng việc đem đạo văn vào trong văn hóa dân tộc của linh mục Lữ Y Đoan trong “Sấm Truyền Ca” đã không được các vị thừa sai Tây phương chấp nhận. Điều này chúng tôi sẽ bàn đến sau này. Bây giờ xin nói ngay những cảm tưởng. Càng vui mừng và tôn kính sự uyên bác của một Lữ Y Đoan của thế kỷ 17, thì người ta càng không khỏi buồn khi thấy một số giáo sĩ ngày nay “tiếng Tây không thạo, tiếng Tàu không thông”. Thí dụ trong một số cuốn sách được phổ biến khá rộng rãi gần đây, người ta đã dịch nhiều câu Pháp văn một cách rất sai nghĩa, như câu “Hạnh phúc của con người đôi khi đơn giản lắm” chẳng hạn, “Etre avec ceux qu’on aime xxxx” đã được dịch là “Hạnh phúc... là lấy được người mình yêu” (!), trong khi câu tiếng Pháp chỉ có nghĩa là “Được ở với người mình ưa thích”.

Về “tiếng Tàu”, tức tiếng Hán Việt, đã có những câu không thể nghe được. Chẳng hạn vào nhà thờ, chúng ta được nghe hát những câu như “Tình yêu Chúa vô bờ”. Sao lại vô bờ? Nghe có vẻ như thuyền sắp vào bờ... Người ta thường nói từ “biên” hoặc “không bờ bến”. Vô bờ đúng là lối văn “bát nháo” mà các cụ xưa đã chế diễu khi dùng lối văn này để vịnh chiếc ô (cái dù) của ông Lý Toét:

Năng cụp mà bất năng xoè,

Năng dựa đầu tường mà bất năng treo.

Thế rồi, mỗi tối khi nghe đài “Chan lý Á Châu” (Phi-luật-tân), tôi thường bị nhói tim khi nghe mấy giáo sĩ Việt Nam bên đó phát thanh bô bô “Hội Đồng Giám Mục toàn nước”, “các đoàn thiếu nhi toàn nước” v.v... Thường ta nghe nói “toàn quốc” hoặc “cả nước”, còn “toàn nước” chỉ thấy trong những câu như “nó để lại cho mình tô canh toàn nước”, “ăn tô phở toàn nước”...

Mong anh em Công giáo, nhất là các vị giáo sĩ hãy thận trọng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

*

Về việc mấy linh mục Tây phương đả kích cách làm việc của Lữ Y Đoan, khi ngài dùng những quan niệm Á Đông như âm dương, ngũ hành và tam cương ngũ thường để trình bày đạo lý của Thánh Kinh, chúng tôi thấy cũng dễ hiểu thôi. Và cũng được cảm thông, mặc dù sự hẹp lượng này đã gây bao thiệt hại cho việc truyền giáo (như vụ “thờ cúng ông bà”) và làm mất bao nhiêu vẻ phong phú của Giáo Hội.

Chúng tôi nghĩ óc hẹp hòi này của các thừa sai Tây phương có hai nguyên nhân: một là “óc đế quốc”, cái gì của mình cũng hay, cũng tốt hơn của các dân tộc khác: hai là không phận biệt nội dung và hình thức, cái chính và cái tùi.

Về cả hai điểm này, triều đình Rô-ma đã nêu gương xấu cho các vị thừa sai. Về “óc đế quốc”, chỉ xn đơn cử “cái mũ ba tầng” của Đức Giáo Hoàng và câu chuyện tiếng La-tinh.

Cãi mũ ba tầng tượng trưng cho “uy quyền thế tục” của các hoàng đế. Khi dân Do-thái muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua, Ngài đã từ chối bằng cách rút lui lên núi cầu nguyện. Khi các hoàn cảnh lịch sử đưa đẩy, người ta tôn Đức Giáo Hoàng làm một thứ hoàng đế, thì ngài chịu và chịu lắm! Chứng cớ là các vị Giáo Hoàng đã tiếp tục tuyên án vạ tuyệt thông cho những ai “cướp lãnh thổ của Đức Giáo Hoàng”. Mãi đến đời Đức Pi-ô XI mới can đảm chấp nhận và “tha tội” cho “những kẻ cướp đó”. Và mãi đến Đức Phaolô VI, nếu tôi không lầm, các Đức Giáo Hoàng mới bỏ được sự nuối tiếc chiếc mũ ba tầng.

Còn câu chuyện tiếng La-tinh mới thực là nực cười và đau lòng. Tiếng La-tinh là tiếng nói của kẻ thù số 1 của Giáo Hội: đế quốc La-mã. Nhưng khi Rô-ma đã trở thành Giáo đô, và tiếng La-tinh lại được trọng dụng vì tính phổ thông của nó hồi các thế kỷ đầu (điều này không có đáng trách hết, và còn tốt nữa), nó đã dần dần thay thế tiếng Do-thái và nhất là tiếng Hy-lạp của Giáo Hội (điều này vẫn là điều tự nhiên). Vai trò độc tôn của tiếng La-tinh trong Giáo Hội đã kéo dài từ thời thượng cổ, qua thời kỳ trung cổ triền miên, cho mãi đến thời đại ngày nay. Thật đáng tiếc, nhưng vẫn chưa có gì là khó hiểu. Điều khó hiểu và khó chấp nhận là một sự thần thánh hóa nào đó đối với tiếng La-tinh (mà Chúa Giêsu đâu có nói tiếng La-tinh!) Những năm trước Công đồng đã có phong trào Phụng vụ khá mạnh mẽ ở Pháp và ở Đức, nhưng mạnh mẽ thì mạnh mẽ, linh mục làm lễ vẫn quay lưng lại giáo dân và một mình lẩm bẩm thứ tiếng thần bí gì đó (tiếng La-tinh) mà chỉ mình ngài hiểu. Giáo dân thì có “Sách lễ giáo dân” bằng tiếng dân tộc để “theo dõi” những gì linh mục đọc. Chỉ có bên Đức mạnh bạo hơn (vì người ta biết hàng giám mục ở Đức ít chia rẽ hơn ở Pháp, không sợ những chuyện “mét Tòa Thánh!”), cho nên năm 1957, tôi đã chứng kiến các nhà thờ bên Đức hát kinh “Vinh Danh” và “kinh Tin Kính” bằng tiếng Đức (một điều bên Pháp muốn lắm mà không dám làm). Không biết Giáo Hội ở Đức có bị cảnh cáo về việc này hay không? Rồi trong thời gian họp công đồng, có sự cho phép cử hành “thử” thánh lễ bằng tiếng dân tộc, tuy nhiên phần “thánh hiến các lễ vật” vẫn phải làm bằng tiếng La-tinh, sợ truyền phép Mình Máu Thánh bằng tiếng bản xứ sẽ không thành! Rồi sau công đồng, trong thời gian thí nghiệm hiến chế về phụng vụ, cũng có những truyện cười ra nước mắt. Chẳng hạn khi cử hành bí tích rửa tội thì tất cả cac phần nghi thức đều được làm bằng tiếng các dân tộc, trừ hai bài “trừ tà” tức trừ quỷ thì phải dùng tiếng La-tinh, điều này khiến nhiều người bàn tán rằng: “Chắc tiếng La-tinh là tiếng nói của csac quỷ trong hỏa ngục, vì chúng chỉ hiểu tiếng La-tinh thôi”.

Cho nên chúng ta phải vô cùng biết ơn đức Phaolô VI đã hết sức can đảm trong việc truyền phải dùng tiếng các dân tộc để cử hành mọi phần Thánh lễ và của các bí tích.

Bây giờ xin bàn về sự hẹp hòi do không phân biệt nội dung và hình thức. Lữ Y Đoan đã dùng những quan niệm như Tam cương và Ngũ thương của nên luân lý Á Đông để trình bày đạo lý của Thánh Kinh và dùng những quan niệm như âm dương, ngũ hành... để giải thích giáo lý của Thánh Kinh về vũ trụ vạn vật. Về luân lý, Tam cương, Ngũ thường có thể là một chuẩn bị quá tốt. Dầu sao không có gì để bàn luận dài dòng. Chúng tôi chỉ xin đề cập đến thuyết ngũ hành đã được Lữ Y Đoan nhắc tới và đã bị các vị thừa sai Tây phương đả kích. Bình tĩnh mà nói: “thuyết ngũ hành” của Á Đông cũng chỉ là một học thuyết. Cũng như thuyết “bốn nguyên tố + 1” (vị chi cũng ngũ hành) của Aristote cũng chỉ là một học thuyết. Điều tai hại khiến đã xảy ra vụ án Galilée (năm 1633) là do mấy vị trong Giáo Hội đã lẫn lộn, coi thuyết “ngũ tố” của Aristote như lời Chúa dạy. Mà Thánh Kinh có dạy trái đất đứng yên ở trung tâm, và mặt trời xoay quanh trái đất đâu? Phần trách nhiệm có lẽ là do thánh Thomas Aquino đã đưa học thuyết Aristote vào vũ trụ quan của ông. Và thánh Thomas dạy, thì nhất định phải đúng.

Ai nói nghịc thánh Thomas là sai, là “rối đạo”. Thật ra thánh Thomas đã làm công việc mà Lữ Y Đoan đã muốn cho nên văn học Á Đông. Ngài không lẫn lộn nội dung và hình thức, không lẫn lộn lời Chúa với lời của Aristote. Cái lỗi là do mấy vị trong triều đình Rô-ma. Do “óc đế quốc”, mấy ông cho mình nắm được chân lý toàn diện, cho nên mấy ông mới tố cáo nhà bác học lão thành, sáu mươi chín tuổi, là “rối đạo”, tống ngục ông và đe án tử hình, nếu ông không “thề bỏ tà thuyết đó”. Và chúng ta biết do sự khuyến dụ rất thân tình của một số bạn bè, ông đã ra trước tòa án của Giáo Hội để ký tờ xin “từ bỏ tà thuyết” và phải quỳ trước mặt mấy ông thẩm phán của tòa này. Nhưng lịch sử ghi lại rằng: khi cụ buồn bã bước ra khỏi tòa, cụ đã nói câu bất hủ: “E pur si muove” (Tuy vậy, trái đất vẫn xoay vần).

Đó là một vết nhơ lịch sử, một vết nhơ quá lớn do mấy ông Hồng Y của Bộ Thánh vụ tạt lên mặt Giáo Hội. Và nếu tôi không lầm thì mãi năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phaolô II mới can đảm đứng ra thay mặt Giáo Hội xin lỗi và phục hồi danh dự cho nhà bác học Gallilée.

Ước chi bài học đau đớn này giúp các vị cầm quyền trong Giáo Hội gội rửa “óc đế quốc” của các ngài, đề đừng vì các ngài mà Giáo Hội tái phạm những tội như tội “tiếng La-tinh”, và tội “vụ án Galilée”, nhất là trong khi “óc đế quốc” của người Tây phương đang mất dần chỗ đứng, và Giáo Hội đang khuyến khích việc “đem đạo vào đời”, đem Phúc âm vào văn hóa các dân tộc và dùng văn hóa các dân tộc để trình bày Giáo lý Phúc âm cho những con người biết hãnh diện vì nên văn hóa ngàn năm của họ.

Trần Thái Đỉnh

www.dunglac.net - Mạng Lưới Dũng Lạc, góp tư liệu xây nhà Văn Hóa Công Giáo