Jonathan Liedl của hãng tin CNA, ngày 14 tháng 3 năm 2024, tường trình rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không có kế hoạch từ chức – mặc dù ngài nói rằng một số người trong Giáo hội mong muốn ngài sẽ làm như vậy.

Đức Giáo Hoàng đề cập đến chủ đề này trong “Cuộc đời: Câu chuyện của tôi qua lịch sử”, cuốn tự truyện sắp ra mắt của ngài. Những đoạn trích từ cuốn sách thăm dò chi tiết những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của vị giáo hoàng 87 tuổi cho đến ngày nay, đã được tờ báo Ý Corriere della Sera công bố ngày 14 tháng 3.

Trong cuốn sách, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng bất chấp những lời chỉ trích và các vấn đề y tế mà ngài phải đối mặt trong suốt 11 năm làm giáo hoàng, ngài coi thừa tác vụ Phêrô là “suốt đời” và không thấy có điều kiện nào để từ chức, ngoại trừ tình trạng suy yếu nghiêm trọng về thể chất.

“Trong nhiều năm qua, có lẽ một số người đã hy vọng rằng sớm hay muộn, có lẽ sau khi nhập viện, tôi sẽ đưa ra tuyên bố như thế, nhưng không có rủi ro như vậy: Nhờ ơn Chúa, tôi được hưởng sức khỏe tốt, và nếu Chúa muốn, có nhiều dự án vẫn chưa thực hiện được.”

Đức Giáo Hoàng nói rằng một số người đã tập trung vào việc ai có thể kế vị ngài, ngài nói điều này là chuyện thường của con người, nhưng ngài cũng cảnh cáo rằng kiểu suy đoán này có thể được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân hoặc “vì lợi nhuận trên báo chí”.

Giải quyết những lời chỉ trích chống lại ngài trong hơn 10 năm làm giáo hoàng, vị giáo hoàng người Argentina thừa nhận rằng ngài bị tổn thương bởi những người cho rằng ngài đang “tiêu diệt ngôi giáo hoàng”. Nhưng ngài nói rằng ngài sẽ phải đến gặp nhà tâm lý học mỗi tuần một lần nếu ngài lưu ý đến tất cả những lời chỉ trích, điều mà ngài cho là được thúc đẩy bởi sự phản đối mong muốn của ngài là làm cho Giáo hội trở nên mục vụ hơn và ít quân chủ hơn.

Đức Giáo Hoàng cũng viết rằng ngài “đau lòng” khi chứng kiến Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, người đã từ chức vào năm 2013 và sống ở Vatican với tư cách là giáo hoàng hưu trí trước khi qua đời vào ngày 31 tháng 12 năm 2022, bị sử dụng để chống lại ngài vì “các mục đích ý thức hệ và chính trị” bởi “những người vô đạo đức, không chấp nhận việc ngài không từ chức, đã nghĩ đến lợi ích riêng và mảnh vườn nhỏ của riêng mình để canh tác, đánh giá thấp khả thể rạn nứt nghiêm trọng trong Giáo hội”.

Trong cuốn sách mới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng bảo vệ động thái được cho là gây chia rẽ nhất trong triều giáo hoàng của ngài: việc Vatican phê chuẩn việc ban phước lành gây tranh cãi gần đây cho các cặp đồng tính. Đức Giáo Hoàng nói rằng việc ban hành Fiducia Supplicans xác nhận rằng “Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi”, và nếu một số người quyết định không thực hiện hướng dẫn, như nhiều giám mục và toàn bộ hội đồng giám mục đã làm, “điều đó không có nghĩa rằng đây là phòng chờ của một cuộc ly giáo, bởi vì học thuyết của Giáo hội không bị nghi ngờ.”

Trong khi Đức Giáo Hoàng nói rằng hôn nhân giữa những người cùng giới tính là điều bất khả, ngài nhắc lại sự chấp thuận của ngài đối với các kết hợp dân sự, nói rằng “điều đúng là những người sống ơn phúc tình yêu này có thể được bảo hiểm hợp pháp như mọi người khác”.

Vòng vo, và ‘suýt bị đè bẹp’

Cuốn tự truyện sắp xuất bản tiết lộ nhiều chi tiết về lịch sử gia đình, quá trình dưỡng dục và thừa tác vụ thụ phong của Đức Giáo Hoàng - bao gồm một số đoạn vòng vo [twist and turns] và “những lần suýt bị đè bẹp” trong suốt chặng đường.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng chia sẻ bà nội và cha của ngài suýt lên một con tàu Ý bị chìm năm 1927 trên đường đến Argentina, dẫn đến cái chết của 300 người di cư. Nhưng gia đình Bergoglio không có đủ tiền để mua vé và may mắn thoát khỏi chuyến hành trình định mệnh đó.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng kể lại việc khi còn là chủng sinh, ngài đã có “cảm tình nhỏ” với một phụ nữ trẻ mà ngài gặp trong đám cưới của chú mình, người mà ngài đã “bị choáng ngợp”.

“Suốt một tuần, tôi luôn có hình ảnh cô ấy trong tâm trí và thật khó để tôi cầu nguyện! Rồi may mắn thay [những suy nghĩ về cô ấy] trôi qua, và tôi đã cống hiến cả thể xác lẫn tâm hồn cho ơn gọi của mình.”

Một sự chuyển hướng gần như khác xảy ra sau Thế chiến II khi chàng tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi xin được đến Nhật Bản với tư cách là một nhà truyền giáo. Nhưng yêu cầu của chàng đã bị từ chối vì lo ngại về sức khỏe.

“Nếu họ gửi tôi đến vùng đất truyền giáo đó, cuộc đời tôi có lẽ đã đi theo một con đường khác; và có lẽ ai đó ở Vatican bây giờ sẽ tốt hơn”, Đức Giáo Hoàng châm biếm, đề cập đến những người gièm pha ngài trong Giáo triều.

Đức Phanxicô cũng kể lại một số điểm nổi bật trong thừa tác vụ thụ phong của ngài, chẳng hạn như mật nghị bầu ngài làm giáo hoàng năm 2013, nhưng cũng kể lại những giai đoạn khó khăn hơn, chẳng hạn như kinh nghiệm của ngài trong chế độ độc tài Argentina năm 1976–1983 và việc ngài “bị lưu đày” đến vùng nông thôn Argentina bởi bề trên Dòng Tên của ngài.

“Đó là một thời kỳ thanh luyện”, Đức Giáo Hoàng nói về những năm ngài ở Cordoba vào những năm 1990, xảy ra sau những sai lầm mà ngài đã phạm phải “do thái độ độc đoán của tôi”.

“Tôi rất khép kín với bản thân, hơi trầm cảm.”

Những nhân vật quan trọng cũng góp phần vào cuốn tự truyện của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bao gồm ông bà nội của ngài, Giovanni và Rosa, cũng như ông xếp của ngài khi còn là sinh viên trong phòng thí nghiệm: một phụ nữ tên là Esther mà Đức Giáo Hoàng mô tả là “một người cộng sản thực sự”.

Phá thai, mang thai hộ và nghệ thuật làm xấu mặt

Trong cuốn “Cuộc đời: Câu chuyện của tôi qua lịch sử”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nêu quan điểm của mình về một số vấn đề cấp bách nhất mà Giáo hội và xã hội phải đối đầu.

Ngài nhắc lại mô tả của mình về việc phá thai là “một hành vi tội phạm” giống như việc thuê “sát thủ”.

“Làm ơn đừng phá thai nữa! Điều thiết yếu là luôn bảo vệ và cổ vũ sự phản đối của lương tâm.”

Đức Giáo Hoàng cũng lên án việc mang thai hộ là “vô nhân đạo” vì nó “đe dọa phẩm giá của đàn ông và đàn bà, và trẻ em bị coi như hàng hóa”.

Về chủ đề bảo vệ công trình sáng thế, Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết rằng “thời gian không còn nhiều” để cứu hành tinh nhưng kêu gọi các nhà hoạt động không dùng đến bạo lực hoặc “làm xấu mặt các tác phẩm nghệ thuật” trong nỗ lực thúc đẩy thay đổi.

Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của Giáo hội phải noi gương Chúa Kitô đến với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội để chăm sóc những người bị thu hút bởi người đồng tính và chuyển giới, “những người thường bị gạt ra ngoài lề xã hội trong Giáo hội”.

“Hãy làm cho họ cảm thấy như ở nhà, đặc biệt là những người đã lãnh nhận phép rửa và về mọi mặt đều là thành phần dân Chúa.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đồng sáng tác “Cuộc đời: Câu chuyện của tôi qua lịch sử” với Fabio Marchese Ragona, một nhà báo viết về Vatican và là bạn thân của ngài. Cuốn tự truyện rất được mong đợi đang được HarperCollins xuất bản tại Mỹ và châu Âu, dự kiến sẽ được phát hành đầy đủ vào ngày 19/3.