Ngày 02-11-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:10 02/11/2015
52. NGƯỜI GIÀ ĐỜI NHÀ HÁN.
N2T

Đời nhà Hán có một ông già sống một mình nhưng giàu có chỉ tội cái là bủn xỉn, keo kiết.
Một hôm, có người mượn tiền của ông ta, bất đắc dĩ ông ta mới lấy trong hầu bao ra mười đồng, từ phòng khách đi ra, vừa đi vừa giảm bớt ít lại, nên khi đi ra phòng ngoài thì chỉ còn lại phân nửa, nhưng ông ta vẫn cảm thấy lòng đau như cắt, nhắm con mắt lại đưa tiền cho người nọ, rồi nói:
- “Tôi đem toàn bộ gia sản cho anh mượn, anh đừng nói cho người khác biết, bằng không họ sẽ đến tôi mượn tiền như anh vậy !”
Không bao lâu, ông già ấy chết, tất cả tài sản đều bị quan phủ tịch thu.
(Tiếu lâm)

Suy tư 52:
Có người làm ra được đồng tiền không dám xài, không dám mua sắm chi cả, nói bố thí cho người nghèo là chuyện “tày trời” đối với họ; lại có người được tiền bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, không thèm tích trữ, xài cho đã, ăn cho sướng cái miệng..., tất cả tính toán đó đều là của con người.
Đây là lời của Đức Chúa Giê-su: “Anh em đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi” . Tích trữ kho tàng ở dưới đất tức là đem tiền gởi vào ngân hàng, gởi vào quỹ tiết kiệm, bỏ vào két sắt khóa lại bằng khóa điện tử. Đùng một cái, nhà cháy, ngân hàng phá sản, tay trắng tay, phải “cày” lại từ đầu để kiếm từng đồng tiền.
Ngân hàng chắc chắn nhất của chúng ta là người nghèo, bởi vì khi gởi tiền vào ngân hàng này là chúng ta được một lời bảo chứng rất giá trị ngàn đời của Đức Chúa Giê-su: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” .
Gởi vào ngân hàng này không cần thủ tục rườm rà, không cần con dấu và chữ ký, cũng không cần tuân theo thủ tục hành chánh, và cái tiện lợi nhất của ngân hàng này là ở đâu cũng có, nghĩa là có mặt khắp nơi trên thế gian, chỉ cần một điều kiện duy nhất: yêu thương họ như chính mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:12 02/11/2015
N2T

2. Tu viện là gia đình của Thiên Chúa.

(Thánh Benedictus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

-----------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha cử hành Lễ Các Thánh Nam Nữ tại nghĩa trang Verano
Đặng Tự Do
08:18 02/11/2015
Cũng như các năm trước đây, chiều Chúa Nhật 1 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nghĩa trang Verano của thành phố Rôma để cử hành Lễ Các Thánh Nam Nữ.


Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Tám Mối Phúc Chúa Giêsu đã giảng dạy cho đám đông quây quần chung quanh ngài trên sườn một đồi quanh hồ Galilê.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng chúng ta có thể tự hỏi làm sao những tâm hồn nghèo khó, hay những kẻ than khóc lại được chúc phúc và thấy hạnh phúc? Bởi vì những ai mà con tim không còn vướng bận những lo lắng thế gian và những ai biết chia sẻ những nỗi buồn và nỗi đau của người khác, là những người sẽ được chào đón vào Nước Trời và sẽ được cảm nghiệm sự dịu dàng và an ủi của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ.

Suy tư về mối phúc, “Phúc thay ai hiền lành”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định rằng thường khi chúng ta hành động hoàn toàn ngược lại, cáu gắt, than phiền và to tiếng thay vì theo con đường kiên nhẫn và khiêm nhường của Thiên Chúa. Giống như cha mẹ là người có sự kiên nhẫn vô tận đối với con cái của mình, Chúa Giêsu đã chọn con đường hiền lành, chịu lưu đày và bách hại, chịu người ta vu cáo và thậm chí chấp nhận cái chết trên thập giá vì chúng ta.

Đức Thánh Cha diễn giải tiếp rằng “Phúc cho những kẻ đói khát sự công bình” vì họ sẽ được nhìn thấy công lý của Thiên Chúa được thể hiện viên mãn. “Phúc thay ai xót thương” nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều là những con người tội lỗi và mỗi người chúng ta cần được tha thứ, và vì thế chúng ta cũng phải tỏ lòng thương xót và tha thứ cho người khác.

Cuối cùng Đức Thánh Cha nói về mối phúc “Phúc cho ai kiến tạo hoà bình”. Chúa Giêsu nói rằng những người kiên nhẫn làm việc để xây dựng hòa bình và hòa giải là những người tìm thấy hạnh phúc thật sự, không giống như những kẻ lừa đảo, tung tin đồn, hoặc lợi dụng những người khác.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, ân sủng để biết hiền lành và biết khóc trước những khổ đau của người khác, ân sủng để dấn thân cho công lý và hòa bình, và trên tất cả, ơn thánh để cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và có thể trở thành khí cụ của lòng thương xót của Ngài cho những người khác.

Nghĩa trang rộng lớn Verano được hình thành từ gia đình Verani là một gia đình thế giá trong thời Đế quốc La Mã. Nơi đây đã là một nghĩa trang kể từ thời kỳ đó. Kiến trúc sư Ý Giuseppe Valadier đã tạo nên những nét hùng vĩ và đầy ấn tượng của nghĩa trang này.

Nghĩa trang Verano đã được thánh hiến vào năm 1835 và các công trình vẫn được tiếp tục xây dựng trong suốt triều đại giáo hoàng Gregôriô thứ 16 và Piô 9 dưới sự giám sát của các kiến trúc sư Virginius, và Ernestus Immanuel là người đã thiết kế một mái che bốn mặt lớn tại lối vào.

Tuy nhiên mái che này đã bị lực lượng Đồng Minh thả bom nhầm vào năm 1943 và công việc phục hồi sau đó đã được thực hiện như ta có thể thấy ngày hôm nay khi vào nghĩa trang này với ba lối vào lớn và bốn bức tượng đá cẩm thạch hùng vĩ mô tả việc chiêm niệm, hy vọng, lòng bác ái và sự im lặng.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt nhắc tới vụ đánh bom nghĩa trang Verano và vùng lân cận San Lorenzo của Rôma trong bài giảng của ngài khi lên án sự tàn phá các kỳ công sáng tạo, sự sống và các nền văn hóa đang diễn ra trong thế giới ngày nay và cầu xin Chúa giúp đỡ ngăn chặn cơn sốt điên dại hướng tới sự hủy diệt này.

Điều thú vị là nghĩa trang cũng có một đài tưởng niệm những người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
 
Súng nổ suốt ngày đêm tại thủ đô Bangui, liệu Đức Thánh Cha có nên đến thăm?
Đặng Tự Do
00:34 02/11/2015
Sau vài tháng lắng đọng, tháng Chín vừa qua, đột nhiên có hai người Hồi Giáo bị giết chết ngay tại thủ đô Bangui. Bạo lực lập tức bùng lên làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trước khi một lực lượng quốc tế khôi phục lại được trật tự.

Đầu tháng Mười, đột nhiên lại có hai người Hồi Giáo bị giết chết. Bạo động lại nổ ra làm 4 Kitô hữu bị giết và khoảng 20 người bị thương tại Bangui trong một cuộc tấn trả thù cho cái chết của hai người Hồi giáo này. Vụ bạo động đã khiến cuộc bầu cử Quốc Hội lập hiến và cuộc bầu cử tổng thống được dự trù vào ngày 4 tháng 10 và 18 tháng 10 phải dời đến 6 và 13 tháng 12.

Hôm thứ Năm 29 tháng 10, tổng thống lâm thời Samba Penza đã sa thải hai vị Bộ trưởng quốc phòng và an ninh công cộng vì tình trạng bất ổn kéo dài.

Đêm thứ Bẩy 31 tháng 10, giao tranh dữ dội đã xảy ra tại các quận có đông người Kitô hữu tại thủ đô Bangui. Phát ngôn viên chính phủ cho biết:

“Một số ngôi nhà bị đốt cháy và tiếng súng hạng nặng vang lên tại các quận Kitô Giáo đang bị bao vây bởi những người Hồi giáo vũ trang.” Ông nói thêm: “Chưa rõ có bao nhiêu người bị thiệt mạng.”

Các nhân chứng cho biết hàng trăm người bỏ chạy khỏi thủ đô Bangui. “Đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy tứ tán”.

Một nhà ngoại giao cho biết một số đơn vị của Liên Hiệp Quốc và các lực lượng Pháp đã can thiệp nhằm giải cứu các Kitô hữu và bảo vệ cho một tu viện dòng Comboni nơi dân chúng chạy loạn đang tá túc.

Nữ tổng thống lâm thời Samba Penza cho biết chính phủ của bà hiện chỉ còn biết trông cậy vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và binh lính Pháp để “ngăn chặn bạo lực hiện nay và đặc biệt là để bảo vệ những người cảm thấy bị bỏ rơi.”

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa ngày Lễ Các Thánh Nam Nữ 1 tháng 11, kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, những biến cố đau thương trong những ngày gần đây làm cho tình hình ở nước Cộng hòa Trung Phi trở nên căng thẳng hơn và làm dấy lên trong tôi một sự quan tâm rất lớn. Tôi tha thiết kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra tại đây. Tôi đặc biệt hiệp thông cách thiêng liêng với các cha Dòng Thánh Comboni thuộc giáo xứ Đức Mẹ Fatima ở Bangui, đã đón nhận một số lượng lớn những người tị nạn. Tôi muốn diễn tả tình hữu nghị đoàn kết của tôi đối với Giáo Hội, với các tôn giáo khác và tất cả mọi người ở Trung Phi. Chúng ta hãy cố gắng hết sức để vượt qua sự chia cắt và quay trở về con đường hòa bình. Và để diễn tả sự liên đới thân mật của toàn thể Giáo Hội với Cộng hòa Trung phi, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong đất nước ấy, tuy đang chịu những đau đớn, khổ cực của chiến tranh bao lực; nhưng luôn cố gắng trở nên chứng tá của lòng thương xót và sự hòa giải. Chúa Nhật ngày 29 tháng 11, tôi dự định sẽ mở Cửa Thánh của thánh đường ở Bangui, và tôi hy vọng sẽ thực hiện được điều đó trong cuộc viếng thăm mục vụ sắp tới ở Trung Phi.”

Trong quá khứ các vị Giáo Hoàng đôi khi đã phải hủy bỏ các chuyến tông du vì tình trạng an ninh ở các nước sở tại. Năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phải hủy bỏ chuyến tông du tới Ái Nhĩ Lan sau khi Lord Louis Mountbatten bị ám sát chết hôm 27 tháng 8 năm 1979, chỉ không đầy một tháng trước chuyến viếng thăm của ngài. Năm 1994, ngài cũng phải hủy bỏ chuyến tông du Bosnia vì tình hình an ninh trong chiến tranh Bosnia. Khi ngài đến Sarajevo vào ngày 13 tháng Tư 1997, người ta khám phá kịp thời một quả bom được đặt trên lộ trình của ngài.
 
Lễ Các Thánh Nam Nữ 01/11/2015 tại Rôma
VietCatholic Network
13:46 02/11/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Thánh Cha vừa làm dấu thánh giá bắt đầu thánh lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ.

Cũng như các năm trước đây, chiều Chúa Nhật 1 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến nghĩa trang Verano của thành phố Rôma để cử hành Lễ Các Thánh Nam Nữ giữa sự hiện diện đông đảo của các tín hữu.

Vừa rồi, Đức Thánh Cha đã đặt một đóa bạch hồng trên mộ phần của một gia đình như dấu chỉ cho lòng kính nhớ những người đã khuất trong Giáo phận.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Nghĩa trang rộng lớn Verano được hình thành từ gia đình Verani là một gia đình thế giá trong thời Đế quốc La Mã. Nơi đây đã là một nghĩa trang kể từ thời kỳ đó. Kiến trúc sư Ý Giuseppe Valadier đã tạo nên những nét hùng vĩ và đầy ấn tượng của nghĩa trang này.

Nghĩa trang Verano đã được thánh hiến vào năm 1835 và các công trình vẫn được tiếp tục xây dựng trong suốt triều đại giáo hoàng Gregôriô thứ 16 và Piô 9 dưới sự giám sát của các kiến trúc sư Virginius, và Ernestus Immanuel là người đã thiết kế một mái che bốn mặt lớn tại lối vào.

Tuy nhiên mái che này đã bị lực lượng Đồng Minh thả bom nhầm vào năm 1943 và công việc phục hồi sau đó đã được thực hiện như ta có thể thấy ngày hôm nay khi vào nghĩa trang này với ba lối vào lớn và bốn bức tượng đá cẩm thạch hùng vĩ mô tả việc chiêm niệm, hy vọng, lòng bác ái và sự im lặng.

Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặc biệt nhắc tới vụ đánh bom nghĩa trang Verano và vùng lân cận San Lorenzo của Rôma trong bài giảng của ngài khi lên án sự tàn phá các kỳ công sáng tạo, sự sống và các nền văn hóa đang diễn ra trong thế giới ngày nay và cầu xin Chúa giúp đỡ ngăn chặn cơn sốt điên dại hướng tới sự hủy diệt này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

(Bản dịch của Vũ Đức Anh Phương)“Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy các môn đệ và đám đông dân chúng đang tụ họp trên núi bên bờ hồ Galilê. Và ngày hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho mỗi người chúng ta con đường để đạt được hạnh phúc thật sự, con đường dẫn về Thiên Quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một hành trình lội ngược dòng. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng ai tiến bước trên con đường ấy sẽ hạnh phúc, hay sớm muộn gì cũng được hạnh phúc.

‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.’ Có lẽ, chúng ta tự hỏi rằng một người có tâm hồn nghèo khó, gia tài duy nhất là Nước Trời, mà lại có phúc là như thế nào. Câu trả lời có thể là: Khi một người có trái tim trong sạch và tự do khỏi những ràng buộc thế trần, người ấy không còn ‘xa’ Nước Trời nữa.

‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.’ Một người sầu khổ làm sao lại có phúc được? Quả thực, nếu một người chưa bao giờ cảm thấy buồn khổ, dằn vặt, đau đớn sẽ chẳng biết được sức mạnh của sự ủi an. Do đó, người hạnh phúc là người có khả năng cảm thương, có khả năng lắng nghe bằng cả con tim tiếng gào thét khổ đau trong cuộc sống của chính mình cũng như của nhân loại. Họ sẽ là những người hạnh phúc, vì đôi tay êm ái và hiền từ của Thiên Chúa sẽ vỗ về an ủi họ.

‘Phúc thay ai hiền lành.’ Các thánh không giống chúng ta, vì rất nhiều lần chúng ta đã mất kiên nhẫn, nóng nảy và luôn sẵn sàng mở miệng kêu than trách móc. Với người khác, chúng ta hay càm ràm, chỉ trích. Nhưng khi người ta hơi đụng chạm tới chúng ta một chút, ta liền xửng cổ lên chửi bới như thể chúng ta chúa tể trên đời này. Trong khi thực tế, mọi người ngang bằng nhau vì đều là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng nghĩ tới những bậc cha mẹ, những người rất mực kiên nhẫn với con cái mình mà đôi khi những người làm con lại khiến cha mẹ phải ‘điên tiết’. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối của sự hiền lành và nhẫn nại. Và Đức Giêsu đã chọn con đường ấy. Ngay khi còn thơ ấu, Ngài đã chịu cảnh bắt bớ và lưu lạc nơi đất khách quê người. Khi trưởng thành, Ngài lại bị vu khống, cáo gian, bị cài bẫy trước tòa án. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả với sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã chấp nhận và chịu đựng, ngay cả sẵn sàng vác lấy thánh giá chỉ vì yêu thương chúng ta quá đỗi.

‘Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.’ Đúng vậy, những ai đang khao khát sự công chính không chỉ cho người khác mà trước hết cho chính bản thân mình, sẽ được thỏa lòng; vì họ đã sẵn sàng để đón nhận một sự công chính lớn lao hơn, cao cả hơn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng được.

Tiếp đến, ‘phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.’ Phúc thay những người biết thứ tha, có lòng xót thương người khác và chẳng hề phán xét ai hay điều gì bao giờ, nhưng lại cố gắng để đặt mình vào trong hoàn cảnh của tha nhân. Tha thứ là điều mà tất cả chúng ta đều cần, chẳng trừ một ai. Chính vì điều đó nên khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó không phải là một công thức thú tội để đọc cho xong nhưng là một hành động ăn năn đích thực: ‘Xin Chúa, thương xót chúng con.’ Và nếu chúng ta biết tha thứ cho người khác như chúng ta đã được thứ tha, chúng ta sẽ là những người được chúc phúc: ‘Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’

‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta thử quan sát gương mặt của những người chỉ biết đi khắp nơi để gieo rắc cỏ lùng, là những điều xấu xa, tội lỗi; họ có hạnh phúc, có vui tươi hay không? Không, họ chẳng thể bình an hạnh phúc được. Trái lại, những người ngày ngày cố gắng chăm chỉ gieo trồng hòa bình, họ lại trở thành những người thợ kiến tạo bình an và hòa giải. Họ là những người được chúc phúc, vì họ thực sự là con của Cha trên trời, Đấng luôn gieo vãi bình an. Và quả thực, Ngài đã gieo vào trần gian chính Người Con Một như là hạt giống an bình cho nhân loại.

Anh chị em rất thân mến, Tám Mối Phúc là con đường nên thánh và cũng là con đường của niềm vui, hạnh phúc. Đức Giêsu đã chọn bước đi trên con đường ấy và chính Ngài cũng là Con Đường. Ai bước đi với Ngài và nhờ Ngài sẽ tiến vào sự sống, sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được đơn sơ, khiêm nhượng; ơn biết khóc thương, ơn được trở nên hiền lành, ơn biết lao tác xây dựng công lý và hòa bình, và trên hết, ơn được Thiên Chúa thứ tha ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những khí cụ để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Các thánh, những người đã đi trước chúng ta mà vào quê trời Thiên Quốc, đã sống và làm như thế. Nhưng các ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương thế trần và không ngừng khuyến khích chúng ta biết lao mình về phía trước. Nhờ lời bầu cử của các thánh, xin Chúa giúp chúng ta biết bước đi trên con đường của Đức Giêsu, và cũng nguyện cầu cho những anh chị em đã khuất của chúng ta nhận lãnh được niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời.”
 
2 người bị bắt ở Vatican vì lấy trộm và phổ biến tài liệu mật
Lm Trần Đức Anh OP
14:37 02/11/2015
VATICAN. 2 người đã bị bắt tại Vatican vì lấy trộm và phố biến tin tức và tài liệu mật.

Hôm 2-11-2015, Cha Lombardi, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết 2 đương sự là Đức Ông Lucio Angel Vallejo Balda, và bà Francesca Chaouqui.

Đức ông Vallejo người Tây Ban Nha, 54 tuổi, chuyên gia và kinh tế và đã từng giữ các chức vụ quản lý cho giáo phận và cho HĐGM ở Tây Ban Nha, và hiện là Tổng thư ký sở Kinh tế tài chánh của Vatican; tiếp đến là bà Chaouqui, 33 tuổi. Cả hai người từng là thành viên Ủy ban do ĐTC Phanxicô thiết lập hồi tháng 7 năm 2013 để nghiên cứu và đề ra hướng đi về việc tổ chức các cơ cấu kinh tế quản trị của Tòa Thánh (gọi tắt là COSEA). Do đề nghị của Ủy ban này, ĐTC Phanxicô đã thiết lập ”bộ kinh tế” và bổ nhiệm ĐHY George Pell làm chủ tịch.

Hồi đó, Đức Ông Vallejo loan báo mình sẽ trở thành Tổng thư ký (nhân vật thứ 2) của ”Bộ” mới này, nhưng trong thực tế, ĐTC đã bổ nhiệm Đức Ông Alfred Xuereb, người Malta, nguyên là bí thư của ĐGH Biển Đức 16 và bí thư của ĐGH Phanxicô. Đức Ông Vallejo tiếp tục giữ nhiệm vụ Tổng thư ký sở Kinh tế tài chánh, tuy nhiên, trong kế hoạch cải tổ, cơ quan này sẽ bị dẹp và biến thành cơ quan kiểm soát tài chánh.

Cha Lombardi nói: ”Trong khuôn khổ điều tra cảnh sát tư pháp do Hiến binh Vatican khởi sự và thực thi từ vài tháng nay về vụ lấy trộm và phổ biến tin tức và tài liệu mật, hôm thứ bẩy 31-10 và Chúa Nhật 1-11, hai người nói trên đã bị triệu tập để hỏi cung về những yếu tố và những bằng chứng đã thu thập được.

Sau cuộc hỏi cung, 2 người ấy đã bị giam giữ để tiếp tục điều tra. Hôm 2-11-2015, Văn phòng Chưởng tín (công tố viện) gồm giáo sư luật sư Gian Piero Milano, Chưởng tín, và giáo sư luật sư Roberto Zannotti, phụ tá chưởng tín, đã xác nhận việc bắt giam, nhưng quyết định trả tự do cho bà Chaouqui, vì bà đã cộng tác vào cuộc điều tra.

Việc phổ biến tin tức và tài liệu mật là một tội chiếu theo luật số IX của Quốc gia thành Vatican (13-7-2013), điều số 10 (điều số 116b của bộ hình luật).

Cha Lombardi cũng nói đến 2 cuốn sách sắp được xuất bản dựa trên những tài liệu và tin tức do hai đương sự cung cấp và khẳng định rằng ”Lần này cũng như đã xảy ra trong quá khứ, hai cuốn sách ấy là kết quả một sự phản bội trầm trọng đối với sự tín nhiệm của ĐGH, và đối với các tác giá, đó là một hoạt động nhắm thủ lợi từ một hành vi bất chính trầm trọng là sự trao các tài liệu mật. Khía cạnh pháp lý và có thể là hình luật của hành động này là đối tượng đang được Văn phòng chưởng tín cứu xét để có thể đưa ra các biện pháp, và nếu cần sẽ nhờ đến sự cộng tác quốc tế (nhờ nhà chức trách tư pháp Italia can thiệp).

Sự xuất bản thuộc loại này không hề góp phần thiết lập sự minh bạch và sự thật, nhưng chỉ tạo nên sự hoang mang và những giải thích thiên lệch và sai trái. Tuyệt đối cần tránh sự mơ hồ khi nghĩ rằng đó là một cách thức để giúp đỡ sứ mạng của ĐTC.

Hai cuốn sách dự kiến được xuất bản là cuốn ”Hà tiện” (Avarizia) do ký giả Emiliano Fittipaldi của báo Espresso và cuốn ”Đàng Thánh Giá” (Via Crucis) do ký giả Gianluigi Nuzzi của công ty truyền hình Mediaset. (SD 2-11-2015)
 
Đức Thánh Cha dâng lễ tại nghĩa trang Verano: Nên thánh là một hành trình lội ngược dòng
Vũ Đức Anh Phương
14:45 02/11/2015
ROMA. “Con đường nên thánh là một con đường vui tươi, hạnh phúc. Chính Đức Giêsu đã bước đi trên con đường ấy và ai theo Ngài sẽ được tiến vào sự sống trường sinh.” Chiều Chúa Nhật, ngày 01.11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ trọng thể mừng kính các thánh nam nữ tại nghĩa trang Verano, Roma. Giữa sự
hiện diện đông đảo của các tín hữu, có quận trưởng Francesco Paolo Tronca, Tân Ủy Viên Hội Đồng Roma. Đức Thánh Cha đã đặt đóa bạch hồng trên mộ phần một gia đình như dấu chỉ cho lòng kính nhớ những người đã khuất trong Giáo phận.

Sau đây là bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ:

“Anh chị em thân mến,

Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe Đức Giêsu dạy dỗ các môn đệ và đám đông dân chúng đang tụ họp trên núi bên bờ hồ Galilê. Và ngày hôm nay, Lời Chúa cũng chỉ cho mỗi người chúng ta con đường để đạt được hạnh phúc thật sự, con đường dẫn về Thiên Quốc. Đây là hành trình gian nan vất vả, vì là một hành trình lội ngược dòng. Nhưng Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta rằng ai tiến bước trên con đường ấy sẽ hạnh phúc, hay sớm muộn gì cũng được hạnh phúc.

‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.’ Có lẽ, chúng ta tự hỏi rằng một người có tâm hồn nghèo khó, gia tài duy nhất là Nước Trời, mà lại có phúc là như thế nào. Câu trả lời có thể là: Khi một người có trái tim trong sạch và tự do khỏi những ràng buộc thế trần, người ấy không còn ‘xa’ Nước Trời nữa.

‘Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.’ Một người sầu khổ làm sao lại có phúc được? Quả thực, nếu một người chưa bao giờ cảm thấy buồn khổ, dằn vặt, đau đớn sẽ chẳng biết được sức mạnh của sự ủi an. Do đó, người hạnh phúc là người có khả năng cảm thương, có khả năng lắng nghe bằng cả con tim tiếng gào thét khổ đau trong cuộc sống của chính mình cũng như của nhân loại. Họ sẽ là những người hạnh phúc, vì đôi tay êm ái và hiền từ của Thiên Chúa sẽ vỗ về an ủi họ.

‘Phúc thay ai hiền lành.’ Các thánh không giống chúng ta, vì rất nhiều lần chúng ta đã mất kiên nhẫn, nóng nảy và luôn sẵn sàng mở miệng kêu than trách móc. Với người khác, chúng ta hay càm ràm, chỉ trích. Nhưng khi người ta hơi đụng chạm tới chúng ta một chút, ta liền xửng cổ lên chửi bới như thể chúng ta chúa tể trên đời này. Trong khi thực tế, mọi người ngang bằng nhau vì đều là con Thiên Chúa. Chúng ta cũng nghĩ tới những bậc cha mẹ, những người rất mực kiên nhẫn với con cái mình mà đôi khi những người làm con lại khiến cha mẹ phải ‘điên tiết’. Đường lối của Thiên Chúa là đường lối của sự hiền lành và nhẫn nại. Và Đức Giêsu đã chọn con đường ấy. Ngay khi còn thơ ấu, Ngài đã chịu cảnh bắt bớ và lưu lạc nơi đất khách quê người. Khi trưởng thành, Ngài lại bị vu khống, cáo gian, bị cài bẫy trước tòa án. Nhưng Ngài chấp nhận tất cả với sự hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã chấp nhận và chịu đựng, ngay cả sẵn sàng vác lấy thánh giá chỉ vì yêu thương chúng ta quá đỗi.

‘Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.’ Đúng vậy, những ai đang khao khát sự công chính không chỉ cho người khác mà trước hết cho chính bản thân mình, sẽ được thỏa lòng; vì họ đã sẵn sàng để đón nhận một sự công chính lớn lao hơn, cao cả hơn mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban tặng được.

Tiếp đến, ‘phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.’ Phúc thay những người biết thứ tha, có lòng xót thương người khác và chẳng hề phán xét ai hay điều gì bao giờ, nhưng lại cố gắng để đặt mình vào trong hoàn cảnh của tha nhân. Tha thứ là điều mà tất cả chúng ta đều cần, chẳng trừ một ai. Chính vì điều đó nên khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta đã nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Đó không phải là một công thức thú tội để đọc cho xong nhưng là một hành động ăn năn đích thực: ‘Xin Chúa, thương xót chúng con.’ Và nếu chúng ta biết tha thứ cho người khác như chúng ta đã được thứ tha, chúng ta sẽ là những người được chúc phúc: ‘Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.’

‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Chúng ta thử quan sát gương mặt của những người chỉ biết đi khắp nơi để gieo rắc cỏ lùng, là những điều xấu xa, tội lỗi; họ có hạnh phúc, có vui tươi hay không? Không, họ chẳng thể bình an hạnh phúc được. Trái lại, những người ngày ngày cố gắng chăm chỉ gieo trồng hòa bình, họ lại trở thành những người thợ kiến tạo bình an và hòa giải. Họ là những người được chúc phúc, vì họ thực sự là con của Cha trên trời, Đấng luôn gieo vãi bình an. Và quả thực, Ngài đã gieo vào trần gian chính Người Con Một như là hạt giống an bình cho nhân loại.

Anh chị em rất thân mến, Tám Mối Phúc là con đường nên thánh và cũng là con đường của niềm vui, hạnh phúc. Đức Giêsu đã chọn bước đi trên con đường ấy và chính Ngài cũng là Con Đường. Ai bước đi với Ngài và nhờ Ngài sẽ tiến vào sự sống, sự sống vĩnh cửu. Chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn được đơn sơ, khiêm nhượng; ơn biết khóc thương, ơn được trở nên hiền lành, ơn biết lao tác xây dựng công lý và hòa bình, và trên hết, ơn được Thiên Chúa thứ tha ngõ hầu chúng ta có thể trở nên những khí cụ để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Các thánh, những người đã đi trước chúng ta mà vào quê trời Thiên Quốc, đã sống và làm như thế. Nhưng các ngài vẫn còn đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương thế trần và không ngừng khuyến khích chúng ta biết lao mình về phía trước. Nhờ lời bầu cử của các thánh, xin Chúa giúp chúng ta biết bước đi trên con đường của Đức Giêsu, và cũng nguyện cầu cho những anh chị em đã khuất của chúng ta nhận lãnh được niềm hoan lạc vĩnh cửu trong Nước Trời.”

(Nguồn: Vatican Radio tiếng Việt)
 
Thông cáo của Tòa Thánh về việc bắt giữ hai người trong đó có một linh mục về tội ăn cắp tài liệu tung ra cho báo chí
Đặng Tự Do
16:49 02/11/2015
Đức Ông Lucio Angelo Vallejo Balda và Tiến sĩ Francesca Chaouqui
Hiến binh Vatican đã bắt giữ hai người vào cuối tuần qua vì lấy cắp và tung ra cho giới báo chí các tài liệu mật của Tòa Thánh. Hai người này là linh mục Lucio Angelo Vallejo Balda, 54 tuổi, người Tây Ban Nha; và Tiến sĩ Francesca Chaouqui, 33 tuổi, người Ý. Hai người từng là Thư ký và thành viên của COSEA (Ủy ban cho tham khảo về các tổ chức của cơ cấu kinh tế hành chính của Tòa Thánh), được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng Bảy năm 2013 và sau đó giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Tiến sĩ Chaouqui đã được thả khỏi nhà giam vì bày tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác nhưng Đức Ông Lucio vẫn còn bị giam giữ.

Dưới đây là thông cáo từ Văn phòng báo chí của Tòa Thánh

Dựa trên cơ sở các bằng chứng thu thập được và các chỉ dấu từ những bằng chứng này cho thấy, hai người đã bị triệu tập để thẩm vấn vào ngày Thứ Bẩy và Chúa Nhật [31 Tháng Mười và 01 Tháng 11] vừa qua như một phần trong cuộc điều tra hình sự được thực hiện bởi đội hiến binh Vatican, đã được tiến hành trong vài tháng qua, về việc lấy cắp và chia sẻ các tài liệu mật trái phép.

Hai người này là Đức Ông Lucio Angelo Vallejo Balda, và Tiến sĩ Francesca Chaouqui, trong quá khứ đã từng là Thư ký và thành viên của COSEA (Ủy ban cho tham khảo về các tổ chức của cơ cấu kinh tế hành chính của Tòa Thánh), được thành lập bởi Đức Giáo Hoàng vào tháng Bảy năm 2013 và sau đó được giải thể sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo kết quả của các cuộc thẩm vấn hai người này đã bị bắt giữ để tiếp tục điều tra.

Hôm nay [thứ Hai 2 tháng 11] Văn phòng công tố Vatican, với sự hiện diện của Giáo Sư Gian Piero Milano, Chưởng Tín [Công Tố Viên], và Giáo sư Roberto Zannotti, phụ tá Chưởng Tín, đã xác nhận việc bắt giữ nói trên. Vị Công Tố Viên đã quyết định cho Tiến Sĩ Chaouqui được tại ngoại vì xét thấy không có lý do cần thiết phải giữ cô ấy trong tù, và vì thái độ hợp tác của cô với cuộc điều tra.

Trường hợp của Đức Ông Vallejo Balda vẫn đang được Văn phòng công tố Vatican xem xét.

Cần nhớ rằng tiết lộ tài liệu mật là một tội phạm theo luật hình sự của quốc gia thành Vatican (Theo Luật IX, điều 10 và 116, được thông qua 13 tháng 7 năm 2013)

Đối với những cuốn sách được loan báo là sẽ được công bố trong vài ngày tới, cần nói rõ ràng lại một lần nữa như trong quá khứ, đó là kết quả của một sự phản bội nghiêm trọng sự tin tưởng mà Đức Giáo Hoàng đã đặt nơi một số cá nhân. Về phía các tác giả, Văn phòng Công tố đang nghiên cứu các biện pháp tiếp theo để nếu cần thiết sẽ nhờ đến sự hợp tác quốc tế nhằm thực thi các khiá cạnh pháp lý và có thể cả phương diện hình sự đối với hoạt động lợi dụng một hành vi vi phạm luật pháp nghiêm trọng để công bố các tài liệu mật.

Những ấn phẩm loại này không đóng góp chút nào vào việc hình thành sự minh bạch và chân lý, mà chỉ nhằm tạo ra những ngộ nhận và những giải thích phiến diện và thiên vị. Chúng ta hoàn toàn phải tránh những suy nghĩ sai lầm cho rằng đây là một cách để giúp cho các sứ vụ của Đức Giáo Hoàng.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng lễ Các Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
09:03 02/11/2015
Sáng ngày 01 tháng 11 năm 2015, tại Nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn – Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội - đã chủ sự Thánh lễ trọng mừng kính Các Thánh Nam Nữ của Thiên Chúa. Cùng đồng tế với ngài có Đức Cha phụ tá Lôrensô Chu Văn Minh, quý Cha trong Tòa Tổng Giám mục, Đại Chủng viện và Giáo hạt Chính Tòa. Thánh lễ có sự tham dự của đông đảo quý chủng sinh, tu sỹ và bà con giáo dân.

Vào hồi 09 giờ, từ khuôn viên Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, đoàn rước trang trọng tiến ra Nhà thờ Chính Tòa để cử hành thánh lễ. Đoàn rước có đội kèn đồng, khoảng 150 Đại chủng sinh phân khoa Triết Học của Đại Chủng viện, quý Cha, quý Đức Cha và Đức Tổng Giám mục chủ sự. Cộng đoàn Dân Chúa cùng hiệp ý trong lời thánh ca sốt sắng kính mừng Các Thánh.

Khởi đầu thánh lễ, Đức Hồng Y Phêrô hướng ý cộng đoàn Phụng vụ về ý nghĩa của ngày lễ này: Anh chị em rất thân mến, giờ phút này, chúng ta hãy hiệp thông cùng với các Thánh ở trên Thiên Đàng, và các Linh hồn trong lửa luyện ngục, với tất cả cộng đoàn tín hữu trên khắp thế giới, trong một ngày lễ trọng. Ngày lễ này nhắc nhở cho chúng ta: chúng ta có một Quê Hương Vĩnh Cửu. Quê hương hiện tại mà chúng ta gắn bó, từ nơi quê này dẫn chúng ta đi vào Quê Hương Vĩnh Cửu – nơi đó chúng ta có thể tưởng tượng được rằng không phải là một nơi xa vời hay một nơi vắng vẻ nhưng có biết bao người, bao linh hồn đã được cứu rỗi đang luôn quây quần trước dung nhan Thiên Chúa để chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ và nguyện cầu cho chúng ta. Quê hương đó nhắc nhở anh chị em chúng ta hãy nỗ lực trong cuộc sống hằng ngày để tiến về nơi đó. Ngày lễ hôm nay, mỗi người chúng ta được mời gọi hiệp ý với các Thánh để không ngừng thờ lạy Chúa, và noi gương nhân đức của các Thánh để đạt tới vinh quang Thiên Quốc cùng các ngài. Và Ngài mời gọi cộng đoàn Phụng vụ: Chúng ta hãy thành khẩn xin Chúa thương thanh tẩy những tội lỗi và bất xứng của chúng ta, để ngay khi còn ở đời này, trong Phụng vụ Thánh, chúng ta cũng được tham dự phần nào vào vinh quang Thiên quốc

Trong bài giảng lễ, Đức Hồng Y quảng diễn với cộng đoàn phụng vụ về ý nghĩa các bài đọc Kinh Thánh trong ngày lễ hôm nay. Thế giới mà chúng ta đang sống đây, trên quả đất này, nếu người ta nghĩ đến những thế giới khác, thì nó cũng phải có hạn định, phải có thời kỳ chấm dứt chứ không thể kéo dài vô tận được. Bởi vì nó có khởi điểm. Khởi điểm ấy cách đây hàng tỷ năm. Trước đó là hư vô không có gì hết. Nói một cách khác dễ hiểu: Thiên Chúa đã tạo dựng nên, vì vậy thế giới ấy sẽ có một cùng đích. Cùng đích ấy chúng ta gọi là ngày cánh chung, ngày tận thế. Hay theo cách diễn tả của sách Khải Huyền: Ngày trái đất này sẽ được thay đổi, lúc bấy giờ những ai được đóng ấn sẽ được vào trong thế giới mới – thế giới hoàn toàn khác hẳn với thế giới chúng ta đang sống. Diễn tả như thế nào? Chúng ta chỉ biết diễn tả: đó là nơi hoàn toàn hạnh phúc, không còn đau khổ, được chiêm ngưỡng Thiên Chúa và chia sẻ sự sống của Ngài.

Con số 144.000 người nói lên một đoàn người hết sức đông đảo, mặc áo trắng và tay cầm nhành lá thiên tuế đứng trước ngai Thiên Chúa Hằng Sống. Họ đã chiến thắng những đau khổ và thử thách trần gian để được đóng ấn của Con Chiên. Người ta giải thích đó là 12x12x1000. Con số 12 ám chỉ 12 chi tộc Israel, ám chỉ toàn thể dân riêng của Chúa, ám chỉ toàn thể những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi nói 12x12 tức là lấy một con số vô cùng nhân với một con số vô cùng thì sẽ được một con số vô cùng không thể diễn tả được, và lấy con số vô cùng đó nhân lên cho 1000 – cũng là một con số tròn.

Đức Hồng Y chia sẻ: Máu của Chúa đổ ra để Cứu Chuộc không thể là vô ích được. Cho nên, trong sách Khải Huyền mới đặt câu hỏi: Những người được đóng ấn để vào Thiên Quốc đó là những ai? Thưa, là những người đã được rửa áo mình trong Máu Con Chiên. Con Chiên ấy gợi cho chúng ta Con Chiên Vượt Qua trong Cựu Ước. Máu của Con Chiên đó đã bôi trên ngưỡng cửa nhà nào thì nhà đó được cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Chiên Thiên Chúa. Máu Ngài đã đổ ra để cho những ai đã được Thanh Tẩy là giặt áo của mình trong Máu Con Chiên, trong Ơn Cứu Độ, thì sẽ được cứu rỗi.

Bài Phúc Âm hôm nay đã tường thuật cho chúng ta cảnh đông đảo người ta đi theo Đức Giêsu. Những lời giảng dạy của Chúa không chỉ dành riêng cho các tông đồ, các môn đệ, nhưng dành cho tất cả mọi người. Bài giảng ấy tóm lại những điều mà những ai thi hành thì sẽ được vào trong Thiên Quốc. Tám mối Phúc Thật là con đường đưa ta vào sự sống vĩnh cửu. Chúa nói: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, than khóc, bị bắt bớ… thì xem ra ngày ngày chúng ta sống trong những thực tại đó, hằng ngày chúng ta được xem ra được Chúa kêu gọi nên Thánh để vào Nước Trời. Chỉ có điều, chúng ta có buông mình theo những lôi cuốn của thế gian hay không? Chúng ta có chìm đắm trong sự lôi cuốn của xác thịt hay không? Đó là tùy nơi chúng ta. Còn về phía Chúa: Máu Con Chiên đã đổ ra. Máu ấy có khả năng rửa sạch tất cả mọi tội lỗi. Điều ấy chúng ta xác tín. Chúng ta có bằng lòng để Máu Con Chiên ấy tẩy sạch tội lỗi chúng ta hay không, thì đó là phần đóng góp của chúng ta.

Đức Hồng Y kết thúc bài chia sẻ của mình bằng những tâm tình của Thánh Phaolô: Anh chị em hãy yên tâm, vì anh chị em là con cái của Thiên Chúa. Duy việc xác định chúng ta là con cái Thiên Chúa đã nói lên rất nhiều. Chúng ta nắm phần rỗi trong tay của mình. Thiên Chúa là Người Cha luôn yêu thương con cái mình. Người Cha ấy có tình yêu thương con đến mức thí mạng Con Một của mình để cứu chuộc chúng ta thì Người sẽ không từ chối với chúng ta bất cứ điều gì. Ngày lễ hôm nay thật phấn khởi và hân hoan vui vẻ. Thánh Phaolô đã nói trước: Hiện tại, chúng ta là con của Chúa, còn mai sau chúng ta sẽ là gì, mai sau ta sẽ được trông thấy chính Thiên Chúa. Đó là điều hằng ngày mà mỗi người chúng ta luôn được lôi cuốn và thúc đẩy để đến ngày chúng ta được diện đối diện với Thiên Chúa và hiệp thông vào chính sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng vào điều đó. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần có những nỗ lực đem Tám Mối Phúc Thật vào trong đời sống của chúng ta. Đó là con đường duy nhất đưa chúng ta vào Thiên Quốc.

Thánh lễ trọng mừng kính Các Thánh được cử hành trong bầu khí Phụng vụ trang nghiêm và sốt sắng của mọi thành phần Dân Chúa.

Thánh lễ kết thúc với phép lành trọng thể của Đức Hồng Y chủ sự. Sau đó, mọi người cùng chia sẻ niềm vui với nhau trong ngày lễ mừng Các Thánh.
 
Thành lập giáo họ Con Cuông, giáo phận Vinh
Lam Hồng
10:35 02/11/2015
Thánh lễ mừng kính Các Thánh Nam Nữ và trao quyết định thành lập giáo họ độc lập Con Cuông

Giáo họ Con Cuông thuộc giáo xứ Quan Lãng, giáo hạt Bột Đà (xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), cách Tòa giám mục khoảng 120km về phía Tây Bắc. Nơi đây được xem là vùng tái truyền giáo, bởi từ hàng trăm năm trước, các bậc tiền nhân đã từng gieo hạt giống Đức tin nơi vùng đất này, nhưng vì cách trở địa lý cùng với những biến động của thời cuộc nên sự đạo nơi đây đã gặp phải muôn vàn khó khăn.

Xem Hình

Hiện nay, giáo họ Con Cuông là điểm tập trung khá đông bà con giáo dân từ các huyện miền xuôi thuộc tỉnh Nghệ An và một số gia đình Công Giáo ở các Giáo phận phía Bắc như Bùi Chu, Phát Diệm đến đây định cư lập nghiệp. Giáo họ Con Cuông hiện có hơn 250 giáo dân, do cha phó xứ Quan Lãng Phaolô Phạm Trọng Phương phụ trách.

Là một giáo họ nằm ở vùng sơn cước miền Tây của tỉnh Nghệ An, chính vì thế mà từ lâu bà con giáo hữu nơi đây nhận được sự quan tâm giúp đỡ đặc biệt của bề trên Giáo phận. Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Các Thánh Nam Nữ, niềm vui đó như được nhân lên đối với bà con giáo hữu nơi đây, bởi trong dịp này Đức Cha Phaolô, vị chủ chăn Giáo phận đã viếng thăm và trao Quyết định thành lập giáo họ độc lập Con Cuông.

Trước khi cử hành thánh lễ, cha Phaolô Nguyễn Văn Hiểu, Chánh văn phòng Tòa giám mục đã công bố quyết định của Tòa giám mục cho phép thành lập giáo họ độc lập Con Cuông và chính thức bổ nhiệm cha Phaolô Phạm Trọng Phương đặc trách giáo họ Con Cuông, trước sự chứng kiến của Đức Giám Mục Giáo phận, cha quản hạt Bột Đà, cha quản xứ Quan Lãng và đông đảo bà con giáo dân trong giáo họ. Từ nay bà con giáo dân của giáo họ Con Cuông sẽ được công nhận là một giáo họ độc lập, có quyền được học hỏi giáo lý Đức tin, quyền cử hành các bí tích, quyền được thực hành các nghi lễ Công Giáo, quyền được xây dựng các cơ sở tôn giáo phục vụ cho các sinh hoạt tâm linh của giáo dân nơi đây, đặc biệt là từ nay giáo họ Con Cuông sẽ có cha đặc trách với năng quyền của một linh mục quản xứ, được lưu trú lại đây để dâng thánh lễ thường xuyên, kiện toàn đời sống đức tin cho bà con giáo dân, cử hành các Bí tích và kiến thiết xây dựng cơ sở vật chất cần thiết phục vụ đời sống tâm linh cho giáo dân nơi vùng sơn cước này.

Trong phần giảng lễ, gợi hứng từ bài Tin Mừng, Đức Cha đã nhắn nhủ tới cộng đoàn cần tìm hạnh phúc trên nền tảng tâm linh đạo đức chứ đừng bám víu vào các thực tại chóng qua nơi trần thế, Đức Cha nói: “Hạnh phúc con người nằm trong giá trị tâm linh đạo đức hơn những giá trị thế quyền, hay tiền tài danh vọng. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta tìm hạnh phúc trong những giá trị thiêng liêng, thay vì phúc cho những ai có quyền hành để đàn áp người khác thì Chúa Giêsu lại mời gọi người kitô hữu: Phúc cho những ai hiền lành, bé mọn thì họ sẽ được nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp, phúc cho những ai khát khao đều công chính thì sẽ được no thỏa, phúc cho những ai đau buồn thì họ sẽ được ủi an”. Qua đó, ngài mời gọi bà con giáo dân cần đi vào một đời sống Đức tin sâu sắc thấm nhuần lời giáo huấn của Chúa Giêsu, từ đó dẫn đưa người tín hữu vào hành trình nên thánh trong những hi sinh, những việc làm yêu thương bác ái hằng ngày trong cuộc sống để các giá trị Tin Mừng được lan tỏa đến với mọi người.

Sau thánh lễ là những lời tri ân của cha tân đặc trách và lời cảm ơn của vị đại diện HĐMV tân giáo họ độc lập Con Cuông gửi đến Đức Cha và quý cha. Đáp lại, Đức Cha đã chúc mừng giáo họ và hứa sẽ tiếp tục đồng hành, nâng đỡ anh chị em trong hành trình xây dựng đời sống đức tin cũng như trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các sinh hoạt tâm linh của tân giáo họ độc lập này.

Sau đó, Đức Cha và quý cha đã tới thăm một khu đất khá rộng, nằm cách trung tâm thị trấn Con Cuông khoảng hơn 2,5km. Đây là khu đất vừa được chính quyền huyện Con Cuông cấp cho giáo họ để xây dựng cơ sở thờ tự của giáo họ. Hi vọng trong tương lai không xa nơi đây sẽ mọc lên một ngôi nhà thờ như lòng mong ước bao năm của những người giáo dân hiền lành chân chất nơi miền đại ngàn này.

Lam Hồng
 
Lễ giỗ Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm tại nghĩa trang Bình Dương
GNsP
20:41 02/11/2015
GNsP (02.11.2015) – Lễ giỗ Cố Tổng thống G.B Ngô Đình Diệm và bào đệ lúc 10 giờ, ngày 02.11.2015, tại nghĩa trang Bình Dương do một nhóm các cha Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và nhóm thân hữu tổ chức cho khoảng 100 người đến từ nhiều nơi tham dự.

Sau đây là những nét chính về bài giảng của Linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành

Bài Tin mừng được công bố trong ngày lễ giỗ của cụ G.B Ngô Đình Diệm là bài Tin mừng Phúc Âm: Lc 23, 33. 39-43

“Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.
(Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca).

LM Phạm Trung Thành chủ sự thánh lễ
Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT, chia sẻ ba điểm:

Thứ nhất, cái chết của người công chính, cả một đời thi ân bố đức, nhưng bị phản bội. Đó chính là cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu.

Các Cựu Tù Nhân Lương Tâm đến từ Nghệ an Thanh hóa
Thứ hai, người ta “chia nhau áo của Chúa Giêsu”. Chiếc áo toàn vẹn đã bị phân mảnh và người ta –những kẻ thủ ác- đã chiếm đoạt, nhưng cuối cùng chỉ là những mảnh vải vụn và họ đã làm tan nát chiếc áo.

Thứ ba, những ai tin, phó thác và chấp nhận đi theo con đường của Chúa Giêsu thì được hưởng vinh phúc như lời Chúa Giêsu tuyên bố “hôm nay, anh ở trên thiên đàng với tôi”.

Các Cựu Quân nhân VNCH – các TPB VNCH tham dự
Cuộc đời và cái chết của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm đã họa lại những nét cơ bản như trên. Cuối lễ, cha Vinhsơn kêu gọi mọi người nối kết lại những mảnh vụn mà người ta đã phá tan nát để làm lại một tấm áo mới cho đất nước và cho dân tộc VN.

Các Cựu TNLT [Nhóm 14 Thanh niên Công Giáo và Tin Lành] đến từ Nghệ An và Thanh Hóa vào tham dự thánh lễ.

Các Cựu Quân nhân VNCH – các TPB VNCH cũng đến tham dự thánh lễ.
 
Thánh lễ giỗ cố TT Ngô Đình Diệm tại Đức
Thanh Sơn
21:22 02/11/2015
ĐỨC QUỐC: THÁNH LẼ VÀ TƯỞNG NIỆM HÚY NHẬT THỨ 52 CỦA CỐ TT NGÔ ĐÌNH DIỆM...

PHẦN 1: Như thường lệ hằng năm tại Đức Quốc, Khối Tình Thần Ngô Đình Diệm tổ chức ngày Huý Nhật thứ 52 cầu nguyện và tưởng nhớ cố Tồng Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống khai sinh ra nền Cộng Hòa cho đất nước Việt Nam, đưa miền nam Việt Nam lên hàng cao của Châu Á, biến Sài Gòn thành "Hòn Ngọc Viễn Đông" và ngài đã hy sinh cho chính nghĩa Quốc Gia và dân tộc ngày 02.11.1963 do mưu đồ của ngoại bang và đám phản bội.

Năm nay thánh lễ vào lúc 15h thứ bảy 31.11 2015 và ngày giỗ đã được diễn ra long trọng trong hội trường tại St. Johannes, thành phố Mönchengladbach.

- Trước giờ lễ ông Nguyễn Hữu Dõng thay mặt BTC. kính chào qúy Lm. và mọi người, đồng thời đọc qua tiểu sử của Cố Tổng Thông Ngô Đình Diệm.

- Lm. Dr. Phêrô Nguyễn Trọng Qúy dẫn nhập về ý nghĩa thánh lễ hôm nay giáp ngày lễ Giáo Hội mừng kính lễ các thánh, ngài cũng rất lấy làm hãnh diện và trân trọng là Việt Nam chúng ta có một vị Tổng Thống tiên khởi là một người Công Giáo chân chính, xuất thân từ dòng dõi quan quyền nhưng nổi tiếng thánh liêm và chính trực điển hình là thân phụ ngài là quan thượng thư Ngô Đình Khả.v.v...

Ngài đã muốn làm một tu sỹ dòng nhưng vì vận nước điêu linh nên ngài phải ra gánh vác chỉ vì thương dân tộc. Ngài đã làm hết sức mình rồi, đã đưa miền nam Việt Nam vượt lên các nước trong vùng, nhưng thật không may cho nước Việt Nam chúng ta là chỉ thanh bình được một thời gian thôi và sau đó sóng gió đã nổi lên cho Việt Nam khi họ đã hãm hại ngài, nhưng mà ngài đã coi nhẹ sự chết nhất là chết cho Quốc Gia và cho chính nghĩa dân tộc nên ngài luôn sẵn sàng. Trước khi bị hãm hại ngài đã dâng tháng lễ và chịu các phép Bí Tích tại nhà thờ cha Tam.

Linh mục Giuse Lê văn Thắng chủ tế thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa. Ngài cũng đã chia sẽ nhiều về tình hình lịch sử đất nước Việt Nam xưa và nay. Những trận đánh Ngọc Hồi Đống Đa vang danh thế giới của vua Quang Trung Nguyễn Hụê, ngài biết có những học giả Trung hoa đã nghiên cứu và viết về trận đánh này để làm luận án tiến sỹ của họ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ không phải là ngài không biết một số họ có mưu đồ làm phản, nhưng ngài muốn lấy đạo đức để thắng gian tà, thà hy sinh bản thân mình hơn là dùng quân đội của mình để mà bắn giết nhau, đây cũng là một cái số phận nghiệt ngã cho vận mệnh đất nước của chúng ta. Bây giờ làm sao chúng ta phải noi gương tinh thần của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, sống chân chính theo cái tinh thần của ngài để tìm cách đưa đất nước chúng ta lên với thế giới, để chúng ta ngước cao đầu hãnh diện nhận mình là người Việt Nam và mong rằng một ngày nào đó người Việt Nam chúng ta cầm cái Passport (sổ thông hành) đi đâu không còn bị xăm soi nhục nhã, bị xem thường như hiện nay. "Lời đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã phát biểu với nhà cầm quyền tại Hà Nội"

- Những lời nguyện giáo dân dâng lên Thiên Chúa cầu cho Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội, các hàng giáo phẩm.

- Cho Quê hương đất nước và đặc biệt xin Thiên Chúa ban cho một đấng minh quân để dẫn đưa Đất Nước tiến lên tự lực tự cường như tấm gương cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

- Tháng các linh hồn nguyện xin Chúa thương ban cho những linh hồn tiền nhân chúng con đã qua đời, đặc biệt cho linh hồn Gioan Baotixita hôm nay mà chúng con kính nhớ được hưởng vĩnh phúc trong áng sáng tình thương của Ngài.

Cuối thánh lễ ông Nguyễn Hữu Dõng cũng thay mặt BTC. cám ơn hai cha và mọi người, các ban ngành cũng như phần hát lễ do gia đình Emmaus phụ trách đã chu toàn sốt sắng và tốt đẹp.v.v...

PHẦN 2:

Đúng 16g45: sau lời khai mạc nghi lễ tưởng niệm rước Quốc Kỳ và di ảnh Cố TT Ngô Đình Diệm được trang nghiêm rước lên vị trí trang trọng nhất của hội trường. Tiếp theo là nghi thức Chào cờ và hát Quốc ca thật trang nghiêm và phút mặc niệm vô cùng cảm động. Tiếp theo Ban Tế Lễ, Đại Diện Hội Đoàn cùng Quan Khách dâng hương tưởng nhớ và tri ân chí sĩ Ngô Đình Diệm cùng các Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa Vị Quốc Vong Thân.

- Nghi thức niệm hương cũng được diễn ra trong ý lễ và đậm đà sắc thái dân tộc, bài phúng điếu với giai điệu diễn thơ đã lay động trái tim mọi người.

- Tiếp theo là nghi thức thắp nến hương lòng mỗi người một ngọn nến với những tâm nguyện cho Quê hương đất nước tiến lên đặt trước di ảnh Ngô Tổng Thống để tưởng nhớ và tri ân người. Với nhiều kinh nghiệm của người điều hành nghi lễ giúp chương trình được diễn tiến trong sự trang nghiêm và sốt sắng tốt đẹp.

Nghi thức chấm dứt ông Nguyễn Văn Sách trưởng khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm Đức Quốc tiến lên chào mừng và giới thiệu quan khách, cũng như những thành phần diễn giả của buổi lễ giỗ hôm nay gồn có:

1* Bác Sỹ Trần Văn Tích cựu chủ tịch liên hội người Việt tại CHLBĐ.

2* Ông Nguyễn Duy Sâm Sỹ quan quân đội VNCH.

3* Phát biểu cảm tưởng của đại diện các bạn trẻ: A. Bùi Văn Minh và A. Vũ Duy Minh Khoa.

1* Bs Trần Văn Tích với đề tài: "Lời Ngô Tổng Thống" với 4 câu nói đã được ghi vào lịch sử của người.

Thứ nhất: “Tôi tiến, tiến theo tôi. Tôi lùi hãy giết tôi. Tôi chết hãy theo gương tôi”.

Thứ hai: nói với ông Hồ Chí Minh "Ông và Tôi đều có quan niệm hoàn toàn trái ngược nhau về dân tộc Việt Nam, các hành động của thủ hạ Ông đã chứng minh điều đó. Ông hãy trả lời cho tôi biết là tại sao Ông hãm hại anh tôi (Ngô Ðình Khôi) và Ông cứ nhìn thẳng vào mắt tôi xem tôi có phải hạng người khiếp sợ Ông không?"

Thứ ba: "Đạo Đức thắng tội ác, sự thật thắng gian trá và tình thương thắng oán thù".

Thứ tư: Đức tính quan trọng của người lảnh tụ "TRỌNG CHỮ TÍN".

Bốn câu nói này của Ngô Tổng Thống đã được diễn giả trình bày cho mọi người thấy rõ hơn được con người uy tín của Ngô Tổng Thống đều có đầy đủ cả. Cuối bài Diễn giả nói thêm rằng: khi tôi sinh ra thì đúng vào năm ông Ngô Dình Diêm là quan Thượng Thư Bộ Lại đứng vào hàng đầu của triều đình và sau đó vì tranh đấu với thực dân Pháp đòi quyền cho đất nước và dân tộc Việt Nam nên ông đã từ quan để gây áp lực lên chính phủ Pháp, một con người thanh liêm và đầy đủ uy tín đã dám làm điều đó lúc 32 tuổi. Khi ông bị phản bội và hy sinh cho Tổ quốc Việt Nam thì tôi cũng đang làm việc dưới quyền Tồng Thống của ông nên tôi vô cùng kính trọng và có thể nói rằng tôn thờ Ngô Tổng Thống mặc dù tôi không phải là người Công Giáo v.v...(xin xem thêm bài phát biểu bên dưới)

Ông nguyễn Duy Sâm trình bày về đề tài: "Lòng Nhân Đạo Của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm"

Bài phát biểu của anh Bùi Văn Minh: Cái nhìn của người trẻ về thời đệ nhất cộng hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Bài phát biểu của Anh Vũ Duy Minh-Khoa Trưởng Ban Thanh Niên Sinh viên Hội Đồng Liên Tôn Âu Châu nhiệm kỳ 2014-2016 với đề tài: "Tại Sao Cần Phải Noi Gương Và Phát Huy Tinh Thần Ngô Đình Diệm."

Ca sỹ Hạt Sương Khuya đến từ Pháp Quốc đóng góp nhiều bài ca quê hương và đấu tranh v.v... Cô cũng đặc biệt chú ý và ủng hộ giới trẻ nhất là giới trẻ trong nước và mong rằng tất cả chúng ta nhất là giới trẻ hiểu biết về vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn là cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm để cùng nhau phục hưng lại tinh thần Ngô Đinh Diệm, chỉ có tinh thần Ngô Tổng Thống mới mong giữ được sơn hà xã tắc của chúng ta mà thôi. Cô cũng làm cho nhiều người cảm nhận và ngày lễ thêm nhiều ý nghĩa hơn. Cô cùng điều khiển chường trình hôm nay chung với Anh Bùi Văn Toàn.

Những bài thuyết trình và phát biểu cảm tưởng hôm nay mang nội dung phong phú, được các diễn giả trình bày mạch lạc và xúc tích, đã tạo cảm xúc mạnh cho những người đến tham dự. Kết quả có 5 tham dự viên và 1 người gửi điện thư đã xin gia nhập Khối ngay ngày hôm nay.

Tôi cũng chú ý đặc biệt tới bài phát biểu của Vũ Duy Minh Khoa 26 tuổi sinh và lớn lên ở Đức mà tiếng việt rất sõi. "Tôi chết hãy nối chí tôi" Ước mong ngày càng nhiều người nối chí Ông, đặc biệt là các bạn trẻ là tương lai của đất nước, nhiều người nối chí ông sẽ tạo thành một khối, Khối Tinh Thần Ngô Đình Diệm sẽ là sức mạnh của dân tộc cứu nguy đất nước. Mong lắm thay!

Buổi lễ giỗ và tưởng niệm Ngô Tổng Thống đã được các Thành Viên chuẩn bị chu đáo như những năm trước và kết qủa tốt đẹp chấm dứt lúc 20g15 để trả lại hội trường cho giáo xứ Johanes.
 
Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ
Thư cảm tạ của Trưởng Ban tổ chức Hành trình Emmaus VI
Đức ông Francis Phạm văn Phương
14:29 02/11/2015
Thư cảm tạ của Đức ông Francis Phạm văn Phương, Trưởng Ban Tổ Chức Hành Trình Emmaus VI

Trọng kính Quý Đức Cha, Quý Đức Ông và Quý Cha Việt Nam,

Thế là chúng ta đã trải qua cuộc Hành Trình Emmaus VI. Hôm nay, hầu hết chúng ta đang hiện diện tại nhà ở các địa phương và tất cả những gì có liên hệ với Hành trình Emmaus VI chỉ còn là trong kỷ niệm và trong dĩ vãng!

Với tư cách là trưởng ban tổ chức Hành Trình Emmaus VI, tôi cũng xin hợp ý với Đức Ông Chủ Tịch Liên Đoàn kính gửi tới Quý Đức Cha, Quý Đức Ông và Quý Cha lời cảm tạ chân thành vì đã đáp lời mời gọi của Liên Ðoàn, đã thu xếp các công việc và đã về họp mặt trong 4 ngày dài tại Thành Phố Atlanta, Georgia. Chúng ta đã cùng nhau cử hành phụng vụ thánh thiện, tham dự thuyết trình và hội thảo sôi nổi, những sinh hoạt văn nghệ, đi tham quan và những buổi tiệc vui tươi thánh thiện trong sự mến mộ của cộng đồng giáo dân. Dĩ nhiên, chúng tôi biết rằng còn nhiều điều thiếu sót và sẽ được cải thiện trong tương lai, vì rằng: “Hoàn thiện là luật của Trời, tiến đến hoàn thiện là luật của người”. Vì vậy, chúng tôi kính xin quý vị quên đi những gì là tiêu cực và chỉ xin nhớ những gì tích cực đem lại niềm vui và tình cảm thương mến cho mỗi người.

Trước khi ngừng bút, tôi chân thành thay mặt cho các Cha trong ban tổ chức tại địa phương chân thành cám ơn Quý Đức Cha, Quý Đức Ông, Quý Cha và cầu chúc cho các Đấng luôn bình an và tràn đầy ơn Chúa trong những tháng ngày cuối năm 2015 này.

Trân trọng kính chào và cảm tạ

Atlanta, ngày 2 tháng 11 năm 2015

Các Linh mục trong ban tổ chức tại địa phương:
Lm. Nguyễn John Bosco Trí
Lm. Robert Phạm Tân
Lm. Peter Vũ Ngọc Đức
Lm. Francis X. Trần Quốc Tuấn
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Châu
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm
Đức Ông Francis Phạm Văn Phương
 
Văn Hóa
Tháng 11 Cầu nguyện cho các linh hồn
Đinh văn Tiến Hùng
11:50 02/11/2015
Chuông Nguyện Hồn Ai (*)

“Ai sống và tin vào Thày thì dù đã chểt cũng sẽ được sống,
ai sống và tin vào Thày sẽ không bao giờ phải chết “
( Gio. 11:26 )

Tháng 11 Cầu nguyên cho các Linh Hồn.
--------------------------------

Nắng chiều lịm tắt sau đồi
Sương dâng lan toả chơi vơi ngập ngừng,
Hồi chuông nhỏ giọt rưng rưng,
Tiễn đưa ly biệt nghe chừng phiêu du.

Những ngày thơ ấu năm xưa,
Chuông nhà thờ đổ tôi chưa hiểu gì,
Tưởng rằng tạm biệt người đi,
Dù xa xôi mấy ngày kia cũng về.
Như thuyền rời bến sơn khê,
Chim thiên di vẫn nhớ quê thuở nào.
Như người viễn xứ nôn nao,
Tình quê chan chứa làm sao không buồn.
Bao lần tắt nắng chiều hôm,
Bao lần chuông nhỏ giọt buồn tiễn ai,
Bao lần viễn khách thở dài,
Song thân khuất bóng con trai muộn về.
Người em vĩnh biệt chiều quê,
Anh còn chinh chiến nặng thề nước non.
Chị ơi ! Kiếp sống mỏi mòn,
Khi chị nhắm mắt em trong lao tù.
Cuộc đòi trải mấy nắng mưa,
Xa quê biền biệt vẫn chưa trọn thề,
Nơi đây cách vạn sơn khê,
Không nghe chuông nhỏ lê thê giọt buồn.

Mỗi lần nhạt nắng chiều hôm,
Đâu đây văng vẳng tiếng buồn thở than,
Dù cho năm tháng phai tàn,
Không quên lời nguyện Chuông vang Cầu Hồn.

Đinh văn Tiến Hùng

(*) Ghi chú : Mượn tên tác phẩm ‘ For Whom the Bell Tolls của nhà văn Ernest M.Hemingway’ - Nơi xóm đạo Việt Nam xưa kia, mỗi khi có ai qua đời
chuông nhà thờ báo hiệu để mọi người cầu nguyện tiễn biệt người quá cố.
Hoàn cảnh xã hội ngày nay nơi đất khách quê người, rất tiếc không thể duy
trì tập tục tốt đẹp này.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mái Ấm Rừng Thu
Dominic Đức Nguyễn
22:10 02/11/2015
MÁI ẤM RỪNG THU
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Thu về vun lá khô vào
Tôi làm giường ấm với bao lá vàng
Lá thu rơi rất nhẹ nhàng
Bỏ cây trơ lại võ vàng trên cao.
(Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển ngữ)

I can rustle the leaves
In autumn
And I can make a bed
In the thick dry leaves
That have fallen
From the bare trees
Overhead.
(James S. Tippett)