John L. Allen Jr. trên tạp chí CruxNow ngày 8 tháng 8 năm 2023, nhận định rằng:

Cuộc họp ngày 7 tháng 8 giữa Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng và các giám mục trong nước. (Tín dụng: Tin tức Vatican.)


Mặc dù không gây chú ý trên hoàn cầu, nhưng một cuộc họp quan trọng đã diễn ra tại Sài Gòn vào thứ Hai: Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến thăm Hội đồng Giám mục Công Giáo của đất nước, ca ngợi vai trò của Giáo Hội trong đại dịch Covid-19, nói một cách nồng nhiệt về cuộc gặp gỡ gần đây của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cam đoan sẽ xem xét khả thể mở các trường Công Giáo.

Vì sự thù địch lịch sử giữa Giáo hội và nhà nước ở Việt Nam kể từ năm 1975, các nhà quan sát cho rằng chuyến thăm thể hiện một bước quan trọng đối với việc nối lại quan hệ.

Chuyến thăm đã thu hút việc tường trình nổi bật của Vatican News cũng như cơ quan truyền thông nhà nước, và có khả năng được coi là sự xác nhận thêm rằng chính sách “các bước nhỏ” của Vatican với các quốc gia chính thức cộng sản của Châu Á đang có hiệu quả – một kết luận được hầu hết các nhà quan sát tin tưởng, vì sự liên quan rõ ràng đối với mối quan hệ của Vatican với Trung Quốc.

Ông Thưởng đã thực hiện chuyến thăm trụ sở Hội Đồng Giám Mục với phái đoàn gồm 10 viên chức chính phủ, còn phía Giáo hội gồm 9 giám mục, trong đó có Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng của Sàigòn, kiêm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục, cùng với năm linh mục và hai nữ tu.

Một tuyên bố của các giám mục sau đó đã mô tả cuộc họp, kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, là “cởi mở” và “chân thành”.

Việc Ông Thưởng rõ ràng sẵn sàng xem xét tình hình của các trường Công Giáo được coi là đặc biệt quan trọng. Sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản vào năm 1975, Giáo hội chỉ được phép điều hành các trung tâm chăm sóc học sinh ban ngày, chứ không phải các trường tiểu học, trung học hoặc trung học phổ thông.

Vào năm 2016, trường đại học Công Giáo đầu tiên kể từ khi cộng sản tiếp quản đã được khai trương với sự chấp thuận của cả Vatican lẫn chính phủ quốc gia.

Ước tính có khoảng bảy triệu người Công Giáo ở Việt Nam, chiếm khoảng bảy phần trăm tổng dân số cả nước. Giáo Hội có 3,000 giáo xứ trên khắp đất nước, 7,700 cơ sở khác và 11 chủng viện được phục vụ bởi 8,000 linh mục và 41 giám mục đang hoạt động.

Chuyến viếng thăm hội đồng giám mục diễn ra sau chuyến công du Châu Âu từ ngày 23 đến 28 tháng 7 của Ông Thưởng, bao gồm các chuyến thăm cấp nhà nước tới cả Áo và Ý cũng như cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các viên chức cấp cao khác của Vatican vào ngày 27 tháng 7.

Trong cuộc gặp gỡ đó, Việt Nam và Vatican đã công bố một thỏa thuận cho phép bổ nhiệm một đại diện giáo hoàng thường trú tại Việt Nam. Mặc dù thỏa thuận không đạt được các mối quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhưng nó được coi là một bước quan trọng theo hướng đó. Vatican có đại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011, dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

Theo tường thuật của Vatican News, Ông Thưởng nói với các giám mục rằng ông đã có ấn tượng tốt đẹp về cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, bắt đầu với việc cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến và ông cũng có thể đưa vợ đến gặp Đức Giáo Hoàng.

Ông Thưởng cho biết rằng Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tình huynh đệ nhân loại, cũng như sự cần thiết của việc đối thoại và lắng nghe lẫn nhau. Trong phiên họp của ông với các giám mục, các ngài đã tặng Ông Thưởng một bức ảnh đóng khung về cuộc gặp gỡ của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và cả bản dịch tiếng Việt thông điệp Fratelli Tutti của Đức Giáo Hoàng.

Sự tan băng dần dần trong quan hệ Vatican-Việt Nam bắt đầu từ năm 1989, khi Hồng Y người Pháp Roger Etchegaray, lúc đó là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một viên chức cấp cao của Vatican tới Việt Nam kể từ năm 1975.

Bắt đầu từ năm 1996, Vatican và chính phủ Việt Nam bắt đầu tổ chức các cuộc họp song phương thường xuyên, một phần để giải quyết những khó khăn về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo trong nước. Cuối cùng, một thỏa thuận đã được ký kết theo đó Vatican đệ trình ba tên cho một chức vụ giám mục và chính quyền Việt Nam chọn một tên, người được đề cử sau đó sẽ được chính thức hóa bởi Đức Giáo Hoàng.

Thỏa thuận đó đã được đàm phán một phần bởi Đức ông Pietro Parolin lúc bấy giờ, vào thời điểm đó là thứ trưởng của Vatican về quan hệ với các quốc gia, hiện nay là Hồng Y Quốc vụ khanh và kiến trúc sư chính của chiến lược Trung Quốc của Vatican.

Khi công bố thỏa thuận mới về một đại diện thường trú của Đức Giáo Hoàng, hai bên cho biết một phần vai trò của vị này sẽ là hỗ trợ “cộng đồng Công Giáo Việt Nam thực hiện các cam kết của mình theo tinh thần luật pháp, và luôn được huấn quyền của giáo hội truyền cảm hứng, để thực hiện thiên chức 'đồng hành cùng dân tộc' và là 'người công dân tốt, người Công Giáo tốt'.”