Nam Am, Hải Phòng

Khoảng trưa, chúng tôi lên bờ, người hướng dẫn viên từng hướng dẫn chúng tôi từ phi trường Nội Bài, anh Hòa, niềm nở đón chúng tôi lên chiếc xe buýt chờ sẵn ở Bến Tuần Châu, đưa chúng tôi về “nơi chôn nhau cắt rốn” của tôi ở Nam Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Trên đường, tôi dùng micro ngỏ lời bằng tiếng Anh với con cháu trên xe: “Ông sinh ra tại Nam Am năm 1938, 85 năm trước đây, rất lâu rồi. 15 tuổi, ông rời thầy mẹ và mọi anh chị em, ra Hải Phòng để học trung học trong một tiểu chủng viện Công Giáo, sau khi đậu bằng tiểu học năm 1953. Năm 1955, ông rời Hải Phòng đi Mỹ Tho ở miền Nam, thành phố mà chúng ta sẽ tới thăm vào ngày áp chót của chuyến đi, để thầy mẹ và các anh chị em ở lại miền Bắc. Ông chỉ trở lại Nam Am vào năm 2000, gần 46 năm sau, cùng với bà, Nguyên và Hảo. Ông và bà thực hiện chuyến trở về thứ hai vào năm 2007 và chuyến trở về thứ ba năm 2011. Nay là chuyến thứ tư và chắc chắn là chuyến chót. Ở đây, chúng ta sẽ thăm bà quả phụ của anh trai ông, người đã qua đời năm 2019, trước Covid-19 và sẽ gặp gỡ mọi em ruột và họ hàng nội ngoại của ông và dùng bữa tối với họ. Đây là chuyến viếng thăm gây nhiều xúc động đối với ông vì chúng ta sẽ viếng nghĩa trang nơi an nghỉ của thầy mẹ ông và các vị tiền bối tới đời thứ năm. Lúc rời họ, ông là một thiếu niên cô đơn, nay là một ông già với hơn 20 người gồm vợ các con, dâu rể và các cháu, trọn cả đại gia đình, để vái lạy họ. Ông thật mãn nguyện và hy vọng họ cũng mãn nguyện như ông dù họ chẳng cần sự mãn nguyện này. Ông cám ơn Thiên Chúa đã luôn tốt đối với ông, gìn giữ ông lâu đủ để ông thực hiện chuyến đi này. Cuộc viếng thăm này khả hữu cũng do lòng tốt của các con các cháu, những người đã thỏa thuận bỏ hai ngày đi Sapa, để ông có thể về lại ‘nơi chôn nhau cắt rốn’. Cám ơn mọi người và hy vọng mọi người hưởng trọn niềm vui của chuyến đi”.



Hướng dẫn viên du lịch và người tài xế chưa bao giờ tới Nam Am cả. Nhưng nhờ liên lạc với mấy đứa cháu của tôi ở Nam Am bằng điện thoại di động, nên đường đi không vấp váp gì. Từ Quốc lộ Mười, người tài xế rẽ đúng vào đường dẫn từ quận lỵ Vĩnh Bảo tới Nam Am. Phải nhận là đường xá ở Miền Bắc bây giờ trải nhựa khá thênh thang. Con đường dẫn từ Vĩnh Bảo xuống Nam Am, năm 2011, chỉ có một làn xe, nay có đến 2 làn xe đường về và 2 làn xe đường đi, chạy dọc theo một con lạch dài đến cả chục cây số, hai bên đều có lan can an toàn. Tôi nói với người tài xế, cứ thấy ngọn tháp thánh đường cao nhất, đó chính là Nam Am!

Ngọn tháp ấy và ngôi thánh đường mới xây và khánh thành năm 2006, do ông anh ruột tôi, lúc đó là trùm cả kiêm chánh trương toàn xứ, trông coi việc xây cất, phí tổn lên đến 15 tỷ đồng Việt Nam, tương đương với 1 triệu Mỹ Kim, với sự đóng góp của “555 hộ giáo dân nhà xứ tại quê hương và 1,500 quý vị hảo tâm xa gần trong nước và nước ngoài” trong có gia đình tôi với 5,040 Úc Kim và với sự vận động quyên góp của tôi tại Úc và Hoa Kỳ khoảng 50 nghìn Úc Kim nữa từ 5, 6 gia đình. Điều đáng nói là Tòa Thánh cũng đã trợ giúp 2,700 Mỹ Kim. Nhân dịp này, tôi được biết người Nam Am chúng tôi hiện có mặt ở nhiều nước hơn tôi nghĩ: Hoa Kỳ, Úc, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Na Uy, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Canada, và Ý. Phần đóng góp hiện kim của họ chiếm khoảng một nửa các đóng góp. Nhưng phần đóng góp lớn nhất vẫn là của giáo dân Nam Am sở tại: ngoài việc “tận dụng nguyên liệu còn tốt của nhà thờ gỗ cũ còn lại trị giá 4 tỷ đồng” là đóng góp hiện kim tính đến ngày 25 tháng 10 năm 2002 là 815,377,000 đồng Việt Nam, một đóng góp hết sức lớn lao của một làng quê dù là ngoại thành của Hải Phòng, nhưng đa phần chỉ sống bằng nghề nông trồng lúa và thuốc lào, lác đác vẫn còn một số nhà lợp tranh! Nhất là sự đóng góp “6 vạn ngày công của giáo dân không tính tiền”!

Gần đến chiếc cầu dẫn vào làng, chúng tôi đã thấy cháu Tuynh, con út ông anh ruột tôi, đứng đón bên cạnh cầu. Cháu lái chiếc “ô tô con” dẫn đầu đưa xe buýt của chúng tôi vào sâu trong làng, đường hẹp nhưng đổ bêtông kiên cố, nên đoạn đi không gặp trở ngại chi. Tuy nhiên, tài xế yêu cầu chúng tôi xuống xe ở lối rẽ vào nhà ông anh ruột, nhất định không đi thêm, dù các cháu của tôi quả quyết có thể chạy thẳng tới nghĩa địa làng, nơi tôi đặt ưu tiên cho chuyến viếng thăm này.

Đành là phải cuốc bộ ngay từ địa điểm xuống xe tới nghĩa địa vậy. Cháu Tuynh mời vợ chồng tôi lên xe “ôtô con”. Nhưng tôi cương quyết từ chối. Tôi đã từng cuốc bộ với các cháu khắp những nơi đã đi qua cho tới nay. Bây giờ không thể “đủng đỉnh” ngồi xe để các cháu phải cuốc bộ quãng đường dẫn tới nơi chính tôi muốn khuyến khích các cháu tới: nơi an nghỉ của thầy mẹ tôi và các cụ tiên nhân. Trên hết có mộ cụ “thứ phái đại tổ” (sinh năm 1740, tạ thế năm 1820) sau là hàng các cụ, hàng các ông, hàng thầy mẹ tôi, sau cùng là hàng những người ngang hàng với tôi. Tổng cộng có đến hơn 30 ngôi mộ nằm gọn trong nghĩa trang làng. Trước đây vốn nằm la liệt khắp nơi, nhưng thập niên 1980, ông anh ruột tôi đã tổ chức đưa tất cả về một khu chung tại nghĩa địa làng. Chúng tôi đã góp phần tài chánh vào việc xây đắp lại các ngôi mộ và chỉnh trang khu vực cuối thiên niên kỷ thứ hai. Cuối năm 2000, khi lần đầu tiên tôi về thăm làng sau 47 năm xa cách, khu mộ này đã được chỉnh trang rồi. Nay các phần mộ vẫn được chăm sóc cẩn thận, tươm tất. Chúng tôi cùng đốt nhang, cúi đầu vái lạy các vị và đứng lặng cầu nguyện cho các cụ. Tôi thầm thưa với thầy mẹ: con về lần này mang theo 23 người gồm vợ, các con và các cháu, xin cùng vái lạy thầy mẹ và tổ tiên, thầy mẹ không vui với việc con “bỏ nhà Đức Chúa Trời”, nhưng hẳn thầy mẹ vui khi thấy con, 85 tuổi, “gần đất xa trời” cùng 23 người gồm vợ và các con các cháu, không thiếu ai, về gặp thầy mẹ để bái lạy. Con cũng vui khi thằng cháu đích tôn 9 tuổi không biết một chữ Việt của con về bái lạy thầy mẹ.

Nghĩa trang làng tôi lần này khang trang hẳn lên với con đường dẫn từ làng ra được mở rộng và đổ bêtông, với các phần mộ được xây lại đẹp đẽ. Nghĩa trang cũng được mở rộng thêm ở cánh trái nhìn từ ngoài vào bàn thờ hành lễ chính. Trước đây tôi nhớ là đất trồng thuốc lào, nhìn quá bên kia là làng Trung Am, nơi có đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông anh ruột tôi, qua đời năm 2019, ngay trước việc bùng phát Covid-19, được chôn cất ở phía mới mở này, trong một nghi thức chôn cất long trọng với sự tham dự của mọi hội đoàn, giáo dân trong xứ, nhất là những chiếc trống khổng lồ đặt trên các xe tải lớn. Anh bỏ dở việc học, chưa học hết lớp nhất, ưa hoạt động, trở thành bí thư xã ủy Tam Cường. Chính anh cản trở việc thầy mẹ tôi đi nam năm 1954. Không hiểu nguyên nhân nào khiến anh rời bỏ đảng Cộng Sản để trở thành trùm cả cho giáo xứ và là người đôn đốc việc xây lại ngôi thánh đường gỗ đã hơn 100 tuổi của làng và sau đó là ngôi nhà nguyện kính thánh Agnes (Ine) của khu tôi là khu Đoài. Có người bảo: anh bị khai trừ khỏi đảng vì cờ bạc.

Cờ bạc vốn nổi trong gia đình tôi. Ông nội tôi mất hết tài sản vì cờ bạc, chỉ còn lại duy nhất căn nhà năm gian mái tranh tường đất, nơi cư ngụ của bà tôi, thầy mẹ và anh chị em chúng tôi, một người cô và một người chú, ít nhất cũng từ thuở nào cho tới năm 1953 khi tôi rời làng ra Hải Phòng. Bao nhiêu ruộng vườn tổ tiên ban phát và bà nội tôi mang từ Lạng Am về như của hồi môn đều sang tay người khác. Tôi còn nhớ như in mỗi lần dắt bà nội tôi về thăm quê ngoại, bà đều khua gậy chỉ đây là “ruộng tao đem về bị ông mày bán đứng!” Đến thầy tôi, học hành dở dang, làm nghề thợ may, rảnh rỗi nên rơi vào vết chân bố! Bài bạc ngày đêm, đến nỗi cha xứ không cho xưng tội rước lễ cả 18 năm trường, cho tới khi nghĩ đến việc cho tôi vào “nhà Đức Chúa Trời’ năm 1953.

Tôi không hiểu động lực nào khiến thầy tôi nẩy ra ý nghĩ ấy. Rất có thể vì nghèo. Nghèo đến nỗi có lúc tôi phải giúp việc cho cậu họ tôi để được tiếp tục học và đi thi tiểu học. Cậu họ tôi vốn là thầy giáo duy nhất có phép dạy học của Bộ Quốc Gia Giáo Dục tại làng. Nhờ thế mà tôi đậu bằng tiểu học năm 1953 trong một kỳ thi do khu học chính Bắc Việt tổ chức tại Hải Phòng. Điều chắc chắn tôi thuộc lớp đầu tiên đậu bằng tiểu học của làng. Một thứ danh dự hiếm có hồi đó, chứ bây giờ, ông cậu họ tôi, lúc tôi đậu tiểu học, học hành có ra chi, mà bây giờ cũng cử nhân, tốt nghiệp đai học nhân dân Hải Phòng!

Nhưng làm sao cho tôi học thêm được? Hồi ấy, nơi tôi học thêm, chỉ có thể là Hải Phòng, quê tôi, ngay tại huyện lỵ Vĩnh Bảo, cũng không có trường trung học. Mà cho con học ở Hải Phòng là điều vượt quá khả năng của thầy mẹ tôi. Có lẽ vì thế mà thầy tôi nghĩ tới người em họ lúc đó làm linh mục ở nhà thờ chính tòa Hải Phòng, mới du học từ Manila trở về. Ngài đã nhận tôi làm nghĩa tử và con đường “ở nhà Đức Chúa Trời” của tôi bắt đầu từ năm 1954 cho đến năm 1966, thì đứt quãng, với việc “hạ sơn” đúng nghĩa vì tôi rời Giáo hoàng học viện Piô X ở cao nguyên Đà Lạt để nhập dòng đời Sài Gòn trần tục.

Quê tôi, về văn hóa không bằng hai làng bên cạnh là Cổ Am, quê hương Khái Hưng và Trần Tiêu, và Trung Am, quê hương Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng là một xứ đạo toàn tòng từ gần 400 năm nay, nghĩa là từ năm 1632, vốn là nơi đặt tòa Giám Mục Đông Đàng ngoài, tiểu và đại chủng viện cũng như trụ sở chính của các cha Dòng Đa Minh. Nó là nơi tổ chức công nghị giáo phận Đông Đàng Ngoài năm 1841 cũng như “Lễ Đầu Dòng” Đa Minh năm 1844. “Một số đấng thừa sai từng làm mục vụ trên đất Nam Am rồi được phúc tử đạo, đã được phong hiển thánh như Đức Thánh Giám Mục Liêm, Đức Thánh Giám Mục An; Đức Thánh Giám Mục Xuyên, Thánh Phêrô Bình; Thánh Giuse Khang... Các đấng tại xứ đạo được phúc tử đạo là 22 đấng, đã được tôn phong hàng đáng kính”.

Xuất thân từ Nam Am, có đến 50 linh mục. Nhưng đến lúc tôi “có trí khôn” và vào “Nhà Đức Chúa Trời” thì không còn linh mục nào xuất thân từ Nam Am cả. Người có chức cao nhất trong giáo hội là Cụ Bốn Ứng, lúc đó đang phục vụ tại xứ Kẻ Sặt, Hải Dương. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau 1955 cho tới bây giờ, quê tôi đã sản sinh khá nhiều linh mục cho giáo phận. Có người xấu miệng cho rằng nguyên do không có linh mục nào xuất thân từ Nam Am trong thời gian vừa kể là do tội “đảo mục” nghĩa là đả đảo linh mục chánh xứ Hinh năm 1948, lúc tôi 10 tuổi, của hội đồng toàn xứ, khiến tòa Giám Mục điều ngài và cả hai cha phó đi nơi khác. Chúng tôi phải lặn lội lên Hội Am, một xứ đạo, năm 1924, được tách ra từ xứ Nam Am và là quê hương của linh mục “khét tiếng” Phan Khắc Từ, để tham dự thánh lễ, có đến 2 năm trời.

Nay thì quê tôi quả thay đổi vượt bậc, cả đạo lẫn đời. Nhà cửa cao tầng vươn lên khắp nơi, cửa tiệm mở ra bán đủ mặt hàng như phố xá đô thị, người người không còn quần áo mộc mạc như xưa, trưng diện không khác người phố thị. Đèn đuốc sáng trưng khắp ngả, rực rỡ chẳng khác Hải Phòng, Hà Nội, vì đang trong Mùa Giáng Sinh và đầu năm dương lịch. Đường xá đúc bê tông rộng rãi thay thế các đường lát gạch đã có từ những năm 1918-1920, thời cha Chính Liêm (Moreno), một kỳ tích thời ấy. Hôm nay, trên đường tôi thấy nhiều công nhân đang làm việc để nâng cấp nó. Theo anh Vũ, một người em họ, và tự xưng là có chân trong Mặt Trận, nói với tôi rằng, thành phố dành cho mỗi xã ngoại thành Hải Phòng 125 tỷ để nâng cấp đường xá.

Lúc tôi rời làng năm 1953, giáo xứ chỉ có ngôi nhà thờ gỗ cổ xưa cũ kỹ, nơi tôi thường cùng thầy tôi trú ngụ lúc đêm hôm vì sợ bom đạn, nhà tôi chỉ cách “Bốt Tây” một hai căn. Bây giờ thì ngoài ngôi thánh đường nguy nga hiện đại của hàng xứ với chiều dài 70 mét (cũ là 57m), rộng 27m90 (cũ là 19m), cao 20m50 (cũ là 11m), với 3 tháp chuông (cũ 1), tháp cao nhất 45m (cũ 25m), dù vẫn với vóc dáng mái cong Đông Phương, mỗi khu còn có nhà thờ riêng.

Làng vốn chia thành 4 khu: khu Đông, khu Trung, khu Nam và khu Đoài. Ba khu trước nằm về một phía của con đường Nam Bắc chạy qua suốt làng dẫn tới nghĩa địa. Khu Đoài của tôi nằm một mình một phía và dường như là nhỏ nhất. Nhưng lại có ngôi nhà thờ riêng lớn nhất. Tôi vẫn phản đối việc xây dựng này, nên không tham gia việc quyên góp cho nó. Ông anh ruột tôi rất tự hào về ngôi nhà thờ này, nơi có hài cốt nghe đâu của bốn vị tử đạo có hồ sơ bằng tiếng Latinh. Anh có đưa cho tôi hồ sơ này, nhờ tôi tìm cách dịch sang tiếng Việt. Phần vì lười phần vì vốn liếng Latinh 60 năm trước đây vốn là chuyển ngữ (vehicle language) hàng ngày của tôi ở Giáo hoàng Học viện Piô X nay đã rụng hết, nên bản Latinh vẫn nguyên vẹn nằm trong tập hồ sơ.

Từ nghĩa địa, chúng tôi theo các cháu trở lại căn nhà của chị dâu. Bà năm nay gần 9 chục, nhưng vẫn rất hoạt bát, vốn là tay “kiếm bánh” của gia đình vì ông anh tôi vốn thích hoạt động ở bên ngoài, “vác ngà voi hàng tổng”. Bà rất vui và hãnh diện khi tôi về thăm, mang theo tất cả vợ con, các cháu, không đến thăm ai, chỉ thăm bà và con cháu bà, một điều dường như gây phiền lòng cho một số bà con của tôi.

Tôi từng nói là về lại nơi “chôn nhau cắt rốn”. Nhưng căn nhà của chị dâu tôi không phải là nơi ấy. Nơi tôi “chôn nhau cắt rốn”, tức căn nhà tổ tiên để lại cho thầy mẹ tôi, hiện do đứa em gái áp út sở hữu. Căn nhà ấy năm 2011 tôi tới thăm thì còn lụp sụp, và chiếc ao ở phía trước nhà vẫn còn đó, chiếc ao mà ngày xưa tôi coi lớn lao là thế nhưng nay trông như một hố bom, và đã được cô em tôi lấp đất để xây một căn lầu ba tầng “hoành tráng” do công lao làm ô sinh Đài Loan hay Đại Hàn gì đó của nàng con dâu thứ hai. Nay cháu đã qua đời. Cô em áp út của tôi mời tôi đến thăm, ngay bên đường ra con lộ chính bên ngoài nối liền với thị trấn Vĩnh Bảo, nhưng vì quá trễ và không muốn làm phiền hướng dẫn viên du lịch và nhất là anh tài xế, tôi đã từ chối. Chắc cô em thông cảm với ông anh già, đầu ngày còn qua Hang Luồn, Hạ Long, vượt đường dài đến đây, viếng mộ thầy mẹ rồi gặp gỡ mọi người tạm gọi là ở nhà tổ, giờ đây phải về Hải Phòng nghỉ đêm để ngày hôm sau còn bay từ Hải Phòng tới Đà Nẵng! Trễ quá rồi.

Trễ thật. Ở nhà bà chị dâu, tôi được tiếp chuyện đủ các em, các cháu, họ hàng nội ngoại. Mọi người từ Hải Phòng và các huyện bên cạnh như Thủy Nguyên đều tới gặp gỡ chúng tôi, tay bắt mặt mừng, chuyện trò vui như pháo rang. Tôi không nhận diện được mọi người, nhưng từ từ, nhớ lại mọi liên hệ. Ai cũng vui vẻ ở lại dự bữa ăn thân thiện và nhận quà bằng hiện kim và hiện vật. Và ai cũng không muốn dứt câu chuyện nói với chúng tôi. Thời giờ vì thế qua đi thật nhanh. Rời nhà bà chị dâu tôi thì làng đã lên đèn từ lâu. Đường chính dẫn ra chỗ xe buýt đậu được trang trí sáng rực, cứ khoảng 5, 10 mét lại dựng một cột vòng cung đèn sáng, biến con đường thành một giáo đường ánh sáng muôn mầu.

Khi tới Hải Phòng thì trời đã khuya, và tôi rất ân hận đã không đến thăm cô em út tại Đường Thiên Lôi, cô và chồng có đến gặp tôi ở nhà bà chị dâu và đã theo xe buýt của chúng tôi trở lại nhà ở đường vừa nói. Nghĩ cho cùng, nay chỉ còn lại tôi và hai cô em ở trên đời, nên việc không đến thăm 2 cô tại nhà của họ, quả là một thiếu sót. Năm 2000, tôi còn được gặp đủ mặt các anh các chị và các em tôi: bà chị Cả lấy chống ở Liêm Khê, bà chị thứ hai cùng chồng ở Bình Hưng Hòa, Sài Gòn, ông anh ruột, 3 đứa em gái ở Vĩnh Bảo. Lần lượt hai bà chị, một ông anh và một cô em gái qua đời, tôi trở thành người con lớn tuổi nhất trong đại gia đình thầy mẹ tôi. Nhưng biết làm sao. Tôi chỉ có thể cố gắng đến thế. Cũng vì mệt, mà ở Hải Phòng, ở khách sạn AIU, một cái tên rất lạ, trên đường cũng rất lạ Máy Tơ, quận Ngô Quyền, rất gần với phi trường Cát Bi, tôi không đi đâu cả, chỉ tới đường Lê Lai gần đó ăn bánh cuốn buổi sáng và ăn canh bánh đa cua buổi trưa và đi thăm Catbi Plaza. Tại Catbi Plaza “hoành tráng” nhưng “vắng như Chùa Bà Đanh”, tôi mua chiếc quần tây với giá hơn 400,000 đồng cỡ số 30. Thế ra mình gầy hẳn đi. Tôi vẫn mua quần số 32 trước đây, chẳng lạ gì các chiếc quần cũ giờ đây phải được lỗ 3 hay 4 của dây lưng cột chặt! Điều cũng ân hận là không đến Nhà thờ chính tòa Hải Phòng, nơi tôi khởi đầu thời kỳ “ở Nhà Đức Chúa Trời” và đến nơi tôi tu học năm đầu của thời kỳ này ở số 9 Bonald, nay là Đường Trần Phú. Nghe đâu địa điểm sau, năm 2000 tôi tới, là trường trung học cấp ba Trần Phú, nay đã bị phá rỡ để xây khách sạn. Kinh tế dường như được coi trọng hơn giáo dục. Hải Phòng nay là thành phố của những cầu nối và cầu vượt và là thành phố của cơ sở Vĩnh Phát, chế tạo xe chạy bằng điện trị giá 3 tỷ rưỡi Mỹ Kim. Nhưng tôi tìm được rất ít kỷ niệm ở đấy.

Hải Phòng quả thay đổi quá nhiều. Tôi không nhận ra chỗ nào với chỗ nào. Còn nhớ, năm 1953, từ Nam Am ra Hải Phòng dự thi bằng tiểu học, chạy xe ngang qua khu vực lúc ấy đang xây cất phi trường Cát Bi, tôi ngạc nhiên thấy mấy nhân công ngồi ăn thứ gì có mầu sắc nhưng bốc khói, sau này mới biết là cà rem. Giữa địa điểm ấy với thành phố là một khu dân cư rộng lớn với vườn ruộng mênh mông trải dài. Hình như năm 2011, cảm tưởng ấy vẫn còn. Thế mà giờ đây, Cát Bi và thành phố là một. Không một chỗ trống phân cách.

Đà Nẵng Hội An

Chúng tôi rời Hải Phòng chẳng mấy chút quyến luyến, có chăng là làng quê Nam Am, dù nay đã đổi hình đổi dạng rất nhiều, nhưng vẫn là chốn an nghỉ vĩnh viễn của thầy mẹ và tổ tiên tôi. Chuyến bay từ phi trường Cát Bi đến Đà Nẵng chỉ mất chừng một tiếng đồng hồ. Phi trường Cát Bi nay đã trở thành phi trường quốc tế, dù người hướng dẫn viên du lịch nhấn mạnh: chỉ nhỏ thôi. Phi trường Đà Nẵng dĩ nhiên lớn hơn nhiều. Tôi từng đến phi trường này một lần trước đây, năm 2008, để đáp máy bay về lại Sài Gòn, sau khi thăm La Vang, Động Phong Nha và cố đô Huế. Lần này, chúng tôi bỏ những nơi ấy chỉ ở Đà Nẵng và Hội An thôi. Người hướng dẫn viên du lịch ca ngợi Đà Nẵng hết lời, sánh nó với Singapore về độ sạch cả vật chất lẫn tinh thần. Hình như ai cũng đồng ý với anh ta, tôi cũng đồng ý với anh ta, cả từ năm 2008. Vì tiền giặt giũ ở đây rẻ cách lạ. Một kílô chỉ tốn có 18 ngàn đồng, trong khi Tam Cốc Nình Bình tính đến gần 60 ngàn mà phẩm chất kém xa. Nhưng người hướng dẫn viên du lịch này phạm một lỗi lầm nghiêm trọng: anh ta phớt lờ một cụ già 85 tuổi, không hề ngỏ lời với tôi và giúp đỡ tôi lên xuống xe, ngược với anh Hòa ở Hà Nội, Ninh Bình, Hạ Long và Hải Phòng, anh Dân ở Hạ Long và anh Vinh sau này ở Sài Gòn, khiến tôi cũng phớt lờ anh ta đến độ không thèm biết tên anh ta là gì.



Ngoại trừ một cuộc cuốc bộ dọc bờ biển gần khách sạn chúng tôi cư ngụ để thấy cái sạch sẽ của Đà Nẵng và xa xa thấy tượng Phật mầu trắng sừng sững tại chùa Sơn Trà ở chân núi, cùng mang tên với hai ngôi chùa khác trong vùng (ở Bà Nà Hills và Non Nước) là Linh Ứng, tôi không đi đâu cả, dù rất muốn đến nhà thờ chính tòa Đà Nẵng để tham dự Thánh lễ nhân ngày Lễ Hiển Linh, chấm dứt mùa Giáng Sinh. Ngày hôm sau, chúng tôi đi Bà Nà Hills. Trời đổ mưa suốt ngày, gió lạnh, sương mù khiến chuyến đi chẳng gặt hái gì được, ngoài việc cuốc bộ “mệt xỉu”, rất tốt cho bản thân tôi, vốn cần cuốc bộ hàng ngày. Ngồi trên cáp treo được coi là dài nhất thế giới (gần 30 phút), cửa kính mù sương, nào có thấy gì ở bên ngoài. Lên đỉnh cũng thế, chỉ thấy các tòa nhà kiểu Pháp ẩn hiện sau làn sương mù. Đứng co ro ở những chỗ trú ẩn, nghe thiên hạ qua lại, nói đủ thứ ngôn ngữ, nhiều nhất dường như là Đại Hàn và Trung Hoa. Tôi và nhà tôi lội mưa, co ro đi qua Cầu Bàn Tay, mới khánh thành từ tháng 6, 2018 và dài tới 150 mét, chật ních du khách. Phiền một điều, không chụp được tấm ảnh nào làm kỷ niệm... Cũng thăm cả Chùa Linh Ứng, tượng Phật ngất ngưởng, Vườn Tình Yêu, làng Pháp. Nhưng chỗ dừng chân lý tưởng vẫn là nhà hàng Beer Plaza với các món ăn phục vụ theo lối buffet. Hình như suốt trong chuyến đi từ trước đến nay, chưa nhà hàng buffet nào sánh bằng cả về phòng ốc trang trí lẫn thức ăn vừa nhiều vừa ngon miệng, những ly beer to như ở Đức.

Thời tiết ở Bà Nà Hills làm đại gia đình chúng tôi “gục” khá nhiều, từ đây trở đi cho tới lúc lên máy bay trở lại Sydney gần một tuần lễ sau, có đến gần 10 người, thay nhau, nằm lỳ trong khách sạn. Sau Đà Nẵng, chúng tôi tới Hội An, trên đường, dừng lại một tiệm bán tượng ảnh chạm trổ từ đá hoa cương của Ngũ Hành Sơn. Phần lớn các tượng ảnh mô tả các nhân vật của Phật Giáo, rất ít tượng ảnh Công Giáo, nhưng ngay ngoài cổng, tượng cao nhất lại là Tượng Đức Mẹ.

Hội An nay thật khác xa Hội An của năm 2008. Tôi nhận không ra nữa, nhất là khu vực quanh sông Hoài. Năm ấy, tôi chỉ đi quanh quẩn xem mấy hàng vải và hàng thủ công cạnh Chùa Cầu. Nay thì cái chùa ấy cũng không còn được hướng dẫn viên du lịch nhắc đến nữa. Khoảng 6 giờ tối, chúng tôi thả bộ từ Khách Sạn Silkotel tới bờ Sông Hoài. Hai bên đèn đuốc sáng choang, người người tấp nập qua lại, nhất là quanh khu vực chiếc cầu bắc ngang qua sông và địa điểm lên xuống thuyền du ngoạn. Bốn năm người chúng tôi xuống một con thuyền, được người chèo thuyền chở quanh khúc sông, vừa đi chúng tôi vừa thả cây đèn giấy đã được người chèo thuyền đốt sẵn với lời khuyên nói lên một ước nguyện. Tôi cầu xin cho chuyến đi của đại gia đình tôi tiếp tục được xuông xẻ, đi tới nơi về tới chốn. Lo âu của tôi suốt trong chuyến đi này là: tai nạn máy bay làm đại gia đình tôi bị xóa sổ, không còn một mống! Mỗi lần bánh xe máy bay đụng đất, tôi đều tạ ơn Chúa!

Lần đi thuyền này không bằng lần đi thuyền cũng ban đêm trên Sông Hương năm 2008 của vợ chồng tôi: hồi ấy, thuyền chở chúng tôi lâu hơn, dường như là thuyền máy, và trên thuyền có đoàn hát gồm đến 5, 6 nghệ sĩ nhân gian, trình diễn các bản dân ca xứ Huế nghe rất êm tai. Từ thuyền lên, chúng tôi được công ty du lịch đãi bữa tối tại một nhà hàng gần Sông Hoài. Phần ăn công ty đài tọ, nước uống chúng tôi tự lo. Trà gừng đến 85,000 đồng một ấm, trong khi beer Heineken chỉ có 55,000 đồng một lon. Tội gì đi uống trà gừng dù ít khi tôi uống beer ở nhà do bệnh tiểu đường hạn chế.

Ngày hôm sau, hướng dẫn viên du lịch dẫn chúng tôi tới xã Cẩm Thanh để đi thuyền thúng băng qua rừng dừa nước dầy đặc, rừng dừa, theo hướng dẫn viên du lịch, có hố bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Hai người chúng tôi xuống một chiếc thuyền thúng. Đứng ở trên bờ, nhìn xuống thấy một người chèo thuyền làm thuyền lắc lư tại một chỗ trên đó có hai du khách, khiến tôi buột miệng: cái đó không có tôi ạ. Người chèo chiếc thuyền chở tôi và đứa cháu ngoại đầu tiên, cười đồng ý. Anh ta vui chuyện kể cho tôi nghe về gia thế của anh ta, có vợ, 1 con, khó khăn mới cho con đi học được. Anh chèo thuyền, ăn lương tháng, mỗi tháng được 5 triệu rưỡi. Với tiền “típ” như hôm nay, đi 5 chuyến, anh ta có thể có thêm 250,000 đồng một ngày. Anh hỏi tôi bao nhiêu tuổi. Tôi bảo anh ta đoán xem, anh ta “ngoại giao” bảo 68! Tôi bảo anh đoán đúng nhưng hơi ngược, phải 86 mới đúng!

Thuyền của chúng tôi khởi đi từ một khúc sông khá rộng, đủ chỗ cho một thuyền trình diễn cảnh quăng lưới trên sông. Hai đứa cháu gái của tôi, Emily và Mishea, được người trình diễn hướng dẫn cách quăng, đã quăng lưới một cách điêu luyện, được mọi chiếc thuyền hoan hô vang dội.

Thuyền băng qua khúc sông hẹp, có nhiều nhà hai bên, rồi tiến vào giữa khu rừng dừa nước. Khắp mặt nước lúc nào cũng vang lên nhiều ca khúc nghe không rõ của nước nào. Anh chèo thuyền bảo: của người Đài Loan. Tuy nhiên, có lúc là ca khúc Việt Nam do chính các người chèo thuyền hát để động viên. Ra đến khoảng sông rộng, các thuyền đều dừng lại để xem màn trình diễn lắc thuyền ngoạn mục theo điệu nhạc phát ra từ một thuyền gần đó. Đó cũng là chỗ các thuyền trở về vị trí phát xuất. Trên đường trở về, người chèo cho thuyền đậu sát vào đám dừa nước để chúng tôi câu cua. Cháu Anthony của tôi câu được một con, trong khi các thuyền khác không câu được con nào. Trưa hôm đó, chúng tôi dùng cơm ngay tại một quán ăn tại xã Cẩm Thanh, lủng lẳng treo những bịch nước trên đầu nói là để đuổi ruồi. Lần đầu tiên tôi nghe chuyện này!

Kỳ tới: Saìgòn Mỹ Tho