1. Phải chăng đã xảy ra Phép lạ Thánh Thể ở Á Căn Đình?

Tuyên bố của Giáo xứ St. Vincent de Paul


Các giáo dân tại Giáo xứ St. Vincent de Paul ở Hurlingham, Buenos Aires, Á Căn Đình cho rằng sau Thánh lễ ngày 30/8 một cục máu đông hình thành trên một bánh thánh.

Giáo xứ cho biết hai người đàn ông đang dọn dẹp nhà thờ cho biết đã thấy các bánh thánh rơi trên sàn nhà. Vị linh mục đã hướng dẫn họ đặt các bánh này vào một chiếc ly và để chúng tan ra. Những người đàn ông báo cáo rằng nước đã chuyển sang màu máu và các cục máu đông hình thành trên các bánh thánh.

Nội dung bản tin của giáo xứ như sau: “ Phép lạ này xảy ra tại giáo xứ St. Vincent de Paul vào ngày 30 tháng 8. Một số bánh thánh rơi xuống sàn, và hai người đàn ông phụ trách dọn dẹp giáo xứ đã thông báo cho linh mục. Ngài ra lệnh đặt những bánh này vào một cái ly, đổ nước vào cho đến khi các bánh thánh tan ra hết”.

“ Ngày hôm sau, 31 tháng 8, họ lại dọn dẹp giáo xứ. Họ tìm một kính lúp để quan sát cho rõ và không thể tin vào những gì mắt mình nhìn thấy.

Nước có màu máu, và vào lúc 3 giờ chiều, nó trở nên đặc hơn hình thành một cục máu đông. Vào lúc 6 giờ chiều, phép lạ đã hoàn tất.”

“Vị linh mục đã giao phép lạ cho Đức Giám Mục giáo phận Morón”.

Tuyên bố của giáo phận Morón

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giáo phận Morón ở Buenos Aires sau đó đã ra thông báo làm rõ vụ việc. Cha Martín Bernal, phát ngôn viên giáo phận cho biết cha xứ đã không truyền phép các bánh thánh và vụ việc có lẽ “không phải là một phép lạ Thánh Thể”.

Tuy nhiên, Giám mục Morón Jorge Vázquez cho biết “để mọi người yên tâm”, ngài bắt đầu “một cuộc điều tra và phân tích những bánh thánh nói trên”.

Đây là toàn bộ thông cáo báo chí của Giáo phận Morón

“Đối diện với các tuyên bố khác nhau về một phép lạ Thánh Thể được cho là đã xảy ra vào ngày 31 tháng 8 năm nay, Đức Cha Jorge Vázquuz, Giám mục của Morón, khẳng định qua lời chứng của linh mục đã cử hành Thánh lễ ngày hôm đó rằng điều này không phải là một phép lạ Thánh Thể, vì các bánh thánh mà các bản ghi âm và các bản văn đề cập đến chưa hề được thánh hiến bởi bất kỳ linh mục nào, nhưng đã bị làm rớt trước khi được thánh hiến.

Các bánh thánh này được giữ trong một túi nhựa, và sau đó được cho vào nước để làm tan ra, như quy định thường lệ trong những trường hợp như thế này.

Tuy nhiên, để mọi người yên tâm, Đức Cha đã bắt đầu một cuộc điều tra thích ứng và việc phân tích các bánh thánh nói trên sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm.”
Source:Church POP

2. Slovakia đã thay đổi sâu sắc kể từ chuyến thăm lần trước của Giáo hoàng, nhận định của một vị Giám Mục

Theo một giám mục địa phương, khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Slovakia vào Chúa Nhật, ngài sẽ thấy một đất nước đã thay đổi rất nhiều kể từ lần cuối cùng một vị giáo hoàng đặt chân đến đất nước này.

Đức Cha Jozef Haľko, Giám Mục Phụ Tá của tổng giáo phận Bratislava, nói rằng “bầu không khí xung quanh Giáo Hội” đã thay đổi kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm vào năm 2003, trong chuyến công du thứ ba của ngài đến quốc gia trung tâm Âu Châu này.

“Chuyến thăm Slovakia của Đức Thánh Cha Phanxicô phải được xem xét trong bối cảnh chuyến tông du của Thánh Gioan Phaolô II,” vị giám mục 57 tuổi nói với CNA.

“Ngay trong thời cộng sản, trước năm 1989, một bản kiến nghị lớn đã được đưa ra yêu cầu mời giáo hoàng đến Slovakia. Mật vụ cộng sản đã bóp nghẹt tiếng nói này của người dân, thậm chí bắt bớ những người đứng ra tổ chức thu thập chữ ký”.

“Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn chặn phong trào phổ biến này. Bằng cách này hay cách khác, các bức thư đã đến được với Đức Gioan-Phaolô II. Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã rất cảm động vì điều đó. Vì điều này, ngài đã đến thăm chúng tôi ba lần”.

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đến thăm Slovakia lần đầu tiên vào năm 1990, bốn tháng sau khi Bức màn sắt sụp đổ, khi Slovakia vẫn còn là một phần của Tiệp Khắc. Ngài đã đến Praha và Bratislava, thủ đô của Slovakia kể từ khi nước này trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1993.

Năm 1995, Đức Gioan Phaolô II đã đến thăm Bratislava, Nitra, Šaštín, Košice, Prešov, Spišská Kapitula, Levoča, Poprad, và Dãy núi Tatra, nơi tạo thành biên giới tự nhiên giữa Slovakia và quê hương Ba Lan của Đức Giáo Hoàng.

Năm 2003, Đức Gioan Phaolô II đã đến Banská Bystrica, Rožňava và Bratislava.

“Các thế hệ lớn tuổi giữ một ký ức mạnh mẽ về chuyến tông du này,” Đức Cha Haľko nói.

Ngài giải thích rằng trong 25 năm sau đó, Slovakia đã thay đổi sâu sắc.

“Vào những năm 1990, dân chúng có sự nhiệt tình sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Sự nhiệt tình này cũng liên quan đến Giáo hội, được coi là cơ quan chính thức duy nhất chống lại chế độ cộng sản.”

Nhưng thế hệ mới “không nhìn nhận mọi thứ theo cách đó, Giáo hội không còn được coi là những gì Giáo Hội đã là trong thời cộng sản. Bầu không khí xung quanh Giáo hội đã thay đổi. “

Đức Cha Haľko, được Đức Bênêđíctô XVI phong làm giám mục vào năm 2012, cho biết rất khó để đánh giá liệu có nhiều hay ít sự tin tưởng vào Giáo hội ngày nay. Nhưng ngài gợi ý rằng sự sụt giảm ơn gọi là một chỉ dấu mạnh mẽ, mặc dù nó là một phần của xu hướng Âu Châu rộng lớn hơn.

“Không thể phủ nhận việc thế tục hóa. Nó mạnh mẽ. Nó đi sâu hơn nhiều vào tâm lý, vào ý thức, vào vô thức, qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông”.

Mặc dù chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ, một số vết sẹo vẫn còn. Và mặc dù nhận thức về Giáo hội đã thay đổi, nhưng ký ức về những gì Giáo hội đã làm phải được duy trì.

“Trong thời cộng sản, các linh mục vẫn đứng thẳng lưng, không thỏa hiệp. Hành vi của các ngài phải có tác động ngày nay. Đối mặt với các xu hướng tư tưởng và tự do mới, chúng ta phải chống lại chúng bằng cách dựa trên tấm gương của những người trung tín với Giáo hội trong thời kỳ khó khăn.”

“Lời kêu gọi lớn nhất bây giờ là phải dựa trên sự thật và có thể hiểu được đối với con người hiện đại, mà không làm tan loãng sự thật Phúc Âm. Lời chứng của chúng ta phải nói về Nước Chúa mỗi ngày”.

Đức Cha Haľko hy vọng rằng chuyến thăm từ ngày 12 đến 15 tháng 9 của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ giúp vực dậy tinh thần này.

Nói về thế hệ trẻ Công Giáo ở Slovakia, ngài nói: “Ít nhiều có những nhóm thanh niên tự phát cầu nguyện, ca hát, những người cùng nhau trải qua kỳ nghỉ”.

Ngài nói: “Đó là một di sản từ thời kỳ cộng sản khi một số người đã tổ chức các phong trào trong vòng quen biết”. Ngài giải thích rằng các nhóm khoảng 15 người quen biết nhau, được hỗ trợ bởi các linh mục bí mật, bao gồm cả Hồng Y người Slovakia Ján Chryzostom Korec.

“Điều này cho thấy những người trẻ có một tiềm năng tinh thần rất lớn. Động lực này mang lại hy vọng cho tương lai”.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y người Nigeria nói: Không nên đón nhận Thánh Thể một cách bất xứng.

Các linh mục có nhiệm vụ nhắc nhở người Công Giáo không được rước Thánh Thể trong tình trạng đang mắc tội trọng và phải làm cho việc xưng tội được dễ dàng, một Hồng Y người Nigeria cho biết tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế hôm thứ Năm.

“Giáo lý của Giáo Hội vẫn luôn cho rằng bất cứ ai biết mình đang ở trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng khiến họ xa cách với tình yêu thương của Thiên Chúa, thì không nên tiến lên rước lễ đơn giản chỉ vì mọi người đều rước lễ”, Đức Hồng Y John Onaiyekan cho biết trong một buổi dạy giáo lý được phát trực tiếp tại thủ đô Budapest của Hung Gia Lợi vào ngày 9 tháng 9.

“Trước hết anh ta phải tận dụng bí tích hòa giải để giao hòa với Thiên Chúa qua việc xưng tội”.

“Nhưng thật không may, những gì chúng ta thấy ngày nay là một dòng người đông đảo rước lễ trong Thánh lễ, và có vẻ như họ không thực sự bận tâm về việc liệu họ có ở trong trạng thái tâm linh phù hợp để rước lễ hay không”.

“Các mục tử có nhiệm vụ nhắc nhở các tín hữu về điều này, nhưng đừng đưa ra những lời phóng đại không cần thiết. Nhiệm vụ của các mục tử cũng là làm sao để tín hữu có thể xưng tội dễ dàng”.

Đức Hồng Y Onaiyekan giữ chức tổng giám mục của Abuja từ năm 1994 cho đến năm 2019, khi Đức Thánh Cha Phanxicô chấp nhận cho ngài nghỉ hưu ở tuổi 75. Ngài đã giảng một bài giáo lý dài một giờ về giáo lý Công Giáo liên quan đến Bí tích Thánh Thể tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 diễn ra ở Hung Gia Lợi từ ngày 5 đến 12 tháng 9.

Vị Hồng Y 77 tuổi khuyến nghị các linh mục hãy giảng về việc rước lễ xứng đáng để mọi người biết khi nào họ ở trong tình huống bất thường và “sẽ điều chỉnh hành vi của mình mà không phải lâm vào cảnh bị từ chối Rước lễ một cách công khai”.

“Có một cuộc tranh luận đang diễn ra ở một số quốc gia về việc liệu một chính trị gia vì lý do chính trị đã bỏ phiếu cho một đạo luật trái đạo đức thì người ấy có nên bị cấm Rước lễ hay không”

“Ngay cả trong một quốc gia thế tục, bỏ phiếu cho một đạo luật vô luân có thể trở thành đồng phạm của tội ác. Thành ra, chúng ta đang đối diện với một quyết định luân lý khiến người ấy không phù hợp với việc rước lễ”.

“Nhưng theo quan điểm mục vụ, không rõ là liệu một người như vậy khi thực sự hiện diện trong dòng người tiến lên rước lễ, thì chúng ta có nên công khai từ chối cho người ấy Rước lễ hay không, xét rằng làm thế sẽ gây ra một sự náo động và tai tiếng lớn. Cả Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô đều đề xuất một sự thận trọng trong việc đương đầu với những trường hợp như vậy”.

Vị Hồng Y người Phi Châu nói thêm rằng “một chính trị gia Công Giáo không đồng ý công khai với Giáo hội của mình về vấn đề đạo đức thì tốt nhất là nên tránh đừng cố tình kích động những tranh cãi xung quanh Bí tích Thánh Thể”.

Đức Hồng Y Onaiyekan nói rằng với tư cách là một giám mục, ngài đã cố gắng hết sức để khuyến khích các chính trị gia Công Giáo “luôn có lập trường rõ ràng và phản đối bất kỳ luật nào trái với luật Chúa”.

“Nếu vì lý do chính trị, anh ta không thể ngăn chặn một đạo luật trái đạo đức, thì ít nhất anh ta phải được ghi nhận là đã phản đối nó”

“Một tình huống gần đây đã tạo ra rất nhiều cuộc thảo luận liên quan đến trách nhiệm của các chính trị gia Công Giáo phải đề cao luật của Giáo Hội trong các lựa chọn và quyết định chính trị của họ, đặc biệt là liên quan đến tội ác nghiêm trọng phá thai.”

“Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo kiên quyết nhấn mạnh rằng phá thai là giết chết những đứa trẻ vô tội chưa chào đời. Điều đó vẫn luôn là như vậy. Bất kỳ người Công Giáo nào phạm tội phá thai, hoặc hợp tác trong việc phá thai, phải biết rằng mình đã phạm tội giết người và không nên tiến lên Rước lễ, trừ khi và cho đến khi đã đi xưng tội”.

“Không quá khó để trở lại với Chúa, ngay cả khi đã làm một điều như vậy. Vấn đề là thay vì coi đó là một tội lỗi, người ta lại tự hào về những gì họ đã làm”.

Theo Đức Hồng Y Onaiyekan, câu hỏi liệu một chính trị gia Công Giáo có nhất thiết phải bỏ phiếu chống lại bất kỳ những dự luật cho phép phá thai hoặc hành động trái đạo đức hay không là “tế nhị và có nhiều vấn đề hơn. “

“Vấn đề quan trọng ở đây là rất thường xuyên, trong lĩnh vực chính trị đảng phái, Giáo hội cần phải cẩn thận để không lôi kéo Thánh Thể vào các cuộc tranh cãi chính trị, kẻo gây ra nhiều thiệt hại hơn là chúng ta cố gắng tránh né.”

Đức Hồng Y Onaiyekan đã là giám mục trong 38 năm và trước đây từng là chủ tịch của hội đồng giám mục Công Giáo Nigeria.

Ngài nói rằng kinh nghiệm sống bên cạnh những người Hồi giáo ở Nigeria, những người rất quyết liệt muốn áp đặt luật Sharia đã dạy “những bài học hữu ích về cách đừng áp đặt luật tôn giáo của một cộng đồng tín ngưỡng lên một quốc gia đa tôn giáo”.

“Tôi ước mình có thời gian để nói về Nigeria, và về những gì Chúa đang làm ở giữa chúng ta, nhưng đó không phải là nhiệm vụ của tôi trong buổi sáng nay,” ngài nhấn mạnh và lưu ý rằng ngài được yêu cầu nói về giáo lý Công Giáo liên quan đến Bí tích Thánh Thể.

“Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nói cách khác, chúng ta có một sự kết hợp mật thiết với Ba Ngôi Chí Thánh. Qua Bí tích Thánh Thể, Chúa không chỉ đến với chúng ta mà Chúa sống trong chúng ta và chúng ta ở trong Người”.

“Trước hết, chúng ta có thể nói rằng, nói đúng ra, không ai đáng được rước lễ cả. Tất cả chúng ta đều là những người tội lỗi trước mặt Chúa. Đó là lý do tại sao khi bắt đầu Thánh lễ, chúng ta đọc Lời xưng thú – ‘Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng’ - chúng ta phải làm điều đó một cách chân thành. Nó không chỉ là một hình thức”.

“Chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta kết hợp với Người, và khiến chúng ta xứng đáng được cử hành Thánh Thể với Người, nhờ lòng thương xót của Người”.


Source:Catholic News Agency