1. Người Công Giáo Armenia cử hành thánh lễ đầu tiên sau hơn một thế kỷ tại một nhà thờ ở khu phố của Hrant Dink

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết cộng đồng Kitô Hữu Armenia đã cử hành thánh lễ lần đầu tiên sau 106 năm tại một nhà thờ ở Malatya, miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.

Nơi thờ tự nằm trong một khu phố nơi nhà báo Hrant Dink lớn lên. Hrant Dink là tổng biên tập của tuần báo Agos đã bị bắn trước văn phòng của tờ báo ở Istanbul, vào tháng Giêng năm 2007.

Buổi lễ chính thức mở cửa trở lại được tổ chức vào hôm thứ Bảy với sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ Sahak Maşalyan, Đức Giám Mục Thủ đô Ğriğoriyos Melki Ürek của Adıyaman, và chính quyền dân sự địa phương.

Bị đóng cửa vào năm 1915, nhà thờ Üç Horan đã không thể sử dụng trong hơn một thế kỷ và ở trong tình trạng đổ nát cho đến gần đây, khi người ta sợ rằng nó có thể sụp đổ.

HAY-DER, một tổ chức văn hóa Armenia có trụ sở tại Malatya, đã có thể khôi phục lại nhà thờ và vẻ huy hoàng cổ xưa của ngôi thánh đường.

Giờ đây, cộng đồng Kitô Hữu Armenia tại địa phương có thể sử dụng nó để cử hành các lễ nghi tôn giáo, bao gồm thánh lễ, lễ rửa tội và đám cưới.

Chính quyền địa phương đã đóng góp vào công việc trùng tu bằng công quỹ.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thượng Phụ Maşalyan gọi việc mở cửa trở lại là “một cột mốc quan trọng đối với khu vực này” và đối với người Armenia nói riêng, là “một ngày lễ”.
Source:Asia News

2. Một linh mục ở Chicago cáo buộc Đức Hồng Y Cupich không cho đọc kinh chung sau thánh lễ

Một linh mục ở Illinois đã cáo buộc Đức Hồng Y Blase Cupich, Tổng Giám mục Chicago, đã ra lệnh cho ngài không được đọc kinh cầu Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính mừng sau Thánh lễ, nhưng cha sở của nhà thờ nói rằng cáo buộc này không đúng sự thật.

Tin đồn bắt đầu sau khi các bài đăng trên mạng xã hội chỉ ra một thông báo trong một thánh lễ được truyền trực tiếp tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Giuse ở Libertyville, Illinois.

Trong đoạn video hiện đã bị gỡ bỏ, Cha Emanuel Torres-Fuentes, với vẻ mặt, cử chỉ, và lời nói lộ vẻ tức giận, cho biết theo yêu cầu của Đức Hồng Y Cupich, những lời cầu nguyện với Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng ở cuối thánh lễ đã phải hủy bỏ.

“Sau chỉ thị của Đức Hồng Y Cupich, chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng kinh nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae không được phép đọc chung sau Thánh lễ”, Cha Torres-Fuentes nói trong đoạn video. Lời cầu nguyện sùng kính này có thể được đọc một cách riêng tư trong khi tôn trọng những người khác trong nhà thờ. OK?”

“Và anh chị em cũng biết rằng tôi thích đọc Kinh Kính Mừng khi kết thúc Thánh Lễ. Nhưng giờ đây tôi được yêu cầu hát thay vì đọc Kinh Kính Mừng.”

Cha Torres-Fuentes, được thụ phong vào năm 2018, nói thêm:

“Chuyện gì đây?. Là một linh mục, tôi phải vâng lời. Và khi vâng lời như thế, tôi sẽ được bình yên. Và trái tim tôi bình yên. OK?”

“Tôi đã suy nghĩ về điều này. Bây giờ, tôi nói OK. OK thôi. Nếu Đức Hồng Y Cupich nói thế, thì tôi phải thế. OK chứ? Xin cảm ơn.”

Vào chiều thứ Bảy, cha sở nhà thờ Thánh Giuse, là Cha John Trout, đã đưa ra lời giải thích cho thông báo của Cha Torres-Fuentes.

Tuyên bố của Cha John Trout cho biết: “Các tín hữu luôn được hoan nghênh tụ tập trong Nhà thờ để cầu nguyện riêng với tư cách cá nhân hoặc theo nhóm. Đồng thời, phù hợp với thực hành phụng vụ lành mạnh và phù hợp với các quy tắc của Tổng giáo phận, mà tôi đã xác nhận với Đức Hồng Y một cách cá nhân, việc đọc kinh không bao giờ được can thiệp, làm gián đoạn hoặc phân tâm phụng vụ công cộng của Giáo hội”.

Cha Trout tiếp tục: “Nó cũng không bao giờ có thể trở thành một sự áp đặt đối với phần còn lại của các tín hữu trong nhà thờ, những người có quyền ở lại cuối Thánh lễ để cầu nguyện riêng như họ muốn. Điều quan trọng nữa là những lời cầu nguyện như vậy phải luôn luôn thúc đẩy sự hiệp nhất của Giáo hội, được bảo đảm bởi Người kế vị thánh Phêrô, người mà chúng ta luôn phải thể hiện sự tôn kính sâu sắc nhất và lời cầu nguyện cho ngài với tư cách là Đức Thánh Cha của chúng ta”.

Tuyên bố kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng Cha Torres-Fuentes “muốn tuyên bố rằng ngài đã nhầm lẫn trong một thánh lễ gần đây khi ngài trách nhầm các tuyên bố của Đức Hồng Y Cupich. Vì lý do này, video của Thánh lễ đó đã được gỡ bỏ để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào.”

Trong thức tế, việc đọc kinh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae và Kinh Kính Mừng chỉ mất chưa đầy một phút. Lý do cho rằng việc đọc kinh chung như thế làm chia trí các tín hữu khác trong nhà thờ xem ra không đứng vững.

Việc đọc Kinh cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae khi kết thúc Thánh lễ được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đưa ra vào năm 1886. Là một phần của cuộc cải cách phụng vụ tại Công đồng Vatican II, lời cầu nguyện cùng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã bị loại bỏ. Sau khi đại dịch coronavirus bùng phát, nhiều nhà thờ tại Hoa Kỳ đã tái lập việc cầu nguyện này.
Source:Catholic News Agency

3. Sự đồng nhất trong Thánh lễ: Các linh mục kháng cáo lên Đức Giáo Hoàng

Quyết định của Thượng Hội Đồng Syro-Malabar buộc các linh mục phải cử hành thánh lễ theo một nghi thức chung đã gây ra tranh cãi, trong đó một bộ phận của các linh mục quyết định kháng cáo lên Vatican để giữ lại hệ thống hiện có. Các linh mục thuộc tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly đã gặp gỡ Đức Tổng Giám Mục Mar Antony Kariyil, và Cha Tổng Đại Diện vào hôm thứ Bảy.

Các linh mục tìm kiếm sự hỗ trợ của Đức Tổng Giám Mục để đưa ra những lo ngại của họ về việc đồng loạt thực hiện quyết định của Thượng Hội Đồng. Hôm thứ Sáu, Thượng Hội Đồng đã quyết định thực thi một sự thay đổi triệt để trong cách thức cử hành Thánh Lễ, sau một lá thư của Đức Giáo Hoàng kêu gọi một nghi thức thống nhất tại tất cả các nhà thờ. Một lá thư mục vụ về vấn đề này đã được Hồng Y George Alencherry, người đứng đầu Nhà thờ Syro-Malabar, chỉ đạo các linh mục và giám mục đọc trong tất cả các nhà thờ vào ngày 5 tháng 9. Truyền thông mục vụ trích dẫn lá thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ủng hộ sự thống nhất về phụng vụ, và cho biết bổn phận của mọi tín hữu là tuân theo chỉ dẫn của Giáo hoàng.

Cha Kuriakose Mundadan, thư ký linh mục đoàn, nói với các phóng viên

“Bức thư của Đức Giáo Hoàng không nhằm tạo ra bất kỳ sự chia rẽ nào trong Giáo hội nhưng có những điều khoản trong Giáo luật cho phép miễn trừ trong một số trường hợp nhất định. Cho đến khi Vatican đưa ra quyết định, chúng ta nên được phép tuân theo hình thức cử hành thánh lễ hiện có. Hòa bình trong các giáo xứ có thể bị gián đoạn nếu lá thư được đọc lên.”
Source:News India Express