TÔN GIÁO VÀ BẠO LỰC

281. Cuộc hành trình hòa bình là điều khả hữu giữa các tôn giáo. Điểm xuất phát của nó phải là cách Thiên Chúa nhìn sự vật. “Thiên Chúa không nhìn bằng mắt, Chúa thấy bằng trái tim của Người. Và tình yêu của Thiên Chúa như nhau đối với mọi người, không phân biệt tôn giáo. Ngay cả khi họ là những người vô thần, tình yêu của Người vẫn vậy. Khi ngày cuối cùng đến, và có đủ ánh sáng để nhìn sự vật như chúng thực sự là, chúng ta sẽ thấy mình khá đáng ngạc nhiên” [278].

282. Do đó, “Các tín hữu chúng ta cần tìm dịp nói chuyện với nhau và cùng nhau hành động vì lợi ích chung và cổ vũ người nghèo. Điều này không liên quan gì đến việc hạ thấp hoặc che giấu các xác tín sâu sắc nhất của chúng ta khi chúng ta gặp gỡ những người khác có suy nghĩ khác với chúng ta… Vì bản sắc của chúng ta càng sâu sắc, mạnh mẽ và phong phú, chúng ta càng có khả năng làm giàu người khác bằng sự đóng góp thích đáng của chính chúng ta” [279]. Các tín hữu chúng ta được thử thách quay về nguồn của mình, để tập trung vào điều thiết yếu: thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, kẻo một số giáo huấn của chúng ta, khi bị lấy ra khỏi bối cảnh, kết cục nuôi dưỡng các hình thức khinh miệt, hận thù, bài ngoại hoặc phủ định người khác. Sự thật là bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo nền tảng của chúng ta, mà chỉ là trong sự xuyên tạc chúng.

283. Sự thờ phượng khiêm cung và chân thành đối với Thiên Chúa “không đem lại hoa trái kỳ thị, hận thù và bạo lực, mà là hoa trái tôn trọng tính thánh thiêng của sự sống, tôn trọng phẩm giá và tự do của người khác, và cam kết đầy yêu thương đối với phúc lợi của mọi người” [280]. Quả thật, “ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4: 8). Vì lý do này, "chủ nghĩa khủng bố là đáng trách và đe dọa an ninh của người ta - dù họ ở phương Đông hay phương Tây, phương Bắc hay phương Nam - và gieo rắc sự hoảng sợ, kinh hoàng và bi quan yếm thế, nhưng điều này không phải do tôn giáo, cho dù những kẻ khủng bố vốn biến nó thành công cụ. Đúng hơn, đó là do sự tích lũy các giải thích không chính xác về các bản văn tôn giáo và các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức và tự hào. Đó là lý do tại sao cần phải ngưng việc hỗ trợ các phong trào khủng bố bị thúc đẩy bởi việc tài trợ, cung cấp vũ khí và chiến lược, và bởi các mưu toan biện minh cho các phong trào này, thậm chí sử dụng cả các phương tiện truyền thông. Tất cả những điều này phải được coi là tội ác quốc tế nhằm đe dọa an ninh và hòa bình thế giới. Chủ nghĩa khủng bố như thế phải bị lên án dưới mọi hình thức và biểu thức của nó” [281]. Các xác tín tôn giáo về ý nghĩa thánh thiêng của sự sống con người giúp chúng ta “nhận ra các giá trị nền tảng của nhân tính chung của chúng ta, những giá trị mà nhân danh chúng, chúng ta có thể và phải hợp tác, xây dựng và đối thoại, tha thứ và phát triển; điều này sẽ giúp cho các tiếng nói khác nhau hợp nhất trong việc tạo ra một giai điệu cao quý và đẹp đẽ siêu phàm, thay vì những tiếng kêu thét hận thù cuồng tín” [282].

284. Đôi khi bạo lực duy cực đoan được xổ lồng trong một số nhóm, thuộc bất cứ tôn giáo nào, bởi sự hấp tấp của các nhà lãnh đạo của họ. Tuy nhiên, “điều răn hòa bình được khắc sâu trong các truyền thống tôn giáo mà chúng ta đại diện… Là những nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng ta được kêu gọi trở thành ‘những người đối thoại’ đích thực, hợp tác vào việc xây dựng hòa bình không phải với tư cách là người trung gian mà là những người hòa giải đích thực. Người trung gian tìm cách giảm giá cho mọi người, nhưng cuối cùng là để thu được điều gì đó cho chính họ. Trái lại, người hòa giải là người không giữ lại gì cho mình, nhưng đúng hơn, quảng đại tiêu hao mình đến cùng kiệt, biết rằng điều duy nhất thu được là hòa bình. Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành nghệ nhân của hòa bình, bằng cách hợp nhất chứ không chia rẽ, bằng cách dập tắt hận thù chứ không duy trì nó, bằng cách mở ra những nẻo đường đối thoại chứ không phải bằng cách xây dựng những bức tường mới” [283].

Một lời kêu gọi

285. Trong cuộc gặp gỡ huynh đệ của tôi với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, một cuộc gặp gỡ mà tôi vui mừng nhớ lại, “chúng tôi kiên quyết [tuyên bố] rằng các tôn giáo không bao giờ được xúi giục chiến tranh, các thái độ thù hận, sự thù địch và chủ nghĩa cực đoan, cũng như không xúi giục bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là hậu quả của việc đi lệch ra ngoài các giáo huấn tôn giáo. Chúng là kết quả của sự thao túng chính trị đối với các tôn giáo và những diễn giải của các nhóm tôn giáo, trong quá trình lịch sử, từng lợi dụng sức mạnh của tình cảm tôn giáo nơi trái tim những người đàn ông và đàn bà… Thiên Chúa, Đấng Toàn năng, không cần được được bất cứ ai bênh vực và không muốn tên Ngưới bị sử dụng để khủng bố người ta” [284]. Vì lý do này, tôi xin nhắc lại ở đây lời kêu gọi cho hòa bình, công lý và tình huynh đệ mà chúng tôi đã cùng nhau thực hiện:

“Nhân danh Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng nên mọi con người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em, đổ đầy trái đất và làm mọi người biết đến các giá trị tốt lành, yêu thương và hòa bình;

“Nhân danh mạng sống con người vô tội mà Thiên Chúa vốn cấm giết khi khẳng định rằng ai giết một người thì coi như giết cả nhân loại, ai cứu một người thì coi như cứu cả nhân loại;

“Nhân danh người nghèo, người túng thiếu, người thiệt thòi và những người thiếu thốn nhất, những người mà Thiên Chúa đã truyền cho chúng ta phải giúp đỡ như một bổn phận bắt buộc đối với mọi người, đặc biệt là những người giàu có và những người có phương tiện;

“Nhân danh trẻ mồ côi, góa phụ, người tị nạn và những người bị đày ải khỏi nhà cửa và đất nước của họ; nhân danh tất cả các nạn nhân của chiến tranh, bách hại và bất công; nhân danh kẻ yếu, những người sống trong sợ hãi, các tù nhân chiến tranh và những người bị tra tấn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bất phân biệt;

“Nhân danh những dân tộc đã mất an ninh, hòa bình và khả thể chung sống với nhau, trở thành nạn nhân của sự hủy diệt, thiên tai và chiến tranh;

“Nhân danh tình huynh đệ nhân bản, tình huynh đệ bao gồm mọi hữu thể nhân bản, hợp nhất họ và làm cho họ bình đẳng;

“Nhân danh tình huynh đệ từng bị xé nát bởi các chính sách cực đoan và chia rẽ, bởi các hệ thống lợi nhuận không ai kiềm chế được hoặc bởi các khuynh hướng ý thức hệ thù hận chuyên thao túng các hành động và tương lai của những người đàn ông và đàn bà;

“Nhân danh tự do, mà Thiên Chúa đã ban cho mọi hữu thể nhân bản, tạo ra họ tự do và đặt họ riêng ra bằng ơn phúc này;

“Nhân danh công lý và lòng thương xót, vốn là các nền tảng của thịnh vượng và đá góc của đức tin;

“Nhân danh mọi người thiện chí hiện diện ở mọi nơi trên thế giới;

“Nhân danh Thiên Chúa và mọi điều đã đề cập trên đây, [chúng tôi] tuyên bố việc chấp nhận nền văn hóa đối thoại làm con đường; hợp tác lẫn nhau làm quy tắc ứng xử; sự hiểu biết lẫn nhau làm phương pháp và tiêu chuẩn” [285].



286. Trong những trang suy tư về tình huynh đệ phổ quát này, tôi cảm thấy được đặc biệt truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô thành Assisi, nhưng cũng bởi những người anh chị em khác của chúng ta không phải là người Công Giáo: Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và nhiều người khác. Tuy nhiên, tôi xin kết thúc bằng cách đề cập đến một người khác có đức tin sâu sắc, người, nhờ dựa vào cảm nghiệm mãnh liệt của mình về Thiên Chúa, đã thực hiện một cuộc hành trình biến đổi để cảm nhận mình như người anh em của mọi người. Tôi muốn nói tới Chân phúc Charles de Foucauld.

287. Chân phúc Charles de Foucault đã hướng lý tưởng hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa của mình vào sự đồng nhất hóa với người nghèo, bị bỏ rơi trong thẳm sâu sa mạc Châu Phi. Trong khung cảnh đó, ngài bày tỏ mong muốn được cảm nhận mình như người anh em của mọi người [286], và đã yêu cầu một người bạn “cầu nguyện cùng Thiên Chúa để tôi thực sự là anh em của tất cả mọi người” [287]. Cuối cùng, ngài muốn trở thành “người anh em phổ quát” [288]. Tuy nhiên, chỉ bằng cách đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất, cuối cùng ngài mới trở thành người anh em của mọi người. Xin Thiên Chúa linh hứng ước mơ đó trong mỗi người chúng ta. Amen.

Lời cầu nguyện với Đấng tạo dựng

Lạy Chúa, Cha của gia đình nhân loại chúng con,

Cha đã tạo dựng mọi hửu thể nhân bản bình đẳng về phẩm giá:
tuôn đổ vào tâm hồn chúng con một tinh thần huynh đệ
và linh hứng nơi chúng con một giấc mơ gặp gỡ đổi mới,
đối thoại, công lý và hòa bình.

Xin Cha thúc đẩy chúng con tạo ra các xã hội lành mạnh hơn
và một thế giới xứng đáng hơn,
một thế giới không có đói, nghèo, bạo lực và chiến tranh.

Xin cho trái tim chúng con cởi mở đối với mọi dân tộc và các quốc gia trên trái đất.

Xin cho chúng con nhận biết sự tốt lành và vẻ đẹp mà Cha đã gieo nơi mỗi người chúng con,
và do đó tạo nên mối dây hợp nhất, các dự án chung,
và các giấc mơ chung. Amen.


Một lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo

Lạy Thiên Chúa, Ba Ngôi tình yêu,
từ sự hiệp thông sâu sắc của sự sống thần thiêng của Chúa,
xin tuôn đổ trên chúng con suối lượng tình yêu huynh đệ.
Xin ban cho chúng con tình yêu phản ảnh trong các hành động của Chúa Giêsu,
trong gia đình Nadarét của Người,
và trong cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.

Xin ban ơn để Kitô hữu chúng con biết sống theo Tin Mừng,
khám phá ra Chúa Kitô trong mỗi hữu thể nhân bản,
nhận ra Người bị đóng đinh
trong những đau khổ của những người bị bỏ rơi
và bị lãng quên trong thế giới của chúng con,
và sống lại trong mỗi anh chị em
đang thực hiện một khởi đầu mới.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến chỉ cho chúng con thấy vẻ đẹp của Chúa,
phản ảnh trong mọi dân tộc trên trái đất,
để chúng con có thể khám phá lại điều này là mọi người đều quan trọng và đều cần thiết,
những khuôn mặt khác nhau của một nhân loại được Thiên Chúa rất yêu thương. Amen.


Ban hành tại Assisi, tại mộ của Thánh Phanxicô, vào ngày 3 tháng 10, Vọng Lễ của Thánh Nhân, năm 2020, năm thứ tám triều Giáo hoàng của tôi.

Franciscus

Kỳ tới: Toàn bộ các ghi chú