Theo hãng tin Zenit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô có hai sứ điệp rõ ràng cho Giáo Triều Rôma vào ngày 21 tháng 12, 2019, khi ngài tiếp các vị Hồng Y và Bề trên tại Đại Sảnh Clementine ở Tông Điện để ngỏ lời chúc mừng Lễ Giáng Sinh.

Sứ điệp thứ nhất là lời chúc Lễ Giáng Sinh hân hoan và biết ơn. Sứ điệp thứ hai là sự cần thiết phải thay đổi sự việc trong Giáo Hội, nhất là tại Vatican.

Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng:

“Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14)

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi tất cả anh chị em lời chào đón chân tình. Tôi bày tỏ lòng biết ơn của tôi tới Đức Hồng Y Angelo Sodano vì những lời nói nhân từ của ngài và một cách đặc biệt tôi cũng cảm ơn ngài, nhân danh các thành viên của Hồng Y đoàn, vì sự phục vụ rất giá trị mà ngài đã cống hiến từ lâu, trong tư cách Niên trưởng, bằng tinh thần giúp đỡ , cống hiến và hiệu năng, và với kỹ năng tuyệt vời trong tổ chức và phối hợp. Theo cách “La rassa nostrana” (1), như nhà văn người Piemonte Nino Costa hay nói. Bây giờ các Hồng Y Giám mục phải bầu một tân niên trưởng. Tôi hy vọng các ngài sẽ bầu một người có thể thi hành trách nhiệm quan trọng này toàn thời gian. Cảm ơn anh chị em.

Với mỗi anh chị ở đây, với các đồng nghiệp của anh chị em và tất cả những người phục vụ ở Giáo Triều, và cả các Đại diện Giáo hoàng và nhân viên của họ, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một Lễ Giáng sinh thánh thiện và vui vẻ. Và tôi xin nói thêm sự đánh giá cao của tôi đối với sự tận tụy mà anh chị em mang lại hàng ngày để phục vụ Giáo hội. Cảm ơn anh chị em rất nhiều.

Một lần nữa trong năm nay, Chúa cho chúng ta cơ hội tụ tập nhau vào thời khắc hiệp thông này, một thời khắc củng cố tình huynh đệ của chúng ta và được đặt cơ sở trong việc suy ngẫm tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ vào dịp Lễ Giáng sinh. Một nhà huyền nhiệm đương thời đã viết rằng, “sự ra đời của Chúa Kitô là chứng tá vĩ đại nhất và hùng hồn nhất về việc Thiên Chúa yêu thương con người đến mức nào. Người yêu họ bằng một tình yêu bản vị. Đó là lý do tại sao Người tiếp nhận một cơ thể con người, hợp nhất nó với chính Người và biến nó thành của riêng Người mãi mãi. Sự ra đời của Chúa Kitô tự nó là ‘một giao ước tình yêu’, được niêm ấn cho mọi thời đại giữa Thiên Chúa và con người” [1]. Như Thánh Clêmentê thành Alexandria đã viết, “Chúa Kitô đã xuống thế và mặc lấy nhân tính của chúng ta, sẵn lòng chia sẻ các đau khổ nhân bản chúng ta, vì lý do này: để, sau khi đã trải nghiệm sự mỏng dòn của những kẻ Người yêu thương, Người có thể khiến chúng ta trải nghiệm được sức mạnh vĩ đại của Người” [2].

Trong ánh sáng của lòng nhân từ và tình yêu vô biên này, việc chúng ta trao đổi các lời chúc mừng Lễ Giáng sinh lại là một cơ hội nữa để đáp ứng điều răn mới của Chúa Kitô: “Các con cũng phải yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con. Qua việc này, mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con có tình yêu dành cho nhau” (Ga 13: 34-35). Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta yêu mến Người để đáp lại tình yêu của Người dành cho chúng ta; đúng hơn, Người yêu cầu chúng ta yêu nhau như Người đã yêu chúng ta. Nói cách khác, Người yêu cầu chúng ta trở nên giống Người, vì Người đã trở nên giống chúng ta. Như Thánh John Henry Newman đã cầu nguyện: “Uớc mong mỗi Lễ Giáng sinh, khi nó đến, đều thấy chúng ta ngày càng giống như Người, Đấng vào lúc này trở nên một trẻ nhỏ vì chúng ta, đơn sơ hơn, khiêm tốn hơn, thánh thiện hơn, âu yếm hơn, cam chịu hơn, hạnh phúc hơn, tràn đầy Thiên Chúa hơn” [3]. Và ngài nói tiếp: “[Lễ Giáng sinh] là thời khắc cho sự ngây thơ, và trong trắng, dịu dàng, và hiền từ và hài lòng, cùng bình an” [4].

Việc đề cập đến Thánh Newman này gợi nhớ các từ ngữ nổi tiếng trong Tiểu luận của ngài về Sự Phát triển của Học thuyết Kitô giáo, một cuốn sách trùng hợp về thứ tự thời gian và tâm linh với việc ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo: “ở đây ở dưới thế này, sống là thay đổi, và muốn trở nên hoàn hảo sẽ phải thay đổi thường xuyên” [5]. Đương nhiên, ngài không nói đến việc thay đổi để thay đổi, hay theo mọi mốt mới, mà đúng hơn, là vì xác tín rằng sự phát triển và tăng trưởng là một phần bình thường của cuộc sống con người, cho dù là các tín hữu, chúng ta vốn biết rằng Thiên Chúa mãi là trung tâm không thay đổi của mọi sự [6].

Đối với Newman, nói cách khác, thay đổi là sự biến đổi bên trong [7]. Đời sống Kitô hữu là một hành trình, một cuộc hành hương. Lịch sử Kinh Thánh là một hành trình, được đánh dấu bằng những khởi đầu không ngừng mới mẻ. Nó đã như thế với Áp-ra-ham. Nó cũng đã như thế với những người Galilê mà hai ngàn năm trước đã bắt đầu bước chân theo Chúa Giêsu: “Khi họ đã đưa thuyền vào bờ, họ đã bỏ lại tất cả và đi theo Người” (Lc 5: 11). Từ thời gian đó trở đi, lịch sử của Dân Thiên Chúa - lịch sử của Giáo hội - luôn được đánh dấu bằng những khởi đầu, những rời chỗ và thay đổi mới mẻ. Hành trình này, tất nhiên, không chỉ có tính địa dư, mà trước hết có tính biểu tượng: nó là một kêu gọi khám phá ra chuyển động của trái tim, một điều, nghịch lý thay, là lên đường để ở lại, là thay đổi để trung thành [ số 8].
Tất cả những điều trên có tầm quan trọng đặc biệt đối với thời đại chúng ta, vì điều chúng ta đang trải nghiệm không chỉ đơn giản là một kỷ nguyên của các thay đổi, mà là một sự thay đổi mang tính thời đại. Chúng ta thấy mình đang sống ở một thời điểm khi sự thay đổi không còn có tính tuyến tính nữa mà có tính thời đại. Nó bao hàm các quyết định có thể thay đổi nhanh chóng cách sống của chúng ta, cách chúng ta liên quan đến nhau, cách truyền thông và suy nghĩ, cách các thế hệ khác nhau liên quan đến nhau và cách chúng ta hiểu và trải nghiệm đức tin và khoa học. Thông thường chúng ta tiếp cận sự thay đổi như thể chỉ là vấn đề mặc quần áo mới, nhưng bản thân thì vẫn y như trước đây. Tôi nghĩ đến biểu thức khó hiểu tìm thấy trong một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Ý: “Nếu chúng ta muốn mọi thứ y như nguyên, thì mọi thứ phải thay đổi” (The Leopard của Giuseppe Tomasi di Lampedusa).

Cách tiếp cận lành mạnh hơn là để cho bản thân được thách thức bởi những vấn đề của thời đại và tiếp cận chúng bằng các nhân đức biện phân, dũng cảm (parrhesía), và kiên định (hypomoné). Nhìn dưới ánh sáng này, thay đổi mang một khía cạnh rất khác: từ một điều ở bên lề, ngẫu nhiên hoặc chỉ đơn thuần ở bên ngoài, nó trở thành một điều nhân bản và Kitô giáo nhiều hơn. Thay đổi vẫn diễn ra, nhưng bắt đầu với con người như trung tâm của nó: một chuyển đổi có tính nhân học [9].

Chúng ta cần khởi xướng các diễn trình chứ không chỉ lo chiếm giữ không gian: “Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong mặc khải lịch sử, bên trong lịch sử. Thời gian khởi xướng các diễn trình trong khi không gian biến chúng thành phalê. Thiên Chúa luôn ở trong lịch sử, ở trong các diễn trình. Chúng ta không nên tập chú vào việc chiếm hữu các không gian nơi người ta thi hành quyền lực, mà đúng hơn bắt đầu các diễn trình lịch sử lâu dài. Chúng ta phải khởi xướng các diễn trình chứ không phải chiếm hữu không gian. Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thời gian và hiện diện trong các diễn trình của lịch sử. Điều này dành ưu tiên cho các hành động tạo ra động lực lịch sử mới. Và nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, chờ đợi” [10]. Theo nghĩa này, chúng ta được thúc giục đọc các dấu chỉ thời đại bằng con mắt đức tin, để hướng thay đổi này nên “nêu ra những câu hỏi mới và cũ mà chúng ta nên đương đầu với” [11].

Khi thảo luận sự thay đổi chủ yếu dựa trên lòng trung thành với kho tàng Đức tin và Thánh truyền, hôm nay tôi muốn một lần nữa nói đến việc thi hành cuộc cải cách Giáo triều Rôma và tái khẳng định rằng cuộc cải cách này chưa bao giờ được giả thiết phải hành động như thể không có gì đã đi trước nó. Trái lại, một cố gắng đã được thực hiện để tăng cường các yếu tố tốt đẹp bắt nguồn từ lịch sử phức tạp của Giáo triều. Cần phải tôn trọng lịch sử để xây dựng một tương lai có nguồn gốc vững chắc và do đó có thể chứng minh là có kết quả. Nại tới ký ức không y hệt như níu bám vào việc tự bảo quản, nhưng thay vào đó, gợi lên sự sống và sinh khí của một diễn trình đang diễn ra. Ký ức không tĩnh tụ, mà đầy động năng. Bởi chính bản chất của nó, nó ngụ hàm chuyển động. Cả truyền thống cũng không tĩnh tụ; nó cũng rất năng động, như vĩ nhân [Gustav Mahler] quen nói: truyền thống là sự bảo đảm cho tương lai và không phải là hũ chứa tro cốt.

Anh chị em thân mến,

Trong các cuộc họp mặt nhân Lễ Giáng sinh trước đây của chúng ta, tôi đã nói về các tiêu chuẩn vốn gây cảm hứng cho công cuộc cải cách này. Tôi cũng đã giải thích một số thay đổi đã được thực thi, bất kể là dứt khoát hay để thử nghiệm [12]. Năm 2017, tôi đã nhấn mạnh một số yếu tố mới trong việc tổ chức Giáo triều. Tôi đã đưa ra các thí dụ: Bộ phận thứ ba của Phủ Quốc Vụ Khanh, một bộ phận đang hoạt động rất tốt; mối liên hệ giữa Giáo triều Rôma và các Giáo hội đặc thù, với việc cũng nhắc đến thực hành cổ xưa tức các chuyến viếng thăm ad limina Apostolorum (mộ các Tông đồ); và cơ cấu của một số Thánh bộ, đặc biệt là Thánh bộ các Giáo hội phương Đông và các Thánh bộ đối thoại đại kết và liên tôn, đặc biệt là với Do Thái giáo.

Trong cuộc họp mặt hôm nay, tôi muốn suy ngẫm về một số thánh bộ khác, bắt đầu từ trung tâm của cuộc cải cách, đó là, với nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của Giáo hội, đó là truyền giảng Tin mừng. Như Thánh Phaolô VI đã tuyên bố: “Truyền giảng Tin mừng trên thực tế là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo hội, là bản sắc sâu sắc nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để truyền giảng Tin Mừng” [13]. Ngày nay cũng vậy, Evangelii Nuntiandi tiếp tục là tài liệu mục vụ quan trọng nhất của thời kỳ hậu công đồng. Thật vậy, mục đích của cuộc cải cách hiện nay là “các phong tục của Giáo hội, cách thức thi hành sự việc, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cơ cấu có thể được tổng hợp thích đáng cho việc truyền giảng Tin mừng cho thế giới ngày nay thay vì cho việc tự bảo tồn. Việc đổi mới các cơ cấu được việc hoán cải mục vụ yêu cầu chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng này: như là một phần của nỗ lực làm chúng hướng về việc truyền giáo nhiều hơn” (Evangelii Gaudium, 27). Do đó, lấy cảm hứng từ huấn quyền của các vị kế nhiệm Thánh Phêrô từ thời Công đồng Vatican II cho đến nay, đã phát sinh quyết định dành tiêu đề Praedicate Evangelium (Hãy Rao giảng Tin mừng) cho Tông Hiến mới đang được soạn thảo về cuộc cải cách Giáo triều Rôma. Một quan điểm truyền giáo.

Vì lý do đó, hôm nay tôi muốn thảo luận về một số thánh bộ của Giáo triều Rôma có tên rõ ràng đề cập đến việc này: Thánh bộ Giáo lý Đức tin và Thánh bộ truyền giảng Tin mừng cho các Dân tộc. Tôi cũng nghĩ đến Thánh bộ Truyền thông và Thánh bộ Cổ vũ Phát triển Con người Toàn diện.

Hai Thánh bộ đầu được đề cập đến đã được thành lập trong một thời đại dễ phân biệt giữa hai thực tại đã được xác định khá rõ ràng: một thế giới Kitô giáo và một thế giới cần được truyền giảng Tin mừng. Tình thế đó, đến ngày nay, không còn hiện hữu nữa. Những người chưa nhận được sứ điệp Tin Mừng không chỉ sống ở các lục địa ngoài phương Tây; họ sống ở khắp mọi nơi, đặc biệt ở các đô thị rộng lớn đòi hỏi một chương trình nối vòng tay lớn mục vụ chuyên biệt. Ở các thành phố lớn, chúng ta cần “các bản đồ” khác, các mô hình khác, có thể giúp chúng ta tái định vị cách suy nghĩ và thái độ của chúng ta. Anh chị em thân mến, Thế giới Kitô giáo không còn hiện hữu nữa!
Ngày nay chúng ta không còn là những người duy nhất tạo ra văn hóa, chúng ta cũng không ở tuyến đầu hoặc là những người được lắng nghe nhiều nhất nữa [14]. Chúng ta cần một sự thay đổi trong khung suy nghĩ mục vụ của chúng ta, một điều không có nghĩa là tiến tới một việc chăm sóc mục vụ duy tương đối. Chúng ta không còn sống trong một Thế giới Kitô giáo, vì đức tin – nhất là ở châu Âu, mà cả ở một phần lớn của phương Tây - không còn là một tiền giả định hiển nhiên của đời sống xã hội; thật vậy, đức tin thường bị bác bỏ, cười nhạo, bị gạt ra ngoài lề và nhạo báng.

Điểm trên được Đức Bênêđíctô XVI làm rõ khi ngài công bố Năm Đức tin 2012: “Trong khi trước đây, ta có thể nhận ra một môi trường văn hóa đơn nhất, được chấp nhận rộng rãi trong việc nó nại tới nội dung đức tin và các giá trị được đức tin này linh hứng, thì ngày nay điều này dường như không còn là trường hợp nữa trong các khu vực rộng lớn của xã hội, vì cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa đã ảnh hưởng đến nhiều người” [15]. Điều này cũng dẫn đến việc năm 2010, thành lập ra Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ việc Truyền giảng Tin mừng mới nhằm mục đích cổ vũ “ việc truyền giảng Tin mừng đổi mới ở các quốc gia nơi việc công bố đức tin đầu tiên vốn đã tái vang dội và nơi các Giáo hội có nền tảng cổ xưa còn hiện hữu nhưng đang trải nghiệm diễn trình thế tục hóa xã hội tiệm tiến và một loại 'nhật thực về ý nghĩa Thiên Chúa', một cuộc nhật thực đang đặt ra một thách thức phải tìm cho được các phương tiện thích hợp để đề xuất một lần nữa sự thật muôn thuở của Tin mừng Chúa Kitô” [16]. Có lần tôi đã nói về điều này với một số anh chị em... tôi nghĩ đến năm quốc gia đã từng gửi đi khắp thế giới nhiều nhà truyền giáo - tôi đã nói với anh chị em họ là ai - nhưng ngày nay đang thiếu nguồn lực ơn gọi để tiến bước. Đó là thế giới ngày hôm nay.

Việc hiểu ra rằng sự thay đổi có tính thời đại nêu ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về bản sắc đức tin của chúng ta đã không đột ngột xuất hiện ở hiện trường [17]. Nó đã làm nảy sinh thuật ngữ “Truyền giảng Tin mừng mới” (tân phúc âm hóa), sau đó, được Thánh Gioan Phaolô II tiếp nối, người từng viết trong Thông điệp Redemptoris Missio: “Hôm nay, Giáo hội phải đối đầu với những thách thức khác và tiến tới các biên giới mới, cả trong việc truyền giáo ad gentes có tính khởi đầu lẫn trong việc truyền giảng Tin mừng mới cho các dân tộc từng đã nghe công bố về Chúa Kitô” (số 30). Điều cần là truyền giảng Tin mừng mới hoặc tái truyền giảng Tin mừng (xem số 33).

Tất cả các điều trên nhất thiết bao hàm các thay đổi và hoán đổi tập chú, cả trong các Thánh bộ đã đề cập ở trên và trong toàn bộ Giáo triều [18].

Tôi cũng sẽ thêm một đôi lời về Thánh bộ mới được thành lập gần đây là Thánh bộ Truyền thông. Cả ở đây, chúng ta đang nói tới việc thay đổi có tính thời đại, theo nghĩa “nhiều nhóm rộng lớn trong nhân loại đang chìm đắm trong [thế giới kỹ thuật số] một cách bình thường và liên tục. Nay không còn đơn thuần là vấn đề 'sử dụng' các công cụ truyền thông, mà là sống trong một nền văn hóa bị kỹ thuật số hóa cao độ, vốn gây tác động sâu xa đến các ý niệm thời gian và không gian, đến việc tự hiểu chính chúng ta, đến việc chúng ta hiểu biết người khác và thế giới, và đến khả năng của chúng ta trong việc truyền thông, học hỏi, được thông tri và bước vào mối liên hệ với người khác. Một cách tiếp cận với thực tại ưa thích hình ảnh hơn là lắng nghe và đọc đã ảnh hưởng đến cách người ta học hỏi và việc phát triển của ý thức phê phán của họ” (Christus Vivit, 86).

Thánh bộ Truyền thông đã được giao trách nhiệm kết hợp trong một định chế mới, chín cơ quan trước đây đã xử lý việc truyền thông, theo nhiều cách khác nhau và với các nhiệm vụ khác nhau. Đó là Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Nhà in Vatican, Nhà xuất bản Vatican, Tờ L’Osservatore Romano, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm Truyền hình Vatican, Dịch vụ Internet Vatican và Dịch vụ Chụp hình. Việc củng cố này, như tôi đã nói, không chỉ đơn giản là để phối hợp tốt hơn, mà còn để tái cấu hình các thành phần khác nhau nhằm cung cấp một sản phẩm tốt hơn và duy trì một đường hướng biên tập nhất quán.

Văn hóa truyền thông mới, trong sự đa dạng và phức tạp của nó, kêu gọi sự hiện diện thích đáng của Tòa Thánh trong lĩnh vực truyền thông. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều phương tiện truyền thông và điều này ảnh hưởng đến cách chúng ta quan niệm, thiết kế và cung cấp các dịch vụ truyền thông. Tất cả những điều này đòi hỏi không chỉ là sự thay đổi văn hóa mà cả việc hoán cải định chế và bản thân nữa, để chuyển từ việc hoạt động trong các đơn vị tự lập – những đơn vị cùng lắm chỉ có một mức độ phối hợp nhất định nào đó - để làm việc trong sự hiệp lực, một cách liên kết quan lại từ trong nội tại.

Anh chị em thân mến,

Phần lớn những gì tôi vừa nói cũng có thể áp dụng vào Thánh bộ Cổ vũ Việc Phát triển Con người Toàn diện. Nó cũng được thành lập gần đây để đáp ứng các thay đổi diễn ra ở bình diện hoàn cầu, và hợp nhất bốn Hội đồng Giáo hoàng trước đây: Công lý và Hòa bình, Cor Unum, và Chăm sóc Mục vụ cho các Di dân, và Các Nhân viên Chăm sóc Sức khỏe. Sự thống nhất tổng thể các nhiệm vụ được giao cho Thánh bộ này được tóm tắt trong những chữ đầu tiên của Tự sắc Humanam Progressionem, tự sắc đã thiết lập ra nó: “Trong trọn hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ việc phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng. Việc phát triển này diễn ra bằng cách lưu tâm tới các thiện ích vô giá công lý, hòa bình và việc chăm sóc sáng thế”. Nó diễn ra bằng cách phục vụ những người dễ bị tổn thương và bị hắt hủi nhất, nhất là những người bị buộc phải di cư, những người ngay lúc này đang đại diện cho tiếng kêu trong hoang địa của nhân loại chúng ta. Do đó, Giáo hội được kêu gọi nhắc nhở mọi người rằng đây không chỉ đơn giản là vấn đề xã hội hay di dân mà là của những con người nhân bản, của anh chị em chúng ta, những người ngày nay là biểu tượng của tất cả những ai bị xã hội hoàn cầu hóa vứt bỏ. Giáo Hội được kêu gọi làm chứng rằng đối với Chúa, không ai là “người xa lạ” hay “người bị ruồng bỏ”. Giáo Hội được kêu gọi đánh thức lương tâm đang ngủ mê trong sự thờ ơ với thực tại Địa Trung Hải, nơi, đối với nhiều người, quá nhiều người, đã trở thành một nghĩa địa.

Tôi muốn nhắc nhớ điều này: điều quan trọng là việc phát triển đó phải có tính toàn diện. Thánh Phaolô VI vốn nhận định rằng, “để được chân thực, sự phát triển phải toàn diện; nó phải cổ vũ sự phát triển của mọi người và toàn bộ người đó” (Populorum Progressio, 14). Tóm lại, dựa trên truyền thống đức tin của mình và việc, trong những thập niên gần đây, nại tới giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo hội luôn khẳng định sự cao cả trong ơn gọi của mọi con người nhân bản, những người Thiên Chúa đã tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Người để tạo thành một gia đình duy nhất. Đồng thời, Giáo Hội cố gắng ôm lấy nhân loại trong tất cả các chiều kích của họ.

Ngày nay, chính khía cạnh toàn diện này khiến chúng ta nhìn nhận rằng nhân tính chung của chúng ta hợp nhất chúng ta như con cái của một Cha duy nhất. “Trong toàn bộ hữu thể và hành động của mình, Giáo hội được kêu gọi cổ vũ sự phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Tin Mừng (Humanam Progressionem). Tin Mừng luôn đưa Giáo hội trở lại với luận lý mầu nhiệm của việc nhập thể, với Chúa Kitô, Đấng đã tự mình gánh lấy lịch sử của chúng ta, lịch sử của mỗi người chúng ta. Đó là sứ điệp của Lễ Giáng sinh. Như thế, nhân tính là chìa khóa để giải thích cuộc cải cách. Nhân tính kêu gọi và thách thức chúng ta; tóm lại, nó kêu gọi chúng ta ra đi và không sợ thay đổi.

Chúng ta đừng quên rằng Em bé đang nằm trong máng cỏ có khuôn mặt của anh chị em đang thiếu thốn nhất, của những người nghèo “vốn là phần ưu tuyển của mầu nhiệm này; họ thường là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta” (Admirabile Signum, 6).

Anh chị em thân mến,

Sau đó, chúng ta nói về những thách thức lớn và những sự cân bằng cần thiết thường khó đạt được, vì thực tế đơn giản là, nằm giữa một quá khứ huy hoàng và một tương lai thay đổi, đầy tính sáng tạo, chúng ta đang sống trong hiện tại. Ở đây có những người nhất thiết cần thời gian để lớn mạnh; có những tình huống lịch sử cần được xử lý hàng ngày, vì trong diễn trình cải cách thế giới và lịch sử không dừng lại; có những vấn đề pháp lý và định chế cần được giải quyết dần dần, không có công thức hoặc đường tắt ma thuật.

Cuối cùng, có chiều kích thời gian và có sai lầm nhân bản, một sai lầm phải được xem xét một cách đúng đắn. Đây là một phần của lịch sử mỗi người chúng ta. Không lưu ý đến chúng là đi làm những điều trừu tượng, xa rời lịch sử con người. Liên kết với diễn trình lịch sử khó khăn này luôn có cơn cám dỗ muốn quay trở lại quá khứ (cũng bằng cách sử dụng các công thức mới), bởi vì nó làm ta yên tâm hơn, quen thuộc hơn và, chắc chắn, ít xung đột hơn. Đây cũng là một phần của diễn trình và rủi ro khích động các thay đổi đáng kể [19].

Ở đây, cần phải cảnh giác đối với cơn cám dỗ cứng ngắc. Một sự cứng ngắc phát sinh từ nỗi sợ thay đổi, một nỗi sợ kết cuộc sẽ dựng lên các hàng rào và chướng ngại lên mảnh đất lợi ích chung, biến nó thành một bãi mìn không hiểu nhau và hận thù. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng đằng sau mọi hình thức cứng ngắc là một sự mất cân bằng nào đó. Sự cứng ngắc và mất cân bằng nuôi dưỡng lẫn nhau trong một vòng luẩn quẩn. Và ngày nay cơn cám dỗ bước vào sự cứng ngắc này đã trở nên rất thật.

Anh chị em thân mến,

Giáo triều Rôma không phải là một cơ chế tách rời khỏi thực tại, mặc dù nguy cơ này luôn luôn hiện diện. Thay vào đó, nên suy nghĩ và trải nghiệm về nó trong bối cảnh cuộc hành trình của những người đàn ông và đàn bà ngày nay, và trong bức phông thay đổi có tính thời đại này. Giáo triều Rôma không phải là một cung điện hay một tủ quần áo đầy quần áo để thay đổi. Giáo triều Rôma là một cơ thể sống động, và càng như thế hơn nữa đến mức nó sống Tin Mừng trong sự toàn vẹn của nó.

Đức Hồng Y Martini, trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của ngài, vài ngày trước khi qua đời, đã nói một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Giáo Hội là hai trăm năm lùi lại phía sau thời đại. Tại sao Giáo Hội không bị lay động? Có phải chúng ta sợ không? Sợ hãi, thay vì can đảm? Tuy nhiên, đức tin là nền tảng của Giáo hội. Niềm tin, niềm tin tưởng, lòng can đảm... Chỉ có tình yêu mới chinh phục sự mệt mỏi”. [20].

Giáng sinh là ngày lễ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Tình yêu thần thiêng linh hứng, hướng dẫn và điều chỉnh sự thay đổi, và vượt qua nỗi sợ hãi của con người phải bỏ lại phía sau “sự an toàn” để một lần nữa dấn thân vào “mầu nhiệm”.

Một Giáng sinh hạnh phúc cho mọi người!

Để chuẩn bị cho Giáng sinh, chúng ta đã lắng nghe bài giảng về Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng về ngài trước khi ban phước.
[Kính mừng Maria và ban phép lành].

Bây giờ tôi muốn tặng anh chị em một món quà nhỏ gồm hai cuốn sách. Đầu tiên là “tài liệu” mà tôi muốn phát hành cho Tháng truyền giáo đặc biệt [tháng 10 năm 2019], và đã thực hiện dưới hình thức một cuộc phỏng vấn; Senza di Lui non possiamo fare nulla
- Không có Người Chúng ta Không thể Làm Được gì
. Tôi lấy cảm hứng từ một câu nói, tôi không biết là của ai, rằng khi các nhà truyền giáo đến một nơi náo đó, Chúa Thánh Thần đã ở đó để chờ họ rồi. Đó là nguồn cảm hứng cho tài liệu này. Món quà thứ hai là một cuộc tĩnh tâm được giảng cho các linh mục gần đây bởi Cha Luigi Maria Epicoco, Qualcuno a cui Guardare – Một ai đó mà chúng ta có thể nhìn lên. Tôi dành cho anh chị em những món quà này từ trái tim để chúng có thể được sử dụng cho cả cộng đồng. Cảm ơn anh chị em!
_______________________________________________________________________
[1] MATTA EL MESKEEN, L’Umanità di Dio, Qiqajon-Bose, Magnano 2015, 170-171.

[2] Quis dives salvetur 37, 1-6.

[3] Bài giảng 7,“The Mystery of Godliness”, Parochial and Plain Sermons, V.

[4] Ibid.

[5] Chương 1, Mục 1, Phần 7.

[6] Trong một trong những lời cầu nguyện của ngài, Thánh Newman viết: “Lạy Chúa, không có gì vững ổn ngoài Chúa! Và Chúa là trung tâm và sự sống của tất cả những người thay đổi, những người tin cậy Chúa như Cha của họ, những người trông lên Ngài, và những người hài lòng phó mình trong tay Ngài. Lạy Chúa, con biết, con phải thay đổi, nếu con muốn được nhìn thấy mặt Ngài!” (Meditations and Devotions, XI, “God Alone Unchangeable”).

[7] Newman mô tả nó như thế này: “Lúc tôi trở lại, tôi không ý thức về bản thân mình, về bất cứ thay đổi nào, tri thức hay luân lý, có trong tâm trí tôi ... nó giống như vào được bến cảng sau một vùng biển sóng gió; và niềm hạnh phúc của tôi về phương diện đó vẫn còn cho đến ngày nay mà không bị gián đoạn” (Apologia Pro Vita Sua, 1865, Chương 5, 238. Cf. J. HONORÉ, Gliaforismi di Newman, LEV, 2010, 167).

[8] J. M. BERGOGLIO, “Thông điệp Mùa chay cho các linh mục và tu sĩ”, ngày 21 tháng 2 năm 2007, trong Trong Mắt Anh chị em, Tôi thấy những Lời nói của tôi: Các bài giảng và bài phát biểu từ Buenos Aires, Tập 2: 2005-2008, Nhà xuất bản Đại học Fordham, 2020.

[9] Xem Tông Hiến Veritatis Gaudium (27 tháng 12 năm 2017), 3: “Nói tóm lại, điều này kêu gọi việc thay đổi các mô hình phát triển hoàn cầu và xác định lại ý niệm tiến bộ của chúng ta. Tuy nhiên, vấn đề là chúng ta vẫn thiếu nền văn hóa cần thiết để đương đầu với cuộc khủng hoảng này. Chúng ta thiếu tài lãnh đạo có khả năng khởi đầu các nẻo đường mới”.

[10] Cuộc phỏng vấn dành cho Cha Antonio Spadaro, Civiltà Cattolica, ngày 19 tháng 9 năm 2013, tr.468.

[11] Schreiben an das Pilgernde Volk Gottes in Deutschland , ngày 29 tháng 6 năm 2019.

[12] Xem Diễn văn trước Giáo Triều, ngày 22 tháng 12 năm 2016.

[13] Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8 tháng 12 năm 1975), 14. Thánh Gioan Phaolô II đã viết rằng truyền giảng Tin mừng truyền giáo “là việc phục vụ hàng đầu mà Giáo hội có thể cung ứng cho mọi cá nhân và toàn thể nhân loại trong thế giới hiện đại, một thế giới đã trải qua những thành tựu kỳ diệu nhưng dường như đã mất đi cảm giác về thực tại tối hậu và chính sự hiện hữu” (Thông điệp Redempdoris Missio, 7 tháng 12 năm 1990, 2).

[14] Xem Diễn văn với những Người tham dự Đại hội Mục vụ Quốc tế về Thành phố lớn Thế giới”, Consistory Hall, 27 tháng 11 năm 2014.

[15] Tự sắc Porta Fidei, 2.

[16] Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng, 28 tháng 6 năm 2010; xem Tự sắc Ubicumque et Semper, 17 tháng 10 năm 2010.

[17] Một sự thay đổi có tính thời đại đã được ghi nhận ở Pháp bởi Đức Hồng Y Suhard (chúng ta có thể nghĩ đến thư mục vụ của ngài Essor ou déclin de l’Église, 1947) và bởi Đức Tổng Giám Mục Milan lúc đó là Giovanni Battista Montini. Vị sau cũng đặt câu hỏi liệu Ý có còn là một quốc gia Công Giáo hay không (xem Diễn văn Khai mạc tại Tuần Lễ Tòan quốc Lần thứ VIII Cập nhật Mục vụ, 22 tháng Chín, 1958, trong Discorsi e Scritti milanesi 1954-1963, vol. II, Brescia-Roma 1997, 2328).

[18] Thánh Phaolô VI, khoảng năm mươi năm trước đây, khi trình bày Sách lễ Rôma mới cho các tín hữu, đã nhắc lại sự tương ứng giữa luật cầu nguyện (lex orandi) và luật đức tin (lex credendi), và mô tả Sách lễ như “một việc chứng tỏ lòng trung thành và sức sống”. Ngài kết luận bằng cách nói: “Vì vậy, chúng ta đừng nói về một ‘Thánh lễ mới’, mà đúng hơn là ‘một thời đại mới trong đời sống Giáo Hội” (Triều kiến Chung, 19 tháng 11 năm 1969). Tương tự, chúng ta cũng có thể nói trong trường hợp này: không phải là một Giáo triều Rôma mới, mà đúng hơn một thời đại mới.

[19] Evangelii Gaudium tuyên bố quy tắc: “ Dành Ưu tiên cho các hành động nào tạo ra các diễn trình mới trong xã hội và vận động những người và nhóm khác để có thể phát triển họ đến mức họ sinh hoa trái trong các biến cố lịch sử quan trọng. Không lo lắng, nhưng với các xác tín rõ ràng và sự kiên trì” (số 223).

[20] Cuộc Phỏng vấn Georg Sporschill, S.J. và Federica Radice Fossati Confalonieri: Corriere della Sera, ngày 1 tháng 9 năm 2012.
________________________________________________________________________________________________________
Chú thích của người dịch

1. Rassa Nostrana là bài thơ của Thi sĩ Á Căn Đình , Nino Costa, tác phẩm mà Đức Phanxicô học thuộc nhờ bà nội. Mấy câu đầu của tác phẩm này như sau:

Drit et sincer, cosa ch’a sun, a smijp:
teste quadre, puls ferm e fidic san
e parlo poc ma a san cosa ch’a diso
bele ch’a marcio adasi, a va luntan.

(Thẳng thắn và thành thực, điều họ là cũng là điều họ dường như là:
Ương ngạnh, với một mạch máu vững vàng và lá gan lành mạnh.
Họ nói ít nhưng biết điều họ nói;
Mặc dù họ bước chậm chạp, nhưng họ đi rất xa).

(Dựa theo cuốn Francis: Pope of a New World của Andrea Tornielli)