Phiên họp toàn thể lần thứ chín đánh dấu sự khởi đầu của tuần thứ hai trong ba tuần của Thượng hội đồng đặc biệt cho khu vực Amazon, sẽ kết thúc vào ngày 27 tháng 10. Sáng nay, 14 tháng 10, có 179 nghị phụ hiện diện. Cùng với Đức Giáo Hoàng, các ngài đã cầu nguyện cho Ecuador.



Thượng hội đồng là một hoàng thời (Kairos), một thời gian ân sủng: Giáo hội lắng nghe một cách tương cảm và bước đi bên cạnh các dân tộc bản địa của lãnh thổ: các dân tộc này từng sống tại các vùng ngoại vi về địa lý và hiện sinh từng nhận được hồng phúc mỗi ngày được chiêm niệm "Hãy có", vốn là những lời đầu tiên của Thiên Chúa. Sáng thế là cuốn ’Kinh thánh màu xanh’ mặc khải Đấng Tạo Hóa, và việc cam kết đối với môi trường tìm được nền tảng sâu sắc nhất của nó trong việc cử hành các Bí tích.

Đào tạo liên tiếp và thời kỳ dự tòng cho một Giáo hội biết đi ra ngoài

Trước sự sụt giảm đáng kể số lượng các cộng đồng tu trì ở trong vùng, như trường hợp ở bang Parà ở Ba Tây, nơi sự hiện diện của các vị chăm sóc mục vụ thường xuyên đã bị hạn chế, chỉ là các chuyến viếng thăm, các dòng tu đã được yêu cầu làm sống lại nhiệt tình truyền giáo của họ. Đồng thời, cần phải cung cấp việc đào tạo không ngừng và cung cách giảng dạy các dự tòng không chỉ dựa trên sách vở mà còn dựa trên kinh nghiệm cơ sở bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nền văn hóa địa phương. Mang khuôn mặt Amazon có nghĩa là hiểu các dấu hiệu và biểu tượng của các dân tộc này, và sống với nhau trong viễn cảnh đối thoại và liên văn hóa, khuyến khích việc đào sâu một nền thần học bản địa để phụng vụ ngày càng đáp ứng nền văn hóa địa phương. Điều này hàm nghĩa một tính năng động: đó là khả năng vượt quá các cơ cấu và quan điểm của chúng ta. Trong một số trường hợp, một Giáo hội biết đi ra ngoài đã là một thực tại ở Amazon. Có nhiều điển hình về sự hiện diện mục vụ nhằm khuyến khích người bản địa, những người bị thế giới lãng quên, lãnh lấy số phận của họ trong tay. Tuy nhiên, không bao giờ chúng ta nên nhượng bộ trước cơn cám dỗ chỉ muốn thứ truyền giảng tin mừng dựa trên các chương trình viện trợ. Đồng thời, Giáo hội được kêu gọi đối đầu với các thách đố, một mặt được đặt ra bởi sự lan tràn của các giáo phái, và mặt khác bởi một nền văn hóa duy tương đối được các nước đã kỹ nghệ hóa sáng chế.

Đóng góp trong bối cảnh quốc tế

Giáo hội được kêu gọi làm cho tiếng nói của mình được nghe thấy. Một số vị nói rằng các đại diện của Đức Giáo Hoàng có thể tiếp tục đóng một vai trò thiết yếu nơi các Chính phủ và các Cơ quan Quốc tế nhằm cổ vũ các yêu cầu của người dân Amazon liên quan tới các quyền lợi của họ về đất đai, nước và rừng. Ngoài ra, Giáo hội tại Amazon được kêu gọi cổ vũ một nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) biết tôn trọng sự khôn ngoan và các tập tục địa phương. Việc thành lập một vọng quan sát giáo hội quốc tế về việc vi phạm các nhân quyền của các dân tộc Amazon cũng đã được kêu gọi. Do đó, có lời hô hào: các nước đã kỹ nghệ hóa nên biểu lộ một tình liên đới lớn hơn đối với các nước có nền kinh tế mong manh, cũng vì họ đã tạo ra tỷ lệ ô nhiễm cao hơn. Nhờ sự đa dạng của các can thiệp và các ý tưởng phát biểu tại Hội trường Thượng hội đồng, Thượng hội đồng đang củng cố nơi các tham dự viên ý tưởng về một Giáo hội hợp nhất xung quanh các thách đố của khu vực Toàn-Amazon. Mọi vùng trên thế giới đều cảm nhận Amazon là của riêng mình và các thành quả của cuộc hội họp đặc biệt này sẽ mang lại lợi ích cho Giáo hội hoàn cầu.

Truyền thông ủng hộ tính liên nối kết

Amazon là một thế giới đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, nơi nhiều hạt giống Lời Chúa đã bén rễ và đang sinh hoa trái. Điều mong ước là tạo ra một hệ sinh thái truyền thông giáo hội Toàn-Amazon nhằm phản ảnh tính liên nối kết của nhân loại. Ý niệm là dệt nên không hẳn một mạng lưới dây cáp cho bằng một mạng lưới những con người nhân bản. Thực vậy, các khó khăn lớn lao của việc di chuyển trong khu vực mênh mông đòi hỏi tính hiệu năng cao hơn và việc có thể với tới các phương tiện truyền thông xã hội một cách rộng rã. Đồng thời, cần giúp mọi người biết đọc một cách có phê phán các thông tin được truyền bá một cách hời hợt bởi một số phương tiện truyền thông, vạch mặt mọi hình thức thao túng, bóp méo hoặc suy đoán.

Các thừa tác vụ và việc biện phân

Hiện diện là điều cần thiết. Không chỉ là sự hiện diện của các linh mục và giám mục, mà của cả các cộng tác viên giáo dân, nam và nữ. Một người lãnh đạo mục vụ - có thể là một giáo lý viên, một người đọc sách, một người phục vụ người bệnh, một phó tế hoặc một thừa tác viên Thánh Thể đặc biệt – thi hành chức linh mục lúc chịu phép rửa của mình khi mặc lấy thái độ phục vụ chứ không phải quyền lực hay thống trị. Phụ nữ là cộng tác viên quý giá trong sứ mệnh của Giáo hội tại Amazon, họ không thể thay thế được trong việc chăm sóc do họ cung cấp theo tinh thần Người Samaritanô nhân hậu, trong việc trông coi và bảo vệ sự sống. Đồng thời, trong lĩnh vực giáo dục, cần phải truyền tải đức tin, động viên giới trẻ xây dựng các dự án sống của riêng họ, cổ vũ việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta, để nâng cao ý thức về tai họa buôn người, chống lại nạn mù chữ và bỏ học, tất cả đều là các vấn đề đã được nêu bật. Những người trẻ tuổi phải được giúp đỡ để tích hợp kiến thức tổ tiên và kiến thức hiện đại giúp cả hai đóng góp cho "việc sống tốt". Do đó, dưới hành động của Chúa Thánh Thần, “cùng với Phêrô và dưới Phêrô”, Giáo hội được thúc giục chuyển sang quan điểm Amazon và không sợ hãi đảm nhiệm việc biện phân và suy tư về chủ đề chức linh mục, cả việc lắng nghe giả thuyết phong chức cho những người đàn ông có gia đình, mà không bao giờ làm nhẹ giá trị của luật độc thân. Thực thế, chúng ta phải luôn ghi nhớ thảm kịch của những sắc dân này không thể cử hành Bí tích Thánh Thể vì thiếu linh mục hoặc chỉ nhận Mình Thánh Chúa một hoặc hai lần một năm. Một suy tư đã được gợi ý liên quan đến việc có thể cập nhật Tông Thư của Đức Phaolô VI, Ministeria Quaedam. Cũng đã có đề nghị cho rằng nên dẫn nhập thể chế các phó tế bản địa vĩnh viễn và các phó tế, những người, qua thừa tác vụ Lời Chúa, sẽ giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn các Bản Văn thánh thiêng.

Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta và việc khai thác vô trách nhiệm

Ý tưởng tạo ra các cộng đồng Kitô giáo có tính sinh thái và liên văn hóa đã được nêu lên, những cộng đồng cởi mở đối với việc đối thoại liên định chế và liên tôn giáo và dạy lối sống mới nhằm hướng tới việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Các công ty dầu khí và đốn rừng – từng bị tố cáo – đang hủy hoại môi trường và làm suy yếu sự hiện hữu của các dân tộc. Thực thế, người bản địa không kiếm được bất cứ lợi nhuận nào từ kỹ nghệ khai khoáng hoặc từ việc đốn rừng. Do đó, cần phải mạnh mẽ vạch trần nạn tham nhũng tràn lan vốn nuôi dưỡng các bất bình đẳng và bất công và tự hỏi chúng ta sẽ để lại những gì cho các thế hệ tương lai. Mối đe dọa lớn do buôn bán ma túy cũng phải được khắc phục, cùng với tất cả những gì nuôi dưỡng nó.

Tiếp cận thực phẩm và tôn trọng hệ sinh thái

Phòng họp cũng dành chỗ cho vấn đề chủ quyền lương thực: mọi người đều có quyền chọn thứ để trồng, chọn đồ để ăn và làm thế nào đảm bảo việc với tới thực phẩm trong khi tôn trọng hệ sinh thái. Từ trước đến nay, một phần đáng kể của tính đa dạng sinh học thực nông phẩm ở Amazon vẫn chưa được biết đến và bảo tồn bởi người dân địa phương. Có lời kêu gọi rằng đây không phải là thứ mà kết cục bị một số ít người khai thác và lấy mất khỏi quần chúng, như đã xảy ra ở mặt trận y tế, nơi các cây trồng và hoạt chất (acive ingredients) đã làm giàu cho các công ty dược phẩm đa quốc gia, và không có gì được trả lại cho người dân để đền bù.