Phúc cho kẻ vô phúc (Tiếp theo)

PHÚC THAY AI CÓ LÒNG XÓT THƯƠNG.

Ký giả Philip Yancey đã học được chân lý nầy từ cha Henry Nouwen, một linh mục giáo sư ở Đại Học Harvard. Khi chức nghiệp đang ở tột đỉnh, cha Nouwen, vì tình bạn, đã rời Đại Học Harvard dọn sang một cộng đồng có tên gọi là Daybreak, ở gần Toronto, để chăm lo những việc lặt vặt cho một người mang tên là Adam. Giờ đây cha Nouwen đang chăm sóc mục vụ không phải cho giới trí thức mà cho một chàng thanh niên được nhiều người coi là vô dụng, thà trước kia anh ấy được phá thai thì tốt hơn. Tuy nhiên cha Nouwen đã mô tả người bạn đó như sau:

Adam là một thanh niên 25 tuổi, không nói được, không thể mặc áo quần, đi đứng hay ăn uống mà không có người giúp đỡ. Anh cũng không biết cười hay khóc. Chỉ đôi khi anh nhấp nháy con mắt. Lưng anh cong vẹo. Tay chân co quắp. Anh bị chứng động kinh nặng và, mặc dù uống nhiều thuốc men, rất ít ngày anh không bị lên cơn. Đôi khi, cơ thể đột nhiên trở nên cứng ngắc, anh đã la hét một cách thê thảm. Trong vài trường hợp họa hiếm, một giọt nước mắt chảy dài xuống đôi gò má của anh.

Mỗi sáng cha phải mất một tiếng rưỡi đồng hồ để đánh thức Adam dậy, cho uống thuốc, đưa anh đi vệ sinh, tắm rửa, đáng răng, cạo râu, mặc áo quần, dìu anh vào nhà bếp cho ăn sáng, đặt anh vào xe lăn và đẩy vào nơi mà anh phải tập luyện cách chữa trị theo vật lý nhiều giờ trong ngày.

Khi thăm viếng cha Nouwen ở Toronto và đã quan sát cha làm những công việc vặt vãnh thường ngày cho Adam, ký giả Philip Yancey có ý nghĩ thoáng qua không biết có phải đó là cách sử dụng thời giờ tốt nhất của cha hay không. Ký giả đó đã nghe cha diễn thuyết, đã đọc nhiều sách của cha. Cha có nhiều điều dể cống hiến cho nhân quần xã hội. Một người tầm thường nào đó không thể làm những công việc vặt vãnh đó cho Adam hay sao? Khi Yancey đề cập vấn đề nầy thì được cha cho biết là anh đã hoàn toàn hiểu sai những gì cha đang làm. Cha nhấn mạnh điểm nầy: “Tôi không từ bỏ gì hết. Chính tôi, chứ không phải Adam, hưởng lợi nhiều nhất trong tình bạn nầy.”

Cha đã kể ra những điều lợi sau đây. Những giờ mà cha trải qua với Adam đã mang lại cho cha một sự an tĩnh nội tâm cho đến nỗi những công việc khác thuộc về trí óc đã xem ra nhàm chán và vô vị. Khi ngồi bên cạnh giường một thanh niên với trình độ trí thức của một đứa bé mà thân thể hoàn toàn bất lực, cha mới nhận ra rằng thật là vô nghĩa những tranh chấp đố kị để được thành công trong giới chức đại học và môi trường mục vụ. Chính Adam đã dạy cha chân lý nầy: Điều làm cho chúng ta có nhân tính không phải khối óc mà là con tim, không phải khả năng suy tư mà là khả năng yêu mến. Từ bản chất đơn sơ của Adam, cha đã có một cái nhìn về “tính cách trống rỗng” cần phải có nếu muốn được Thiên Chúa chiếm hữu - một thứ trống rỗng mà các vị tu rừng chỉ đạt được sau khi đã mất công tìm kiếm lâu dài và phải tự áp đặt cho mình một kỷ luật nghiêm khắc.

Thực tế, cha Nouwen đã vui hưởng một thứ an tĩnh nội tâm mới, một thứ an tĩnh mà cha không đạt được ở giữa bốn bức tường Đại Học Harvard, nhưng ở bên cạnh giường một chàng thanh niên không thể kềm chế những nhu cầu vệ sinh.

Ký giả Yancey đã rời cộng đồng Daybreak, với nhận thức về sự nghèo nàn tâm linh của mình vì anh chỉ quan tâm làm sao cho nghề nghiệp ký giả của anh trở thành hữu hiệu và điều đó đã trở nên tiêu điểm độc nhất. Yancey đã học được điều nầy là “phúc cho ai có lòng thương xót vì người đó sẽ được xót thương.”

PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HÒA BÌNH…PHÚC THAY AI BỊ BẮT BỚ VÌ SỰ CÔNG CHÍNH

Đại văn hào Leo Tolsky đã căn cứ vào Bài Giảng Trên Núi mà viết quyển sách “The Kingdom of God Is Within You” (Nước Thiên Chúa Ở Trong Lòng Các Ngươi). Nửa thế kỷ sau, thánh Mohandas Gandhi đã đọc quyển sách đó và quyết định sống theo những nguyên tắc căn cứ trên văn bản của Bài Giảng Trên Núi.

Một cảnh trong cuốn phim Gandhi mô tả thánh nhân đang đi tản bộ với nhà thừa sai thuộc Giáo Hội Trưởng Lão tên là Charlie Andrews, tình cờ bị một đám du đảng đón đường. Mục sư Andrews thoáng thấy bọn du đảng đó có vẻ hăm dọa nên quyết định bỏ chạy. Thánh Gandhi cản lại và nói: “Phải chăng Phúc Am đã không nói nếu kẻ thù tát con má phải thì con nên đưa luôn má trái sao?” Andrews nghĩ rằng câu nói đó phải được hiểu theo nghĩa ẩn dụ nên đã nói lẩm bẩm: “Tôi không chắc.” Thánh Gandhi đáp lại: “Tôi nghĩ rằng Chúa muốn ngài phải tỏ ra can đảm - phải ráng chịu một quả đấm, nhiều quả đấm, để chứng tỏ ngài không đấm trả lại hay bỏ chạy. Và khi ngài hành xử như thế, điều đó sẽ đánh động nhân loại tính nơi ngài, khiến lòng thù oán của ngài giảm đi và sự kính trọng người khác gia tăng. Tôi thiết tưởng đó là điều Chúa muốn nhấn mạnh và đã mang lại kết quả thật sự.”

Nhiều năm về sau, mục sư người Mỹ là Martin Luther King Jr. đã học được kỹ thuật của thánh Gandhi và đem ra áp dụng ở Hoa Kỳ. Nhiều người da đen đã bỏ rơi mục sư King vì chủ trương bất bạo động của ông và đã ngã sang thuyết “quyền lực của người da đen”. Họ lý luận rằng sau khi bạn đã bị dùi cui của cảnh sát đánh bổ đầu cả chục lần hay hứng chịu những trận roi vọt của cai ngục, bạn sẽ bắt đầu hoài nghi sự diệu dụng của thuyết bất bạo động. Nhưng mục sư King chẳng hề bao giờ nao núng.

Khi những cuộc bạo động bùng nổ ở Los Angeles, Chicago và Harlem, mục sư King đã đi từ thành phố nầy sang thành phố khác cố làm dịu bớt tình hình quá căng thẳng, mạnh mẽ nhắc nhở các đám biểu tình rằng không thể thay đổi luân lý xã hội bằng những phương thế vô luân. Mục sư đã học được nguyên tắc đó từ Bài Giảng Trên Núi và từ thánh Gandhi và hầu hết trong những diễn văn, mục sư luôn nhắc lại sứ điệp sau đây: “Kitô giáo luôn nhấn mạnh rằng thánh giá mà chúng ta vác phải đi trước triều thiên mà chúng ta đội.”

Mục tiêu chính của mục sư King không nhằm đánh bại người da trắng mà chỉ để “đánh thức lương tâm hổ thẹn ở nơi người áp bức và thách đố tâm thức sai lầm của họ về sự tự tôn…Chung cục vẫn là sự hòa giải, sự cứu rỗi, sự tạo dựng một cộng đồng yêu thương.”

Cũng như thánh Gandhi trước kia, mục sư King đã tử vì đạo. Sau khi mục sư qua đời, càng lâu càng có nhiều người bắt đầu chấp nhận lý thuyết đấu tranh bất bạo động như là một đường lối yêu sách công lý. Sau việc tử đạo của Benigno Aquino, dân thường đã lật đổ chính phủ bằng cách tập họp ở ngoài đường để cầu nguyện, khiến xe tăng quân đội phải dừng lại trước dân chúng Phi-Luật-Tân đang quì cầu nguyện, như thể một lực vô hình đang cản họ lại.

Năm 1989 là năm đáng ghi nhớ: ở Ba-Lan, Hung-Gia-Lợi, Tiệp-Khắc, Đông Đức, Bảo-Gia-Lợi, Nam-Tư, Lỗ-Ma-Ni, Mông-Cổ, Liên-Bang Sô-Viết, Nepal và Chí-Lợi, hơn một nửa tỷ người đã bẻ gãy xiềng xích áp bức bằng những phương thế bất bạo động. Ở những nơi đó, nhất là ở những nước thuộc Đông Âu, giáo hội Kitô giáo đã dẫn đầu. Những người biểu tình đi qua các đường phố đốt đèn cầy, hát thánh ca và cầu nguyện. Như trong thời ông Gio-Duệ, những bức tường thành kiên cố đã sụp đổ.

Những người yêu chuộng hòa bình được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho ai bị bắt bớ vì sự công chính vì nước Thiên Đàng là của họ.

(CÒN TIẾP)