Ngày 18-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhà Cha Thầy và Cha Thầy
Phaolô Phạm Xuân Khôi
03:23 18/04/2008
Nhà Cha Thầy và Cha Thầy

Hôm nay Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng Người sẽ về Trời trước để dọn chỗ cho chúng ta trong Nhà của Cha Người, rồi Người sẽ đón chúng ta về với Người, và Người ở đâu thì chúng ta cũng sẽ ở đó. Đồng thời Người cũng cho chúng ta biết rằng Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người. Ai xem thấy Người là đã xem thấy Chúa Cha. Và nếu thật sự chúng ta ở trong Người và Người ở trong chúng ta, thì chúng ta cũng là bí tích của Người để ai xem thấy chúng ta cũng là xem thấy Người và Chúa Cha.

Trước hết, nhà của Cha Người không còn là một đền thờ do tay phàm nhân làm ra, mà là một Nhà Thiêng Liêng được xây dựng trên tảng đá sống động là Đức Kitô.

Trong Bài Đọc I chúng ta chứng kiến việc các Thánh Tông Đồ xây dựng ngôi Nhà Thiêng Liêng này, là Hội Thánh, qua việc thánh hiến bảy vị Phó Tế để giúp việc trong Hội Thánh. Nhờ đó các Ngài có thể dốc toàn lực vào việc “phục vụ Lời Chúa.” Thánh Phêrô cũng giải thích trong Bài Đọc II rằng Đức Kitô là “tảng đá” bị thợ xây loại bỏ, nhưng lại trở nên tảng đá góc tường vững chắc mà trên đó Thiên Chúa xây Nhà của Ngài nơi trần thế là Hội Thánh (x. TV 118:22; Is 8:14; 28:16).

Vì là phần tử của Nhiệm Thể Đức Kitô, mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành những viên đá sống động để xây Nhà của Thiên Chúa (x. 1 Cor 3:9, 16). Trong ngôi Nhà Thiêng Liêng Này, chúng ta trở thành “những tư tế thánh thiện” dâng “của lễ thiêng liêng”, nghĩa là tất cả những lo lắng, hy sinh, công việc và lời cầu nguyện, nhất là chính đời mình, lên Thiên Chúa hợp cùng sự hy sinh của Đức Kitô. Đó là ơn gọi cao cả làm Kitô hữu của chúng ta. Đó cũng là lý do tại sao mà Đức Kitô đã dẫn chúng ta ra khỏi bóng tối tội lỗi và tử thần, như ông Môsê đã dẫn dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, để biến chúng ta thành Dân Thiên Chúa.

Sau khi dẫn Dân Isral ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã lập Giao Ước với họ, biến họ thành một dân tư tế và vương giả để ca tụng Ngài (x. XH 19:6). Qua đức tin vào Giao Ước Mới của Đức Kitô, chúng ta được thừa kế dân Chúa chọn, được mời gọi để tôn vinh Chúa Cha trong Đền Thờ mới là Hội Thánh và chính thân xác của chúng ta (x. 1 Cor 6:19-20; Rom 12:1).

Một khi chúng ta trung thành với Chúa trong Ngôi Nhà Thiêng Liêng ở trần thế, thì chúng ta cũng sẽ được ở luôn mãi cùng Người trong Nhà Cha vĩnh cửu trên Trời. Thánh Vịnh viết rằng: “Lời Chúa là lời chân chính, bao việc Chúa làm đều đáng cậy tin” (TV 32:4-5). Cho nên đừng để lòng mình xao xuyến, mà hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào lời hứa của Chúa Giêsu rằng Người về Nhà Cha để dọn chỗ cho chúng ta, và Người sẽ trở lại đem chúng ta đi với Người, để Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người (x. Ga 14:1-3).

Trong khi chúng ta còn lang thang nơi dương thế, Lời Chúa trong Thánh Kinh được thực hiện trong Hội Thánh qua các Bí Tích và qua các phần tử của Hội Thánh, là Nhiệm Thể Đức Kitô. Chúa Giêsu là Bí Tích của Chúa Cha như Người đã bảo Thánh Phillippê: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha… Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy…. Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha” (Ga 14:9-12). Chúa đã truyền cho Hội Thánh, Nhiệm Thể Người, nhân danh Người mà rao giảng Tin Mừng và Rửa Tội khắp thế gian và hứa ở cùng Hội Thánh mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28:19-20).

Như thế Hội Thánh là Bí Tích của Chúa Giêsu, và tất cả các Kitô hữu, nhất là những người thay mặt Hội Thánh mà rao giảng Lời Chúa như các Linh Mục hoặc Giáo Lý viên, cũng là Bí Tích của Đức Kitô, là những dấu chỉ bề ngoài để người khác nhận ra Đức Kitô qua lời nói, việc làm và cách sống của mình. Muốn trở thành bí tích của Chúa, chúng ta không có cách nào khác là trở nên giống Đức Kitô vì Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14:6).

Phaolô Phạm Xuân Khôi
 
Sự sợ hãi, một chiến lược
Lm Nguyễn Hữu Thy
03:32 18/04/2008
Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh/A

Sự sợ hãi, một chiến lược


(Ga 14,1-12)

Sự kêu gọi của Ðức Giêsu: «Các con đừng xao xuyến sợ hãi!» xem ra – ít là vừa thoáng nghe qua – là một điều không đơn giản. Bởi vì, khi chúng ta đã sợ hãi thì thật là vô ích, nếu như có ai đó lại nói với chúng ta là cứ can đảm lên, cần gì phải sợ sệt. Ðúng vậy, có những điều người ta không thể ra lệnh được. Và nếu một ai đó vẫn làm như thế, sẽ bị thiên hạ coi là một kẻ chỉ muốn đưa ra những lời an ủi lệch lạc rẻ tiền, bởi vì anh ta không có được một giải đáp thực sự cho vấn đề. «Các con đừng xao xuyến sợ hãi!» Ðó là điều dễ nói, nhưng không dễ làm.

Sự lo lắng sợ hãi hầu như có mặt trong tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống con người: Người ta sợ mất người yêu, sợ đời bất hạnh, sợ cho tương lai, sợ bị mất danh dự, mất ảnh hưởng, hay sợ trước những thử thách trong tương lai, sợ bệnh tật, sợ già nua, v.v…và cuối cùng là sợ chết! Người ta có thể nói rằng sự lo lắng sợ hãi thuộc về đời sống con người, tương tự như mây trong bầu trời. Rất có thể bầu trời vào mùa xuân hay mùa hè sẽ có một vài ngày hoàn toàn trong xanh, không chút vợn mây, thế nhưng đa số về chiều lại xuất hiện đâu đó những làn mây mỏng, tựa hồ như chúng muốn thu lại những giọt nước mắt lo sợ rải rác khắp nơi trong suốt cả ngày. Ông Horst-Eberhard Ricchter, một nhà nghiên cứu về hiện tượng sợ hãi, đã nói: «Sự sợ hãi là một màu sắc của cuộc sống chúng ta ». Và cảm giác đó rất mạnh, đến nỗi chúng ta có thể dễ để cho nó tự bộc lộ ra. Trong tình trạng như thế, lời động viên của Ðức Giêsu là « trên trời đang có chỗ dành cho chúng ta », khó lòng giúp được gì nhiều. Ðiều hiệu quả trước tiên do những lời của Ðức Giêsu mang lại là cảm giác nhẹ nhàng, và cũng rất có thể là một sự an ủi qua loa nào đó về cuộc sống bên kia thế giới. Thế nhưng, trong «những chỗ ở hiện tại», trong cuộc sống thực tế mà chúng ta đang sống, mọi bụi bặm của sự lo lắng sợ hãi vẫn còn bám đầy khắp mình.

"Thầy là đường, là sự thật và sự sống"
Và những câu hỏi của các môn đệ cũng đã nói lên nỗi lo lắng và sự bất ổn của họ: «Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu cả, thì làm sao chúng con biết được đường?» (Ga 14,5). Câu hỏi đầy khắc khoải của các môn đệ đã nói lên rằng họ còn cần tới nhiều hơn nữa, chứ không chỉ những lời nói an ủi mà thôi. Họ cần một ai đó có thể cho họ biết rõ được những chắc chắn rõ ràng. Còn sự thối thác hay kiểu nói tránh né vòng vo về sự sợ hãi không mang lại được gì cả; thái độ phủ nhận hay đè nén sự lo lắng sợ hãi chỉ làm cho con người đâm ra bệnh hoạn mà thôi.

Lời đề nghị mà Ðức Giêsu đã đưa ra để vượt lên những nỗi lo âu sợ hãi về một cuộc sống bất ổn, là một điều hoàn toàn bất ngờ. Không phải tử vi, tướng số, bói toán hay một thủ đoạn gian dối nào khác nằm trong chương mục đề nghị của Người, nhưng là chính Người tự nguyện hy sinh: Chính Người là đường; chính Người là mục đích. Người là lối đi dẫn tới Thiên Chúa, là chân lý và là sự sống. Ai đã nhìn thấy Người, thì thấy Chúa Cha, và thấy Chúa Cha «ngay từ bây giờ» (Ga 14,7b).

Nhưng ai biết lấy Thiên Chúa làm «chân lý» đời mình và ai biết xây dựng cuộc sống mình trên nền tảng đức tin vào Thiên Chúa, thì mọi lo lắng sợ hãi không còn lung lạc hay gây được ảnh hưởng trên người đó nữa. Và mặc dù những băn khoăn sợ hãi không biến khỏi cuộc đời con người như những con yêu tinh đáng ghét, nhưng chúng cũng không còn chi phối được trọng tâm của cuộc sống nữa. Chúng trở nên những hiện tượng thứ yếu. Vâng, những cảm giác sợ hãi vẫn còn đó, nhưng chúng không còn đủ khả năng làm tê liệt hay làm xáo trộn được tâm tư con người nữa. Trái lại, sự bình tĩnh, sự an hòa và lòng tin tưởng có thể thay đổi cả cuộc sống con người, và theo lời Ðức Giêsu «ngay từ bây giờ!»

Giờ đây, lời đề nghị của Ðức Giêsu - phải vượt thắng sự sợ hãi - vẫn luôn luôn mang tầm ảnh hưởng có tính cách quyết định trên cuộc sống con người: Ai nhận biết Ðức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, người đó sẽ làm chủ và vượt thắng được những lo lắng sợ hãi của mình. Và điều đó gần như một sự thật đương nhiên.

Nhưng lời đề nghị của Ðức Giêsu, Ðấng là đường và là mục đích, được gắn liền chặt chẽ với một đức tin mạnh mẽ vào Người. Ðây là điều kiện đã được thánh sử Gioan nhấn mạnh trong bài Tin Mừng hôm nay: Trong mười hai câu mà Ðức Giêsu đã nói tới sáu lần chữ «tin»! Ai muốn nhận biết Chúa Cha trong Ðức Giêsu, ai muốn cảm nghiệm trong Ðức Giêsu đường và mục đích để thắng vượt được những hoàn cảnh làm hoang mang sợ hãi cuộc sống, người đó chỉ có thể hiện thực được qua con đường đức tin mà thôi. Dĩ nhiên một đức tin như thế luôn đòi hỏi một sự can đảm và sự mạo hiểm «dám làm!»

Và là con người, chúng ta thường chỉ muốn trong vấn đề đức tin mọi sự phải rõ ràng, những chỉ dẫn trong các việc làm phải dứt khoát. Tất cả mọi vấn đề phải được giải thích minh bạch trước khi chúng ta chấp nhận một lời đề nghị như thế. Nhưng đó không phải là con đường đức tin. Trái lại, để bước đi trên con đường đức tin, tôi phải có một tương quan mật thiết với Ðức Giêsu Kitô, cả khi sự tương quan đó đang trong giai đoạn trắc nghiệm buổi đầu hoặc khi đã bước đi trên con đường đó rồi, người ta phải có lòng tin thực sự. Ðược như thế, bấy giờ người ta mới cảm nghiệm được rằng nhờ đức tin, cuộc sống con người mới có thể làm giảm bớt được những lo âu sợ hãi, bởi vì những điều có tính cách đe dọa trong cuộc sống hằng ngày đã được ánh sáng của Thiên Chúa soi chiếu.

Thiếu lòng can trường mạnh dạn, không thể có đức tin được. Ðó là sự can đảm mà mỗi cuộc gặp gỡ con người đều cần tới. Nhà thần học Josef Heer đã viết: «Có những cuộc gặp gỡ qua loa ngoài mặt, người ta gặp nhau - một cách đầy ấn tượng hoặc không - và sau đó người ta lại quên nhau. Nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ thân thiện sâu xa, đã tạo nên tình cảm đồng chí, bạn bè hay tình yêu, và kéo dài trong một thời gian lâu hoặc đôi khi suốt cả đời. Trong mỗi cuộc gặp gỡ sâu xa như thế, các người trong cuộc luôn tìm gặp được ý nghĩa trong sự trao đổi quan điểm, những ước muốn, những động viên, những quyết định, và trong tất cả những gì mà những lời nói đơn sơ đã nói lên với tất cả lòng thành thật. Cũng tương tự như thế trong lãnh vực đức tin, trong sự tương quan cá nhân của mỗi người với Ðức Giêsu Kitô!»

Nói tóm lại, sự khẩn thiết mà Ðức Giêsu đề cập đến trong đức tin vào Người, cũng muốn nói lên rằng một đức tin như thế có thể là hành động thực sự của cuộc sống. Có lẽ người ta còn phải nói là một «công việc của đức tin». Nhưng Herman Hesse, thi sỹ người Thụy Sỹ (1877-1962), đã nói: «Người ta phải tìm gặp được giấc mơ của mình, bấy giờ con đường đi sẽ trở nên dễ dàng».

Tuy nhiên giấc mơ của chúng ta không phải là giấc mơ, nhưng là một thực tại. Và thực tại đó là chính đức tin vào Ðức Giêsu Kitô. Chỉ đức tin bền vững mới có thể chỉ cho chúng ta con đường sống một cách đúng đắn được, ngay bây giờ và sang cả bên kia cuộc sống này nữa.
 
Lẽ sống trong đời thường
Lm. Thái Nguyên
03:36 18/04/2008
Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì,

anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa
.” (1Cor 10, 31)

Chính khi đi vào các việc bình thường hằng ngày mới cho ta thấy rõ mình như thế nào. Đã bao lần ta muốn dẹp đi những chuyện khó khăn, muốn tránh né trọng lực của đời sống thường nhật, muốn lẩn trốn áp lực của công việc, muốn vứt bỏ cái buồn tẻ của bổn phận, cái trống rỗng của thói quen, cái vô hồn của sự vật chung quanh … Chúng ta thích một cái gì khác mới mẻ và lớn lao hơn. Ta muốn phóng mình ra ngòai, vì cuộc sống bên ngoài xem như hấp dẫn và thoải mái hơn.

Làm thế nào để sống hứng thú với công việc đều đều hằng ngày? Làm sao có thể biến đời thường thành đời sống mới? Vì chỉ là những công việc lặp đi lặp lại không ngừng, có khi là những cái không đâu vào đâu, làm cho cuộc sống trở nên tẻ nhạt, buồn chán. Nhiều khi ta thấy chẳng có gì xứng đáng hay vinh dự để sống bổn phận hằng ngày, vì một ngày như mọi ngày, trong đó mọi cái lại diễn ra trong sự thường tình. Phải chăng một cuộc sống như thế không phải là hiện hữu, và hiện hữu như thế không phải là cuộc sống. Vậy thế nào mới là cuộc sống, một cuộc sống đích thực?

1. ĐỜI SỐNG ĐÍCH THỰC

Phải chăng sống đích thực là sống phù hợp với cái ta là, với điều ta muốn, với việc ta làm? Nếu vậy phải thấy rõ cái ta là, biết rõ điều ta muốn, thấu rõ điều ta làm. Đây quả là một tiến trình nhiêu khê, nhưng cũng bức thiết trong việc nhận biết mình giữa các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ vạn vật. Nhiều khi ta chỉ muốn sống như mình mơ ước, mà ít khi suy tư nghiền ngẫm về đời sống thực tế của mình trong các mối tương quan đó, nên không thấy được giá trị hiện diện của mình khi đi vào cuộc sống thường ngày với những bổn phận. Chính vì nhận ra giá trị của phận trong những tương quan đó nên câu nói của triết gia Seneca đã trở thành danh ngôn: “Id facere laus est quod decet, non quod licet”: Kẻ đáng ca tụng là kẻ làm điều mà bổn phận đòi phải làm, chứ không phải làm điều mà nó có thể làm.

Ông C. Kingsley cũng nói: “Chỉ những ai làm đầy đủ bổn phận trong việc nhỏ hằng ngày mới làm tròn được trách vụ lớn lao”. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói: “Việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì?” (Lc 12, 26). Ở chỗ khác, Ngài cũng khẳng định: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10). Khi chỉ ham làm những công việc lớn, có tầm cỡ, mà coi thường những công việc nhỏ, phải chăng người ta rơi vào tình trạng bất bình thường, phát sinh từ sự non yếu và thiếu hụt trong đời sống tâm linh. Đời sống quân bình của một người không hệ tại ở công việc lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại vào những công việc thuộc bổn phận mình, một bổn phận mang tính cách toàn thể: “Vũ trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự. Kỷ phận nội sự nãi vũ trụ nội sự.”: Việc trong vũ trụ là việc trong bổn phận mình; việc trong bổn phận mình chính là việc ở trong vũ trụ. (Lục Tượng Sơn).

Mọi cái diễn biến trong từng ngày vẫn là như thế, không thể hơn, chỉ có điều khác biệt là tâm trạng của mỗi con người đứng trước những hoàn cảnh thường nhật đó. Buồn tẻ hay thú vị, nhàm chán hay phấn khởi, tầm thường hay cao đẹp… khi đứng trước mọi việc cũng đều phát xuất từ chính tâm trạng mình: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Không thể đòi hoàn cảnh hay sự việc phải thay đổi, nhưng đòi tâm trạng và tính cách mình phải đổi thay. Điều cần ghi nhận là khi người ta nhận ra được ý nghĩa của những sự việc mình làm, thì tất cả sẽ được biến đổi trong một trạng thái tích cực. Ý nghĩa đó không chỉ mang tính tự thân của sự việc hay hoàn cảnh mà còn là ý nghĩa của một ơn gọi hiện diện. Cuộc sống phải được khám phá và sáng tạo không ngừng ngay trong những công việc đều đặn hằng ngày. Khám phá và sáng tạo để thủ đắc tối đa những sự thật khả hữu, để tìm được một cuộc sống quân bình trong niềm vui giản dị, để thưởng nếm cho biết cuộc đời đẹp biết bao qua những điều nhỏ bé.

Dù vậy, không phải là cuộc đời được sáng tạo cho bằng trước tiên là cái nhìn được sáng tạo, nghĩa là một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời: thấy được điều phi thường trong những cái bình thường và có khi là tầm thường; khám phá ra niềm vui mà ta có thể múc lấy nơi mọi sự. Sáng tạo cuộc sống đời tôi là biết hái lấy cái rất bình thường mà vẫn cảm thấy vui mừng, thấy nó tạm bợ, nhỏ bé, mà vẫn có giá trị sâu xa cho cuộc sống. Hái lấy theo nguyên ngữ Latinh: colligare, nói lên một việc làm tế nhị, một thái độ kiên nhẫn và khôn ngoan trong hành động, biết nỗ lực tìm lấy những gì có thể, và đồng thời bằng lòng với chính mình về những gì có được.

2. TÌNH YÊU ĐƯỢC ĐẶT VÀO TRONG MỌI VIỆC

Nghệ thuật sống là xác lập được thế quân bình giữa cái chính và cái phụ. Cái phụ là mọi việc đều đều mà chúng ta làm hằng ngày. Còn làm ra sao, với thái độ và tâm tình như thế nào mới là cái chính yếu. Cái chính yếu đó là tình yêu trong mọi công việc. Điều quan trọng là làm sao cho mình có được một tình yêu. Tình yêu giúp ta thâu hóa những cái tầm thường hằng ngày và đem lại cho chúng một ý nghĩa. Thật vậy, “Gọt khoai trong yêu thương cũng có giá trị như xây một nhà thờ chính tòa” (Guy de Larigaudie). Một bà mẹ quê mùa tần tảo với tất cả tình yêu vẫn có giá trị ngang tầm với những người mang trọng trách cao cả.

Đang khi đó với cái nhìn nông cạn và thiếu tình yêu thì người ta thấy những việc tầm thường hằng ngày thật vô nghĩa, nên chẳng còn hứng thú gì với cuộc sống trước mắt. Nhiều bạn trẻ đã muốn vượt khỏi cuộc sống hiện tại với những công việc nhàm chán, để lao mình vào cuộc sống khác, để được tự do sáng tạo đời mình như mình mơ ước, với nhiều bất ngờ, sôi động và thú vị hơn, vì“Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp”. Đó phải chăng là tâm trạng của người con hoang đàng trước khi ra bỏ nhà ra đi (x. Lc 15, 11-24). Có ngờ đâu con đường thênh thang này không phải là con đường tự do sáng tạo, mà là tự do phóng túng, đưa tới tự do phóng đãng, trụy lạc, là vòng cương tỏa của đêm tối não nùng cho đời mình.

Yêu thương, đó chính là sống thực. Chỉ có yêu thương mới khiến người ta nhiệt tình với sự sống: một sự sống tạm bợ, mỏng dòn, nhưng lại đang khơi nguồn và vươn mầm lên cho một sự sống mới, chính là sự sống của Đức Kitô đang khao khát và tái tạo không ngừng trong mỗi tâm hồn. Tình yêu sẽ biến đổi tất cả. Tình yêu sẽ vĩnh cửu hóa mọi sự. Sau một cuộc đời với bao nhiêu nhọc nhằn và khốn khổ, đau thương và mất mát... cũng như bao nhiêu việc làm tẻ nhạt âm thầm, thử hỏi còn lại gì nếu không phải là tình yêu (x. 1Cor 13, 6-13).

3. MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA ẨN MÌNH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Một đời sống bình thường, đều đều với những bổn phận âm thầm, nhìn từ bên ngoài như vô nghĩa, nhưng đó lại là “nét bí ẩn” của đời sống. Cũng giống như cái chết của hạt giống gieo vào lòng đất trong mùa Đông, nhưng khi Xuân về thì sự sống mới tỏ hiện rỡ ràng. Quả thật, “Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện.” (Lc 8, 17). Cái bí ẩn âm thầm của đời ta nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, và cái bí ẩn âm thầm của Thiên Chúa nằm trong chính sự im lìm của cuộc đời ta. Tìm kiếm Thiên Chúa là biết chờ đợi Ngài trong đêm tối. Đó cũng là tâm tình của R. Tagore:“Những người yêu con trong đời tại thế luôn ở bên con từng giây. Tình Ngài yêu con không bờ không bến nhưng có thấy bóng Ngài đâu. Và, tôi sẽ chờ đợi Ngài trong đêm tối.”

Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa ẩn mình. Ngài ẩn mình ngay trong đêm tối của cuộc đời, nhất là những cuộc đời chấp nhận bị lãng quên, bị coi rẻ, bị đánh giá thấp, bị vùi dập và có khi bị loại trừ. R. Tagore đã cảm nhận điều đó như sau:

“Chỗ này là thảm hoa, nhưng Người không bước vào.

Người lại đứng nơi kia, bên những người nghèo khó.

Nơi này là chỗ cao, muôn người nghiêng kính chào.

Nhưng Người đứng nơi kia, bên hàng hạ nhân khốn cùng.

Người ở với người nông dân đang cày bừa.

Người ở với người công nhân đang đập đá.

Người đang đổ mồi hôi dưới nắng mưa từng ngày.

Và chân bùn tay lấm trong tấm áo tả tơi.”1

Thiên Chúa đã chẳng hóa thân thành con người trong Đức Giêsu dưới cái nhìn và cách đối xử khinh miệt của thiên hạ như thế sao? Không chỉ bản thân Ngài bị khinh rẻ, mà còn ngay những gì thân thuộc với Ngài như cha mẹ, anh em bà con (x. Mt 13, 55), quê hương xứ sở (x. Ga 1, 46), và cuối cùng Ngài còn bị loại trừ như một tên vô lại (x. Ga 18, 40).

Để tìm thấy Chúa trong đời sống hằng ngày không phải là muốn làm những hành vi nỗi bật hay những công việc cao cả trước mặt thiên hạ, nhưng là ân cần tiếp nhận đời sống thường nhật qua những bổn phận nhỏ nhặt, dù thuận lợi hay bất trắc thì cũng một tình yêu hết mình như Chúa Giêsu ngày xưa. Chính Ngài cũng đã dạy hãy giữ mình, đừng tỏ ra công chính trước mặt người đời... (x. Mt 6, 1-6; 16-18). Muốn làm gì khác với bổn phận hiện tại đang ràng buộc ta “ở đây và bây giờ” (hic et nunc) là muốn phủ nhận ơn gọi hiện diện một cách sống động và sâu xa của mình ngay trong hiện tại. Từ đó, ta xác tín thâm sâu rằng: Thiên Chúa, Đấng đang ẩn mình trong ta, mời gọi ta cũng hãy biết luôn ẩn mình trong Ngài; Đấng đang âm thầm hành động trong ta qua mọi sự, mời gọi ta cũng hãy âm thầm hành động trong Ngài qua mọi điều.

4. NHÌN NGẮM CHÚA GIÊSU TRONG ĐỜI THƯỜNG

Tình yêu đích thực là chính ý nghĩa cao cả của một đời sống, mà chính Thiên Chúa đã đến xác lập và mạc khải nơi Đức Giêsu, Đấng đã sống thân phận làm người như mọi người. Ngài đã sống cuộc đời thật âm thầm, giản dị, nghèo khó, khép mình vào một nơi, cố định vào một thời, ẩn mình vào một chỗ, với tính bất tất và giới hạn của mọi sự. Thật nghịch lý khi ta thấy Ngôi Lời nhập thể đến để nói cho ta biết về Thiên Chúa vô hình bằng cách im lặng trong suốt 30 năm trời. Rồi trong những ngày tháng phải sống công khai vì nhận ra ý Cha, Ngài cũng chịu phép Rửa như bao người tội lỗi muốn tỏ lòng thống hối.

Đáng lẽ với tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu phải giãi bày cho biết về mầu nhiệm của sự dữ, của đau khổ, và nhất là những oan khiên mà những người vô tội phải gánh chịu thảm thương, đang khi kẻ ác nhân vẫn phè phỡn sung sướng suốt đời. Đó là những điều mà bao người đang khao khát muốn nghe, nhưng rồi không những Ngài không nói rõ, mà chính Ngài cũng im lặng trước những kẻ dã tâm, vu khống và hành hình Ngài cho đến chết, và là cái chết ô nhục nhất. Đến khi phục sinh Ngài cũng âm thầm ra khỏi mồ, không kèn không trống, không ầm ĩ báo tin cho toàn dân để cho những kẻ ác nhân phải bẽ mặt, nhưng chỉ hiện ra cho những người thân cận trong phút chốc rất tinh tế, nhẹ nhàng và kín đáo.

Những hành vi tối thượng đó còn gì là trọng đại, nếu Đức Giêsu không sống “cái tiềm ẩn” của mọi cuộc đời lao nhọc. Tính cách đó có ý nghĩa và giá trị gì nếu không được thúc bách bởi tình yêu, là chính ý nghĩa của đời Ngài, và cũng là chính ý nghĩa của đời ta. Như khi Philipphê hỏi Ngài: “Thưa Thầy, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” (Ga 14, 8). Đức Giêsu không chỉ mà lại nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14, 9). Câu đó cần được hiểu như sau: “Ai chịu khó tìm hiểu về tình yêu hàm ngụ trong đời sống tiềm ẩn của Ta, người ấy có thể chiêm ngưỡng nét vô hình của Chúa Cha, vì nét vô hình đó cùng bản tính với tình yêu tiềm ẩn nơi Ta”2.

Thiên Chúa là gì nếu không phải là TÌNH YÊU tiềm ẩn ở trong ta. Ngài có mong mỏi gì khác hơn là bộc lộ tình yêu đó trong mọi sinh hoạt rất bình thường của đời sống ta. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu cũng đã mong mỏi thể hiện và đã hoàn thành (x. Lc 12, 49-50). Nhận ra ý nghĩa thâm sâu ấy nên Thánh Phaolô đã mạnh dạn tuyên bố: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cor 13, 1-3). Có được gì chăng nữa trong cuộc đời này rồi cũng mất, chỉ có tình yêu mến không bao giờ mất được, vì nó là ý nghĩa và là thực tại của đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Đó chính là nền tảng của linh đạo “làm những việc nhỏ nhất trong đời”, mà cả đời thánh Têrêxa de Lisieux đã sống. Thánh nữ cũng chỉ làm những việc nhỏ nhặt, xem ra tầm thường, nhưng với một tình yêu phi thường, và đã dành trọn tình yêu của mình cho Chúa và cho tha nhân qua mọi công việc điều đặn thường ngày. Đời sống của Thánh nữ đã minh họa một cách sống động lời của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31). Câu này đã trở thành châm ngôn của đời sống Kitô giáo, đi liền với câu gửi tín hữu Colossê: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (3, 17).

Ý hướng và tâm tình đó sẽ biến thành niềm vui nội tâm, và khiến cho mọi việc chúng ta làm có một ý nghĩa trọng đại. Do đó, chúng ta có một xác tín thâm sâu rằng: đời sống mới của chúng ta hiện đang được ẩn giấu trong Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, và khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang (x. Cl 3, 3-4).

Tính đều đặn, trung thành, âm thầm, là đặc điểm của đời sống thiêng liêng. Thường xuyên khuấy động và ham thích những điều mới mẻ chỉ làm phân tán năng lực và xáo trộn tâm hồn, làm đứt đoạn đời sống nội tâm. Chính đời sống đơn điệu thường nhật giải thoát tâm hồn khỏi những lo lắng thái quá để ta biết chú tâm vào những chuyện quan trọng hơn, được sống gần Chúa hơn. Chúng ta chờ tĩnh tâm, chờ các lễ lạc, chờ các giờ đạo đức để sống gần Chúa hơn trong khi Chúa ở với chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta quá bận rộn nên bị phân tán không còn nhận thấy điều đó. Chúng ta thấy mình quá quan trọng nên phải ôm đồm và bao thầu mọi thứ, nên không thấy Chúa đang ở trong công việc hằng ngày của mình. Chúng ta không để cho tâm hồn mình được yên tĩnh, để rồi lúc cần đến tâm hồn nhất thì lại thấy tâm hồn đã quá héo hon.

5. ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

Đành rằng sứ mạng Kitô hữu là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14), nhưng không phải là ánh sáng để ta nổi bật bản thân mình, nhưng là ánh sáng Thần Linh đổ vào tâm hồn ta, để khai mở cho mình một cái nhìn mới về cuộc đời, một cuộc đời tiềm ẩn trong những cái giới hạn, nhưng với một tình yêu vô hạn, và qua đó Thiên Chúa được nhận biết. Ánh sáng mà người Kitô hữu phải minh chứng là ánh sáng Phúc Âm khai mở mật nhiệm của đời sống đích thực. Cũng như Chúa Giêsu đã chấp nhận sống một cuộc đời mà ý nghĩa của sứ mạng đó luôn tiềm ẩn. Ta cũng phải chấp nhận tình trạng không thể thấy ngay, và thấy hết ý nghĩa nơi những việc mình phải làm. Và rồi cũng như Chúa Giêsu khi phục sinh đã làm bùng vỡ ý nghĩa đời sống ẩn dật của Ngài, thì sự phục sinh của ta cũng được bắt đầu từ bây giờ, sẽ được biểu tỏ trọn vẹn trong ngày sau hết, cũng sáng lên rực rỡ ý nghĩa của những gì mình đã sống, đã làm trong âm thầm vì tình yêu trong bóng tối của cuộc đời mình.

Thật ra, không phải đợi tới ngày sau hết, nhưng những gì là tốt lành, thánh thiện, cũng đều hiển hiện một cách nào đó mà mọi người đều có thể thấy. Nhưng đó không phải là điều ta muốn làm để minh chứng cho bản thân mình, mà là điều Thiên Chúa muốn dùng lấy để biểu lộ chính Ngài, hầu “những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2, 35). Tất cả mọi sự đều dành cho vinh quang Thiên Chúa. Chẳng ai xứng đáng gì để đòi hỏi công trạng. Một cuộc đời âm thầm trong bóng tối, bị quên lãng, cũng chính là thân phận bèo bọt của con người. Con người là như thế trong chính nó, nhưng Thiên Chúa đã mặc cho nó một ý nghĩa vô song từ chính tình yêu Ngài, để trong tình yêu đó con người trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mang lấy chính thân phận của con người, và nhờ đó con người trở thành người con Thiên Chúa trong Ngài.

Hãy đón nhận đời thường với tất cả tình yêu. Đó chính là ánh sáng Chúa soi chiếu qua cuộc đời ta, để ta luôn có thể cởi mở trước tất cả những gì có thể sinh ra. Sinh ra, là thoát thai khỏi hư vô, khỏi sự tối tăm của hỗn mang. Hẳn nhiên, ta đã được sinh ra một lần trong đời, nhưng đó mới chỉ là lần sinh thứ nhất. Mỗi ngày ta còn phải được sinh lại trong chính mình, vì Thiên Chúa luôn khơi dậy trong ta một sự sống mới, sự sống viên mãn của chính Ngài. Để từ đó ta thoát khỏi cảnh hư vô của chính mình: hư vô của một cuộc sống đầy những cám dỗ và ham muốn sống một cách khác thường, ngoạn mục, để nêu cao bản thân mình, để thỏa mãn tham vọng chinh phục và bành trướng cái “tôi” ảo tưởng của mình. Tình cảnh hư vô đó sẽ làm xơ cứng tâm hồn, không còn khả năng triển nở và sáng tạo những giá trị thật sự và riêng biệt của mình. Bởi vậy, Blaise Pascal đã than vãn khá bi quan: “lòng người sao mà sâu thẳm và đầy hôi thối”.

Để cho tình yêu bùng cháy lên trong ta, cần có lửa Thánh Linh nung nấu trong bó củi khô. Bó củi khô là một tâm hồn khao khát Thiên Chúa đến cực độ qua toàn bộ những sinh hoạt trong đời sống ta. Nếu con người được dựng nên do Tình Yêu, thì cũng được cứu độ bằng Tình Yêu. Chính tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống này được làm nên dồi dào hơn cho chúng ta trong từng giây phút là do tác động yêu thương của Thánh Linh.

Cuối cùng, sự sống hay tình yêu chỉ còn là một. Lẽ sống siêu vượt của chúng ta là để cho “sự sống-tình yêu” đó lớn lên và lan tỏa tràn đầy trong đời thường của mình, bằng cách lắng nghe và hành động theo sự thôi thúc của Thánh Linh. Chính ở trong Ngài, chúng ta mới có sự xác tín thâm sâu về đời sống cao cả của mình trong mọi việc nhỏ nhặt hằng ngày. Chỉ ở trong Ngài, chúng ta mới thực sự khám phá và sáng tạo không ngừng, hầu làm nên một cuộc sống đích thực, nhưng cũng rất huyền nhiệm như Chúa mong muốn. Đó chính là niềm vui bất tận cho mỗi người chúng ta, đã được khởi đầu ngay từ hôm nay trong cuộc đời thường, để đi vào vô tận trong cuộc sống vô biên.

Lạy Chúa!

Có những điều con coi thường thì Chúa lại coi trọng. Có những điều con coi trọng, thì Chúa lại coi thường.

Con đánh giá cao những việc lớn lao, còn Chúa lại đánh giá cao những điều nhỏ bé.

Con muốn làm nên những công trình cho Chúa, nhưng Chúa chỉ muốn làm nên đời sống con.

Con muốn dâng Chúa những thành quả sáng giá, nhưng Chúa chỉ muốn trái tim con.

Con muốn thấy được những điều con làm, nhưng Chúa lại muốn con làm những điều con thấy được.

Con ao ước thực hiện những điều lạ thường, nhưng Chúa chỉ yêu quí những điều bình thường.

Chúa lạ quá!

Chúa không giống con, và con biết rằng, con chỉ là con khi con trở nên giống Chúa.

Xin cho con ngụp lặn vào trái tim Chúa để con có thể thấy như Chúa thấy, và nhờ đó biết yêu lấy cuộc sống đời thường, vì Chúa đang sống trong con để yêu lấy những gì con đang sống
. Amen.
 
Ái hữu hình : một chướng ngại
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
03:41 18/04/2008
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

VẤN NẠN CỦA ĐỨC KITÔ:

“ Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” ( Ga 14, 8 ). Bắt nguồn từ DoThái giáo, niềm tin Kitô giáo cho hay rằng hạnh phúc thật là được chiêm ngưỡng thánh nhan Thiên Chúa. Thế mà xưa nay chưa từng có ai nhìn thấy tôn nhan Thiên Chúa mà còn sống. Ngay cả Môsê, vị ngôn sứ vĩ đại, người được ưu tuyển đàm đạo với Giavê diện đối diện mà cũng chỉ được phép nhìn thấy Thiên Chúa phía sau lưng Người ( x.Xh 33,21-23 ). Và chúng ta đừng ngạc nhiên trước lời yêu cầu của Philipphê. Tuy nhiên chúng ta cần phải ngạc nhiên với câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” ( Ga 14, 9 ). Trong thân phận con người, cái yếu tố hữu hình, một trong những yếu tố của nhân tính mà Con Thiên Chúa đón nhận khi nhập thể đã trở thành chướng ngại.

“Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” ( Ga 10, 33 ). Giả như Chúa Kitô nhập thể, nhập thế trong thời đại hôm nay thì số phận của Người sẽ không khác xưa. Đấng vô hình lại ở trong kiếp hữu hạn, hữu hình ư ? Đấng sáng tạo lại mang kiếp được tạo thành, mong manh sao ? Thật khó mà chấp nhận cũng như đón nhận. Ngay cả các môn đệ, các tông đồ, ở với Thầy bấy lâu nay mà vẫn chưa biết rằng Thầy với Chúa Cha là một. Dù đã tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống, nhưng trong tâm trí các tông đồ lúc bấy giờ thì Thầy cũng chỉ là một con người được Thiên Chúa sai đến, hay là một đại ngôn sứ mà thôi. Tâm trí các ngài còn nhiều tăm tối u mê, không thể hiểu nổi lời của Thầy cũng như căn tính của Thầy cho đến khi Thầy phục sinh từ cõi chết và Thánh Thần được trao ban ( x.Ga 16,13 ). Cho đến tận thế, với người chưa tin, Đức Kitô Giêsu dù “là viên đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường mãi vẫn là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã” ( x. 1 P 2,7-8 ). Nhập thế vào đời, Chúa Kitô là hình ảnh của Chúa Cha. Đã là hình ảnh thì tồn tại sự hạn chế của cái khả giác.

VẤN NẠN CỦA HỘI THÁNH:

Tôi tin Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô. Tôi tin Hội Thánh là Hiền Thê tinh tuyền xinh đẹp của Đức Kitô. Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… Những lời tuyên xưng trên đây phải chăng đã được chấp nhận và đón nhận cách dễ dàng với tất cả những người tin vào Đức Kitô ( Công giáo, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin lành ) ? Với người khác niềm tin, khác chính kiến thì đã rõ. “ Chúa Kitô loan báo Nước Trời và Hội Thánh lại đến !” Câu nói hàm chứa sự mỉa mai lẫn sự chê bai, ngờ vực của một văn sĩ thế kỷ ánh sáng khiến chúng ta nhận ra vấn nạn luôn còn đó. Nhìn chung vấn nạn thường xoay quanh tính hữu hình của Hội thánh Chúa.

Giáo lý Công giáo nêu rõ: “Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, không hề phạm tội, chỉ đến để đền tội cho dân; còn Hội Thánh, vì ôm ấp trong lòng những kẻ tội lỗi, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh luyện mình. Do đó, Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân. Tất cả các chi thể của Hội Thánh, kể cả các thừa tác viên, phải tự nhận là người tội lỗi…” ( GLCG chung số 827 ). Quả là một mầu nhiệm không dễ thấu đạt. Với anh em ngoài Hội Thánh thì càng khó hơn nhiều. Hội Thánh là hiện thân của Đức Kitô theo dòng thời gian. Thế mà nhiều khi chân dung Đức Kitô lại bị biến dạng do bởi một số chi thể “què quặt hay mù loà về tâm linh lẫn nhân cách” hoặc do bởi cái cơ chế đã có khi mang dáng vẻ quá trần tục của Hội Thánh. Các chướng ngại hay cớ vấp phạm xuất hiện do bởi các nguyên nhân khách quan cũng có nhiều mà do bởi các nguyên nhân chủ quan cũng không thiếu.

VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI:

Vấn nạn của cái khả giác dường như là muôn thuở. Làm sao để vượt qua nó ? Chúa Kitô đã khai mở: “Nếu ta không làm các việc của Cha Ta thì các ông đừng tin Ta. Còn nếu Ta làm các việc đó thì ít ra hãy tin các việc Ta đã làm” ( Ga 10,37-38 ). Những việc của Đức Kitô thực hiện là dẫn đưa nhân loại đến cùng sự thật, đến cùng sự sống, vì Người “là đường, là sự thật và là sự sống” ( Ga 14,6 ). Người đến thế gian này “là để làm chứng cho sự thật” ( Ga 19,37 ). Chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và cho chúng ta được sống và sống dồi dào ( x.Ga 8,32; 10,10 ).

Tuy nhiên một thực tế thật khó phủ nhận vẫn tồn tại. Đó là rất nhiều người đương thời với Chúa Giêsu đã nghe lời chân lý của Người, đã chứng kiến các kỳ công vừa cao cả vừa đượm đầy tình yêu của Người, vẫn chưa hoặc không biết Người và tin nhận Người. Chúa Giêsu đã mở thêm một con đường mới, có thể nói là con đường tuyệt hảo cuối cùng, đó là chịu treo trên thập giá và tuôn ban Thánh Thần từ Trái Tim Cực Thánh của mình. Ngay đêm tiệc ly, sau khi rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho các ngài: “ Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu” ( Ga 13,18-19 ). “ Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm” ( Ga 19,37 ). Và “ Khi các ông giương Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết Ta Hằng Hữu” ( Ga 8,28 ). “ Phần Ta, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” ( Ga 12,32 ). Với tình yêu được trao ban, một tình yêu không điều kiện, một tình yêu không quản ngại hiến dâng của Đức Kitô thì chúng ta mới có thể thốt lên như Tôma: Lạy Chúa, Lạy Thiên Chúa của con. Quả thật nói như lời thánh Tông Đồ dân ngoại rằng không ai có thể tuyên xưng Đức Kitô là Chúa nếu không được Thánh Thần thúc đẩy.

Trở lại với chuyện của Hội Thánh. Trò không thể hơn thầy. Để Hội Thánh ngày càng trở nên bí tích của Đức Kitô cách khả tín và hữu hiệu hơn, thiết nghĩ rằng mỗi phần tử của Hội Thánh cần can đảm đối diện với sự thật, sống trong sự thật đồng thời tích cực thực thi công lý và tình yêu. Tuy nhiên, xin đừng quên chính khi bị đâm thâu cạnh sườn, chính khi bị treo lên cao để cho tình yêu tuôn ban thì đó mới là lúc căn tính của Hội Thánh được hiển lộ cách rõ nét. Chính khi bị nguyền rủa, chúng ta vẫn chúc lành; bị bắt bớ chúng ta vẫn yêu thương; bị vu khống, chúng ta vẫn chia lời ủi an, hay nói như thánh Phanxicô Axidi là đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp…( x.1Cor 5,12-13 ), đó là lúc chúng ta làm cho tha nhân thấy rằng không phải ta sống mà là Chúa Kitô đang sống trong ta.

Đức Bênêđictô XVI tuyên bố “ cuộc đời và các hoạt động của các vị thánh đã góp phần to lớn làm nên chân dung Hội Thánh”. Ông Tertulianô khẳng định: “ máu của các thánh tử đạo là hạt giống phát sinh người tín hữu”. Đức Gioan Phaolô II trong ngày tuyên phong hiển thánh 117 vị tử đạo Việt nam đã nhấn mạnh rằng hạt giống ấy là ngoài các vị thánh tử đạo trước đây thì ngày nay là tất cả những ai đang chịu áp bức, bóc lột mà vẫn trung kiên trong niềm tin, là tất cả những ai đang tìm hiểu và sống mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô. Thánh giá bài trừ sự gian dối, bài trừ tội ác và giúp ta sống trong bình an và tha thứ ngay tại môi trường ta đang sống.

Dù là điên dại với người Hy lạp hay là cớ vấp phạm với người DoThái thì thập giá vẫn mãi là dấu chỉ cao cả của tình yêu. Vì không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hiến dâng mạng sống vì người mình yêu ( Ga 15,13 ). Và thập giá Chúa Kitô mãi là nguồn ơn cứu độ. Chính trên thập giá, Chúa Kitô đã trao ban Thánh Thần cho chúng ta từ Trái Tim bị đâm thâu của Người. Xin Thánh Thần Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Nguồn Tình Yêu ở cùng chúng ta, ở cùng Hội Thánh cho đến ngày Đức Kitô quang lâm ( x. Kh 22,17 ). Nhờ Thánh Thần, chúng ta có thể tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa. Với Thánh Thần, chúng ta sẽ làm cho muôn dân nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Kitô và đích thực là Kitô hữu.
 
Con Đường Nào Dẫn Đến Nhà Cha Thân Yêu?
Tuyết Mai
04:14 18/04/2008
Con Đường Nào Dẫn Đến Nhà Cha Thân Yêu?

Có bạn nào không biết bản đồ là gì không nhỉ!? Hay có bạn nào mà chưa từng được nhìn cái bản đồ ra sao nhất là trong thời buổi văn minh và hiện đại này!? Trên một chiếc xe tốt và đời mới hầu hết đều có gắn hệ thống bản đồ để giúp bạn tìm nơi mà bạn muốn đến. Bạn chỉ cần đánh vào cái địa chỉ thì lập tức hệ thống Bản Đồ sẽ hiện ra rất mạch lạc và rõ ràng cho bạn đi. Sau đó thì bạn chỉ cần đổ cho đầy bình xăng mà tiến thẳng đến nơi mà bạn muốn được đến.

Thế còn Con Đường Để Dẫn bạn và tôi tìm đến Nhà Cha Thân Thương của chúng ta ở Trên Trời thì bằng cách nào? Có ai hân hạnh có được cái bản đồ đặc biệt này không? Bởi tôi cũng đang đi tìm Con Đường Đưa Tôi Đến Nhà Cha Hạnh Phúc của chúng ta đây!

Lậy Chúa! Con đường trần thế của chúng con trên những tấm bản đồ nhìn rất rối mắt và rất chằng chịt thì hà huống gì Con Đường Tìm Lên Trời nếu không ai chỉ dẫn chắc sẽ rối rắm hơn nhiều và không cách nào mà dễ dàng gì có thể tự tìm thấy được.

Thế thì Lậy Chúa! Làm sao chúng con có thể tìm kiếm được Con Đường Hạnh Phúc Vĩnh Cửu đó?

Thuở nhỏ khi bắt đầu đến cái tuổi hiểu biết chút chút đủ để học lớp Giáo Lý "Xưng Tội Rước Lễ Lần Đầu", tôi đã được Chúa tôi dậy cho tôi hiểu rằng trong con người luôn yếu đuối và lắm tội của tôi, Chúa hứa ban cho tôi một Quân Sư luôn hướng dẫn và chỉ bảo cho tôi từng li từng tý một trong suốt cuộc đời trần thế của tôi. Chúa đã dặn tôi một điều rất quan trọng là hỡi con yêu dấu của Cha! Nếu con yêu Cha và muốn sống trọn đời bên Cha thì con phải luôn luôn tuyệt đối nghe lời Quân Sư của con chỉ dậy.

Con yêu dấu của Cha! Chúa yêu con nên không muốn để con phải cô đơn và lạc loài trong một thế giới đầy sự dữ và cám dỗ, có thể lấy mất linh hồn của con mà con sẽ có thể không bao giờ gặp được Cha nữa! Nên con phải thận trọng và để ý chịu khó lắng đọng tâm hồn thì mới nghe được tiếng Ngài Quân Sư của con vì Ngài Quân Sư của con có tiếng nói rất bé. Con muốn nghe được tiếng nói của Ngài là khi con làm điều gì sai Ngài nói cho con biết là điều con làm hay sẽ làm là sai, con phải biết lắng nghe và ngoan ngoãn để nghe lời Ngài và ngưng lập tức tư tưởng và hành động xấu đó! Ngài Quân Sư con còn có một cái tên thật dịu dàng và thật dễ mến nữa là Thiên Thần Bản Mệnh và cũng là Tiếng Nói Lương Tâm của con đó! Cha sẽ ban Ngài cho con suốt cuộc đời trần thế này!

Khoảng 7 năm tiếp theo khi trí óc của tôi lớn đủ Chúa lại ban cho tiếp thụ thêm Ơn Đức Chúa Thánh Thần qua lớp Giáo Lý "Thêm Sức". Nhờ vào Ơn Đức Chúa Thánh Thần đã giúp thêm cho tôi sự hiểu biết và nhận lãnh "Lời" Của Chúa Giêsu một cách tuyên tín hơn. Càng đọc thì tôi càng hiểu được Ý của Chúa tôi hơn tuy cái hiểu của tôi rất đơn sơ và mộc mạc như Chúa đang xuống ơn giúp tôi tất cả những ý tưởng của bài viết này!

Như tôi được hiểu thì Con Đường Dẫn Đến Nhà Cha cũng không khó lắm đâu! Nếu tôi và bạn biết Kính Mến Phụng Thờ Một Thiên Chúa, Giữ Giới Luật Chúa, và yêu tha nhân như yêu chính mình. Hằng ngày làm bất cứ mọi việc như thể làm việc cho Chúa. Biến tất cả những buồn bực và phiền toái thành đóa hoa hy sinh dâng lên Ngài. Tập từ bỏ mọi sự hay tập tích lũy của cải của mình Trên Nước Trời Nơi mà mối mọt không gặm nhấm được. Nơi mà không có trộm cướp hay kẻ gian có thể xâm nhập mà vào lấy được.

Ngoài "Lời" quý báu của Chúa Giêsu và cuộc đời của Ngài là Con Một Thiên Chúa Toàn Năng đã Sinh xuống trần làm người, Chịu chết trên Cây Thánh Giá, và Phục Sinh Lên Trời Ngự Bên Hữu Đức Chúa Cha. Chúa còn ban cho ta Đấng Phù Trợ khi Ngài Về Trời cộng gương sáng của cuộc đời tất cả các Thánh khi các Ngài còn sống và nay cũng đã được Về Trời Hưởng Thánh Nhan Chúa đời đời vô cùng.

"Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với các con rồi; Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Và khi Thầy đã ra đi và dọn chỗ cho các con rồi, Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó. Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi".

Vâng, thưa Lậy Chúa! Đường của Thầy thật chúng con đã biết vì Bản Đồ Về Trời Chúa đã dậy chúng con rất rõ! Ai trong chúng con cũng biết nhưng tại sao lại có người thì được Thầy cho thấy còn có người thì dù Thầy có dùng rất nhiều Dụ Ngôn để mà dậy thì họ cũng chẳng hiểu, chẳng tin, và chẳng thấy gì cả!?

Lậy thưa Chúa! Có phải vì họ quá đam mê những Của Cải trần thế mà tận cùng đáy lòng của họ đã từ chối Ngài, Con Đường của Ngài là Sự Thật và là Sự Sống.

Đây cũng là "Con Đường" Góp Ý thật cụ thể để giúp chúng con Về Nhà Cha Thân Yêu của chúng con:

** Giúp đỡ Ơn Thiên Triệu.

** Cầu Nguyện cho các linh hồn mồ côi bằng cách xin Thánh Lễ.

** Giúp đỡ người nghèo trong mọi hoàn cảnh có nhu cầu.

** Cố gắng Đọc Kinh Mân Côi hằng ngày sẽ giúp xa lánh dịp tội.

** Hãy trở nên như trẻ thơ và sống khiêm nhường.

** Nhịn nhục và chịu đựng để được nên giống Chúa Giêsu.

** Sống như thể ngày mai ta không còn nữa và tự hỏi rồi Linh Hồn sống đời đời của mình sẽ đi về đâu.

** Kềm Hãm Tánh Kiêu Ngạo.

** Kềm Hãm cái tham Danh, Lợi, Thú trần gian.

** Luôn trông cậy vào Tình Yêu của Ngài, đừng nản lòng.

** Luôn Cầu Nguyện với Ngài và Mẹ Ngài để lắng nghe được Ý của Ngài.

** Tập sống có trách nhiệm.

** Cầu nguyện cho mình, gia đình, và toàn thể anh chị em trên toàn khắp địa cầu.

** Cầu nguyện cho Giáo Hội Chúa (Cánh Đồng Truyền Giáo) luôn Kết Hiệp, Đạo Đức, Yêu Thương, là Gương Sáng, cho Thế Giới nhìn vào để biết Chúa đang Sống và Sống mãi mãi trong từng người chúng ta.

Lậy Chúa Nhân Lành! Con Đường Dẫn Đến Nhà Cha Thân Yêu thật cũng dễ và thật cũng khó như chúng con thường nghe xưa Chúa bảo rằng: " Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người giầu vào Nước Thiên Đàng ". Nguyện xin Chúa ban cho chúng con biết sống từ bỏ những gì thuộc về mình mà san sẻ cho anh chị em của chúng con những ai đang sống thiếu thốn, tật bệnh, và khó nghèo, ở chung quanh chúng con và ở khắp mọi nơi.

Xin Ba Ngôi Thiên Chúa luôn Chúc Lành, ban Tình Yêu, và Bình An của Ngài trên chúng con để mỗi ngày chúng con cố gắng sống trong Trách Nhiệm và trong Yêu Thương thì Con Đường Dẫn Đến Nhà Cha chỉ là một Con Đường Duy Nhất mà chỉ có Chúa sẽ đích thân đón chúng con đi ở ngày giờ Chúa Định. Amen.

Y Tá Của Chúa,

Tuyết Mai
 
Bảo hiểm
Lm Vũđình Tường
08:24 18/04/2008
Cuộc sống ngày nay có nhiều loại bảo hiểm khác nhau. Toàn thân có bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khoẻ. Từng phần có bảo hiểm riêng tai mũi họng, chân tay. Thiên về âm nhạc, hội họa có bảo hiểm ngón tay. Biệt tài về thể thao cần bảo hiểm đôi chân. Nhiều năng khiếu về ca hát bảo hiểm cuống họng.

Con người đã vậy, đồ vật và súc vật cũng có bảo hiểm riêng. Bảo hiểm nhà cửa, đồ đạc, vòng vàng, tiền bạc. Ra đường thì bảo hiểm xe cộ. Đến sở làm thì bảo hiểm công việc. Đi xa thì bảo hiểm du lịch. Bảo hiểm lưỡi khi lỡ lời có miệng công ti bảo hiểm lấp liếm dùm.

Ngoài bảo hiểm ra còn có các loại khoá sống, khoá chết, các loại khung sắt, các loại của lưới dầy mỏng, các hệ thống báo động khác nhau giúp giữ bảo vệ người trong nhà và đồ vật. Khoá cửa, khóa cổng vẫn chưa yên, người ta lại nghĩ ra hàng rào tự động, cổng chính cổng phụ. Khách vãng lai muốn vào nhà phải nói qua máy, kẻ trong nhà vừa nhận giọng vừa nhận diện, rồi khai danh tánh và mục đích của cuộc thăm viếng. Đến lúc đó chủ nhà quyết định tiếp hay chối.

Bảo hiểm càng nhiều mức độ an toàn càng cao. Vì mọi sự đều được bảo hiểm che chở, nâng đỡ, bảo bọc cho. Nay mai có công ti bảo hiểm quá khứ ra đời, chắc sẽ đắt khách, vì hiện nay việc đào bới chuyện xưa đang thịnh hành, chuyện cũ trở thành mới. Người chết từ lâu chuyện vẫn sống, được đào bới, mổ xẻ. Mọi phân giải cuối cùng đều qui vào tài chánh.

Về phương diện khác bảo hiểm vì cảm thấy bất an. Nếu an toàn đủ người ta đâu dại chi tiền phí. Mua bảo hiểm tìm an toàn. Trong khi đó người khác cũng bất an nên cũng mua bảo hiểm vì thế khai sinh loại bảo hiểm mới, lại phải mua. Bảo hiểm vì thiếu tin tưởng, không tin nên bảo hiểm cho chắc chắn. Khu vực nào nhiều cổng cao, lắm cửa kín, nhiều khoá, khu vực đó càng nghèo lòng tin, giầu trộm cướp.

Cuộc sống thiếu an toàn trầm trọng đến độ bao nhiêu bảo hiểm cũng không vừa. Càng ngày càng có thêm bảo hiểm mới. Bao nhiêu lần cửa khóa, then cài vẫn không ngăn được gian phi. Vì những gì đến từ bàn tay, khối óc con người đều bất toàn. Người này nghĩ ra được; sẽ có kẻ tìm cách phá được. Cứ thế cuộc sống như một cuộc chạy đua. Chạy cuối con đường này lại bắt đầu đường mới, không bao giờ cùng. Vì là đường mới nên phải học cách chạy mới. Cứ thế cuộc sống đòi luôn phải chạy đua với phát minh, sáng kiến mới cho hợp với đường lối mới.

NGĂN CÁCH

Mỗi loại bảo hiểm là sợi giây trói chặt cuộc đời. Loại khóa mới thắt chặt lòng người. Cửa mới là màn lưới mới ngăn cản tình người đến với nhau.

Càng nhiều cổng người càng xa người. Vì cổng nào cũng có người coi cổng. Lọt được cổng trước chưa chắc đã lọt cổng kế vì cổng trong đòi nhiều điều kiện hơn cổng ngoài.

Càng nhiều khóa con người càng mất tự do trong việc đến với nhau vì đàng sau ổ khoá hay vắng bóng người; may ra được nói với máy.

Càng nhiều cửa lưới con người càng ít thấu hiểu cảnh đói khổ của nhau vì các màn lưới che khuất sự thật xã hội họ đang sống. Tiếng kêu xin tan biến vào khí trời, không lọt qua cánh cổng cài then.

CHỌN BẢO HIỂM

Cứ nhìn vào các loại bảo hiểm được quảng cáo, các loại khoá bày bán trên thị trường, các loại cửa sắt được trưng bày đủ thấy tâm trạng bất an. Người ta lo lắng, xao xuyến vì chọn bảo hiểm cách nào cũng chưa đủ, chưa thoả dạ, yên tâm.

Có một con đường bị đời coi thường, chê bai, chỉ trích, mạ lị vì con đường đó cản ngăn bước tiến trào lưu xã hội. Con đường đó đề nghị khúc rẽ cuộc đời để đổi đời. Vì thế đường đó bị chê là lỗi thời, thiếu văn minh. Đường bị người đương thời coi thường; đời lãng quên; xã hội bạc đãi. Những ai can đảm dấn thân bước đi trên đường đó đều tìm thấy bình an. Đường bảo đảm dẫn đến bình an xác hồn mệnh danh:

Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự sống. (Jn 14,6)

Đây là đường thật vì đường này không do bàn tay, khối óc con người làm nên mà là Thánh Thần của Thiên Chúa.

Ai đi trên Sự Thật sẽ tìm được Sự Sống. Sự thật bất tận, không cùng nên sự sống do sự thật ban tặng cũng bất tử, không cùng. Người dấn thân trên đường sự thật dù gặp khó khăn vẫn vững tin tiến bước. Dù vấp ngã cũng được bổ sức để đứng lên, gặp thất bại lòng không xao xuyến, nhưng bước đi trong tin yêu, phó thác vì cùng đồng hành với Đấng ban sự sống và Cha Ngài.

Con đường thật chỉ có một, đường giả có nhiều nên đường giả cùng lên tiếng phê bình, chỉ trích, áp đảo, khích bác Sự Thật. Tiếng nói của đường giả hiện thời xem ra có vẻ thắng thế. Về lâu về dài, đường giả đưa người đi đến cuối đường, vào ngõ cụt nên cuối ngày người đi đường cảm thấy bất an, lo lắng, cùng đường phải tìm bảo hiểm bảo đảm cho ngày mai. Con đường họ đang đi không đủ bảo đảm cho tương lai nên cần công ti bảo hiểm trợ lực. Công ti bảo hiểm chính nó cũng cần bảo hiểm nên đặt niềm tin vào công ti bảo hiểm không hết lo. Muốn hết lo hãy chọn đi trên đường Sự Thật vì đường này phát sinh nguồn sống và không cần ai bảo hiểm.

TÌM BÀI CŨ :

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Suy niệm Chúa Nhật 5 Phục sinh A Thầy là đường
Lm Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
12:50 18/04/2008
Suy niệm Chúa Nhật 5 Phục sinh A Thầy là đường

Nhiều con đường mang tên những danh nhân, nhưng hình như không ở đâu có một con đường mang tên Chúa Giêsu. Không chỉ là tên cho một con đường, chính Chúa Giêsu là con đường.

Con đường ấy khởi đầu ở máng cỏ và kết thúc ở thập giá. Con đường ấy có 30 năm lao động ở một làng quê vô danh. Con đường ấy có 3 năm nay đây mai đó để kêu gọi người ta sống như con Thiên Chúa và anh em với nhau. Con đường ấy có những giờ phút bi hùng của cuộc tử nạn do bị kết án bất công. Đó là con đường của một người nghèo, một người vô danh, nhưng muốn làm người trong ý nghĩa trọn vẹn nhất. Đó là con người trong ý hướng của Thiên Chúa khi dựng nên con người.

Con đường ấy không chỉ có một chiều dài, nhưng còn có một chiều sâu. Chúa Giêsu đã khởi sự kiếp người với một lời trong thánh vịnh: “Này con đến để thi hành thánh ý Cha.” Chúa cắt nghĩa việc Chúa có mặt ở trần gian: “Tôi từ trời xuống không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi.” Khi đối diện với cái chết trên thập giá, Chúa cầu nguyện: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha.” Chiều sâu ấy chính là Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người.

Đó là con đường không dành cho riêng ai, nhưng mở ra cho mọi người. Con đường ấy dẫn chúng ta từ bên kia máng cỏ và đến bên kia thập giá.
 
Đừng xao xuyến
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
17:09 18/04/2008
Đừng xao xuyến

Một điệp khúc nghe khá quen trong đời sống hằng ngày nhưng lại khó thực hiện nhất trong thường ngày. Một câu nói an ủi, khích lệ hay là một câu nói xác định từ nơi Chúa Giêsu ngỏ lời: “Lòng các con đừng xao xuyến, Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Chắc chắn đây không phải là câu nói an ủi khích lệ nữa vì “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy”, là căn cứ đích xác vào Thiên Chúa đang hiện hữu trước mắt các Tông Đồ trong Chúa Giêsu, câu trả lời ở hẳn một chương 14 về sự xác quyết này. Vậy câu hỏi dành cho các Tông Đồ và cho chúng ta tại sao còn xao xuyến?

Xao xuyến lay động vì con người còn đặt một tương lai hy vọng ngoài Thiên Chúa: Thảm trạng của con người từ nguyên thủy đã là một tìm kiếm những gì không thuộc về Thiên Chúa. Trong vườn địa đàng, cây trái cấm Thiên Chúa đã cảnh giác “ngày nào ngươi ăn nó, tất ngươi sẽ chết” (St 2, 17). Con người đã ăn trái cây cấm ấy, sự chết đã đi vào trong thế gian. Con người chúng ta thật kỳ lạ, ưa thích mạo hiểm một cách như người ta thường nói: “chết vì thiếu hiểu biết”, đổi một tương lai chắc chắn để nắm giữ một tương lai ảo vọng. Cái gì đã khiến con người mê muội như vậy? Bởi một điều đơn giản, con người không muốn “tùy thuộc vào Thiên Chúa”, cho dù đó là Đấng tạo dựng nên mình. Con người, thật là một hữu thể tự do không cùng, tự do khước từ hay đón nhận Thiên Chúa. Trong suốt chiều dài lịch sử niềm tin của dân Do Thái, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa nói qua tổ phụ và các tiên tri những sứ điệp chân thật và yêu thương của Ngài để chỉ mong nơi dân của Ngài đạt được một hạnh phúc không bao giờ mất bằng những lời lẽ như “phải chi, ước gì”: “phải chi các ngươi nghe Ta, đừng mang thần lạ về nhà”, “ước gì khi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa”. Bao nhiêu lần Thiên Chúa phải chi, ước gì qua cách này hay cách khác mà dân Chúa vẫn thích bỏ qua ngoài tai như không nghe, không thấy.

Con người là một hữu hạn thế nhưng ước mơ lại không cùng, cái ước mơ không cùng ấy nếu đặt vào nơi Thiên Chúa thì không có gì mà phải nói, nhưng cái ước mơ không cùng lại cứ muốn ở ngoài Thiên Chúa, đó mới là điều tệ hại, hết tệ hại này đến tệ hại khác mà vẫn chưa thấy đường nuối tiếc ăn năn, sám hối. Con người có một trí khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban tặng, nhưng lại ít người sử dụng ơn khôn ngoan ấy mà tránh xa con đường bất hạnh để đi theo con đường ơn phước. Không thể có hạnh phúc và bình an ở ngoài Thiên Chúa.

Xao xuyến lay động vì con người còn đầy ắp lòng dục xấu xa đê tiện: Bình an tự tại là một bình an sẵn có trong tâm hồn con người, không cần phải thiết lập mà cũng chẳng cần phải tìm kiếm mà điều cần là khơi trong lòng dục. Tại sao không nói theo ngôn ngữ Phật: “diệt dục” để “diệt khổ”. “Dục” bao hàm lòng tham và ước muốn. Lý tưởng và dục vọng là hai điều trái nghịch nhau nhưng dục vọng lại trở thành động năng mạnh nhất để đạt tới mức độ lý tưởng cao nhất, chính vì vậy diệt dục đến trọn bộ thì cũng là diệt mất lý tưởng cao nhất. Vậy dục vọng là gì mà có thể trở thành động lực mạnh nhất để thúc đẩy lý tưởng hoàn thành cao nhất? Dục vọng nơi con người là mãnh liệt nhất bởi vì ước vọng được sống dồi dào và phong phú nhất. Ước vọng sống và phát triển hữu thể sống nơi mình là nguyên nhân dẫn đến dục vọng. Jean Lacroix nói; “ở đâu bản năng nghèo nàn, nhân cách cũng nghèo nàn”. Con người nhiều dục vọng nhất nên con người cũng đầy nhân cách nhất, nhân cách con người được thăng tiến khi con người khơi trong được lòng dục, nhờ con người có lý trí.. Ước muốn sống là ước muốn chính đáng được Thiên Chúa thánh hiến nó, Chúa Giêsu nói “Ta đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết”, nhiều đoạn Thánh Kinh cho thấy dòng chảy của ước muốn này: “như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong” (Tv 42, 2), “như mắt nữ tỳ hướng về tay bà chủ” (Tv 123, 2), Khát vọng hướng về Chúa là khát vọng được sống bởi chính Chúa là cội nguồn sự sống.

Lòng dục là một ước muốn liên tục và dai dẳng nhất trong cuộc đời con người nên cũng khó có thể tránh được những nguy hiểm và sự tàn phá của ước muốn bất chính.

Ước muốn từ nguyên thủy quy hướng về cái đẹp: “cây cấm, ngon lành và đẹp mắt”. Ước muốn từ nguyên thủy xuất phát từ đôi mắt, và Chúa nói: Nếu mắt anh em làm cớ cho anh em phạm tội thì hãy móc con mắt đó đi, thà mất con mắt mà vào nước thiên đàng còn hơn đủ hai mắt mà sa vào hỏa ngục. Chính vì vậy mà người ta nói: “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”

Đôi mắt thèm muốn, dục vọng: Ước muốn này thường thấy thể hiện ở nơi nhiều người nuôi mộng giàu sang, phú quý, thích trang trí cho ngôi nhà, căn phòng, bản thân những món đồ thời trang, dầu thơm, nước hoa, đắt tiền nhất. Khát vọng về cái đẹp không phải là tội nhưng ẩn trong cách chiếm hữu được cái đẹp ấy mới làm nên tội, chính vì vậy từ khát vọng có thể dẫn đến một lòng tham không cùng. Tham mọi cách để giàu, cướp đất của người khác để giàu, nhận lót tay của người khác để giàu, gian dối để giàu, mua quyền bán chức để giàu, mua chính sách ưu đãi đạt được đặc quyền đặc lợi để giàu, trăm ngàn cách xấu xa bỉ ổi để giàu. Giàu do nhờ lao động chân chính ngay thẳng là cách làm giàu được chúc phúc, bởi vì chính họ đang làm cho đời sống của nhiều người được ấm no hơn, hạnh phúc hơn, mang nhiều vẻ đẹp hơn cho cuộc sống. Thế nhưng, cách làm giàu chân chính ấy luôn bị xô đẩy, bị lợi dụng, chèn ép để đi về cùng một phía bất chính. Trong một xã hội thiếu công bằng và minh bạch, người công chính khó có thể làm gì hơn được, mặc dầu vẫn phải nỗ lực và kiên trì. Chúng ta yêu mến những con người chân chính đó, nhờ họ, xã hội cũng còn có những tia hy vọng, những con người ân nhân của đầt nước.

Lòng xao xuyến không vì mình mà vì những người khác: Cơn khát vọng làm giàu đã sục sôi trong lòng rất nhiều người, nó cũng ảnh hưởng tới các tâm hồn non trẻ trong học đường. Học không chỉ để lấy kiến thức nhưng còn mục đích lớn hơn là kiếm được nhiều tiền hơn. Cái khát vọng nung cháy, có nhiều nguyên nhân, bởi thấy cha mẹ lam lũ cực khổ quá, ngày nào cũng nơm nớp lo sợ, thiếu tiền ăn học cho chúng, biết bao nhiêu gia đình nghèo không đủ tiền cho con yên vui ăn học, kinh phí tối thiểu để sống hằng ngày luôn oằn gánh nặng trên đôi gánh kẽo kẹt thường ngày, đã vậy, còn không yên, hôm nay đuổi ngày mai cấm. Phận làm con, chữ hiếu luôn ghi sâu trong tâm hồn Việt, trong hoàn cảnh đau thương ấy, làm sao tránh khỏi những ước mơ làm giàu, giàu cực nhanh để mẹ cha sớm chấm dứt những ngày lao khổ. Chỉ thương chúng, chúng đâu đã biết được bao nhiêu nỗi khổ của những người giàu chân chính đang phải trả giá. Bên cạnh chúng, phim ảnh, trên những chiếc tivi chập chờn màu sắc cũ kỹ, chúng vẫn nhận ra những biệt thự khang trang, những sân golf xanh tươi, những chiếc xe bóng loáng, những quán ăn sang trọng, để nhìn về lại chính mình những xót xa, đau khổ, bởi nhà mình đang mất đất đi để trồng trọt, một ít sào ruộng nuôi thân, một căn nhà lá dù xập xệ. Trong tình trạng đó, ước mơ làm giàu bất chính sao tránh khỏi tâm hồn trẻ thơ nghèo khó. Bên cạnh chúng, những trẻ em đi học xe hơi đưa rước, những cổng trường cao cấp mà chúng chỉ được nhìn hé qua kẽ cổng vào trong, những sân chơi đủ màu sắc cây cỏ hoa, chúng chỉ trách cho mình sinh ra trong cảnh nghèo khó mà không có được những cha mẹ có quyến thế, có địa vị, có nhiều tiền để sống như những trẻ em kia. Bên cạnh chúng, những con người đang vung tiền bạc triệu cho những cuộc vui, còn chúng đang phải đi nhặt nhặn những đồng lẻ qua những bước chân mòn mỏi của trẻ em giúp bố mẹ mưu sinh, tập vé số, những cánh hoa, những thanh kẹo, những chiếc hộp đánh giầy, làm sao có thể thực mơ làm giàu chân chính của mình được? Nhìn những cảnh này, sao không thể lòng xao xuyến được! và bao giờ mới hết xao xuyến?

Không chỉ nơi người phàm mà ngay các Tông Đồ đã được Chúa tuyển chọn đang được huấn luyện cũng khát vọng “Được ngồi chỗ nhất nhì”, để có quyền mà thỏa lòng tham. Lòng tham có thể cũng thấy khi Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”, các môn đệ sợ mất chỗ, sợ mất phần, nên có lần Phêrô cũng hỏi Chúa Giêsu: “Chúng con bỏ mọi sự để theo Thầy, chúng con được gì?”. Được gì và mất gì luôn là nỗi băn khoăn xao xuyến của con người đang bị lòng tham đưa đẩy.

Khát vọng sự sống sau khi đã mất vì phạm tôi. Có thể trách Adam và Eva không, khi những con người đầu tiên đưa nhân loại vào trong chỗ chết? Không, không có Adam và Eva phạm tội thì sự xấu vẫn còn treo đó trên cây trái cấm, Sự xấu, cám dỗ luôn là một thách thức ngàn cân trên sợi tóc trước mắt con người. Tội lỗi đến từ Satan, kẻ chống đối Thiên Chúa đầu tiên đang tranh giành vương quốc của mình, cho nên tội lỗi bao giờ cũng là con mãnh thú man rợ luôn sẵn sàng vùng lên khi con người sa vào chước cám dỗ của chúng. Satan kẻ cầm đầu tội lỗi luôn rình rập chờ đợi, khuyến dụ, quảng cáo để đánh cắp hạnh phúc của con người. Chúng khuyến dụ con người bằng cái đẹp của nhục thể, bằng những kho lẫm, bằng sự kiêu hãnh, bằng tham vọng sống của con người. Có sao được tâm hồn bình an và an lạc khi con người đầy lòng tham bất chính?

Hoán cải ước muốn:

Cần được thanh tẩy ước muốn: Đó là kinh nghiệm của Phêrô sau ngày Chúa Phục Sinh hiện ra cho ông tại bờ hồ Tibêria: “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21 17), trả lời lần thứ ba về việc “con yêu mến Thầy” là cáh hoán cải những gì mà Phêrô đại diện cho các Tông Đồ xưa khi còn theo Chúa đã bội phản. Con yêu mến Thầy và nhận ra rõ ràng “Thầy là đường là sự thật và là sự sống”. Không lẫn lộn, không còn một chút nào xao xuyến vì đã hết bận tâm những gì thuộc về thế gian hư mất này, nên chỉ còn một “lòng yêu mến Thầy’ thay cho tất cả. Vì lòng yêu mến Chúa, con xa lánh tội lỗi, đi trong giáo huấn của Thiên Chúa, vì lòng yêu mến Chúa, con gạn lọc tinh trong ước muốn của con để hướng về Chúa, vì lòng yêu mến Chúa con thực thi đời con theo ý muốn của Chúa. Khát vọng của con là yêu mến chính Chúa trở thanh động lực thúc đẩy con trên con đường làm chứng tá cho Chúa. Đó là kinh nghiệm của Phêrô và của các môn đệ, hoán cải thật sự nhờ động lực yêu mến Chúa, hoán cải thanh tẩy ước muốn là hành vi đầy nhân cách nhất trong lý tưởng của con người. Các Thánh sau này, đặc biệt nơi Thánh Augustine, sau khi trở lại đã viết trong tác phẩm “confession”: “Lòng con khao khát Chúa cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”. Lòng yêu mến Chúa, đừng bao giờ để bị đánh mất: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15).

Cần phải có những tâm hồn hoán cải ước muốn làm giàu của mình, làm giàu chân chính để xã hội người nghèo được hưởng từ những thành quả của họ, cho những trẻ em nghèo khó một tương lai, một hy vọng, một ước mơ làm giàu chân chính. Cho những đôi chân gồng gánh nặng trĩu kia bớt đi những nhọc nhằn, còn có thời gian để ngẩng đầu lên nhìn về phía trước. Cho những con người thấp bé kia còn có những ngày yên vui trên cánh đồng, hát khúc hát đồng quê, nuôi dưỡng tâm hồn Việt, lòng không hề xao xuyến.

Ước muốn Hiệp thông:

Sự kiện trong câu trả lời của Chúa Giêsu: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” một cách diễn tả của hiệp thông. Hiệp thông trong sự sống của Thiên Chúa là một khát vọng trên hết mọi sự, là kết hiệp với Chúa Giêsu. Trong Chúa Giêsu, không có chỗ cho những người chỉ mong độc chiếm, bởi vì sự sống dồi dào và phong phú không phải sự sống đơn lẻ, độc quyền. Con người thường hay thích độc chiếm cho riêng mình như là “hàng hiếm”, “không đụng hàng” để tự tôn vinh mình. Không có “hàng sao” bởi vì con người chỉ là một loài được dựng nên, được mời gọi tham dự vào sự sống của Thiên Chúa: “Nếu Chúa buông tay, mọi sự đều trở thành hư không”, hiệp thông trong những khác biệt trong Nhà của Cha. Hiệp thông là một lời mời gọi “chung sống hòa bình” trong một thế giới toàn cầu mà ngày nay người ta gọi nó là “một thế giới phẳng’. Hiệp thông là cần thiết như người ta hiểu về thế giới phẳng hôm nay, được Thomas L. Friedman diễn tả trong tác phẩm Chiếc Lexus và cây Ôliu”: “Tháp Babel thì sao? Chẳng phải đó là một chủ trương của các nhà toàn cầu hóa chăng? Một thế giới chung cho mọi người, một đồng tiền, một ngôn ngữ, một hệ thống tài chánh? Hợp nhất đồng dạng có thể xây được tháp Babel chăng, một tòa tháp vươn lên tới trời?...” Chác chắn là không vì hiệp thông không bao giờ có ưu thế đặc quyền cho một dân tộc nào, chỉ có một dân thuộc về Thiên Chúa thuộc mọi dân. Đừng xao xuyến tìm chỗ nhất cho mình mà hãy chia sẻ với anh chị em của mình trong niềm hân hoan, đừng tìm lợi ích cho riêng mình, bởi mỗi người và mọi người là anh chị em với nhau, cùng con một Cha trên trời. Toàn cầu hóa là một tiến trình sẽ trải qua những kinh nghiệm để tiến tới hiệp nhất trong sự đa dạng.

Lòng các con đừng xao xuyến! Là một thực tại sống bình an với Chúa, trong Chúa, cùng Chúa Giêsu. Những tại trên Chúa đã sống giữa bao bất công, Chúa cũng đã từng gánh vác với khó khăn trên vai người công chính, Chúa cũng đã từng yêu mến trẻ thơ và nói để chúng đến với Thầy. yêu mén Chúa Giêsu để thực hiện những ước mơ cho người nghèo, yêu mến Chúa Giêsu để kiến tạo đời sống công bằng, yêu mến Chúa Giêsu để thực hiện thế giới trong yêu thương hòa bình.

Đó là một sự thực được thể hiện mỗi ngày qua các bí tích, đặc biệt nhất là Bí Tích Thánh Thể, Chúa hiện diện và đồng hành, chúng ta còn sợ hãi gì, xao xuyến gì nếu lòng chúng ta tin vào Thầy và Cha Thầy và nếu chúng ta yêu mến Thầy, chúng ta sẽ trở nên người mục tử cho thế giới đang cần có hôm nay, chúng ta yêu mến nhau thì chúng ta trở nên môn đệ của Thầy.
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 18/04/2008
MỘT NGỌN LÁ

N2T


Chó đốm con trồng một cây con, và để bảo vệ cây con nên nó dựng một tấm bảng bên cây con, bên trên viết như thế này: “Xin yêu quý cây nhỏ.”

Chó đốm con dựng tấm bảng xong thì về nhà ăn cơm, không lâu sau đó, có một con thỏ đi ngang qua đó, nó nhìn thấy những ngọn lá xanh mượt của cây con, thì vui vẻ dựng đứng hai lỗ tai dài nói: “Ô, những ngọn lá thật dễ thương quá, đúng là nên yêu quý cây con, nhưng mà mình chỉ cần một ngọn lá để làm dấu ngăn đọc sách mà thôi”, thế là nó hái một ngọn lá và cắm đầu chạy nhanh.

Gấu con nhìn thấy cây con cũng dừng chân lại, nó nhìn nhìn cây con, ngửi ngửi, rồi tự nói một mình: “Ô, những ngọn lá thật dễ thương quá, màu sắc rất đẹp, mùi vị dễ ngửi, mình phải hái một ngọn thử xem sao. Nhưng, vì để yêu quý cây con, mình sẽ không hái hai ngọn”, gấu con nhẹ nhàng cắn một lá chồi non, thỏa mãn gật gật đầu, sau đó lắc mông vẫy đuôi bỏ đi.

Trâu nghé đến bên cây con, nhìn thấy dáng cây con rất dễ thương thì rất thích thú, nó đi quang quẩn bên cây con, chặp sau rờ rờ ngọn lá của cây con, sau đó lại rờ rờ thân cây con và không muốn bỏ đi, nó cũng hái một ngọn lá rồi mới mãn nguyện đi về nhà.

Tiếp theo là dê con, khỉ con.v.v...và rất nhiều động vật đi ngang qua đó ai cũng hái một ngọn lá rồi đi. Qua ngày thứ hai chó đốm đến tưới nước cho cây con, cây con nhẵn trụi, ngay cả một ngọn lá cũng không còn.

Không có lá để cây con tự dinh dưỡng mình, cây con làm sao có thể sống được chứ ? Chó đốm con chỉ biết trồng một cây con khác. Lần này, nó cũng dựng một tấm bảng bên cây con, trên bảng viết như thế này: “Xin yêu quý cây con, dù chỉ một ngọn lá cũng xin đừng hái.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Thiên nhiên rất đẹp là để cung cấp cho con người dưỡng khí tươi mát, tâm tình vui vẻ. Nếu thiên nhiên bị phá hoại thì con người cũng sẽ gặp tai họa. Cho nên người yêu mến thiên nhiên thì sẽ không ngại gì mà không bắt đầu từ việc yêu quý hoa lá cỏ cây.

Thiên nhiên và trật tự của nó không phải tự nhiên mà có, nhưng chính Thiên Chúa đã tạo dựng nên nó, như sách Sáng thế ký trong chương đầu tiên đã trình thuật cho chúng ta thấy (Stk 1, 1-31), chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ theo thứ tự hài hòa từ căn bản cho đến hoàn thành trong sáu ngày, tức là trong sáu khoảng thời gian cần thiết cho việc phát triển và hình thành từng thời kỳ của nó, và Thiên Chúa đã chúc phúc cho những gì mà Ngài đã dựng nên.

Chúng ta thử tưởng tượng xem sao, nếu một ngày nào đó trên mặt đất này không còn cây xanh, không còn hoa lá, không còn thực vật nữa thì con người sẽ như thế nào ? Chắc chắn sẽ nóng nãy bực bội, cau có, khó tính và ngộp thở...

“Chúc tụng Chúa đi, này đồi xanh núi biếc,

muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn.

Chúc tụng Chúa đi, kìa hoa lá cỏ cây,

muôn ngàn đời hãy ca tụng suy tôn...” (Đn 3, 75-76)


Các em thực hành:

- Không phá hoại cây xanh, vườn hoa ở nhà thờ, trường học cũng như ở công viên.

- Biết yêu quý và gìn giữ của chung.

- Biết cám ơn Chúa trước và sau khi ăn cơm.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 18/04/2008
CHỦ NHẬT V PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 14, 1-12.

“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”

Bạn thân mến,

Dù bạn đi đâu, xa hay gần, thì cuối cùng bạn cũng sẽ trở về nhà trên con đường mà bạn đã ra đi, đó có thể là con đường nhỏ trong hẽm ít xe cộ, hoặc con đường lớn lắm người qua kẻ lại, bởi vì nếu không có con đường ấy thì bạn không thể dễ dàng đi ra với thế giới bên ngoài.

Chúa Giê-su không những là người dẫn đường, mà còn là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, con đường này có được là do sáng kiến yêu thương của Chúa Cha, sự vâng phục của Chúa Giê-su và sự cộng tác của Đức Mẹ Maria, cho nên nó trở thành con đường duy nhất để đi vào ràn chiên là Hội Thánh và sẽ viên mãn hạnh phúc trong Nước Trời, nơi Chúa Giê-su –lúc này- không còn là con đường nữa, nhưng là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, là nguồn an ủi và hạnh phúc của những người thiện tâm, trung thành và tuân giữ giáo huấn của Ngài.

- Bạn và tôi đang đi trên con đường mang danh là Giê-su này với hành trang là đức tin, đức cậy và đức ái, trên con đường này bạn và tôi gặp rất nhiều thử thách về đức tin khi mà cuộc sống hưởng thụ vật chất xem ra đã đánh bại cuộc sống tâm linh.

- Trên con đường này bạn và tôi –có lúc- cảm thấy thất vọng vì niềm tin của mình, khi mà có những mục tử không chu toàn bổn phận và trở thành gương mù cho người khác; khi mà có những người Ki-tô hữu trở thành những người sống như không có đức tin giữa một xã hội dối trá và mất phương hướng...

- Trên con đường này bạn và tôi cũng gặp thử thách lớn về vấn nạn yêu tha nhân như chính mình, khi mà ai cũng bo bo lo cho bản thân mình được sung sướng thoải mái, mà không màng đến người bên cạnh đang đói ăn...

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su là con đường -con đường sự thật và chân lý- dẫn chúng ta đến cùng Chúa Cha. Nếu đi trên con đường này mà bạn và tôi không gặp thử thách thì sẽ không thể có hy sinh, mà không có hy sinh thì sẽ không có thánh giá của Chúa, không có thánh giá thì sẽ không có sự chết, và đương nhiên là cũng sẽ không có sự phục sinh với Chúa Giê-su. Bởi vì không có con đường nào mà không có chông gai, không có đá sỏi, không có ổ gà và những cỏ dại ven đường !

Đi trên con đường Giê-su bạn và tôi phải có tin, yêu và hy vọng thì mới bền đỗ đến cùng, bởi vì con đường này sẽ dẫn chúng ta đến với Chúa Cha và cùng chung hưởng hạnh phúc trong Nước Trời với Thiên Chúa Ba Ngôi và các thánh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:33 18/04/2008
N2T


28. Chúng ta nên tham dự thánh lễ hằng ngày, rước lấy bữa ăn tối (Thánh Thể) thần kỳ, như thế, thân thể của chúng ta sẽ dần dần biến thành thân thể của Chúa Giê-su, thần mà hóa ra tôi.

(Thánh Nilus the Eldes)
 
Kinh Lạy Cha (6): Lương Thực Hằng Ngày
Vũ Văn An
21:15 18/04/2008
Kinh Lạy Cha (6): Lương Thực Hàng Ngày

Khi cầu cho chính bản thân chúng ta, thì lương thực đến đầu tiên. Ai bảo Chúa đến thế gian chỉ để đưa ta về trời? Người chăm lo đến cả cái ăn cái mặc của ta, vì dù chưa đọc câu “có thực mới vực được đạo” của Đông Phương, chính Người đã tạo ra nội dung và tính chính đáng của câu nói đó.

Hôm Nay, Ngày Mai, hay Siêu Bản Thể

Bản Kinh Lạy Cha của ta hiện đọc câu này như sau: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” và câu này đã ở trên môi miệng chúng ta lâu đủ để ta quên khuấy là cách nay hai hay ba chục năm nó không đọc như thế mà đọc là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”. Các bậc tiền bối trong đức tin Việt Nam của chúng ta chắc chắn có lý khi dịch lời cầu xin của tiếng La-tinh, vốn là lời cầu xin chính thức trong phụng vụ, Panem nostrum quotidianum da nobis hodie (Liber Usualis, Desclee & Co, 1959, tr.6) như vừa kể. Một lối dịch hết sức thóat nghĩa, không hẳn chỉ giới hạn vào lương thực mà vào mọi nhu cầu, không phải nhu cầu hiện tại của ngày hôm nay mà là nhu cầu hàng ngày của mọi ngày.

Nói như thế đủ hiểu ý nghĩa lời cầu xin này không hẳn đơn giản như người ta tưởng. Ngay trong tiếng Anh, cũng có nhiều lối dịch lời cầu xin này khác nhau. Phần lớn các bản tiếng Anh đều dịch là Give us this day our daily bread (Xin Cha cho chúng con hôm nay bánh ăn hàng ngày). Tuy nhiên, dù bản Revised Version cũng dịch như trên, nhưng lại ghi chú bên lề một lối dịch khác là our bread for the coming day (bánh ăn cho ngày sắp đến). Bản New English Bible cũng dịch tương tự là our bread for the morrow (bánh ăn cho ngày mai). Lại có bản như bản The Twentieth Century New Testament dịch là give us today the bread that we shall need (xin Cha cho chúng con hôm nay bánh chúng con cần) na ná như bản của các tiền bối trong đức tin Việt-Nam.

Có người cho rằng trong bản Latinh Cũ tức bản có trước Bản Phổ Thông, thuật ngữ panem nostrum quotidianum (bánh ăn hàng ngày) đã được sử dụng. Tuy nhiên, khi san định lại bản ấy để soạn ra bản Phổ Thông, Thánh Jerome đã không duy trì thuật ngữ ấy mà đổi thành Panem nostrum supersubstantialem (bánh ăn siêu bản thể). Lối dịch này hiện vẫn còn được duy trì trên cả hai bản Phổ Thông Cũ và Mới. Supersubstantialis nghĩa là gì? Chắc chắn không phải chỉ có nghĩa bánh ăn do tay người, bánh ăn thể lý, bánh vật chất, thuộc chất liệu thế gian. Bản thánh kinh Rheims của Công Giáo cũng theo cách dịch này và chính Wicliffe cũng theo lối này nữa. Đức Ông Ronald Knox của Giáo Hội Công Giáo Anh và Wales tuy dịch câu này như hầu hết các bản tiếng Anh khác nhưng cũng đã ghi chú lối dịch supersubstantialis của Thánh Jerome, mà theo ngài, có ý ám chỉ Phép Thánh Thể.

Có điều trước sau, phụng vụ Công Giáo vẫn duy trì lối dịch “panem nostrum quotidianum da nobis hodie” đã dẫn ở trên. Điều ấy cho thấy Kinh Lạy Cha trong Phụng Vụ Công Giáo đã có trước cả bản Phổ Thông của Thánh Jerome.Và có lẽ để phù hợp theo phụng vụ chung ấy, mà các vị giám mục Việt Nam thế hệ sau đã đổi từ “hàng ngày dùng đủ” qua “hôm nay bánh ăn hàng ngày”.

Dùng Đủ

Lý do gây ra nhiều lối dịch khác nhau ấy là bởi nguyên ngữ Hy Lạp sử dụng từ epiousios. Cái khó là trong toàn bộ văn chương Hy Lạp, không đâu thấy có chữ này. Cho nên có người cho là soạn giả Phúc Âm Mátthêu (6:11) đã sáng chế ra nó. Khiến cho kẻ hậu duệ chả biết đường nào mà mò ra nghĩa chính xác, vì không có tiền lệ. May mắn là trong các văn kiện thông thường ghi trên giấy papyri như thư tín và sổ sách, trong đó, người ta sử dụng ngữ vựng của người bình dân, ta thấy có chữ ta epiousia (số nhiều) hình như để liệt kê những món cần dùng hàng ngày, giống như bảng ta liệt kê những đồ muốn mua (shopping list). Dù đây chỉ là những bản papyri sao chép (Preisigke, Sammelbuch 5224.20), chứ không phải là bản papyri nguyên thủy, nhưng hạn từ số nhiều này cũng giúp ta hiểu hay đoán ra nghĩa phần nào của hạn từ epiousios.

Đây là một hạn từ ghép gồm giới từ epi có nghĩa là dành cho, hướng tới, bên trên và chữ ousios dưới dạng phân từ. Khổ một nỗi tiếng Hy Lạp có hai động từ rất được năng dùng là einai nghĩa như động từ to be của tiếng Anh (là, hiện hữu), và ienai nghĩa như động từ to come (đến, xẩy đến). Phân từ hiện tại giống cái của einaiousa, còn phân từ hiện tại giống cái của ienai iousa. Chỉ khác nhau một chữ i. Nên không biết giới từ epi được ghép với phân từ của động từ einai (là, hiện hữu) và do đó chỉ điều đang hiện hữu hay với phân từ của động từ ienai (đến, xẩy đến) và do đó chỉ điều sắp xẩy đến. Chính vì thế việc giải thích hạn từ epiousios đong đưa qua lại giữa hai ý niệm đang hiện hữu và sắp xẩy ra.

i. Nếu hiểu epiousios theo nghĩa đang hiện hữu, thì ta sẽ có ba ý tưởng chính sau đây:

-- Lời cầu xin trên xin bánh ăn cho cuộc hiện sinh thể lý của ta, lương thực giúp ta hiện tồn, sống sót, bánh ăn theo nhu cầu ngày này qua ngày nọ.

-- Lời cầu xin ấy cũng có thể có nghĩa xin lương thực cho cuộc hiện sinh yếu tính, cho cuộc hiện tồn thiêng liêng. Nghĩa là xin lương thực ‘siêu bản thể’, lương thực thực sự, chủ yếu, bánh ăn thiêng liêng để nuôi dưỡng và phát triển tâm linh ta.

-- Ta cũng có thể hiểu epi với nghĩa là gần, ngay trong tầm tay. Và lời cầu xin trên có nghĩa là cầu xin cho được các nhu cầu đơn giản của cuộc sống, cho những điều mà ai ai cũng có thể đạt được, ngược với những xa hoa phù phiếm, nghĩa là cho các nhu cầu đơn giản và căn bản trong đời sống.

ii. Còn nếu hiểu epiousios theo nghĩa sắp xẩy đến, thì quả tình lời cầu xin trên xin cho bánh ăn ngày mai.

Có người dựa vào văn phạm Hy Lạp mà cho rằng chắc phải hiểu nghĩa thứ hai. Vì epi mà ghép với ousa thì một nguyên âm phải mất đi và do đó chữ ghép sẽ là epousa. Còn nếu ghép với iousa thì chỉ mất đi một nguyên âm i mà thôi, nên thành epiousa. Và do đó, epiousios có nghĩa chỉ tương lai, sắp đến.

Nhưng không có gì ngăn cản ta hiểu theo nghĩa thứ nhất. Vì Kinh Lạy Cha vốn là lời kinh của người hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng họ thân thương gọi là bố, daddy, abba. Đứa con ấy đâu cần lo lắng đến tương lai. Dù sao, ta vẫn phải cảm phục các bậc tiền bối trong đức tin Việt-Nam vì đã gói ghém tất cả những điều vừa trình bầy trong một câu dịch xem ra quá thoát là “Xin Cha cho chúng con hàng ngày dùng đủ”.

Bánh Xác Bánh Lời

Thánh Augustine hiểu đây là lời cầu xin cho được “Bí tích Mình Thánh Chúa Kitô mà ta chịu hàng ngày” (Aug. Bài Giảng Trên Núi 2.7.25). Ngài cho hay vào thời ngài (thế kỷ thứ năm), có nơi rước lễ hàng ngày, có nơi không (Các Bài Giảng về Gioan 26:15; Thư 54, gửi Ianuarius 2). Riêng ngài, ngài cho là nên rước lễ hàng ngày. Do đó, đây là lời xin cho được bánh Bí Tích trong hiệp thông mỗi ngày với Chúa Kitô và dân của Người. Nhưng nên nhớ: Thánh Augustine hiểu việc rước lễ hàng ngày không phổ quát, do đó, ngoài nghĩa này ra, chắc chắn ngài cũng còn hiểu nó theo nghĩa khác nữa.

Như nghĩa xin cho được lương thực thiêng liêng, nhất là lương thực Lời Chúa trong Thánh Kinh. Thánh Nhân nói rõ lời xin ấy xin cho được “lương thực thiêng liêng, tức các huấn lệnh bảo ban của Chúa mà ta phải suy niệm và đem ra thực hành hàng ngày” (Bài Giảng Trên Núi 2.7.17). Điều ấy cho thấy cuộc sống thiêng liêng của người ta sẽ bị bỏ đói và còi cụt nếu không được nuôi dưỡng hàng ngày bằng Lời Chúa trong Thánh Kinh. Việc đọc và suy niệm Lời Chúa sẽ phong phú hóa tâm và trí ta hàng ngày.

Điều ấy dĩ nhiên dẫn ta tới không ai khác ngoài Chúa Kitô. Vì Người từng phán; “Ta là Bánh hằng sống. Ai đến với Ta sẽ không bao giờ đói và ai tin Ta sẽ không bao giờ khát” (Gioan 6:35). Lương thực hàng ngày của ta không là gì khác mà là chính Chúa Kitô, Bánh hằng sống. Truyền thống Giáo Hội xưa nay rất phong phú về điểm này. Không ai không nhớ những bài ca bất hủ như bài Pange lingua của Thánh Thomas Aquinas trong đó có đoạn:

cibum turbae duodenae se dat suis manibus.

Verbum caro, panem verum verbo carnem efficit:

fitque sanguis Christi merum et si sensus deficit,

ad firmandum cor sincerum sola fides sufficit.

Rồi tự tay Người ban thân Người làm của ăn cho các Tông Đồ

Lời thành Nhục Thân, bánh ăn tự nhiên, Người dùng lời biến thành Xác Thánh

Rượu trái nho Người biến thành Máu Thánh

Điều giác quan không tài nhận thấy, đức tin đủ khiến hồn hiểu ra.

Nghĩa Đơn Giản

Cho nên tất cả mọi ý nghĩa trên đều có chỗ đứng trong lời cầu xin này. Tuy nhiên, không ai ngăn cản chúng ta chỉ hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là xin cho lương thực hàng ngày, xin Chúa ban cho ta những điều đơn giản mà hàng ngày chúng ta cần để duy trì cả xác lẫn hồn. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của những chuyện cao cả, cao siêu, của những biến cố kinh thiên động địa, mà là Thiên Chúa biết chăm lo, săn sóc những đứa con hèn mọn nhất trong những nhu cầu đơn giản, tầm thường nhất của chúng là cái ăn cái mặc, phần hồn, phần xác. Hiểu theo nghĩa đơn giản ấy, ta sẽ thấy mấy điều sau đây:

i. Ta không xin cho con bánh ăn hàng ngày mà xin cho chúng con bánh ăn hàng ngày. Người Do Thái luôn cho rằng “người ta luôn phải liên kết với cộng đoàn trong lời cầu xin”. Việc dùng ngôi thứ nhất số nhiều đã loại tính vị kỷ ra khỏi lời cầu nguyện. Một trong những nét thảm hại nhất của xã hội ngày nay là điều ta có thể gọi là việc chủ yếu hỗ tương coi nhau như không có. Một giai cấp trong cộng đoàn bất cần chuyện xẩy ra cho giai cấp khác, bao lâu các nhu cầu của mình được thỏa mãn. Một nghề nghiệp trong xã hội bất cần chuyện xẩy ra cho nghề nghiệp khác miễn là các nhu cầu của mình được xuông xẻ.Cuộc sống nhiễm đầy tính vị kỷ.

Nhưng người đọc lời cầu xin này phải cam kết sống một đời trong đó họ không được có quá nhiều trong khi người khác có quá ít, một cuộc đời trong đó chiến đấu chống lại nghèo đói và quyết tâm đem bánh ăn đến cho người nghèo phải là các nhiệm vụ không thể thoái thác được của họ. Ai đọc lời cầu xin này mà chỉ nghĩ đến bánh ăn cho riêng mình là không hiểu chút gì về nội dung của nó.

ii. Ta xin là xin cho bánh ăn hàng ngày. Lời cầu xin ấy không khiến ta lo âu nghĩ đến tương lai xa vời; nó bằng lòng với hiện tại và phó thác hiện tại này trong tay Chúa. Chúa Giêsu từng nói: “đừng lo ngày mai” (Mátthêu 6:34). Ngày nào đủ cho ngày ấy. Thánh Gregory thành Nyssa khi bình luận về đoạn này cho hay: “Thiên Chúa như muốn nói với bạn rằng: Đấng ban cho con ngày sống thì cũng ban cho những điều cần thiết cho ngày sống ấy”. Ngài tiếp: “Ai khiến cho mặt trời mọc? Ai làm cho bóng đêm tan biến? Ai cho con thấy tia sáng? Ai vần vũ bầu trời để nguồn sáng rọi chiếu thế gian? Đấng đã ban cho con bấy nhiêu điều cao cả lại cần con phải giúp để cung ứng các nhu cầu thân xác con sao?” (Kinh Lạy Cha, Bài Giảng 4). Không ai cầu lời xin này nếu không sẵn sàng sống từng ngày. Đức Hồng Y Newman vốn cầu xin: “Con không xin được thấy viễn ảnh xa, một bước đã đủ cho con rồi”.

iii. Thánh Gregory thành Nyssa, trong bài giảng vừa trích dẫn, cũng cho rằng đây là lời cầu xin cho có bánh ăn. Người Kitô hữu chân chính không cầu xin những điều xa hoa phù phiếm. Ta không cầu xin của hiếm vật lạ, giầu có sung túc, lụa là gấm vóc, vàng bạc trân châu, bát vàng bát bạc, đất ruộng thẳng cánh cò bay, đại tướng quân vương oai vệ. Ta cũng không cầu trâu bò ngựa pháo, kẻ hầu người hạ, chức cao quyền trọng, cơm bưng nuớc rót, “tối sâm banh sáng sữa bò”, địch đàn ca hát bữa ăn. Nhưng ta chỉ xin bánh ăn. Ngài khuyên ta chỉ nên bám lấy những điều cần thiết. Ngay khi đi quá điều đó, lập tức lòng tham, lòng thèm muốn sẽ xâm nhập biến cuộc sống ta ra sao lãng và buồn khổ. Ngay khi ta muốn nhiều hơn người lân cận và đặt xa hoa phù phiếm lên hàng đầu, đời ta sẽ rơi vào sai lạc. “Một người nào đó sẽ phải khóc than, người lân cận hẳn phải sầu khổ, nhiều người bị tước đoạt sản nghiệp sẽ phải ra khốn khổ, để nước mắt họ có thể góp phần làm cho bàn ăn ta thêm phần hào nhoáng hơn”. Ta chỉ nên xin những điều tầm thường, những điều thiên nhiên có thể lên hương vị. Ta phải hài lòng với chúng.

iv. Có một số đoạn Thánh Kinh có thể giải thích rõ hơn chữ cho trong lời cầu xin này. Chúa Giêsu dạy ta cầu xin: Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày. Nhưng nếu ta đọc câu này xong mà cứ ngồi đó khoanh tay chờ đợi, thì chết đói là cái chắc. Lương thực đâu có tự dưng xuất hiện trên bàn ăn. Thiên Chúa đâu có đút của ăn vào miệng ta. Lời cầu xin không khi nào là phương cách dễ dãi buộc Chúa phải làm cho ta điều ta có thể làm được và chắc chắn phải tự làm cho chính mình. Điều lời cầu xin này dạy ta là không có Chúa, sẽ không có điều ta gọi là lương thực. Chỉ một mình Chúa nắm được bí quyết sự sống, và chỉ có Chúa mới có ơn phúc làm cho một vật sinh động. Không con người nào có thể làm cho một vật sinh động và phát triển. Theo một nghĩa hẹp nhất, mọi lương thực đều bởi Chúa mà ra. Khoa học gia có thể làm ra hạt giống nhân tạo có cùng một cấu trúc hóa học như hạt giống tự nhiên; nhưng điểm khác biệt căn bản là hạt giống nhân tạo không mọc được. Lời cầu xin này do đó cho thấy sự lệ thuộc hoàn toàn của con người vào Thiên Chúa.

Nhưng điều ấy có mặt khác của nó. Muốn có lương thực, ta phải làm việc mà kiếm lấy nó. Nếu hạt giống của Chúa mọc được, thì con người phải cày sới đất lên, chuẩn bị đất đai ấy, săn sóc nó, bồi đắp nó. Ơn Chúa ban phải đi đối với lao nhọc con người. Con người càng lao nhọc, Thiên Chúa càng mở rộng bàn tay và đổ tràn ơn phúc của Người trên họ.

Kết Luận

Cầu xin Cha ban lương thực hàng ngày cùng một lúc nói lên sự tùy thuộc của ta vào Thiên Chúa, niềm tín thác của chúng ta vào Chúa, và thách thức đòi ta phải cố gắng và lao nhọc để đem ơn phúc của Chúa đến với chúng ta, và qua chúng ta, đến với anh em đồng loại của mình. Khi đọc lời cầu xin này, ta tín thác cầu xin Người cung ứng cho ta mọi nhu cầu thể lý và tâm linh ở trong đời, ta cam kết phục vụ anh em đồng loại, và sau cùng ta đoan hứa dùng hết tâm trí và thân xác làm mọi điều có thể làm được để Chúa mỗi ngày một ban nhiều ơn cho ta, giúp ta phong phú hóa đời mình và qua ta, ơn Chúa được chia sẻ với người khác.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC kêu gọi Hoa Kỳ duy trì ngoại giao quốc tế để giải quyết xung đột
Đức Long
03:33 18/04/2008
WASHINGTON- Trong bài diễn văn đọc tại Toà Bạch Ốc hôm nay thứ Tư (16/04/08), ĐTC Biển Đức XVI kêu gọi Hoa Kỳ « duy trì những nỗ lực kiên nhẫn ngoại giao quốc tế nhằm giải quyết mọi xung đột », tuy nhiên ngài không đề cập trực tiếp đến cuộc chiến tranh Irắc mà Toà Thánh trước đây phản đối.

Nhân chuyến thăm viếng này, ĐTC cho biết « Trong truyền thống Hoa Kỳ tỏ ra độ lượng đáp ứng ngay cho các nhu cầu nhân đạo, trợ giúp phát triển và cứu trợ cho các nạn nhân thảm hoạ thiên nhiên ».

« Tôi tin rằng sự quan tâm này của đại gia đình nhân loại sẽ tiếp tục tìm ra tâm nguyện của mình bằng các duy trì những nỗ lực kiên nhẫn ngoại giao quốc tế để giải quyết các cuộc xung đột, tạo điều kiện phát triển ».

ĐTC bày tỏ « hạnh phúc được mọi người dân Hoa Kỳ chào đón » và « được đón nhận sự kính trọng lớn lao trong xã hội rất đa nguyên này ».

ĐTC chúc mừng sự năng động đời sống đạo của người dân Hoa Kỳ, « ngài nhấn mạnh theo lịch sử thì không chỉ là những người công giáo, mà tất cả những người có niềm tin nơi đây điều tìm thấy sự tự do thờ phượng Thiên Chúa phù hợp với lương tâm của mình ».

Đ TC nói thêm: « Trong khi đất nước đang đối mặt với những vấn đề càng ngày càng phức tạp, vấn đề chính trị, luân lý, đây là vấn đề của thời đại chúng ta. Tôi tin rằng trong niềm tin tôn giáo của mình dân tộc Hoa Kỳ sẽ tìm được nguồn ánh sáng quý báu và nguồn động lực để theo đuổi đối thoại có suy tính, có trách nhiệm và tôn trọng để xây dựng một xã hội tự do và nhân tính hơn ».

Đ TC kết luận: « Nguyên xin Thiên Chúa chúc lành cho dân tộc Hoa Kỳ », hôm nay, thứ Tư, ngài mừng sinh nhật 81 tuổi, lúc ngài đến khu vườn Toà Bạch Ôc, rất đông khách mời vây quanh ngài hát mừng sinh nhật « Happy Birthday ».

Đuc Long
 
Lễ đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang, Giáo Xứ ĐMLV, Houston, Texas.
Joseph Ky Nguyen
05:04 18/04/2008
Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Houston, Texas, USA. Hôm nay Chúa Nhật thứ Hai sau lễ Phục Sinh - Kính Lòng Thương Xót Chúa. Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, một trong 4

Giáo Xứ Việt Nam tại Houston, Texas, đã tưng bừng mừng Lễ Kính Lòng Thương

Xót Chúa, đồng thời có nghi lễ đặt viên đá Đầu Tiên xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang của Giáo Xứ, do Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Tổng Giám Mục Giáo Phận

Galveston-Houston chủ tế. và rất đông cấc Linh Mục Việt Nam đồng tế.

Thánh lễ cử hành bên trong căn lều vải vĩ đại với hơn hai ngàn ghế xếp. Thế

nhưng vẫn chưa đủ chỗ cho các giáo hữu đến dâng lễ hôm nay. ĐHY DiNardo rất

vui mừng khi Ngài nói Ngài thấy sao mà nhiều thế, giới trẻ đi dâng lễ nhiều

thế. Ngài ưóc vọng và cầu xin Chúa sẽ tuyển chọn những thợ gặt của Chúa

trong giới trẻ hôm nay và sẽ phục vụ trong Giáo Phận của Ngài. ĐHY cũng nói

hôm nay tôi thấy nhiều Linh Mục Việt Nam quá. Ước gì các Linh Mục này đều ơ

trong Giáo Phận của Ngài. Thực ra, các Linh Mục Việt Nam đồng tế hôm nay đã

đéen từ nhiều nơi trên trái đất này. Từ Canada, từ các Giáo Phận khác ở Mỹ,

và từ Việt Nam nữa.

Sau Thánh Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, đến nghi lễ làm phép đặt viên đá Đầu Tiên xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang, Giáo Xứ ĐMLV trong năm 2007 đã tậu thêm được khu dất rộng 10 mẫu, đối diện với Thánh đường Đức Mẹ La Vang với kinh phí 2.5 triệu dollars, sẽ được xây cất theo họa đô\, ĐHY và toàn thể dân Chúa tiến đến đặt viên đá đầu tiên. Tại đây có tượng Me La Vang, thật huyền diệu, linh thiêng, đứng trên một bàn thờ tạm\, Hai bên có hai bức tượng gắn những bảng tên quý vị ân nhân bảo trợ cho công trình xây cất Linh đài. Và môt hang xeng với nơ đỏ. Tại đây, ĐHY trước Thánh tượng Mẹ La Vang, Ngài đã cầu nguyện và rảy nước thánh, làm phép cho khu đất, Ngài cầu xin cho danh Chúa chiếu rọi khắp trần gian. Và phúc cho những ai đã lao công, chung sức để có mảnh đất này. Linh đài Đức Mẹ La Vang sẽ được xây cất trên khu đất được chúc phúc này, Hôm nay họ đang vui mừng vì thấy công trình xây dựng đã bắt đầu. Rồi chẳng bao lâu nữa, họ sẽ tham dự một bí tích diễn ra nơi Linh đài này. Rồi có ngày sẽ tới, tất cả con dân Chúa, sẽ cùng nhau ca vang khúc khải hoàn trên Thiên Quốc.

Tất cả những sự ấy, chúng con cầu xin Chúa, nhân danh Chúa Kitô, Amen. Tiếp theo ĐHY là Linh mục Chánh xứ, Cha Dominic Huy và các đại diện các đoàn thể, xới đất lên để đặt những viên gạch đầu tiên cho công trình xây dựng này. Trong lúc đó, pháo nổ tưng bừng để chào mừng một trang sử mới của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang. Ước gì nơi đây sẽ trở thành một trung tâm Tôn kính Đức Mẹ La Vang tạo Hoa Kỳ.

Những thời điểm đáng ghi nhớ của Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang, Houston, Texas

** 1982 Khởi đầu có khoảng 30 gia đình

** 1983 Xây nhà thờ trên khu đất 4 mẫu chứa được khoảng 600 người.

** 1988 Xây Hội trường Thánh Mẫu với 15 phòng học, dung cho các lớp Giáo ly và Việt Ngữ.

** 1995 Tậu thêm 0.8 mẫu đất, xây nhà Xứ và văn phòng Xứ.

** 2001 Tậu thêm 5.7 mẫu, xây Thánh đường mới, chứa được khoảng 1500 chỗ ngồi

** 2006 Mua thêm 2 mẫu đất phía đầu Nhà thờ.

** 2007 Tậu thêm 10 mẫu đất đối diện Nhà thờ.

** 2008 Khởi công xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang trên khu đất 10 mẫu kể trên.

** 2008 Hiện có khoảng 1200 gia đình thuộc Giáo xứ do Linh Mục Dominic

Huy, OP. Chánh Xứ.

Joseph Ky Nguyen
 
Obama và Clinton lợi dụng cuộc viếng thăm của ĐGH để ve vãn cử tri Công giáo.
Phụng Nghi
10:18 18/04/2008
Hôm 15 tháng 4, khi Đức thánh cha đến Mỹ, thì hàng trăm ngàn cử tri Công giáo đang chuẩn bị đóng một vài trò thiết yếu trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ vào tuần lễ tới tại bang Pennsylvania, để lựa chọn giữa Hillary Clinton và Barack Obama.

Tòa thánh nhậy cảm trong thời biểu thăm viếng của Đức giáo hoàng, cho biết không muốn “làm xáo trộn tiến trình chính trị nội bộ và địa phương”, đồng thời cũng cảnh báo các ứng cử viên đừng cố “công dụng hóa” Đức giáo hoàng, biến ngài thành một công cụ chính trị.

Nhưng với số người Công giáo ước tính chiếm hơn một phần ba tổng số cử tri trong cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng vào tuần lễ tới, đồng thời cũng là mục tiêu chính yếu của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong những cuộc bầu cử vào mùa thu năm nay, nên mỗi lời phát biểu của Đức giáo hoàng chắc chắn sẽ được xem xét cẩn thận và tỉ mỉ.

Bà Clinton, là người theo đạo Methodist, được sự ủng hộ mạnh mẽ của người Hispanics và người Công giáo thuộc giới công nhân da trắng, đã mau mắn tìm ra được cơ hội phổ biến một thông cáo nói rằng nước Mỹ “được chúc phước” khi đón tiếp Đức giáo hoàng tới thăm.

Bà nói: “Ngài không chỉ là nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Công giáo lớn lao ở Mỹ quốc, mà còn là tiếng nói mạnh mẽ và hữu hiệu cho mục đích hòa bình, tự do, và công lý, cũng như cho cuộc chiến chống nghèo đói và bệnh tật. Cuộc viếng thăm Hoa kỳ tuần này của ngài sẽ rất có tác động.”

Bà được 63% số phiếu của người Công giáo tại Ohio tháng rồi và hy vọng cũng được kết quả tương tự tại Pennsylvania sau khi có lời nhận xét của ông Obama nói rằng những người “cay đắng (bitter people)” trong những bang như thế “cố bám” vào quyền sở hữu súng đạn hoặc là tôn giáo.

Trong mấy ngày qua, ông Obama đã cố hết sức để kéo lại hậu quả của những lời nhận xét như thế, nhấn mạnh rằng ông không tìm cách “hạ thấp” đức tin tôn giáo, vì đó là “bức tường chống đỡ, là nền tảng, khi những chuyện khác không được tốt đẹp”.

Cuộc tranh cử của ông đã sử dụng các người Công giáo làm giám đốc tiếp xúc với cử tri tại Pennsylvania, khuyến khích những người tình nguyện thay mặt ông kêu gọi bạn bè giáo dân, và tổ chức các cuộc “hội họp bàn tròn để lắng nghe ý kiến” của các thành viên Giáo hội.

Ngày hôm qua, ông theo gương bà Clinton, cũng phổ biến một bản tuyên bố nói rằng: “Chủ đề ‘Đức Kitô là hy vọng của chúng ta’của giáo hoàng Bênêđictô XVI trong cuộc hành trình, đưa ra lời an ủi và ơn phước, cũng như đưa ra một thách đố cho các cộng đồng tôn giáo phải đem đức tin vào hành động nhằm tạo được phúc lợi chung.

“Không chỉ có những người Công giáo lắng nghe thông điệp hy vọng và hòa bình của Đức thánh cha; tất cả mọi người Mỹ sẽ lắng nghe với tấm lòng và tâm trí rộng mở.”

Mặc dầu Obama chủ trương ủng hộ quyền phá thai, ông đã được sự ủng hộ của thượng nghị sĩ Bob Casey Jr, một nghị sĩ đảng Dân chủ của Pennsylvania mạnh mẽ phò sinh (pro-life), đã liên kết được với giai cấp thợ thuyền Công giáo, nhờ uy tín của cha ông là cựu thống đốc bang Pennsylvania. Nhưng vẫn còn có những ngờ vực về phía Obama, ít ra không chỉ vì những lời tuyên bố gây tranh cãi của vị mục sự Tin lành người da đen theo chủ thuyết giải phóng là Rev Jeremiah Wright.

Cử tri Công giáo, đã có thời là một thành phần vững chắc của đảng Dân chủ, nay càng ngày càng phân hóa, có lẽ là phản ảnh các chủ trương, chính sách do Vatican ủng hộ, có khi đi ra ngoài đường lối của đảng. Giáo hội ủng hộ việc chấm dứt chiến tranh tại Iraq và bãi bỏ án tử hình, nhưng cũng cực lực chống đối phá thai, nghiên cứu tế bào gốc và hôn nhân đồng tính.

Bill Clinton dễ dàng chiếm được phiếu của cử tri Công giáo năm 1992 và 1996, nhưng vào năm 2000, Al Gore chỉ được hơn George W. Bush có 3% số phiếu của nhóm này. Bốn năm sau, ông Bush, một người theo đạo Methodist, được 52% số phiếu của người Công giáo, trong khi chính John Kerry là người Công giáo lại chỉ chiếm được 47%.

Sự thất cử của ông Kerry tới sau khi có lời tranh cãi đầy cay đắng xem các chính trị gia Công giáo như ông Kerry là người ủng hộ quyền phá thai có nên bị từ chối không cho rước Mình thánh Chúa hay không. Một trong những nhà lãnh đạo giáo hội chủ trương đường lối này là Hồng y Joseph Ratzinger, chỉ một năm sau đó bước lên ngôi giáo hoàng, trở thành Bênêđictô XVI.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tính dục
Nguyễn Việt Nam
10:32 18/04/2008
Buổi trưa ngày thứ Năm 17/04, tại Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Washington DC, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các nạn nhân bị lạm dụng tính dục.

Cuộc gặp gỡ diễn ra với 5 nạn nhân này nằm ngoài chương trình chính thức trong chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha. Ngài đã gặp riêng từng người một trong vòng vài phút.

Những đồn đãi cho rằng Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tính dục đã nổi lên trước khi Đức Thánh Cha đến Hoa Kỳ. Khi được hỏi tại sao một cuộc gặp gỡ như thế không có trong chương trình chính thức, Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, sứ thần Tòa Thánh cho biết một cuộc gặp gỡ như thế nên được tổ chức kín đáo. Các tin đồn càng tăng gia thêm khi trong những ngày đầu tiên của cuộc tông du, Đức Thánh Cha đã nhiều lần đề cập đến tai tiếng thê thảm này.

Đức Hồng Y Sean O'Malley được tin là người đã đứng ra dàn xếp cuộc gặp gỡ này. Ngài đã thuyết phục Tòa Thánh để Đức Thánh Cha viếng thăm giáo phận của ngài – thành phố nơi đã thường được xem là trung tâm của cơn dịch lạm dụng tính dục đến mức Đức Hồng Y Bernard Francis Law, nguyên Tổng Giám Mục Boston đã phải ra đi.

Khi các viên chức Tòa Thánh cho Đức Hồng Y Sean O'Malley biết là chương trình chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã quá dầy đặc, không thể ghé thăm Boston, Đức Hồng Y đã dồn nỗ lực ngài sang việc tìm kiếm những nạn nhân này.
 
Tóm lược vài điểm sứ điệp của ĐTC Bênêđictô XVI tại Washington, D.C.
Giuse Đặng Văn Kiếm
17:05 18/04/2008
WASHINGTON, D.C. - Sáng thứ Sáu 18.4.2008, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI lên đường đi New York, tiếp tục 3 ngày còn lại của chuyến tông du Hoa Kỳ. Sau đây chúng tôi xin tóm lược vài điểm chính sứ điệp ĐTC trao gửi trong 2 ngày qua tại thủ đô Washington, D.C.

God bless America!

Đón tiếp tại sân cỏ phía nam Nhà Trắng sáng thứ Tư 16.4.2008, Tổng thống George W. Bush và phu nhân cùng với sự hiện diện của 13.500 người, chúc mừng sinh nhật 81 tuổi của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Tổng thống George W. Bush: "Chúng tôi cần đến sứ điệp của ngài nói cho chúng tôi biết Thiên Chúa là Tình Yêu."

Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Tôi mong mỏi rằng sự hiện diện của tôi sẽ là một nguồn mạch của canh tân và hy vọng cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ, và củng cố quyết tâm của người Công Giáo đóng góp trong tinh thần trách nhiệm cao hơn bao giờ hết cho đời sống của quốc gia mà trong đó họ tự hào là những công dân… God bless America!”

Quyết liệt tôn trọng sự sống - Loại trừ khủng bố

Sau buổi họp riêng giữa Đức Giáo hoàng và Tổng thống, một thông cáo chung của Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và của Nhà Trắng cho biết hai vị lãnh đạo bày tỏ mối quan tâm chung về việc bảo vệ sự sống con người, hôn nhân và gia đình, đồng thời cũng cầu nguyện cho cơ chế gia đình.

Thông cáo có đoạn viết: “Hai vị tái khẳng định sự quyết liệt hoàn toàn loại bỏ khủng bố cũng như sự lèo lái tôn giáo để biện minh cho những hành vi bạo lực vô luân chống lại những người vô tội. Hai vị cũng đề cập đến sự cần thiết phải đối phó với nạn khủng bố bằng những phương thế tôn trọng nhân phẩm và các quyền con người”.

Cần tiếp tục chào đón người di dân

Chiều thứ Tư 16.4.2008, trong buổi gặp gỡ và cầu nguyện với trên 300 Hồng y, Giám mục và cộng đoàn Dân Chúa tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Quốc Gia, nơi có Nhà nguyện Đức Mẹ La Vang, ĐTC nhấn mạnh truyền thống của nước Mỹ đón tiếp người di dân:

”Anh em Giám mục, tôi muốn khích lệ anh em và cộng đoàn của anh em tiếp tục chào đón người di dân đang gia nhập hàng ngũ của anh em ngày nay, và chia sẻ những vui mừng và hy vọng của họ, nâng đỡ họ trong những sầu muộn và cơ cực của họ, giúp họ triển nở trong quê hương mới. Đó chính là điều mà đồng bào của anh em đã từng làm qua bao thế hệ.”

Cần loại bỏ lối sống duy vật và xu hướng coi tôn giáo chỉ là một sự kiện riêng tư.

ĐTC nhấn mạnh trong bài diễn văn tại Vương Cung Thánh Đường là cần loại bỏ một số hàng rào ngăn cản cuộc gặp gỡ với Chúa.

“Cần phải chống lại mọi xu hướng coi tôn giáo chỉ là một sự kiện riêng tư. Chỉ khi nào đức tin thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, thì các tín hữu Kitô mới thực sự cởi mở đối với quyền năng biến đổi của Tin Mừng”.

“Đối với một xã hội sung túc, một chướng ngại khác cản trở cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống là ảnh hưởng tinh vi của chủ nghĩa duy vật. Dân chúng ngày nay cần được nhắc nhở về mục đích tối hậu đời sống của họ. Họ cần nhìn nhận rằng nơi họ có một niềm khao khát sâu xa đối với Chúa. Họ cần được những cơ hội để uống từ giếng tình yêu vô biên của Chúa.

“Người ta dễ bị cám dỗ vì khả năng hầu như vô giới hạn của khoa học và kỹ thuật mang lại cho chúng ta, và dễ đi tới sai lầm mà nghĩ rằng ta có thể thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất với những cố gắng riêng của mình. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Nếu không có Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta điều mà tự mình chúng ta không thể đạt được (Spe salvi 31), thì cuộc sống chúng ta chỉ là trống rỗng.”

Quyết tâm loại trừ sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

Đây là một vấn nạn mà ĐTC nêu bật lên trong chuyến tông du lần này. Ít nhất 3 lần ngài nhắc tới: lần thứ nhất trả lời phỏng vấn báo chí trên phi cơ từ Rôma tới Washington, D.C., lần thứ hai tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, lần thứ ba trong bài giảng Thánh Lễ tại sân banh Nationals Park, và đặc biệt ngài đã gặp mặt riêng tại Tòa Sứ Thần với 5 người bị nạn lạm dụng tính dục khi còn là trẻ nhỏ.

Trên chuyến máy bay từ Rôma sang Washington, ĐTC nói với các ký giả:

“Thực là đau khổ lớn lao cho Giáo Hội tại Hoa Kỳ và cho Hội Thánh nói chung cũng như cho cá nhân tôi nói riêng là điều đó đã có thể xảy ra. Khi tôi đọc tường thuật của những nạn nhân này tôi thật khó hiểu là tại sao các linh mục có thể phản bội như thế. Sứ vụ của họ là đem đến sự chữa lành, mang đến tình yêu Thiên Chúa cho những trẻ em này. Chúng tôi hổ thẹn sâu xa và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể để ngăn điều đó đừng xảy ra trong tương lai.”

ĐTC nói với các Giám mục tại Vương Cung Thánh Đường:

“Trong số những dấu hiệu phản Tin Mừng sự sống ở Hoa Kỳ và nơi khác có một dấu hiệu gây tủi hổ sâu xa: đó là sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.

“Nhiều người trong anh em đã nói với tôi về nỗi đau khổ hết sức lớn lao mà cộng đồng anh em phải chịu khi giáo sĩ phản bội nghĩa vụ và những bó buộc của Linh mục qua cách hành xử vô luân trầm trọng như vậy...

“Anh em có lý khi ưu tiên chứng tỏ sự cảm thông và săn sóc các nạn nhân. Trách vụ Chúa trao cho anh em như những chủ chăn, là băng bó các vết thương do sự hủy hoại sự tín nhiệm gây nên, thăng tiến sự chữa lành, cổ võ hòa giải và tìm đến những người sai trái trầm trọng như vậy với lòng quan tâm yêu thương”.

“… Trong nỗ lực chống lạm dụng tính dục trẻ em, tất cả mọi người đều có một trách vụ phải chu toàn, không những các cha mẹ, các vị lãnh đạo tôn giáo, giáo chức và giáo lý viên, nhưng cả các phương tiện truyền thông và kỹ nghệ giải trí nữa. Mỗi phần tử trong xã hội đều có thể góp phần vào sự canh tân luân lý và được lợi ích từ sự canh tân ấy”.

Trong Thánh Lễ đồng tế với 400 Hồng y, Giám mục sáng thứ Năm 17.4.2008 tại sân vận động Nationals Park, cùng với sự tham dự của 50,000 người, một lần nữa ĐTC nói:

“Trong bối cảnh niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và lòng trung tin của Chúa, tôi muốn nhìn nhận đau khổ mà Giáo Hội tại Mỹ đã phải chịu vì nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Không lời nào của tôi có thể mô tả hết nỗi đau khổ và tai hại mà sự lạm dụng ấy gây ra. Điều quan trọng là những người đã chịu đau khổ phải được quan tâm chăm sóc về mục vụ trong tình yêu thương.

“Tôi cũng không thể mô tả hết những thiệt hại nó gây ra giữa lòng cộng đồng Giáo Hội. Những cố gắng lớn đã được thực hiện để đối phó một cách lương thiện và tốt đẹp đối ví tình trạng bi thảm ấy, và đảm bảo cho các trẻ em được lớn lên trong một môi trường an toàn, những trẻ em mà Chúa yêu thương sâu xa và là kho tàng lớn nhất của chúng ta”.

Và ĐTC đã khẩn khoản mời gọi chữa lành và hòa giải:

“Những cố gắng bảo vệ trẻ em phải được tiếp tục. Tôi đã nói với các Giám mục của anh chị em hôm qua về vấn đề này. Hôm nay, tôi khuyến khích mỗi người trong anh chị em hãy làm những gì có thể để thăng tiến sự chữa lành và hòa giải, cũng như giúp đỡ những người bị tổn thương.

“Tôi cũng xin anh chị em hãy yêu mến các linh mục của mình và nâng đỡ các vị trong công việc rất tốt đẹp mà các linh mục đang thực hiện. Và trên hết, xin anh chị em hãy cầu xin Chúa Thánh Linh đổ tràn hồng ân của ngài trên Giáo Hội, hồng ân dẫn đến sự hoán cải, tha thứ và tăng trưởng trong sự thánh thiện”.

Cần một nền giáo dục đức tin tôn giáo sâu sắc, linh hồn của đất nước

Chiều thứ Năm 17.4.2008, trong buổi gặp gỡ với hơn 400 Viện Trưởng và các vị đại diện giáo dục tại các Giáo phận trên toàn quốc, ĐTC nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nhà giáo là việc thông chuyển một nền giáo dục đức tin tôn giáo sâu sắc, vì chính đức tin này sẽ trở nên nền tảng nuôi dưỡng linh hồn của đất nước.
 
TT Bush chào đón ĐTC và nói Hoa Kỳ rộng mở đón nhận thông điệp của Ngài
LM Trần Văn Tân
17:36 18/04/2008
WASHINGTON DC -Đám đông đầy nhiệt tình, trên 9000 người, hát vang bài “Happy Birthday” để chào đón ĐGH Benedict XVI hôm thứ Tư 16-4-2008. Tổng thống Bush nói chuyến viếng thăm Toà Bạch Ốc lần này sau 29 năm (từ lần thứ I của ĐGH John Paul II) là một nhắc nhớ để dân chúng Hoa kỳ biết “phân biệt những điều đơn thuần là đúng hay sai”

Trong diễn từ ngắn gọn chào đón ĐGH, tổng thống Bush nói: “Chúng ta cần lời nhắn nhủ của ĐTC để phá bỏ sự độc chiếm của chủ thuyết tương đối (relativism), để giúp chúng ta biết trân quí nền văn hoá công bằng và chân thực, trong một thế giới người ta đã nhìn nơi sự tự do, đơn thuần chỉ là quyền làm điều mình muốn. Chúng ta cần lời nhắn gửi của ĐTC để hiểu rằng một sự tự do thật, đòi chúng ta phải sống cho tự do đó, chứ không phải sống cho chính mình.”

Cũng hôm nay, thứ Tư 16-4-08, ĐTC thượng thọ 81 tuổi, là ngày đầu tiên đầy chương trình, trong chuyến công du Hoa Kỳ với tư cách một vị lãnh đạo của mọi người Công Giáo trên khắp thế giới. Chuyến viếng thăm 90 phút tại Toà Bạch Ốc được diễn ra trong hết sức tưng bừng, oai nghi, trọng thể, rất khó thấy như vậy trong chính khu vực thường quen dùng để tiếp đón các vị vua chúa hay nguyên thủ quan trọng nhất trên thế giới.

Các cột đèn phất phới với cờ quạt mang màu cờ Mỹ đỏ-trắng-xanh, và mầu cờ Toà Thánh vàng-trắng. Sân cỏ rộng phía nam đầy một biển người khiến cần có một màn ảnh TV vĩ đại để người phía sau có thể theo dõi. Các nam nữ hướng đạo sinh uy nghi trong đồng phục đại lễ. Các hiệp sĩ Kha luân bố cũng trong bộ đại lễ truyền thống, sáng rực với mũ đội gắn ngù lông đầy màu sắc. Đám đông dân chúng không thể vào phía trong Nhà Trắng, đổ tràn khắp đường phố chung quanh khu vực. Họ chơi nhạc và vẫy cờ một cách rất phấn khởi.

Xe chở ĐGH đã đến sớm hơn chương trình trong yên ắng, khi chiếc limousine tiến vào driveway của Nhà Trắng nơi Tổng thống Bush và phu nhân Laura đã chuẩn bị nghênh đón. Hai vị lãnh đạo bước đi trên thảm đỏ tiến đến bục khán đài được thiết kế trên sân cỏ, và rồi ngồi bên cạnh nhau. Dàn nhạc Hải quân chơi bản quốc ca của Tòa Thánh trong khi loạt đại bác chào mừng 21 trái đang nhả khói nâu lên nền trời, từ phía khu nhà Ellipse. Ca sĩ hát giọng soprano lừng danh Kathleen Battle ca bản “The Lord’s Prayer” (Kinh Lạy Cha). Đoàn vệ binh cổ theo nghi lễ đeo trống và mặc đồng phục thời thuộc địa, duyệt chào danh dự ngang qua hai vị.

Hiển nhiên người ta thấy rõ sự ái mộ nơi đám đông dân chúng. Một số la lớn “Viva il Papa!” (hoan hô ĐTC!). Bốn em nhỏ ngồi trên sân cỏ với nhũng bảng hiệu làm bằng tay “Chúng con yêu mến vị Giáo hoàng của niềm hy vọng” và các em khác giơ hình bánh sinh nhật chocolate trên đó có con số 81. Ngay ban đầu lễ nghi, dân chúng bộc phát hát lên bản “Happy Birthday”, và cuối cùng lễ nghi lại hát một lần nữa trong sự trang trọng và đầy nghẹn giọng

Sự yêu mến ĐGH cũng được thể hiện không kém khi xe Ngài chạy dọc đại lộ Pennsylvania lịch sử, và sau nữa khi Ngài đi từ Toà Nhà Trắng về lại tòa lãnh sự Vatican. Hằng ngàn người đổ tuôn khắp đường phố để nhìn ngắm Ngài, và ĐGH vẫy tay liên tục với đám đông khi xe ĐGH di chuyển chầm chậm dọc trên đường phố.

ĐTC cất giọng nói vững chãi, hướng về đám đông đang nhiệt tình hoan hô ngài,: “Xin Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ!”

ĐGH đã nói Ngài mong mỏi cuộc gặp gỡ “một dân tộc vĩ dại và một Giáo hội vĩ đại” trong chuyến Tông du tới Hoa kỳ này. Chuyến đi 6 ngày tới Washington, New York không chỉ trùng hợp với dịp sinh nhật của Ngài mà còn kỷ niệm 3 năm ngài được thăng lên ngôi vị cao cả nhất của Giao hội Công giáo. Chăm sóc và nuôi dưỡng đoàn chiên Giáo hội Mỹ là một sứ vụ tế nhị và quan trọng đối với GH Benedict trong lúc này, lúc mà GH Mỹ gặp phải những tai tiếng, và Ngài đang muốn phá đi chủ nghĩa tục hoá và làm sống lại đức tin trên toàn thế giới.

ĐGH nói khi Tổng thống Bush ở bên cạnh: “Tôi tin rằng việc tôi có mặt đây sẽ là một nguồn canh tân và hy vọng cho Giáo hội Mỹ, và củng cố quyết tâm của người Công giáo, đóng góp một cách đầy trách nhiệm hơn đến đời sống của quốc gia mà họ hãnh diện là người công dân.”

TT Bush đã “khoe mẽ” với vị khách quí về nước Mỹ là: “những điều ông đã nói là chính những nhân đức tốt lành nhất của nước Mỹ: một quốc gia biết cầu nguyện và có lòng nhân ái, quốc gia có tự do tôn giáo, quốc gia đón nhận vai trò niềm tin trong những lãnh vực công cộng, là quốc gia cởi mở với những gì mới lạ, quốc gia đầy sáng tạo, năng động nhất trên hành tinh, và cũng là quốc gia có lòng đạo nhất!” TT Bush nói thêm, “Trên hết, ĐTC sẽ thấy nơi dân tộc Mỹ một cõi lòng rộng mở đón nghe sứ điệp của ĐTC”

Đang khi tự hào trong tư thế một ngưòi cha của dân tộc đầy điều tốt đẹp. TT Bush cũng xin lờì chỉ dạy của ĐTC bằng những lời lẽ: “Trong một thế giới khi một số người coi đời sống như một cái gì có thể được phá đổ và ném bỏ, chúng con cần lời nhắn dậy của ĐTC để mọi đời sống con người được linh thánh và để mỗi người được yêu thương, được trở nên cần thiết” Đang khi nói những điều này, đám đông khắp sân cỏ vỗ tay vang lừng hồi lâu.

Adela Arguello, một nhân viên thuộc bộ An ninh quốc nội, từ Miami bay đến để làm việc trong những biến cố liên quan sự hiện diện của ĐGH cho ý kiến: “Chúng ta đang sống trong thời thế đáng sợ, và thông điệp của ĐTC rất quan trọng. Ngài cần phải đến!” Brenda Hawk, một giáo viên đến từ Centralville, VA nói: “Có bao lần bạn được hát mừng Sinh Nhật vị Giáo hoàng? Dù cho bạn không là Công Giáo, điều đó thật tuyệt vời!”

TT Bush đã khởi đầu một loạt những điều không có trong tiền lệ trong việc tổ chức lễ hội nghênh đón ĐGH như: hôm thứ Ba vừa qua đã thân hành đến phi trường quân sự Andrews chào đón khi máy bay ĐGH tới, điều mà ông chưa hề làm cho một vị lãnh đạo nào. Khi ĐGH đón nhận sự la hò hoan hô cuồng nhiệt như dành cho một ngôi sao âm nhạc từ đám đông học sinh Công giáo và các người khác, khi ở khu vực phi đạo, TT Bush đã lùi lại phía sau một cách bất thường như kẻ đóng một vai phụ.

Từ sân cỏ phía Nam toà Nhà Trắng, TT Bush và phu nhân Laura đã tháp tùng ĐGH vào “Phòng Xanh” (Blue Room) để giới thiệu Ngài với các thân nhân và đã phục vụ bánh mừng sinh nhật ĐGH. Hai vị lãnh đạo đã hội đàm tại phòng Bầu Dục, cuộc gặp thứ 25 giữa một Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ. Suốt thời gian 89 năm, đã có sự gặp mặt giữa 5 Giáo hoàng và 11 vị tổng thống Mỹ.

Vào buổi chiều, gia đình TT Bush sẽ khoản đãi một bữa tiệc trọng thể tại phòng “East Room” để mừng ĐGH với theo thực đơn Bavarian, quê hương Đức của ĐGH. Nhưng vì có cuộc họp với các Giám Mục Mỹ tại vương cung thánh đương Vô Nhiễm thủ đô Washington, nên ĐTC không dùng bữa với TT Bush được.

viết theo tường thuật của Jennifer Loven
 
Đức Thánh Cha viếng thăm Hoa Kỳ: ngày 17 và 18-4-2008
G. Trần Đức Anh OP
18:07 18/04/2008
Gặp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục

Hôm thứ năm, 17-4-2008, ĐTC đã có một cuộc gặp gỡ ngoài chương trình với một nhóm các nạn nhân bị LM lạm dụng tính dục và ngài cho biết Giáo Hội tiếp tục nỗ lực giúp hàn gắn các vết thương do những hành động ấy gây ra.

LM Lombardi S.J, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: tại nhà nguyện riêng trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, ĐTC đã gặp 5 nạn nhân cả nam lẫn nữ do ĐHY Sean O'Malley, TGM giáo phận Boston, hướng dẫn. Họ đã cầu nguyện với ĐTC, ngài lắng nghe mỗi người kể lại sự tích đau thương họ đã phải chịu, khích lệ họ và cho biết ngài sẽ cầu nguyện cho họ, cho gia đình họ cũng như cho tất cả các nạn nhân của những vụ lạm dụng tính dục”. Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 25 phút. Cha Lombardi cũng nói rằng đó là một cuộc gặp gỡ rất cảm động, và một số người đã rơi lệ. ĐHY O'Malley đã trao cho ĐTC một cuốn sách liệt kê tên của khoảng 1 ngàn nạn nhân bị lạm dụng tại tổng giáo phận Boston của ngài trong nhiều thập niên qua, để ĐTC nhớ cầu nguyện cho họ.

Gặp giới giáo dục Công Giáo

Chiều ngày 17-4-2007, ĐTC đã có hai cuộc gặp gỡ quan trọng: với giới giáo dục Công Giáo tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và với các vị lãnh đạo liên tôn tại Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô 2.

Khi ĐTC đến khuôn viên đại học Công Giáo Hoa Kỳ lúc 6 giờ chiều, hàng trăm sinh viên tụ tập tại đây đã reo hò chào đón ngài.

Gặp gỡ liên tôn tại Washington
Các nữ tu đón ĐTC tại phi trường John Kenedy
ĐTC tại diễn đàn LHQ
ĐTC ban phép lành cho lá cờ LHQ
ĐTC ký sổ lưu niệm LHQ
ĐTC đọc diễn văn tại LHQ
ĐTC đã gặp 400 người gồm 200 giáo sư viện trưởng các Đại học và trường cao đẳng Công Giáo ở Mỹ, và 200 vị đặc trách về các học đường Công Giáo thuộc các giáo phận toàn quốc Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại hội trường và ĐTC ngồi trên chiếc ghế gỗ do chính các sinh viên Công Giáo vẽ kiểu và thực hiện. Sau lời chào mừng của Đức Ông David O'Connell, Viện trưởng Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người và tái khẳng định vai trò quan trọng của nền giáo dục Công Giáo đối với gia đình, Giáo Hội và xã hội. Ngài nói:

”Giáo dục là một phần sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, vì mỗi một cơ cấu giáo dục Công Giáo trước hết và trên hết là nơi giúp gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã mạc khải qua Đức Giêsu Kitô tình yêu và chân lý, trao ban cho con người cuộc sống mới xinh đẹp, tốt lành và chân thật. Mặc khải của Thiên Chúa cống hiến cho mọi thế hệ cơ may khám phá ra chân lý cuối cùng về cuộc sống của con người và mục đích của lịch sử. Nhiệm vụ này không dễ dàng. Nó liên hệ tới toàn cộng đoàn Kitô và động viên mọi thế hệ các nhà giáo dục Kitô bảo đảm làm sao để quyền năng chân lý của Chúa thấm nhập mọi chiều kích các cơ cấu mà họ phục vụ.”

ĐTC gọi các giáo sư, giáo chức và nhà giáo dục Công Giáo là ”những người mang trong mình sự khôn ngoan”, và ngài mời gọi suy tư về căn tính của các trường Công Giáo và phần đóng góp của nó cho thiện ích của xã hội qua sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Mọi hoạt động của Giáo Hội bắt nguồn từ Tin Mừng phát xuất từ chính Thiên Chúa.

ĐTC kêu gọi bảo vệ căn tính Công Giáo của các cơ sở giáo dục của Giáo Hội và nhấn mạnh rằng: ”căn tính của một đại học hay trường học công giáo không tùy thuộc thống kê con số sinh viên học sinh Công Giáo, mà còn là vấn đề của sự xác tín nữa: chấp nhận, hiểu biết và sống chân lý mạc khải, làm sao để niềm tin được lộ hiện rõ ràng trong các cơ cấu giáo dục, được diễn tả ra qua phụng vụ, bí tích, lời cầu nguyện, các việc bác ái và lo lắng cho công lý và tôn trọng thụ tạo... Cuộc khủng hoảng chân lý ngày nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng lòng tin. Vì thế đã xảy ra nhiều lệch lạc trong phương cách giáo dục: như chú ý quá nhiều đến trí thông minh mà quên đào tạo ý chí, quan niệm méo mó về sự tự do. Tự do không phải là chọn lựa đi ra ngoài, nhưng là chọn đi vào, chọn tham dự vào chính Đấng là Hiện Hữu. Do đó không thể đạt tự do đích thật bằng cách xa rời Thiên Chúa. Các giáo chức phải khơi dậy nơi người trẻ ước muốn có một cử chỉ của lòng tin và khích lệ họ dấn thận cho cuộc sống giáo hội. Chính nơi đây sự tự do đạt cái chắc chắn của chân lý, Khi chọn lựa sống chân lý đó là chúng ta có sự sống lòng tin tràn đầy được trao ban cho chúng ta trong Giáo Hội... Các chân lý của lòng tin và của lý trí không bao giờ mâu thuẫn nhau.”

Gặp gỡ liên tôn

Liền đó, ĐTC đã đến Trung tâm Văn hóa Gioan Phaolô 2 chỉ cách đó 1 cây số để gặp gỡ 200 vị lãnh đạo các tôn giáo khác như Hồi giáo, đạo Jaina, Phật giáo, ấn giáo và Do thái giáo. Khi ngài vừa đến đây, ĐHY Adam Maida, TGM giáo phận Detroit, là người đã có công rất nhiều trong việc khởi xướng và thực hiện trung tâm Văn hóa này đã quì xuống hôn nhẫn của ĐTC.

Tại hội trường Rotunda của trung tâm hai lầu này, ĐTC đã được vị giám đốc và Đức Cha Richard Sklba, GM phụ tá giáo phận Milwaukee, Chủ tịch Ủy ban GM Hoa Kỳ về đại kết và liên tôn tiếp đón và ngỏ lời chào mừng, trước sự hiện diện của các chức sắc các tôn giáo theo phẩm phục cổ truyền của tôn giáo liên hệ.

Lên tiếng trong buổi gặp gỡ, ĐTC đề cao truyền thống cộng tác giữa các tôn giáo trong nhiều lãnh vực cuộc sống công cộng dọc dài lịch sử Hoa Kỳ như các buổi cầu nguyện liên tôn trong ngày lễ Tạ Ơn, các sáng kiến hoạt động bác ái tông đồ và phục vụ công ích. Ngài khích lệ mọi nhóm tôn giáo tại Hoa Kỳ tiếp tục duy trì truyền thống cộng tác cao qúy ấy, vì nó khiến cho cuộc sống chung được phong phú với các giá trị tinh thần thúc xẩy hoạt động của các tôn giáo.

Đề cập tới quyền tự do tôn giáo ĐTC nói: ”Nhiệm vụ duy trì tự do tôn giáo không bao giờ hoàn tất. Có các hoàn cảnh và thách đố mới mời gọi các công dân và giới lãnh đạo suy tư về việc làm thế nào để các quyết định của họ tôn trọng quyền căn bản này của con người. Bảo vệ tự do tôn giáo trong khuôn khổ luật lệ không bảo đảm cho các dân tộc, đặc biệt là các nhóm thiểu số, tránh được các hình thức kỳ thị bất công và thành kiến. Điều này đỏi hỏi mt cố gắng liện tục từ phía mọi thành phần xã hội để bảo đảm cho các công dân có cơ may thực hành việc thờ tự trong an bình và thông truyền gia tài tôn giáo cho con cái họ.”

”Việc thông truyền các gía trị tôn giáo cho các thế hệ tiếp nối không chỉ giúp duy trì một gia sản, nhưng cũng nâng đỡ và dưỡng nuôi nền văn hóa chung quanh. Điều này cũng có giá trị đối với cuộc đối thoại giữa các tôn giáo: người tham dự cũng như xã hội đều hưởng được sự phong phú của nó.”

ĐTC cũng nêu bật trách nhiệm của giới lãnh đạo tôn giáo trong nền giáo dục người trẻ. Phần đóng góp của các tôn giáo cho xã hội dân sự là các trường học đào tạo trí tuệ, đức dục và tinh thần, dậy tôn trọng phẩm giá con người và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Ngài cũng ca ngợi sáng kiến của nhiều chính quyền bảo trợ các chương trình thăng tiến đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

Sau bài diễn văn của ĐTC, 5 thiếu niên đại diện cho 5 tôn giáo lớn đã tặng cho ĐTC 5 biểu hiểu tượng trưng sự đóng góp của truyền thống tôn giáo liên hệ cho thế giới.

Viếng thăm Liên hợp quốc

Sáng sớm thứ sáu 18-4-2008, ĐTC đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Washington, rồi ra phi trường căn cứ quân sự Andrews để đáp máy bay tới phi trường thành phố New York cách đó 330 cây số, là chặng thứ hai và cũng là chặng chót trong cuộc viếng thăm 6 ngày của ngài tại Hoa Kỳ.

Khi đến LHQ, ĐTC đã được ông Tổng thư ký Ban Ki Moon và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Kerim Srgjan tiếp đón. Sau khi Hội kiến riêng với Ông Tổng thư ký, ngài tiến ra hội trường Đại hội đồng giữa tiếng vỗ tay chào mừng của các vị Đại Sứ và đại diện của các nước.

Diễn văn

Trong diễn văn trước đại hội đồng, ĐTC lần lượt đề cập đến vai trò của LHQ, sự cần thiết phải có sự hoạt động đồng thuận để thăng tiến tình liên đới quốc tế, và cần có sự phù hợp giữa khoa học và luân lý. Trong bối cảnh kỷ niệm 60 năm công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh tới các quyền con người và nền tảng của các quyền này ở nơi luật luân lý tự nhiên. Ngài không quên khai triển các chiều kích của quyền tự do tôn giáo và kêu gọi hoàn toàn tôn trọng quyền này.

Trước tiên về vai trò của LHQ, ĐTC nói: ”LHQ cụ thể hóa khát vọng ”có một tổ chức ở cấp độ cao, có tầm mức quốc tế” (JPII, Sollicitudo rei socialis, 43), phải được soi sáng và hướng dẫn do nguyên tắc phụ đới, và có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của gia đình nhận loại, nhờ những qui luật quốc tế hữu hiệu và thiết lập những cơ cấu có khả năng đảm bảo sự diễn tiến hòa hợp trong đời sống thường nhật của các dân tộc. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, qua đó người ta đang cảm nghiệm một sự nghịch lý hiển nhiên: sự đồng thuận đa phương giữa các nước tiếp tục bị khủng hoảng vì nó còn phải tùy thuộc những quyết định của một số nhỏ, trong khi những vấn đề của thế giới đòi cộng đồng quốc tế phải có những cuộc can thiệp dưới hình thức những hoạt động chung”.

”Thực vậy, những vấn đề an ninh, các đối tượng phát triển, giảm bớt chênh lệch ở bình diện địa phương và thế giới, việc bảo vệ môi sinh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, đòi mọi vị hữu trách của đời sống thế giới phải hành động có phối hợp với nhau, và sẵn sàng làm việc chân thành, trong niềm tôn trọng công pháp, để thăng tiến tình liên đới tại những miền mong manh nhất thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến một số nước Phi châu và các đại lục khác vẫn còn ở ngoài lề sự phát triển toàn diện đích thực, và có nguy cơ chỉ cảm nhận được những hậu quả tiêu cực của sự hoàn cầu hóa. Trong bối cảnh các quan hệ quốc tế, cần phải nhìn nhận vai trò hàng đầu của các qui luật và các cơ cấu, tự bản chất, nhắm thăng tiến công ích, và bảo tồn tự do của con người. Những qui luật ấy không giới hạn tự do, trái lại chúng thăng tiến tự do khi cấm những thái độ và hành động đi ngược công ích, cản trở sự thực thi hữu hiệu tự do và vì thế làm thương tổn phẩm giá của mọi người. Nhân danh tự do, cần phải có một sự tương quan giữa quyền lợi và nghĩa vụ.. Ở đây chúng tôi nghĩ đến cách thức sử dụng những tiến bộ của kỹ thuật. Tuy những tiến bộ ấy có thể mang lại ích lợi lớn lao cho nhân loại, nhưng một số ứng dụng của chúng là một sự vi phạm tỏ tưởng trật tự tự nhiên, đến độ không những chúng trái ngược đặc tính thánh thiêng của sự sống, nhưng còn tước đoạt căn tính tự nhiên của con người và của gia đình... Vấn đề là không bao giờ phải chọn lựa giữa khoa học và luân lý, nhưng đúng hơn là chấp nhận một phương pháp khoa học thực sự tôn trọng các qui luật của luân lý đạo đức”.

Bảo vệ dân chúng

ĐTC nói đến nghĩa vụ của mọi Quốc gia trong việc bảo vệ dân chúng của mình chống lại những vi phạm trầm trọng và tái diễn đối với các quyền con người, cũng như những hậu quả của các cuộc khủng hoảng nhân đạo vì những thiên tai do hoạt động của con người gây nên: ”Nếu các quốc gia không có khả năng thực hiện sự bảo vệ ấy, thì cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải can thiệp với những phương thế mà Hiến chương của LHQ và các văn kiện công pháp quốc tế đã dự trù, theo mức độ hoạt động ấy tôn trọng các nguyên tắc của trật tự quốc tế, thì nó không thể bị giải thích như một sự cưỡng bách bất công, hoặc một sự giới hạn chủ quyền quốc gia. Trái lại, chính sự dửng dưng hoặc không can thiệp mới là điều gây thiệt hại đích thực”.

ĐTC cũng nhắc đến biến cố kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Văn kiện này là kết quả một sự đồng qui của các truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, tất cả đều muốn đặt con người ở trung tâm các tổ chức, các luật lệ và hoạt động của xã hội, và coi nhân vị con người như điều thiết yếu đối với thế giới văn hóa, tôn giáo và khoa học.. .Các quyền được nhìn nhận và trình bày trong bản Tuyên ngôn được áp dụng cho tất cả mọi người, vì nguồn gốc chung của con người, vốn là điểm nòng cốt trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sự. Các quyền ấy có nền tảng nơi luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm hồn con người và hiện diện trong các nền văn hóa và văn minh khách nhau. Tách rời các quyền con người ra khỏi bối cảnh ấy có nghĩa là thu hẹp phạm vi của nó và chiều theo một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và sự giải thích các quyền con người có thể thay đổi, và đặc tính phổ quát của các quyền ấy có thể bị phủ nhận nhân danh những quan niệm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và cả tôn giáo nữa.

ĐTC xác quyết rằng việc thăng tiến các quyền con người vẫn là một chiến lược hữu hiệu nhất để lấp đầy hố chênh lệch giữa các nước và các nhóm xã hội, và để củng cố an ninh. Thực vậy, nạn nhân của lầm than và tuyệt vọng, khi phẩm giá của họ bị người ta chà đạp và những thủ phạm như thế không bị trừng phạt, họ dễ trở thành mồi cho những kẻ chủ trương dùng bạo lực và trở thành những người phá hủy hòa bình”.

Đề cập đến tự do tôn giáo, ĐTC khẳng định rằng:

”Dĩ nhiên các quyền con người cũng phải bao gồm cả quyền tự do tôn giáo, được hiểu như một sự diễn tả chiều kích vừa cá nhân và cộng đoàn, viễn tượng này phải làm nổi bật sự đơn nhất của con người, đồng thời phân biệt rõ ràng giữa chiều kích công dân và chiều kích tín hữu... Vì thế, không thể tưởng tượng được các công dân phải chịu mất một phần của mình, tức là niềm tin của họ, để trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình. Nhất là cần phải bảo vệ các quyền liên quan đến tôn giáo, nếu chúng bị coi như đối nghịch với một ý thức hệ thế tục đang thịnh hành hoặc những lập trường tôn giáo của đa số có tính chất loại trừ tôn giáo khác. Sự bảo đảm hoàn toàn tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào việc tự do làm việc thờ phượng, nhưng còn phải để ý đến chiều kích công cộng của tôn giáo và làm sao để các tín hữu có thể tham gia vào việc xây dựng trật tự xã hội. Hiện nay họ thực sự thi hành điều đó, ví dụ qua sự dấn thân hữu hiệu và quảng đại trong một hệ thống rộng lớn các sáng kiến, từ các đại học, các học viện khoa học và trường học, cho đến các cơ cấu thăng tiến sức khỏe các các tổ chức bác ái, phục vụ những người nghèo khổ nhất và những người bị bỏ rơi. Từ chối nhìn nhận sự đóng góp cho xã hội ăn rễ nơi chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, có nghĩa là dành ưu tiên cho thái độ cá nhân chủ nghĩa và như thế là làm băng hoại sự đơn nhất của con người.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Sự hiện diện của tôi giữa Đại hội đồng này là dấu chỉ nói lên lòng quí chuộng của tôi đối với LHQ và bày tỏ mong ước rằng tổ chức này ngày càng có thể là dấu chỉ đoàn kết giữa các quốc gia và là một dụng cụ phục vụ toàn thể gia đình nhân loại. Sự hiện diện này cũng biểu lộ ý chí của Giáo Hội Công Giáo đóng góp vào những quan hệ quốc tế, làm sao để mọi người và toàn thể các dân tộc cảm thấy tầm quan trọng của họ. LHQ tiếp tục là một nơi ưu tiên trong đó Giáo Hội cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình về tình người, vốn đã được chín mùi qua bao thế kỷ giữa cac dân tộc thuộc mọi chủng tộc và văn hóa, và dành kinh nghiệm ấy cho mọi thành phần của cộng đồng quốc tế. Kinh nghiệm và hoạt động ấy, nhắm đạt được tự do cho mọi tín hữu và cũng nỗ lực làm cho các quyền của con người được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn.”

Sau bài diễn văn trên đây, ĐTC còn hội kiến riêng với ông chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng bảo an, và ngài gặp 60 quan chức của LHQ. Trong dịp này, ĐTC đánh giá cao hoạt động của các quan chức và nhân viên tổ chức quốc tế này, cũng như nhắc đến nhiều nhân viên LHQ đã hy sinh trong khi thi hành sứ mạng, kể các các binh sĩ bảo hòa. Chẳng hạn, nguyên trong năm 2007 đã có 42 người hy sinh trong chiều hướng đó.

Rời LHQ, ĐTC đã về trụ sở Phái Bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh cạnh LHQ để dùng bữa vào lúc 2 giờ chiều.

Lúc quá 5 giờ chiều, ngài đã hoạt động trở lại, và viếng thăm Hội đường Do thái Công viên Phía Đông, chỉ cách trụ sở phái bộ Tòa Thánh nửa cây số. Sau đó, ngài đến Nhà thờ thánh Giuse ở khu vực Manhattan để chủ sự cuộc gặp gỡ đại kết dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa với 250 đại diện của 10 cộng đồng Kitô.
 
Video Đức Thánh Cha tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc
CNA Television
20:32 18/04/2008
 
Top Stories
Papal Address to the General Assembly of the United Nations (French)
+ Benedict XVI
17:45 18/04/2008
Papal Address to the General Assembly of the United Nations

Monsieur le Président,

Mesdames et Messieurs,

En m'adressant à cette Assemblée, j'aimerais avant tout vous exprimer, Monsieur le Président, ma vive reconnaissance pour vos aimables paroles. Ma gratitude va aussi au Secrétaire général, Monsieur Ban Ki-moon, qui m'a invité à venir visiter le Siège central de l'Organisation, et pour l'accueil qu'il m'a réservé. Je salue les Ambassadeurs et les diplomates des Pays membres et toutes les personnes présentes. À travers vous, je salue les peuples que vous représentez ici. Ils attendent de cette institution qu'elle mette en œuvre son inspiration fondatrice, à savoir constituer un " centre pour la coordination de l'activité des Nations unies en vue de parvenir à la réalisation des fins communes " de paix et de développement (cf. Charte des Nations unies, art. 1.2-1.4). Comme le Pape Jean-Paul II l'exprimait en 1995, l'Organisation devrait être un " centre moral, où toutes les nations du monde se sentent chez elles, développant la conscience commune d'être, pour ainsi dire, une famille de nations " (Message à l'Assemblée générale des Nations unies pour le 50e anniversaire de la fondation, New York, 5 octobre 1995).

À travers les Nations unies, les États ont établi des objectifs universels qui, même s'ils ne coïncident pas avec la totalité du bien commun de la famille humaine, n'en représentent pas moins une part fondamentale. Les principes fondateurs de l'Organisation - le désir de paix, le sens de la justice, le respect de la dignité de la personne, la coopération et l'assistance humanitaires - sont l'expression des justes aspirations de l'esprit humain et constituent les idéaux qui devraient sous-tendre les relations internationales. Comme mes prédécesseurs Paul VI et Jean-Paul II l'ont affirmé depuis cette même tribune, tout cela fait partie de réalités que l'Église catholique et le Saint-Siège considèrent avec attention et intérêt, voyant dans votre activité un exemple de la manière dont les problèmes et les conflits qui concernent la communauté mondiale peuvent bénéficier d'une régulation commune. Les Nations unies concrétisent l'aspiration à " un degré supérieur d'organisation à l'échelle internationale " (Jean-Paul II, Encycl. Sollicitudo rei socialis, n. 43), qui doit être inspiré et guidé par le principe de subsidiarité et donc être capable de répondre aux exigences de la famille humaine, grâce à des règles internationales efficaces et à la mise en place de structures aptes à assurer le déroulement harmonieux de la vie quotidienne des peuples. Cela est d'autant plus nécessaire dans le contexte actuel où l'on fait l'expérience du paradoxe évident d'un consensus multilatéral qui continue à être en crise parce qu'il est encore subordonné aux décisions d'un petit nombre, alors que les problèmes du monde exigent, de la part de la communauté internationale, des interventions sous forme d'actions communes.

En effet, les questions de sécurité, les objectifs de développement, la réduction des inégalités au niveau local et mondial, la protection de l'environnement, des ressources et du climat, requièrent que tous les responsables de la vie internationale agissent de concert et soient prêts à travailler en toute bonne foi, dans le respect du droit, pour promouvoir la solidarité dans les zones les plus fragiles de la planète. Je pense en particulier à certains pays d'Afrique et d'autres continents qui restent encore en marge d'un authentique développement intégral, et qui risquent ainsi de ne faire l'expérience que des effets négatifs de la mondialisation. Dans le contexte des relations internationales, il faut reconnaître le rôle primordial des règles et des structures qui, par nature, sont ordonnées à la promotion du bien commun et donc à la sauvegarde de la liberté humaine. Ces régulations ne limitent pas la liberté. Au contraire, elles la promeuvent quand elles interdisent des comportements et des actions qui vont à l'encontre du bien commun, qui entravent son exercice effectif et qui compromettent donc la dignité de toute personne humaine. Au nom de la liberté, il doit y avoir une corrélation entre droits et devoirs, en fonction desquels toute personne est appelée à prendre ses responsabilités dans les choix qu'elle opère, en tenant compte des relations tissées avec les autres. Nous pensons ici à la manière dont les résultats de la recherche scientifique et des avancées technologiques ont parfois été utilisés. Tout en reconnaissant les immenses bénéfices que l'humanité peut en tirer, certaines de leurs applications représentent une violation évidente de l'ordre de la création, au point non seulement d'être en contradiction avec le caractère sacré de la vie, mais d'arriver à priver la personne humaine et la famille de leur identité naturelle. De la même manière, l'action internationale visant à préserver l'environnement et à protéger les différentes formes de vie sur la terre doit non seulement garantir un usage rationnel de la technologie et de la science, mais doit aussi redécouvrir l'authentique image de la création. Il ne s'agira jamais de devoir choisir entre science et éthique, mais bien plutôt d'adopter une méthode scientifique qui soit véritablement respectueuse des impératifs éthiques.

La reconnaissance de l'unité de la famille humaine et l'attention portée à la dignité innée de toute femme et de tout homme reçoivent aujourd'hui un nouvel élan dans le principe de la responsabilité de protéger. Il n'a été défini que récemment, mais il était déjà implicitement présent dès les origines des Nations unies et, actuellement, il caractérise toujours davantage son activité. Tout État a le devoir primordial de protéger sa population contre les violations graves et répétées des droits de l'homme, de même que des conséquences de crises humanitaires liées à des causes naturelles ou provoquées par l'action de l'homme. S'il arrive que les États ne soient pas en mesure d'assurer une telle protection, il revient à la communauté internationale d'intervenir avec les moyens juridiques prévus par la Charte des Nations unies et par d'autres instruments internationaux. L'action de la communauté internationale et de ses institutions, dans la mesure où elle est respectueuse des principes qui fondent l'ordre international, ne devrait jamais être interprétée comme une coercition injustifiée ou comme une limitation de la souveraineté. À l'inverse, c'est l'indifférence ou la non-intervention qui causent de réels dommages. Il faut réaliser une étude approfondie des modalités pour prévenir et gérer les conflits, en utilisant tous les moyens dont dispose l'action diplomatique et en accordant attention et soutien même au plus léger signe de dialogue et de volonté de réconciliation.

Le principe de la " responsabilité de protéger " était considéré par l'antique ius gentium comme le fondement de toute action entreprise par l'autorité envers ceux qui sont gouvernés par elle: à l'époque où le concept d'État national souverain commençait à se développer, le religieux dominicain Francisco De Vitoria, considéré à juste titre comme un précurseur de l'idée des Nations unies, décrivait cette responsabilité comme un aspect de la raison naturelle partagé par toutes les nations, et le fruit d'un droit international dont la tâche était de réguler les relations entre les peuples. Aujourd'hui comme alors, un tel principe doit faire apparaître l'idée de personne comme image du Créateur, ainsi que le désir d'absolu et l'essence de la liberté. Le fondement des Nations unies, nous le savons bien, a coïncidé avec les profonds bouleversements dont a souffert l'humanité lorsque la référence au sens de la transcendance et à la raison naturelle a été abandonnée et que par conséquent la liberté et la dignité humaine furent massivement violées. Dans de telles circonstances, cela menace les fondements objectifs des valeurs qui inspirent et régulent l'ordre international et cela mine les principes intangibles et coercitifs formulés et consolidés par les Nations unies. Face à des défis nouveaux répétés, c'est une erreur de se retrancher derrière une approche pragmatique, limitée à mettre en place des " bases communes ", dont le contenu est minimal et dont l'efficacité est faible.

La référence à la dignité humaine, fondement et fin de la responsabilité de protéger, nous introduit dans la note spécifique de cette année, qui marque le soixantième anniversaire de la Déclaration universelle des Droits de l'homme. Ce document était le fruit d'une convergence de différentes traditions culturelles et religieuses, toutes motivées par le désir commun de mettre la personne humaine au centre des institutions, des lois et de l'action des sociétés, et de la considérer comme essentielle pour le monde de la culture, de la religion et de la science. Les droits de l'homme sont toujours plus présentés comme le langage commun et le substrat éthique des relations internationales. Tout comme leur universalité, leur indivisibilité et leur interdépendance sont autant de garanties de protection de la dignité humaine. Mais il est évident que les droits reconnus et exposés dans la Déclaration s'appliquent à tout homme, cela en vertu de l'origine commune des personnes, qui demeure le point central du dessein créateur de Dieu pour le monde et pour l'histoire. Ces droits trouvent leur fondement dans la loi naturelle inscrite au cœur de l'homme et présente dans les diverses cultures et civilisations. Détacher les droits humains de ce contexte signifierait restreindre leur portée et céder à une conception relativiste, pour laquelle le sens et l'interprétation des droits pourraient varier et leur universalité pourrait être niée au nom des différentes conceptions culturelles, politiques, sociales et même religieuses. La grande variété des points de vue ne peut pas être un motif pour oublier que ce ne sont pas les droits seulement qui sont universels, mais également la personne humaine, sujet de ces droits.

The life of the community, both domestically and internationally, clearly demonstrates that respect for rights, and the guarantees that follow from them, are measures of the common good that serve to evaluate the relationship between justice and injustice, development and poverty, security and conflict. The promotion of human rights remains the most effective strategy for eliminating inequalities between countries and social groups, and for increasing security. Indeed, the victims of hardship and despair, whose human dignity is violated with impunity, become easy prey to the call to violence, and they can then become violators of peace. The common good that human rights help to accomplish cannot, however, be attained merely by applying correct procedures, nor even less by achieving a balance between competing rights. The merit of the Universal Declaration is that it has enabled different cultures, juridical expressions and institutional models to converge around a fundamental nucleus of values, and hence of rights. Today, though, efforts need to be redoubled in the face of pressure to reinterpret the foundations of the Declaration and to compromise its inner unity so as to facilitate a move away from the protection of human dignity towards the satisfaction of simple interests, often particular interests. The Declaration was adopted as a "common standard of achievement" (Preamble) and cannot be applied piecemeal, according to trends or selective choices that merely run the risk of contradicting the unity of the human person and thus the indivisibility of human rights.

Experience shows that legality often prevails over justice when the insistence upon rights makes them appear as the exclusive result of legislative enactments or normative decisions taken by the various agencies of those in power. When presented purely in terms of legality, rights risk becoming weak propositions divorced from the ethical and rational dimension which is their foundation and their goal. The Universal Declaration, rather, has reinforced the conviction that respect for human rights is principally rooted in unchanging justice, on which the binding force of international proclamations is also based. This aspect is often overlooked when the attempt is made to deprive rights of their true function in the name of a narrowly utilitarian perspective. Since rights and the resulting duties follow naturally from human interaction, it is easy to forget that they are the fruit of a commonly held sense of justice built primarily upon solidarity among the members of society, and hence valid at all times and for all peoples. This intuition was expressed as early as the fifth century by Augustine of Hippo, one of the masters of our intellectual heritage. He taught that the saying: Do not do to others what you would not want done to you "cannot in any way vary according to the different understandings that have arisen in the world" (De Doctrina Christiana, III, 14). Human rights, then, must be respected as an expression of justice, and not merely because they are enforceable through the will of the legislators.

Ladies and Gentlemen,

As history proceeds, new situations arise, and the attempt is made to link them to new rights. Discernment, that is, the capacity to distinguish good from evil, becomes even more essential in the context of demands that concern the very lives and conduct of persons, communities and peoples. In tackling the theme of rights, since important situations and profound realities are involved, discernment is both an indispensable and a fruitful virtue.

Discernment, then, shows that entrusting exclusively to individual States, with their laws and institutions, the final responsibility to meet the aspirations of persons, communities and entire peoples, can sometimes have consequences that exclude the possibility of a social order respectful of the dignity and rights of the person. On the other hand, a vision of life firmly anchored in the religious dimension can help to achieve this, since recognition of the transcendent value of every man and woman favours conversion of heart, which then leads to a commitment to resist violence, terrorism and war, and to promote justice and peace. This also provides the proper context for the inter-religious dialogue that the United Nations is called to support, just as it supports dialogue in other areas of human activity. Dialogue should be recognized as the means by which the various components of society can articulate their point of view and build consensus around the truth concerning particular values or goals. It pertains to the nature of religions, freely practised, that they can autonomously conduct a dialogue of thought and life. If at this level, too, the religious sphere is kept separate from political action, then great benefits ensue for individuals and communities. On the other hand, the United Nations can count on the results of dialogue between religions, and can draw fruit from the willingness of believers to place their experiences at the service of the common good. Their task is to propose a vision of faith not in terms of intolerance, discrimination and conflict, but in terms of complete respect for truth, coexistence, rights, and reconciliation.

Human rights, of course, must include the right to religious freedom, understood as the expression of a dimension that is at once individual and communitarian - a vision that brings out the unity of the person while clearly distinguishing between the dimension of the citizen and that of the believer. The activity of the United Nations in recent years has ensured that public debate gives space to viewpoints inspired by a religious vision in all its dimensions, including ritual, worship, education, dissemination of information and the freedom to profess and choose religion. It is inconceivable, then, that believers should have to suppress a part of themselves - their faith - in order to be active citizens. It should never be necessary to deny God in order to enjoy one's rights. The rights associated with religion are all the more in need of protection if they are considered to clash with a prevailing secular ideology or with majority religious positions of an exclusive nature. The full guarantee of religious liberty cannot be limited to the free exercise of worship, but has to give due consideration to the public dimension of religion, and hence to the possibility of believers playing their part in building the social order. Indeed, they actually do so, for example through their influential and generous involvement in a vast network of initiatives which extend from Universities, scientific institutions and schools to health care agencies and charitable organizations in the service of the poorest and most marginalized. Refusal to recognize the contribution to society that is rooted in the religious dimension and in the quest for the Absolute - by its nature, expressing communion between persons - would effectively privilege an individualistic approach, and would fragment the unity of the person.

My presence at this Assembly is a sign of esteem for the United Nations, and it is intended to express the hope that the Organization will increasingly serve as a sign of unity between States and an instrument of service to the entire human family. It also demonstrates the willingness of the Catholic Church to offer her proper contribution to building international relations in a way that allows every person and every people to feel they can make a difference. In a manner that is consistent with her contribution in the ethical and moral sphere and the free activity of her faithful, the Church also works for the realization of these goals through the international activity of the Holy See. Indeed, the Holy See has always had a place at the assemblies of the Nations, thereby manifesting its specific character as a subject in the international domain. As the United Nations recently confirmed, the Holy See thereby makes its contribution according to the dispositions of international law, helps to define that law, and makes appeal to it.

The United Nations remains a privileged setting in which the Church is committed to contributing her experience "of humanity", developed over the centuries among peoples of every race and culture, and placing it at the disposal of all members of the international community. This experience and activity, directed towards attaining freedom for every believer, seeks also to increase the protection given to the rights of the person. Those rights are grounded and shaped by the transcendent nature of the person, which permits men and women to pursue their journey of faith and their search for God in this world. Recognition of this dimension must be strengthened if we are to sustain humanity's hope for a better world and if we are to create the conditions for peace, development, cooperation, and guarantee of rights for future generations.

In my recent Encyclical, Spe Salvi, I indicated that "every generation has the task of engaging anew in the arduous search for the right way to order human affairs" (no. 25). For Christians, this task is motivated by the hope drawn from the saving work of Jesus Christ. That is why the Church is happy to be associated with the activity of this distinguished Organization, charged with the responsibility of promoting peace and good will throughout the earth. Dear Friends, I thank you for this opportunity to address you today, and I promise you of the support of my prayers as you pursue your noble task.

Before I take my leave from this distinguished Assembly, I should like to offer my greetings, in the official languages, to all the Nations here represented.

Peace and Prosperity with God's help!

Paix et prospérité, avec l'aide de Dieu!

Paz y prosperidad con la ayuda de Dios!
 
Papal Address to the General Assembly of the United Nations
+ Benedict XVI
17:48 18/04/2008
Papal Address to the General Assembly of the United Nations

Mr President,

Ladies and Gentlemen,

As I begin my address to this Assembly, I would like first of all to express to you, Mr President, my sincere gratitude for your kind words. My thanks go also to the Secretary-General, Mr Ban Ki-moon, for inviting me to visit the headquarters of this Organization and for the welcome that he has extended to me. I greet the Ambassadors and Diplomats from the Member States, and all those present. Through you, I greet the peoples who are represented here. They look to this institution to carry forward the founding inspiration to establish a "centre for harmonizing the actions of nations in the attainment of these common ends" of peace and development (cf. Charter of the United Nations, article 1.2-1.4). As Pope John Paul II expressed it in 1995, the Organization should be "a moral centre where all the nations of the world feel at home and develop a shared awareness of being, as it were, a 'family of nations'" (Address to the General Assembly of the United Nations on the 50th Anniversary of its Foundation, New York, 5 October 1995, 14).

Through the United Nations, States have established universal objectives which, even if they do not coincide with the total common good of the human family, undoubtedly represent a fundamental part of that good. The founding principles of the Organization - the desire for peace, the quest for justice, respect for the dignity of the person, humanitarian cooperation and assistance - express the just aspirations of the human spirit, and constitute the ideals which should underpin international relations. As my predecessors Paul VI and John Paul II have observed from this very podium, all this is something that the Catholic Church and the Holy See follow attentively and with interest, seeing in your activity an example of how issues and conflicts concerning the world community can be subject to common regulation. The United Nations embodies the aspiration for a "greater degree of international ordering" (John Paul II, Sollicitudo Rei Socialis, 43), inspired and governed by the principle of subsidiarity, and therefore capable of responding to the demands of the human family through binding international rules and through structures capable of harmonizing the day-to-day unfolding of the lives of peoples. This is all the more necessary at a time when we experience the obvious paradox of a multilateral consensus that continues to be in crisis because it is still subordinated to the decisions of a few, whereas the world's problems call for interventions in the form of collective action by the international community.

Indeed, questions of security, development goals, reduction of local and global inequalities, protection of the environment, of resources and of the climate, require all international leaders to act jointly and to show a readiness to work in good faith, respecting the law, and promoting solidarity with the weakest regions of the planet. I am thinking especially of those countries in Africa and other parts of the world which remain on the margins of authentic integral development, and are therefore at risk of experiencing only the negative effects of globalization. In the context of international relations, it is necessary to recognize the higher role played by rules and structures that are intrinsically ordered to promote the common good, and therefore to safeguard human freedom. These regulations do not limit freedom. On the contrary, they promote it when they prohibit behaviour and actions which work against the common good, curb its effective exercise and hence compromise the dignity of every human person. In the name of freedom, there has to be a correlation between rights and duties, by which every person is called to assume responsibility for his or her choices, made as a consequence of entering into relations with others. Here our thoughts turn also to the way the results of scientific research and technological advances have sometimes been applied. Notwithstanding the enormous benefits that humanity can gain, some instances of this represent a clear violation of the order of creation, to the point where not only is the sacred character of life contradicted, but the human person and the family are robbed of their natural identity. Likewise, international action to preserve the environment and to protect various forms of life on earth must not only guarantee a rational use of technology and science, but must also rediscover the authentic image of creation. This never requires a choice to be made between science and ethics: rather it is a question of adopting a scientific method that is truly respectful of ethical imperatives.

Recognition of the unity of the human family, and attention to the innate dignity of every man and woman, today find renewed emphasis in the principle of the responsibility to protect. This has only recently been defined, but it was already present implicitly at the origins of the United Nations, and is now increasingly characteristic of its activity. Every State has the primary duty to protect its own population from grave and sustained violations of human rights, as well as from the consequences of humanitarian crises, whether natural or man-made. If States are unable to guarantee such protection, the international community must intervene with the juridical means provided in the United Nations Charter and in other international instruments. The action of the international community and its institutions, provided that it respects the principles undergirding the international order, should never be interpreted as an unwarranted imposition or a limitation of sovereignty. On the contrary, it is indifference or failure to intervene that do the real damage. What is needed is a deeper search for ways of pre-empting and managing conflicts by exploring every possible diplomatic avenue, and giving attention and encouragement to even the faintest sign of dialogue or desire for reconciliation.

The principle of "responsibility to protect" was considered by the ancient ius gentium as the foundation of every action taken by those in government with regard to the governed: at the time when the concept of national sovereign States was first developing, the Dominican Friar Francisco de Vitoria, rightly considered as a precursor of the idea of the United Nations, described this responsibility as an aspect of natural reason shared by all nations, and the result of an international order whose task it was to regulate relations between peoples. Now, as then, this principle has to invoke the idea of the person as image of the Creator, the desire for the absolute and the essence of freedom. The founding of the United Nations, as we know, coincided with the profound upheavals that humanity experienced when reference to the meaning of transcendence and natural reason was abandoned, and in consequence, freedom and human dignity were grossly violated. When this happens, it threatens the objective foundations of the values inspiring and governing the international order and it undermines the cogent and inviolable principles formulated and consolidated by the United Nations. When faced with new and insistent challenges, it is a mistake to fall back on a pragmatic approach, limited to determining "common ground", minimal in content and weak in its effect.

This reference to human dignity, which is the foundation and goal of the responsibility to protect, leads us to the theme we are specifically focusing upon this year, which marks the sixtieth anniversary of the Universal Declaration of Human Rights. This document was the outcome of a convergence of different religious and cultural traditions, all of them motivated by the common desire to place the human person at the heart of institutions, laws and the workings of society, and to consider the human person essential for the world of culture, religion and science. Human rights are increasingly being presented as the common language and the ethical substratum of international relations. At the same time, the universality, indivisibility and interdependence of human rights all serve as guarantees safeguarding human dignity. It is evident, though, that the rights recognized and expounded in the Declaration apply to everyone by virtue of the common origin of the person, who remains the high-point of God's creative design for the world and for history. They are based on the natural law inscribed on human hearts and present in different cultures and civilizations. Removing human rights from this context would mean restricting their range and yielding to a relativistic conception, according to which the meaning and interpretation of rights could vary and their universality would be denied in the name of different cultural, political, social and even religious outlooks. This great variety of viewpoints must not be allowed to obscure the fact that not only rights are universal, but so too is the human person, the subject of those rights.

[In English]

The life of the community, both domestically and internationally, clearly demonstrates that respect for rights, and the guarantees that follow from them, are measures of the common good that serve to evaluate the relationship between justice and injustice, development and poverty, security and conflict. The promotion of human rights remains the most effective strategy for eliminating inequalities between countries and social groups, and for increasing security. Indeed, the victims of hardship and despair, whose human dignity is violated with impunity, become easy prey to the call to violence, and they can then become violators of peace. The common good that human rights help to accomplish cannot, however, be attained merely by applying correct procedures, nor even less by achieving a balance between competing rights. The merit of the Universal Declaration is that it has enabled different cultures, juridical expressions and institutional models to converge around a fundamental nucleus of values, and hence of rights. Today, though, efforts need to be redoubled in the face of pressure to reinterpret the foundations of the Declaration and to compromise its inner unity so as to facilitate a move away from the protection of human dignity towards the satisfaction of simple interests, often particular interests. The Declaration was adopted as a "common standard of achievement" (Preamble) and cannot be applied piecemeal, according to trends or selective choices that merely run the risk of contradicting the unity of the human person and thus the indivisibility of human rights.

Experience shows that legality often prevails over justice when the insistence upon rights makes them appear as the exclusive result of legislative enactments or normative decisions taken by the various agencies of those in power. When presented purely in terms of legality, rights risk becoming weak propositions divorced from the ethical and rational dimension which is their foundation and their goal. The Universal Declaration, rather, has reinforced the conviction that respect for human rights is principally rooted in unchanging justice, on which the binding force of international proclamations is also based. This aspect is often overlooked when the attempt is made to deprive rights of their true function in the name of a narrowly utilitarian perspective. Since rights and the resulting duties follow naturally from human interaction, it is easy to forget that they are the fruit of a commonly held sense of justice built primarily upon solidarity among the members of society, and hence valid at all times and for all peoples. This intuition was expressed as early as the fifth century by Augustine of Hippo, one of the masters of our intellectual heritage. He taught that the saying: Do not do to others what you would not want done to you "cannot in any way vary according to the different understandings that have arisen in the world" (De Doctrina Christiana, III, 14). Human rights, then, must be respected as an expression of justice, and not merely because they are enforceable through the will of the legislators.

Ladies and Gentlemen,

As history proceeds, new situations arise, and the attempt is made to link them to new rights. Discernment, that is, the capacity to distinguish good from evil, becomes even more essential in the context of demands that concern the very lives and conduct of persons, communities and peoples. In tackling the theme of rights, since important situations and profound realities are involved, discernment is both an indispensable and a fruitful virtue.

Discernment, then, shows that entrusting exclusively to individual States, with their laws and institutions, the final responsibility to meet the aspirations of persons, communities and entire peoples, can sometimes have consequences that exclude the possibility of a social order respectful of the dignity and rights of the person. On the other hand, a vision of life firmly anchored in the religious dimension can help to achieve this, since recognition of the transcendent value of every man and woman favours conversion of heart, which then leads to a commitment to resist violence, terrorism and war, and to promote justice and peace. This also provides the proper context for the inter-religious dialogue that the United Nations is called to support, just as it supports dialogue in other areas of human activity. Dialogue should be recognized as the means by which the various components of society can articulate their point of view and build consensus around the truth concerning particular values or goals. It pertains to the nature of religions, freely practised, that they can autonomously conduct a dialogue of thought and life. If at this level, too, the religious sphere is kept separate from political action, then great benefits ensue for individuals and communities. On the other hand, the United Nations can count on the results of dialogue between religions, and can draw fruit from the willingness of believers to place their experiences at the service of the common good. Their task is to propose a vision of faith not in terms of intolerance, discrimination and conflict, but in terms of complete respect for truth, coexistence, rights, and reconciliation.

Human rights, of course, must include the right to religious freedom, understood as the expression of a dimension that is at once individual and communitarian - a vision that brings out the unity of the person while clearly distinguishing between the dimension of the citizen and that of the believer. The activity of the United Nations in recent years has ensured that public debate gives space to viewpoints inspired by a religious vision in all its dimensions, including ritual, worship, education, dissemination of information and the freedom to profess and choose religion. It is inconceivable, then, that believers should have to suppress a part of themselves - their faith - in order to be active citizens. It should never be necessary to deny God in order to enjoy one's rights. The rights associated with religion are all the more in need of protection if they are considered to clash with a prevailing secular ideology or with majority religious positions of an exclusive nature. The full guarantee of religious liberty cannot be limited to the free exercise of worship, but has to give due consideration to the public dimension of religion, and hence to the possibility of believers playing their part in building the social order. Indeed, they actually do so, for example through their influential and generous involvement in a vast network of initiatives which extend from Universities, scientific institutions and schools to health care agencies and charitable organizations in the service of the poorest and most marginalized. Refusal to recognize the contribution to society that is rooted in the religious dimension and in the quest for the Absolute - by its nature, expressing communion between persons - would effectively privilege an individualistic approach, and would fragment the unity of the person.

My presence at this Assembly is a sign of esteem for the United Nations, and it is intended to express the hope that the Organization will increasingly serve as a sign of unity between States and an instrument of service to the entire human family. It also demonstrates the willingness of the Catholic Church to offer her proper contribution to building international relations in a way that allows every person and every people to feel they can make a difference. In a manner that is consistent with her contribution in the ethical and moral sphere and the free activity of her faithful, the Church also works for the realization of these goals through the international activity of the Holy See. Indeed, the Holy See has always had a place at the assemblies of the Nations, thereby manifesting its specific character as a subject in the international domain. As the United Nations recently confirmed, the Holy See thereby makes its contribution according to the dispositions of international law, helps to define that law, and makes appeal to it.

The United Nations remains a privileged setting in which the Church is committed to contributing her experience "of humanity", developed over the centuries among peoples of every race and culture, and placing it at the disposal of all members of the international community. This experience and activity, directed towards attaining freedom for every believer, seeks also to increase the protection given to the rights of the person. Those rights are grounded and shaped by the transcendent nature of the person, which permits men and women to pursue their journey of faith and their search for God in this world. Recognition of this dimension must be strengthened if we are to sustain humanity's hope for a better world and if we are to create the conditions for peace, development, cooperation, and guarantee of rights for future generations.

In my recent Encyclical, Spe Salvi, I indicated that "every generation has the task of engaging anew in the arduous search for the right way to order human affairs" (no. 25). For Christians, this task is motivated by the hope drawn from the saving work of Jesus Christ. That is why the Church is happy to be associated with the activity of this distinguished Organization, charged with the responsibility of promoting peace and good will throughout the earth. Dear Friends, I thank you for this opportunity to address you today, and I promise you of the support of my prayers as you pursue your noble task.

Before I take my leave from this distinguished Assembly, I should like to offer my greetings, in the official languages, to all the Nations here represented.

Peace and Prosperity with God’s help!

Paix et prospérité, avec l’aide de Dieu!

Paz y prosperidad con la ayuda de Dios!

سَلامٌ وَإزْدِهَارٌ بعَوْن ِ الله ِ!

因著天主的幫助願大家 得享平安和繁榮 !

Мира и благоденствия с помощью Боҗией!

Thank you very much.
 
Pope worries that big powers control decision-making
AP
18:19 18/04/2008
NEW YORK - Pope Benedict XVI warned diplomats at the United Nations on Friday that international cooperation needed to solve urgent problems is "in crisis" because decisions rest in the hands of a few powerful nations.

In a major speech on his U.S. trip, Benedict also said that respect for human rights, not violence, was the key to solving many of the world's problems.

While he didn't identify the countries that have a stranglehold on global power, the German pope — just the third pontiff to address the U.N. General Assembly — addressed long-standing Vatican concerns about the struggle to achieve world peace and the development of the poorest regions.

On the one hand, he said, collective action by the international community is needed to solve the planet's greatest challenges.

On the other, "we experience the obvious paradox of a multilateral consensus that continues to be in crisis because it is still subordinated to the decisions of a few."

The pope made no mention of the United States in his speech, though the Vatican did not support the U.S.-led invasion of Iraq in 2003, which occurred despite the Bush administration's failure to gain Security Council approval for it. At other moments on his trip, Benedict has been overtly critical of the U.S., noting how opportunity and hope have not always been available to minorities.

The pope said questions of security, development and protection of the environment require international leaders to work together in good faith, particularly when dealing with Africa and other underdeveloped areas vulnerable to "the negative effects of globalization."

Benedict also insisted that the way to peace was by insuring respect for the dignity of human beings.

"The promotion of human rights remains the most effective strategy for eliminating inequalities between countries and social groups, and increasing security," the pope said.

Those whose rights are trampled, he said, "become easy prey to the call to violence and they then become violators of peace."

By contrast, the leader of the world's 1 billion Roman Catholics said, the recognition of human rights favors "conversion of heart, which then leads to a commitment to resist violence, terrorism and war."

While Benedict, a former university professor and theologian, has spoken out less on global conflicts than his predecessor, John Paul II, he too lived through the Second World War. He was drafted into the German army at war's end and later deserted.

After three days in Washington, the pope took an early morning flight from the nation's capital to New York City. Cardinal Edward Egan greeted Benedict, who was escorted to a helicopter for the ride into Manhattan.

Benedict did not address atonement for clergy sex abuse in his speech, which has developed into a major theme on the trip. He has been widely expected to broach the subject Saturday when he celebrates Mass for priests, deacons and members of religious orders at St. Patrick's Cathedral in Manhattan.

Some victims' advocates are pressing for bishops to be sanctioned for their role in the scandal that has cost the U.S. church more than $2 billion.

Cardinal William Levada, an American cleric who runs the Vatican agency that enforces church doctrine, said Friday he does not know of any bishops guilty of "aiding and abetting" pedophiles, and would respond if he did. Bishops who have made mistakes, he said, largely took advice that was accepted at the time but proved wrong.

Leveda said it was possible that canonical rules, or church rules, could be changed to better address the abuse scourge.

"It's possible," Levada said in a conversation with reporters. "There are some things under consideration that I'm not able to say."

Across from the U.N., several hundred supporters, many of them Hispanic, gathered behind metal police barricades as Benedict spoke.

"Benedetto!" many shouted in Spanish.

A group of New Jersey Catholics held up a banner for the German-born pope that combined German — "Willkommen Pope Benedict XVI" — and English sentiments: "You Rock!"

A small anti-pope contingent included a group calling itself Forum for Protection of Religious Pluralism. Financial consultant Padmanabh Rao, a Hindu from Woodbridge, N.J., complained that the Vatican is converting people in India to Catholicism.

Before the pontiff's speech, Benedict and Secretary-General Ban Ki-moon met alone for 15 minutes for what the Vatican called a discussion on a range of international issues. No details were given.

Later, speaking to U.N. staff members, Benedict paid tribute to 42 civilians and peacekeepers killed in 2007. He said the United Nations plays a key role in monitoring how well governments protect their citizens.

"Indeed, this is coming to be recognized as the moral basis for a government's claim to authority," the pope said.

The pope's New York visit will also include a visit to ground zero, site of the Sept. 11, 2001 terrorist attacks, and a Mass at Yankee Stadium on Sunday. Later Friday, he was to visit an Orthodox synagogue on the eve of the Jewish Passover and meet with leaders of other Christian denominations.

By VICTOR L. SIMPSON, Associated Press Writer
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cuộc Tranh Luận Không Cân Sức
Lão Nông Thái Bình
13:10 18/04/2008
CUỘC TRANH LUẬN KHÔNG CÂN SỨC

Tôi thường rất tâm đắc và thán phục người đã đề ra câu khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, nhất là được áp dụng triệt để thì xã hội thật tuyệt vời.

Tôi đang trầm ngâm suy nghĩ về vấn đề đất đai xứ Thái Hà thì được tin vui là chính quyền mời các vị trong Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Hà Nội ra làm việc. Phen này hai phía đối thoại với nhau chắc sẽ đi tới hài hòa tốt đẹp. Ai ngờ đó lại là một cuộc đối thoại.. . không cân sức. Chính quyền thì đầy đủ các ban bệ, có công an bảo vệ vòng trong vòng ngoài, còn bên dân thì chỉ được mời chọn lựa, phải đấu tranh mãi.. . người dân thứ thiệt là giáo dân mới được vào tham dự.

Đối thoại mà ông Phó trưởng đoàn bên Sở Tài Nguyên và Môi Trường độc thoại những 9 trang giấy và kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, và nội dung thì toàn là báo cáo cho người nghe những vấn đề họ đã biết, rồi đơn phương đi tới kết luận quy kết những sai phạm cho đối phương, nghĩa là chính những người đang trên bàn đối thoại. Về phía Nhà Dòng Chúa Cứu Thế, các vị đại diện và giáo dân cũng trình bày 15 ý kiến như quan điểm trước đây đã từng công khai trước dư luận.

( Xin xem bài: “Nội dung buổi làm việc của các Linh mục và Ban Đại Diện giáo xứ Thái Hà với chính quyền” đăng trên Vietcatholic ngày 12/4/2008).

Thật nực cười khi có những điểm báo cáo của đoàn Thanh tra rất mâu thuẫn, như việc hiến đất của linh mục Vũ Ngọc Bích vào ngày 24/10/1961 (thực ra ngày này trùng với ngày chính quyền nói linh mục Nguyễn Tùng Cương hiến đất Tòa Khâm Sứ, là ngày kê khai đất ở Hà Nội) lại có vẻ xảy ra trước ngày 30/01/1961, ngày Nhà Nước ký văn bản duyệt y quyết định giao đất cho xí nghiệp Thảm Len Đống Đa sử dụng! Và thay vì đối thoại, Nhà nước lại huy động các báo chí, đài phát thanh, truyền hình như lời phái đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà “phản đối nội dung xuyên tạc của các bản tin trên đài Truyền hình Hà Nội và các bài trên trên báo Hà Nội Mới”.

Đối thoại mà một bên chỉ có 5 ông thầy dòng gầy gò cổ coll và 6 người dân nghèo ở Thái Hà, còn bên kia hàng hàng lớp lớp các vị vòng trong vòng ngoài áp lực, cộng với các hình ảnh, âm thanh loa đài, văn bản chữ nghĩa trên báo chí,... thì là một cuộc đối thoại không cân sức... thua là phải chứ còn oan ức cái nỗi gì! Điều này làm tôi nhớ lại câu thơ của anh chàng nói khoác: “Sức khỏe Hạng Vương cho một búng - Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe”.

May quá! Cuối cùng, để giữ thể diện cho bên đối thoại, ông trưởng đoàn Thanh tra lớn tiếng tuyên bố: “Hôm nay là buổi tuyên truyền pháp luật” để cho dân nghe, chứ không phải đối thoại cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Nếu chỉ là một buổi “tuyên truyền pháp luật” thì cứ ở nhà hay ra phố Đức bà lúc đó cũng có buổi tuyền truyền pháp luật, việc gì phải đến đây để hai bên cùng mất thời gian, lại thêm tốn kém chè nước, xăng dầu đi lại?

Kể cả Truyền hình Hà Nội đã chiếu văn bản và bảo là các kết luận của Đoàn Thanh tra. Tôi có nghe một vị giáo sư triết học nào đó nói với tôi từ hơn một năm trước về một ông thanh tra nào đó mắc phải sai sót. Tôi không có ý ám chỉ các vị Thanh tra của chúng ta ở Thái Hà, nhưng xin các vị hãy xem xét lại kẻo dân oan.

“ Thanh cha, thanh mẹ, thanh gì,

Nếu có phong bì, thì mới thanh kiu (thank you) ”.

Nhưng dẫu sao, cung cách làm việc của các vị như bài ghi lại nội dung buổi làm việc làm cho Lão Nông bộc trực này cảm thấy buồn chán.

Ngày 14 tháng 4 năm 2008
 
Văn Hóa
Chuyện phiếm: Đất An Lạc
Trà Lũ
13:56 18/04/2008

Chuyện phiếm: ĐẤT AN LẠC



Sống ở xứ tuyết Canada mà không biết nhiều về tuyết thì quả là ‘nhà quê’. Tôi vậy đó. Tuần qua tình cờ thấy một bài báo viết về tuyết, đọc xong tôi giật mình. Ủa, tuyết là cái chăn đắp cho mặt đất sao ? Tôi cứ nghĩ tuyết lạnh y như đá cục, nó làm băng giá mọi vật, mà hóa ra không phải. Lạ chứ. Khoa học cho biết tuyết là những hơi nước kết tinh lại, ở giữa là những khoảng trống. Khoảng trống này chính là vách ngăn sức lạnh. Tuyết phủ trên mặt đất chính là tấm chăn che chở cho nhiều sinh vật. Như họ hàng nhà chồn trong hang, như họ hàng nhà mối trên mặt, như họ hàng rễ cây dưới sâu. Lớp tuyết dày 10 phân nếu ép lại, ta chỉ được lớp nước dày một phân. Lớp tuyết là lớp chăn, đúng qúa. Bởi vậy khi tuyết tan một cái là cỏ cây chỗi dậy ngay và con chồn con sóc tung tăng nhảy nhót tức thì.

Canada bị tuyết ngập trong 4 tháng mùa đông nên đường xá hư hại rất nhiều. Tuyết trông đẹp và hiền lành như vậy chứ thực ra tuyết cũng ác và phá hoại dữ lắm. Tuyết họ nhà nước mà. Tuyết ngấm xuống khe hở mặt đường. Vì xe chạy ào ào ở trên nên các khe này đã nứt to ra, đã làm thành các ổ gà. Con đường nào cũng bị tuyết soi mòn., ổ to ổ nhỏ. Chính quyền thành phố đã phải xin cư dân cho họ biết những chỗ có ổ gà để họ kịp thời đến sửa. Toronto có tới hơn 9.000 con đường nên ty công chánh không thể biết mọi ngõ ngách. Họ phải xin như vậy để bảo vệ cho họ, vì theo luật, những ai bị thương tích do ổ gà có thể kiện thành phố đòi bồi thường !

Nghĩ cũng buồn cười, cơ quan bảo trì đường xá thì lo lắng vì những ổ gà do tuyết gây ra, còn cơ quan an ninh thành phố thì lại vui mừng vì tuyết ngăn cản tội ác. Theo thống kê, cứ tuyết rơi 1 phân thì tội ác giảm đi 10% ! Nghĩa là vào mùa lạnh thì ngay cả kẻ xấu cũng không muốn ra đường hành nghề !

Trong buổi họp làng cuối tháng Tư vừa qua, làng tôi không bàn về tuyết vì ngán qúa rồi, nhưng đã nói nhiều về tháng Tư Đen của VNCH. Đông diễn giả lắm. Người hùng hồn nhất vẫn là bồ chữ ODP. Ông phát biểu: Năm ngoái tôi đã lên tiếng ca ngợi Hoàng Thân Sirik Matak của Cao Mên. Các cụ còn nhớ chuyện hoàng thân thủ tướng xứ Mên này từ chối lời mời di tản của đại sứ Mỹ chứ, và về sau bị Mên Cộng sát hại chứ ? Năm nay tôi xin nói tới Cụ Trần Văn Hương của VNCH. Ông Hứa Hoành căn cứ theo tài liệu của BS Nguyễn Lưu Viên cho biết: Vào cuối tháng Tư 1975, Đại sứ Hoa Kỳ Martin đến mời Cụ Hương di tản với lời hứa Hoa Kỳ sẽ bao bọc Cụ trọn đời, Cụ Hương đáp ngay:

Thưa Ngài Đại Sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Mỹ có phần trách nhiệm lớn về việc này. Nay Ông Đại Sứ muốn mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn, nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định dứt khóat ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng CS vào được Saigon thì bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng Miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ niềm đau đớn tủi nhục và nỗi thống khổ của người dân mất nước. Xin cám ơn Ông Đại Sứ đã đến thăm tôi. ..

Những lời của Cụ Hương sao giống y như lời Hoàng Thân Matak bên Cao Mên !

Nhưng chưa hết cái dũng của Cụ Hương.

Sau 1975, trước khi CSVN tổ chức cuộc bầu cử quốc hội toàn quốc đầu tiên, Cụ Hương được họ thông báo sẽ có buổi lễ để chính phủ trả quyền công dân cho cụ. Buổi lễ được quay phim để tuyên truyền. Khi một cán bộ CS thay mặt chính phủ nói về chính sách khoan hồng của nhà nước và tuyên bố trả quyền công dân cho cụ, Cụ Hương đã dõng dạc đáp lại:

Tôi xin phép từ chối. Tôi không nhận cái quyền công dân này. Dù gì tôi cũng là người lãnh đạo Miền Nam, trong khi binh sĩ và nhân viên các cấp chỉ vì vâng lệnh của tôi mà bây giờ vẫn còn bị giam cầm trong các trại cải tạo, chưa được trả quyền công dân. Chẳng lý gì tôi là người trách nhiệm lai được trả quyền công dân trước. ..

Thật khí phách thay chí sĩ Trần Văn Hương của Miền Nam !

Thấy không khí buổi họp làng nghiêm trang quá, ông ODP liền kể chuyện vui, chuyện từ Đại Hàn. Ông đố mọi người tìm ra gốc gác của tân tổng thống Lee Myung Bak. Phe các bà lắc đầu hết. Các bà trả lời rằng các bà đâu có theo dõi thời sự quốc tế.

Bồ chữ ODP đáp: Cái này không thuộc lãnh vực chính trị mà thuộc lãnh vực sử học. Nguyên cái tên Lee Myung Bak đã nói lên cái gốc. Theo âm Hán Việt thì Lee Myung Bak đọc là ‘Lý Minh Bác’. Lý đây rõ ràng là tên một dòng họ VN. Họ Lý ở Cao Ly chính là họ Lý cuả hoàng tử Lý Long Tường. Ông là con thứ 7 của Vua Lý Anh Tông. Khi Trần Thủ Độ cướp ngôi nhà Lý thì hoàng tử Lý Long Tường dẫn gia tộc và đoàn tùy tùng vượt biên sang Cao Ly. Vua Cao Ly nằm mơ thấy một con chim phượng hoàng lớn bay về phương Nam. Vua cho đây là một điềm lành. Khi nghe tin gia tộc Lý Long Tường tới, vua biết đây chính là con chim phượng hoàng. Vua bèn nghênh đón và chu cấp đất đai cho họ Lý. Rồi hải quân Mông Cổ đến đánh cao Ly, Lý Long Tường đã cầm đầu binh đoàn chống trả mãnh liệt và đã chiến thắng. Uy danh tướng Lý Long Tường lan rộng khắp nơi. Và dòng dõi họ Lý đã bành trướng khắp chốn. Mới đây con cháu họ Lý đã từ Cao Ly về VN nhận quê cha đất tổ.

Ông H.O. nghe đến đây thì thích quá. Ông cười ha ha rồi phát biểu: Nếu như vậy thì tôi thấy có 2 tin vui: Thứ nhất: Tướng Lý Long Tường là ông tổ của Boat People, là thuyền nhân VN đầu tiên chứ không phải chúng ta, mãi thập niên 1980 mới là thuyền nhân. Thứ hai, ông tổng thống Lý Minh Bác hiện nay ở Đại Hàn chính là người VN !

Phe các bà nghe ông H.O. kể chuyện ‘vơ vào’ như vậy thì vỗ tay râm ran và khen ngợi ông H.O. thông thái. Được các bà khen thì ông H.O. tỏ ra sung sướng qúa sức. Nhưng rồi tự nhiên mặt ông H.O. nghiêm lại, ông nói: Tôi không thông thái như các bà vừa khen đâu. Tôi tội lỗi đầy mình. Tôi xin xưng tội. Tháng trước tôi kể chuyện tôi và ông chú về VN tìm người yêu cũ. Chuyện Cô Tố Lan ở Hà Nội và cô Thu Hồng ở Saigon ấy mà. Thực ra đây không phải là chuyện tự tôi viết ra. Tôi đọc báo thấy có tác giả viết 2 chuyện này giống y chang trường hợp của hai chú cháu tôi, nên tôi đã kể lại làm như của mình. Tôi đã mượn ý, tuy có đổi tên đổi họ nhân vật, mà quên béng nói tên tác giả. Tôi thật có lỗi. Bây giờ tìm hoài mà không sao tìm ra. Nếu tác giả đọc được lời này thì xin từ bi hỉ xả cho tôi.

Ông ODP liền vỗ về: Anh lương thiện như vậy là tốt lắm và quý lắm. Chắc tác giả không nỡ bắt lỗi anh nữa đâu. Để chuộc lỗi, bây giờ anh phải kể một câu chuyện gì thật độc đáo cho cả làng nghe.

Ông H.O. đáp ngay: Xin tuân lệnh. Nếu lấy đề tài về tình yêu thì tôi nhiều chuyện lắm. Xin kể chuyện ‘ Mùa đông lái xe ở Canada’nha. Rằng bữa đó trời bão tuyết, một chàng trai khi lái xe ngang một bến xe bus đã nhìn thấy 3 người đang chờ xe. Họ co rúm lại với nhau. Một ông linh mục cao tuổi, một bà già bịnh hoạn, và người thứ ba chính là người tình của anh. Xe của anh là loại xe rất nhỏ, xe chỉ có hai chỗ ngồi, một chỗ cho tài xế, và chỗ cho một hành khách. Anh không biết chở ai bây giờ. Nếu chọn ông linh mục thì để bà già và người yêu chết rét sao ? Nếu chở bà già vì lòng nhân đạo thì để ông cha và người yêu chết rét sao ? Nếu chọn người tình thì ông cha và bà già chết rét sao ? Anh luống cuống vì không biết quyết định ra sao.

Kể đến đây rồi ông H.O. ngưng lại và hỏi dân làng: nếu qúy vị là chàng trai lái xe, qúy vị sẽ chọn chở ai ?

Làng tôi ai cũng đăm chiêu suy nghĩ. Khó thật chứ. Bồ chữ khôn ngoan ODP cũng không tìm ra câu trả lời. Cả cụ Chánh, cả cụ B.95, cả chị Ba Biên Hoà, cả hai cô Huế Cao Xuân và Tôn Nữ, ai cũng lắc đầu.

Anh John lên tiếng: Ở Canada này ai cũng có phôn tay. Sao cái anh chàng kia không gọi phôn tay 911, hoặc gọi cho bạn bè ra tiếp cứu ? Ông H.O. trả lời ngay: Tôi quên kể là cái anh chàng kia không có phôn tay.

Cả làng lắc đầu, chịu thua, không ai tìm ra giải pháp nào tốt cả.

Thấy cả làng bị tắc, ông H.O. liền cười rồi nói ngay. Theo tôi thì tôi sẽ làm thế này: Tôi sẽ xuống xe, mời ông linh mục lên lái xe và bảo bà già bịnh hoạn lên xe. Tôi sẽ yêu cầu ông cha chở bà già về nhà rồi ông cha lái xe về nhà xứ. Còn tôi, tôi sẽ tình nguyện xuống xe và đứng với người yêu. Chúng tôi sẽ ôm nhau chờ xe bus trong cơn bão tuyết này.

Chị Ba Biên Hoà liền vỗ tay khen rằng giải pháp của ông H.O. hay qúa. Rồi cả làng vỗ tay theo. Các cụ có thích cái giải pháp của ông H.O. không ? Tuyệt vời quá đi chứ. Vừa tốt cho ông cha, vừa giúp cho bà già, vừa thăng hoa tình yêu.

Ông H.O. thấy mọi người thích câu chuyện này bèn được hứng kể tiếp một chuyện nữa, cũng liên hệ tới tình yêu. Ông mở đầu: Sách có câu ‘ Yêu nhau lắm cắn nhau đau’. Thường thì ta hiểu ‘cắn’ đây theo nghĩa bóng, nghĩa là làm khổ nhau. Nhà văn Song Thao đã không chịu hiểu theo nghĩa bóng mà ông hiểu theo nghĩa đen, nghĩa là khi yêu nhau thì người ta cắn nhau thật. Ông kể chuyện một ông giám đốc kia đi ăn vụng với cô thư ký bồ nhí. Sau cơn bão lửa, ông vào phòng tắm đê tẩy rửa mọi dấu vết tình yêu. Ông chợt thấy có vết cắn trên cổ do cô thư ký để lại. Cái này thật chí nguy. Làm sao tẩy được vết bầm này ? Biết nói sao với vợ đây ? Suốt dọc đường lái xe về nhà, lòng ông rối như tơ vò. Tới nhà, ông vừa mở cửa thì chú chó bẹc-giê nhảy chồm lên ông. Nó mừng chủ về nhà. Đầu ông bỗng lóe sáng. Con chó là vị cứu tinh của ông. Nó đã cho ông lời giải thích với vợ. Ông giả vờ vật lộn với con chó, rồi thình lình ông la lớn tiếng: Em xem này, con chó qúy của em nó cắn vào cổ anh, có vết tím đây này.

Bà vợ cũng vội vàng phanh áo rồi nói ngay: Anh coi, nó cũng vừa cắn vào ngực em, có vết bầm đây nè.

Ông Song Thao chỉ kể đến đây rồi chấm hết. Giận ông qúa. Đáng lẽ ông phải để 2 vợ chồng đi bác sĩ. Bác sĩ sẽ khám nghiệm vết chó cắn. Rồi ông bác sĩ sẽ giật mình. Ủa, sao vết răng chó lại kỳ vầy nè. Răng chó mà thế này à. Và tại sao cùng một con chó cắn mà hai vết răng khác nhau ? Cái đoạn này mới gay cấn chứ. Ông Song Thao không kể tiếp vì nghĩ rằng vết chó cắn không khác với vết người yêu cắn, nên ông ngừng lại.

Tưởng ông hết bàn về cắn, nhưng không, chưa hết được. Ông Song Thao sang một ngả khác. Theo ông thì đàn ông cắn đàn bà, đàn bà cắn đàn ông, cắn là vì yêu. Còn nếu đàn ông cắn đàn ông thì việc cắn này không hề liên hệ tới tình yêu mà liên hệ tới hận thù. Điển hình nhất việc liền ông cắn đàn ông là chuyện vua quyền Anh Mike Tyson. Trong trận đấu lịch sử 28.6.1997 tại võ đài MGM ở Las Vegas, Tyson đã cắn đứt tai đối thủ Evander Holyfielđ. Cắn đứt luôn 2 dái tai. Cắn 2 lần, mỗi lần một cái. Do cắn vì ganh ghét này mà Mike Tyson bị phạt 3 triệu đồng và bị cấm tranh tài trong một năm.

Chị Ba Biên Hòa nghe tới việc cắn vì hận thù thì không thích nữa. Chị bèn lên tiếng xin thôi chuyện cắn. Ông ODP liền nói: Xin cho tôi bàn một chút về tiếng cắn Bắc Kỳ. Tiếng Bắc Kỳ nói ‘ con chó cắn’ thì có 2 nghĩa khác nhau. Có thể hiểu con chó tấn công, nó táp vào chân tay ta, nhưng cũng có thể hiểu là con chó sủa, con chó gầu gầu, như câu ca dao diễn tả:

Chó cắn chẳng cắn chỗ không,

Chẳng thằng ăn trộm, thì ông đi đường

Nghe đến đây, Chị Ba cười khanh khách: Vậy hoá ra tiếng Nam Kỳ của tôi chính xác hơn tiếng Bắc Kỳ của các bác nha. Tiếng Nam phân biệt ‘Con chó cắn’ khác ‘con chó sủa’.

Đến đây thì anh John nhảy vào lấy điểm với vợ. Anh cười hà hà: Theo ngôn ngữ học, người di dân đi đến đâu thì mang theo ngôn ngữ của mình đến đó. Chứng cớ rất rõ ràng là người dân ở Québec gốc từ bên Pháp nên bây giờ con cháu họ đang nói thứ tiếng Pháp của thế kỷ thứ 18, 19 là ngôn ngữ khi tổ tiên họ tới Canada. Cũng vậy, người Miền Nam là di dân đi từ Miền Bắc, bởi vậy ngôn ngữ cửa người miền Nam chính là ngôn ngữ nguyên thủy của miền Bắc ngày xưa. Tiếng Miền Nam chính là tiếng Việt gốc, tiếng Miền Bắc bây giờ là tiếng lai căng….

Thế này là anh John tuyên chiến với nhóm Bắc kỳ chúng tôi rồi, các cụ ơi !

Chưa bao giờ tôi thấy vợ chồng Anh John cười sung sướng và khoái trá như hôm nay. Các cụ nhớ kỹ nha, họ dám bảo tiếng Nam Kỳ đẻ ra tiếng Bắc Kỳ đó nha.

Thấy mọi người cười nói vui vẻ, ông H.O. liền chọc Chi Ba: Xin cho tôi trở lại chuyện tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng dẫn tới chuyện lấy nhau. Trước đây tôi cứ tưởng chỉ có ông Hồi Giáo là có trái tim to vì ông yêu được những 4 vợ. Năm 1954 khi di cư vào Nam, tôi thấy ở Saigon có ông Lãnh Binh còn có trái tim to hơn ông Hồi Giáo. Dân Saigon ai cũng nhớ ông. Ông có công xây một cây cầu lớn khu vực buôn bán nên dân chúng gọi cây cầu này là Cầu Ông Lãnh. Tim ông lớn, ông lấy những năm vợ, năm nha chứ không phải bốn, và ông xây cất cho mỗi bà một dinh cơ lớn ở năm miền khác nhau. Mỗi miền mang tên mỗi bà: Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Quẹo, Bà Hom, Bà Điểm. Tình yêu của Ông Lãnh Binh Saigon ngon qúa chứ.

Đang được đà vui vẻ, anh John xin tiếp: Chúng ta đang ca ngợi tình yêu. Tôi mới tìm ra công thức về phép lạ của tình yêu, như thế này: Home = house + love. Thấy Cụ B.95 ngơ ngác chả hiểu gì, anh John bèn giải thích: cái công thức dạng toán học này là lời tóm tắt một câu nói rất hay trong tiếng Canada ‘ Money can build a house, but it takes love to make it a home’, nghĩa là tiền giúp ta xây được một căn nhà, nhưng cần phải có tình yêu thì mới biến căn nhà đó thành tổ ấm được.

Lúc này bồ chữ ODP mới lên tiếng: Ca ngợi tình yêu như câu nói tiếng Anh vừa rồi đã là hay, nhưng tôi thấy mấy câu ca dao VN đã diễn tả tình yêu còn hay và tuyệt vời hơn nữa. Em hỏi anh yêu em bắt đầu từ bao giờ ư ? Không phải từ khi em bước vào mùa xuân cuộc đời, mà còn là trước nữa, sớm hơn nhiều, không những từ khi em bé tí tẹo mẹ còn bế trên tay, không những từ khi mẹ còn mang em trong lòng, mà ngay từ lễ rước dâu mẹ về nhà cha cơ:

... Sao vua chín cái nằm chồng
Yêu em từ thuở mẹ bồng trên tay

... Sao vua chín cái nằm ngang
Yêu em từ thuở mẹ mang trong lòng

. .. Sao vua chín cái nằm kề
Yêu em từ thuở mẹ về với cha

Cụ B.95 phe của Chị Ba, không muốn phe liền ông chúng tôi lan man về yêu đương nữa, bèn xin anh John cho nghe chuyện thời sự.

Anh John liền kể ngay chuyện tỵ nạn: Có lẽ vì duyên nợ từ kiếp trước nên Canada yêu thương người Việt đặc biệt. Hiện nay dân số VN ở Canada lên tới 200 ngàn. Chưa hết. Năm qua, Canada đã bằng lòng nhận thêm những người Việt thuyền nhân tỵ nạn cuối cùng ở Phi Luật Tân. Lúc đầu thì cộng đồng VN chỉ dám xin cho 159 người Việt trước đây rớt thanh lọc, và chỉ dám xin có thế. Canada biết những người Việt này đã ở PLT lâu thì thế nào cũng lấy vợ lấy chồng ngườì địa phương, nên Canada đã mở rộng cửa, qúa sự mong ước của mọi người. Canada nhận luôn cả vợ con PLT của họ. Trước đây con số là 159, nay con số tăng lên 300 người. Và con số 300 này đang bắt đầu tới miền đất thiên đàng. Đầu tháng Ba vừa qua, 4 người đã tới Vancouver miền tây Canada, và 2 người đã tới Alberta miền trung Canada. Bốn người tới Vancouver là do chùa của Thượng Tọa Thích Nguyên Thảo bảo trợ. Các cụ còn nhớ Thày Nguyên Thảo chứ. Thày là người đã từng tuyên bố: Nếu cần bán chùa để đủ tiền bảo lãnh thì thày sẽ bán chùa. Trung tuần tháng Ba thì một người tới Toronto. Người nhận bảo trợ thuyền nhân này là Linh Mục Lawrennce Parent và nhà thờ Canada của ông. Linh mục là một trong những người ký giấy bảo lãnh sớm nhất và sốt sắng nhất. Đặc biệt qúa chứ. Nước này và người nước này tốt thế đấy các cụ ạ. Và đồng bào tỵ nạn đang bắt đầu rời PLT để đến miền đất hứa trong mùa xuân này.

Rồi anh John bắt sang chuyện yêu nước Canada của một người Mỹ. Đó là bà Diane Francis, bỉnh bút của tờ National Post, một nhật báo trí thức ở đây. Bà sinh quán ở Mỹ nhưng đã chọn Canada làm quê hương. Bà đã viết nhiều bài dài ca ngợi Canada. Bà khen Canada hết lời. Bà bảo miền đất này đúng là đất thiên đàng, trổi vượt hơn Mỹ. Như mặt y tế, mọi người dân được bảo hiểm sức khoẻ. Như mặt tài nguyên, Canada là một túi dầu khổng lồ, một hầm lớn quặng mỏ và quý kim chưa khai thác, một cánh đồng bao la lúa mì và gia súc. Như mặt xã hội, Canada là một nước đa văn hóa, dân chúng thuộc nhiều sắc tộc khác nhau thế mà người dân sống rất hoà bình và rất an lạc. Canada là nước đang đi lên vì Canada là thỏi nam châm đã và đang thu hút nhiều thiên tài của thế giới. Cuối thế kỷ trước, khi khối CS ở Nga Xô và Đông Âu tan vỡ, đại đa số trí thức của khối này đã chọn Canada làm quê hương thứ hai.

Viết đến đây, tôi giật mình. Tình yêu đã là đề tài nóng hổi và vô tận, vậy xin tạm ngưng ở đây để trình các cụ bữa ăn nóng hổi và rất đỗi quê hương của làng tôi.

Trong lần họp kỳ này, Cụ B.95 hợp sức với chi Ba Biên Hoà nấu món Cơm Lá Sen. Các cụ còn nhớ hương vị món ăn này chứ. Sở dĩ hôm nay cả làng được ăn món này là vì Chị Ba mới mua được lá sen ngoài chợ. Lá sen từ VN đem qua nha, còn tươi nguyên. Trong lúc phe liền ông chúng tôi ngồi bàn quốc sự thì phe liền bà lui cui trong bếp, dưới sự lãnh đạo của 2 đầu bếp danh tiếng. Món này làm dễ lắm các cụ ạ, nhưng cần chuẩn bị từ trước. Nào tôm khô ngâm nước cho mềm, nào cá mực rửa sạch cắt nhỏ ướp hành tiêu nước mắm, nào hạt sen luộc chín, nào cơm thổi sẵn. Sắp đến giờ ăn, nhà bếp bác chảo lên bếp, phi hành cho thơm, rồi cho tôm, mực, hạt sen và cơm chín vào, nêm nếm cho vừa miệng. Chờ một lát là được. Giai đoạn chót là cho tổng hợp này vào lá sen rồi bỏ vào nồi hấp. Chút xíu là xong. Cơm gói lá sen có một mùi thơm thanh khiết nhẹ nhàng. Món này phải ăn nóng. Ngon qúa sức.

Trong phần uống trà cuối bữa thì ông ODP khoe mới nhận được một cuốn sách hay, do người bạn gửi tặng. Sách gồm 14 chuyện ngắn và phiếm, bàn về sự hạnh phúc ở đời. Đọc xong ta thấy tác giả là một người ngộ đạo thiền, biết hạnh phúc không ở đâu xa, mà ở chính ngay giây phút này, với những gì ta đang có. Tác giả gọi đó là ‘triết lý củ khoai’, và dùng chính cái triết lý này làm tên sách. Tác giả mang bút hiệu ‘ Tràm Cà Mau’. Chỉ có ở Cà Mau mới có cây tràm. Cây tràm là cây có công rất lớn trong việc phát triển bờ cõi phía cực nam VN. Tràm là cây giữ phù sa lại. Sau tràm là cây đước. Đước là cây thanh lọc phù sa, lọc nước mặn. Sau tràm, sau đước rồi mới tới cây cam cây quýt cây xoài. Tác giả lấy tên Tràm Cà Mau, chứ lời văn của ông chứng tỏ ông không phải là thổ dân Cà Mau. Đọc cuốn này tôi thấy vui quá và yêu đời qúa. Cụ nào trọng tuổi thì nên bắt chước Cụ Lê trong ‘ Tuổi Già Là Thời Sung Sướng Nhất’. Cụ Lê 85 tuổi mà mục kia còn khiếp lắm. Các bà vợ muốn có hạnh phúc gia đình thì nên cưng chồng tối đa, giầu thì bắt chước Bà Ba trong ‘Ngục Tù Êm Ái, nghèo thì bắt chước Chị Mai trong ‘Vợ Hiền’. Nhân vật mà tôi thích nhất trong sách là ‘ Cô Bắng Nhắng’. Cái cô da đen này đáng yêu vô cùng. Cô reo rắc hạnh phúc miễn phí cho mọi người. Sách gần 300 trang do nhà Xuất Bản Văn Học ở Cali phát hành.

Cụ nào đọc xong sách này mà học được bí kíp hạnh phúc, xin nhớ trả công cho tôi nha.

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cánh Hải Âu
Lm. Tâm Duy
00:17 18/04/2008

CÁNH HẢI ÂU



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Chim soải cánh rớt tiếng về Nam Hải

Núi phân thân, từng ngọn, đứng, im lìm..

(Trích thơ Du Tử Lê)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền