Chương Mười: Bằng chứng dấu ngón tay


Có phải Chúa Giêsu và một mình Chúa Giêsu trùng khớp với danh tính của Đấng Mêxia không?

Đó là một ngày thứ Bảy yên bình tại nhà Hiller ở Chicago. Clarence Hiller đã dành cả buổi chiều để sơn phần trang trí bên ngoài ngôi nhà hai tầng của mình trên Phố 104 phía Tây. Đến đầu giờ tối, anh và gia đình đã đi ngủ. Tuy nhiên, những gì xảy ra tiếp theo sẽ thay đổi luật hình sự ở Mỹ mãi mãi.

Thomas Jennings, accused of murdering Clarence D. Hiller, Chicago, Illinois, 1910. Photo by Chicago Sun-Times/Chicago Daily News collection/Chicago History Museum/Getty Images


Gia đình Hiller thức dậy vào sáng sớm ngày 19 tháng 9 năm 1910 và trở nên nghi ngờ rằng một ngọn đèn bằng khí đốt gần phòng ngủ của con gái họ đã tắt. Clarence đi điều tra. Vợ anh nghe thấy một loạt âm thanh nhanh chóng: một vụ ẩu đả, hai người đàn ông ngã xuống cầu thang, hai tiếng súng và tiếng đóng sầm cửa trước. Bà xuất hiện và thấy Clarence đã chết ở chân cầu thang. Cảnh sát đã bắt Thomas Jennings, một tên trộm bị kết án, cách đó chưa đầy một dặm. Có máu trên quần áo của anh ta và cánh tay trái của anh ta bị thương - anh ta nói, cả hai chuyện đều do bị té trên xe điện. Trong túi của anh ta, họ tìm thấy cùng một loại súng đã được dùng để bắn Clarence Hiller, nhưng họ không thể xác định đó có phải là vũ khí giết người hay không. Biết rằng họ cần thêm thông tin để kết tội Jennings, các thám tử đã lục soát bên trong nhà Hiller để tìm kiếm thêm manh mối. Một sự thật nhanh chóng trở nên rõ ràng: kẻ giết người đã vào qua cửa sổ nhà bếp phía sau. Các thám tử đi ra ngoài - và ở đó, bên cạnh cửa sổ đó, mãi mãi in trên lớp sơn trắng mà chính nạn nhân vụ giết người đã cẩn thận phết lên lan can chỉ vài giờ trước khi chết, họ tìm thấy bốn dấu đầu ngón tay rõ ràng từ bàn tay trái của một ai đó.

Bằng chứng dấu đầu ngón tay là một khái niệm mới vào thời điểm đó, gần đây đã được giới thiệu tại một cuộc triển lãm cảnh sát quốc tế ở St. Louis. Cho đến nay, dấu đầu ngón tay chưa bao giờ được sử dụng để kết tội bất cứ ai giết người ở Hoa Kỳ.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các luật sư bào chữa rằng bằng chứng đó là phi khoa học và không thể chấp nhận được, bốn sĩ quan đã làm chứng rằng dấu đầu ngón tay trên sơn hoàn toàn khớp với dấu đầu ngón tay của Thomas Jennings - và chỉ riêng anh ta. Bồi thẩm đoàn kết luận Jennings có tội, Tòa án Tối cao Illinois giữ nguyên bản án của anh ta trong một phán quyết lịch sử, và sau đó anh ta bị treo cổ (1).

Tiền đề đằng sau bằng chứng về dấu đầu ngón tay rất đơn giản: mỗi cá nhân có những đường vân độc nhất trên ngón tay của mình. Khi dấu đầu ngón tay được tìm thấy trên một đồ vật khớp với kiểu đường vân trên ngón tay của một người, các nhà điều tra có thể kết luận chắc chắn về mặt khoa học rằng cá nhân chuyên biệt này đã chạm vào đồ vật đó.

Trong nhiều vụ án hình sự, nhận dạng dấu đầu ngón tay là bằng chứng quan trọng. Tôi nhớ đã đưa tin về một phiên tòa trong đó một dấu đầu ngón tay duy nhất được tìm thấy trên giấy bóng kính của gói thuốc lá là yếu tố quyết định để kết tội một tên trộm hai mươi tuổi giết một sinh viên đại học (2). Điều đó cho thấy bằng chứng dấu đầu ngón tay có tính kết luận ra sao.

Đồng ý, nhưng điều này có liên quan gì đến Chúa Giêsu Kitô? Đơn giản là thế này: Có một loại bằng chứng khác tương tự như dấu đầu ngón tay và xác lập mức độ chắc chắn đáng kinh ngạc rằng Chúa Giêsu thực sự là Đấng Mêxia của Israel và thế giới.

Trong Kinh thánh của người Do Thái, mà Kitô hữu gọi là Cựu ước, có vài chục lời tiên tri chính về sự xuất hiện của Đấng Mêxia, Đấng sẽ được Thiên Chúa sai đến để cứu chuộc dân Người. Thực thế, những lời tiên đoán này đã tạo nên một dấu đầu ngón tay tượng trưng mà chỉ Đấng được xức dầu mới có thể xứng hợp mà thôi. Bằng cách này, dân Israel có thể loại trừ bất cứ kẻ mạo danh nào và chứng thực phẩm chất [credential] Đấng Mêxia đích thực.

Chữ Hy Lạp chỉ đấng "Messiah" là Đấng Kitô. Nhưng Chúa Giêsu có thực sự là Đấng Kitô không? Người có ứng nghiệm một cách kỳ diệu các lời tiên đoán đã được viết hàng trăm năm trước khi Người được sinh ra không? Và làm sao chúng ta biết Người là cá nhân duy nhất trong suốt lịch sử xứng hợp với dấu đầu ngón tay tiên tri?

Có rất nhiều học giả với một chuỗi dài những chữ viết tắt sau tên của họ mà lẽ ra tôi có thể hỏi về chủ đề này. Tuy nhiên, tôi muốn phỏng vấn một người mà đối với họ đây không chỉ là một thao tác học thuật trừu tượng, và điều này đã đưa tôi đến một bối cảnh rất khó xảy ra ở miền nam California.



Cuộc phỏng vấn thứ chín: Louis S. Lapides, M.Div., Th.M.

Thông thường, nhà thờ là địa điểm tự nhiên cho ai đó muốn đặt câu hỏi về một vấn đề trong Kinh thánh. Nhưng có điều gì đó khác biệt khi ngồi xuống với Mục sư Louis Lapides trong thánh đường của giáo đoàn ông vào buổi sáng sau các buổi thờ phượng Chúa Nhật. Khung cảnh những chiếc ghế dài và kính màu này không phải là nơi mà bạn có thể mong đợi tìm thấy một cậu bé Do Thái tốt bụng đến từ Newark, New Jersey.

Tuy nhiên, đó lại là lai lịch của Lapides. Đối với một người có di sản, câu hỏi liệu Chúa Giêsu có phải là Đấng Mêxia được mong đợi từ lâu hay không vượt ra ngoài lý thuyết. Nó mang tính bản thân cao độ và tôi đã tìm đến Lapides để có thể nghe câu chuyện về cuộc điều tra của chính ông về vấn đề quan trọng này.

Lapides có bằng cử nhân thần học tại Đại học Dallas Baptist cũng như bằng thạc sĩ thần học và bằng thạc sĩ thần học về Cựu Ước và Semitic Học từ Chủng viện Thần học Talbot. Ông đã phục vụ trong một thập niên tại Thừa tác vụ dân Chúa chọn, nói về Chúa Giêsu cho các sinh viên cao đẳng Do Thái. Ông đã giảng dạy tại khoa Kinh thánh của Đại học Biola và đã làm việc bảy năm trong tư cách người hướng dẫn cho các buổi hội thảo Bách bộ Qua Kinh thánh. Ông cũng là cựu chủ tịch của một mạng lưới quốc gia gồm mười lăm giáo đoàn thiên sai.

Mảnh khảnh và đeo kính cận, Lapides ăn nói nhỏ nhẹ nhưng hay mỉm cười và sẵn sàng cười lớn. Ông tỏ ra lạc quan và lịch sự khi dẫn tôi đến một chiếc ghế gần phía trước Hiệp Hội Beth Airiel ở Sherman Oaks, California. Tôi không muốn bắt đầu bằng việc tranh luận về các sắc thái của Kinh thánh; thay vào đó, tôi bắt đầu bằng cách mời Lapides kể cho tôi nghe câu chuyện về hành trình tâm linh của ông.

Ông khoanh tay trong lòng, nhìn những bức tường gỗ tối màu một lúc để quyết định phải bắt đầu từ đâu, rồi bắt đầu kể một câu chuyện phi thường đã đưa chúng tôi đi từ Newark qua Greenwich Village đến Việt Nam và Los Angeles, từ sự hoài nghi đến niềm tin, từ Do Thái giáo sang Kitô giáo, từ Chúa Giêsu không liên quan đến Chúa Giêsu trong tư cách Đấng Mêxia.

Ông bắt đầu, "Như ông biết, tôi xuất thân từ một gia đình Do Thái. Tôi tham dự một hội đường Do Thái bảo thủ trong bảy năm để chuẩn bị tiếp nhận nghi thức bar mitzvah [con trai 13 tuổi đảm nhận các trách nhiệm tôn giáo]. Mặc dù chúng tôi coi những việc học hành này rất quan trọng, nhưng đức tin của gia đình chúng tôi không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi không ngừng làm việc trong ngày Sabát; chúng tôi không có chế độ kosher [ăn kiêng]."

Ông mỉm cười. "Tuy nhiên, vào những Ngày Lễ Thánh lớn, chúng tôi có tham dự hội đường Chính thống nghiêm ngặt hơn, bởi vì cách nào đó, ba tôi cảm thấy đó là nơi bạn nên đến nếu bạn thực sự muốn nghiêm túc với Thiên Chúa!"

Khi tôi xen vào để hỏi xem cha mẹ ông đã dạy ông điều gì về Đấng Mêxia, câu trả lời của Lapides rất rõ ràng. Ông nói một cách đơn giản, "Nó không bao giờ xuất hiện". Tôi hoài nghi. Thực vậy, tôi nghĩ tôi đã hiểu lầm ông nên hỏi "Ý ông là thậm chí nó còn không được thảo luận?".

Ông lặp lại “Không bao giờ. Thậm chí, tôi không nhớ nó là một vấn đề trong trường học tiếng Do Thái."

Điều này thật gây ngạc nhiên đối với tôi nên tôi hỏi, "Còn Chúa Giêsu thì sao? Người có từng được nói đến chưa? Tên Người có được sử dụng không?"

Lapides châm biếm, "Chỉ một cách xúc phạm thôi! Trong căn bản, người ta chưa bao giờ thảo luận về Người. Ấn tượng của tôi về Chúa Giêsu đến từ việc nhìn thấy các nhà thờ Công Giáo: có cây thánh giá, vòng gai, cạnh sườn bị đâm, máu chảy ra từ đầu Người. Nó chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Tại sao bạn lại tôn thờ một người đàn ông trên thập giá với đinh đóng trên tay và chân? Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng Chúa Giêsu có bất cứ mối liên hệ nào với người Do Thái. Tôi chỉ nghĩ rằng Người là một vị thần của dân ngoại."

Tôi nghi ngờ rằng thái độ của Lapides đối với các Kitô hữu đã vượt quá sự mơ hồ đơn thuần về niềm tin của họ, nên tôi hỏi, "Ông có tin rằng những người theo Kitô giáo là nguồn gốc của chủ nghĩa bài Do Thái không?"

Ông nói, giọng có vẻ hơi ngoại giao, “Người ngoại giáo được coi là đồng nghĩa với Kitô hữu, và chúng tôi được dạy phải thận trọng vì có thể có chủ nghĩa bài Do Thái giữa những người ngoại giáo”.

Tôi theo đuổi vấn đề xa hơn. "Có phải ông nói rằng ông đã phát triển một số thái độ tiêu cực đối với các Kitô hữu không?" Lần này ông nói thẳng. "Vâng, thực sự tôi đã nói thế. Thực vậy, sau này khi Tân Ước lần đầu tiên được trình bày cho tôi, tôi thực sự nghĩ rằng trong căn bản nó là một cuốn cẩm nang của chủ nghĩa bài Do Thái: cách ghét người Do Thái, cách giết người Do Thái, cách tàn sát họ. Tôi nghĩ Đảng Quốc xã Mỹ sẽ rất thoải mái khi sử dụng nó như một cuốn sách hướng dẫn."

Tôi lắc đầu, buồn bã khi nghĩ đến việc có bao nhiêu đứa trẻ Do Thái khác đã lớn lên và coi những người theo Kitô giáo là kẻ thù của chúng.

Một cuộc truy tầm tâm linh bắt đầu

Lapides cho biết một số biến cố đã làm lu mờ lòng trung thành của ông với đạo Do Thái khi ông lớn lên. Tò mò về các chi tiết, tôi yêu cầu ông giải thích chi tiết hơn, và ngay lập tức, ông chuyển sang giai đoạn rõ ràng là đau lòng nhất trong cuộc đời ông.

“Bố mẹ tôi ly dị khi tôi mười bảy tuổi,” ông nói - và ngạc nhiên thay, sau ngần ấy năm, tôi vẫn còn có thể cảm nhận được sự tổn thương trong giọng nói của ông. "Điều đó thực sự đặt tiền đánh cuộc vào bất cứ trái tim tôn giáo nào mà tôi có thể có. Tôi tự hỏi, Thiên Chúa từ đâu đến? Tại sao họ không đến gặp giáo sĩ Do Thái để được tư vấn? Tôn giáo có ích gì nếu nó không thể giúp người ta một cách thực tế? Điều đó chắc chắn không thể giữ cho cha mẹ tôi ở lại với nhau. Khi họ chia tay, một phần trong tôi cũng tan nát.

Thêm vào đó, trong đạo Do Thái, tôi không cảm thấy mình có mối quan hệ bản thân nào với Thiên Chúa. Tôi có rất nhiều các nghi lễ và truyền thống đẹp đẽ, nhưng Người là vị Thiên Chúa xa xôi và tách biệt của Núi Sinai, Đấng từng nói, 'Đây là những quy tắc – ngươi phải sống theo, ngươi sẽ ổn thôi; Ta sẽ gặp ngươi sau.' Và tôi ở đó, một thanh niên với hoóc-môn cuồng nộ, tự hỏi, liệu Thiên Chúa có liên quan gì đến những cuộc đấu tranh của tôi không? Người có quan tâm đến tôi như một cá nhân không? Chà, tôi không thể thấy được điều đó bất cứ cách nào."



Cuộc ly hôn đã thúc đẩy một kỷ nguyên nổi loạn. Say mê âm nhạc và bị ảnh hưởng bởi các tác phẩm của Jack Kerouac và Timothy Leary, ông đã dành quá nhiều thời gian ở các quán cà phê ở Làng Greenwich đến nỗi không còn giờ học đại học – một điều khiến ông dễ bị bắt đi quân dịch. Đến năm 1967, ông thấy mình ở bên kia thế giới trên một chiếc thuyền chở hàng có đạn dược dễ phát nổ, bom, tên lửa và các chất nổ cao khác khiến nó trở thành mục tiêu hấp dẫn của Việt Cộng.

“Tôi nhớ đã được nói trong buổi định hướng của chúng tôi ở Việt Nam, 'Hai mươi phần trăm các bạn có thể sẽ bị giết, và tám mươi phần trăm còn lại sẽ có thể mắc bệnh hoa liễu hoặc nghiện rượu hoặc nghiện ma túy.' Tôi nghĩ, tôi thậm chí không có một phần trăm cơ hội để thoát ra mà vẫn còn bình thường!

“Đó là một thời kỳ rất đen tối. Tôi đã chứng kiến sự đau khổ. Tôi đã thấy những chiếc túi đựng xác; tôi đã thấy sự tàn phá của chiến tranh. Và tôi đã gặp chủ nghĩa bài Do Thái trong một số Binh sĩ Mỹ. Một vài người trong số họ từ miền Nam thậm chí còn đốt một cây thánh giá trong một đêm. Có lẽ tôi muốn tránh xa bản sắc Do Thái của mình - có lẽ đó là lý do tại sao tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về các tôn giáo phương Đông."

Lapides đọc các sách nói về các nền triết lý Đông Phương và đã đến viếng nhiều ngôi chùa Phật Giáo lúc ở Nhật Bản. Ông nói với tôi, “Tội cực kỳ quan tâm đến sự ác tôi đã thấy, và tôi cố gắng hình dung ra cách đức tin có thể đối phó với nó. Tôi thường nói, 'Nếu có Thiên Chúa, tôi không quan tâm liệu tôi có tìm thấy Người trên Núi Sinai hay Núi Phú Sĩ. Tôi cũng sẽ tiếp nhận Người.'"
Ông đã sống thoát Việt Nam, trở về quê hương với mùi marijuana mới tìm thấy và các kế hoạch trở thành một tu sĩ Phật giáo. Ông cố gắng sống lối sống khổ hạnh từ bỏ mình trong một nỗ lực gạt bỏ nghiệp xấu vì những lỗi lầm trong quá khứ của mình, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ có thể bù đắp cho tất cả những sai lầm của mình.

Lapides im lặng một lúc, rồi nói, "Tôi bị trầm cảm. Tôi nhớ lúc nhẩy lên xe điện và nghĩ nhảy xuống đường rầy là câu trả lời. Tôi có thể giải thoát mình khỏi cơ thể này và hoàn toàn được nhập vào Thiên Chúa. Tôi đã rất bối rối. Để làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, tôi bắt đầu thử nghiệm với LSD."

Tìm kiếm một khởi đầu mới, ông quyết định chuyển đến California, nơi mà cuộc tìm kiếm tâm linh của ông tiếp tục. Ông nói, "Tôi đã đến các cuộc họp của Phật giáo, nhưng thật trống rỗng. Phật giáo Trung Quốc vô thần, Phật giáo Nhật thờ tượng Phật, Phật giáo Thiền tông quá mơ hồ. Tôi đã đến các cuộc họp của Scientology, nhưng họ quá thao túng và kiểm soát. Ấn Độ giáo tin vào tất cả những cuộc vui điên rồ mà các vị thần vốn có và vào những vị thần vốn là những con voi xanh. Không điều gì có ý nghĩa; không điều gì thoả mãn cả”.

Thậm chí Ông còn tháp tùng bạn bè đến các cuộc họp có xu hướng ngầm Satan. Ông cho biết, "Tôi xem và nghĩ, Có điều gì đó đang diễn ra ở đây, nhưng nó không tốt. Ở giữa thế giới nghiện ma túy của mình, tôi nói với những người bạn của tôi rằng tôi tin rằng có một thế lực xấu xa vượt quá tôi, nó có thể hoạt động trong tôi, nó tồn tại như một thực thể. Tôi đã thấy đủ điều xấu xa trong đời mình để tin vào điều đó."

Ông nhìn tôi với một nụ cười mỉa mai. Ông nói, "Tôi đoán tôi đã chấp nhận sự hiện hữu của Satan trước khi tôi chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa."

“Tôi không thể tin vào Chúa Giêsu”

Đó là năm 1969. Sự tò mò của Lapides thôi thúc ông đến thăm Sunset Strip để trố mắt nhìn một nhà truyền giáo đã tự xích mình vào một cây thánh giá cao 8 feet để phản đối cách các chủ quán rượu địa phương tìm cách trục xuất ông ra khỏi thừa tác vụ trước cửa hàng của họ. Lapides bắt gặp một số Kitô hữu lôi kéo ông vào một cuộc tranh luận tâm linh ngẫu hứng.

Hơi tự phụ, ông bắt đầu phun triết lý Đông phương vào mặt họ và chỉ tay về phía trời mà nói, "Không có Thiên Chúa nào ngoài kia cả. Chúng ta là Thiên Chúa. Tôi là Thiên Chúa. Các bạn là Thiên Chúa. Các bạn chỉ cần hiểu ra điều đó."

Một người trả lời, "Chà, nếu bạn là Thiên Chúa, tại sao bạn không tạo ra một tảng đá? Chỉ cần làm cho một điều gì đó xuất hiện. Đó là những gì Thiên Chúa làm."

Trong tâm trí rối bời vì ma túy của mình, Lapides tưởng tượng ông đang cầm một tảng đá. Đưa bàn tay không của mình ra, ông nói, "Ừ, đây là một tảng đá".

Người Kitô hữu chế giễu nói, "Đó là sự khác biệt giữa bạn và Thiên Chúa thật. Khi Thiên Chúa sáng tạo ra điều gì đó, mọi người đều có thể nhìn thấy nó. Nó khách quan, không chủ quan."

Điều đó lọt vào đầu óc Lapides. Sau khi suy nghĩ về điều đó một lúc, ông tự nhủ, nếu mình tìm thấy Thiên Chúa, thì Người phải khách quan. Mình đã đọc qua triết lý Đông phương; nó nói tất cả chỉ ở trong tâm trí mình và mình có thể tạo ra thực tại của riêng mình. Thiên Chúa hẳn phải là một thực tại khách quan nếu Người có bất cứ ý nghĩa nào ngoài sức tưởng tượng của riêng mình.

Khi một trong những Kitô hữu nhắc đến tên Chúa Giêsu, Lapides đã cố gắng chống lại họ bằng câu trả lời có sẵn của mình, "Tôi là người Do Thái. Tôi không thể tin Ông Giêsu." Một mục sư lên tiếng hỏi, "bạn có biết các lời tiên tri nói về Đấng Mêxia không?".

Lapides chưng hửng nói, "Các lời tiên tri. Tôi chưa bao giờ nghe nói về chúng."

Vị mục sư khiến Lapides giật mình khi đề cập đến một số lời tiên đoán trong Cựu Ước. Khoan đã! Lapides nghĩ. Đó là Kinh thánh Do Thái của mình được ông ấy trích dẫn! Làm sao Ông Giêsu có thể ở trong đó?

Khi mục sư đưa cho ông một cuốn Kinh thánh, Lapides tỏ ra nghi ngờ, hỏi, "Có Tân ước trong đó không?" Vị mục sư gật đầu. Lapides nói với ông ta "OK, tôi sẽ đọc Cựu Ước, nhưng tôi sẽ không mở cuốn kia".

Ông ngạc nhiên trước câu trả lời của vị mục sư. Vị này nói “Tốt thôi. Chỉ cần đọc Cựu Ước và cầu xin Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp - Thiên Chúa của Israel - chỉ cho bạn biết Chúa Giêsu có phải là Đấng Mêxia, hay không. Bởi vì Người là Đấng Mêxia của bạn. Ban đầu, Người đến với người Do Thái, và sau đó Người cũng là Đấng cứu thế của thế giới."

Đối với Lapides, đây là thông tin mới. Thông tin hấp dẫn. Thông tin đáng kinh ngạc. Vì vậy, ông trở về căn hộ của mình, mở cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước, Sáng thế ký, và tìm kiếm Chúa Giêsu giữa hàng trăm lời đã được viết ra. nhiều năm trước khi người thợ mộc ở Nadarét ra đời.



“Bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta”

Lapides nói với tôi, "chẳng bao lâu, tôi đã đọc Cựu Ước hàng ngày và thấy hết lời tiên tri này đến lời tiên tri khác. Thí dụ, Đệ nhị luật nói về một nhà tiên tri vĩ đại hơn Môsê, người sẽ đến và chúng ta nên lắng nghe Người. Tôi nghĩ, "Ai có thể vĩ đại hơn Môsê? Nghe có vẻ giống như Đấng Mêxia-một người vĩ đại và được kính trọng như Môsê nhưng là một vị thầy vĩ đại hơn và có thẩm quyền lớn hơn. Tôi đã nắm lấy điều đó và đi tìm Người."

Khi Lapides đọc Kinh thánh, ông đã bị Isaia 53 làm dừng lại, gai lạnh cả người. Với sự rõ ràng và chuyên biệt, trong một lời tiên đoán đầy ám ảnh được gói gọn trong một vần thơ tinh tế, đây là bức tranh về Đấng Mêxia sẽ chịu đau khổ và chết vì tội lỗi của Israel và thế giới- tất cả đều được viết hơn bảy trăm năm trước khi Chúa Giêsu đi lại trên trái đất.

“Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

"Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.

"Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.

"Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo,và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.

"Vì người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi”. (Isaia 53:3-9,12).

Ngay lập tức Lapides nhận ra bức chân dung: đó là Ông Giêsu thành Nadarét! Bây giờ ông bắt đầu hiểu những bức tranh được ông nhìn thấy trong các nhà thờ Công Giáo mà ông từng đi qua khi còn nhỏ: Chúa Giêsu đau khổ, Chúa Giêsu bị đóng đinh, Chúa Giêsu mà giờ đây ông nhận ra đã bị "đâm vì tội lỗi của chúng ta" khi Người "gánh lấy tội lỗi" của nhiều người."

Như người Do Thái trong Cựu Ước tìm cách chuộc tội lỗi của họ thông qua một hệ thống hy tế bằng động vật, thì đây là Chúa Giêsu, con chiên hiến tế tối hậu của Thiên Chúa, Đấng đã đền tội một lần là đủ. Đây là hiện thân của kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Phát hiện này hấp dẫn đến nỗi Lapides chỉ có thể đưa ra một kết luận: đó là một trò lừa bịp! Ông tin rằng những người theo Kitô giáo đã viết lại Cựu Ước và bóp méo những lời của Isaia để làm cho nó nghe như thể nhà tiên tri đã báo trước về Chúa Giêsu. Lapides bắt tay vào việc vạch trần sự lừa dối. Ôn nói với tôi: “Tôi nhờ mẹ kế gửi cho tôi một cuốn Kinh thánh Do Thái để tôi có thể tự mình tra cứu. Bà đã gửi, và ông đoán xem điều gì đã xẩy ra? Tôi thấy nó cũng nói y hệt một điều! Bây giờ tôi thực sự phải đối phó với nó."

Tính Do Thái của Chúa Giêsu

Hết lần này đến lần khác, Lapides bắt gặp những lời tiên tri trong Cựu Ước – hơn bốn chục lời tiên đoán chính tất cả. Isaia đã tiết lộ cách thức giáng sinh của Đấng Mêxia (từ một trinh nữ); Mikha xác định chính xác nơi sinh của Người (Bêlem); Sáng thế ký và Giêrêmia chỉ rõ tổ tiên của Người (hậu duệ của Ápraham, Isaác và Giacóp, thuộc chi tộc Giuđa, nhà Đavít); các Thánh vịnh đã báo trước việc Người bị phản bội, lời buộc tội Người bởi những nhân chứng giả, cách Người chết (bị đâm thâu ở tay và chân, mặc dù việc đóng đinh lúc ấy chưa được sáng chế), và sự phục sinh của Người (Người sẽ không bị hư nát mà sẽ thăng thiên); và vân vân (3). Mỗi lời đều loại bỏ sự hoài nghi của Lapides cho đến khi cuối cùng ông sẵn sàng thực hiện một bước quyết liệt.

Ông nói, “Tôi quyết định mở Tân Ước và chỉ đọc trang đầu tiên. Với sự lo lắng, tôi từ từ mở Mátthêu, vừa mở vừa nhìn lên trời, chờ tia sét đánh!"

Những lời đầu tiên của Mátthêu như nhảy ra khỏi trang sách: "Bản ghi chép về gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con Đavít, con Ápraham..."

Đôi mắt của Lapides mở to khi ông nhớ lại khoảnh khắc lần đầu tiên ông đọc câu đó. "Tôi nghĩ, Chà! Con trai Ápraham, con Đavít - tất cả đều phù hợp với nhau! Tôi đã xem các câu chuyện về sự ra đời và nghĩ, nhìn này! Mátthêu đang trích dẫn từ Isaia 7:14: 'Trinh nữ sẽ mang thai và sẽ sinh con trai.' Và sau đó tôi thấy ngài trích dẫn tiên tri Giêrêmia. Tôi ngồi đó suy nghĩ, ông biết đấy, đây nói về người Do Thái. Đâu có gì là Dân ngoại? Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?

“Tôi không thể đặt nó xuống. Tôi đọc qua phần còn lại của các sách Tin Mừng, và tôi nhận ra đây không phải là cẩm nang dành cho Đảng Quốc xã Mỹ; đó là một sự tương tác giữa Chúa Giêsu và cộng đồng Do Thái. Tôi đọc đến sách Công vụ và-điều này thật không thể tin được! - họ đang cố gắng tìm ra cách người Do Thái có thể mang câu chuyện về Chúa Giêsu đến với dân ngoại. Hãy nói về việc đảo ngược vai trò!"

Những lời tiên tri ứng nghiệm có tính thuyết phục đến nỗi Lapides bắt đầu nói với mọi người rằng ông nghĩ Chúa Giêsu là Đấng Mêxia. Vào thời điểm đó, đây chỉ là một khả thể trí thức đối với ông, nhưng những hàm ý của nó thật đáng lo ngại.

Ông giải thích, "Tôi nhận ra rằng nếu tôi phải chấp nhận Chúa Giêsu vào cuộc sống của tôi, thì hẳn phải có một số thay đổi đáng kể trong cách tôi đang sống. Tôi phải xử lý với ma túy, tình dục, v.v. Tôi không hiểu rằng Thiên Chúa sẽ giúp tôi thực hiện những thay đổi đó; tôi nghĩ rằng tôi phải tự mình dọn dẹp cuộc sống của mình".

Hiển dung trong sa mạc

Lapides và một số người bạn vào sa mạc Mojave để có sự yên tĩnh. Về mặt tâm linh, ông cảm thấy rối bời. Ông bất an bởi các cơn ác mộng bị xâu xé bởi những con chó lôi kéo ông từ các phía đối diện nhau. Ngồi một mình ở bụi rậm sa mạc, ông nhớ lại lời lẽ của ai đó nói với ông ở Sunset Strip: “Một là bạn đứng về phía Thiên Chúa hai là bạn đứng về phía Sa tan.”

Ông tin có sự hiện thân của điều ác, và ông không muốn đứng về phía đó. Vì vậy, Lapides đã cầu nguyện, "Lạy Thiên Chúa, con phải đi đến cùng cuộc đấu tranh này. Con phải biết chắc chắn rằng Chúa Giêsu là Đấng Mêxia. Con cần biết rằng Người, trong tư cách Thiên Chúa của Israel, muốn con tin vào điều này."

Khi kể lại câu chuyện cho tôi nghe, Lapides ngập ngừng, không biết phải diễn đạt điều xảy ra tiếp theo như thế nào. Một khoảnh khắc đã trôi qua. Sau đó, ông kể thêm cho tôi nghe, "Điều tốt nhất mà tôi có thể tổng hợp được từ kinh nghiệm đó là Thiên Chúa đã nói chuyện một cách khách quan với lòng tôi. Người đã thuyết phục tôi, bằng kinh nghiệm, rằng Người hiện hữu. Và đến lúc đó, trong sa mạc, trong lòng tôi, tôi đã nói: 'Lạy Thiên Chúa, con tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc đời con. Con không hiểu con phải làm gì với Người, nhưng con muốn Người. Con đã làm cho cuộc sống của con ra lộn xộn; con cần Chúa thay đổi con.'"

Và Thiên Chúa bắt đầu làm điều đó trong một diễn trình tiếp tục cho đến ngày nay. Ông nói, “Bạn bè của tôi biết rằng cuộc sống của tôi đã thay đổi và họ không thể hiểu được điều đó. Họ nói, 'Có chuyện gì đó đã xảy ra với bạn trong sa mạc. Bạn không còn dùng ma túy nữa. Có điều gì đó khác biệt về bạn.'

“Tôi trả lời, 'Chà, tôi không thể giải thích điều đã xảy ra. Tôi chỉ biết có một người nào đó trong cuộc đời tôi, và đó là một người thánh thiện, chính trực, là nguồn cung cấp những suy nghĩ tích cực về cuộc sống và tôi chỉ cảm thấy trọn vẹn.'"

Chữ cuối cùng đó, dường như đã nói lên tất cả. Ông nhấn mạnh với tôi, "Trọn vẹn, một cách tôi chưa bao giờ cảm thấy trước đây."

Bất chấp những thay đổi tích cực, ông vẫn lo lắng về việc báo tin cho cha mẹ ông. Cuối cùng khi ông làm như vậy, phản ứng quả lẫn lộn. Ông nhớ lại, "Lúc đầu, họ rất vui mừng vì họ có thể nói tôi không còn phụ thuộc vào ma túy nữa và cảm xúc của tôi có vẻ tốt hơn nhiều. Nhưng câu chuyện bắt đầu sáng tỏ khi họ hiểu ra nguồn gốc của tất cả những thay đổi này. Họ nhăn mặt, như muốn nói, 'Tại sao phải là Ông Giêsu? Tại sao không phải là một điều gì khác? Họ không biết phải làm gì với nó.”

Với một chút buồn bã trong giọng nói, ông nói thêm, “Tôi vẫn không chắc là họ thực sự biết phải làm gì.”

Qua một chuỗi tình huống đáng chú ý, lời cầu nguyện của Lapides cho có một người vợ đã được đáp ứng khi ông gặp Deborah, cũng là người Do Thái và là tín hữu của Chúa Giêsu. Cô đưa ông đến nhà thờ của cô - hóa ra cũng là ngôi nhà thờ được quản nhiệm bởi vị mục sư, mấy tháng trước ở Sunset Strip đã thách thức Lapides đọc Kinh thánh Cựu Ước.

Lapides phá lên cười. "Tôi biết nói gì với anh - ông ta há hốc mồm khi nhìn thấy tôi bước vào nhà thờ!"

Cộng đoàn đó đầy những người từng đi xe môtô, từng là dân hippie và những kẻ nghiện ngập từ Sunset Strip, rải rác có những người miền nam bị bứng gốc. Đối với một thanh niên Do Thái phát xuất từ Newark, người ngại ngùng liên hệ với những người khác với anh ta, vì chủ nghĩa bài Do Thái mà anh ta sợ rằng anh ta sẽ gặp phải, quả thật có tính chữa lành khi học được cách gọi một đám đông đa dạng như vậy là "anh em và chị em."

Lapides kết hôn với Deborah một năm sau khi họ gặp nhau. Kể từ đó, cô đã sinh hạ được hai con trai. Và họ đã cùng nhau khai sinh ra Hiệp hội Beth Ariel, một ngôi nhà dành cho người Do Thái và Dân ngoại, những người cũng đang tìm thấy sự trọn vẹn trong Chúa Kitô.

Còn 1 kỳ