CHÚA NHẬT THỨ II THƯỜNG NIÊN NĂM C
HẠNH PHÚC CỦA HÔN NHÂN Công Giáo - NHỜ ĐÂU?

Từ ngàn xưa, trong quan niệm của dân Chúa, Đức Chúa mà họ tôn thờ phải là Đấng cao cả vô song, Đấng mà con người không thể đến gần, không thể diện đối diện, không thể sống sót nếu Ngài không cho phép.

1. Chúa Giêsu, hình tượng Thiên Chúa giữa loài người.

Từ ngàn xưa, con người chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa từ phía sau, bởi: "Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống". Hoặc uy quyền dữ dội của Thiên Chúa có thể nhận thấy ngay trước mắt: "Ông Utda giơ tay ra về phía Hòm Bia Thiên Chúa và giữ lại, vì bò trượt chân. Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với ông Utda, và Thiên Chúa đánh phạt ông tại chỗ vì lầm lỗi đó. Ông chết tại đó, bên Hòm Bia Thiên Chúa" (2Sm 6, 6).

Vậy mà hôm nay, Chúa Giêsu, Đấng vừa là Thiên Chúa, vừa đại diện cho Thiên Chúa, lại có thể đến và tham dự ở một đám cưới. Đó là hình ảnh vô cùng mới mẻ, xem ra có phần táo bạo.

Tuy nhiên, đó cũng là một diễn tả mới mẻ về vẻ đẹp của tình yêu mà Thiên Chúa trao tặng loài người: Thiên Chúa chấp nhận đồng hóa mình với loài người. Qua sự hiện diện đầy gần gũi, một sự hiện diện bất chấp mọi ràng buộc, bất chấp mọi ranh giới, Thiên Chúa cho thấy, Ngài là Đấng không hề xa cách nhưng dấn thân nơi mọi biến cố vui buồn của cuộc sống. Vì tình yêu xóa mọi khoảng cách ấy, qua đám cưới làng Cana, Thiên Chúa nâng hôn nhân lên hàng bí tích. Ngài chính thức ban phúc lành và thánh hóa mọi mối dây hôn nhân của loài người.

Với hình ảnh Chúa Giêsu hiện diện giữa loài người, Thiên Chúa thực sự bước vào đời sống trần thế. Thiên Chúa trở nên gần gũi và cảm thông cho thân phận mỏng giòn của chúng ta. Thiên Chúa không vô cảm đứng bên ngoài quan sát, nhưng đã nên một trong chúng ta.

2. Người Nữ bảo vệ hôn nhân Công Giáo.

Tôi biết Ông Bà Cố từ lâu lắm. Ông Bà nay đã tám mươi và ngoài tám mươi. Ông Bà có năm người con, thì người con cả và con út đã là linh mục. Vì hoàn cảnh, ba người con còn lại đều ở riêng. Dù đông con, Ông Bà trở nên côi cút trong căn nhà của mình.

Chỉ có các giờ lễ, giờ kinh nguyện làm niềm vui của tuổi già. Nơi Ông Bà làm góc cầu nguyện, luôn luôn có tượng Đức Mẹ Phatima. Trong các giờ kinh nguyện, không thể thiếu việc lần chuỗi Mân côi và bên cạnh tượng Đức Mẹ là cây nến sáng lung linh.

Khi còn khỏe, Ông Bà phải lặn lội, bươn chải, buôn bán ở chợ để có thể nuôi các con ăn học, vì thế cũng chẳng có nhiều thời gian bên cạnh các con. Đàng khác, Ông Bà không phải là người có nhiều kiến thức, chắc chắn việc giáo dục các con cũng không thể tròn trịa, đầy đặn.

Nhưng cho đến hiện tại, các con của Ông Bà đều thành nhân, thành thân. Trong những lần thăm và chuyện trò, tôi thấy nơi Ông Bà toát lên niềm hạnh phúc của hoàng hôn đời người.

Vì đâu sự thành công đến với Ông Bà và gia đình Ông Bà? Hoàn toàn không hề do tiền của hay quyền thế ở đời này. Bởi Ông Bà hoàn toàn thiếu thốn những điều ấy.

Chắc chắn ngoài sự nỗ lực để sống trọn ơn gọi hôn nhân, sống trọn lề luật của Chúa và Hội Thánh, sống chuyên chăm không một phút giây lơ lỏng trong cầu nguyện, hình ảnh của Mẹ Thiên Chúa không bao giờ thiếu vắng.

Trong trình thuật của mình, thánh Gioan cho thấy Đức Mẹ chỉ nói có hai câu: “Họ hết rượu rồi” với Chúa Giêsu và “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo” với các gia nhân, nhưng là hai câu cần thiết vô cùng, quan trọng vô cùng, đúng thời điểm vô cùng.

Có thể nói mà không sợ nói ngoa rằng: Vì Đức Mẹ, bữa tiệc tiếp tục, niềm vui tiếp tục, hạnh phúc của lứa đôi tiếp tục.

Quan trọng trên hết mọi điều quan trọng: Vì Đức Mẹ, phúc lành của Chúa trên đời sống hôn nhân càng chan chứa, càng tràn đầy. Phúc lành đó không dừng cho ngôi nhà và đôi tân hôn của làng Cana ngày ấy rồi thôi, nhưng tiếp tục sống và triển nở trong mọi hôn nhân, mọi ngôi nhà qua mọi thời đại, nếu mọi con người trong từng ngôi nhà, từng mối dây hôn nhân biết trân trọng, biết giữ gìn.

Mặt khác, thánh ý Chúa muốn ngày thành lập BÍ TÍCH HÔN NHÂN có sự hiện diện và chuyển cầu của Đức Mẹ, càng cho thấy chỗ đứng của Đức Mẹ trong đời hôn nhân và gia đình của nhân loại: CHÚA ĐẶT Đức Mẹ LÀM NGƯỜI GÌN GIỮ VÀ BẢO VỆ HÔN NHÂN Công Giáo.

Chúa biết không gia đình nào là không đối diện cùng thử thách. Chúa biết, thánh giá mà gia đình của Chúa xưa phải chấp nhận, cũng sẽ là thánh giá của mọi gia đình. Vì thế, Chúa đặt Đức Mẹ làm bổn mạng của mọi gia đình.

Hãy luôn níu lấy Đức Mẹ. Hãy để Đức Mẹ giáo dục, hãy theo học ngôi trường của Đức Mẹ, hãy ghi nhớ luôn luôn lời Đức Mẹ dạy: “Người bảo gì, thì phải làm theo”, nhờ đó, gia đình sẽ luôn thấm đẫm tình yêu của Chúa và tràn ngập lòng thương yêu dành cho nhau.