Chuyện gian lận trong kỳ thi vào đại học

HÀ NỘI - Tấm bằng đại học mở ra tương lai sáng sủa cho các bạn trẻ

Năm nào giới chức ngành giáo dục cũng đều làm việc với ngành công an để tìm cách ngăn ngừa tình trạng quay cóp trong thi cử nhưng năm nay con số sinh viên vi phạm bị bắt vẫn khá cao.

Trong số những người bị kỷ luật vì phạm luật thi cử còn có cả một giám thị của trường đại học quốc gia Hà Nội.

Việc quay cóp, thi hộ để vào được đại học là chuyện hết sức phổ biến và nhiều người còn xem đây là chuyện bình thường, chấp nhận được.

Mai, một sinh viên lớp 12 ở Hà Nội, đang chuẩn bị cho cuộc thi đại học vào năm tới:

"Em nghĩ là bình thường vì đi thi, nhiều người quay cóp lắm. Thi có lý thuyết nên ai cũng mang đề đi quay cóp."

Nhiều sinh viên thậm chí cho rằng nếu không quay cóp thì cũng thiệt vì ‘người ta ai cũng quay cả mà’.

Hình thức gian lận thì vô kể nhưng phổ biến nhất là hối lộ thầy cô để mua lời giải, mua đề thi, sử dụng điện thoại di động trong lúc thi hoặc trả tiền nhờ người thi hộ.

Năm nay ngành công an cho biết họ đã bắt được hai đường dây tổ chức thi hộ, trong đó có nhiều sinh viên đã trả đến hơn ba ngàn dola để người khác thi hộ cho mình.

Năm ngoái có đến hơn 2 ngàn trường hợp vi phạm đã bị cấm thi.

"Không động não"

Một giảng viên đại học xin được giấu tên, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc luyện thi và chấm thi, tỏ ra bức xúc trước sự phổ biến của tình trạng gian lận thi cử này và cho rằng chính cách dạy luyện thi hiện nay đã góp phần gây ra tình trạng đó:

“Một cách dạy mà để cho học trò có sự sáng tạo, chủ động thì hiện nay không có chỗ đứng trong môi trường dạy luyện thi.”

“Trong việc luyện thi hiện nay, tôi nghĩ học trò không hề hoặc rất ít động não, chỉ thuộc kiến thức có sẵn thì mới làm được bài. Ra thi thấy đề không thuộc, thì buộc các em phải nghĩ đến chuyện quay cóp.”

Giáo viên này còn nghĩ rằng một nguyên nhân sâu xa khác nữa dẫn đến tình trạng đó.

Nhiều người kể cả các em học sinh lẫn cha mẹ các em vẫn xem tấm bằng đại học là một phương tiện để có được một việc làm tốt và ổn định trong các cơ quan hà nước, mặc dù Việt Nam hiện nay đã có một nền kinh tế cởi mở hơn với khu vực tư ngày càng lớn mạnh hơn.

Phần lớn mọi người vẫn đánh giá thành công trong nghề nghiệp bằng tấm bằng đại học chứ không phải bằng những chuyên môn trong các ngành nghề khác.

Nhưng chắc chắn gian lận trong thi cử sẽ không đem lại cho các em thành công thực sự trong cuộc đời, như tâm sự dưới đây của Hưng, một sinh viên Hà Nội, vừa hoàn tất kỳ thi vào đại hoc.

“Bây giờ em hiểu kiến thức mình học được phục vụ cho bản thân mình thôi. Còn nếu mình quay cóp, rồi ra đời ai đó hỏi mình điều gì mà mình không biết, lúc đó sẽ thật sự xấu hổ.” (BBC)