“Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria”

Đức Maria – Mẹ Chúa Giêsu – ở trung tâm của mầu nhiệm Giáng Sinh. Nhưng bản chất trinh nguyên của thiên chức làm mẹ nơi Ngài – với chúng ta ngày nay – có vẻ như bị làm mờ đi trong thực tế lịch sử và ý nghĩa tôn giáo của nó. Đang khi đó…đấy lại là một quả quyết căn cốt của kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng. Bởi vì – trong tư cách là người mẹ trinh thai – mà Đức Maria được các kytô hữu tiên khởi tôn kính và yêu mến …Trong tư cách là người mẹ trinh thai mà Đức Maria xuất hiện gắn liền với Đức Kytô ngay ở những bước ngỡ ngàng đầu tiên của nền thần học.

Chúng ta tin rằng Đức Maria vẫn trinh nguyên trước – trong – và sau ngày đản sinh của Đức Giêsu. Thiên chức là người mẹ trinh thai nơi Ngài là một sự kiện lịch sử. Đấy hoàn toàn không phải chỉ là một kiểu diễn tả tượng trưng mà cộng đoàn tiên khởi dùng để công bố với Dân Ngoại về mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa.

Nhiều người như có khuynh hướng chỉ nhìn thấy nơi thiên chức là mẹ trinh thai một thứ phép lạ huyền hoặc và không có ý nghĩa gì. Trong khi đó chúng ta phải khám phá ra – trong thiên chức ấy – cái chứng cứ và niềm xác tín của đức tin…về “dấu chỉ” mà tiên tri Isaia đã loan báo (7,14): “dấu chỉ” giúp chúng ta đón nhận ơn cứu độ như ân sủng của Thiên Chúa.

Thiên chức là mẹ trinh thai mang ý nghĩa: việc Con Thiên Chúa đến trong trần gian này là một công cuộc Sáng Tạo thứ hai, trong đó Ngôi Lời Thiên Chúa – sau khi đã hình thành con người thủa ban đầu – thì lại tìm gặp nó lại nơi cung lòng Đức Maria để hình thành một nhân loại mới. Nó là dấu hiệu của việc đản sinh theo Thánh Thần (Gio 3,6) mà – nếu không có nó – thì không ai có thể vào trong Vương Quốc trên các Tầng Trời. Nó là dấu chỉ của sự mới mẻ của Vương Quốc đến để lật đổ trật tự cũ của tạo dựng. Nó là công cuộc tạo dựng mới.

“Mãi Mãi Trinh Nguyên “: một trong những danh xưng có thể nói là lâu đời nhất được dành để tôn vinh Đức Maria. Đức Kytô là sự viên mãn của Đức Maria … Sau biến cố Nhập Thể, không một ai khác nữa có thể là sự viên mãn của Ngài…và cuộc đời Ngài sẽ chỉ còn một hướng tới duy nhất: đó là chiêm nghiệm một hồng ân cao cả đến như thế.

Ngọn lửa leo lét của Giáng Sinh.

Một câu chuyện huyền thoại Ý kể rằng một người lính của thời thập tự quân đã có một ý nghĩ điên cuồng là mang về Florence một ngọn lửa leo lét của một ngọn nến vẫn bập bùng tại máng cỏ Bethléem. Gió, mưa, lạnh lẽo, sự chập chờn mỏi mệt, bọn thổ phỉ … đã uổng công trong mưu đồ dập tắt ngọn lửa thánh thiêng ấy. Sau cả ngàn ngàn thử thách, cuối cùng thì anh lính đã về được quê hương của mình trong tình trạng kiệt sức: đó là một buổi chiều Lễ Giáng Sinh … Nhờ anh ta mà tất cả những ngọn đèn trong Nhà Thờ “Đức Trinh Nữ Maria Muôn Hoa ” (Sainte Marie – des – Fleurs) tỏa sáng từ ánh leo lét của ngọn lửa lấy ở máng cỏ của Chúa Giêsu. Anh ta đã thắng trong cuộc thách đố với chính mình…Nhưng nhất là anh ta đã khám phá ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống mình. Tất cả cái bản chất bốc đồng rất lính của anh đã bị “đốt cháy” bởi cái mỏng manh của ngọn lửa nhảy nhót trong đôi bàn tay anh mà anh đã phải bảo vệ mặc dù biết rằng – lo lắng chuyện che chở cho ngọn lửa leo lét ấy – anh sẽ không thể tự bảo vệ chính mình ! Và – như thế – anh đi vào Vương Quốc của Tình Yêu.

Đấy là tất cả bí ẩn của mầu nhiệm Giáng Sinh. Người ta bảo rằng con người ích kỷ và dữ dằn … Thế nhưng một điều rất thật là – ít ra thì vào thời gian Lễ Giáng Sinh – người ta tự nhiên thấy mình có khả năng có được một lòng quảng đại lớn lao, một sự nhẹ nhàng vô cùng … Hơn nữa, chỉ với lòng quảng đại ấy, chỉ với sự nhẹ nhàng ấy thôi…cũng đủ để cho họ thấy rõ về chính mình, cho họ có được một niềm tin tưởng vào chính mình … và giúp họ nhận ra họ thuộc dòng dõi của Thiên Chúa chứ không là một “loài” nào khác !

Qua mầu nhiệm Giáng Sinh, Đức Kytô Cứu Thế mang đến cho mỗi con người sức mạnh để thoát ra khỏi những thói quen cũ kỹ của mình, thoát ra khỏi tình trạng tệ hại của mình, thoát ra khỏi vết lún của đời mình …hầu vượt qua chính mình và tìm lại nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa.

Với mầu nhiệm Giáng Sinh, Đức Kytô Cứu Thế đến để xé toạc cõi lòng vô tâm của chúng ta, xô đập những vị kỷ nơi chúng ta, lật nhào những xã hội của chúng ta, đánh thức ngay cả Giáo Hội, và mở ra trước mắt chúng ta cái chân trời của một nhân loại mà công lý và hòa bình giao duyên với nhau …

Giáng Sinh không là một cử hành không còn hợp thời của một giấc mơ đầy ảo tưởng của nhân loại. Giáng Sinh nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng con người – dù bị nhạo báng, bị tổn thương, bị đè bẹp – thì họ vẫn là một người con rất thân thương của Thiên Chúa, một thành viên của gia đình Thiên Chúa…nên không gì trong thế giới này – bệnh hoạn, thất bại, đau thương, cái chết – không gì có thể thắng thế đứng trước “mầu nhiệm vĩ đại” mà Giáng Sinh vén mở cho chúng ta: đó là Thiên Chúa đã tự thân chấp nhận làm người để con người được trở nên Thiên Chúa. Ngày nay rất nhiều người vẫn bảo rằng họ không tin vào Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa thì lại tiếp tục để tin vào con người vốn được dựng nên giống hình ảnh Người.

Giáng Sinh: cái “Ngày Mới” này…

“Ngày Mới”: dân xứ Basque vẫn gọi Lễ Giáng Sinh như thế: Eguberri: “Ngày Mới”. Còn hơn cả cái ngày của thủa ban đầu tạo dựng, cái ngày “ mở mắt vào đời” của con người đầu tiên, Giáng Sinh là ngày – với một sự mới mẻ không tưởng – Vị Thiên Chúa vĩnh hằng “đản sinh” giữa thế giới loài người. Để loan báo tin mừng không tiền khoáng hậu ấy, Thiên Chúa vui vẻ để công bố với nhóm mục đồng: “Này đây dấu chỉ: các ngươi sẽ thấy một Hài Nhi được bọc tã nằm trong máng cỏ”. Dấu chỉ ngạc nhiên của Vị Cứu Thế – Đấng cũng được Philatô trình diện với những nét ngạo nghễ của một “này là NGƯỜI”(Ecce Homo!) cùng vòng gai cuốn trên đầu. Quả thực phải có những con mắt thật trong sáng của đức tin để có thể đọc được lịch sử thật của công cuộc Thiên Chúa cứu chuộc con người khởi sự từ Bethléem và hoàn tất ở đỉnh Golgotha.

Tại sao – như tự bản năng – biết bao nhiêu con người vẫn cứ lần mò đến máng cỏ trong những đêm dài của bao nỗi nghi ngờ và hãi sợ của chúng ta…nếu không phải là vì Giáng Sinh mãi mãi là lễ hội tôn vinh một lời hứa mang lại bình an và hạnh phúc ? Vả lại toàn bộ kytô giáo vốn miên man một thứ hơi hớm của sự “sinh ra”. Hài Nhi đó – hớn hở giữa Đức Maria và thánh Giuse – chính là vị chủ nhân của một nỗi niềmbí ẩn lặng lẽ đưa chúng ta vào đáy điểm của nỗi yếu đuối và sự khốn cùng Người muốn chứng tỏ: “Thiên Chúa là Tình Yêu !”. Thế nhưng chỉ “biết” như thế thôi thì chẳng mang lại gì: bí ẩn thật sự là: chỉ với một “con tim con trẻ” mới có thể chia sẻ được tình ỵêu này. Và ở mọi lứa tuổi, qua mọi việc chúng ta làm, mỗi người trong chúng ta đều có thể “thơ bé hóa “ chính mình để trở nên đứa trẻ vĩnh viễn được Thiên Chúa là Cha chúng ta yêu mến.

Giáng Sinh – cái “Ngày Mới” này – làm cho chúng ta được “tái sinh”. Không phải là cái ngày mang hơi hớm hoài niệm để tái trở nên trẻ thơ như một thứ “vé đi tuổi thơ” hầu tưởng niệm “đứa trẻ” mà chúng ta đã làm cho gìa nua đi nơi chúng ta…nhưng là ngày tuyệt hảo để trở thành đứa trẻ mà chúng ta giữ mãi nơi mình cùng với những “sức lực” bất khả mai một của nó. Thường thì người ta chỉ biết đến Giáng Sinh với một chiều chiêm ngưỡng: chiều hạ mình từ trời cao…và làm cho Thiên Chúa nên giống con người chúng ta…Người ta quên đi mất cái chiều bên kia: chiều ngược và đi lên – cái chiều “kích” chúng ta lên để chúng ta sống chính sự sống của Thiên Chúa. Không nói về Giáng Sinh với ý nghĩa của sự “thay đổi lưỡng diện” này ( thánh Léon)…tức là mặc nhiên tạo ra một thứ “gian lận siêu nhiên” nào đó ! Qua chúng ta,thế giới không những phải khám phá ra được sự cận kề tuyệt diệu của Thiên Chúa với con người mà còn khám phá ra sự cận kề gây ngạc nhiên giữa con người chúng ta với Thiên Chúa.

Giáng Sinh – cái “Ngày Mới” ấy – cũng là chính hôm nay đây. Xin đừng lan rộng Tin Mừng Giáng Sinh khắp nơi khắp chốn…nhưng với những ý đồ chẳng có ý nghĩa gì: này ! làm gì dịp Giáng Sinh này ?...Hỏi và chỉ dự trù những gì “không Giáng Sinh” chút nào !

Thánh Giuse…cha của Chúa Giêsu.

Tội nghiệp cho thánh Giuse: lòng sùng kính dành cho Ngài đã làm cho Ngài trở thành con người an vị giữa hai ghế ngồi – rất khó để định vị Ngài vào dạng “thánh” nào – và Ngài lại tự nguyện đóng giữ vai trò quá ư kỳ quặc của con người …“như là” … cha của Chúa Giêsu ! Cũng vì thế mà chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy Ngài xuất hiện – giữa chúng ta – khá là mờ nhạt với những đường, những nét…của một ông già râu ria bờm xờm…như sợ gây vấp phạm với mối tình tươi trẻ nối kết Ngài cùng Đức Maria Trinh Nữ. Không ! Nhất định là không ! Giuse không hề và không bao giờ chỉ là một “chậu cảnh” được đặt bên cạnh Maria và Giêsu cho phù hợp với một “dàn cảnh” đã được sắp xếp trước của Thiên Chúa: Ngài thực sự là lang quân của Đức Maria và cha của Chúa Giêsu.

Phải thú nhận là không dễ dầu gì để xác định cái “tính cách” của tình phụ tử giữa thánh Giuse và Chúa Giêsu…nếu chỉ hiểu tình “cha – con” theo cái nghĩa đơn thuần mang tính sản sinh phần xác của một đứa trẻ. Không phải Giuse chỉ là cha của Giêsu theo Luật cũng như trong mắt những người cùng thôn làng với Ngài. Cũng không phải Ngài chỉ an phận với vai trò “cha nuôi” của Chúa Giêsu.

Thực tế còn sâu xa hơn nhiều. Chính trong thâm tình của “Gia Đình Thánh” ở Nazareth, Giuse chưa bao giờ được coi như có một vai trò nào khác ngoài vai trò là cha của Chúa Giêsu…và câu hỏi đầy xúc động của Maria khi tìm lại được Con Trẻ ở Đền Thờ là một minh chứng: “ Này Con ! Cha con và mẹ…” (Lc 2,48). Đồng thời Chúa Giêsu luôn luôn vâng phục Ngài như cha của mình trong suốt “những năm tháng ẩn dật” mà tác giả Robert Aron đã từng tái xây dựng cách vô cùng tinh tế trong tác phẩm của mình. Dĩ nhiên là trên tất cả – trong sứ vụ của mình – Đức Giêsu luôn hướng về “Cha của mình ở trên trời”, Đấng mà Ngài là Con từ muôn muôn thủa…Thế nhưng sự việc mà Ngài đã muốn gọi một con người với cùng một danh xưng “abba: cha ơi !” như thế cho thấy cái mức độ Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể đã ước muốn trở nên một đứa trẻ hoàn toàn giống với những trẻ thơ khác như thế nào !

Qua đo, con người “nhìn thấy” mầu nhiệm ẩn dấu trong cái tình phụ tử nhân loại ấy. Anh thợ làng Nazareth chỉ có thể trở thành cha của Chúa Giêsu khi chính anh là hình ảnh của Cha trên trời: và cũng vì như thế đó…mà chúng ta lúng túng trong việc định vị mức độ thánh của Ngài. Chúng ta cũng nghiệm tưởng ra được tình yêu “con – cha” nơi Đức Giêsu – Đấng thật dễ dàng để chiêm ngưỡng nơi người cha trần gian của mình sự diễn tả hoàn hảo nhất của tình Cha thiên quốc.

Cho nên ai trong chúng ta – khi muốn noi gương chân tình của Chúa Giêsu – lại có thể lãng quên thánh cả Giuse cho được?