HARTFORD, Conn. - Một cuộc nghiên cứu thực hiện tại trường Đại học Trinity cho biết sự gia tăng dân số người Latino ở Hoa kỳ từ năm 1990 đến 2008 đã giúp cho Giáo hội Công giáo tại đây duy trì được vị trí hàng đầu trong số các tôn giáo toàn quốc. Trải dài suốt khoảng thời gian 18 năm đó, số người Công giáo tại Mỹ tăng thêm được 11 triệu giáo dân, phần lớn sự gia tăng này là nhờ số 9 triệu người Công giáo Latino đã nhập cư vào Hoa kỳ. Do vậy, năm 2008 số giáo dân Công giáo ở Mỹ có tới 32% là người Latino. Năm 1990, tỷ lệ này là 20%.

Tuy nhiên, dù vẫn quân bình, Giáo hội Công giáo cũng còn mất mát nơi 31 triệu người lớn Latino ở Mỹ khi số người tự nhận theo đạo Công giáo đã giảm từ 66% năm 1990 xuống còn 60% năm 2008.

Tương tự như dân chúng Mỹ nói chung, số người Latino tự nhận mình theo Kitô giáo đã giảm – từ tỷ lệ 91% năm 1990 xuống còn 82% năm 2008. Nhưng các tôn giáo hoặc niềm tin khác cũng chẳng thành công trong việc thu hút được họ.

Phản ảnh khuynh hướng chung trong toàn quốc, đã có một sự nhảy vọt đáng kể về con số những người được mệnh danh là Nones (tức là những người khi trả lời các cuộc thăm dò, nghiên cứu, đã cho biết họ không theo tôn giáo nào).

Số Nones đã tăng gấp bốn lần nơi người Latino: từ 900 ngàn (hay 6%) năm 1990 thành gần 4 triệu (hay 12%) năm 2008. Các tôn giáo có số tín đồ tăng gấp ba lần trong 18 năm đó gồm có các hệ phái Tin Lành, như Nhân chứng Jehovah và Adventist, và truyền thống Kitô giáo Chung không hệ phái (non-denominational Christian Generic tradition). Số tín đồ theo hệ phái Pentecost tăng gấp đôi trong thời gian đó nhưng chỉ theo kịp được với đà gia tăng dân số người Latino.

Những con số nói trên cũng như sẽ nói dưới đây được trình bầy trong một bản tường trình mới: Tôn giáo của người Latino tại Mỹ từ 1990 đến 2008: Tăng trưởng, Đa dạng và Biến thái. Báo cáo này cũng dọi sáng vào các khuynh hướng tôn giáo chính yếu nơi người Latino, xét theo tuổi tác, địa lý, giáo dục, phái tính, tình trạng hôn nhân, ngôn ngữ, sinh quán và hoạt động chính trị. Cuộc nghiên cứu là kết quả của ARIS (American Religious Identification Survey, Thăm dò căn tính tôn giáo của người Mỹ), được tiến hành do Juhem Navarro-Rivera, một nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu chủ nghĩa tục hóa trong Xã hội và Văn hóa thuộc trường Đại học Trinity, cùng với hai giáo sư trường đại học này là Barry A. Kosmin và Ariela Keysar

Navarro-Rivera đưa ra nhận xét: “Trong 18 năm đó, có lẽ ít có hiện tượng nào đã thay đổi Hoa kỳ và tôn giáo ở Mỹ bằng việc gia tăng số dân Latino tại đây. Số người lớn Latino tăng gấp đôi, từ 14.6 triệu lên 30.8 triệu để trở thành nhóm thiểu số lớn nhất tại Mỹ. Sự tăng trưởng lớn lao do hơn 16 triệu người đó đã không tránh khỏi có một ảnh hưởng chính yếu lên bộ mặt tôn giáo và các chiều hướng ở cả mức độ toàn quốc lẫn tiểu bang.”

ARIS 2008 là đợt thứ ba trong một loạt những cuộc nghiên cứu xuất sắc có mục đích phân tích các tín ngưỡng và các mô hình tôn giáo của người Mỹ trong 48 tiểu bang kề cận trên đất liền. Các đợt trước được thực hiện trong năm 1990 và 2001. Cuộc thăm dò năm 2008 tiến hành trên 54,461 người lớn (bằng Anh ngữ và tiếng Spanish) còn gồm một phần đặc biệt về ngôn ngữ dùng và sinh quán của người Latino.

Trong số mẫu của ARIS 2008, có 3169 cá nhân tự nhận mình là người Latino. Sai số cuộc thăm dò là + hay - 1.74%. Để có sự chính xác trong việc phân tích, kết quả cuộc thăm dò năm 2008 đã được đem so sánh với ARIS 1990, vì nó cho phép có được một khoảng thời gian dài để nhìn lại các khác biệt về thế hệ và biến thái tạo ra do cuộc di dân lớn lao gần đây.

Sau đây là các điểm đáng chú ý trong cuộc nghiên cứu:

  • Người Latino càng cư ngụ ở Mỹ lâu thì càng ít giữ đạo Công giáo. Hơn nữa, những người thông thạo Anh ngữ nhất lại là những người ít cho mình là Công giáo, và thường tự nhận là Nones hoặc theo các truyền thống Kitô giáo bảo thủ.
  • Căn tính tôn giáo của người Latino cũng cho thấy có yếu tố phái tính, tương tự như dân số Mỹ nói chung. Hai truyền thống ở các cực đối nhau trong lãnh vực tôn giáo trình bầy sự bất quân bình lớn nhất về phái tính: Dân số Nones đa số là nam giới (61%), trong khi đó số người theo Tin Lành Pentecost đa số là phụ nữ (58%).
  • Tình trạng hôn phối cho thấy có nhiều mô hình khác biệt. Tỷ lệ những người không kết hôn sống chung với một người bạn đời (ngoài hôn nhân dân sự hoặc tôn giáo) thay đổi từ 15% nơi những người Nones tới 11% nơi người Công giáo tới 7% nơi người theo Kitô giáo khác (không phải Công giáo). Thêm vào đó, trong số người Latino tự nhận đang sống ly thân thì đa số lại là phụ nữ Công giáo, điều này cho thấy phụ nữ Latino trung thành với các giáo huấn của Giáo hội Công giáo cấm ly dị và tái hôn hơn là nam giới Latino.
  • Có trên 1.1 triệu nam giới Latino đã kết hôn tự nhận là Nones, nhưng chỉ có 400 ngàn phụ nữ Nones đã kết hôn, điều này cho hay không có sự thuần nhất về vấn đề tôn giáo nơi nhiều cặp vợ chồng và nhiều gia đình Latino.
  • Sự khác biệt đáng kể về tuổi tác cũng thấy nơi những người theo các truyền thống tôn giáo khác nhau: Tỷ lệ người Nones và các hệ phái Tin Lành cao ở lớp người dưới 30 tuổi. Đây là những truyền thống đang tăng tiến nhanh chóng nhất nơi người Latino.
  • Khác biệt về giai cấp cũng là điều rõ rệt. Nhóm có trình độ học vấn cao nhất là những người Nones (25% có văn bằng đại học) trái lại những người ít học nhất thường theo các hệ phái Tin Lành (chỉ 8% có trình độ đại học). Những người Latino theo Tin Lành chính thống có mức lợi tức gia đình cao nhất trong khi đó những người theo các Tin Lành hệ phái có lợi tức thấp nhất. Những người theo truyền thống Kitô giáo Chung không hệ phái là những người sống ở ngoại ô nhiều nhất.
  • Việc theo đảng phái hoặc ghi danh đầu phiếu nơi người Latino cũng thay đổi theo truyền thống tôn giáo. Cuộc nghiên cứu cho thấy người Công giáo Latino và những người Nones đa số thích theo Đảng Dân chủ, trong khi đó những người theo các truyền thống Kitô giáo không phải là Công giáo thường thích Đảng Cộng hoà hơn.


Keysar gợi ý là “các cộng đồng và hình thái tôn giáo Latino rõ rệt đang nổi trội nơi nhiều vùng khác nhau ở Mỹ, cho thấy có những sự khác biệt về yếu tố dân số học xã hội (socio-demographics) và quốc gia xuất xứ của họ.”

  • Sự thay đổi về địa lý đáng chú ý nhất là việc chuyển truyền thống Kitô giáo Chung xuống miền Nam, gần gấp ba lần dân số người Latino trong vùng. Tại Texas, trong số tín đồ theo truyền thống Kitô giáo Chung, người Latino tăng từ 8% năm 1990 lên thành 20% năm 2008. Tỷ lệ người Latino trong số dân Công giáo ở Texas giảm tử 73% xuống còn 66% trong thời gian 18 năm, trong khi đó số người Latino Nones tăng từ 15% lên 28% nơi tất cả những người Texas tự nhận không theo tôn giáo nào.
  • Người Latino chiếm 51% tổng số tín hữu Công giáo tại California năm 1990, tăng lên thành 56% năm 2008. Người Latino Nones trong tiểu bang này tăng từ 10% lên 24% tổng số người Nones tại California.
  • Tỷ lệ (không phải là số liệu) người Nones đã giảm nơi người Latino ở New York. Tuy nhiên, các Hệ phái Tin Lành, như Seventh Day Adventists và Nhân chứng Jehovah, chiếm thêm đất tại New York và Florida để trở thành 1/10 dân số người Latino trong hai tiểu bang này.


Kosmin cho biết rằng “trong khi số người di dân Latino đang góp phần đáng kể vào sự ổn định của đạo Công giáo tại Mỹ, thế hệ trẻ và những người sinh tại Mỹ có khuynh hướng phân cực giữa những người bỏ đạo và những người hướng theo các truyền thống Kitô giáo bảo thủ.”

Tóm lại, bản báo cáo cho thấy người Latino đang trải qua một cuộc biến thái để trở thành đa dạng hơn về tôn giáo, cũng như họ đang biến đổi cả khung cảnh tôn giáo Hoa kỳ.

Cũng nên chú ý là, trái với ý kiến rất phổ biến cho rằng người Latino tại Mỹ đang bỏ đạo Công giáo để theo các giáo hội Tin Lành, đúng ra họ càng ngày càng thế tục hóa hơn bằng cách không theo tôn giáo nào.

Ghi chú: Người Latino là những người xuất xứ từ châu Mỹ Latinh. Có nhiều trường hợp khó phân biệt họ với người Hispanic (xuất xứ từ Tây ban nha). Theo Cơ quan Thống kê Hoa kỳ, hiện nay những nhóm người sau đây được liệt kê là Hispanic hoặc Latino:

Mễ, Puerto Rico, Cuba, Cộng hòa Dominican, Trung Mỹ, Costa Rica, Guatemala, Honduras, Nicaragua, Panama, Salvador, Nam Mỹ, Argentina, Bolivia, Chile, Columbia, Ecuador, Paraguay, Peruvia, Uruguay, Venezuela. Người Brazil không thuộc nhóm này.