Sang phần thứ hai của của chương trình Ngày Văn Hóa tại GX Việt Nam Paris, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên đã mở đầu phần Âm Nhạc Nghệ thuật bằng bài nói chuyện về nhạc sĩ Lê Trạch Lựu với đề tài « Từ Trăng Mờ Bên Suối (của Lê Mộng Nguyên) đến Em Tôi (của Lê Trạch Lựu). Bài nói chuyện của Nhạc sĩ Giáo Sư Lê Mộng Nguyên rất thi vị và thích thú. Tôi xin trích đăng toàn bài để cống hiến bạn đọc.

Từ Trăng Mờ Bên Suối đến Em Tôi :
Nhạc sĩ GS Lê Mộng Nguyên nói về Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu



Kính thưa quí vị,
Đồng bào thân mến,


Trên Forums Vietsciences, vào khoảng tháng 8 năm 2004 và để trả lời câu hỏi của một đồng bào internaute : Có bao nhiêu người sáng tác bài tân nhạc ở Pháp ? NS Trần Quang Hải đã lập sổ « những nhạc sĩ lão thành có tên tuổi trong lịch sử tân nhạc Việt Nam như nhạc sĩ Xuân Lôi (sinh năm 1917), Lương Ngọc Châu (1920), Trần Văn Khê (1921), Trịnh Hưng (1928), Mạnh Bích (1929), Lê Mộng Nguyên (1930), vân vân ». Hai Nhạc sĩ Xuân Lôi và Mạnh Bích đã liên tiếp vĩnh viễn ra đi… Có lẽ để sửa chữa sự thiếu sót trong bản liệt kê của Nhà dân tộc học, mà ký giả Huỳnh Tâm đã tổ chức buổi Chiều Văn Nghệ Chủ Đề Em Tôi của Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu (sinh năm 1931) hôm nay, ngày chủ nhật 15 th.04-2007 tại Giáo Xứ Việt Nam, và trong tình anh chị em văn nghệ, tôi đã nhận lời nói vài phút về NS Lê Trạch Lựu…

Cũng như hầu hết những thanh thiếu niên VN trong những năm 1940-1950, chịu ảnh hưởng phong trào lãng mạn Pháp một cách sâu đậm, qua những bài thơ trữ tình của Lamartine hay bài Sonnet của Félix Arvers mà Khái Hưng đã bất diệt hóa trong bản dịch của ông dưới tựa đề : « Tình Tuyệt Vọng » :

Lòng ta chôn một khối tình
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu
Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu
Mà người gieo thảm như hầu không hay …

… Bởi vì nó phản ảnh tâm hồn trai gái yêu nhau lúc bấy giờ trong khung cảnh loạn lạc của một nước VN bị Nhật chiếm đóng, rồi sau Hiroschima (06/08/1945), Việt Minh làm cách mạng tháng Tám, thành lập chính phủ Hồ Chí Minh sau khi vua Bảo Đại thoái vị, Quân Đội Viễn Chinh Pháp trở lại Đông Dương đánh đuổi VM ra khỏi thị thành, dân chúng tản cư lại trở về các thành phố được bình định như Hanoi, Huế, Saigon, vân vân, trong lúc chiến cuộc chống Cộng Sản tiếp tục dưới sự điều khiển của Quân đội Pháp trợ giúp Quốc Gia tự do, và chấm dứt với bại trận Điện Biên và ký kết Hiệp định Genève 1954, chia đôi nước VN. Nhắc lại thời xưa ấy, Nhà văn, NS Nguyễn Đình Toàn đã viết về TMBS của Lê Mộng Nguyên như sau (và chúng ta có thể áp dụng cho EM TÔI của Lê Trạch Lựu) : Nhạc như một nỗi khát khao tìm về một nơi yên ấm mà thực tế lúc nào cũng như đe dọa lấy mất. Cái chốn hạnh phúc có thể nương náu ấy dường như chỉ còn là, chỉ tồn tại trong mơ ước : « La chanson fut comme un désir ardent de trouver un endroit tranquille et paisible que la réalité semblait menacer, à tout instant, de voler. Cet endroit du bonheur où l’on pourrait s’abriter semblait n’être que, ne subsister que… dans nos rêves perdus ».

Cũng như trong TMBS có đoạn cuối : … Giờ đây cách xa người quên hay nhớ ? Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ !
« À présent que nous nous sommes séparés, penses-tu encore à moi ? Le passé étant toujours là, la lune qui se reflète dans l’eau de la source d’autrefois, attend toujours notre retour… », EM TÔI của Lê Trạch Lựu kết cục :

… Trăng sao dâng ý thơ / Mây bay khắp trời / Thuyền tình lung linh trong khói sương lam / Ngày về xa quá người ơi !
« De la lune et des étoiles je m’inspire pour un poème à toi dédié /Les nuages couvrent entièrement le ciel /La barque des amoureux s’ébranle dans le brouillard bleu foncé / Chaque jour m’éloigne du retour au pays, ô ma bien-aimée !»

EM TÔI được sáng tác trên đất khách, sau khi tác giả ly biệt quê hương như hàng trăm thanh thiếu niên dạo ấy xin qua Pháp du học (xa lánh VN trong thời khói lửa), và NS Lê Trạch Lựu đã viết (tôi xin trích) « để biếu cô ta, người đẹp đầu tiên tôi gặp trên đời này. Về thành (sau tản cư), cô ta kiếm tôi, đợi tôi, thấy tôi không về, cô để tang tôi ba năm trời, khi tôi viết thư về, hôm đó cô ta đi lấy chồng… » Không biết nàng có tự hỏi lúc ấy, như TTKh : « Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, Trời ơi ! Người ấy có buồn không ? » trong Hai sắc hoa ty-gôn.

EM TÔI là ai ? Theo lời tự thuật của tác giả - « EM TÔI là một cô gái tuổi 15 lần đầu (ông) gặp trên sân ga Hanoi trước khi đi nghỉ hè, tới bãi biển SẦM SƠN, gần Thanh Hóa». Nhạc sĩ lúc bấy giờ mới 15 tuổi (trái lại với thế hệ mới hiện giờ) còn ngây thơ, nhút nhát không dám bày tỏ tình yêu (mặc dầu khi thấy nàng thì tim người trai trẻ « đã lên nhịp đập thình thình », mà chỉ yêu thầm trộm nhớ (như mối tình trầm lặng giữa Marie Nodier và Félix Arvers đã nói trên) :

Em tôi ưa đứng nhìn trời xanh xanh
Mang theo đôi mắt buồn vương giấc mơ
Vu vơ đắm đuối theo ngàn áng mây
bao đêm thầm đếm trên trời đầy sao sáng
Buồn vương man mác theo lời gió reo lời thơ…

Nhạc sĩ cho biết rằng ngày nào ông cũng theo dõi (qua khung cửa) tất cả những hành động của người yêu, lúc nàng ra giếng rủ áo, với cái nón lá nhỏ không che hết nét mặt dễ thương, đôi môi son và vầng mắt trong sáng. Lúc trở về Hà thành, ông tìm được địa chỉ của nàng và làm quen với người em trai là chú Mỹ từ đó trở thành người đưa thư rất đắc lực. Thư đi nhưng không có thư về, song người nhạc sĩ vẫn tiếp tục viết, nếu hết nguồn hứng cảm, thì xin mượn nhiều đoạn « văn người » khác để bỏ vào trong thư… tính đến gần một trăm bức, có lẽ… :

« Hỡi ơi người đó ta đây
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân
Dẫu ta đi trọn đường trần
Truyện riêng dễ giám một lần hé môi
Người dù ngọc nói hoa cười
Nhìn ta như thể nhìn người không quen… (trích Sonnet d’Arvers, bản dịch Khái Hưng) :

Hélas ! J’aurai passé près d’elle inaperçu,
Toujours à ses côtés et pourtant solitaire;
Et j’aurai jusqu ’ au bout fait mon temps sur la terre,
N’osant rien demander et n’ayant rien reçu.

… Cho đến (và đây tôi xin trích lời tác giả Lê Trạch Lựu) : « Ba bốn ngày trước cuộc kháng chiến, chú Mỹ ở đâu chạy tới, đưa cho tôi một cái phong bì đề tên tôi bênh cạnh có đề :
Xin Trạch Lựu đừng giận Ph. xé lá thư này… Tôi đọc những giòng chữ tròn trinh, Ph. có nói là yêu tôi từ lúc ban đầu khi gặp tôi (Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy… Ngàn năm chưa dễ đã ai quên).

Phải theo gia đình đi tản cư, Ph. hẹn gặp nhau hôm sau một lần đầu mà cũng là một lần cuối ở làng « Em Tôi » bên bờ sông Nhuệ… Thật giống bức tranh linh động, rất lãng mạn của TMBS :
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào

Tôi không biết đêm ấy ông Lê Trạch Lựu có thiết tha với người yêu hay không, nhưng qua lời tác giả EM TÔI trong bài nhạc, thì đêm ấy trăng sáng chứ không mờ như trong TMBS :

Đừng quên em nhé môi còn thắm duyên còn xanh
Đèn trăng phô sắc huy hoàng sáng hơn màu nắng
Bao nhiêu nước mắt chôn sầu đắng
Cho anh rót thắm đem về nhớ nhung lời thơ
Đường đời anh muốn em còn mơ…

Bốn chục năm sau, Lê Trạch Lựu - trong một đêm thao thức nhớ người yêu đến cực độ, đã cầm lại cây đàn ngày xưa, hứng cảm bài Cành Mai Tóc Ngắn để đánh dầu một mối tình vô vọng đã đi qua đời người nhạc sĩ « như một cơn mê » :

… Em ơi em ơi cho nhau ngọt ngà
Nhìn mây bay qua sông Ngân xa quá xa hơn trời xa
Anh yêu sao Mai thêu hoa cành gầy
Từ khi xa cách có mấy mùa hoa ươm tình thơ ngây
Ngồi chân biên giới hứng nắng bên phía kia sông
Giòng đời xanh tươi buông trôi như mây trong tranh mơ hồ
Câu yêu đêm trăng chiều nào…

Hai bài EM TÔI và CÀNH MAI TÓC NGẮN thật tuyệt tác, và Nhạc sĩ LÊ TRẠCH LỰU cùng với những Nhạc sĩ được vinh danh trong Tuyển Tập 100 CA KHÚC TIỀN CHIẾN (in lần thứ nhất năm 2001 tại Sài Gòn do Nhà xuất bản TRẺ) mà Cố Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN THƯƠNG đã viết Thay Lời Tựa, như sau :
« … Nhà xuất bản TRẺ chỉ xin giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu cho một mảng trong sáng tác thanh nhạc – đó là những bài hát lãng mạng, những khúc tình ca mà hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam trong giai đoạn khai hoa nở nhụy đầu tiên của mình đều nói lên những cảm xúc nồng cháy, bộc lộ tâm tình sâu kín của mình đối với thiên nhiên, đối với quê hương, làng xóm, đối với những người thân yêu... »

Xin cảm ơn quí vị.

Lê Mộng Nguyên (Paris, ngày 15 th.04-2007)

Tiếp lời Giáo Sư Lê Mộng Nguyên, nhà văn Hồ Trường An nói tiếp về Nhạc sĩ Lê Trạch Lựu, rồi chính nhạc sĩ Lê Trạch Lựu tâm tình cùng thân hữu và khán thính giả. Sau đó các ca sĩ và nghệ sĩ lần lượt trình diễn 7 tình khúc trong CD « EM TÖI » giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu của Lê Trạch Lựu :
1. Em tôi, do ca sĩ Huy Hoàng
2. Em tôi, độc tấu sáo do Trần Tam Nguyên hoà với đàn tranh do Thùy Trang
3. Cành Mai tóc ngắn, do ca sĩ Ðỗ Quyên
4. Em lễ chùa này, do ca sĩ Hải Yến
5. Tà áo thiên thần, do ca sĩ Lệ Thanh
6. Bên bờ sông Seine, do ca sĩ Giao Phương
7. Nhớ, do ca sĩ Tuyết Dung
8. Em Tôi, do hai ca sĩ Bích Chiêu và Huy Hoàng.

Kết thúc chương trình ngày văn hoá, nói chuyện về linh mục Nguyễn Văn Thích và trình bày nhạc Lê Trạch Lựu, bảy chiếc bánh sinh nhật to đã được chia sẻ cho hết mọi người tham dụ, kỷ niệm sinh nhật thứ 17 của Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris.

Xin cám ơn các Anh Chị Em trong Ban Thư Viện đã cò lòng với đất nước và dân tộc, tổ chức và cống hiến cho đồng bào Việt Nam Paris một buổi chiều văn hoá và văn nghệ phong phú, thích thú và hào hứng.

Paris, ngày 16.04.2007
Trần Văn Cảnh