TÍN NGƯỠNG CỔ TRUYỀN TRONG HỒN CỦA NGƯỜI THƯỢNG

Khi tìm hiểu tín ngưỡng cổ truyền của người Thượng thì luôn gặp phải những giới hạn khó vượt qua, đó là phải tiếp xúc với một thế giới mù mờ, huyền ảo. Hơn nữa vì không chữ viết nên cũng không tài liệu, rồi vấn đề cũng phức tạp do người Thượng tin đâu cũng có thần có ma.

Thần thì có thần núi, thần sông, thần suối nguồn, thần nhà cửa, thần mọi nơi mọi chốn…

Còn ma nói cho dễ hiểu thì nào là ma đồi ma núi mà họ gọi là chạ kơh (cà kơh), nào là ma người mà gọi là chạ chao (cà cau), nào là briăng tạm dịch ma trời, rồi lại có phut mu có thể tạm dịch cho dễ hiểu là ma xứ, ma thổ …

Khi nói về chuyện thần linh thì hầu hết chỉ dựa chuyện truyền khẩu dân gian, nên điều khó khăn là cái nguồn ấy cũng không thống nhất, dễ bị thêu dệt tùy tiện, và cũng đang dần dần bị chôn vùi cùng với thế hệ đi trước, vì họ mới là những người đã thật sự tin và thờ các vị thần qua bao nhiêu thế hệ bằng những hình thức phổ biến trong sinh hoạt gia đình cũng như cộng đồng của họ.

Cần thiết phải phân loại những chuyện kể rải rác nhiều khi khá lộn xộn, giới hạn chúng trong từng lãnh vực một, làm như vậy là để tránh đi vào con đường miên man bất tận, hầu có thể đưa ra được một nhận định về từng vấn đề một, nói chung là phải có sự tổng hợp rồi phân tích.

Cần phải lục lọi trong ký ức, ngôn ngữ, truyện cổ…, và trong một vài hình thức thực hành còn xót lại, nhiều cái đã bị biến đổi theo dòng thời gian, để từ đó cố gắng phân loại chúng, suy luận sao cho có lý, và cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa những điều có vẻ rải rác và tản mác ấy.

Không có gì có thể khẳng định cả, mọi sự chỉ là những dữ kiện được tìm cách mô tả trong sự khách quan và trung thực với chừng mực nào đó, để có thể mở đường cho những nhận định từ nhiều phía.

Sau cùng một một câu hỏi được đặt ra là : - Người Thượng là dân tộc có tín ngưỡng theo hướng đa thần hay độc thần, hoặc có thể là phiếm thần theo kiểu phân loại thời nay ? Có lẽ không bao giờ trả lời nổi câu hỏi ấy một cách dứt khoát và rõ ràng, mà chỉ có thể suy đoán tín ngưỡng ấy mang màu sắc gì. Có thể là đa hay độc thần, hay có thể là phiếm thần, nhưng theo nghĩa đặc trưng nào ?

Tựu trung mọi sự chỉ có thể suy đoán, chứ khó có thể khẳng định hay phân loại rõ ràng như đã nói.

Tin về sự hiện hữu của thần linh

Thế giới quan và vũ trụ quan của người Thượng có lẽ dễ đưa họ đến chỗ tin rằng có những quyền lực vô hình đang hiện diện và cai quản vũ trụ, qua cách diễn tả niềm tin trong lời nói và việc làm, có thể tạm phân tích niềm tin ấy như sau :

Thần trên hết

Người Thượng tin có một Yàng măt-tơngai (thần mặt trời), là vị thần trên hết, cai quản tất cả từ thế giới thần linh đến thế giới con người và muôn vật muôn loài, nội dung của danh xưng này được coi ngang hàng với danh xưng Thượng đế hay Ông Trời trong Việt ngữ.

Trong thực tế cuộc sống, ít khi người Thượng nhắc tới vị thần này, họ cho rằng đó là vị thần xa tít ở trên trời cao thẳm (hơđăng kơluàng trồ jơnhoa), ngài quyền năng và thông biết mọi sự. Chỉ khi nào hữu sự như trong những vụ án lớn, trong những lúc cuộc sống gặp sự hiểm nguy tính mạng thì người Thượng thường hay kêu lên : Ơ Yàng măt-tơngai ! ngụ ý rằng : Lạy thần tối cao, xin hãy phân xử cho tôi chuyện này, xin thương cứu tôi…, hay là Yàng măt-tơngai git gơ dê, nghĩa là thần tối cao thông biết mọi sự, hay ông trời có mắt….

Cũng cần phải hiểu rằng chữ Yàng măt-tơngai chỉ là một danh xưng, một biểu tượng được gắn cho vị thần tối cao thống trị thế giới muôn loài, chứ không hiểu theo chữ là thần của mặt trời. Nói chung người Thượng không biết tên vị thần ấy, nên chỉ dùng hiện tượng thiên nhiên lớn nhất làm biểu tượng và gọi tên vị thần ấy mà thôi.

Những thần địa phương

Dưới quyền của Yàng măt-tơngai có vô số những vị thần dưới quyền được phân bổ cai quản thế giới và vũ trụ, từ những vị thần cai quản biển khơi đến những vị thần nhỏ cai quản một ngọn núi, một dòng sông, một suối nguồn, thần cầm thú, thần gia súc, thần nhà, thần lúa má...

Ví dụ : Yàng núi Brah-yàng, Yàng núi Gùng-Reh, Yàng núi Klong Cing, Yàng núi Tao Dung Tào Dra, Yàng Kòn Đời, yàng Pồt-Lung, Yàng Tô Tơnung, Yàng núi Langbiang…, Yàng jùn (thần của nai rừng), Yàng ka ( thần của loài cá…).

Điều này giải thích rằng qua nhìn ngắm sự kỳ diệu của thiên nhiên người Thượng cho rằng tất cả đều có thần linh cai quản.

Những vị thần gần gũi trong cuộc sống

- Yàng hìu (thần nhà)

Người Thượng tin có yàng của từng mái nhà gia đình, vì thế mà họ hay nói tới thần nhà (yàng hìu), nơi ngự trị của vị thần nhà là một cái drăp me, tức là một cái choé lớn thường được để giữa nhà, đó chính là cái bàn thờ để dâng lễ tế mỗi khi có dịp. Người Thượng rất kính sợ các drăp me, nên không dám làm điều gì bậy khi đến gần, vì sợ xúc phạm tới yàng hìu.

Xúc phạm tới thần nhà có thể bị phạt và phải cúng chuộc (tơwài) mà lễ vật có thể là một con gà non hay phải đan những con dê bằng tre (Tằn be) tượng trưng cho lễ vật để tỏ lòng hối lỗi với thần.

Hay có khi phải nhờ các trung gian của ồng wăn dịch là ông than, đại khái như sau :

Khi biết ai trong gia đình gặp chứng bệnh lạ, thì người cha hay người mẹ gắp ba cục than đỏ trong bếp ra, dội nước cho nó kêu sè sè, vừa ném đi vừa lẩm bẩm đọc những lời khấn xin, người ta cho rằng ba cục than được ném đi là ba vị sứ giả được cậy nhờ đến xin thần tha cho những xúc phạm đã gây ra, nghi thức này họ gọi là crùh chah, nghĩa là dội nước vào than đỏ.

Ví dụ : khi bọn trẻ bị bệnh sưng bìu dái, thì cha mẹ chúng thường cho là do thần nhà (yàng hìu) hay thần chòi lúa (yàng đăm) phạt tội bất kính với yàng (bọn trẻ con thường đái bậy trong nhà hay dưới gầm cái chòi lúa nên bị thần phạt cho).

- Yàng đăm (thần chòi lúa)

Thần chòi lúa như vừa nói (Yàng đăm) là vị thần gần gũi nhất trong cuộc sống người Thượng, họ có bổn phận phải cúng tế cho những vị thần ấy trong những dịp định kỳ hay trong những trường hợp bất thường.

- Yàng kòi (Thần lúa)

Một vị thần khác có vẻ rất phổ biến trong việc cúng tế của người Thượng là yàng kòi, là thần lúa, vị thần cai quản lúa má cũng như việc canh tác đồng áng. Ở đây nên lưu ý rằng người Thượng không quan niệm như một hình thức phiếm thần, mà là vị thần cai quản việc ấy.

Đối với họ các thần tuy vô hình, nhưng cũng có hình hài nào đó được hình dung giống như con người, cũng suy nghĩ, ăn uống, nói năng, đi lại, giận hờn…, nhưng quyền năng nên có phép biến hóa vạn vật, làm từ không ra có, từ ít ra nhiều….

Khi khác thì người Thượng gọi yàng kòi là ndu yàng kòi, họ thờ vị ndu này trong các chòi lúa của gia đình, nơi ngự trị của vị thần ấy là một cái cher kòi, dịch là cái chén thần lúa, đó là một cái chén bằng đồng, có hình dáng tròn tròn như cái chén nhưng không có đế, được đựng trong cái tráp, là một loại giỏ được đan bằng tre, nhỏ và vuông vức, có nắp đậy và trong đó chứa tất cả những đồ thờ của họ, được dặt trên một cái giá cao nhất trong chòi lúa, nơi đây diễn ra các cuộc cúng tế, ăn uống nhiều lần trong năm.

Người Thượng sống bằng nghề nương rẫy từ bao nhiêu thế hệ, đối với họ hột lúa là sự sống nên họ quí hóa từng hột một, các ông các bà ngày trước không bao giờ để vung vãi dù chỉ một hột lúa mà thôi, họ cho rằng làm như vậy là abă-abăn, nghĩa là xúc phạm, bất kính với yàng kòi.

Một câu nói cửa miệng rất dễ gợi ý là lơh kòi hòi yàng, có thể dịch là trồng lúa và cầu thần, bởi vì họ quan niệm hột lúa là linh thiêng, con người có thể làm được mọi sự, nhưng không thể chế tạo ra hột lúa, ngay cả trong thế giới thời nay người ta lai tạo nhiều giống lúa mới thì đó chỉ là ứng dụng quyền năng sẵn có của tạo hóa mà thôi, do vậy người trồng lúa cần phải ý thức lúa là ân lộc được thần ban cho, chứ không chỉ là công trạng và mồ hôi nước mắt của con người làm nên.

Thần linh hay sứ giả của thần linh ?

Trong truyện cổ tích dân gian hay nghe nói đến tên Sào Đèn, có vẻ người ta coi đây là vị sứ giả của yàng măt-tơngai chứ không đồng hóa với yàng măt-tơngai.

Từ thuở ban sơ Sào Đèn đã đến dạy dỗ loài người biết canh tác, biết chế tạo công cụ lao động sản xuất, biết sử dụng mọi phương tiện để tồn tại và phát triển. Cái dấu của Sào Đèn dùng dạy dỗ loài người về canh nông là chòm sao cày đêm đêm vẫn xuất hiện trên bầu trời, do đó người Thượng Kơho-Sre thường đẽo cái cày giống y như thế từ bao đời qua. Tuy vậy Sào Đèn không phải là đối tượng thờ cúng (duh-khoai) của người Thượng, mà chỉ được nhắc như là một kỷ niệm xa xưa và được nhìn nhận như một bậc sư phụ có công dạy dỗ loài người những cách thức để sinh tồn.

Hiện nay Sào đèn vẫn là một tên tuổi trong truyện cổ, nhưng rất hiếm người nắm rõ về truyện ấy để có thể kể một mạch từ đầu chí cuối, nên đành phải chấp nhận sự rời rạc chắp vá. Tuy nhiên nói đến Sào Đèn thi ai ai cũng biết, bởi vì cái cày của Sào đèn vẫn rành rành đó hàng đêm trên bầu trời xanh.

Tiên giới (cau gơnrơh)

Câu chuyện về các vị tiên được lưu truyền nhiều trong các truyện cổ dân gian, họ được phân biệt khác với các thần và khác với loài người, số phận của họ không bị hư nát như loài người. Họ có được cái quyền phép cải tử hoàn sinh.

Trong một số chuyện cổ có nói tới chuyện các vị tiên khi đã già thì được băm chặt và nấu trong cái chảo lớn, để rồi sau đó nhờ quyền phép lại trở thành những vị tiên mới trẻ trung và đẹp đẽ. Chữ cau gơnrơh nếu dịch sát nghĩa là người tiên, người Thượng tin họ sống trong thế giới tốt đẹp, nguyên chữ gơnrơh đã nói lên điều ấy, nghĩa là quyền phép và đẹp đẽ.

Hàng be gơnrơh : đẹp như tiên.

Tuy nhiên những câu chuyện về người tiên có vẻ chỉ có trong truyện cổ xa xưa, chứ không được người Thượng tin là có hiện hữu gần gũi trong hiện tại như các thần, đặc biệt là thần lúa, thần nhà cửa….

Ma Quỉ (cà)

Nếu đã thấy đối với các thần linh, người Thượng tin rằng đó là những vị ban phước lành cho họ, cho họ sức khỏe (niăm să lơmă soàn pràn kơldăng), cho họ mùa màng bội thu, cho đàn gia súc đông đúc, cho mưa thuận gió hòa…

Nhưng đối với quỉ thì chúng là nguồn gốc của sự dữ và sự chết. Quỉ cũng ám hại con người bằng nhiều cách, như làm cho điên dại, gây những chứng bệnh lạ khó trị…

Người ta rất tin về sự hiện hữu chạ tức quỉ, (viết là cà).

Thế nhưng quỉ thuộc thế giới vô hình nên người ta tha hồ mà thêu dệt như : chúng có sừng, có răng nanh, mắt đỏ như than lửa, có đuôi, có phép biến hóa (tơnggơs) thành con cọp, con rắn, hay con voi…, về điểm này cũng có những nét tương tự như trong các nền văn hóa chung quanh.

Tất cả để nói rằng quỉ là loài ác dữ, xấu xa và là kẻ thù chuyên ám hại và gây ra chết chóc cho con người. Chúng có phù phép như các thần, các thần làm gì thì chúng cũng làm được, chỉ thua có một phép mà thôi, đó là chúng không thể chui vào quả ớt hay chui vào ống điếu, do vậy người Thượng tin rằng các thần vẫn mạnh hơn quỉ dữ.

Một niềm tin như thế phải chăng ngộ nghĩnh và đầy tính trẻ con ?

Trong thực hành thì thấy rằng ban đêm khi có việc đi ra ngoài, người đàn ông thường cầm roi mây gọi là gai phun quất vun vút trước mặt mình, để cho bọn quỉ tránh xa không dám gần để bắt hồn, bởi vì người ta sợ rằng nếu chúng mà bắt hồn thì chúng sẽ ăn hồn ấy.

Việc làm này rất phổ biến mãi cho tới những năm gần đây, khi mà ánh sáng văn minh đã chiếu rọi trong cuộc sống của họ.

Đối với người Thượng chết là do quỉ dữ gây ra, nên người ta cố gắng tránh quỉ bằng mọi cách, như những phù phép, bùa ngải, ném tro (bul bùh)… để xua đuổi chúng.

Đối với quỉ thì chúng coi hồn người ta là con trâu tế cho chúng, chúng ưa bắt và ăn, giống như người ta bắt và ăn trâu tế lễ vậy, và hồn ai mà bị chúng bắt thì rất khó thoát khỏi.

Người Thượng cũng thường gọi quỉ là chạ rạc (viết là cà ràk), được hiểu như một giống quỉ nào đó hay bắt và ăn hồn người ta, tất cả những kẻ chết đều bị chúng ăn hồn, chữ ràk (đọc là rạc) là do chữ aràk sa, nghĩa là một thứ tham mồi giống như sói dữ.

Tưởng cũng nên biết rằng người Thượng rất tin về sự hiện hữu của ma quỉ, điều ấy thường là đề tài hấp dẫn và gần như là câu chuyện hàng ngày, nhất là khi đêm về. Người ta hay bàn tán sôi nổi mỗi khi có người chết hay là có những biến cố lạ kỳ xảy ra trong thiên nhiên, trong làng xóm mà người ta không hiểu và không giải thích được.

Sự tin vào hiện hữu của ma quỉ còn đi đến chỗ người ta tin rằng có ma người gọi là cà cau nữa (đọc là chạ chao), điều này gần như là đã ăn sâu vào tâm não người Thượng cho đến ngày nay.

Đại khái có thể hiểu thế này : những người ma cũng là người sống trong làng trong xóm như mọi người, nhưng người ấy được quỉ ban cho cái phép thần thông với nó, có thể ám hại hoặc bắt hồn người ta để ăn. Thường thì người ta cho rằng chao chạ được quỉ ban cho một cái gọi đèk cà (đẹc chạ) hay còn được gọi là kơrnòc cà (Kơ- nọch- chạ), có thể hiểu đây là một loại bửu bối, một vật có quyền phép của quỉ. Cụ thể đó là những viên sỏi hay một vật nào đó nho nhỏ mà người ta lượm được tại những nơi người ta tin rằng có quỉ hiện diện, ví dụ tại một gốc cây đa, tại một nghĩa trang nào đó…

Điều này lại phát sinh ra một hệ quả xã hội hết sức tai hại, đó là vấn đề trong một cộng đồng người ta nghi nhau có ma (geh cà), người ta gọi bằng tiếng chuyên môn là pin cà (pin chạ), nghĩa là người này nghi người kia có ma, do đó mà đưa đến kiện cáo nhau trong cộng đồng và có khi còn đưa ra tận công quyền nữa. Tưởng cũng nên biết rằng trước đây đã xảy ra rất nhiều vụ chém người ma họ gọi là Sreh cà, nghĩa là xử và chém công khai những người bị nghi là có ma đã ám hại và ăn hồn người này người kia. May thay sau này có công quyền can thiệp nên không còn chuyện đổ máu nữa.

Thường thì vấn đề nghi nhau có ma là một vấn đề khá nhạy cảm, nếu người này nói người kia có ma mà không bằng chứng thì sẽ bị nợ rất nặng phải trả cho người bị nghi oan. Do đó mỗi khi nghi ai mà không đủ chứng cứ thì kẻ nghi thường không dám ra mặt, thay vào đó ban đêm lén treo cái củi cháy dưới gầm nhà người bị nghi để cho biết rằng nhà này có ma, hãy liệu hồn đấy !

Chừng ấy sự việc sẽ đủ tạo nên dư luận xôn xao trong cộng đồng.

Có những vụ khác khiến người ta phải xử bằng hình thứ cổ xưa là nơp dà (đọc là nhớp đạ), nghĩa là người nghi và kẻ bị nghi phải lặn xuống nước, ai lặn lâu hơn thì kẻ đó thắng. (gọi là lặn, nhưng thực sự chỉ thụp đầu xống suối mà thôi).

Hoặc một hình thức xử khác đáng sợ hơn gọi là sụ đạ (sù dà) : người ta cho nấu nước sôi sùng sục, rồi kẻ nghi và người bị nghi thò tay vào và lấy cái còng đeo ở dưới đáy nồi ra, ai thò mà tay lấy được mà không bị phỏng sẽ là người thắng kiện.

Dĩ nhiên đây là lối xử án dã man, tàn tích của thời đại mê tín quá trớn.

Cũng có những vụ lớn hơn là kẻ nghi ban đêm lén đốt nhà hay đốt chòi lúa của kẻ bị nghi, gây nên sự mâu thuẫn và nghi kỵ rất thê thảm ngay cả giữa bà con họ hàng thân thuộc với nhau, trong thực tế thì kẻ nghi còn ác hơn và bất công hơn là người bị nghi là có ma.

Vấn đề pin cà theo các thông tin cho biết vẫn tồn tại trong dân chúng, có thể tạo nên bầu khí oán thù trong cộng đồng, tuy vậy việc đưa ra bằng chứng cụ thể là chuyện không thể được, bởi vì đó là chuyện mang tính chất linh thiêng, nên không có một thứ luật pháp nào qui định đó là tội gì và phân xử làm sao, đàng khác người Thượng vẫn còn nặng nề óc mê tín dị đoan khi suy xét chuyện này.

Về chuyện này thì phải nhìn nhận rằng Kitô-giáo có công giải thoát lòng trí của người Thượng thoát khỏi những mê tín dị đoan, mà hệ quả của nó như được nói trên kia là tạo nên những mâu thuẫn, oán thù rất u ám và rất đáng buồn trong xã hội Thượng. Trong lịch sử đã không thiếu những vụ án mạng do chuyện này gây ra như đã nói trên kia.

Phut mu

Người Thượng tin có sự hiện hữu của một giống quỉ khác mà họ gọi là phut mu (có thể tạm dịch là ma xứ hay ma thổ cho dễ hiểu), chúng là quỉ sống trong những lãnh thổ và nơi chốn riêng, người ta tin rằng hễ ai đi qua hay xâm phạm lãnh thổ của chúng thì chúng mới ra tay.

Chúng chuyên gây ra những cái chết bất ưng và bắt hồn người ta, người Thượng tin rằng chúng hiện diện tại những góc cây đa lớn trong vùng, hay một hẻm núi nào đó… nên người ta sợ không bao giờ đi qua những vùng ấy, trừ phi có phép bùa hộ mệnh hay bùa xua trừ chúng.

Đó là quỉ mà người ta tưởng tượng chúng to lớn, chuyên ăn tươi nuốt sống hồn người.

Briang (bơnriăng)

Có một thứ quỉ khác mà họ gọi là briăng, một thứ quỉ được cho là ở trên trời, chúng chuyên uống máu những người chết trong chiến tranh, trong thiên tai hay tai nạn, nói chung là chết có sự đổ máu dữ dằn họ gọi là chơt bơnriăng. Thời xưa những ai chết như thế này không được đưa vào làng, đám tang của họ chỉ được làm cái lán ngoài làng, phải đốt tất cả đồ dùng và quần áo của họ, sợ để lại thì quỉ Briăng theo dấu mà gây nên những cái chết tương tự cho nhiều người khác nữa.

Người Thượng cho rằng những ai mà chơt bơnriăng thì hồn chẳng được qui hồi tiên tổ, nên trong những ngày xác còn quàn tại nhà hay ngoài lán người ta làm cơm bày ra, rồi dùng cán xà gạc hay cán cuốc đã bỏ đi, giơ lên trời và vời xuống gọi hồn người chết về ăn và trở về với tiên tổ chốn âm phủ (làng bồc). Họ bày các món ăn trong một cái nia nho nhỏ, dưới đó rải tro bếp để sau đó cố gắng nhìn cái vết chân của người quá cố đã về ăn cơm với gia đình.

Điều này biểu lộ tình cảm thắm thiết của kẻ sống đối với kẻ chết, những nghi thức như vời xuống bằng cán xà gạc hay cán cuốc đôi khi cũng xoa dịu phần nào nỗi nhớ khôn nguôi của họ đối với những người thân đã nằm xuống, nói chung người sống làm hết tất cả những gì có thể để tìm sự giải thoát nào đó đối với những người đã ra đi, để họ được an lành bên kia thế giới.

Vai trò của phù thủy

Mỗi lần tin là bị quỉ bắt hoặc ám hại thì người Thượng mời phù thủy gọi là bơjơu, hay còn được gọi là gru-jơnăng, thường là đàn ông nhưng cũng có ít trường hợp là đàn bà đã đứng tuổi, họ tin bơjơu có phù phép hay thứ bùa ngải nào đó do yàng ban cho, để xua trừ hoặc cứu loài người cho khỏi tay quỉ dữ, trả lại sự sống an lành cho con người, hoặc nếu đã chết rồi cũng được qui hồi với tiên tổ.

Hiện nay bơjơu đang suy tàn và không còn ai nối nghiệp, phải nhìn nhận rằng Kitô-giáo đã làm cho cái nghiệp này trong xã hội Thượng hết còn đất sống, trong khi cách đây chỉ hơn một thập niên thôi thì uy lực của bơjơu rất lớn trong cộng đồng.

Bơjơu có thể coi bói bằng cách coi chỉ tay gọi là sền tê, hay bằng một hình thức khác là coi chén gạo gọi là sền phe, bơjơu nhìn trong chén gạo thì đoán biết tương lai và số phận của từng người.

Bơjơu cao tay hơn thì juh-proh, có thể mô tả đây giống như một thứ phép thần thông, ông ta ngồi một chỗ và dùng khăn trùm cái đầu lại, cột một dãy lục lạc trên cột nhà ngay tại bàn thờ chính, ông ta vừa rung những lục lạc cho nó reo vừa đọc những lời bi bô gì đó, một thứ ngôn ngữ lạ của các bơjơu không ai có thể hiểu được, người ta cho rằng ông ta đang phi ngựa sang thế giới của các thần, hay có khi là sang thế giới của chạ hoặc quỉ phut mu… Trong khi ông đọc mọi người phải im lặng và không được gây bất cứ một tiếng động nào, vì người ta cho rằng ông ta đang xuất thần, đang phi ngựa để đi đến thế giới thần linh hay ma quỉ mà gặp tiếng động thì ông sẽ rớt trở lại trần gian, do đó có khi bị tai nạn và không cứu được hồn mà ông được người ta nhờ cậy cứu.

Tùy theo tay nghề cao thấp của bơjơu, nếu là bơjơu juh-proh thì thuộc vào loại cao tay, thù lao khá hậu hĩ, thường do chính bơjơu định ra, có khi là một con heo to, đo ba hay bốn gang tay vòng bụng, một con dê hay có khi là cả con trâu nếu nạn nhân được mạnh khỏe và bình an trở lại.

Còn nếu chỉ là một bơjơu ít cao tay hơn thì thù lao chỉ một con gà hay một choé rượu cần, một cái áo, một món tiền.... bởi vì chỉ có thể coi chỉ tay hay coi chén gạo mà đoán số phận, chứ không thể xuất thần phi ngựa như mấy ông bơjơu cao tay được.

Về nguồn gốc của các bơjơu cũng khá mù mờ, huyền ảo. Thường người ta cho rằng các thần ban cho cái quyền làm bơjơu mà chỉ có bơjơu biết rõ chuyện ấy, cụ thể là được thần ban cho một vật bửu bối một cách tình cờ, tại những nơi chốn mà người ta cho là linh thiêng, ví dụ đang tát ao mà thấy một cái choé nhỏ, đang cuốc đất mà lượm được một viên sỏi lạ mắt, rồi cộng thêm với yếu tố nào đó như một giấc mơ, một điềm lạ… thì người ta cho rằng họ được ban cái quyền làm bơjơu.

Một hướng suy đoán khác có thể thấy rằng : bơjơu có nguồn gốc từ người Chăm mà ra, điển hình là trong những lời bi bô mà bơjơu đọc hầu như mang màu sắc ngôn ngữ Chăm.

Cũng không tránh được chuyện có bơjơu giả, ví dụ có người ngậm ổi non trong miệng, làm cho đôi má có vẻ xưng lên, rồi đến bơjơu để hỏi thì bơjơu cho rằng bị thần này thần kia phạt nên phải cúng chuộc.

Thế là trò ma cũng chẳng qua được trò quỉ !

Chuyện như thế này thì không nhiều nhưng cũng đã có, những người dám thử bơjơu thì hẳn là một tay tinh nghịch nhất làng, đó chỉ là nghịch mà không có ác ý, để cho biết rõ thế nào chân tướng và uy lực, cũng như sự linh nghiệm của các bơjơu tới cỡ nào !

Đôi dòng kết

Ở đây chỉ là sự rút gọn và đơn giản hóa để quí độc giả hiểu được phần nào tín ngưỡng cổ truyền trong cái hồn của người Thượng.

Không thể võ đoán cho rằng có thể hiểu hết cái hồn của người dân tộc này, bởi vì thế giới tâm linh của họ cũng đầy những huyền bí và mờ ảo, lịch sử của họ cũng thật xă xăm.

Tuy nhiên điều duy nhất có thể khẳng định rằng : họ là một dân tộc có niềm tin sâu xa về sự hiện hữu của thần linh mà họ vẫn gọi là yàng, đối với họ yàng hiện diện mọi nơi mọi chốn, từ chốn cao vời cho đến mỗi cái góc hẻm nhỏ bé trong sinh hoạt hàng ngày của họ.

Điều ấy hẳn là một cái thang giúp họ vươn lên tìm Đấng là Chân Thiên Mỹ.

Dĩ nhiên không làm sao tránh khỏi những mê tín dị đoan và lầm lạc, nhưng nếu một người trong bóng tối mà cố gắng dò dẫm bước đi từng bước để tìm đường đi tới, thì đó quả là điều rất đáng trân trọng và đáng khen ngợi.

Ngày nay chúng ta có thể nói rằng : nhờ niềm tin của tổ tiên mà chúng tôi biết có Một Thiên Chúa chân thật.

Quả đúng đó là một cuộc hành trình rất dài của người Thượng.

Nhờ giá trị cũ mà chúng tôi khám phá ra giá trị mới, lớn lao hơn, toàn hảo hơn và mở ra trước mắt chúng tôi chân trời tràn trề hy vọng.

Lạc quan thay cho những bước chân gieo vãi Tin mừng cho miền Thượng !(www.simonhoadalat.com)

Lm. Fx Brel

(hồn người Thượng)