NINH BÌNH, Việt Nam (UCAN) -- Một nhà thờ Công giáo được xây dựng lại khang trang theo phong cách kiến trúc bản địa sau 40 năm hoang tàn được xem là dấu chỉ hồi phục đời sống đức tin và sinh hoạt tôn giáo tại một xứ đạo ở miền Bắc Việt Nam.

Nhà thờ mới của Giáo xứ Ninh Bình, Phát Diệm (Photo: VietCatholic)
Đức Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến của Phát Diệm mới đây đã cung hiến ngôi thánh đường mới của giáo xứ Ninh Bình, được khởi công xây dựng vào năm 2002. Thánh lễ hôm 20-4 đã thu hút khoảng 5.000 giáo dân và 70 linh mục.

Đức Cha Yến, 62 tuổi, phát biểu với UCA News trước Thánh lễ: “Ngôi nhà thờ mới mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó đánh dấu sự phục hồi của giáo xứ sau 40 năm hoang tàn, đồng thời cũng đánh dấu sự hiện diện của người Công giáo giữa thị xã Ninh Bình”. Thị xã này, cách Hà Nội chừng 90 km về hướng nam, đang phát triển nhanh về các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.

Vị lãnh đạo giáo hội nói thêm, nhà thờ mới cũng hứa hẹn phục vụ nhu cầu tôn giáo của số người Công giáo di dân ngày một nhiều từ các tỉnh lân cận trong thị xã mà sẽ được chính quyền nâng lên thành phố vào năm 2007. Những người này là “quan tâm mục vụ của giáo xứ này hiện nay”, ngài nói thêm.

Theo vị giám mục, ngôi nhà thờ mới có sức chứa 2.000 chỗ ngồi tốn kinh phí hết 4,5 tỉ đồng (khoảng 282.000 Mỹ kim) và tọa lạc trên khuôn viên rộng 6.000 mét vuông tại trung tâm thị xã.

Ngôi nhà thờ có mái cong với hai lối cầu thang ở hai bên hông dẫn lên nhà nguyện chính ở tầng trên. Tầng trệt được dùng để dạy giáo lý và tổ chức các hoạt động khác. Lối kiến trúc này dựa trên kiểu nhà sàn của người Mường. Thống kê của Giáo hội năm 2004 cho thấy, giáo phận Phát Diệm đặt trụ sở ở tỉnh Ninh Bình có 144.564 tín hữu kể cả 10.756 người Mường trong tổng dân số 905.985 người.

Đức cha Yến giải thích rằng sau khi nhà thờ cũ được xây dựng năm 1899 đã bị tàn phá trong thập niên 1960 do Cuộc chiến Việt Nam, một phần đất của nhà thờ đã bị Nhà nước chiếm dụng để làm xưởng sửa chữa toa xe lửa, và người dân địa phương xây dựng nhà cửa trên phần đất còn lại.

Năm 1990 giáo xứ bắt đầu làm đơn xin trả lại đất, và 8 năm sau chính quyền đáp ứng yêu cầu này. Phải mất bốn năm nữa để chính quyền di dời xưởng sửa chữa và cho người dân chuyển nhà ra khỏi khu vực. Chỉ đến lúc đó việc xây dựng nhà thờ mới có thể bắt đầu được. Giáo phận phải đền bù cho những người dời nhà đi chỗ khác.

Đức Cha Yến phát biểu với cộng đoàn tại lễ cung hiến, nhà thờ đẹp cần phải đi đôi với một cộng đoàn yêu thương. Ngài thúc giục họ biết rao truyền Tin Mừng cho người xung quanh.

Cuối lễ, ông Antôn Vũ Văn Hóa, trưởng ban lãnh đạo giáo xứ, cám ơn đại diện Phật giáo và chính quyền địa phương đã tham dự thánh lễ và tặng hoa chúc mừng. Ông nói: “Sự hiện diện của quí vị nói lên tình hiệp thông, chia sẻ, ủng hộ và đoàn kết ở địa phương”.

Vị lãnh đạo giáo dân 70 tuổi cũng kể lại những khó khăn mà giáo dân phải trải qua như không có nơi cho sinh hoạt tôn giáo sau khi nhà thờ bị hư hại trong thập niên 1960. Nhiều người di chuyển đi nơi khác và các hội đoàn Công giáo tan rã. “Nay Thiên Chúa đã thương bù đắp lại tất cả cho chúng tôi. Giáo xứ phục hồi được các sinh hoạt tôn giáo từ khi lập ban lãnh đạo giáo xứ, giáo lý viên và ca đoàn”. Theo ông, giáo xứ có 2.150 giáo dân.

Linh mục chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Văn Phương phát biểu với UCA News ngài cố gắng qui tụ người Công giáo làm việc trong các công ty và xí nghiệp ở địa phương lại. Vị linh mục 40 tuổi cho biết ngài từng làm cha sở giáo xứ Áng Sơn ở huyện Hoa Lư và kiêm nhiệm giáo xứ Ninh Bình trong vòng 10 năm. Ngài chính thức coi xứ Ninh Bình vào năm ngoái.

Đức cha Yến cũng làm phép ngôi nhà xứ cao ba tầng với 24 phòng để làm nơi ở cho cha xứ và khách. Cha Phương cho biết các cuộc tĩnh tâm linh mục hàng năm và thường huấn linh mục sẽ được diễn ra tại giáo xứ của ngài trong tương lai.

Hôm 19-4, Đức cha Yến cũng đã truyền chức cho năm linh mục tuổi từ 36 đến 51 tại nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Các tân linh mục đã hoàn thành khóa hàm thụ hai năm tại Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang hồi tháng Hai.