Xuôi theo dòng nước

Dòng đời vẫn buông trôi,

Vẫn Đông về lạnh lẽo,

Vẫn Hạ, chiều nắng rơi…


Năm nay mùa Đông có vẻ ít tuyết rơi. Mấy ngày sau Tết Tây trời nắng đẹp. Tuy vậy chúng tôi cũng không ra ngoài trời tản bộ như nhũng năm ở Cali nắng ấm…

Tôi, hay chúng tôi, thường tiếc nuối dĩ vãng. Có thể cái gì không còn tìm lại được thì mới tiếc. Chứ cái còn tìm lại được thì tiếc làm chi! Vì vậy đâm ra coi chả có ký lô nào cả.

Trước 75, miền Nam tự do quá! sư sãi tha hồ xuống đường, cha cụ tha hồ hoan hô đả đảo, không ai dám bắt bớ hoặc làm khó dễ. Chữ tự do coi nhẹ như tơ hồng! Kịp khi Bác và Đảng cưỡng chiếm miền Nam, đem chế độ sắt máu ra cai trị hai miền, kẻ khẩu hiệu nền vàng chữ đỏ “KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO” thì cả miền Nam mới nuối tiếc dĩ vãng tự do ngày trước…

Một cụm từ của người miền Nam trong thời gian này nói nên cái khốn khó của dân Việt dưới chế độ Cộng Sản:” … Hoan Hô Hồ Chí Minh, mua một cái đinh cũng không có! …”

Thế nhưng, dẫu cuộc sống bần cùng và đơn sơ như vậy nhưng … ta vẫn có nhau.” Vì vậy, tôi vẫn nuối tiếc dỉ vãng, vẫn thương tưởng đến những ngày khốn cùng đó…

Chàng của tôi vẫn chiều chiều đi đánh độ,

Ăn thua gì cũng uống vài lít bia hơi,

Xẩm tối về bắc vội một nồi cơm,

Bo bo trộn với gạo…gì đầy sạn…

Ngoài tài vặt, chàng còn biết được nhiều việc khác nữa chẳng hạn như khâu vá quần áo tuột chỉ, rách rưới. Chế biến nhiều món ăn cho hợp với khẩu vị của cả gia đình bằng những thứ thực phẩm… bây giờ ở xứ sở văn minh này kiếm đỏ con mắt cũng không ra! Đó là những cái … tiến bộ duy nhất của chàng sau mấy năm cải tạo!!!.

Vào những ngày cuối năm, chàng của tôi không quên nhắc tôi kiếm chác cái gì trong nhà có thể bán, có tiền sửa soạn Tết bằng một nồi bánh chưng cổ truyền theo truyền thống của gia đình chàng. Ngày xưa, Chàng đã từng biểu diễn một nồi bánh chưng khi chàng sắp làm rể… ở Đà Nẵng. Thế nên tôi đã biết tài khéo tay của chàng. Chàng giống Bố chàng y chang: khó khăn dàn trời mây.”Không làm thì thôi, làm thì phải ra tay ra tấm! và, thật chi tiết!…” Chàng vùa làm vừa giảng giải cho đàn con còn quá nhỏ, chẳng biết chàng đang nói gì, chỉ thấy tay chẻ lạt thoăn thoắt, miệng nói tía lia những từ ngữ… chính tôi cũng không hiểu. Vì, chàng là người Bắc thứ chính gốc còn tôi người Trung lại học trường Pháp nên… có chút ngôn ngữ bất đồng!!!.

Thế rồi nồi bánh chưng củng được bắc lên bếp kê trước nhà bằng 6 cục gạch thẻ. Thứ củi tạ chắc nịch được chàng bửa đúng cỡ xếp đống bên cạnh. Một nồi nước sôi âm ỉ để bên dùng châm thêm cho nồi bánh chưng khi vơi nước…

Thằng con trai năm tuổi nhìn bếp lửa cháy đỏ hồng vừa nhe hàm răng xiết vừa ngọng nghịu nói: “tối hôm nay cu… hức với Bố !!!”

Tìm đâu những ngày vui đã qua,

Tìm đâu những ngày cũ… xinh như mộng,

Tìm đâu, biết tìm đâu… bây giờ?



Biết tính nết chàng: con nhà lính,nhưng tính nhà quan. Tôi phải âm thầm lo liệu cho “đêm không ngủ của Bố con chàng” bằng một nồi cháo gà “tuyệt cú mèo!”.

Bố con chàng vừa coi nồi bánh chưng vừa xì xụp húp cháo gà cho tới khuya. Khi con buồn ngủ về… bay đầu giường thì đàn con với những bát cháo đặc sánh, thơm tho ngon lành trong bụng… lăn quay ra ngủ cả. Bên cạnh nồi bánh chỉ còn chàng: vừa phì phà điếu thuốc Vàm Cỏ vừa nhâm nhi hớp rượu bách nhật đỏ quệu… không biết pha chế bằng cái quỉ cái ma gì mà chàng nói là… ngon ra phết!!!.

Tôi nhìn chàng mà thương mà cảm cho cho cái phận… xuống chó của chàng!. Đường đường là một nhân vật… hét ra lửa ở Quân Trường Nha Trang hồi xưa thế mà nay khum người phì phà thổi lửa cho nồi bánh chưng ở cái ngõ hẻm tăm tối nghèo nàn này!!!. Với khẩu phần bo bo mì sợI ăn … ké với lũ con đói khát, chàng không còn hình dáng oai vệ như xưa. Chàng chỉ còn da bọc xương với nước da xám nghoét của một người bị vi trùng sốt rét còn tiềm ẩn trong cơ thể. Thứ bệnh mà con cháu Bác Hồ chỉ dùng một thứ trụ sinh duy nhất để chữa trị: đó là thứ trụ sinh có tên là KPciline (KP: viết tắt của chữ khắc phục ấy mà!).

Mấy năm cải tạo trong chế độ siêu việt của Đảng và nhà nước vĩ đại: chàng yêu quí của tôi chỉ còn là một bộ xương cách trí. Khi được về, chàng lại … bo bo độn gạo mục cho qua ngày thì làm sao chàng mau bình phục cho được…

Ôi, những đau thương này,

Xin gói trọn trong tim,

Để mai đây nhớ lại,

Mà an ủi cho nhau …

Khi viết đến những giòng chữ này,tôi không khỏi nhỏ lệ chua xót cho thân phận của chúng tôi: một tay 4 con thơ cùng với một Ông Chồng “bất khả dụng” trong chế độ mới sắt máu này!.

Chồng tôi lại là người không thích mánh mung, linh tinh kiếm chác, nên chúng tôi lại càng khốn khổ hơn. Hai bên Nội Ngoại của gia đình chúng tôi lại cứ nghĩ là chúng tôi còn của chìm của nổi nên đều làm ngơ. Phần chúng tôi, biết làm gì hơn ngoài hai chữ cam chịu”…Cũng may cho chúng tôi, năm đó, cô Em ruột của chàng ở Mỹ gửi cho chàng chút tiền nên chúng tôi mới tìm kế thóat thân cho riêng chàng: chàng khẳng định, dù phải hy sinh trên biển cả,dứt khoát phải vượt ra khỏi chế độ vô nhân đạo này !!!.

Ngày ra đi, chàng im lặng, không lời từ giã. Tôi vốn ít nói thế mà phải “cóc mở miệng” trong hoàn cảnh bi thương này…

- Sao Anh chẳng nói với Em lời nào vậy !?…

Chàng chỉ lắc đầu im lặng …

Chàng lặng lẽ cùng cô con gái út bước ra khỏi ngõ hẻm lầy lội và mất hút vào đám khói mù của những chiếc xe đò… chạy bằng than của cái chế độ từ rừng rú về thành…

Hôm nay trời mưa rả rich suốt đêm. Tiếng mưa rơi trên mái tôn làm tôi nhớ đến chàng da diết. Những đêm như thế này, ngày xưa chàng thường ôm tôi vào lòng, thủ thỉ kể những chuyện trên trời dưới đất kể cả những chuyện tình lãng mạn của chàng với những người con gái đồng trang lứa. Những chuyện này chúng tôi gọi là những bí mật thần kinh” của chàng. Chàng của tôi thành thật và thẳng thắn trong câu chuyện. Thành thật đến độ đôi khi tôi phát cáu lên vì những hình ảnh tưởng tượng ra trong đầu khi chàng kể chuyện một nữ sinh chàng dậy kèm tóan lý hóa “cô áo đầm đen cài hoa hồng đỏ trên ngực áo đưa chàng vào buồng riêng…Thế mà chàng ngỗng đực của tôi vụt chạy ra khỏi phòng rồi biến vào dòng người ngược xuôi trên đường phố như bị ma đuổi…”

Vào Quân Chủng Không Quân: người ta hào hoa phong tình bao nhiêu thì chàng chỉ biết “ uống sữa tươi, ăn phở gà và pâte’ nóng hổi. Mấy người bạn chàng thường đem chàng ra làm trò cườI trong những lúc rỗI rãi đùa chơi. Chàng thường nổi nóng, đỏ mặt tía tai mà chống lại họ bằng những từ ngữ hết sức… ông cụ non. Một hôm, có một gã tóc quăn mắt sáng vừa cười đểu vừa hõi :

- Tên lính… sữa tươi kia, mi có biết gì về…đàn bà không hả ?

Chàng nổi cáu vừa chửI vừa xông tới đấm đá túi bụi :

- Thằng Don Juan kia, ông không biết gì cả,c hỉ biết ục… mày một trận thôi!

Những kỷ niệm đan dầy vào đờI chúng tôi qua nhừng năm tháng dài làm cho tôi nhớ chàng vô cùng: bây giờ chàng đang ở Nam-Dương sau chuyến vượt biên thập tử nhất sinh ở Bà-Rịa.

Trước hôm chàng khởii hành, chúng tôi đến đền thờ Thánh Gẫm để cầu xin cho chàng được đi thóat. Sau khi đọc kinh cầu xin xong, gã giữ đền Thánh gạ chàng để bán cho chàng …”mẩu hài cốt của Thánh !!!”. Chàng thẳng thắn trả lời:

- Chúng tôi đến đây để cầu nguyện chứ không phải để mua Thần bán Thánh!!!

Chúng tôi cũng không quên mẩu chuyện mê tín dị đoan sau đây của một tên đồng bóng đuợc mệnh danh là “thánh lê tâm!!!”

Hôm ấy, trước hàng chục người thì thụp vái lạy trước Đức thánh Lê tâm, một người thân của chàng hỏi Thánh:

- Lạy Thánh, xin ngài cho biết cái cậu ngồi góc kia có vượt biên thành công không ạ?

Thánh trả lời rành mạch:

- Không thể nào được !!!. Cậu đó nhìn vào mặt biết ngay là không có tin Thánh thì làm sao mà đi vượt biên thành công!!!???

Kết quả của lời Thánh phán là: người ta đã đòi lại 4 cây vàng cho chàng mượn để chàng không có đủ số vàng vượt biên cho cả gia đình!!!.

Ôi! Lời Thánh sao mà linh ứng quá vậy ?!!!. Không vàng bất thành vượt biên!. Người ta lấy lại vàng vì người ta đã tin vào Thánh Lê Tâm !!!. Chàng phải bán cả chiếc nhẫn cưới mới chung đủ số vàng cho riêng mình và cho người con gái út đột nhiên “buột miệng thích chuyện phiêu lưu vượt biên với Bố.”

Đêm càng khuya, mưa rơi trên mái tôn càng buồn bã: Tôi nhớ đến những đêm phi trường ngày xưa, tiếng phi cơ rền rĩ, tiếng động cơ ầm ầm, tiếng pháo kích của Việt Cộng… Tất cả tôi coi như pha. Tôi không sợ vì tôi có chàng bên cạnh…

Những đêm giao thừa năm nao?

Sao không trở về đây nữa?

Sao không có chàng bên ta?

Để giờ ta lạnh lùng tủi phận!!!…

Chàng của tôi yêu thương lính của mình hết mực !. Cứ sắp đến giao thừa là chàng lái xe lên đơn vị: đến từng phòng trực,từng vọng gác để “ chúc mừng Năm mới Anh Em”.

Ôi, huynh đệ chi binh… Tình cảm người lính… Họ thương nhau có khác chi nhân tình !!!???

Sau màn thăm lính là chàng về nhà… tự xông đất. Tôi không quên sửa soạn bình trà tầu “Thiết Quan Âm“ pha đúng kiểu để mời chàng khi chàng vào nhà chúc mừng Năm Mới vợ con…

Gia đình chàng cổ kính, truyền thống gia đình như một thói quen chàng không thể thiếu trong những dịp đầu năm, lễ tết… như thế này…



Mẹ con chúng tôi đón nhận tin chàng đến được Nam Dương vui như pháo tết: Thế là chàng hết khổ sở với Bác và Đảng, nhất là với lão Công-An Khu vực cuyên vòi vĩnh qùa cáp!!!. Mẹ con chúng tôi sẽ có một tương lai sáng sủa… khi chàng được định cư ở Mỹ, nơi chàng đã hai lần du học năm xưa…

Thế nhưng,miệng đời vẫn vô cùng độc ác!!!

- Ối giời ơi!… mừng gì mà mừng ?!. Nó gửi cho vài ký quà rồi nó lấy đứa khác thế là xong!!!.

Tôi tin chàng lắm. Chàng của tôi có khi nào lại như vậy!.

Thế nhưng,có lẽ tôi cũng phải vượt biên theo chàng mới xong !. Chứ nhỡ ra đúng như người ta nói, như những gã… bất nghĩa nào đó thì thật là… vô phúc vô phận!!!



Chàng đạo dòng,tôi đạo theo…chồng!. Có lẽ tôi phải tỏ ra hiểu biết về Đạo hơn chàng mới được… Thế là tôi đọc kinh xem lễ hàng ngày. Tôi cùng các em của chàng đi hết nhà thờ này đến nhà thờ khác để cầu nguyện, để van nài xin Chúa cho Mẹ Con tôi được đoàn tụ với chàng…

Chúa của tôi không… mê ngủ!. Lời kêu xin của tôi được Chúa nhận lời…

Thế là Mẹ con tôi đến được trại tỵ nạn sau vài ngày đi ven biển Thái Lan. Người ta nói với tôi: Chúa thường thương xem những người mới trở lại Đạo. Tôi là một bằng chứng sống động nhất về ơn nghĩa này…

Thế là chúng tôi lại xum họp sau mấy năm xa cách: chàng của tôi vẫn như xưa. Tính tình vẫn ôm đồm, khó khăn và hay cả nể: hứa bừa hứa bãi cho vừa lòng người rồi phùng mang trợn mắt thực hiện cho bằng được lời đã hứa !!!. May cho tôi: chàng không bao giờ hứa …l ấy bà nào khác !. Nếu không chắc tôi lại phải… vầng trăng chia sẻ làm đôi … thì thật là chán mớ đời !!!.



Quay đi quay lại…thế mà đã gần 40 năm rồi !!!.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Các con tôi giờ đã khôn lớn. Cháu nội cháu ngoạI đã coi như… khóa sổ!. Chàng của tôi tóc đã muối tiêu… muối thì nhiều mà tiêu thì ít xỉn!.Thế mà chàng vẫn tình tứ ra phết !.Vẫn anh anh em em ngọt xớt!... ngọt hơn mía lùi!. Vẫn nắm tay quàng cổ coi tình chi lạ !. Đôi khi tôi giận chàng nhưng chả bao giờ giận được lâu vì chàng có cái nghệ thuật… bí hiểm sao đó cho tôi phải vui phải cười,phải hết giận hờn mới thôi. Đấy là chưa kể cái màn chàng tỉnh bơ như người Hà Nội : lấy gối mền ra ngủ riêng ở phòng khách. Thế là tôi lại phải:

Nửa đêm giờ tý canh ba,

Tôi không ngủ được phải ra với chàng,

Trước là nở nụ cười suông,

Sau là kéo vội chàng vào… ngủ trong…

Mai-Khánh

(Ohio 2006)