Hồng Y Angelo Becciu đã có mặt hôm thứ Ba trong ngày đầu tiên của một phiên tòa về các tội phạm liên quan đến tài chính để bào chữa cho mình về các tội danh tham ô và lạm dụng chức vụ.

Hồng Y Becciu là một trong 10 bị cáo trong phiên tòa xét xử tội phạm tài chính lớn nhất của Vatican trong lịch sử cận đại. Đây là lần đầu tiên một vị Hồng Y phải ra trước tòa án Vatican sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô thay đổi quy định vào tháng Tư để cho phép các thẩm phán giáo dân xét xử các Hồng Y và Giám Mục.

Trong một tuyên bố thông qua luật sư của mình ngày 27 tháng 7, vị Hồng Y nói rằng ngài “bình tĩnh” và chờ đợi phiên tòa tiếp tục để chứng minh sự vô tội của mình đối với tất cả các cáo buộc chống lại ngài.

Tuyên bố từ luật sư Fabio Viglione cho biết: “Đức Hồng Y Becciu, sau phiên điều trần hôm nay, lặp lại niềm tin của mình đối với Tòa án, đối với sự xét xử khách quan về các sự kiện chỉ mới được giả thuyết bởi Chưởng Lý, mà chưa có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với luật sư bào chữa cũng như với quan điểm giả định vô tội”.

Đức Ông Mauro Carlino, người từng làm việc trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và bị buộc tội tống tiền và lạm dụng chức vụ, cũng có mặt trong phiên điều trần kéo dài bảy tiếng đồng hồ hôm thứ Ba 27 tháng 7. Tám bị cáo còn lại vắng mặt nhưng có luật sư đại diện.

Phiên điều trần diễn ra trong một phòng đa năng của Viện bảo tàng Vatican gần đây đã được điều chỉnh lại để tòa án có thể sử dụng. Buổi điều trần tiếp theo được tòa lên lịch vào ngày 5 tháng 10 sau khi một số luật sư bào chữa yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị.

Khoảng 30 luật sư đã tham dự phiên điều trần, một số luật sư đã đưa ra các thỉnh cầu và các khiếu nại về quy trình xét xử.

Trong phiên tòa này, lần đầu tiên Tòa án Vatican thành lập một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán gồm chủ tịch tòa án Giuseppe Pignatone, và hai giáo sư luật người Ý: Venerando Marano và Carlo Bonzano.

Theo một thẩm phán của Tòa án Vatican, việc doanh nhân người Ý Gianluigi Torzi vắng mặt tại phòng xử án ngày 27 tháng 7 là hợp lý do ông này đang bị áp dụng các biện pháp phòng ngừa ở Anh trong khi chờ dẫn độ về Ý theo yêu cầu của nhà chức trách Ý.

Trung tâm của vụ án đang được xét xử là việc Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh mua một tòa nhà ở số 60 Đại lộ Sloane ở London. Tòa nhà được mua trong các giai đoạn giữa năm 2014 và 2018 từ doanh nhân người Ý Raffaele Mincione, là người vào thời điểm đó đang quản lý hàng trăm triệu euro tiền quỹ của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Các công tố viên của Vatican khẳng định rằng thỏa thuận này có vấn đề và được thiết kế để lừa Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hàng triệu euro.

Hồng Y Becciu đã từ chức Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh và từ bỏ các quyền được mở rộng cho các thành viên của Hồng Y Đoàn vào ngày 24 tháng 9 năm 2020.

Vị Hồng Y này trước đây đã từng là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cơ quan đầy quyền lực tại Giáo triều Rôma, giờ đây là trung tâm của cuộc điều tra về tình trạng bất minh tài chính.

Đức Ông Alberto Perlasca, cựu phó chánh văn phòng của Becciu, cũng bị điều tra như một phần của vụ bê bối tài sản ở London, nhưng không nằm trong số các bị cáo trong phiên tòa mùa hè này.

Các công tố viên Vatican xác định rằng lời khai của Đức Ông Perlasca, được cung cấp trong một số cuộc phỏng vấn, là quan trọng để tái tạo lại “một số khoảnh khắc trung tâm” trong vụ việc này.

Nhưng tại phiên điều trần hôm thứ Ba, một luật sư bào chữa cho rằng lời khai của Perlasca từ năm cuộc phỏng vấn là “không thể chấp nhận được” vì các cuộc phỏng vấn ấy diễn ra mà không mặt của luật sư.

Một công tố viên của Vatican lập luận rằng những lời khai này là hoàn toàn hợp pháp vì chúng được quay video và Đức Ông Alberto Perlasca “tự nguyện” khai báo.

Hồng Y Becciu cho biết trong một tuyên bố rằng ngài sẽ kiện Đức Ông Alberto Perlasca và Francesca Immacolata Chaouqui, một người khác đã bị các điều tra viên thẩm vấn, “vì tội vu khống khi đưa ra những lời khai rất nghiêm trọng và hoàn toàn sai sự thật trong quá trình điều tra của Chưởng Lý Vatican”.

Vị Hồng Y nói với các nhà báo trong phòng xử án vào cuối phiên điều trần rằng ngài “vâng lời Đức Giáo Hoàng đã đưa tôi ra xét xử, tôi luôn vâng lời Đức Giáo Hoàng, ngài đã giao cho tôi nhiều sứ mệnh trong đời, ngài muốn tôi đến phiên tòa và tôi đang đến phiên tòa. Tôi bình tĩnh, tôi cảm thấy bình tĩnh trong lương tâm, tôi tin tưởng rằng các thẩm phán sẽ có thể nhìn thấy rõ sự việc và hy vọng lớn của tôi là chắc chắn rằng họ sẽ công nhận sự vô tội của tôi”.

Các bị cáo khác trong phiên tòa tài chính bao gồm một số nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Fabrizio Tirabassi, người giám sát các khoản đầu tư, sẽ bị xét xử với các tội danh tham nhũng, tống tiền, biển thủ, gian lận và lạm dụng chức vụ.

Mincione đã bị buộc tội tham ô, gian lận, lạm dụng chức vụ, biển thủ và tự rửa tiền.

Torzi, người được đưa vào để môi giới các cuộc đàm phán cuối cùng về việc Vatican mua tài sản ở London vào năm 2018, đã bị buộc tội tống tiền, biển thủ, lừa đảo, chiếm đoạt, rửa tiền và tự rửa tiền.

Cộng sự của anh ta, luật sư Nicola Squillace, phải đối mặt với tội danh tương tự trừ ra tội tống tiền.

Enrico Crasso, người quản lý các khoản đầu tư cho Vatican trong hơn 25 năm, đã bị điều tra vì nghi ngờ ông ta đang làm việc cùng với Mincione và Tirabassi để lừa gạt Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Crasso, người quản lý Quỹ toàn cầu Centurion mà Tòa thánh là nhà đầu tư chính, phải đối mặt với nhiều tội danh nhất: tham nhũng, biển thủ, tống tiền, rửa tiền, tự rửa tiền, gian lận, lạm dụng chức vụ, làm giả công chứng thư và làm sai lệch một tài liệu cá nhân.

Tòa thánh Vatican cũng đã buộc tội ba tập đoàn do Crasso sở hữu về tội gian lận.

Cecilia Marogna, một người tự xưng là nhà tư vấn an ninh, bị cáo buộc tham ô sau cuộc điều tra của Vatican về các báo cáo rằng cô ta đã nhận hàng trăm nghìn euro từ Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh liên quan đến Becciu, và cô đã chi tiền cho hàng hóa xa xỉ và các kỳ nghỉ hè.

Marogna thừa nhận đã nhận số tiền này nhưng khẳng định rằng số tiền này được chuyển cho công việc tư vấn an ninh ở Vatican và là tiền lương của cô.

Công ty có trụ sở tại Slovenia của Marogna, Logsic Humanitarne Dejavnosti, gọi tắt là DOO, cũng đang bị đưa ra xét xử với cáo buộc tham ô.

Hai bị cáo cuối cùng là René Brülhart và Tommaso Di Ruzza, những người trước đây lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính nội bộ của Vatican.

Di Ruzza bị buộc tội tham ô, lạm dụng chức vụ và vi phạm bí mật.

Brülhart đang bị truy tố về tội lạm dụng chức vụ. Cả hai người đều phủ nhận có các hành vi sai trái.
Source:Catholic News Agency