Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng trong bối cảnh các nỗ lực gọi là “cải tạo” lan rộng ở một khu vực của Trung Quốc - nơi mà Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump đã xác định là nơi xảy ra tội ác diệt chủng - hàng trăm giáo sĩ Hồi giáo đã bị bắt giữ vì nghi ngờ theo “chủ nghĩa cực đoan”, mặc dù có rất ít bằng chứng về bất kỳ hành vi nào khác ngoài những hành vi thông thường của một imam.

Ước tính có khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong hàng trăm “trại cải tạo” ở khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.

Bên trong các trại, người Duy Ngô Nhĩ được cho là phải chịu lao động cưỡng bức, tra tấn và tuyên truyền chính trị. Bên ngoài các trại, người Duy Ngô Nhĩ bị theo dõi bởi lực lượng cảnh sát đông đảo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Trung Quốc đã nhiều lần gán ghép các hoạt động văn hóa và tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ với chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai. Chính phủ đã có lúc phủ nhận các trại này không tồn tại, nhưng sau đó đã quay sang bảo vệ các hành động của mình như một phản ứng hợp lý đối với mối đe dọa an ninh quốc gia.

BBC gần đây đã trích dẫn một nghiên cứu mới cho thấy Trung Quốc đã giam giữ hơn 600 imams và các nhân vật tôn giáo Hồi giáo khác trong khu vực kể từ năm 2014. Số lượng án tù đã tăng đáng kể kể từ năm 2017, với ít nhất 200,000 người vào tù trong 2 năm 2017-2018.

Theo nghiên cứu từ Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, ít nhất một nửa trong số 630 giáo sĩ được xác nhận là đã bị giam giữ đã bị kết án tù ít nhất 5 năm.

Người Duy Ngô Nhĩ có thể bị bắt và giam giữ theo luật chống khủng bố mơ hồ của Trung Quốc.

Một báo cáo từ Viện Chính sách Chiến lược Australia cho thấy hơn 15,000 nhà thờ Hồi giáo đã bị hư hại hoặc phá bỏ trong khu vực kể từ năm 2018.

Cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Tân Cương cũng bao gồm việc ép buộc các phụ nữ phải lắp dụng cụ tránh thai, thậm chí phải phá thai và triệt sản.

Báo cáo gần đây từ New York Times ghi lại hàng chục cáo buộc từ những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, những người nói rằng họ bị giới chức gây sức ép buộc phải phá thai, triệt sản hoặc chấp nhận các biện pháp tránh thai.

Tỷ lệ sinh trong khu vực đã giảm mạnh. Vào tháng 9 năm 2020, chính quyền Tân Cương thừa nhận rằng tỷ lệ sinh ở đó đã giảm gần một phần ba trong năm 2018, phần lớn nguyên nhân là do “thực hiện tốt hơn chính sách kế hoạch hóa gia đình”.
Source:Catholic News Agency