THÀNH KIẾN VỚI SỨ GIẢ, ĐÁNH MẤT CẢ SỨ ĐIỆP

“Không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Kính thưa Anh Chị em,

Từ thuở ấu thời, thi hào Tagore đã biểu hiện như một thiên tài. Một hôm, cậu bé Tagore làm thơ, đưa cho cha mình xem. Cụ thân sinh của cậu lắc đầu, “Thơ của con chỉ là thơ thẩn”. Tagore bèn nghĩ ra một kế, cậu chép lại bài thơ thật kỹ và chua thêm xuất xứ là trích trong một tập thơ cổ. Lần này, đọc xong, mắt cha cậu rực sáng; ông đánh đét một cái và khen, “Tuyệt, tuyệt”, rồi đem khoe tíu tít với con trai lớn lúc bấy giờ là chủ nhiệm một tờ báo văn học. Ông nói, “Chưa có bài nào hay như bài này”. Cậu lớn của ông đọc xong cũng bộc lộ kinh ngạc, “Tuyệt phẩm”, và muốn đăng báo. Bấy giờ, hai người đòi Tagore đưa tập thơ cổ ra để đối chiếu. Đến đây, chuyện mới vỡ lẽ; người cha rất giận nhưng nhìn con với sự thán phục và hối hận cho thái độ mâu thuẫn xưa nay của mình.

Thái độ của cụ thân sinh Tagore cũng là thái độ của những người cùng quê với Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay khi họ từ chối Ngài. Họ quên rằng, thành kiến với sứ giả sẽ đánh mất cả sứ điệp, một sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Đó cũng là điều chúng ta cùng suy tư với câu nói của Chúa Giêsu, “Tôi bảo thật các ông, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Trước hết, chúng ta nói đến sứ điệp. Buồn thay, thông thường, sứ điệp Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta lại phụ thuộc vào sự cởi mở hay hẹp hòi của chúng ta dành cho sứ giả; Thiên Chúa nói với chúng ta qua người này, chúng ta từ chối; nhưng sau đó, qua người khác, chúng ta đón nhận. Bao lần chúng ta bỏ lỡ ánh sáng của Chúa hoặc một thông điệp yêu thương của Người chỉ vì nó đến từ một ai đó ngoài ý mình muốn, hay thậm chí từ người Chúa chọn chứ không phải chúng ta chọn. Điều đã xảy ra với đồng hương của Chúa Giêsu, họ đánh mất cơ hội đón nhận ân huệ Chúa.

Walter Fauntroy nói, “Đừng mù quáng do thành kiến; đừng chai cứng do thời gian; đừng để bất cứ điều gì làm khô bại lòng trí, trói buộc chân tay hay đánh bại tâm hồn bạn”. Lòng người đồng hương của Chúa Giêsu đã hỏng hóc bởi các thành kiến không đáng có; họ để ơn Chúa đi qua mà không bao giờ trở lại; tệ hơn, họ muốn xô Ngài xuống vực, nhưng Ngài băng qua giữa họ mà đi.

Thứ đến, chúng ta nói về sứ giả; đúng hơn, thái độ cần có của một sứ giả. Đến như Chúa Giêsu, một người hiền lành, dịu dàng và khiêm nhượng trong lòng như Ngài mà còn bị từ chối, phương chi là chúng ta. Đứng trước một chân lý, phản ứng của con người luôn luôn là phản kháng vì sợ hãi; con người sợ phải đón nhận chân lý vốn đòi hỏi họ phải thay đổi. Bởi thế, khi đến với người khác, điều đầu tiên Thiên Chúa muốn chúng ta trao cho họ chính là Lời Chúa và lòng thương xót của Người chứ không phải lời mình với một sự cảm thương; trao cho họ thông điệp lòng thương xót của Thiên Chúa nhờ sự tác động bên trong của Thánh Thần, với một thái độ khiêm nhu như Thánh Phaolô chỉ bày trong bài đọc Côrintô hôm nay, “Phần tôi, khi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan”; “Chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đến với anh em; lời tôi nói, việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng của Thiên Chúa”.

Anh Chị em,

Sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta từ một em bé, một cụ già, một bề dưới hoặc một bề trên; đừng vì thành kiến mà đánh mất sứ điệp, xin cho chúng ta có đủ khiêm tốn để đọc ra điều Chúa muốn qua tất cả các sứ giả Chúa gửi đến dù họ là ai, người thế nào. Là sứ giả, chúng ta đến với người anh em trong sự khiêm nhu cần có, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất và chỉ nói cho họ những gì Chúa muốn; Lời của Chúa chứ không phải là lời của chúng ta. Tín thác vào sự nhân lành của Chúa cùng sự soi sáng của Thánh Thần, chúng ta sẽ múc lấy những gì tốt nhất cho linh hồn mình cũng như sẽ trao tặng những gì quý báu nhất cho anh em.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con vì thành kiến với sứ giả mà đánh mất sứ điệp; cũng đừng để con làm hỏng sứ điệp thật của Chúa khi con chỉ là sứ giả giả”. Amen.

(Tgp. Huế)