MỘT TÌNH YÊU QUYẾN RŨ ĐẾN MỨC KHÔNG CƯỠNG NỔI

“Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ con,
Và con đã để cho Ngài quyến rũ”.


Kính thưa Anh Chị em,

Bàn tiệc Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói đến sự quyến rũ của một tình yêu; đúng hơn, một tình yêu quá quyến rũ đến mức không cưỡng nổi. Giêrêmia nói, “Chúa đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”; còn Thánh Phaolô, “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động”; và ngạc nhiên hơn, lần đầu tiên Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ rằng, “Ngài sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba, sẽ sống lại”.

Trong bài đọc thứ nhất, Giêrêmia cảm thấy mình bất lực, ông không thể từ chối lời gọi của một Thiên Chúa đầy yêu thương nhưng cũng rất quyết đoán khi Người sai ông đến với dân, một dân nổi loạn với Người; vì rồi đây, họ sẽ tìm cách giết ông. Nhiều lần, Giêrêmia cảm thấy ê hề, ông tìm cách thoái thác và rút lui bởi “Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày”. Thế nhưng, Giêrêmia tâm sự, mỗi khi ông nói, “Tôi sẽ không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt, tôi kiệt sức, không chịu nổi nữa”. Cuối cùng, Giêrêmia phải đầu hàng khi thừa nhận, “Lạy Chúa, Chúa đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ”; ở một bản dịch khác, “Lạy Chúa, Chúa đã lừa phỉnh con, và con đã bị Ngài lừa phỉnh”. Tình yêu của Thiên Chúa đã quyến rũ Giêrêmia, nó mạnh đến nỗi trong đau khổ ê chề, ông vẫn thốt lên tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao Chúa”. Thiên Chúa ở cùng ông, ban cho ông sức mạnh để ông có thể chịu đựng mọi nghịch cảnh khi thực thi sứ vụ đồng hành với dân, nói cho dân rằng, Thiên Chúa luôn xót thương, đang chờ đợi họ trở về.

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô, một con người được tình yêu của Thiên Chúa quyến rũ đến nỗi, ngài đã từng nói, “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là biết được Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi”; “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà Đức Kitô sống trong tôi” thì giờ đây, Phaolô cũng quyến rũ giáo hữu của ngài, những con người đi theo Chúa rằng, “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động”, một của lễ dâng lên Thiên Chúa, Đấng từ bi vô lượng, khoan nhân vô cùng, cũng là Đấng đang mời gọi mọi người canh tân lòng trí để biết đâu là thánh ý Chúa, đâu là điều tốt lành và hoàn hảo, đẹp lòng Người.

Đặc biệt hơn cả, bài Tin Mừng, khi lần đầu tiên Chúa Giêsu tỏ cho các môn đệ biết, “Ngài sẽ phải lên Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phêrô, người mà trước đó không lâu, đã tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, đã được khen, được gọi là đá, được trao chìa khoá Nước Trời; vậy mà khi nghe những lời ấy, Phêrô không chấp nhận. Ông đứng ra can ngăn, “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải điều ấy”; lập tức, Chúa Giêsu quay lại bảo ông, “Satan, lui lại đằng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa mà là của loài người”. Đó là một lời trách cứ nặng nề Ngài dành cho Phêrô trước các bạn đồng môn. Vậy thì tại sao như thế?

Để hiểu được điều này đúng đắn, chúng ta phải biết, những lời của Chúa Giêsu là những lời phát xuất từ một tình yêu cao cả của một Đấng không có khả năng nào khác ngoài khả năng yêu thương. Chính Ngài cũng đã bị quyến rũ bởi tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu đối với nhân loại; Ngài đã thật sự say mê Thiên Chúa và say mê con người đến nỗi Ngài không có gì khác ngoài tình yêu. Vì thế, những lời mạnh mẽ ấy là lời của một vị Thiên Chúa vô song, yêu thương vô cùng.

Chìa khoá để hiểu những lời này nằm ở phần hai, “Tư tưởng của anh không phải là của Thiên Chúa mà là của loài người”. Chúa Giêsu hé mở cho các môn đệ mầu nhiệm sâu thẳm nhất của sứ vụ Ngài, một sứ vụ đầy quyến rũ bởi tình yêu; một sứ vụ chấp nhận thương đau và cả cái chết cho tình yêu. Khi mặc khải mầu nhiệm này, Chúa Giêsu cùng lúc cho thấy những điều lành sẽ được rút ra từ điều dữ, thập giá sẽ trổ sinh hoa trái cứu độ và Ngài sẽ không chuốc lấy sự dữ nếu nó không mang lại một điều lành lớn lao hơn, cao cả hơn. Phải có đức tin, chúng ta mới hiểu được.

Các môn đệ được thách thức, được quyến rũ, được mời gọi nhìn đau khổ và sự chết trong nhãn quang của Thiên Chúa. Quan điểm của Phêrô chưa phải là quan điểm của Thầy và đó là lý do tại sao Ngài phải trực tiếp thách thức ông, mời gọi ông, quyến rũ ông. Đau khổ và sự chết của Con Thiên Chúa chính là quà tặng diệu kỳ nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho nhân loại. Vì thế, khi Phêrô ngăn cản, Chúa Giêsu đã phải sốc lên, một ‘cái sốc thánh’ và chính cái sốc này sẽ giúp Phêrô và các môn đệ vượt qua nỗi sợ để có thể chấp nhận sứ vụ cao cả và định mệnh vinh quang sau thập giá của Thầy. Về sau, chính các môn đệ cũng sẽ bị cuốn quyến rũ bởi tình yêu thập giá này để đón nhận những gì xảy đến cho mình hầu được nên giống Thầy Chí Thánh.

Chân phước Charles de Foucauld nói, “Trên thế giới đau thương này có một niềm vui mà các thánh và các thiên thần trên thiên đàng không được hưởng, đó là được cùng đau khổ với người yêu dấu của chúng ta. Cuộc sống có gian truân đến đâu, chuỗi ngày có lê thê đến mấy… chúng ta cũng đừng bao giờ rời xa thập giá trước khi Chúa muốn. Thầy Chí Thánh thật nhân lành khi cho chúng ta, những tâm hồn yêu mến thập giá, được cảm nghiệm sự ngọt ngào của nó, nếu không phải luôn luôn, thì ít ra là vẻ đẹp và sự cần thiết của nó”.

Với con người, thập giá là thất bại, nên cần xa lánh nó; nhưng Thánh giá là quyến rũ của tình yêu Chúa Kitô, cũng là quyến rũ của Kitô giáo, nên Kitô hữu ôm lấy nó. Thử tưởng tượng một Kitô giáo không có Thánh giá, không có Chúa Kitô chịu đóng đinh; nó sẽ đáng nghi ngờ biết bao vì nó quá phi thực tế, quá xa xôi nếu không nói là quá mơ hồ. Được quyến rũ bởi tình yêu Đức Kitô, thập giá đời thường sẽ biến thành Thánh giá và đó là ơn cứu độ cho chính mình và cho cả nhân loại. Vì thế, đời sống Kitô hữu là một đời lễ dâng hy tế như một bài hát của Nguyên Kha, “Đời con dâng lên, đời con dâng lên như nho lành con ước mong, ước mong ép thành nho thơm. Cùng Giêsu dâng hy tế, xin dâng đời sống con”; đó cũng là lời mời của Thánh Phaolô qua thư Rôma hôm nay.

Anh Chị em,

Bao nhiêu người đã bị quyến rũ bởi một tình yêu mạnh hơn sự chết này; các thánh là những người đã để cho mình bị quyến rũ bởi Đấng quyến rũ là Chúa Giêsu, mà bản thân Ngài cũng đã bị tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân loại quyến rũ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cứ quyến rũ con không chỉ ngày bình yên, nhưng cả chiều bão tố; quyến rũ con cho đến khi con lìa đời”, Amen.

(Tgp. Huế)