Ủy ban Thường trực của Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã công bố một báo cáo theo đó tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong năm ngoái, 2019, và đặc biệt nhấn mạnh đến việc leo thang các cuộc đàn áp nhắm vào người Công Giáo sau khi Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Vatican vào năm 2018.

Theo sau báo cáo này, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã yêu cầu các cơ quan truyền thông Công Giáo công bố một lá thư ngài gởi cho tất cả các Hồng Y trên thế giới mấy tháng trước đây.

Thiết tưởng ngài là một vị Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo và ngài là một người Trung Hoa. Cho nên, tiếng nói của ngài về vấn đề này nên được lắng nghe. Vì thế, chúng tôi dịch toàn văn lá thư của ngài sang Việt Ngữ. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây.


Ngày 27 tháng 9 năm 2019

Đức Hồng Y thân mến,

Xin tha thứ cho tôi vì sự quấy rầy bức thư này sẽ gây ra cho ngài. Tôi viết thư cho ngài bởi vì, theo lương tâm, tôi tin rằng vấn đề mà tôi đang trình bày không chỉ liên quan đến Giáo Hội ở Trung Quốc, mà là toàn Giáo Hội, và các Hồng Y chúng ta có trách nhiệm nghiêm trọng trong việc giúp đỡ Đức Thánh Cha hướng dẫn Giáo Hội.

Bây giờ, dựa trên phân tích của tôi về Tài liệu của Tòa thánh (công bố ngày 28 tháng 6 năm 2019) có tựa đề “Hướng dẫn mục vụ của Tòa thánh liên quan đến việc ghi danh dân sự của các giáo sĩ ở Trung Quốc”, tôi thấy rõ ràng là tài liệu này khuyến khích các tín hữu ở Trung Quốc tham gia vào một Giáo Hội ly giáo (độc lập với Đức Giáo Hoàng và tuân theo lệnh của Đảng Cộng sản).

Vào ngày 10 tháng 7, tôi đã trình bày bản “dubia” của mình cho Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha, vào ngày 3 tháng 7, đã hứa với tôi rằng ngài sẽ quan tâm đến tài liệu đó, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nghe thấy gì.

Đức Hồng Y Parolin nói rằng khi chúng ta nói về Giáo Hội độc lập ngày nay, chúng ta đừng nên tiếp tục ám chỉ rằng sự độc lập này là tuyệt đối, bởi vì thỏa thuận này công nhận vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo.

Trước hết, tôi không thể tin rằng có một tuyên bố như vậy trong thỏa thuận và tôi vẫn chưa hề được nhìn thấy nó (giữa những điều khác, tại sao một thỏa thuận như vậy phải bí mật và thậm chí không được trao cho tôi, một Hồng Y Trung Quốc, để xem qua? ), nhưng, thậm chí còn rõ ràng hơn, toàn bộ tình huống sau khi thỏa thuận được ký kết cho thấy rằng trong thực tế không có gì thay đổi.

Đức Hồng Y Parolin trích dẫn một cụm từ trong thư của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô hoàn toàn nằm ngoài ngữ cảnh, đến mức nó trái ngược hoàn toàn với ý nghĩa của đoạn văn [từ đó được trích dẫn].

Sự thao túng tư tưởng Đức Giáo Hoàng Danh dự là một sự thiếu tôn trọng rất nghiêm trọng đối với ngài; thật vậy, đó là một sự xúc phạm tồi tệ đối với nhân vị của vị Giáo Hoàng hiền lành vẫn còn sống.

Nó cũng làm tôi căm phẫn khi họ thường tuyên bố rằng những gì họ đang làm là liên tục với suy nghĩ của vị Giáo Hoàng trước, trong khi thực tế thì ngược lại như thế. Tôi có lý do chính đáng để tin (và tôi hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có thể chứng minh điều đó bằng các tài liệu lưu trữ) rằng thỏa thuận đã được ký là y chang với một thỏa thuận mà Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã từ chối không chịu ký.

Đức Hồng Y thân mến, lẽ nào chúng ta lại có thể chứng kiến một cách thụ động việc giết chết Giáo Hội ở Trung Quốc này từ phía những người lẽ ra phải bảo vệ và bênh vực Giáo Hội ấy trước các kẻ thù? Tôi quỳ gối xuống van xin ngài, người anh em của ngài.

+ Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, S.D.B.


Source:One Peter Five