Chương II: Cùng nhau bước đi trong những điều hàng ngày

Từ các cơ cấu đến các mối liên hệ

Từ ủy quyền đến can dự trực tiếp

128. Tính đồng nghị truyền giáo không chỉ liên quan đến Giáo hội ở bình diện hoàn vũ. Sự cấp thiết phải cùng đi với nhau, bằng cách làm chứng thực sự cho tình huynh đệ trong một cuộc sống cộng đồng đổi mới và rõ ràng hơn, liên quan trước nhất đến các cộng đồng khác nhau. Do đó, cần phải đánh động, trong mỗi thực tại địa phương, ý thức này: chúng ta là dân Chúa, được mời gọi nhập thể Tin Mừng vào các môi trường khác nhau và trong mọi tình huống hàng ngày. Điều này cần thiết phải rời khỏi thứ luận lý học ủy quyền hiện đang gây ảnh hưởng đến rất nhiều hành động mục vụ.

Chúng ta có thể lấy làm thí dụ các khóa giáo lý để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích, một nhiệm vụ mà nhiều gia đình ủy thác hoàn toàn cho giáo xứ. Não trạng này khiến trẻ em có nguy cơ không coi đức tin như một thực tại soi sáng cuộc sống hàng ngày, mà như một mớ khái niệm và quy tắc thuộc một môi trường tách biệt với cuộc sống của chúng. Trái lại, điều cần thiết là phải cùng bước đi với chúng: giáo xứ cần gia đình để làm cho người trẻ trải nghiệm tính hiện thực hàng ngày của đức tin; và ngược lại, gia đình cần thừa tác vụ giáo lý và cơ cấu giáo xứ, để cung ứng cho con cái một viễn kiến hữu cơ hơn về Kitô giáo, để đưa chúng vào cộng đồng và mở ra cho chúng những chân trời rộng lớn hơn. Do đó, sử dụng các cơ cấu mà thôi không đủ nếu người ta không phát triển các mối liên hệ xác thực bên trong các cơ cấu này; thật vậy, chính phẩm chất các mối liên hệ này đã truyền giảng Tin Mừng.

Đổi mới giáo xứ

129. Giáo xứ nhất thiết phải can dự vào diễn trình này, để có được hình thức cộng đồng có tính sáng tạo nhiều hơn, trở thành một môi trường trong đó, tỏa rạng một việc truyền giáo hướng tới những người bé nhỏ nhất. Trong giai đoạn lịch sử đặc thù mà chúng ta đang sống, các tín hiệu khác nhau xuất hiện và làm chứng rằng, trong nhiều trường hợp khác nhau, việc truyền giáo này không đáp ứng được các đòi hỏi thiêng liêng của người thời đại chúng ta, đặc biệt vì một số nhân tố đã thay đổi hoàn toàn lối sống của người ta. Thực thế, chúng ta đang sống trong một nền văn hóa "không biên giới", được đánh dấu bằng mối liên hệ không-thời gian mới, nhất là vì truyền thông kỹ thuật số và có đặc trưng thường xuyên di động. Trong bối cảnh này, một tầm nhìn về hành động của giáo xứ được phân định bởi các ranh giới lãnh thổ mà thôi và không có khả năng huy động tín hữu nhất là người trẻ, với các đề xuất đa dạng, sẽ giam cầm giáo xứ trong một sự trì trệ không thể chấp nhận được và trong một nền mục vụ chỉ biết lặp đi lặp lại một cách đáng lo ngại. Do đó, cần phải suy nghĩ lại về giáo xứ theo quan điểm mục vụ, trong một thứ luận lý học đồng trách nhiệm trong giáo hội và phấn khởi truyền giáo, bằng cách phát triển các hiệp lực trên lãnh thổ. Nhờ đó, giáo xứ sẽ có thể xuất hiện như một môi trường quan trọng được người trẻ quan tâm.

Các cơ cấu mở và khó đoán

130. Luôn trong chiều hướng cởi mở và chia sẻ nhiều hơn, điều quan trọng là mỗi cộng đồng phải tự hỏi để kiểm nghiệm xem liệu lối sống và việc sử dụng các cơ cấu có truyền đạt cho người trẻ một chứng từ dễ đọc của Tin Mừng không. Cuộc sống riêng tư của nhiều linh mục, các nữ tu, tu sĩ và giám mục chắc chắn là thanh bạch và phục vụ người ta; nhưng nó hầu như vô hình với hầu hết trong số họ, nhất là với giới trẻ. Nhiều người thấy rằng thế giới giáo hội của chúng ta rất phức tạp để giải đoán; họ bị giữ cách xa các vai trò chúng ta đảm nhiệm và các tiên mẫu đi kèm với chúng. Chúng ta hãy cố gắng làm sao để cuộc sống bình thường của chúng ta, trong tất cả các biểu hiện của nó, dễ tiếp cận hơn. Việc thực sự gần gũi với họ và chia sẻ với họ các không gian và các hoạt động tạo điều kiện cho một sự truyền thông chân chính, không có định kiến. Chính bằng cách này, Chúa Giêsu đã mang đến việc công bố Nước Trời và ngày nay, cũng chính Thánh Thần của Người đang thúc đẩy chúng ta đi theo con đường này.

Đời sống cộng đồng

Một tranh ghép nhiều khuôn mặt

131. Một giáo hội có tính đồng nghị và truyền giáo tự biểu hiện mình qua các cộng đồng địa phương gồm nhiều khuôn mặt sinh sống. Ngay từ đầu, Giáo hội đã không mặc hình thức cứng ngắc và độc dạng, nhưng đã tự phát triển như một khối đa diện của những con người với những nhạy cảm, nguồn gốc và văn hóa khác nhau. Chính theo cách này, Giáo Hội đã chứng tỏ rằng mình mang trong những chiếc bình làm bằng đất mỏng dòn nhân bản kho báu vô song của cuộc sống Ba Ngôi. Sự hài hòa, vốn là một hồng ơn của Chúa Thánh Thần, không xóa bỏ các dị biệt, nhưng mang chúng lại, tạo ra một giao hưởng phong phú. Cuộc gặp gỡ này trong một đức tin duy nhất giữa những con người khác nhau tạo điều kiện căn bản cho việc đổi mới mục vụ các cộng đồng của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến việc công bố, việc cử hành và phục vụ, nghĩa là các lĩnh vực căn bản của nền mục vụ thông thường. Túi khôn bình dân vốn nói rằng "nuôi dạy một đứa trẻ, cần đến cả làng": nguyên tắc này có giá trị ngày nay đối với mọi lĩnh vực của mục vụ.

Cộng đồng trên lãnh thổ

132. Việc thể hiện hữu hiệu của một cộng đồng có nhiều khuôn mặt khác nhau cũng gây một ảnh hưởng đối với việc nhập vào một lãnh thổ, đối với việc cởi mở đối với kết cấu xã hội và đối với cuộc gặp gỡ các định chế dân sự. Chỉ có một cộng đồng hợp nhất và đa nguyên mới biết cách tự đề xướng mình một cách cởi mở và mang ánh sáng Tin Mừng vào các môi trường của đời sống xã hội, là các môi trường hiện nay đang tạo thành một thách thức cho chúng ta: vấn đề sinh thái, việc làm, hỗ trợ gia đình, đẩy ra ngoài lề, đổi mới chính trị, đa nguyên văn hóa và tôn giáo, đường dẫn đến công lý và hòa bình, thế giới kỹ thuật số. Điều này đã được thực hiện trong các hiệp hội và trong các phong trào giáo hội. Người trẻ đang yêu cầu chúng ta không nên đối đầu với các thách thức này một mình nhưng đối thoại với mọi người, không phải để đạt được một phần quyền lực, mà để đóng góp cho lợi ích chung.

Sứ điệp sơ truyền và việc dạy giáo lý

133. Việc loan báo Chúa Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại, Đấng đã mặc khải cho chúng ta Chúa Cha và ban Chúa Thánh Thần, là ơn gọi căn bản của cộng đồng Kitô giáo. Lời mời gọi người trẻ nhận ra trong cuộc sống của họ các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa và khám phá cộng đồng như một nơi gặp gỡ Chúa Kitô giữ một phần trong việc loan báo này. Điều này tạo nền tảng, luôn cần được khơi lại, cho việc dạy giáo lý cho người trẻ và mang lại cho nó một phẩm chất sơ truyền (kerygmatique) (xem Đức Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 164). Cần phải duy trì sự liên quan của việc cam kết sẽ cung ứng những hành trình thường xuyên và hữu cơ, biết cách tích hợp kiến thức sống động về Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Người, khả năng đọc kinh nghiệm riêng của Người trong đức tin và các biến cố của lịch sử, cũng như việc đồng hành để cầu nguyện và cử hành phụng vụ, dẫn nhập vào việc đọc lời Chúa theo lối cầu nguyện (Lectio Divina) và hỗ trợ việc làm chứng bác ái và cổ cũ công lý, bằng cách nhờ thế đề ra một nền linh đạo chân chính về tuổi trẻ.

Các lộ trình dạy giáo lý cho thấy mối liên hệ mật thiết của đức tin và kinh nghiệm cụ thể của mỗi ngày, với thế giới xúc cảm và liên hệ, với những niềm vui và thất vọng được trải nghiệm trong học tập và việc làm; các lộ trình này cũng phải biết cách tích hợp học thuyết xã hội của Giáo hội và cởi mở với các ngôn ngữ của cái đẹp, của âm nhạc và các cách phát biểu nghệ thuật khác nhau, và với các hình thức truyền thông kỹ thuật số. Cần phải lưu ý một cách chính đáng đến các chiều kích thể xác, cảm giới và tính dục, vì có một sự đan xen sâu sắc giữa giáo dục đức tin và giáo dục tình yêu. Nói tóm lại, đức tin phải được hiểu như một thực hành, nghĩa là, như một cách ngụ cư trong thế giới.

Điều cấp bách là các cố gắng về ngôn ngữ và phương pháp luận cần được đổi mới, trong việc dạy giáo lý cho giới trẻ, không bao giờ đánh mất điều cốt yếu, nghĩa là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là tâm điểm của việc dạy giáo lý. Các cuốn YouCat, DoCat và các công cụ tương tự khác đã được đánh giá cao, không quên các sách giáo lý do các Hội nghị Giám mục khác nhau viết ra. Một cam kết mới đối với các giáo lý viên cũng là điều cần thiết không kém, vì những người này thường là những người trẻ phục vụ những người trẻ khác, gần bằng tuổi họ. Điều quan trọng là phải chăm chút lưu ý đến việc đào tạo họ và làm sao để thừa tác vụ của họ được cộng đồng công nhận nhiều hơn.

Tính trung tâm của phụng vụ



134. Cử hành Thánh Thể phát sinh sự sống của cộng đồng và tính đồng nghị của Giáo hội. Đó là nơi thông truyền đức tin và đào tạo truyền giáo, nơi rõ ràng cộng đồng sống nhờ ơn thánh chứ không phải công trình của tay mình. Chúng ta có thể khẳng định, bằng cách lặp lại lời lẽ của truyền thống phương Đông, rằng phụng vụ là cuộc gặp gỡ với Tôi tớ Thiên Chúa, Đấng băng bó các vết thương của chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta bữa tiệc vượt qua, bằng cách gửi chúng ta đi để làm cùng một điều cho anh chị em của chúng ta. Do đó, cần phải tái khẳng định rằng cam kết cử hành, một cách đơn giản cao quý và với sự can dự của các thừa tác viên giáo dân khác nhau, tạo nên một thời điểm thiết yếu cho việc hồi tâm truyền giáo của Giáo hội. Người trẻ đã chứng minh rằng họ biết đánh giá cao và sống thâm hậu các cuộc cử hành chân chính, trong đó, vẻ đẹp của các dấu chỉ, sự chú ý đến việc giảng thuyết và sự tham gia tích cực của cộng đồng thực sự nói với ta về Thiên Chúa. Do đó, cần phải tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực này của người trẻ, trong khi vẫn giữ cho sự ngạc nhiên trước Màu Nhiệm sống động; tìm cách tiếp cận sự nhạy cảm về âm nhạc và nghệ thuật của họ, nhưng cũng giúp họ hiểu rằng phụng vụ không hoàn toàn là một biểu thức về bản thân mình, mà là một hành động của Chúa Kitô và Giáo hội. Điều cũng quan trọng là đồng hành với người trẻ để giúp họ khám phá giá trị của việc thờ lạy Thánh Thể như kéo dài việc cử hành, và như một nơi chiêm niệm và cầu nguyện thầm lặng.

135. Việc thực hành bí tích Hòa giải cũng có tầm quan trọng rất lớn trong các hành trình đức tin. Các bạn trẻ có nhu cầu tự cảm thấy họ được yêu thương, tha thứ, hòa giải và có một nỗi hoài nhớ thầm kín về vòng tay thương xót của Chúa Cha. Đây là lý do tại sao điều nền tảng là các linh mục phải cực kỳ sẵn có đó để cử hành bí tích này. Các cuộc cử hành thống hối cộng đồng giúp người trẻ đến gần hơn với việc xưng tội cá nhân và làm cho chiều kích giáo hội của bí tích trở nên minh nhiên hơn.



136. Trong nhiều môi trường, lòng đạo bình dân đóng một vai trò quan trọng trong việc người trẻ tiếp cận đời sống đức tin một cách thiết thực, nhạy cảm và trự tiếp. Bằng cách nhấn mạnh ngôn ngữ thân xác và sự tham gia của cảm giới, lòng đạo bình dân mang theo nó ước muốn được tiếp xúc với Thiên Chúa, Đấng cứu vớt, thường nhờ sự trung gian của Mẹ Thiên Chúa và các thánh.

Đối với người trẻ, cuộc hành hương là một kinh nghiệm đi đường trở thành một phép ẩn dụ cho cuộc sống và Giáo hội: chiêm niệm vẻ đẹp của sáng tạo và nghệ thuật, sống tình huynh đệ và kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện tạo điều kiện tốt nhất cho việc biện phân.

Sự quảng đại phục vụ (diakonia)

137. Giới trẻ có thể góp phần làm đổi mới phong cách của các cộng đồng giáo xứ và xây dựng một cộng đồng huynh đệ và gần gũi với người nghèo. Người nghèo, người trẻ bị loại trừ, những người đau khổ nhất, có thể là nguồn cho một sự đổi mới của cộng đồng. Trong mọi trường hợp, họ phải được nhìn nhận như các chủ thể của việc truyền giảng Tin Mừng và giúp chúng ta tự giải thoát khỏi tính thế gian tâm linh. Những người trẻ thường nhạy cảm đối với chiều kích diakonia, tức phục vụ. Nhiều người đang tích cực dấn thân làm thiện nguyện và, trong khi phục vụ như thế, tìm ra con đường để gặp Chúa. Do đó, sự tận tâm đối với những người nhỏ bé nhất thực sự là một thực hành đức tin, trong đó, chúng ta học tập tình yêu "mất mát thuần khiết" vốn là cốt lõi của Tin Mừng và là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Những người nghèo, người bé nhỏ, người bệnh, người già đều là xác thịt của Chúa Kitô đau khổ: đó là lý do tại sao tự đặt mình vào thế phục vụ họ là một cách để gặp gỡ Chúa và, đồng thời, là nơi ưu tuyển để biện phân lời kêu gọi đích thân của Người. Trong một số bối cảnh, sự cởi mở đặc thù được yêu cầu đối với di dân và người tị nạn. Với họ, chúng ta phải làm việc theo hướng chào đón, bảo vệ, cổ vũ và hội nhập. Sự hòa nhập xã hội các người nghèo thiết lập nên và biểu lộ Giáo hội như ngôi nhà bác ái.

Mục vụ người trẻ trong một viễn tượng ơn gọi

Giáo hội, một ngôi nhà cho người trẻ

138. Chỉ một nền mục vụ với khả năng tự đổi mới bắt đầu bằng việc chú ý dành cho các mối tương quan và phẩm chất của cộng đồng Kitô hữu, mới có ý nghĩa và hấp dẫn đối với người trẻ. Giáo hội nhờ thế sẽ có thể tự trình bầy với họ như một ngôi nhà chào đón, mà đặc điểm là bầu khí gia đình, được tạo nên bởi lòng tin tưởng và tình thân mật. Khát khao mãnh liệt tình huynh đệ, một điều đã xuất hiện đi xuất hiện lại rất nhiều lần từ việc lắng nghe người trẻ ở Thượng hội đồng, đòi Giáo hội phải là "mẹ của mọi người và là nhà của nhiều người" (Đức Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 288): Nền mục vụ có trách vụ là thể hiện trong lịch sử tình mẫu tử phổ quát của Giáo hội, nhờ các cử chỉ cụ thể và có tính tiên tri trong việc chào đón hân hoan và hàng ngày khiến Giáo Hội trở thành ngôi nhà cho người trẻ.

Lên sinh khí ơn gọi cho nền mục vụ

139. Ơn gọi là nơi dung hợp mà xung quanh nó, mọi chiều kích của con người được tích hợp. Nguyên tắc này không chỉ liên quan đến tín hữu cá nhân, mà cả nền mục vụ nói chung. Do đó, điều rất quan trọng là phải nắm rõ điều này: chỉ trong chiều kích ơn gọi, trọn nền mục vụ mới tìm được nguyên tắc thống nhất, vì nó đồng thời là nguồn gốc và sự hoàn thành của nó. Do đó, trong các hành trình hoán cải mục vụ hiện nay, câu hỏi không phải là tăng cường nền mục vụ các ơn gọi như một lãnh vực riêng biệt và độc lập, mà là thực hiện trọn nền mục vụ của Giáo hội bằng cách trình bày một cách hiệu quả tính đa dạng của các ơn gọi. Thực thế, mục tiêu của mục vụ là giúp mỗi người, nhờ con đường biện phân, để họ đạt đến "mức viên mãn của Chúa Kitô" (Êph 4: 13).

Một nền mục vụ ơn gọi cho người trẻ

140. Từ khi bắt đầu diễn trình thượng hội đồng, điều trở nên rõ ràng là mục vụ giới trẻ cần có khía cạnh ơn gọi. Nhờ cách này, hai yếu tố thiết yếu của nền mục vụ dành cho các thế hệ trẻ xuất hiện: phải có một nền mục vụ "cho tuổi trẻ" vì nó nhắm vào những người này ở một giai đoạn độc đáo và không thể lặp lại được là tuổi trẻ; và nó phải "có tính ơn gọi" vì tuổi trẻ là mùa ưu tuyển của các lựa chọn trong đời và của việc đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. "Tính chất ơn gọi" của thừa tác vụ tuổi trẻ không nên được hiểu theo nghĩa độc chiếm (exclusive) nhưng theo nghĩa chuyên sâu (intensive). Chúa gọi mọi lứa tuổi của cuộc đời - từ khi còn trong bụng mẹ đến lúc tuổi già - nhưng tuổi trẻ là thời khắc ưu tuyển để lắng nghe, để sẵn sàng có đó và chấp nhận thánh ý của Thiên Chúa.

Thượng hội đồng đưa ra đề nghị này: mỗi Hội đồng Giám mục Quốc gia soạn thảo một "Sách Hướng dẫn Mục vụ Giới trẻ", theo viễn ảnh ơn gọi, để giúp các nhà lãnh đạo giáo phận và các nhân viên địa phương cung cấp được một nền huấn luyện và hoạt động tốt với và cho giới trẻ.

Từ phân mảnh đến tích nhập

141. Dù thừa nhận việc các bộ phận mục vụ phải lập chương trình để tránh việc ngẫu hứng, nhưng trong nhiều dịp, các Nghị phụ Thượng Hội Đồng đã bày tỏ sự khó chịu của các ngài đối với sự phân mảnh nào đó trong nền mục vụ của Giáo hội. Cách riêng, các ngài đề cập đến các nền mục vụ khác nhau liên quan đến giới trẻ: mục vụ của giới trẻ, mục vụ gia đình, mục vụ ơn gọi, trường học và đại học, xã hội, văn hóa, từ thiện, thời gian rảnh, v.v. Sự nhân thừa các lĩnh vực được chuyên môn hóa cao nhưng đôi khi khép kín, ngăn cản các đề nghị Kitô giáo trở thành có ý nghĩa nhiều hơn. Trong một thế giới phân mảnh tạo ra sự phân tán và nhân thừa các thống thuộc, người trẻ cần được giúp đỡ để thống nhất hóa cuộc sống của họ, bằng cách học hỏi sâu sắc các kinh nghiệm hàng ngày và biện phân chúng. Nếu đây là ưu tiên, thì cần phát triển hơn nữa sự phối hợp và tích nhập nhiều hơn, giữa các lĩnh vực khác nhau, bằng cách chuyển từ việc làm theo "ngành" sang việc làm theo "dự án".

Mối quan hệ hữu hiệu giữa các biến cố và cuộc sống hàng ngày



142. Trong thời gian Thượng hội đồng, đã có câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần về Ngày Giới trẻ Thế giới và nhiều biến cố khác diễn ra ở bình diện lục địa, quốc gia và giáo phận, ngoài các biến cố được tổ chức bởi các hiệp hội, các phong trào, hội cộng đoàn tu trì và các tác nhân giáo hội khác. Những khoảnh khắc gặp gỡ và chia sẻ này được đánh giá cao ở hầu hết mọi nơi, vì chúng cung ứng cơ hội lên đường trong tính năng động hành hương, trải nghiệm tình huynh đệ với mọi người, cùng sống hân hoan với đức tin và phát triển trong việc thống thuộc Giáo hội. Đối với nhiều người trẻ, chúng tạo nên một kinh nghiệm biến hình, trong đó họ bị thu hút bởi vẻ đẹp của khuôn mặt Chúa và đưa ra các lựa chọn quan trọng cho cuộc sống. Những thành quả tốt hơn của những kinh nghiệm này được hái lượm trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, điều trở nên quan trọng là dự phóng và thể hiện các cuộc triệu tập này như những chặng đường quan trọng cho một diễn trình tạo nhân đức rộng lớn hơn.

Các trung tâm tuổi trẻ

143. Các nơi chuyên biệt dành riêng cho giới trẻ của cộng đồng Kitô hữu, như các viện bảo trợ, trung tâm thanh thiếu niên và các cơ cấu tương tự khác, biểu lộ nhiệt huyết giáo dục của Giáo Hội. Chúng tự biến cách nhiều cách, nhưng vẫn là những môi trường ưu tuyển nơi Giáo hội trở thành mái ấm chào đón đối với thanh thiếu niên, những người có thể khám phá tài năng của họ và để chúng cho những người khác sử dụng khi phục vụ. Họ truyền tải một di sản giáo dục rất phong phú, để chia sẻ trên quy mô lớn, để hỗ trợ các gia đình và chính xã hội dân sự.

Tuy nhiên, trong tính năng động của một "Giáo hội hướng ngoại", cần phải nghĩ đến một cuộc canh tân sáng tạo và mềm dẻo đối với các thực tại này, bằng cách chuyển từ ý niệm các trung tâm tĩnh, trong đó, các người trẻ có thể đến sang ý niệm chủ thể mục vụ đang chuyển động với và hướng về người trẻ, nghĩa là có khả năng gặp gỡ họ trong các nơi sống hàng ngày – trường học, môi trường kỹ thuật số, các khu ngoại vi hiện sinh, thế giới nông thôn và thế giới việc làm, sự phát biểu âm nhạc và nghệ thuật, vv - do đó, tạo ra một loại hoạt động tông đồ mới năng động và tích cực hơn.

Kỳ sau: Chương III: Mộc đà truyền giáo mới