Chỉ còn hơn tuần nữa trước khi Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới diễn ra tại Dublin. Nhân cơ hội này, tờ báo chính thức của Toà Thánh, L’Osservatore Romano, ấn bản tiếng Anh đề ngày 10 tháng Tám, có nhiều bài nói về biến cố này.



Chuẩn bị chào đón thế giới tới Ái Nhĩ Lan

Trước nhất Brenda Drumm, Giám Đốc Truyền Thông của Cuộc Gặp gỡ cập nhật tin tức liên quan đến việc tổ chức. Cô cho hay ban tổ chức đã “sẵn sàng chào đón các gia đình và người hành hương cá thể khắp thế giới tới Ái Nhĩ Lan tham dự biến cố. Chúng tôi cũng mong đợi được nghinh đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Ái Nhĩ Lan với chúng tôi trong các ngày 25 và 26 tháng Tám”.

Cô nhấn mạnh rằng “Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 từ trước đến nay vốn có được bàn tay của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đụng tới ngay từ lúc đầu. Ngài đích thân chọn Ái Nhĩ Lan để tổ chức biến cố; ngài ban cho chúng ta chủ đề ‘Tin Mừng Gia Đình: Niềm Vui cho Thế Giới’, dựa vào đó, chúng tôi đặt căn bản cho mọi việc chuẩn bị; và ngài cũng đã ban Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) như tài liệu chủ chốt để đặt căn bản cho chương trình của chúng tôi và mọi yếu tố khác của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố với thế giới ngài sẽ tới Ái Nhĩ Lan tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 và từ lúc công bố như thế tại Rôma ngày 21 tháng Ba, các câu chuyện vãn ở đây, ở Ái Nhĩ Lan này, đã xoay quanh sự kiện cuộc viếng thăm của ngài có nghĩa gì đối với các tín hữu, các gia đình và giới trẻ, đối với Giáo Hội và đối với nhân dân Ái Nhĩ Lan. Nay, lúc chúng ta đã thấy lộ trình viếng thăm sau cùng của ngài, ta có thể thấy một số ưu tiên trong thừa tác vụ của ngài đã xuất hiện cho đến nay. Ngài sẽ dành thì giờ ở đây, ở Ái Nhĩ Lan này, phần lớn với các gia đình; với những người ở ngoại biên xã hội; và ngài cũng sẽ dành thì giờ ở Đền Thánh Knock để cầu nguyện cho các gia đình”.

Cô cho biết đáp ứng của người ta đối với chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Đáp ứng này “rất áp đảo. Còn những sáu tuần mới đến ngày khai mạc, mà mọi vé dự tất cả các biến cố đã được nhận chỗ hết. Nghĩa là: 37,000 vé dự Hội Nghị Mục Vụ; 77,000 vé dự Lễ Hội Gia Đình; 45,000 vé dự biến cố tại Đền Thánh Knock và 500,000 vé dự Thánh Lễ Bế Mạc”.

Ngoài ra còn có 116 quốc gia cho hay sẽ tham dự Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018 tại Ái Nhĩ Lan. Ban tổ chức cũng sẽ chào đón hàng ngàn các gia đình khắp thế giới tới Ái Nhĩ Lan tham dự biến cố. Sẽ có khoảng 6,000 người trẻ dưới tuổi 18 tham dự. Sẽ có khoảng 10,000 thiện nguyện viên trợ giúp Cuộc Gặp Gỡ.



Bên cạnh các con số trên là các gia đình khắp thế giới sẽ tham gia cùng Cuộc Gặp gỡ để cử hành các niềm vui và thảo luận một số thách thức đang đặt ra cho các gia đình trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Một cách nào đó, họ cũng chấp nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã chọn Ái Nhĩ Lan đứng ra tổ chức Cuộc Gặp Gỡ. Họ cũng đã chấp nhận chính ngài. Vì ngài có nhiều đặc biệt. Ngài có cách riêng với chữ nghĩa; với người ta; với giới trẻ; với trẻ em; và ngài nắm được đời sống gia đình! Ngài hiểu rằng là các gia đình, chúng ta đang làm hết sức cho nhau và cho con cái mình trên căn bản hàng ngày. Ngài cũng hiểu các gia đình không hoàn hảo! Gia đình có tính nền tảng đối với thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngay từ những ngày đầu tiên. Ngài thường nhắc đi nhắc lại câu nói thời danh của Thánh Gioan Phaolô II: “tương lai nhân loại đi qua con đường gia đình” và ngài thận trọng nói thêm, “và cả tương lai giáo hội nữa”.

Ngài tóm tắt thực tại đời sống gia đình trong man vàn các câu nghe rất kêu, dễ hiểu, thường rất cảm động mà bất cứ ai trong chúng ta, có liên hệ đến Giáo Hội hay không, đều có thể liên kết với một cách dễ dàng. Như gia đình là “bệnh viện gần nhất, trường học đầu tiên của người trẻ, và căn nhà tốt nhất của người cao niên”. “Đôi khi đĩa bát bay”, “con cái có thể là cơn nhức đầu”, “đời sống gia đình của chúng ta sẽ hạnh phúc hơn biết bao nếu ta hiểu tầm quan trọng của những chữ như làm ơn, cám ơn, và xin lỗi!”. Trong tất cả các chữ này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoàn toàn xác tín một cách say mê rằng gia đình tiếp tục là “tin mừng” cho thế giới.

Theo Drumm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô “tin rằng trong các thực tại phức tạp, rối rắm của đời sống gia đình hiện đại, ơn thánh và tình yêu của Chúa Giêsu Kitô luôn sống động trong thiên hà các hành vi hàng ngày của lòng nhân, lòng âu yếm, lòng quảng đại và trung thành, thường được sống một cách anh hùng giữa rất nhiều yếu đuối nhân bản và các áp lực áp đảo của xã hội”.

Drumm cho rằng: “trong một thế giới dễ dàng đầu hàng bạo lực, bất nhân và vứt bỏ người khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn xác tín rằng chính thực tại gia đình đầy rối rắm nhưng cũng đầy ơn thánh này đã duy trì đời sống ta và thế giới”. Cô tin rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ thách thức mọi người bằng các lời ngài nói và làm khi “ngài hiện diện với chúng ta tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018. Tôi nghĩ ngài sẽ thách thức chúng ta một cách tích cực trong tư cách cha mẹ. Ngài sẽ khuyến khích chúng ta và gợi hứng cho chúng ta biết cách truyền đạy tốt hơn vẻ đẹp của Đức Tin cho con cái chúng ta và trong các gia đình mở rộng của chúng ta”.

Chương trình chuyến thăm Ái Nhĩ Lan của Đức Phanxicô



Nhân cơ hội này, tờ L’Osservatore Romano đã đăng tải chương trình chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan lần này:

Một thánh lễ lớn ở ngoài trời tại Công Viên Phoenix của Dublin vào Chúa Nhật 26 tháng Tám, sẽ đánh dấu cao điểm chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Theo các chi tiết được Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố, ngài sẽ rời Rôma sáng thứ Bẩy, 25 tháng Tám, và sẽ tới Dublin lúc 10 giờ 30 sáng và được đưa tới Dinh Tổng Thống, Áras an Uachtaráin, để hội kiến với Tổng Thống Michael D. Higgins, trước khi tới Lâu Đài Dublin gặp các nhà cầm quyền, và đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Ở tâm điểm chuyến du hành của Đức Giáo Hoàng là gia đình, chủ đề chính của các biến cố dự tính cho chuyến viếng thăm 2 ngày, bắt đầu với diễn văn của Đức Giáo Hoàng chiều thứ Bẩy tại Nhà Thờ Chánh Tòa St Mary. Sau đó, Đức Thánh Cha sẽ thăm riêng Trung Tâm Ban Ngày dành cho các gia đình vô gia cư của các Cha Capuchin. Lúc 7 giờ 30 tối, Đức Giáo Hoàng sẽ tới Vận Động Trường ở Công Viên Croke nơi ngài sẽ dự một trong các biến cố bế mạc Cuộc Gặp Gỡ: Lễ Hội Các Gia Đình. Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ bay tới Quận Mayo, để thực hiện cuộc thăm viếng ngắn tại Đền Thánh Knock, Đền Thánh Mẫu Quốc Gia rất qúy yêu của người Công Giáo Ái Nhĩ Lan. Sau khi viếng Nhà Nguyện, Đức Phanxicô sẽ đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu tụ tập ở bên ngoài. Trở lại Dublin, và sau khi dùng bữa trưa với đoàn tùy tùng, Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành Thánh Lễ lúc 3 giờ chiều tại Công Viên Phoenix, bế mạc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới năm 2018. Sau đó, ngài sẽ gặp các giám mục Ái Nhĩ Lan tại Nữ Tu Viện Đa Minh trước khi ra phi trường trở lại Rôma lúc 6 giờ 45 tối.

Một bản đồ chỉ đường cho tương lai: chờ mong Đức TC tại Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới ở Dublin.

Cùng một nhận định như Drumm, tờ L’Osservatore Romano, trong bài có tựa đề như trên, cho rằng Dublin không phải chỉ chờ nghe sứ điệp của Đức Phanxicô mà là chờ gặp chính ngài, Ngài là một “biến cố” lớn.

Tờ báo thuật lại rằng tại một cuộc họp báo gần đây, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, đã tóm tắt các hoài mong của cộng đồng ngài đối với chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Phanxicô. Theo ngài, dân chúng rất háo hức và rất lưu ý tới chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Động lực của sự lưu ý này thì có nhiều. “Nhưng”, Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh, “mọi người, cách nào đó, thấy mình có liên hệ với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Không hẳn vì Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tới Dublin, nhưng có lẽ phần lớn vì điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ai?”.

Đức Tổng Giám Mục cho rằng người ta coi Đức Phanxicô như “một giáo hoàng hiện đại... Ngài có một sức lôi cuốn đặc biệt và là một loại minh tinh tôn giáo hoàn cầu” lôi cuốn bằng “nhân tính đơn sơ và sự nồng nàn nhân bản”.

Thực vậy, theo nhận định của Đức Tổng Giám Mục Martin, “tài thực sự” của Đức Phanxicô là chỉ cho chúng ta khả năng của ngài biết “sống trong một thế giới nơi đức tin xem ra là chuyện bên lề, ấy thế nhưng vẫn lo liệu để đánh động được lòng người. Ngài tìm được nhiều cách để chiếm được lòng người đối với những gì giáo huấn của Chúa Giêsu nói tới, không qua việc áp đặt và phê phán, nhưng qua việc được lòng và lôi cuốn”. Thí dụ, Đức Phanxicô lo liệu để có thể “tái khẳng định tín lý cũng như các qui phạm luân lý, nhưng vẫn thừa nhận rằng người ta hiện sống trong các phạm vi sôi đậu (grey areas) và điều này không loại bỏ họ”.



Áp dụng vào hiện tình Ái Nhĩ Lan, Đức Tổng Giám Mục cho hay đất nước này đã thay đổi nhiều kể từ chuyến viếng thăm năm 1979 của Đức Gioan Phaolô II. Theo Đức Tổng Giám Mục, Đức Phanxicô nhìn nhận sự thay đổi này: “Ngài nhận ra rằng có nhiều chiều kích trong truyền thống lâu đời của Đạo Công Giáo Ái Nhĩ Lan và cố gắng truyền giáo Ái Nhĩ Lan đa bị suy giảm. Ngài nhìn nhận rằng ngày nay, không có cách chi các thực tại quá khứ có thể lặp lại được”. Dĩ nhiên, Đức Giáo Hoàng sẽ không có khả năng “làm phép lạ. Trong một chuyến viếng thăm chỉ hơn 36 tiếng đồng hồ một chút, thì ngài không thể vẽ ra được một bản đồ chỉ đường cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan” nhưng ngài “có thể hiến cho Giáo Hội Ái Nhĩ Lan đủ dụng cụ trên đó một bản đồ chỉ đường sẽ được vẽ”.

Đức Tổng Giám Mục nhận định thêm: điều quan trọng là phải hiểu rằng “dù bạn có khả năng vẽ bản đồ trên giấy, nhưng bản đồ ngày nay đã khác xa rồi. Chúng có tính tương tác và không ngừng cần được cập nhật hóa”; thành thử điều chắc là Đức Phanxicô sẽ thúc giục Giáo Hội Ái Nhĩ Lan theo kịp một thế giới và một nền văn hóa đang thay đổi.

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Martin đề cập đến tầm quan trọng của Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới. Hội nghị thần học trong khuôn khổ của nó sẽ tạo cơ hội “nhận diện ra các giá trị sẽ giữ cho Ái Nhĩ Lan liên kết với nhau vì tương lai, các giá trị về gia đình, các giá trị về công lý, các giá trị kinh tế, các giá trị về khoan dung, và các giá trị về chăm sóc” đối với người lân cận và sáng thế.

Theo Đức Tổng Giám Mục, gia đình là “cột sống của tình liên đới liên thế hệ và của việc lưu truyền các giá trị từ thế hệ này qua thế hệ kế tiếp”. Tuy nhiên, theo ngài, nhiều gia đình “đang đối diện với các thách đố và đôi lúc đáng xấu hổ thay cho tất cả chúng ta chỉ biết nhìn họ đương đầu với các khó khăn trong khi xã hội bỏ rơi họ”.