Thấm thoát đã một năm trôi qua kể từ ngày chúng tôi đặt chân đến xứ sở Hoa Tu-líp xinh đẹp để nhận bài sai mới sau nhiều năm làm việc với dân Nam Mỹ. Nhiều chuyện vui buồn trong năm đầu tiên ở vùng đất này góp thêm chút kinh nghiệm sống trong đời mục vụ truyền giáo của chúng tôi. Người ta thường nói: ‘thức khuya mới biết đêm dài; ở lâu mới biết lòng người dở hay’ thật là đúng vì những người lúc đầu chúng tôi cứ tưởng là thờ ơ, vô tình nhưng khi dần hiểu nhau thì thấy họ rất sẵn lòng với mình, chân thành với mình; trong khi những người khác lúc đầu rất vồn vã, săn đón nhưng rồi chỉ được vài lần là đường ai nấy đi vì họ muốn mình làm theo ý họ nhưng không được toại nguyện. Chúng tôi cũng từng là nhà đào tạo, là nhà giáo nên cũng không bị ‘shock’ trước những tình huống như vậy.

Những ngày cuối tháng 5 đến giờ thời tiết ở đây bắt đầu oi bức, có ngày lên đến 30 độ C và người dân ở đây cảm thấy nóng nực, khó chịu vì ít có gia đình nào ở đây dùng quạt máy hay máy lạnh mà họ chỉ quen với cái lạnh và hay dùng máy sưởi nên bây giờ nhiệt độ khoảng 25 độ là họ đã than thở rồi. Chúng tôi nói với họ rằng bên Nam Mỹ nơi chúng tôi đã từng sống có lúc nhiệt độ có khi lên đến 47 độ vào những ngày hè và những chiếc máy lạnh dù xài hết công suất cũng không thể làm cho mát hơn. Nhiều người nói đùa rằng chính chúng tôi là người đem cái nắng nóng từ Nam Mỹ qua đây để rồi làm khổ họ vì rất ít khi xứ này có nắng nóng như vậy.

Ở Hòa Lan đã một năm mà màu da và cân nặng của chúng tôi vẫn chưa được cải thiện. Khi đi dâng lễ cho cộng đồng nói tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha, người ta cứ nghĩ chúng tôi là người Peru hay người Phi Luật Tân vì nước da ngăm đen và người tròn tròn của chúng tôi. Ngay cả khi dâng lễ cho cộng đồng người Việt, thì những người lần đầu tiên gặp chúng tôi cứ ngỡ chúng tôi là người ngoại quốc và chợt giật mình khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt sành sỏi. Những người đã từng quen biết chúng tôi thì nói đùa rằng chúng tôi không chịu ‘nhã nắng’ cho bớt cái đen đã bám vào người lâu năm và những vết thâm nám hằn theo năm tháng luôn trung thành theo nhà truyền giáo xấu xí này.

Dù nét bề ngoài đôi lúc có làm chúng tôi mất điểm, điều chúng tôi quan tâm là làm thế nào để đời sống và sứ vụ của mình có thể cảm hóa được những người mình phục vụ. Bởi thế, chúng tôi đã luôn cố gắng lắng nghe, đồng hành và đối thoại với những người mà mình quen biết, làm việc và cộng tác. Có những người rất chân thành góp ý những gì chúng tôi còn thiếu sót, có những người động viên những khi mình buồn hay gặp khó khăn; có những người quan tâm đến mình những khi mình cô đơn, trống vắng, và dĩ nhiên có những người trước mặt thì hồ hởi vui vẻ, nhưng sau lưng lại muốn đạp mình xuống vực thẳm. Xã hội là như thế, luôn có người tốt, kẻ xấu; luôn có trung thần, nịnh thần và phản thần để mình có thể phân biệt và phán đoán ai là người tốt với mình để mình chịu ơn và ai là người có ý xấu với mình để mình phòng tránh. Nói như thế không phải vì bi quan hóa cuộc đời nhưng là để chia sẻ những vui buồn trong một năm qua tại vùng đất mới.

Trước khi nhận bài sai mới chuyển Tỉnh Dòng từ Paraguay đến Hòa Lan, Bề trên giám tỉnh ở Paraguay đã từng nói với chúng tôi rằng Hòa Lan có nhiều thách đố lắm. Chúng tôi có nói với ngài là tôi biết và sẵn sàng đón nhận những thách đố mới ở quốc gia văn minh, hiện đại có đặt trụ sở tòa án quốc tế tại Den Haag (The Hague) này. Bề trên giám tỉnh ở đó cá cược với tôi rằng chỉ trong vòng 6 tháng là chúng tôi sẽ quay lại Paraguay với ngài để tiếp tục làm việc vì ngài biết tiếng Hòa Lan không phải là ngôn ngữ dễ học và việc mục vụ ở đây không giống với việc mục vụ ở Paraguay hay các quốc gia ở Nam Mỹ. Và đã đúng như thế vì đã một năm mà tiếng Hòa Lan của chúng tôi chỉ mới bập bẹ, chỉ có thể dâng lễ và đàm thoại đơn giản, và công việc mục vụ chỉ quanh quẩn với các cộng đoàn tiếng Anh, Tây Ban Nha hay thi thoảng cha quản nhiệm giáo xứ Việt Nam nhờ dâng lễ vào những ngày cuối tuần, trong khi đó ở Nam Mỹ thì làm việc không có giờ nghỉ! Mấy ngày nay hai vị cựu và bề trên đương nhiệm từ Paraguay đến Hòa Lan thăm chúng tôi trước khi các ngài về Roma để tham dự Tổng Tu Nghị của Dòng, và luôn hỏi chúng tôi có thể trở lại Paraguay làm việc không. Chúng tôi chỉ cười, rất vui mừng vì gặp lại anh em từng làm việc ở Nam Mỹ và trả lời rằng chỉ có Chúa mới biết được là tôi sẽ đi hay ở. Vì là tuýp người hoạt động nên lắm lúc chúng tôi cũng thấy buồn, muốn bỏ cuộc và quay về chốn xưa vùng Nam Mỹ để an phận và không phải lo nghĩ chuyện này, chuyện nọ của nhân tình thế thái ở xứ sở văn minh hiện đại này. Tuy nhiên khi nghĩ lại vì mình là nhà truyền giáo là không nên chùn bước hay bi quan trước những thách đố dù thách đố bây giờ không phải là cơm áo, gạo tiền, là những lần đi truyền giáo ở những vùng khỉ ho cò gáy, như là sẵn sàng sống với một thế giới văn minh thế tục để có thể đồng hành với những người vẫn mong ngóng tìm kiếm Thiên Chúa.

Trong tháng Năm vừa qua khi tham dự thánh lễ hành hương Mẹ Banneux tại Bỉ quốc mà hàng năm các linh mục Việt Nam ở Âu châu tổ chức cho những người Việt ở đây, chúng tôi nhận thấy những người Công Giáo Việt Nam dù sống ở đâu cũng luôn có lòng tôn sùng kính yêu Mẹ và nhớ về cội nguồn của mình. Họ luôn khao khát có một nước Việt Nam an bình thật sự và mọi người được tự do thực hành niềm tin của mình mà không hề bị ngăn cản, bắt bớ. Ước mơ nhỏ nhoi đó đã gần nửa thế kỷ nhưng dường như chỉ có vài nơi được cho phép nhỏ giọt trong khi những nơi khác bị hoạch họe, bắt bớ vô cớ chỉ vì người ta thực hành tín ngưỡng của mình. Rồi mới dây một dự luật cho thuê đất cả một thế kỷ ở ba miền của đất nước sắp được quốc hội thông qua trong những ngày tới đây khiến cho hàng triệu người dân lo lắng vì nếu điều đó xảy ra thì lãnh thổ của Việt Nam dần dần thu hẹp và hiểm họa ngoại bang thống trị cũng không còn xa nữa. Tại sao nhà cầm quyền luôn dễ dãi và sợ sệt ông láng giềng xấu tính trong khi lại khó tính và độc ác với chính người dân mình! Tại sao chính quyền lại cứ sợ những góp ý chân thành của các tổ chức tôn giáo và những trí thức ôn hòa muốn làm cho đất nước ngày một phát triển tốt hơn, văn minh hơn mà cứ chụp mũ xem đó là phản động, là tự diễn tiến rồi tung tin nói xấu, nhục mạ, bắt bớ họ? Hãy một lần hồi tâm và biết lắng nghe để phân tích đúng sai chứ đừng nghe bọn nịnh thần xúi giục rồi một lúc nào đó bọn ấy sẽ phản lại, lúc đó sẽ trở tay không kịp. Tôi là người Việt Nam và từng làm việc nhiều nước trên thế giới trong tư cách là nhà truyền giáo. Hiện nay quốc gia tôi làm việc có rất nhiều ảnh hưởng trên thương trường quốc tế và có nhiều trụ sở quốc tế đặt tại đây. Tôi không thích chính trị và cũng chẳng quan tâm gì đến nó. Nhưng nay trước sự kiện người dân Việt thân thương của tôi đang ca thán về hai dự luật, một là luật an ninh mạng vừa mới thông qua và một dự luật khác nữa về đặc khu sắp được thông qua thì chúng tôi phải lên tiếng. Chúng tôi đã từng quan sát và chứng kiến tại các quốc gia nên tôi làm việc, một khi quốc hội quyết định một sự việc gì hệ trọng đến đất nước thì đều phải thông qua ý kiến người dân, nhất là về lãnh thổ và lãnh hải vì quốc gia không thuộc về thành phần thiểu số là các nhà chính trị mà là của toàn dân. Tôi tha thiết yêu cầu những vị đại biểu quốc hội là đại diện của dân (dù trên thực tế người dân chúng tôi không bầu các vị nhưng do Đảng chỉ định các vị) hãy hành động vì lương tâm, vì trách nhiệm của mình trước vận mệnh quốc gia chứ đừng vì danh lợi, vì sợ bị cấp trên trù dập. Các vị cũng đã thấy lòng dân thế nào trong cuộc biểu tình yêu nước Chúa Nhật 10.6 vừa qua trên khắp lãnh thổ Việt Nam cũng như tại các đại sứ quán Việt Nam ở các nước trên thế giới thì cũng hiểu được người dân yêu nước và mong muốn các vị đừng để họ thất vọng.

Tháng Sáu là tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu và tuần đầu của tháng Thánh Tâm chúng tôi tham dự khóa tĩnh tâm năm tại Nhà Chính của Trung Ương Dòng. Nhìn các cha già từng làm việc truyền giáo ở các quốc gia Phi châu, Nam Mỹ, Á châu tận tụy cả đời và giờ đây đang nghỉ hưu nhưng tham dự tĩnh tâm rất sốt sắng dù đã được khuyên là nên nghỉ ngơi ở nhà. Các ngài là tấm gương cho chúng tôi vì bọn trẻ và trung niên chúng tôi chỉ thích làm việc chứ cả tuần tĩnh tâm thinh lặng và cầu nguyện thật sự là khó. Suốt một tuần tĩnh tâm ở Nhà Mẹ- nơi Đấng Sáng Lập đã từng lập Dòng, từng sinh sống và làm việc cho đến cuối đời, chúng tôi cũng sống lại theo những bước chân, những chặng đường thăng trầm của ngài cho Hội Dòng. Chúng tôi có cơ hội nhiều hơn trong những lúc lần chuỗi Mân Côi và chiêm ngắm những di tích nơi mà những ngày đầu đầy khó khăn vất vả Cha Thánh Lập Dòng Arnold Janssen cùng với thế hệ sáng lập đã gầy dựng nên. Những bậc linh mục đàn anh tham dự khóa tĩnh tâm này từng có những bằng cấp rất cao, từng nắm giữ những trọng trách lớn trong Dòng cũng như những tổ chức xã hội quốc tế nhưng rất thân thiện, hòa nhã và khiêm nhường với các đàn em và luôn là lực đẩy để cho các đàn em đi lên thay thế mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống mà chúng tôi từng chứng kiến, có những người tưởng rằng chỉ có mình mới làm được tất cả, tưởng rằng có thể dùng bàn tay che cả bầu trời nên muốn lộng quyền, gây ảnh hưởng dù hiện giờ đang nghỉ hưu. Họ cứ tưởng rằng chỉ có họ mới làm được còn những người khác thì không biết gì. Chúng tôi học được câu nói rất bình dân nhưng đầy ý nghĩa là ‘không mợ thì chợ cũng đông’, hãy nhớ rằng nếu không có mình thì mọi việc vẫn tiến triển, nhiều khi còn tốt đẹp hơn nữa. Hãy biết khiêm nhường và sống sao để người đời còn nhớ đến mình sau khi lìa xa cõi tạm này và luôn biết tôn trọng, phục tùng những người mà trước đây có thể từng là con cháu, học trò của mình vì chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Hễ ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12).

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Anton Padua- tiến sĩ Hội Thánh, một vị Thánh chỉ sống vỏn vẹn 36 năm trên cõi đời nhưng đã để lại biết bao gương lành sống động và được mệnh danh là tiến sĩ thiên thần hay thánh Antôn làm phép lạ. Sống lâu chưa chắc đã sống nhiều. Đọc lại hạnh thánh Antôn Padua về những gì ngài đã làm cho Dòng Anh Em Hèn Mọn của Ngài và cho Giáo Hội đến lúc hơi tàn sức kiệt mới thấy được ngọn lửa mến yêu bừng cháy trong con tim những người theo Chúa như ngài. Thánh Nhân cũng là quan thầy của chúng tôi và nhiều người khác. Xin chúc mừng các anh em có bổn mạng Antôn Padua. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết noi gương thánh nhân, can đảm hiến thân cho tha nhân, cho Tin Mừng nước Cha. Và hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 50 năm linh mục của cha xứ già đáng kính của chúng tôi ở Việt Nam. Ngài chỉ là một linh mục nhỏ nhắn, tầm thường, không bằng cấp nhưng có một nội lực rất phi thường trong nhân cách sống của ngài. Khi điện thoại chúc mừng ngài thì ngài chỉ khuyên một điều là hãy biết sống khiêm nhường và vâng theo Thánh ý Chúa vì nếu không có ơn Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được. Xin chúc mừng cha Đaminh trong ngày kỷ niệm Kim Khánh hồng ân thánh chức. Xin Chúa luôn gìn giữ cha trong lúc tuổi già được an lành, mạnh khỏe và luôn là tấm gương sáng cho anh em chúng con bước theo. Xin Thánh Antôn Padua phù hộ và đồng hành với chúng con luôn biết trung thành với Chúa.

Hòa Lan- 13 tháng 06 năm 2018- lễ Thánh Antôn Padua,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.