Các linh mục đang trong khóa học về trừ quỷ tại Vatican
Giáo sư Giuseppe Ferrari, điều hợp viên khóa học và hội nghị về trừ tà tại Vatican diễn ra từ 16 đến 21 tháng Tư cho biết một điều mới lạ trong phiên họp năm nay là, lần đầu tiên, khóa học sẽ có một phần nói về nạn phù thủy ở châu Phi.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ bàn đến vấn đề bắt cóc và giết trẻ em trong các nghi thức sát tế, liên quan đến phù thủy, để mang lại may mắn cho khách hàng. Đó là một hành động độc ác và vô nhân đạo.” Tuy nhiên, đó chỉ là một vấn đề nhỏ. Tầm mức của nạn phù thủy, theo giáo sư Giuseppe Ferrari, rộng lớn hơn rất nhiều. Nạn phù thủy từ lâu đã là một mối quan tâm mục vụ làm điên đầu các Hội Đồng Giám Mục tại lục địa này.

Tháng 8 năm 2006, các giám mục Công Giáo Nam Phi, bao gồm Nam Phi, Swaziland và Botswana, đã ra một lá thư mục vụ cảnh báo các linh mục không được dùng đến các thuật sangoma, tức là các phương pháp chữa bệnh truyền thống, để chữa bệnh, và ngăn chặn ma quỷ. Vì những điều như thế khiến cho người ta hiểu nhầm vai trò của người mục tử và xem các ngài không khác gì các thầy phù thủy và thầy bói.

Đường lối chung của hàng giáo sĩ, nhất là các vị được đào tạo tại phương Tây, là phủ nhận sự tồn tại và hoành hành của nạn phù thủy tại Phi Châu.

Tuy nhiên, tháng 2 năm 2007, Đại học Công Giáo Đông Phi ở Nairobi, Kenya, đã tổ chức một hội nghị chuyên đề kéo dài ba ngày về thách thức mục vụ trước nạn phù thủy. Các chuyên gia cảnh báo rằng nạn phù thủy đã và đang “phá hủy” Giáo Hội Công Giáo ở Châu Phi, một phần bởi vì hàng giáo sĩ phủ nhận hiện tượng này và không đáp ứng đầy đủ nhu cầu tinh thần của người dân.

Giáo sư Michael Katola, một giảng viên về thần học mục vụ, cho biết: “Điều quan trọng là Giáo hội phải hiểu được nỗi sợ hãi của người dân, chứ đừng vội lên án họ gắn bó với mê tín dị đoan.” Giáo sư Katola cảnh báo rằng những phản ứng mục vụ không đầy đủ đang đẩy một số người Công Giáo châu Phi vào các nhà thờ Tin Lành.

Cha Clement Majawa của Malawi liệt kê 14 loại phù thủy đang hoành hành tại Châu Phi, và lập luận rằng sự phủ nhận của Giáo hội “chỉ làm vấn đề trầm trọng thêm.”

Đây là vấn đề sinh tử. Tất cả 100 trường đại học tại Nigeria đều có các nhóm làm phù thuật với những tên gọi như “Black Axes” và “Pyrates”. Các sinh viên thường luyện tập “juju”, hoặc ma thuật đen, để làm kinh hoàng đối thủ của họ, và những cuộc đấu tranh bạo lực giữa các giáo phái này đã khiến hàng trăm người chết. Năm 2007, một nhóm dân làng ở Kenya đã đánh chết một người đàn ông 81 tuổi, bị nghi ngờ là đã dùng tà thuật để giết ba đứa cháu nội của mình.

Một linh mục Ấn Độ hiện đang phục vụ tại Dubai đã nêu ra một câu hỏi với hội nghị.

Ngài nói: “Nhiều người Hồi giáo đến tìm tôi, kể cả những người có trình độ học vấn cao. Họ nói, 'Cha ơi, có ai đó đã trù ếm tôi, cha có thể cầu nguyện cho tôi và trục xuất ma quỷ ra được không?'. Cách tốt nhất tôi nên làm trong các trường hợp như thế là gì?”

Đức Hồng Y Ernest Simoni, là Tổng Giám Mục Shkoder-Pult, Albania, trả lời rằng “Ân sủng Chúa được dành cho mọi người, không phân biệt tôn giáo. Xin cha cứ cầu nguyện với họ. Ân sủng của Chúa Thánh Thần sẽ cứu chuộc tất cả chúng ta.”
Source: Crux: Focus on witchcraft at exorcists’ summit signifies a paradigm shift