Lễ Chúa Thăng Thiên A : VỀ QUÊ TRỜI

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

Một tù trưởng đã khéo léo lãnh đạo bộ lạc trong nhiều năm. Cuối cùng, ông chuẩn bị cái chết của mình cách rất bình thản.

Người ta hỏi: "Sao ông bình thản vậy ? Đau khổ và cái chết có gì vui đâu ?".

Ông đáp: "Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ này, rồi xuôi dòng Missisipi, nhưng mùa xuân về, nó lại về đây như là về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa đông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa”.

Ông nhấn mạnh: “Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn ? Vì Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về. Tôi đang chuẩn bị cho đường về của tôi. Vậy làm sao tôi lại không vui chứ ?" (Sợi chỉ đỏ)…

Người tù trưởng vui vì về quê Trời…

trần gian chẳng phải là nhà,

đi về vĩnh cửu gặp Cha trên trời.

(Ca dao)

Về Trời là về quê, trở về cội nguồn …

“Sông có cội, suối có nguồn, con người có tổ có tiên…”

“Trở về cội về nguồn”, tức là tìm về, trở về nơi mảnh đất, với tinh thần của tổ tiên… Đó là tâm tình riêng của người Việt… Cội nguồn đó xuất phát từ Trời.

Tâm tình chung của nhân loại, tìm về cội nguồn của chính mình- quê Trời. Theo Minh Triết Tam Tài của triết học Đông Phương và trong Thần Học Thiên Chúa Giáo, mọi sự mọi vật trong do con người, đều do Một Nguyên Lý, Một “Ông Trời” mà ra. Con người là thụ tạo đặc biệt, được dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, Sáng Thế ký của Kitô Giáo và Do Thái Giáo, nói con người được tạo dựng bởi bàn tay của Thiên Chúa, và được sinh khí Trời nuôi sống (x. St 1, 26-30).

Con người hiện hữu là do bởi Trời, Đấng theo cái nhìn của dân gian là ở trên bầu trời cao xanh. Như thế con người có cội nguồn tổ tiên là từ Trời. Nước Trời chỉ là cách diễn đạt về nơi Thiên Chúa ngự, Chúa Giêsu khi giảng về nước Trời nói về tình trạng viên mãn, dồi dào trong tâm hồn. Chưa ai lên Trời cảm nghiệm Thiên giới, ngoại trừ Ngôi Lời từ Trời xuống (x. Ga 3, 13), cho nên chỉ biết Trời thế nào khi chúng ta sống ở trong.

Tin Mừng thứ ba (Lc 24,46-53) và Sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 1,1-11) mà tác giả là thánh sử Luca, thuật lại các Tông Đồ chiêm ngưỡng vinh quang đường về Trời của Thầy. Đức Giêsu lên trời không phải là một cuộc hành trình về ở trên cao như bầu trời xanh, hay ra ngoài không gian, nhưng là một cuộc hành trình về nhà, về quê hương đích thực, nơi chốn vinh quang của Thiên Chúa. Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta như Ngài đã nói trước: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

Người ngự giá trên mây trời lộng lẫy

Gieo niềm tin cho tín hữu chắc rằng :

Cửa thiên quốc, tội A-đam đóng lại,

Nhờ ơn Người, nay mở rộng thênh thang.

(Thánh thi kinh sáng lễ Thăng Thiên)

Cho nên Chúa về Trời luôn gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Ngài, về Trời như các Tông Đồ “đăm đăm nhìn lên trời” (Cv 1,10) khi Chúa Thăng Thiên.

Vì thế, thánh Phaolô khẳng định : “Quê hương chúng ta ở trên trời” (Pl 3,20). Vâng, trời là quê hương đích thực của tất cả mỗi người dù sống trong mọi nền văn hóa khác nhau như Thánh Cộng Đồng đã dạy: “… Dân duy nhất của Thiên Chúa hiện diện nơi mọi dân nước trần gian. Tuy dân của Nước Ngài là công dân của các nước, song thực ra, đặc tính của Nước ấy không thuộc về thế gian nhưng thuộc về Trời… (LG II,13).

Vâng, về Trời là trở về cội nguồn. Để được về với quê hương Trời, chúng ta phải đi trên con đường mà Đức Kitô đã chỉ, đã truyền cho các môn đệ trước khi về Trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền”. Tuân giữ điều Thầy truyền là sống theo Tin Mừng, sống trong phép rửa, tức là sống theo Thánh ý Trời, vì đó là Lời Chúa dạy qua chính Thiên Chúa làm người. Lời đó còn gắn chắc trong lương tâm được soi dẫn Lời Chúa. Lương tâm thúc đẩy làm những việc lành cụ thể. Dân gian ngay từ xa xưa đã xác tín :

“Ở xởi lởi Trời cởi ra cho,

Ở so đo Trời co ro lại”



"Ở hiền thì lại gặp lành,

Những người nhân đức trời dành phước cho”

(Ca dao)

Ban phước cho cuộc sống lữ hành về quê Trời và chung cuộc chính là có chỗ trong quê Trời. Từ hôm nay, sống hướng về Trời là tìm kiếm đường về Trời, nhưng Trái đất –thế gian đầy phù hoa có sức thu hút ghê gớm khiến ta muốn lưu lai mãi như là quê hương vĩnh hằng, và quên rằng quê hương thật – Trời cao. Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô dạy: “…hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl 3,1-2).

Ước vọng về Trời, ngước lên Trời

"Đèn trời trời sáng bốn phương,

đèn tôi tôi sáng đầu giường nhà tôi”

(Ca dao).

Vâng, tôi như người tỉnh thức cầm đèn sáng trong tay đợi chủ về, (x. Mt 24, 36 -44 ; Mc 13,33-37), Chủ đưa tôi về quê Trời…

Ngày nao tới cõi thiên đường

Chúng con được thấy tỏ tường Thánh Nhan.

(Thánh thi kinh chiều lễ Thăng Thiên)

Lm. Vinh Sơn scj