Nghi thức sám hối trong Thánh lễ và Bí tích Giải tội

Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến,

Thưa Cha, trước khi dâng lễ thì có phần sám hối, cuối phần đó vị chủ tế đọc: "Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót tha tội và dẫn đưa chúng ta về cõi trường sinh".

Thưa Cha, thường thì khi đọc những lời trên đây vị chủ tế vẫn chắp tay, nhưng có vị khi đọc những lời đó thì quay xuống phía giáo dân giơ cao tay phải làm dấu Thánh giá trên họ như khi ban phép lành cuối lễ.

Trong nghi lễ cử hành Bí tích Giải tội tập thể, lúc thay mặt Chúa để tha tội cho những người đứng trước mặt mình, linh mục giơ tay phải làm dấu Thánh giá trên họ. Vì thế con cho rằng vị linh mục nói trên làm phép giải tội tập thể cho những người đến dự lễ và người nào lúc đó thực tâm sám hối thì được khỏi tội. Bởi nghĩ như vậy nên mỗi khi có tội, thay vì đến Tòa cáo giải thì con đi dự Thánh lễ cử hành bởi vị linh mục có làm dấu Thánh giá khi đọc lời sám hối.

Thưa Cha, việc làm của con như vậy có được không? Xin Cha vui lòng giải đáp giúp con. Con xin cám đội ơn Cha và kính chúc Cha luôn được hồn an xác mạnh.

Nguyễn Văn Bé.

********

Thăm anh Bé,

Trước tiên, tôi xin xác định về một vài điểm về Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải tội:

(a) Bí tích Thánh Thể: Bí tích Thánh Thể thật sự chỉ bao gồm phần Truyền Phép và Rước lễ. Trường hợp trao chỉ Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, cũng có thể được gọi là Bí tích Thánh Thể. Trong Sách Nghi thức Phụng vụ (Bản Anh Ngữ - The Rites) do Bộ Phụng tự ban hành năm 1973 (tr. 631) qui định hai nghi thức Phụng Vụ Thánh Thể, một nghi thức trong Thánh lễ và một nghi thức ngoài Thánh lễ. Việc anh đề cập đến trong thư, tôi hiểu là Phụng-vụ-Bí-tích-Thánh-thể-trong-Thánh-lễ.

Một Thánh lễ đầy đủ gồm có 4 phần: 1. Thống hối; 2. Phụng vụ Lời Chúa; 3. Phụng vụ Thánh Thể với công thức riêng của Bí tích; và 4. Hiệp lễ.

Phần Nghi thức Thống hối khi bắt đầu Thánh lễ chỉ là phần chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng trước khi tham dự hay cử hành Bí tích Thánh thể. Như vậy, không thể đồng hóa phần Nghi thức Thống hối này với Bí tích Giải tội được, và như thế, nó không có hiệu quả tha tội như Bí tích Giải tội.

(b) Bí tích Giải tội với công thức riêng của Bí tích trong Tòa giải tội khi xưng tội cá nhân và ở một nơi nào đó trong trường hợp Giải tội tập thể.

Mỗi Bí tích cần phải có hai điều kiện để được thành sự, nếu đã có thừa tác viên hợp pháp, đó là: Chất liệu (materia) và Mô thức (formula).

Chất liệu của Bí tích Thánh Thể là bánh và rượu không men. Mô thức của Bí tích Thánh Thể là Lời Truyền Phép trong Thánh Lễ;

Chất liệu của Bí tích Giải tội chính là tội (không có tội thì không xưng được). Mô thức của Bí tích Giải tội là công thức Giải tội vị linh mục chủ tế đọc trước sự hiện diện của hối nhân (người xưng tội); Một người được tha tội qua Bí tích Giải tội khi linh mục giải tội đọc công thức giải tội trước sự hiện diện của họ và sẵn sàng lãnh nhận Bí tích, dù là trường hợp xưng tội cá nhân hay giải tội tập thể.

Trong Nghi thức Thống hối khi bắt đầu Thánh lễ, Sách lễ Roma (phần luật chữ đỏ) chỉ ghi là Linh mục đọc câu: Xin Thiên Chúa toàn năng. .. mà không thấy ghi là linh mục làm dấu Thánh giá trên giáo dân khi đọc câu này.

Tóm lại, điều anh cho rằng việc linh mục thực hiện dấu Thánh giá trong phần đầu của một Thánh lễ có hiệu quả tha tội như dấu Thánh giá linh mục thực hiện lúc giải tội là không đúng. Và vì vậy nên việc anh làm cũng không đúng.

Thân chúc anh luôn được an mạnh hồn xác.