Cựu Học Sinh La San Bình Linh Huế Mừng Bổn Mạng Thánh Gioan La San Và Mừng Kỷ Niệm 113 Năm Thành Lập Trường Bình Linh (Pellerin)

Gặp mặt mừng lễ Quan Thầy với tâm tình Tưởng niệm và Tri ân:

Chiều ngày 14 tháng 5 năm 2017, tại Nhà Mục vụ Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam Huế, trên 120 người gồm các Sư huynh La San, Cựu Sư huynh, nguyên Giáo sư và anh chị em Cựu Học sinh cùng khách mời đã gặp mặt. Bao nhiêu thầy trò, bạn bè thân thuộc từ khắp nơi trên mọi miền đất nước và hải ngoại, sau bao năm xa cách giờ đây gặp lại nhau với một xúc động dâng trào, ôn lại biết bao kỷ niệm của một thời học sinh. Những con người mới ngày nào còn vui đùa nghịch ngợm, giận hờn, vậy mà giờ đây đã lên chức ông, chức bà. Nhưng hầu như tất cả đều trở nên trẻ lại, khi cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thời học sinh.

Xem hình

Sau những giây phút gặp gỡ hàn huyên tâm sự, bước vào Hội trường bắt đầu chương trình Họp mặt. Ban Tổ chức giới thiệu các Sư huynh và Cựu Sư huynh cũng như các Cựu Giáo sư hiện diện hôm nay. Sư huynh Phêrô Lê Văn Phượng, Đặc trách La San Huế giới thiệu và ra mắt Ban Liên lạc Cựu Học sinh La San Bình Linh Huế gồm:

Anh Võ Phương Anh Lợi: Trưởng Ban

Anh Trương Minh Phương: Phó Ban

Anh Lê Ánh: Phó Ban

Anh Phan Văn Thanh: Thư ký

Chị Trần Thị Kim Hạnh: Thủ quỷ

Anh Trương Minh Phương đọc thư chúc mừng của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế gởi đến anh chị em Cựu Học sinh La San Bình Linh. Ngài rất tiếc vì phải đi công tác xa, Ngài gởi đến anh chị em phép lành của Chúa nhân ngày Bổn mạng Thánh Gioan La San và Kỷ niệm 113 năm thành lập trường La San Bình Linh.

Với tinh thần của Thánh Tổ Gioan La San trong việc Giáo dục thanh thiếu niên, Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, Quản xứ Chính tòa Phủ Cam thuyết trình đề tài: “Vai trò của Tôn giáo trong việc xã hội hóa giáo dục”.

Cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến đã nêu lên những tầm quan trọng trong việc nhất thiết phải xã hội hóa giáo dục. Ngài nêu lên một ý tưởng của Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Quang Nhiếp, Phó Tổng Biên tạp Tạp chí Cộng sản: “…Giáo dục là một hoạt động mang tính xã hội rộng lớn và sâu sắc. Vì thế, xã hội hóa giáo dục không thể không diễn ra và là xu thế khách quan chi phối những hoạt động giáo dục, đào tạo dưới nhiều hình thức, cụ thể khác nhau. Theo quan điểm “chủ quan” và “thiếu toàn diện” của ông:

- Xã hội hóa giáo dục là quá trình trao đổi kinh nghiệm nhằm đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, phương tiện giáo dục cho phù hớp với những đòi hỏi hiện đại.

- Xã hội hóa giáo dục đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

- Xã hội hóa giáo dục là tìm ra và trang bị cho sinh viên học sinh những kiến thức mới phổ biến trong xã hội, không thể bảo thủ trì trệ hoặc đưa mọi cái mới bất kỳ vào nội dung giáo dục làm phản tác dụng giáo dục.

Ngài cũng nêu lên Hiến chế Mục vụ (Gaudium et Spes): “Nhân loại ngày nay đang sống vào một giai đoạn mới trong lịch sử của mình. Đó là giai đoạn chất chứa những đổi thay sâu xa và mau chóng đang dần dần lan rộng tới toàn thể hoàn cầu. Những thay đổi do óc thông minh và những sáng tạo của con người khơi dậy, đang trở lại ảnh hưởng trên chính con người, trên những phán đoán và ước vọng các nhân hay tập thể con người, trên cách suy tư và hành động đối với sự vật hay con người. Như vậy, chúng ta có thể nói đến sự biến đổi đích thực về mặt xã hội cũng như văn hóa, sự biến đổi này đang lan tràn tới cả đời sống tôn giáo.

Ngài cũng nêu ra một thắc mắc trong một cuộc tọa đàm: Tại sao bên Phật giáo chỉ có một Đoàn thể là “Gia đình Phật tử”, mà bên Công Giáo lại có nhiều Hội đoàn và Phong trào vậy?

Câu trả lời là: Theo Kitô giáo, con người là một hữu thể đa chiều kích, đa nhu cầu: để giáo dục con người cho đúng nghĩa, cần phải có nhiều tổ chức với nhiều phương thế phù hợp cho lứa tuổi, hoàn cảnh, phái tính, chọn lựa cho mỗi các nhân…

Ngày 28 tháng 10 năm 1965, Công đồng Vatican II với hơn 2 ngàn Nghị phụ đã bàn về vấn Giáo dục con người, và đã gửi đến thế giới:

- Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo: Gravissimum Educationis

- Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội Công Giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo: Nostra Aetate

Trong đó, Vatican II muốn giới thiệu với thế giới “Quan điểm của Giáo Hội về con người” để từ đó rút tĩa những nguyên tắc “Giáo dục con người” và những nhu cầu cần thiết trong việc phục vụ con người đúng nghĩa.

Đặc biệt quan tâm tới trẻ em và thanh thiếu niên.

Giáo Hội muốn mọi người công nhận rằng: Quyền được giáo dục dựa trên phẩm giá của con người là một quyền của con người. Ai nấy đều có quyền được giáo dục, nhờ đó nhân cách được phát triển đầy đủ.

Cũng trong buổi gặp mặt hôm nay, Ban Liên lạc Cựu Học sinh La San Bình Linh đã ra tập Kỷ yếu kỷ niệm 113 năm trường Bình Linh do anh chị em Cựu Học sinh viết về những kỷ niệm cũng như ký ức về ngôi trường thân yêu, những hình ảnh còn lưu giữ được về trường xưa. Ai nấy đều rất xúc động khi được xem lại hình ảnh một thời của mình.

Đặc biệt, trong buổi họp mặt, anh chị em cùng các Sư huynh, Giáo sư đã nghiêm trang dành những phút Tưởng niệm và Tri ân các Sư huynh và các Ân sư còn sống hay đã qua đời với một tâm tình biết ơn sự hy sinh cao cả dành cho việc giáo dục thanh thiếu niên.

Một bữa tiệc thân mật với sự đóng góp của anh chị em Cựu Học sinh trong nước và hải ngoại khi nghe tin Ban Liên lạc tổ chức Họp mặt kỷ niệm 113 năm thành lập trường. Một số anh chị em cựu học sinh từ Hải ngoại nghe tin cựu học sinh Bình Linh họp mặt đã nhiệt tình ủng hộ. Đó là cả một tấm lòng của những cựu học sinh luôn tâm huyết với ngôi trường thân yêu và cả bạn bè đồng môn.

Thánh lễ mừng Thánh Quan Thầy Gioan La San và mừng kỷ niệm 113 năm thành lập trường Bình Linh;

Tối thứ Hai 15 tháng 5, Đức Nguyên Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Phanxico Xavie Lê Văn Hồng đã chủ tế Thánh lễ, cùng đồng tế có quí Cha Chính và Phó xứ Phủ Cam, quí Cha dòng Thánh Tâm Huế, quí Cha cựu học sinh của trường.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Phanxico Xavie nhắc lại: Năm 2016, Tỉnh dòng La San Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 150 năm hiện diện tại Việt Nam và 112 năm hiện diện tại Huế với ngôi trường Bình Linh, đã đóng góp vào công trình giáo dục Đức Tin, văn hóa, nghề nghiệp cho giới trẻ. Hôm nay, La San Huế lại tổ chức Thánh lễ mừng kỷ niệm 113 năm thành lập trường Bình Linh, đây là tên gọi của Đức Giám Mục tiên khởi của Giáo phận Huế: Đức Cha Pellerin. Hôm nay là ngày lễ kính Thánh Gioan La San, Quan thầy của của các nhà Giáo dục Công Giáo. Dịp này, các cựu học sinh trường Bình Linh đã tổ chức một buổi gặp mặt sau bao nhiêu năm xa cách để tỏ lòng biết ơn đối với các ân sư còn sống hay đã qua đời. Mừng lễ Thánh Gioan La San, vị sáng lập Dòng hôm nay. Chúng ta hiệp ý với các cựu học sinh Bình Linh cầu nguyện cho các bậc ân sư đã dâng hiến cả cuộc đời mình với mục đích giáo dục giới trẻ. Xin cầu chúc cho Tỉnh Dòng La San Việt Nam biết thích nghi với hoàn cảnh xã hội hôm nay, biết dùng sự giáo dục để mang lại ích lợi cho giới trẻ trong thời đại này.

Trong bài giảng lễ, Cha Phaolo Trần Thắng Thế, là một cựu học sinh La San, chia sẻ về Thánh Gioan La San là con trai của một gia đình quyền quý và giàu có, đã từ bỏ mọi sự thế gian, đem hết của cải của Cha Mẹ để lại nhằm qui tụ những thanh thiếu niên lang thang, giáo dục và đào tạo họ trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Ngài cũng đã ôn lại sự hình thành của ngôi trường Bình Linh, với biết bao thăng trầm nhưng rồi luôn vững mạnh và tồn tại suốt mấy chục năm, đào tạo biết bao con người trở thành những con người trí thức, góp phần xây dựng xã hội và đất nước.

Ngôi trường Bình Linh nay tuy không còn, nhưng với một tâm tình biết ơn những Sư huynh, những thầy cô giáo đã tận tụy hy sinh cho thế hệ thanh thiếu niên trở thành những con người nhân bản, biết dùng sự hiểu biết biết của mình để phục vụ xã hội.

Sau Thánh lễ, Sư huynh Phêrô Lê văn Phượng, Đặc trách La San Huế thay mặt Cộng đoàn La San Huế và anh chị em Cựu Học sinh bày tỏ tâm tình: “Hơn 40 năm qua, tôn giáo tại Việt Nam bị loại ra khỏi “cuộc chơi” mang tên “Giáo dục con người”. Và cũng trong ngần ấy thời gian, tất cả các Sư huynh La San chúng con, trong cầu nguyện và cậy trông, đã không ngừng nuôi hy vọng, và cũng không ngồi chờ chết; trong một ngôi nhà bị đóng hết các “cửa lớn”, các Sư huynh đã tìm cách mở các “cửa sổ” để “ra đi” đến với người trẻ , để xây dựng Giáo Hội và mở mang Nước Chúa.

Trong hiện thực của xã hội Việt Nam hôm nay, sau hành trình của “40 năm sa mạc” như dân Do Thái đi về Đất Hứa, các Sư huynh La San của chúng con càng sáng lên hy vọng sẽ lại được Thiên Chúa đưa về một mãnh đất trường học để phục vụ giới trẻ theo như sứ mạng mà Dòng chúng con đã lãnh nhận từ Giáo Hội, và vì thế chúng con càng cầu nguyện hơn nữa.

Trong niềm hy vọng ấy, con xin thay mặt toàn thể các Sư huynh La San, các Lưu sinh và Cựu Học sinh La San Bình Linh Huế chân thành cảm ơn tấm lòng mục tử của Đức Tổng Phanxico Xavie và quí Cha đã dâng Thánh lễ đồng tế mừng Thánh Gioan La San, Quan Thầy của các nhà giáo dục. Chúng con cũng xin tri ân sự nâng đỡ và quan tâm của Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã gởi lời chúc mừng và Phép lành đến tất cả thành viên La San Huế nhân dịp mừng Bổn mạng và kỷ niệm 113 năm thành lập trường La San Bình Linh.

Đức Nguyên Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế chụp hình lưu niệm với các Sư huynh, các thầy giáo và anh chị em Cựu Học sinh La San Bình Linh trước Cung Thánh Nhà thờ.

Minh Phương