Sinh ra ở Bethlehem

Hằng năm vào ngày 25.12. Giáo Hội Công Giáo mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu. Lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu mang sâu đậm ý nghĩa lễ mừng tôn giáo của đạo Công Giáo. Nhưng trong dòng thời gian lễ này ngày càng trở thành ngày lễ mừng mang chiều kích văn hóa xã hội, nhất là về khía cạnh kinh tế thương mại.

Theo Kinh thánh thuật lại Chúa Giêsu sinh ra ở Bethlehem bên nước Do Thái. Nhưng không nói tới thời gian năm tháng nào rõ rệt. Vì thế, người ta khảo cứu đi tìm hiểu xem biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong lịch sử như thế nào, vào thời điểm nào, và những chi tiết chung quanh sự sinh ra của Chúa Giêsu ẩn chứa sứ điệp gì.

1. Vị cứu tinh ra đời

Theo Phúc âm Thánh Luca (2,1): „Thời ấy Hoàng đế Augustus ra chiếu chỉ truyền kiểm tra dân số khắp cả thiên hạ.“

1.1. Mốc điểm lịch sử

Thánh Luca khởi đầu bài tường thuật việc Chúa Giêsu sinh ra bằng mốc thời điểm lịch sử thời hoàng đế Augustus với chiếu chỉ của ông. Như thế với Thánh sử Luca mối liên quan trong bối cảnh lịch sử toàn thế giới chiếm phần quan trọng.

Lần đầu tiên chiếu chỉ hoàng đế bao trùm toàn cầu, một cao trào đại kết trong toàn thể địa cầu được nói đến. Và cũng lần đầu tiên một chính phủ, một vương quốc bao trùm trái đất được nêu lên. Và lần đầu tiên một không gian hòa bình được nói đến. Và như thế một ngôn ngữ chung hoàn cầu trên phương diện thông hiểu nhau cho một xã hội văn hóa nảy sinh ra.

Trong bầu khí như thế một vị cứu tinh chung cho toàn địa cầu có thể xuất hiện đi vào trong trần gian: Thời gian đã viên mãn tròn đầy.

1. 2. Hoàng đế Augustus

Hoàng đế Augustus của đế quốc Roma, một vị vua đầu tiên của Roma. Ông tên thật là Gaius Octavius, sau những tranh chấp nội bộ, Ông đã thắng cuộc và lên làm hoàng đế sau khi Caesar bị ám sát năm 44 trước Chúa Giáng sinh. Ông không chỉ là một chính trị gia, nhưng còn hiện thân là một khuôn mặt với chiều kích thần học tôn giáo.

Ông lên ngôi hoàng đế năm 31. trước Chúa giáng sinh và trị vì trên ngai hoàng đế tới năm 14. sau Chúa giáng sinh. Ông thành lập triều đại hoàng đế ở Roma, và là hoàng đế một mình toàn quyền thống trị đế quốc Roma thời đó trải rộng khắp Âu châu và sang vùng Trung Đông, Tiểu Á.

Năm 27. trước Chúa giáng sinh, Ông được Thượng viện Roma trao phong cho tên là Augustus, theo tiếng Hylạp là Sebastos, có nghĩa là „ người được tôn thờ“.

Theo bản văn còn lưu lại ở thành phố cổ Priene vào trước thời Chúa giáng sinh, hoàng đế Augustus được tung hô danh hiệu là vị cứu thế. Với Hoàng đế Augustus một thời đại mới bắt đầu.

Trong thời triều đại của Ông nền hoà bình trong đế quốc được xây dựng lan rộng củng cố. Vì thế có danh hiệu Pax Augusti.

Chúa Giêsu, vị cứu tinh từ trời cao chào đời đi vào trần gian bắt đầu một thời đại mới, thời đại hòa bình.

Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng, như trong phúc âm Thánh Luca thuật lại (3,1), không phải là một nhân vật thần thoại sinh ra và xuất hiện trên sân khấu thế giới. Ngài đến trong trần gian vào một mốc điểm thời gian cụ thể, và vào một nơi chốn không gian địa lý chính xác. Nơi Ngài là Ngôi lời - Logos- mang ý nghĩa sáng tạo của mọi sự, đã đi vào đời sống trần gian. Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở thành người xác thịt trong thời gian cùng nơi chốn hình thể địa lý.

1.3. Chiếu chỉ trong khắp thiên hạ

Chiếu chỉ truyền trong khắp thiên hạ phải về quê quán của mình khai tên vào sổ bộ nộp thuế của hoàng đế Augustus đã khiến Thánh Giuse và Đức mẹ Maria phải trở về thành Bethlehem, là quê quán cũ của Ông Giuse, thành này là thành quê hương của Vua David. Sự việc này đã khiến lời loan báo trong sách Tiên Tri Micha được hiện thực ứng nghiệm, nơi Bethlehem vị mục tử sẽ sinh ra chăn dắt Israel ´.( Mika 5, 1-3.).

Vô tình hoàng đế Augustus, không biết đến lời tiên tri này, đã cùng cộng tác vào việc làm cho lời đoan hứa của Thiên Chúa qua ngôn sứ Micha được thực hiện hoàn thành: Lịch sử của đế quốc Roma rộng lớn khắp thiên hạ và lịch sử ơn cứu độ, mà Thiên Chúa hứa cho dân Israel, trùng hợp với nhau. Thiên Chúa của Israel và của toàn thể mọi dân tộc hoàn cầu tỏ mình ra là người chính thực điều khiển toàn thể lịch sử hoàn cầu.

2. Sinh ra ở Bethlehem

Theo chiếu chỉ hoàng đế Augustus, bởi thế, Ông Giuse từ thành Nazareth, miền Galilea lên thành Vua David tức thành Bethlehem, miền Giudea. Vì Ông thuộc dòng tộc vua David. Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Maria, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, đặt nằm trong máng cỏ. Vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (Lc 2, 4-7).

Theo phúc âm Thánh Mattheo (13,57) và Thánh Luca (4,26) nói đến quê hương của Chúa Giêsu là thành Nazareth, và thành Bethlehem là nơi sinh ra của Chúa Giêsu (Mt. 2,1 và Lc 2,4-7). Phúc âm Thánh Gioan cũng nói đến Bethlehem là nơi sinh ra của Chúa Giêsu (Ga 7,42). Nhưng ở thành Bethlehem nào, miền Nam hay miền Bắc nước Do Thái?

Lễ Chúa giáng sinh 2012 hai tờ báo tiếng Anh Times và Telegraph đã nói đến lịch sử nơi sinh ra của Chúa Giêsu như phúc âm Thánh Mattheo thuật lại ở thành Bethlehem. Nhưng cho rằng không phải Bethlehem ở miền Nam gần thành Giêrusalem miền Judea, mà là Bethlehem ở miền Bắc thuộc miền xứ Galileo cách Nazareth khoảng 11 cây số.

Những bài báo tin tức mới lạ sôi nổi này căn cứ dựa trên bài tường thuật qua công trình khảo cứu của nhà khảo cổ học người Do Thái tên là Aharon Oshri ở vùng Galilea, miền bắc nước Do Thái.

Theo nghiên cứu khảo cổ, năm 1906 một Cộng đoàn tín hữu Tin lành đã xây một đền thờ ở ngôi làng của người Ả Rập Beit Lah.m ,và vùng định cư mới này được đổi tên là Bethlehem. Nhưng từ 1948 vùng này lại đổi tên là Moschaw Beit Leh,m ha -Gelilit. Vì thế Ông cho là Chúa Giêsu đã sinh ra ở thành Bethlehem miền Bắc Do Thái thuộc vùng Galilea.

Ở miền Nam nước Do Thái miền Judea có thành phố Bethlehem, theo sách Giosua (19,15) nằm trong vùng phần đất quê hương cùa chi tộc Sebulon. Vì thế, rất có thể khi viết Phúc âm nói đến tên Bethlehem, Thánh sử Mattheo đã viết rõ là Bethlehem phía Nam thuộc miền Judea để phân biệt với Behtlehem phía Bắc thuộc miền Galilea.

Oshi đưa ra luận cứ qủa quyết Chúa Giêsu không sinh ra ở Bethlehem miền Nam nước Do Thái thuộc vùng Judea. Vì Bethlehem nơi đây vào khoảng thế kỷ 7.- 4. trước Chúa giáng sinh, là vùng hoang vu không có người sinh sống.

Nhưng giả thuyết về nơi sinh của Chúa Giêsu ở thành Bethlehem miền Bắc nước Do Thái thuộc vùng Galileo không được mấy nhà khảo cổ nghiên cứu chú ý đến nữa.

Sau thời kỳ lưu đày bên Babylon, dân Israel trở về quê quán cũ thành Giêrusalem và các thành thị chung quanh Gierusalem ở miền Nam nước Do Thái, có nói đến tên thành Bethlehem ở miền Nam - Sách Esra (2,21) và sách Nehemia (7,26).

Các sách Phúc âm tường thuật lịch sử sự sinh ra của Chúa Giêsu ngay từ thời thế kỷ thứ nhất cũng đã nói đến Bethlehem là vùng có dân cư đến sinh sống.

Sử gia Josephus nói đến Bethlehem miền nam vùng Judea cách xa Gierusalem độ 20 dặm. Vào năm 150 sau Chúa giáng sinh Justin, người gốc Paletina cùng hiểu biết về địa lý trong vùng, cũng qủa quyết Bethlehem nằm trong vùng Judea cách Giêrusalem 35 dặm.

Vào khoảng gần cuối thế kỷ thứ ba sau Chúa giáng sinh, Origenes cũng khẳng định Behtlehem là nơi có dân cư sinh sống.

Những công trình nghiên cứu khảo cổ về địa chất cũng cho thấy từ thế kỷ thứ 4. sau Chúa giáng sinh, ở Bethlehem thuộc vùng Judea có công trình xây cất lại những tàn tích đổ nát thời ngày trước.

Như thế không có bằng chứng khả tín qủa quyết rằng Bethlehem thuộc vùng Judea miền nam nước Do Thái vào thời Chúa Giêsu là vùng sa mạc hoang vắng không có người định cư.

3. Chúa Giêsu chào đời

Cùng với Thánh Giuse tới Bethlehem để khai tên vào sổ bộ thuế, đức mẹ Maria tời ngày sinh con. Mẹ sinh con đầu lòng, lấy tã bọc con và đặt nằm trong máng cỏ.Vì Thánh Giuse và mẹ Maria không tìm được chỗ nhà trọ trú thân. (Lc 2, 17).

Như thế, Chúa Giêsu sinh ra dọc đường không ở trong một ngôi nhà, mà trong hang chuồng thú vật. Khung cảnh này nhắc nhớ đến cuộc đời Chúa Giêsu sau này được thuật lại trong Kinh Thánh viết về ngài:

Thánh sử Gioan trong phần mở đầu Phúc âm đã viết: „Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận“. (Ga 1,11).

Thánh sử Mattheo ghi lại chính Lời Chúa Giêsu nói về đời sống của mình: „Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Ngưpời không có chỗ tựa đầu.“ (Mt 8,20).

Và sau cùng Chúa Giêsu bị xử tử đóng đinh thên thập gía chết bên ngoài thành (Dt 13,12). như Ngài đã sinh ra đến trong trần gian ở bên ngoài thành.

3.1. Hang chuồng xúc vật

Một em bé sinh ra không trong nơi chốn nhà cửa, không có gì che thân gợi lên sự thương tâm cùng mức độ nghèo nàn. Nhưng cũng loan truyền đi gía trị được thể hiện nơi đời sống và sứ điệp của Chúa Giesu. Ngay từ lúc sinh ra, Chúa Giêsu không nằm trong phạm vi của giầu sang và quyền thế sức mạnh trong dân gian cho đó là quan trọng. Nhưng ngược lại sự nghèo hèn yếu kém không sức mạnh quyền thế, không quan trọng lại chính là sứ điệp về sức mạnh chính thực cho đời sống. Đó là gía trị tinh thần.

Sau khi mở mắt chào đời, hài nhi Giêsu được mẹ người quấn bọc tã và đặt nằm trong máng cỏ.

Theo Thánh tử đạo Justin hồi thế kỷ thứ hai năm 165 sau Chúa Giáng sinh, và Thánh Origenes thế kỷ thứ ba năm 254 sau Chúa giáng sinh, nơi chốn sinh ra của Chúa Giêsu là một hang động cho xúc vật ở. Và dựa theo thuật lại ở chính nơi địa phương đó, đền thờ Chúa giáng sinh ở Bethlehem được xây dựng trên nền hang động đó.

3.2. Máng đựng thức ăn cho xúc vật

Thánh giáo phụ Augustino đã có suy tư về chiếc máng cỏ trong hang đá Chúa Giêsu sinh ra chất chứa hình ảnh mang sâu đậm ý nghĩa thần học.

Máng trong hang chuồng xúc vật dùng để chứa đựng thức ăn ẩm thực phẩm rơm cỏ hay hoa trái cho xúc vật ăn. Nhưng máng trong chang chuồng xúc vật nơi Chúa Giêsu sinh ra, lại là cái nôi cái giường cho trẻ thơ Giêsu nằm, Đấng đó sau này đã qủa quyết chính Ngài là bánh, là lương thực từ trời cao xuống cho con người trên trần gian. Ngài là lương thực mang lại sự sống tinh thần cho con người.

Máng chứa lương thực là hình ảnh diễn tả về bàn tiệc của Chúa mời gọi mọi người đến đón nhận tấm bánh Thánh Thể.

Khung cảnh nghèo hèn thô sơ sự sinh ra của Chúa Giêsu theo mắt con người nhìn vào, nhưng lại diễn tả sự to lớn ẩn chứa ơn cứu chuộc cho con người.

Phúc âm không nói đến những con thú vật trong hang chuồng nơi hài nhi Giêsu sinh ra. Nhưng dựa theo Kinh Thánh Cựu và Tân ước đã nói đến hai con thú vật Bò và Lừa trong hang chuồng lúc Chúa sinh ra: Con Bò biết đến chủ của nó và con Lừa biết đến máng cỏ của chủ nó. Nhưng Israel không biết đến, dân Ta chẳng hiểu biết gì. (Isaia 1,3a.)

Trên đường về đất nước Chúa hứa ho dân Israel, trên mặt Hòm Bia Giao ước của Thiên Chúa có hai tượng Cherube được đúc dựng trên đó. Hình ảnh này nói lên sự hiện diện đầy huyền bí nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cũng vậy, máng cỏ Chúa Giêsu nằm tựa giống như Hòm Bia Giao ước Thiên Chúa, ẩn chứa sự mầu nhiệm của Thiên Chúa hiện diện giữa con người, và con Bò và Lừa, chúng là đại diện cho nhân loại Dân Do Thái và mọi lương dân, cùng nói lên thời giờ nhận biết Thiên Chúa đã đến.

Trong khung cảnh nghèo hèn khiêm hạ giữa máng đựng rơm cỏ thức ăn cho xúc vật có sự hiện diện của hai con vật Bò và Lừa, Thiên Chua hài nhi Giêsu đã tiếp đón những vị học giả , mà ta quen gọi là ba Vua, từ Phương Đông tìm kiếm đến bái kiến Vua Giêsu mới sinh ra.

Nghệ thuật thánh Kitô giáo ngay đã sớm nhận ra hình ảnh này làm chủ đề khi vẽ hay làm hang đá Chúa sinh ra. Và vì thế hai con Bò và con Lừa không thể thiếu trong hang chuồng Chúa Giêsu giáng sinh.

3.3 Con đầu lòng.

Phúc âm viết : Mẹ Maria sinh con trai đầu lòng.( Lc 2,7.)

Con đầu lòng phúc âm nói ở đây không nhất thiết là người con thứ nhất theo thứ tự. Nhưng mang nội dung ý nghĩa chiều kích thần học, theo như lề luật Do Thái: „Thiên Chúa nói với Maisen: hãy cắt nghĩa cho dân rằng mọi con đầu lòng phải thánh hiến cho Ta, mọi con đầu lòng sinh ra trong dân Israel dù là người hay thú vật đều thuộc về Ta.“ (Xh 13,1). „Mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi , thì sẽ được chuộc lại.“ (Xh 13,13).

Như thế chữ đầu lòng mang ý nghĩa đặc biệt nói về sự thuộc về Thiên Chúa của Chúa Giêsu.

Thánh Phaolo nói về ý nghĩa con đầu lòng Chúa Giêsu khai triển theo hai nấc bậc trong chiều hướng thần học. Trong thư gửi Giáo đoàn Roma Thánh Phaolo gọi Chúa Giêsu là „trưởng tử giữa đàn em đông đúc“ ( Rm 8,29). Khi sống lại, theo cung cách mới, Ngài là người đầu lòng, và đồng thời là khởi đầu một đoàn các anh em. Nơi sự sinh ra mới này do sự sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không chỉ theo chức vị nhân phẩm là người thứ nhất, nhưng Ngài đã khai mở một nhân loại mới. Ngài đã vượt qua bẻ gảy phá cánh cửa sự chết. Trong bí tích Rửa tội người tín hữu cùng chết với Chúa Giêsu và cùng với Ngài sống lại.

Trong thư gửi Giáo đoàn Colosseo, Thánh Phaolo đã gọi Chúa Giesu là con đầu lòng của toàn thể công trình sáng tạo, và là con đầu lòng của người sống lại từ cõi chết và trong toàn thể. (Closse 1, 15-18)

Và từ ngữ „con đầu lòng“ chứa đựng chiều kích ý nghĩa hoàn vũ. Chúa Giêsu Kito, Đấng đã trở thành người con trai trên trần gian, có thể nói được đó là ý tưởng đầu tiên của Thiên Chúa, và ý tưởng khởi đầu này có trước công trình tạo dựng, cùng là ý tưởng quy hướng về Chúa Giêsu. Ngài là khởi đầu và đích điểm của sáng tạo mới bắt đầu từ sự phục sinh sống lại của Ngài.

Chúa Giêsu là con Thiên Chúa xuống trần gian làm người như bao con người trên trần gian, như trong kinh tin kính tuyên xưng: „ Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữa Maria, và đã làm người.“.

Như thế, Ngài không phải là một nhân vật thần thoại nào. Ngài sinh ra đời có cha mẹ là đức mẹ Maria và Thánh Giuse, trên quê hương nước Do Thái, trong khung cảnh thời điểm lịch sử thời đế quốc Roma cai trị toàn dân thiên hạ.

Ngài là con Thiên Chúa xuống trần gian mang ân đức của Thiên Chúa cho con người. Nên sự sinh ra của Ngài cũng loan báo một sứ điệp cho con người trần gian. Sứ điệp đó khởi đầu với đời sống khiêm nhượng khó nghèo.

Không phải uy lực sức mạnh quyền thế, nhưng sự khiêm nhượng nghèo hèn làm cho đời sống có gía trị, như Chúa Giêsu sau này đã rao giảng: „Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó.“

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long

Lấy cảm hứng từ :

1. Joseph Ratzinger, Benedickt XVI., JESUS von Nazareth, Prolog die Kindheitsgeschichten, Herder Freiburg i. Br. 2012., 3. Kapitel Die Geburt Jesu in Bethlehem, S. 69- 81.

2. Zu Bethlehem geboren ? Das Jesus-Buch Benedickt XVI. und die Wissenschaft, Thomas Soeding Hg. - „Gedeutete, konzentriete Geschichte“ Herder Freiburg i. Br. 2013.i, S. 104 - 109.

3. Herders theologischer Kommentar zum neuen Testamant. Heinz, Schürmann, Das Lukasevangelium 1,1- 9,50, Sonderausgabe, Fr. i. Br. 1984, S. 97- 107.