Xem hình ảnh
Đối với chúng ta sống ở ngoài nước Ý, thì một ‘Cây Thông trang hoàng rực rỡ’ hay một ‘Máng Cỏ với ngôi sao lấp lánh’ đều nhắc nhở tới một điều duy nhất, là muà Giáng Sinh.

Chúng ta có thể thấy một nhà thờ trang hoàng một cách rất tự nhiên và vô tư một Máng Cỏ với nhiều cây thông làm hậu cảnh, có nơi còn đặt một cây thông lớn hơn ở đằng trước với những phong bì kêu gọi tặng quà cho trẻ em nghèo.

Còn ở bên Ý, ít ra là ở Roma, thì đâu có Thông là không có Máng Cỏ và ngược lại. Thường thì các nhà thờ chỉ trang hoàng Máng Cỏ, còn nơi buôn bán thì chỉ có Thông…Phải chăng ở đây đang xảy ra một cuộc tranh chấp nào đó, có thể là một cuộc chiến tranh giữa Tôn Giáo và Thế Tục, giống như cuộc chiến chống ‘Giáng Sinh’ do các thế lực vô thần đang phát động ra ở bên Mỹ hay không? Câu hỏi đó làm chúng tôi đau buồn nếu chúng tôi đã không đươc ‘thở phào nhẹ nhỏm’ khi nhìn thấy trên Công Trường Thánh Phêrô có một Cây Thông vĩ đại, nằm cạnh một chiếc Hang Đá bằng cát cũng vĩ đại không kém.

Nhưng, tuy không phải là một cuộc tranh chấp công khai về tôn giáo, đây đã là một cuộc chiến Văn Hoá kéo dài nhiều thập niên ở Ý. Máng Cỏ và Cây Thông và là hai hình ảnh không thể ‘đội trời chung’ được! Một bên là ‘quốc hồn quốc tuý’ còn bên kia là ‘ảnh hưởng ngoại lai!’

Trên những tờ rơi quảng bá cho cuộc triển lãm quốc tế “100 Máng Cỏ” nổi danh, người ta đọc thấy: “’100 Máng Cỏ’ là cuộc triển lãm những nghệ thuật có giá trị (preseptial: từng có điạ vị), đã khởi đầu từ năm 1976 do sáng kiến cuả ông Manlio Menaglia, để tái khẳng định nền văn hoá truyền thống cuả nước Ý mà nhiều năm qua đã bị xâm phạm bởi một thời trang mới là Cây Thông, ngoại lai với nền văn hoá cuả chúng ta.”

“Máng Cỏ” được gọi là văn hoá truyền thống bởi vì đã được sáng chế ra bởi Thánh Phanxicô, là một người Ý ở Assisi, cách đây 800 năm về trước. Từ đó đến nay các văn nghệ sĩ Ý đã đóng góp rất nhiều và đã tạo ra nhiều kiệt tác về mặt nghệ thuật. “Máng Cỏ” không chỉ diễn tả biến cố Giáng Sinh ở Bê Lem, mà còn phô trương cuộc sống thường nhật cuả người dân bản xứ, với trang phục, nhà cửa, công việc và niềm vui sống. Nhìn vào những “Máng Cỏ” cuả Ý, người ta đọc thấy lịch sử và văn hoá cuả nhiều khu vực qua nhiều thời đại.

Còn “Cây Thông” bị gọi là “thời trang ngoại lai” bởi vì đây là một phong tục du nhập từ các xứ lạnh Bắc Âu (từ Estonia), được các nhà thờ Thệ Phản (khởi đầu từ Lutherô) ở Đức cổ động từ 500 năm qua, và được Liên Bang Sô Viết sử dụng như một công cụ tuyên truyền trong dịp đầu năm với ngôi sao đỏ ở trên đỉnh.

Người Cộng Sản Nga khi mới cầm quyền đã cấm đoán việc trang trí cây thông cuả giáo hội Chính Thống Giáo, nhưng sau khi nhận thấy ngày Giáng Sinh cuả Chính Thống Giáo là ngày 7 tháng 1, đi sau ngày Tết Dương Lịch, cho nên họ đã cho phép trang trí cây thông với ngôi sao đỏ, với những hình tượng xe tăng và máy bay thay cho thiên thần và bong bóng, và cướp lấy nó làm một cơ hội tuyên truyền cho cách mạng vô sản vào dịp đầu năm.

Quan điểm ‘bảo vệ Máng Cỏ tức là bảo vệ văn hoá truyền thống’ này đã dành được khá nhiều hậu thuẫn chính trị ở Ý, bởi nhiều vị Tổng Thống, Thủ Tướng, Thượng Viện, các Bộ và các chính phủ cuả các Miền.

Do đó mà vào năm 1982 khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II du nhập cây thông vào Vatican thì đã gặp không ít chống đối, ngươì ta cho đó là một thứ trang trí ‘không đúng chỗ’ (out of place), không phù hơp với khung cảnh trang nghiêm cuả Trung Tâm Toà Thánh.

Nhưng cây thông cuối cùng vẫn trở thành một truyền thống không thể thiếu được trong những lễ nghi muà Giáng Sinh ở Vatican. Không những thế, Thánh Gioan Phaolô còn muốn nâng cao ý nghiã cuả cây thông, gọi nó là biểu hiệu cuả Chuá Kitô (2004) “Phong tục cổ xưa này,” Ngài nói “làm nổi bật giá trị của cuộc sống, vì vào mùa đông, những cây xanh trở thành dấu hiệu của sự sống bất tử, và nó nhắc nhở các Kitô hữu về "Cây Sự Sống" trong Sáng Thế Ký 2:9, là hình ảnh của Chúa Kitô, món quà tối cao của Thiên Chúa ban cho nhân loại.”

Ngài (Thánh GH Gioan Phaolô) cũng không thấy có sự đối nghịch nào giữa hai biểu hiệu Máng Cỏ và Cây Thông. Ngài nói (2003): "Bên cạnh Máng Cỏ, thì Cây Thông Giáng Sinh, với ánh đèn lấp lánh, nhắc nhở chúng ta rằng với sự ra đời của Chúa Giêsu, thì Cây Sự Sống đã nở hoa một lần nữa trên sa mạc của nhân loại. Máng Cỏ và Cây Thông là những biểu tượng quý giá gợi lại ý nghĩa thực sự của Giáng Sinh. "

Vị giáo hoàng kế tiếp, đức Bênêdictô XVI, cũng tiếp tục ủng hộ cho Cây Thông. Ngay khi mới lên ngôi (2005) Ngài lên tiếng kêu gọi mỗi nhà nên trang hoàng một cây thông trong mùa Giáng Sinh.


Nhưng hình như ở bên Ý, mọi việc sẽ từ từ có cách giải quyết riêng cuả nó. Năm nay, cuộc triển lãm quốc tế “100 Máng Cỏ” nhận thêm được sự bảo trợ cuả một cơ quan Công Giáo, là “Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá”.

Tổng giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hoá, đã nhiệt tình chào đón cuộc triển lãm như là một công cụ đẩy mạnh công việc Truyền Giáo. “Cái Máng Cỏ,” vị tổng giám mục nói “ngoài việc là một truyền thống văn hóa tốt đẹp đã được sáng chế ra do thiên tài của Thánh Phanxicô Assisi và đã lan truyền ra khắp thế giới, cũng còn là một công cụ mạnh mẽ để truyền giáo. Nhiều người đứng trước Máng Cỏ với những bức tượng nhỏ, thường là những kiệt tác nghệ thuật, đã cảm nghiệm ra được mầu nhiệm cuả Tình Yêu Thiên Chuá dành cho loài người khi trở thành một đứa con trẻ cho chúng ta.”

Vị Tổng Giám Mục đã không đề cập gì đến Cây Thông cả, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy Giáo Hội không muốn khơi lên những gì đem đến bất đồng và chỉ muốn cổ võ những gì dẩn đến sự hợp tác.

Một dấu hiệu khác nữa cho thấy cuộc chiến giữa Máng Cỏ và Cây Thông sẽ phải nguội đi, chung qui chỉ vì hai chữ “thực tế.”

Chúng tôi đến thăm công trường Navona vào một buổi chiều tối, nơi đây qui tụ mọi gian hàng bán đồ Giáng Sinh.

Người ta đi dạo phố rất đông, người già và con trẻ thì chăm chú theo dõi các con ‘muá rối’ cuả một vở kịch Giáng Sinh trên một sân khấu nhỏ ở đầu công trường, còn những cặp thanh niên thiếu nữ thì ríu rít nói tiếng Ý đi bên nhau, tay cẩm các gói ‘hạt dẻ nướng than’ thơm phưng phức.

Thưởng thức món hạt dẻ vừa mới nướng trên ngọn lửa hồng vào lúc tối trời trong mùa lạnh thì tuyệt diệu!.. Nhưng cũng thật là đắt! 5 Euros cho một gói có 8 hạt dẻ…!

Ngay trước các quán ăn có xếp ghế lấn ra tới nửa mặt đường, trang trí với những dây thông đèn đỏ, và tiếp viên thì năng nổ mời khách một cách xâm phạm, là một dẫy các gian hàng bán hình tượng về Giáng Sinh, đủ mọi tầm cỡ lớn nhỏ.

Mọi bộ hình đều đẹp, đều chi tiết và lộng lẫy, người ta có thể mua một món kỷ niệm ở đây và sẽ được yên tâm là mua được một tuyệt tác mỹ thuật có phẩm chất cuả Ý, làm ở Ý. Tuy nhiên một câu hỏi bỗng phát hiện ra là sẽ có bao nhiêu người có khả năng mua một món kỷ niệm như thế này?

Giá một bức tượng bằng sành cuả Chúa Hài Đồng nho nhỏ, chỉ bằng hai ngón tay chụm lại, là 20 Euros! Giá một bộ hình thì vô giá, nhiều nhiều lần gấp bội.

Điều đó đưa tới một ưu tư, là tuy Thánh Phanxicô đã thực sự ‘bình dân hoá’ biến cố Giáng Sinh một cách thật hữu hiệu, nhưng ngày nay liệu việc kỷ niệm Giáng Sinh như thế có thể còn ‘bình dân’ được nữa hay không? Hay là nên nghe theo lời kêu gọi cuả Đức Giáo Hoàng về hưu Bênêdictô là mỗi nhà nên có một cây thông, cho hợp với ‘thực tế kinh tế’ ngày nay?


Cũng như đã nói ở trên, ở bên Ý thì mọi việc sẽ có cách giải quyết riêng cuả nó, thí dụ một tiết mục đầu năm mà mọi người đều muốn được tham dự là xem pháo bông. Theo các tin bình luận về du lịch thì 2 nơi đáng giá để thưởng thức pháo bông ở Roma là công trường Navona và ở Vatican. Chúng tôi chọn Vatican, nghĩ rằng những ngọn pháo bông nổ trên pháo đài Castel Sant'Angelo sẽ có bóng giải xuống giòng sông Tiber rất thơ mộng.

Nhưng năm nay sau buổi kinh chiều với ĐGH chấm dứt, mọi người đều đã ra về mau chóng để lại một khu vực Vatican hoàn toàn vằng vẻ.

Rất ngạc nhiên, chúng tôi đi tìm hỏi một anh cảnh sát đang đứng trực thì được anh cho biết là các chương trình pháo bông ổ Roma đều đã bị ‘loại ra ngoài vòng pháp luật’ (illegal.)

Tuy nhiên, anh nói thêm, anh không chắc chắn là sẽ không có pháo bông và ở đâu!

Không hiểu được cái uẩn khúc về câu nói cuả anh, chúng tôi đã trở về khách sạn đi ngủ sớm.

Vào đúng 12g đêm, nhiều tiếng nổ lớn đánh thức chúng tôi dậy, và ánh chớp loang loáng từ phiá cửa sổ làm cho chúng tôi phải vén màn nhìn ra ngoài, thì…pháo bông, pháo bông đầy trời, những tia pháo xuất phát từ đường phố bay lên đầy bầu trời Roma và nở hoa đầy rộ.

Khach sạn cuả chúng tôi nằm bên cạnh 2 khu chợ rất lớn là chợ bán hoa Mercato dei Fiori và chợ bán đồ ăn Mercato Ingresso, là những nơi rộng thoáng, cho nên có nhiều đám thanh niên đã tụ tập để đốt pháo, và màn pháo bông đã diễn ra cả nửa giờ mà không hề có sự can thiệp nào cuả cành sát cả.

Chúng tôi đã đón chào một năm mới với nhiều ngạc nhiên và thích thú ở Ý, với ý nghĩ rằng, ở đây, mọi sự đều có cách giải quyết riêng cuả nó.