Phong Trào Giáo Xứ Kỳ Diệu (The Amazing Parish) là công trình của một nhóm người Công Giáo dấn thân từ khắp Nước Mỹ muốn giúp các giáo xứ trở thành kỳ diệu bằng cách nối kết họ với những nguồn tài nguyên phong phú.

Đối với họ, giáo xứ có lẽ là tổ chức quan trọg nhất trong xã hội, là nơi phần lớn người ta tìm biết Chúa Kitô và Giáo Hội Người. Đó là lý do tại sao giáo xứ phải cố gắng trở nên kỳ diệu. Và họ đã lập ra một trang mạng, www.amazingparish.org, để giúp các vị mục tử và các nhóm của họ tìm kiến thức và các nguồn tài liệu cần thiết để làm cho các giáo xứ của họ trở nên mỗi ngày một tốt đẹp hơn bằng cách áp dụng Bẩy Đặc Điểm Của Một Giáo Xứ Kỳ Diệu, là: dựa vào cầu nguyện, một nhóm lãnh đạo thực sự, có viễn kiến rõ ràng, cảm nghiệm Chúa Nhật, đào tạo hấp dẫn, nhóm môn đệ nhỏ, nhiệt thành truyền giáo. Ngoài ra, nhóm thường xuyên tổ chức các hội nghị và cung cấp cố vấn theo yêu cầu.

Hội Nghị Denver

Theo tin CNA/EWTN News, từ ngày 27 tới ngày 28 tháng Tám vừa qua, Phong Trào Giáo Xứ Kỳ Diệu đã tổ chức một hội nghị tại Denver, tiểu bang Colorado, có 500 nhà lãnh đạo Công Giáo và các mục tử của họ từ khắp Hoa Kỳ, và cả Gia Nã Đại nữa, tham dự, nhằm động não và trao đổi ý tưởng về việc cải thiện sinh hoạt giáo xứ. Đây là hội nghị đầu tiên thuộc loại này, và được qũy VINE tài trợ.

Hội nghị trên diễn ra tại Hyatt Regency Denver Tech Center, gồm những bài nói chuyện của các diễn giả Công Giáo cũng như các buổi thực tập (workshop) về các đề tài như các nhóm lãnh đạo giáo xứ, các chương trình đào tạo và phúc âm hóa.

Đối với một phong trào mới được phát động, đáp ứng nói chung rất tích cực và ý muốn tham gia hội nghị rất nồng nhiệt.

Matt Manion, chủ tịch Viện Lãnh Đạo Công Giáo và là một trong các diễn giả tại hội nghị, nói đùa “Có sai không khi nói rằng quả là kỳ diệu?”

Ông nói với CNA, “nhưng đây quả là một trải nghiệm tuyệt vời về Giáo Hội, về cầu nguyện, và về những con người cởi mở đối với các ý tưởng mới mẻ và những cách thế mới mẻ để phụng sự Thiên Chúa qua giáo xứ”.

Giống Manion, nhiều diễn giả là người Công Giáo đang phục vụ trong các vai trò lãnh đạo tại các công ty lớn, nay họ thích ứng các kỹ năng lãnh đạo công ty vào lãnh vực lãnh đạo giáo xứ trên bình diện thực hành.

Chris Stefanick, một nhân viên cơ hữu của Giáo Xứ Kỳ Diệu, nhận định rằng “Giáo Hội có lẽ lớn hơn bất cứ công ty nào mà các chuyên viên này đang làm việc với, nên chúng tôi phải có chiến lược… Chúng tôi phải có các thể thức thực hành tốt nhất và các kỹ năng xây dựng nhóm tốt và do đó, theo tôi, những gì được trình bày với chúng ta ở đây quả là độc đáo và được tiếp nhận nồng nhiệt”.

Stefanick cũng là một nhà truyền giảng Tin Mừng trên mạng truyền thông xã hội, địa chỉ www.reallifecatholic.com, và anh nhận giúp điều khiển chương trình cho hội nghị. Năm trăm chỗ dự tính cho hội nghị đã được giữ, trước khi được chính thức quảng cáo.

Anh cho biết “Cả việc đó lẫn việc nó được tiếp nhận ra sao đủ để xác nhận hội nghị này đáp ứng nhu cầu lớn lao trong Giáo Hội hiện nay”.

Các tham dự viên hội nghị đại diện cho nhiều trải nghiệm giáo xứ khác nhau, từ nông thôn, các khu vực thưa dân tới các giáo xứ cả hàng nghìn gia đình và một số nhà thờ chen chúc nhau trong một dặm vuông.

Cha Cory Sticha tới từ Giáo Xứ Đức Mẹ ở Malta, Montana, với giám đốc tôn giáo học của giáo xứ ngài và là thành viên của hội đồng mục vụ giáo xứ. Ngài chăm nom một khu vực rộng gấp 3 lần Rhode Island nhưng chỉ có 200 gia đình ghi danh nơi giáo xứ mà thôi.

Theo ngài, điểm hay nhất của phong trào Giáo Xứ Kỳ Diệu là các nguồn tài liệu của nó.

Mọi người dự hội nghị đều được phát một bìa rời (binder) trong đó có các câu hỏi hướng dẫn và các tờ để lên kế hoạch cho từng phần của bẩy phần căn bản cần thiết cho việc tạo ra một giáo xứ kỳ diệu. Có một số buổi nói chuyện về đào tạo và nhiều nguồn tài liệu miễn phí trên trang mạng. Các tham dự viên hội nghị cũng nhận được một DVD miễn phí gồm các bài nói chuyện về đào tạo mà thông thường gía là 100 dollars.

Cha Sticha cho CNA hay: “đối với chúng tôi trong một giáo xứ nhỏ, có được nhiều nguồn tài liệu như thế này mà giá cả lại rẻ, miễn phí hay giá hạ, là một việc rất đáng kể. Các giáo xứ lớn với 7,000 gia đình thì đâu họ có nghĩ đến việc này, đâu có gì quan trọng đối với họ. Với chúng tôi, nó rất quan trọng”.

Đối với Giáo Xứ Thánh Clements ở Chicago, các thách thức trên bình diện giáo xứ có vẻ khác đôi chút. Với khoảng 4,000 giáo dân có ghi danh, giáo xứ thuộc khu vực Công Viên Lincoln này thấy nhiều người trẻ chạy tới chạy lui nhiều giáo xứ khác nhau trong khu vưc.

Cha xứ Ken Simpson nhận định “người ta tung tăng khắp vùng, không hẳn ở lại giáo xứ của chúng tôi, nên, theo một nghĩa nào đó, chúng tôi thực sự không biết ai vào ai cả”. Nhưng về một phương diện khác, giáo xứ rất cởi mở đối với các ý tưởng mới mẻ. Ngài nói: “chúng tôi là nơi khá cởi mở đối với việc thay đổi. Không phải như ‘sao cha không làm điều này?’ nhưng là ‘bao giờ cha sẽ thực hiện nó?’. Đây quả là một lợi điểm”.

Trong hội nghị, các đại diện giáo xứ được khuyến khích tập chú vào các điều nào làm cho giáo xứ của họ trở nên độc đáo và họ nên làm thế nào đối với các đặc điểm này.

Tim Weiske, một giáo dân của xứ Thánh Clements, cho biết một mục tiêu đáng tập chú đối với giáo xứ của anh là đào tạo khối giáo dân trẻ rất đông trong giáo xứ. Anh nói: “Tôi coi nhiệm vụ của chúng tôi là chuẩn bị những người trẻ này cho giáo xứ kế tiếp mà họ sẽ trở thành thành viên”.

Cha Simpson cũng nói rằng hội nghị làm nổi bật các dị biệt về vùng trong sinh hoạt giáo xứ và đem lại cơ hội để hợp tác. Cha nhận xét: “Phía tây sông Mississippi, ta thấy có một loạt tài nguyên và trải nghiệm khác. Điều rất đáng lưu ý đối với tôi là làm thế nào Đông và Tây đã phát triển một cách khác nhau, và điều hay là chúng ta ở đây để cùng nhau giải thích việc này”

Đối với Stefanick, hy vọng lớn nhất của anh nơi các giáo xứ tham dự là họ ra về với một viễn kiến rõ ràng và một thực hành nào đó cho giáo xứ của họ. Anh cho hay: “cung cách ta thực hành thừa tác vụ giáo xứ hiện nay quấn xoắn vào nhau, sa lầy với đủ gánh nặng đến nỗi thậm chí ta không còn biết ta sẽ ra sao nữa. Và nó trở nên phức tạp với ta đến nỗi đã đốt hết nhuệ khí của cả người lẫn thừa tác vụ. Nên ta cần biến mọi điều ta làm thành đơn giản hơn, để ta có thể tập chú và làm tốt một số việc ta có thể làm được với bản chất hữu hạn của mình”.

Vì sự đáp ứng lớn lao lần này, nên theo Stefanick, hội nghị kế tiếp sẽ được chia thành nhiều hội nghị vùng nhỏ hơn.

Biến những kẻ không tin (nones) thành tín hữu

Nissa LaPoint, khi đưa tin về hội nghị, cho rằng theo các nhà tổ chức, điều đang thiếu không hẳn là bí tích mà là một giáo xứ có những trái tim bừng lửa cho Chúa Kitô, khiến những người Công Giáo xa bầy trở về với Giáo Hội.

Lencioni, tác giả và là một cố vấn về lãnh đạo, nói với các cử toạ ngồi chật thính phòng rằng “Vâng, Thánh Thể đủ rồi, nhưng quá nhiều người cần nhiều hơn nữa để hiểu điều đó. Những người ở ngoài kia vốn là cựu Công Giáo hay Công Giáo chạy đường khác, họ đang thèm khát điều qúy vị đang có. Chúng ta biết phần quan trọng nhất. Hội nghị này nói về những điều khác kia”.

Những người sáng lập ra phong trào này gọi nó là một phong trào do Chúa Thánh Thần linh hứng, ra đời vào đúng ngày Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng năm 2013. Đồng sáng lập viên John Martin thuộc Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức ở Denver nói với tờ Denver Catholic Register rằng họ muốn các tham dự viên có được “một lòng nhiệt thành để đem giáo xứ của họ lên một bình diện trong đó các giáo dân trở thành các môn đệ tích cực của Chúa Kitô”.

Trái tim bừng lửa

Lòng nhiệt thành bản thân trên cần thiết để biến đổi. Đây là nhận định của Đức Cha Andrew Cozzens thuộc TGP St. Paul và Minneapolis, khi nói với cử tọa về việc phúc âm hóa.

Ngài nói: “nếu ta không có lửa trong ta thì bởi vì ta đang sống một kiếp sống hâm hấp và phiến diện”. Ngài thúc giục các mục tử và nhân viên giáo xứ rằng động cơ tốt nhất để chia sẻ sứ điệp Tin Mừng phát xuất từ bên trong, từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong yêu thương. Ngọn lửa bắt đầu bùng lên khi tôi dành thì giờ cho người tôi yêu và khi ngọn lửa kia cháy to lên thì Chúa Thánh Thần sẽ sử dụng tôi”.

Các giáo xứ được yêu cầu động não các ý tưởng để đem điều đó vào hành động. Ngài nói thêm rằng lòng nhiệt thành đích thực bắt đầu lúc hào hứng tự nhiên chấm dứt. Ngài bảo: “khi anh chị em tới tận cùng sự hào hứng tự nhiên, gặp thất bại và yếu đuối thiêng liêng và không thể đi thêm, thì anh chị em hãy mời Chúa đến, lúc đó, sự biến đổi thực sự sẽ xẩy ra và lòng nhiệt thành đích thực sẽ bắt đầu”.

Từ người tiêu thụ tới môn đệ

Các buổi nói chuyện tại hội nghị được xây dựng quanh ý tưởng cho rằng giáo xứ là nơi phần đông người ta đạt tới chỗ biết Chúa Kitô.

Theo Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, con số người Mỹ để lỡ cơ hội trên càng ngày càng đông đảo đến báo động. “Nones” hay những người không có một căn tính tôn giáo nào đang lên tới 19 phần trăm, hay 1/5, dân số.

Cha Michael White, mục tử giáo xứ Nativity ở Timonium, Maryland, và phụ tá Tom Corcoran, chia sẻ cách họ thay đổi tập chú vào những người không có tôn giáo này.

Thay vì tạo thêm chương trình hay thừa tác vụ, giáo xứ đặt ưu tiên vào việc cảm nghiệm ngày Chúa Nhật và động viên sự giúp đỡ của các giáo dân đi nhà thờ thường xuyên. Các giáo dân này không còn được tiếp cận như khách hàng nữa. Cha White cho hay: “Trước đây, chúng tôi không hướng dẫn người ta và không làm người ta thành môn đệ, nhưng tạo ra các người tiêu thụ tôn giáo trong giáo xứ của mình. Nên phàn lớn những việc ấy là mất thì giờ”.

Vị mục tử này và người phụ tá đã cùng làm tác giả các cuốn “Rebuilt” (Tái Thiết) và “Tools for Rebuilding” (Dụng Cụ Tái Thiết) nói về các bài học chính mình đã học được.

Họ yêu cầu các người tham dự động não để tìm ra các cách thế vươn tới người không tin bằng cách xét lại nền âm nhạc phụng vụ của mình, sứ điệp trình bày trong các bài giảng lễ và làm cách nào các mục tử ảnh hưởng tới trải nghiệm Chúa Nhật.

Cathy Gold, một giáo dân tại Giáo Xứ Thánh Patrick có 5,000 gia đình ở Yorktown Heights, N.Y. cho hay: “tôi muốn thấy người giáo dân trung bình thức tỉnh. Mọi người nên hồi hộp chờ đợi”.

Sau cuộc thảo luận, Cha Jarek Pochocki, C.M.I., cha xứ các nhà thờ Tử Đạo và Thánh Patrick ở Hamilton, Ontario, nói rằng ngài và giáo dân của ngài sẵn sàng làm việc để tiến tới một cộng đoàn nhỏ và đa dạng. Ngài nói: “các chủ đề xem ra hiển nhiên nhưng hội nghị này quả thực đã tăng cường cái hiểu của chúng tôi về vấn đề này”.

Trong hội nghị này, Đức TGM Samuel Aquila của TGP Denver đã cử hành Thánh Lễ. Nhân dịp này, ngài đề cập tới sự biến đổi của Thánh Augustinô mà lễ kính nhắm đúng ngày 28 tháng Tám. Sự biến đổi này khởi đi từ việc ngài đọc Thư Rôma 13:13-14: từ bỏ việc làm của xác thịt và mặc lấy Chúa Kitô.

Đức TGM Aquila cho rằng căn tính ta phải là con trai con gái qúy yêu của Chúa Cha mà đích đến là sống hiệp thông đời đời với Người.

Ngài nhắc tới đóng góp của Jeff Cavins, một trong các diễn giả tại hội nghị. Anh mô tả nguy cơ có những người Công Giáo rút gọn đức tin của mình vào việc “nghiên cứu đức tin”, chuyên đi tìm những cuốn sách mới nhất nói về Thiên Chúa mà không tìm cách duy trì mối liên hệ sâu xa hơn với Chúa Kitô.

Mối liên hệ ấy đòi ta phải ra khơi sâu và thả lưới thật sâu “để bắt cá”. Ta phải vượt lên trên việc chỉ biết tiếp nhận đào luyện mà quên xin Chúa Thánh Thần giúp ta đem người khác tới gặp gỡ Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.

Dù sao, đức tin của ta cũng không phải về các chương trình, mà là về yêu thương, nhận biết và theo chân Chúa Kitô và Giáo Hội. Tóm lại, đức tin của ta là về việc trở thành môn đệ, thành tín hữu dấn thân đi tìm Chúa Giêsu ở bất cứ nơi nào Người đặt ta vào và mời gọi người khác đến để nhận biết Chúa Kitô và Giáo Hội.

Chỉ có thế, theo Đức TGM Aquila, “Phía Bắc Colorado sẽ đầy những giáo xứ kỳ diệu”. Ngài khuyên mọi người học hỏi nhiều hơn nơi sáng kiến Giáo Xứ Kỳ Diệu. Như một giáo sĩ trong TGP nói với ngài: “Đây là một trong những hội nghị thực tiễn nhất, đầy đức tin nhất mà con trải nghiệm được, và nó cung cấp nhiều thông tri giúp giáo xứ chúng con trở nên năng động hơn trong việc thực thi sứ mệnh của Giáo Hội”.