Tại Âu Châu, việc bảo vệ sự sống là một vấn đề tranh tối tranh sáng. Vì một đàng, tại Pháp, người ta đang nới rộng quyền phá thai, thì tại Tây Ban Nha, đang có chiều hướng hạn chế nó.

Chiến dịch "một người của chúng ta"

Đồng thời, sự thành công của các sáng kiến như “Một Người của Chúng Ta” chứng tỏ rằng “người của sự sống” chưa hẳn đang thiếp ngủ. Đây là một sáng kiến của các công dân tranh đấu cho việc thừa nhận quyền sống của thai nhi và việc không được giết các em vì các mục đích nghiên cứu khoa học.

Trong một cuộc phỏng vấn của Zenit, Carlo Casini, chủ tịch và là sáng lập viên của Phong Trào Phò Sự Sống và là một dân biểu của quốc hội Âu Châu, cho biết nhận định của ông về vấn đề này. Theo ông, cho tới ngày 11 tháng Mười Hai năm ngoái, chiến dịch đã thu được 1,896,000 chữ ký gửi tới các nhà cầm quyền có chức năng của 28 quốc gia. Luật Âu Châu định rằng trong vòng ba tháng, các nước cá thể phải kiểm nhận giá trị các chữ ký này: thành thử vào ngày 11 tháng Hai này,ta sẽ biết kết quả dứt khoát. Cho tới nay, ba quốc gia đã kiểm nhận được 90% các chữ ký có giá trị.

Sau ngày 11 tháng Hai,các nhà tổ chức “Một Người Của Chúng Ta” sẽ gặp Ủy Ban Âu Châu lần đầu tiên, và sau đó, sẽ gặp các ủy ban có thẩm quyền của Nghị Viện Âu Châu để giải thích ý nghĩa của sáng kiến.

Sau đó, Ủy Ban Âu Châu sẽ phải quyết định mình sẽ làm gì. Casini xác tín rằng Ủy Ban này không thể trì hoãn được vì đây là sáng kiến của các công dân. Vì viễn tượng bầu cử dân chủ, người ta không thể làm ngơ một sáng kiến như thế. Nhất là trong bầu khí bất tín nhiệm hiện nay đối với các định chế Âu Châu, một làm ngơ như thế chỉ có nghĩa là Ủy Ban muốn tự vận.

Ông hy vọng rằng điều hợp luận lý nhất là Ủy Ban Âu Châu sẽ chấp nhận một hay hai đạo luật nhìn nhận các đề nghị của sáng kiến và ngăn cấm bất cứ sự tài trợ nào cho việc hủy diệt phôi thai.

Sau đó, chiến dịch sẽ vận động để bảo đảm có được ba tuyên bố của ba nhóm sau đây: 1) Các bác sĩ sẽ quả quyết rằng xét về phương diện khoa học, bào thai đã là một hữu thể nhân bản rồi; 2) Các luật gia sẽ yêu cầu để nguyên tắc bình đẳng cũng được áp dụng cho trẻ vừa được thụ thai; 3) Các chính trị gia sẽ chấp nhận nguyên tắc mọi hành vi chính trị phải phục vụ ích chung.

Tất cả các ủy ban quốc gia đã quyết định sẽ thành lập ra Liên Minh Âu Châu Các Phong Trào Phò Sự Sống dưới danh xưng “Một Người Của Chúng Ta”. Kết quả này quả không nhỏ.

Đối với dự luật tại Tây Ban Nha nhằm hạn chế phá thai, Casini cho rằng đạo luật đầu tiên năm 1985 của nước này về phá thai, là đạo luật cho phép phá thai trong một số trường hợp hạn chế như hiếp dâm, thai nhi bị dị hình, nguy hiểm đến sức khỏe người mẹ, đã giữ cho con số phá thai ở mức thấp, vào khoảng 40,000 vụ một năm. Nhưng các cải cách theo hướng lỏng lẻo hơn trong các năm sau đó, nhất là đạo luật của Zapatero năm 2010, cho phép người mẹ được tự do quyết định, đã nâng con số phá thai lên 110,000 vụ mỗi năm.

Dự luật mới đây do Bộ Trưởng Tư Pháp Alberto Ruiz Gallardon đưa ra đã bị các nhóm duy nữ và chống phá thai chỉ trích là vẫn còn quá yếu. Họ tin rằng dự luật này còn có thể cải tiến hơn nữa bằng cách chen vào một điều khoản nhằm bảo vệ thai nhi như một chủ thể luật pháp.

Tuy nhiên, mọi cải tiến nhằm giảm thiểu sự ác đều có tính tích cực. Chấp thuận dự luật này là một triệu chứng cho thấy lương tâm tại Âu Châu đã được đánh thức, do đó, việc thay đổi này cần được hỗ trợ. Ngược lại, quả quyết sự tự do tuyệt đối cho người đàn bà là ủng hộ ý niệm cho rằng thai nhi chỉ là một đồ vật.
Tại Pháp, trái lại, người ta không những có ý định nhìn nhận quyền phá thai, mà còn có ý định kết án những người tranh đấu để ngăn cản việc này. Casini cho rằng: một lần nữa, một sự kiện như thế cho thấy chính trị quan trọng như thế nào. Hiện đang có một khuynh hướng đặt vấn đề sự sống ra ngoài chính trị; và cho rằng các vấn đề thực sự phải là các vấn đề khác như thất nghiệp, thiếu phát triển kinh tế v.v… Các vấn đề này dĩ nhiên là những vấn đề quan trọng. Nhưng việc bảo vệ sự sống đâu phải là vấn đề ít có tính chính trị hoặc tệ hơn nữa là “ngoại vi”. Nó cũng giống như chiến tranh, hễ đã có chiến tranh thì có chết chóc: thành thử việc đầu tiên phải làm là kết thúc chiến tranh và tránh các tử vong này. Cùng một nguyên tắc ấy phải được áp dụng khi các thuyền tị nạn đến từ phía bên kia Địa Trung Hải: tránh đắm tầu và chết chóc.Thành thử, nếu cho rằng trẻ chưa sinh là một người của chúng ta và khi thấy mỗi năm trên thế giới có cả hàng triệu nạn nhân vô tội bị giết trong các vụ phá thai, thì ta phải có tiếng nói chính trị tại quốc hội.

Chiến dịch dóng lên tiếng kêu báo động ở cả Ý nữa: xin cử tri Ý thận trọng trong lá phiếu của mình. Yêu sự sống, qúy cử tri không thể bầu cho những người phản lại sự sống. Còn với Pháp, điều cần là phải đưa ra hàng loạt các hành vi “soi sáng” và đối kháng. Về phương diện này, Casini cho rằng đang có dấu hiệu tích cực: một phong trào quần chúng đang rầm rộ chống lại luật hôn nhân đồng tính. Phong trào ấy có tên Manif Pour Tous đang tổ chức những cuộc biểu tình lôi cuốn hàng trăm ngàn người trên đường phố Paris. Riêng về quyền sống, cuộc Diễn Hành Phò Sự Sống năm nay tại Paris đã lôi cuốn được hơn 40,000 người tham dự. Theo Casini, đây là một cuộc hồi tỉnh của lương tâm. Điều tốt vẫn có thể phát sinh từ người xấu. Ông hy vọng rằng Pháp, mà hiện nay dường như đang ngái ngủ, sẽ chứng kiến một cuộc bừng tỉnh và thành công trong việc ngăn cản, không coi phá thai như một quyền.

“Quyền” phá thai đang xuống dốc tại Âu Châu

Tiến sĩ Grégor Puppinck, giám đốc Trung Tâm Luật Pháp và Công Lý Âu Châu, thì chú trọng tới khía cạnh tiêu cực của “quyền” được phá thai. Thực vậy, tỷ lệ các quốc gia đặt điều kiện cho phá thai trong những tuần lễ đầu tiên của thai kỳ đang gia tăng, họ đang mở lại cuộc tranh luận về phá thai và duyệt lại luật lệ theo chiều hướng hạn chế. Ta có thể nói đây là một xu hướng. Đa số hiện ngả về hướng coi phá thai như một vấn nạn xã hội hơn là một quyền hay một tự do của cá nhân.

Nói chung, khuynh hướng luật lệ hiện nay có khuynh hướng giảm thời gian hợp pháp để phá thai ngõ hầu bảo vệ thai nhi và tránh các vụ phá thai không do những động lực nghiêm túc.

Ngoài trường hợp hết sức biểu tượng của Tây Ban Nha, là nước đang cứu xét việc loại bỏ phá thai theo yêu cầu ra, Puppick còn kể tới việc Nghị Viện Anh thường xuyên xem sét việc giảm thời gian hợp pháp để phá thai, với sự hỗ trợ của đương kim thủ tướng (1). Na Uy (2) cũng thế, bắt đầu từ đầu tháng Giêng năm 2014, đã hoàn toàn ngăn cấm việc phá thai sau 22 tuần lễ của thai kỳ, vốn là định mức để trẻ sơ sinh sống còn ngoài tử cung theo quyết định của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Tại Thụy Sĩ (3), một sáng kiến trưng cầu dân ý về việc chấm dứt tài trợ công cộng cho việc phá thai theo yêu cầu đã được đưa ra và sẽ được biểu quyết vào ngày 9 tháng Hai. Hiện nay, quốc hội Lithuania (4) đang xem sét một dự luật loại bỏ phá thai theo yêu cầu theo gương đạo luật của Ba Lan. Được sự hỗ trợ của nhiều chính đảng, dự luật này đã được thông qua tại cấp tiểu ban của quốc hội. Một năm trước đây, quốc hội Latvia đã mở lại vấn đề, nhất là để buộc các phụ nữ phải qua một cuộc phỏng vấn trước bất cứ một vụ phá thai nào. Tại Ba Lan, vấn đề hạn chế hơn nữa việc phá thai luôn được đặt ra: năm 2011, việc hoàn toàn ngăn cấm phá thai theo yêu cầu chỉ thiếu 5 phiếu để được thông qua (5). Cùng năm, Hung Gia Lợi (6) chấp nhận một tân hiến pháp nhằm bảo vệ sự sống từ lúc thụ thai và từ đó, đã thi hành một chính sách ủng hộ việc chào đời và nhận làm con nuôi. Việc này đã giảm thiểu tỷ lệ phá thai. Ngày 10 tháng Sáu, 2013, Macedonia cũng đã thông qua một luật mới mạnh mẽ tăng cường việc bảo vệ sự sống sau 10 tuần của thai kỳ (7). Từ năm 2011, chính phủ Nga cũng theo đuổi một chính sách coi phá thai không còn được sử dụng như một phương pháp ngừa thai nữa. Chế độ Xô Viết từng “bình thường hóa” việc này đến nỗi mỗi năm có tới 4 triệu vụ phá thai. Con số này đã được giảm xuống còn 1.3 triệu vụ, tương đương với số sinh hàng năm (8). Còn đối với Thổ Nhĩ Kỳ (9), vào tháng Năm, 2012, chính phủ nước này công bố các kế hoạch nhằm giảm thời gian hợp pháp để phá thai từ 10 xuống còn 6 hay 4 tuần. Tuy nhiên, vì áp lực mạnh mẽ của các nước Âu Châu, thay đổi này đã bị hủy bỏ.

Xu hướng này, xem ra, còn đáng chú ý hơn nữa tại Hoa Kỳ, nơi chỉ còn 12% dân chúng vẫn tin rằng phá thai là điều có thể chấp nhận được về phương diện luân lý (10). Giữa các năm 2010 và 2013, các tiểu bang Hoa Kỳ đã thông qua 205 hạn chế mới đối với phá thai, hơn hẳn một thập niên trước đây (11). Sự thay đổi này quả vừa “hoành tráng” vừa sâu sắc.

Xu hướng trên cũng thấy rõ trong các định chế Âu Châu, là các định chế, cho tới nay, vẫn từ khước việc tạo ra quyền được phá thai. Tiểu Ban Các Bộ Trưởng của Hội Đồng Âu Châu đã bác bỏ việc này vào tháng Bẩy, 2013 (12), trong khi Ủy Ban Âu Châu thường xuyên tuyên bố rằng vấn đề này không thuộc thẩm quyền của họ (13). Ngày 10 tháng Mười Hai, 2013, Quốc Hội Âu Châu bác bỏ nghị quyết muốn biến phá thai thành một quyền căn bản (14). Mặt khác, quốc hôi này còn lên án việc phá thai vì chọn phái tính và các chính sách phá thai kiểu Trung Quốc. Đại Hội Đồng (15) và Cao Ủy Nhân Quyền (16) của Hội Đồng Âu Châu cũng đã làm như thế. Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu thì luôn từ khước việc tạo ra quyền phá thai, một quyền có thể buộc các quốc gia hội viên phải tuân giữ, dù có nhiều áp dụng theo chiều hướng này. Tòa Án này thừa nhận rằng đứa trẻ chưa sinh đã hiện hữu rồi, dù chưa nhất thiết là một chủ thể luật pháp, và em đã thuộc “chủng loại nhân bản” rồi và đáng được bảo vệ trong tư cách ấy. Tòa này nói thêm rằng nếu các quốc gia quyết định hợp pháp hóa phá thai thì họ phải xem sét quyền lợi của các tác nhân khác nhau: người đàn bà, đứa trẻ và xã hội. Một cách tương tự, Tòa Án của Liên Hiệp Âu Châu tại Lục Xâm Bảo cũng đã thừa nhận rằng bào thai xứng đáng được luật pháp bảo vệ vì lòng tôn trọng nhân phẩm vì đây là một giai đoạn trong diễn trình phát triển của hữu thể nhân bản (17).

Cả về chính trị lẫn pháp lý, luật Âu Châu không bảo đảm quyền phá thai, luật quốc tế cũng không, nó chỉ bảo đảm quyền sống cho mọi người và khuyến khích các quốc gia “giảm thiểu việc sử dụng tới phá thai” (18) là việc “phải tránh bao nhiêu có thể” (19).

Sáng Kiến “Một Người Của Chúng Ta” của các công dân Âu Châu là dấu hiệu cho thấy xu hướng này được sự ủng hộ của xã hội dân chính. Nó từng được sự hỗ trợ của 2 triệu người, một con số chưa bị vượt qua cho tới hôm nay. Nó yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu, qua cơ chế tham dự dân chủ, không tiếp tục tài trợ cho phá thai và các cuộc nghiên cứu hủy hoại phôi thai. Ủy Ban và Quốc Hội Âu Châu sẽ có quyết định liên quan tới lời yêu cầu này trong vài tháng tới.

Cuộc cách mạng văn hóa trên gây ra một kình chống lớn vì nó đi ngược lại nền văn hóa đương thịnh, thừa hưởng của thập niên 1960. Chính bối cảnh này đã khiến chính phủ Pháp cố gắng bình thường hóa việc phá thai, và biến nó thành một quyền căn bản của phụ nữ, một điều không khó hiểu bao nhiêu. Nhưng để hiện hữu và bền lâu, “quyền” này hàm nghĩa rằng phôi thai và bào thai sẽ vĩnh viễn bị làm ngơ. Ấy thế nhưng tiến bộ khoa học và lương tâm con người đang cộng tác với nhau, một cách chầm chậm nhưng chắc chắn, đã dẫn tới việc chúng hiểu biết nhau hơn và chắc chắn cũng sẽ dẫn tới việc thừa nhận nhân tính của phôi thai và của bào thai.

Tóm lại, “quyền phá thai” đang xuống dốc vì hai lý do mạnh mẽ. Lý do kinh nghiệm: luật lệ phóng túng tự tỏ ra không thoả đáng. Lý do lý thuyết: tiến bộ khoa học đang gợi ý phải đẩy lui biên giới của nhân tính tới trước khi sinh. Bước lùi của “quyền phá thai” thách thức xã hội nhiều hơn là bước tiến của nó vì bước lùi ấy đòi ta phải nhân bản, có trách nhiệm và đoàn kết nhiều hơn ngõ hầu biết thừa nhận và chào đón sự sống của mọi người.
_________________________________________________________________________________________________________________
(1) The Guardian, Cuộc tranh luận về phá thai: con số thống kê, 8 tháng Mười, 2012.
(2) Dagbladet.no, Abort etter uke 22 blir forbudt, 2 tháng Giêng 2014.
(3) Cuộc trưng cầu sáng kiến công chúng về “tài trợ phá thai là một vấn đề tư riêng” sẽ được đầu phiếu ngày 9 tháng Hai, 2014.
(4) « Lituanie : le Parlement va débattre de l'interdiction de l'avortement », LePoint.fr, 28 tháng Năm, 2013.
(5) http://www.astra.org.pl/repronews/83-polish-parliament-to-debate-two-draft-bills-regarding-access-to-abortion-today.html
(6) Corentin Léotard « Une remise en cause du droit à l’avortement en Hongrie ? » HU-lala, 18 tháng Tư 2011.
(7) Planning Familial, « Le droit à l'avortement régresse en Macédoine », Le Courrier des Balkans; « Macédoine : le gouvernement s’attaque au droit à l’avortement ».
(8) Svetlana Smetanina, La Russie d’Aujourd’hui, « Les femmes russes, championnes de l’avortement », 29 tháng Ba 2013.
(9) « Turquie: une restriction de l'avortement? », Le Figaro, 30 tháng Năm 2012.
(10) Xem the survey for the Huffington Post by Omnibus Poll Tháng Sáu, 2013.
(11) Guttmacher Institute, More State Abortion Restrictions Were Enacted in 2011–2013 Than in the Entire Previous Decade, 2 tháng Giêng 2014; S. Klift, States passed 205 abortion restrictions in three years. That’s totally unprecedented, The Washington Post, 3 tháng Giêng 2014.
(12) Response by the Committee of Ministers of the Council of Europe, 3 tháng Bẩy 2013 cho câu hỏi viết sẵn số 633: : Liệu Qui Ước Âu Châu về Nhân Quyền có tạo ra quyền phá thai không?”
(13) Đặc biệt xin xem tuyên bố của Cao Ủy Dali ngày 30 tháng Tư, 2012.
(14) Cuộc vận động cho nghị quyết và Phúc Trình số 2013/2040 (INI) về Sức Khỏe Tính Dục và Sinh Sản, 3 tháng Mười Hai, 2013.
(15) PACE, Nghị Quyết 1829 (2011), 3 tháng Mười, 2011, Prenatal sex selection.
(16) Cao Ủy Nhân Quyền Sex-selective abortions are discriminatory and should be banned, 15 tháng Giêng, 2014.
(17) CJEU, Brüstle v. Greenpeace V, C-34/10. 18 tháng Mười, 2011.
(18) Chương Trình Hành Động, § 8.25. Phúc Trình của Hội Nghị Quốc Tế về Dân Số và Phát Triển, Cairo, 5-13 Tháng Chín 1994, United Nations, New York, 1995. Có tại trang mạng:http://www.unfpa.org/webdav/site/global/shared/documents/publications/2004/icpd_fre.pdf.
(19) Đại Hội Đồng Quốc Hội của Hội Đồng Âu Châu, Nghị quyết 1607 ngày 16 tháng Tư, 2008.