Cuộc diễn hành phò sự sống hàng năm thường gây ra nhiều tranh luận và phê phán về cách báo chí tường thuật biến cố hay không tường thuật về nó.

Tuy nhiên, một trong các trích dẫn đáng lưu ý nhất trong tuần lễ này là nhận định “nhẹ nhàng” của Đức HY Sean O’Malley đối với những giải thích thiếu đứng đắn của truyền thông thế tục liên quan đến lời lẽ của Đức Phanxicô mới đây: “Ta không thể chỉ nhấn mạnh tới những vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai. Điều ấy không thể được… Giáo huấn của Giáo Hội… rất rõ ràng và tôi là con cái Giáo Hội, nhưng không cần phải nói về những vấn đề ấy ấy mọi lúc được”. Và lời này nữa: Giáo Hội: “… không thể bị ám ảnh bởi việc thông truyền một mớ học thuyết rời rạc để áp đặt chúng một cách khăng khăng… Ta cần tìm ra một quân bình mới; nếu không ngay đến tòa nhà luân lý của Giáo Hội cũng có khi sụp đổ như căn nhà bằng quân bài, mất hết nét tươi mát và hương thơm của Tin Mừng”.

Trên báo chí chính dòng, điều trên được hiểu là Đức Giáo Hoàng muốn nói với người Công Giáo rằng họ quá bị “ám ảnh” với chuyện phá thai và nay đã đến lúc họ phải ngưng đừng có diễn hành nữa, đừng có “răn đời” tại các bệnh xá phá thai nữa, đừng có giảng dạy tín lý đối với con cái họ trong các học đường Công Giáo nữa…

Cái hiểu “hỗn xược” ấy đã khiến Đức HY O’Malley, người xưa nay nổi tiếng là ôn hòa, thậm chí cấp tiến nữa trong hàng giáo phẩm Mỹ, phải nhập cuộc. Trong cuộc phỏng vấn của tờ The Boston Herald, Đức HY O’Malley, vốn đứng đầu Ủy Ban Các Sinh Hoạt Phò Sự Sống của Hội Đồng GM Hoa Kỳ và là người từng đọc diễn văn tiền diễn hành phò sự sống, đã đưa ra nhận định sau đây đối với cái hiểu của truyền thông chính dòng, nhất là đối với việc “ám ảnh”:

“Người Công Giáo bình thường trong giáo xứ thường mỗi năm chỉ nghe một bài giảng nói về phá thai. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe một bài giảng nói về đồng tính luyến ái hay hôn nhân đồng tính. Có lẽ họ chưa bao giờ nghe một bài giảng nói về ngừa thai. Nhưng nếu anh chị em đọc tờ New York Times, chỉ trong vòng một tuần lễ thôi, đã có tới 20 bài báo nói về các chủ đề đó. Như thế ai là người bị ám ảnh đây?”

Chưa hết, còn nữa:

“Vả lại, chủ trương của Giáo Hội rất rõ ràng và nhất quán. Đối với chúng ta, sự sống nằm ở ngay tâm điểm giáo huấn xã hội của ta. Sự sống là điều quí giá. Nó là một mầu nhiệm. Nên cần được nuôi dưỡng, bảo vệ, việc truyền sinh là việc thánh thiêng. Và việc chúng ta bảo vệ sự sống là một phục vụ lớn lao đối với xã hội. Khi nhà nước bắt đầu quyết định ai đáng sống ai không đáng sống, mọi nhân quyền đều bị đặt vào thế nguy hiểm, nhưng tiếng nói của Giáo Hội thật hết sức rõ ràng. Và chúng ta không chỉ cho rằng sự sống quí giá trong bụng mẹ mà sự sống quí giá ngay cả khi ai đó mắc bệnh Alzheimer, khi ai đó mắc bệnh AIDS, khi ai đó nghèo khó, khi ai đó mắc bệnh tâm thần. Nhân tính của họ không hề suy giảm, và họ có quyền đòi ta yêu thương và phục vụ họ.

“Thành thử, chủ trương của Giáo Hội là một chủ trương rất nhất quán. Tôi không nghĩ là chúng ta bị ám ảnh, dù tờ New York Times muốn cho người ta cảm tưởng ấy, khi hàng tuần họ viết tới 20 bài về những việc này mà hết một nửa nhắc tới Giáo Hội. Nhưng tôi nghĩ tại các giáo xứ, những vấn đề ấy thường được đề cập trong các lớp của Huynh Đoàn Tín Lý Kitô Giáo (CCD), cùng với các tín lý Công Giáo khác nhưng các Giáo Huấn của ta gắn bó với nhau. Chúng là thành phần của một toàn bộ. Có sự nhất quán trong đạo đức học của ta về sự sống”.

Đọc trọn vấn đề, ta sẽ thấy Đức HY O’Malley muốn nói tới một nghị trình có liên quan tới truyền thông trong mặt trận này, một mặt trận có liên hệ gần gũi với điều Đức Phanxicô gọi là phương thức xử lý “quân bình” hơn đối với các vấn đề luân lý tại diễn đàn công cộng, một phương thức bảo vệ tín lý bằng việc gia tăng chăm sóc mục vụ và biểu lộ cảm thương.

Một trong những thể hiện của phương thức trên được chính Đức HY đề cập tới trong câu hỏi về Dự Án Rachel (Project Rachel), là dự án giúp đỡ các phụ nữ tìm được hàn gắn sau khi phá thai. Giáo Hội không bị ám ảnh bởi phá thai đến xua đuổi họ, Giáo Hội sẵn sàng nối vòng tay lớn đối với các phụ nữ phá thai này.

“Chúng ta thấy rằng phá thai không hẳn chỉ là hủy hoại một đứa trẻ mà còn làm hại tới chính cha mẹ nữa. Với hàng triệu vụ phá thai hàng năm, có nhiều bà mẹ cảm thấy nỗi chấn thương này, nên Giáo Hội muốn vươn tay ra cảm thương họ và giúp đem tới cho họ ơn chữa lành của Thiên Chúa để họ thoát khỏi kinh nghiệm (đau thương) này. Chúng ta thấy rằng dự án này đã giúp đỡ khá nhiều bà mẹ và cả các người cha nữa nắm vững được điều thực sự xẩy ra trong đời họ và cảm nhận được ơn chữa lành của tha thứ. Đức Thánh Cha từng mô tả Giáo Hội như một bệnh viện dã chiến và theo tôi một trong các chức năng của Dự Án Rachel là giúp người ta trong cảnh đổ vỡ của họ và giúp đem tới một cảm thức chữa lành và hòa giải cho những người mà cuộc đời bị ảnh hưởng bởi phá thai…

“Tôi tin chắc đó là loại sáng kiến được Đức Thánh Cha ủng hộ rất nhiều vì ngài thực sự muốn Giáo Hội trở thành gương mặt thương xót của Thiên Chúa, nơi họ cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ, xác nhận, và chắc chắn chương trình này thực hiện được mọi điều vừa nói vì đây là một thừa tác vụ hàn gắn. Người ta thường quá tập chú vào vấn đề phá thai và tính hợp pháp chung quanh việc phá thai, còn Giáo Hội thì hết sức quan tâm đối với các vấn đề của cá nhân mà cuộc đời bị thảm họa phá thai tác động…

“Vấn đề phá thai sẽ được giải quyết bằng việc chăm sóc người mẹ và đây là một phương thức chúng tôi dùng để cố gắng vươn tay ra chăm sóc các bà mẹ. Về việc này, chúng tôi hết sức kín đáo và các phụ nữ cảm thấy họ ở trong một môi trường yên ổn, chịu tiếp nhận họ".

Thành thử, Đức HY O’Malley muốn độc giả cũng như các nhà báo chịu khó tìm hiểu sâu xa lời phát biểu đây đó của Đức Giáo Hoàng. Chúng là thành phần của một giáo huấn toàn bộ và nhất quán. Về việc phá thai, Giáo huấn này từng được thể hiện quân bình, rất quân bình, bởi các chương trình cụ thể như Dự Án Rachel.