Chúa Nhật 28 THƯỜNG NIÊN. C

NÉT CAO ĐẸP CỦA LÒNG BIẾT ƠN

Một lần, tôi được một cô giáo tâm sự: Dân gian hay ví von, người làm nghề dạy học giống như người lái đò. Càng ngẫm nghĩ, càng thấy đúng. Trong đời mình, chắc ông lái đò không nhớ hết bao nhiêu người được ông đưa sang sông. Nhưng có lẽ ông sẽ không sót tên ai trong những người quay lại cám ơn. Bởi những người sang sông thì nhiều, người trở lại cám ơn chẳng bao nhiêu…

Sống trong cuộc đời, cám ơn người đã làm ơn cho mình là chuyện hết sức bình thường. Nhưng quên ơn người khác, đáng ra phải là chuyện bất thường, lại cũng trở nên bình thường. Điều bình thường và bất thường ấy, có lẽ không ai trong chúng ta không mắc phải. Xét cho kỹ, chúng ta nhận ra, nhiều lần bản thân đã bỏ quên hoặc đã cố tình quên ơn, hoặc chí ít là hai tiếng cám ơn cũng bị đánh mất.

Lòng biết ơn đối với nhau đã là một nét đẹp. Lòng biết ơn đối với Thiên Chúa chẳng những là một nét đẹp thánh thiện, một tình yêu xuất phát từ đức tin cao cả, nhưng còn là ân huệ Thiên Chúa tặng ban. Bởi lòng biết ơn của ta chẳng thêm gì cho Chúa, trái lại lòng biết ơn ấy lại mang ơn cứu độ ngược về cho ta.

Tin Mừng hôm nay, nuối tiếc cách cư xử vô ơn của những người bệnh phong được chữa lành khi thốt lên: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”, cách nào đó, Chúa Giêsu đề cao đức tin và lòng biết ơn của người phong xứ Samari.

Đó chỉ là người “ngoại bang” nhưng lòng biết ơn của anh lớn hơn tất cả chín người Dothái giáo. Đó là bài học cần thiết cho ta. Vì có khi quá quen với mọi ơn lành Chúa ban, ta không còn nhận ra đó là điều quý giá lớn lao của tình thương Thiên Chúa dành cho mình. Nếu nhìn ở góc độ này, ta không bằng nhiều anh chị em lương giáo. Bởi nếu một ngày nào đến thăm những trung tâm hành hương (Trung tâm Đức Mẹ La Vang chẳng hạn), ta sẽ bắt găp rất nhiều người đến để cầu xin. Trong đó có rất nhiều người ngoài đạo đến cảm tạ Thiên Chúa. Họ đã có lòng tin, dẫu chỉ là một lòng tin sơ khởi, trước khi nhận biết tỏ tường về Thiên Chúa.

Biết ơn phải là thái độ tất nhiên của người nhận ơn, không đợi đến lúc có ai mong chờ hoặc nhắc bảo. Lòng biết ơn Thiên Chúa phải là trách nhiệm trước tiên của con người. Vì thế mặc dù Chúa Giêsu lên tiếng phàn nàn: “Còn chín người kia đâu?”, tôi không nghĩ Chúa cố ý làm phép lạ để đòi cho bằng được lòng biết ơn của người ta. Tôi nhận ra điều Chúa muốn trong lời của Người là: Chúa mong những người kia trở lại để gặp họ, và trao cho họ chính bản thân Người. Điều này quý giá hơn cả ơn được chữa bệnh, càng lớn gấp bội lần hai tiếng cám ơn. Ơn lành bệnh và sau đó là lòng biết ơn chỉ là nhịp cầu, để ta gặp gỡ Đấng ban ơn, nhờ đó, lớn lên trong lòng tin, sự trông cậy và yêu mến của mình mà thôi.

Chín người phong được lành bệnh nhưng không có lòng biết ơn trong Tin Mừng, biết đâu lại là hình ảnh của bạn và tôi hôm nay. Do nếp nghĩ, thái độ sống, cách thức thể hiện việc sống đạo, từ lời ăn, tiếng nói, hành động, cử chỉ đến não trạng, cả đến tội lỗi của mình, ta trở thành kẻ vô ơn với Thiên Chúa. Nguy hiểm hơn, thái độ vô ơn này kéo dài hết ngày này sang ngày khác trong suốt cuộc đời của mình, đến mức chai cứng lương tâm, không còn nhận ra tấm lòng của Chúa, vì thế cũng chẳng bao giờ có một hành động, hay chỉ là một lời cám ơn Người. Đúng là nguy hiểm! Vì nếu vô ơn đến nỗi không còn một mảy may của lòng biết ơn, ta sẽ trở thành kẻ sống dửng dưng, sống nguội lạnh không ai bằng.

Một câu chuyện rất thật, liên quan đến lòng biết ơn Thiên Chúa. Bạn cùng tôi hãy đọc và hãy ngẫm nghĩ để áp dụng thành bài học cần thiết cho bản thân mình. Đó là câu chuyện do Đức Cha Fulton Sheen, nhà văn, nhà hùng biện lừng danh nước Mỹ và là Tổng Giám mục giáo phận New York kể.

Tháng 10.1962, trên chiếc phi cơ đưa các Đức Giám Mục Mỹ đi họp Công Đồng Vatican II, có một cô tiếp viên hàng không thật kiều diễm, nhan sắc tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen đã lưu ý đến sắc đẹp của cô tiếp viên này. Khi phi cơ hạ cánh, đang lúc bước xuống cầu thang máy bay, Đức Cha ghé miệng vào tai cô gái xinh đẹp và nói nhỏ câu gì đó không ai nghe được…

Bốn tháng sau, khi khóa I của Công đồng kết thúc, các Giám mục về nhà nghỉ. Một hôm, cô tiếp viên xinh đẹp kia tìm đến nhà xin gặp Đức Cha: “Thưa Đức Cha, Đức Cha có nhớ con là ai không?”. “Cha nhớ chứ – Đức Cha đáp – Con là tiếp viên trên chiếc máy bay của hãng hàng không Panam đưa chúng tôi đến Rôma”. “Nhưng Đức Cha còn nhớ, Đức Cha đã nói gì với con không?”. “Cha đã nói, có khi nào con tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho con sắc đẹp tuyệt vời chưa?” – “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện với Đức Cha. Vậy Đức Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”.

Hơi bất ngờ, Đức Cha Fulton Sheen im lặng một chút như để cầu nguyện. Sau đó Đức Cha nói: “Cha vừa được tin từ Việt Nam: Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp, đang làm Giám mục Sài Gòn, xin từ chức để phục vụ trại cùi ở miền núi Di Linh – Lâm Đồng. Những người phong ở đó khốn khổ lắm con ạ! Vậy theo Cha, cách tạ ơn đẹp lòng Chúa và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc mặn mà của con để an ủi họ, may ra họ vơi đi phần nào nỗi buồn tủi”. Mặt cô tiếp viên tái dần đi. Cô đứng lặng yên trong vài phút. Bỗng cô cúi đầu tạm biệt, không nói một lời…

Bẵng đi một thời gian. Đầu năm 1963, người ta nghe báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một cô tiếp viên rất đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống bên những người bệnh phong trong sáu tháng”.

Hiểu được lòng biết ơn Thiên Chúa là điều cần thiết, bạn và tôi hãy để tâm tình biết ơn trở thành tâm tình chủ yếu chi phối lời cầu nguyện và toàn bộ cuộc sống mình. Vì chưa cần nói tới những gì Thiên Chúa đã ban trong từng giai đoạn, trong mỗi hoàn cảnh sống, chỉ nguyên toàn bộ cuộc đời chúng ta đã là một hồng ân, một quà tặng vô biên. Vì thế ta hãy biến đời mình như một lời tạ ơn không ngừng. Chỉ khi có tâm tình tạ ơn sâu lắng như thế, ta mới mãn nguyện những gì đã lãnh nhận, bằng lòng những gì mình đang có hôm nay. Với tâm tình ấy, ta thấy mình được bao bọc bởi tình yêu, bằng tình yêu và trong tình yêu của Chúa.

Chỉ khi biết ơn Thiên Chúa, ta mới dám dấn thân trọn vẹn, dấn thân mạnh mẽ, dấn thân không tính toán, không sợ mất mát để làm mọi sự nhằm đáp trả tình yêu. Đức Cha Jean Cassaigne trở nên người cùi, sống và chết giữa những anh chị em phong cùi, đã hoàn tất của lễ toàn thiêu hiến dâng Thiên Chúa thật quý giá để muôn đời sau noi gương bắt chước. Và cô gái tiếp viên hàng không trong câu chuyện bên trên đã dám bước vào đời sống của những anh chị em phong cùi cũng là một tấm gương không nhỏ để mọi người chúng ta soi rọi về lòng biết ơn đối với Thiên Chúa của chính bản thân mình.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH