DẪN LỄ
THÁNH LỄ TẠ ƠN KỶ NIỆM 25 NĂM NGÀY
TÔN PHONG HIỂN THÁNH CÁC CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO VIỆT NAM (19/6/1988-19/6/2013)


Dẫn nhập trước ca Nhập lễ :
Kính thưa cộng đoàn,
Hôm nay, hoà chung niềm hân hoan sốt mến với muôn triệu trái tim anh chị em tín hữu Việt Nam, chúng ta long trọng cử hành Thánh Lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 25 năm ngày Đức Thánh Cha Gioan-Phaolo II tôn phong 117 Chân phước Tử Đạo Việt nam lên hàng Chư Thánh
Tâm tình đầu tiên của chúng ta trong Thánh Lễ nầy đó chính là tạ ơn Chúa. Bởi vì, Tử Đạo, trước hết là một hồng ân bao la của Thiên Chúa. Chính nhờ hồng ân nầy, đặc biệt, nhờ việc 117 Chứng Nhân Tử Đạo tại Việt Nam được tuyên phong Hiển Thánh trên bàn thờ của Giáo Hội, mà dân tộc Việt Nam, Hội Thánh Việt Nam được rạng rỡ vinh quang, và con cháu chúng ta hôm nay được dư tràn ân phúc.
Trong ngày kỷ niệm đặc biệt nầy, chúng ta cùng nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong Thánh lễ phong hiển thánh cho 117 vị Tử Đạo Việt Nam tại quảng trường thánh Phêrô ngày 19.06.1988 :
“Một lần nữa, hỡi giáo đoàn Việt Nam, chúng tôi nói lại cho anh chị em rằng : Máu các vị Tử đạo là nguồn ân sủng cho anh chị em, trước tiên để anh chị em hãy thăng tiến đức tin giữa anh chị em với nhau, kế đến là làm cho đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn lan truyền sang thế hệ tương lai. Đức tin nầy tồn tại để làm nền tảng sự kiên trì cho tất cả những ai là người Việt Nam thuần tuý sẽ trung thành với quê hương, sẽ trung thành với đất nước nhưng đồng thời cũng là những tín hữu của Chúa Ki-tô. Ai là người tín hữu đều ý thức rằng : lời kêu gọi của phúc âm vẫn phải là tuân phục thể chế loài người để tôn thờ tình yêu Thiên Chúa bằng cách làm việc thiện, sống xứng đáng con người tự do, kính nể tha nhân, yêu thương anh chị em, kính mến Thiên Chúa cũng như tôn trọng công quyền và thể chế quốc gia. Do đó, công ích của quốc gia vẫn là điểm người Công Giáo có đạo phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng chân lý của Chúa, tự do được hiệp thông với vị Chủ chăn và anh chị em đồng tín ngưỡng, như thế là để sống an bình với mọi người, thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân”.

Giờ đây, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và kính nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt nam, chúng ta hãy đứng lên hát chung bài ca nhập lễ để bắt đầu Thánh Lễ.



TÌM HIỂU KHÁI QUÁT VỀ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Trước hết, Giáo Hội Việt Nam trong quá trình đón nhận, sống và trung tín bảo vệ đức tin đã có phần nào điểm tương đồng với Giáo Hội Mẹ tại Rôma. Có nghĩa là ngay từ buổi khai nguyên, Hội Thánh Việt nam đã trãi qua gần suốt 300 năm bị bách hại. Trong chặng đường lịch sử dài lâu đó đã có đông đảo Kitô hữu trung thành đổ máu đào làm chứng đức tin. Trong số đó đã có 117 Vị được tôn phong Hiển Thánh và một vị được tôn phong Á Thánh.
Sau đây là 5 thời kỳ bách hại mà Giáo Hội VN đã trãi qua:
§ Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh : 1644, 1745 và 1773 : 5 Vị (4 Vị được phong hiển thánh ngày 19.06.1988 và một Vị mới được phong Á thánh, tức Á Thánh Anrê Phú Yên ngày 05.03.2000).
§ Thời Cảnh Thịnh : 1798 : 2 Vị (Hiển thánh).
§ Thời Minh Mạng : Từ 1820-1840 : 50 Vị (Hiển Thánh).
§ Thời Thiệu Tri : 1841 – 1847 : 3 Vị (Hiển Thánh).
§ Thời Tự Đức – Văn Thân : 1847 – 1862….1883 : 58 Vị (Hiển Thánh)
Mặc đầu đã được tôn phong Hiển Thánh chung một lần vào ngày 19.06.1988. Tuy nhiên, tiến trình để tiến tới ngày Vinh quang nầy lại phải trãi qua nhiều giai đoạn, với nhiều triều đại Giáo Hoàng. Sau đây là 5 đợt phong Á Thánh của các Chứng Nhân Việt nam :
1. Thời ĐGH Lêô XIII : 4 Vị. Ngày 27.05.1900
2. Thời ĐGH Piô X : 8 Vị. Ngày 20.05.1906
3. Thời ĐGH Piô X : 20 Vị. Ngày 02.05.1909
4. Thời ĐGH Piô XII : 25 Vị. Ngày 29.04.1951
5. Thời ĐGH Gioan-Phaolô II : 1 Vị. Ngày 05.03.2000 : Á Thánh Anrê Phú Yên.
Trừ Á Thánh Anrê Phú Yên mới được phong Á Thánh vào ngày 05.03.2000. 117 Vị đã được Đức Gioan-Phaolô II tôn phong Hiển Thánh ngày 19.06.1988 tại Rôma.
Trong số 117 Vị Hiển Thánh nầy, chúng ta thấy có các thành phần Dân chúa như sau :
- Giám Mục : 8 Vị (Pháp 2, Tây Ban Nha 6)
- Linh mục : 50 Vị (Pháp 8, Tây Ban Nha 5, Việt Nam 37)
- Thầy giảng : 14 Vị (Chỉ có Việt Nam)
- Chủng sinh : 1 Vị (Việt nam)
- Giáo dân : 44 Vị (Chỉ có Việt Nam)
Đặc biệt, trong các Thánh Tử Đạo thuộc bậc giáo dân, chúng ta nhận thấy các Ngài thuộc đủ mọi thành phần và giai cấp xã hội như sau :
- Làm quan (Quan án, quan trường)
- Quân lính (Cai đội, chưởng vệ, lính trơn)
- Hương chức (Chánh tổng, lý trưởng)
- Ngành nghề (Lang y, thương gia, thợ dêt, thợ mộc, dân chài. Đông đảo nhất là nông dân : 10 Vị)
Cho dù tất cả đều đi trên con đường thập giá, uống chén đắng của Chúa Kitô. Tuy nhiên, cái chết và hình khổ các Ngài nếm trải lại không như nhau. Sau đây là các loại hình khổ tử đạo của các Ngài :
- Bá đao : Cắt từng miếng thịt cho đủ 100 mãnh (1 Vị)
- Lăng trì : Chặt chân tay trước khi chém đầu (2 Vị)
- Thiêu sinh : 6 Vị (vào tháng 6.1862)
- Trảm : Chém đầu (76 Vị)
- Giảo : Thắt cổ cho chết (22 Vị)
- Rũ tù : 9 Vị
Bài học chứng nhân anh hùng của các Vị Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng ta có thể rút tỉa được đó là 3 điểm cốt yếu nầy :
- Lòng anh dũng hào hùng.
- Lòng bao dung, tha thứ, bác ái yêu thương.
- Lòng kiên vững vào mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô.
Là con cháu của các Vị Cha Ông anh Hùng Tử đạo, chúng ta hãnh diện được tiếp bước các Ngài trên con đường đức tin. Đặc biệt, noi gương 3 Vị Thánh Tử đạo của Giáo Phận Qui Nhơn : Thánh Giám Mục Stêphanô Thể, Thánh Trùm Họ Anrê Kim Thông và Á Thánh giáo lý viên Anrê Phú Yên.