Đó là nhận định của Cha Roger Landry, nhà giảng thuyết Thánh Thể Quốc gia của các Giám Mục Hoa Kỳ, ngày 10 tháng 3 năm 2023 trên National Catholic Register.



Thứ Hai mười năm trước này, ngày 13 tháng 3, lúc 8:22 tối theo giờ Rome, vị Phêrô thứ 266 lần đầu tiên bước ra Ban công Ban phép lành ở trung tâm mặt tiền của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Sau khi chào hỏi chúng ta, ngài hướng dẫn chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vừa về hưu. Trước khi ban phép lành đầu tiên theo thông lệ cho chúng ta trong tư cách tân Giám mục Rôma, ngài xin chúng ta một “ân huệ”.

Ngài khiêm tốn khẩn khỏan: “Tôi xin anh chị em cầu nguyện với Chúa, để Người ban phúc lành cho tôi,” và ngài cúi đầu trong im lặng trong khi những người ở Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô và trên khắp thế giới lặng lẽ cầu nguyện cho ngài. Sau khi ban phép lành cho chúng ta, ngài cảm ơn chúng ta, chúc chúng ta ngủ ngon và lặp lại lời thỉnh cầu: “Hãy cầu nguyện cho tôi.”

Ngài một mực yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho ngài kể từ đó, bằng mọi ngôn ngữ mà ngài có thể thốt ra cụm từ đó, vào cuối hầu hết mọi cuộc gặp gỡ.

Cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô là cách tốt nhất để đánh dấu lễ kỷ niệm 10 năm của ngài.

Cầu nguyện là điều người Công Giáo phải luôn làm trước nhất và làm tốt nhất.

Giáo Hội cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng trong mọi Thánh Lễ từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Với 407,000 linh mục trên thế giới, cử hành các Thánh lễ hàng ngày, Chúa nhật, lễ an táng và lễ cưới, Đức Giáo Hoàng có thể có từ 600,000 đến 1 triệu Thánh lễ mỗi ngày được dâng cho ngài, một lời cầu nguyện nhằm đưa chúng ta vào sự hiệp thông lớn hơn.

Người Công Giáo cũng cầu nguyện cho ngài trong các lời cầu xin trong Các Giờ Kinh Phụng vụ, khi bắt đầu và kết thúc Kinh Mân Côi, và trong nhiều lời cầu xin tự phát khác được dâng lên Đấng mà ngài phục vụ trong tư cách đại diện trên trần gian.

Lời cầu nguyện cổ xưa dành cho Đức Giáo Hoàng, được hát thường xuyên ở Vatican bằng tiếng Latinh và được tìm thấy trong các sách cầu nguyện và thánh ca ở khắp mọi nơi, được diễn giải từ Thánh vịnh 41:3:

“Xin Chúa gìn giữ ngài, ban cho ngài một cuộc sống lâu dài, khiến ngài được chúc phúc trên trái đất, và đừng trao ngài cho quyền lực của kẻ thù.”

Lời khẩn cầu trên kết thúc bằng một lời cầu nguyện đẹp đẽ tổng hợp niềm tin của Giáo hội vào nguồn gốc và mục đích thiêng liêng của chức vụ Phêrô: “Lạy Thiên Chúa, Mục Tử và Đấng Cai Trị mọi tín hữu, xin đoái thương nhìn xuống tôi tớ Chúa là Phanxicô, người mà Chúa đã chỉ định để chủ tọa Giáo Hội của Chúa, và chúng con nài xin Chúa, để ngài có thể gây dựng cả bằng lời nói lẫn gương sáng tất cả những người dưới quyền của ngài để cùng với bầy chiên được giao phó cho ngài, ngài có thể đạt đến sự sống vĩnh cửu.”

Đó là một lời cầu nguyện thích hợp để toàn thể Giáo hội cùng nhau dâng lên hôm Thứ Hai này.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nói về việc ngài phụ thuộc vào những lời cầu nguyện của các tín hữu biết bao. Trong cuộc họp báo đầu tiên trên máy bay, khi trở về từ Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Batây bốn tháng sau khi ngài được bầu, một nhà báo tò mò đã hỏi tại sao ngài thường xin chúng ta cầu nguyện như vậy. Phóng viên này nói, “Chúng con không quen nghe một vị giáo hoàng thường xuyên xin người ta cầu nguyện cho ngài.”

Nhiều người có thể ngây thơ nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng không cần những lời cầu nguyện. Nếu ngài có Chúa Giêsu Kitô cầu nguyện cho ngài (Lc 22:32), họ có thể tự hỏi, tại sao ngài còn cần chúng ta? Hơn nữa, lẽ ra ngài phải cầu thay cho chúng ta trước mặt Thiên Chúa, chứ tại sao chúng ta cần phải cầu thay cho ngài?

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời nhà báo: “Bởi vì tôi cảm thấy rằng nếu Chúa không giúp đỡ trong công việc trợ giúp dân Chúa tiến bước này, thì điều đó không thể thực hiện được. Tôi thực sự ý thức về nhiều hạn chế của mình, với rất nhiều vấn đề, và tôi là một người có tội, như các bạn biết, và tôi phải yêu cầu điều này. Nhưng nó phát xuất từ bên trong! Tôi cũng xin Đức Mẹ cầu cùng Chúa cho tôi. Đó là một thói quen… xuất phát từ trái tim tôi và cũng là nhu cầu thực sự trong công việc của tôi.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dường như nhìn nhận rằng những lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng không thể được coi là điều hiển nhiên. Khi đến Hoa Kỳ vào năm 2015 và đến thăm trường Đức Bà, Nữ vương Các Thiên thần ở Bronx, Đức Thánh Cha đã nói với các học sinh trước khi chia tay, “Tôi muốn giao cho các em một bài tập ở nhà. Tôi có thể chăng? Đó chỉ là một yêu cầu nhỏ, nhưng là một yêu cầu rất quan trọng. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi!”

Tất cả chúng ta cũng đã nhận được từ ngài cùng một bài tập.

Những lời cầu nguyện sốt sắng dành cho các vị giáo hoàng bắt đầu gia tăng đều đặn và mạnh mẽ từ hai thế kỷ trước, khi Napoléon bắt cóc Đức Giáo Hoàng Piô VI vào năm 1798 và đưa ngài đến sống và cuối cùng chết ở Valence, Pháp, khiến thi thể ngài không được chôn cất trong 5 tháng hoặc đưa về Vatican trong hơn hai năm. Những lời cầu nguyện như vậy đã tăng lên khi vào năm 1809, Napoléon bắt cóc Đức Giáo Hoàng Piô VII và giam cầm ngài trong 5 năm, cho đến khi Napoléon và người Pháp cuối cùng bị đánh bại.

Trước thời điểm đó, nhiều người, đặc biệt là ở châu Âu, thường có xu hướng coi vị giáo hoàng không phải là một nhân vật tâm linh mà là một vị vua dân sự của các Quốc gia Giáo hoàng. Nhưng khi vị giáo hoàng bị bắt giữ, ngược đãi và bỏ tù bởi một nhà độc tài cuồng tín, người Công Giáo trên khắp thế giới bắt đầu cầu nguyện cho sự an toàn, sức khỏe, được trả tự do và các ý chỉ của ngài. Lòng đạo đức Công Giáo đã được tác động tích cực kể từ đó.

Cầu nguyện cho vị giáo hoàng ngụ ý thừa nhận rằng, giống như mọi người, ngài cần họ, và vì trách nhiệm của ngài, rất có thể ngài cần họ nhiều hơn, vì Satan liên tục tìm cách sàng vị giáo hoàng như sàng gạo (Lc 22:31).

Trong mỗi triều đại giáo hoàng, có một số người thích phàn nàn về vị giáo hoàng hơn là cầu nguyện cho ngài. Đó là một thực hành tốt để thách thức những người chỉ trích giáo hoàng xem họ có cầu nguyện cho ngài nhiều như họ phản đối ngài hay không.

Cầu nguyện cho vị giáo hoàng không có nghĩa là người ta tán thành mọi quyết định mà ngài đưa ra hoặc thậm chí đường hướng chung của triều giáo hoàng. Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô khiêm tốn nhìn nhận “nhiều giới hạn,” “các vấn đề” và tội lỗi của mình; và trong nhiều cuộc phỏng vấn trước khi làm giáo hoàng và lúc làm giáo hoàng, ngài đã thẳng thắn thừa nhận rằng ngài đưa ra nhiều quyết định thường là sai lầm.

Và vì thế, việc cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng không mâu thuẫn với những mối quan tâm chân thành, chẳng hạn, về cách ngài giải quyết các cuộc khủng hoảng khác nhau trong Giáo Hội, ứng phó với một số vụ tai tiếng, hoặc xử lý các vấn đề phụng vụ. Điều đó không có nghĩa là người ta đồng ý với sự khôn ngoan của mọi điều ngài nói, viết hoặc làm. Nó không có nghĩa là người ta phải coi là thận trọng mọi cuộc bổ nhiệm giáo triều, giám mục hay Hồng Y của ngài.

Dù sao, những lời cầu nguyện không giả thiết chỉ phát xuất từ những người hoan hô, mà từ mọi con trai và con gái thiêng liêng trung thành, và những người càng có mối quan tâm chân thật thì họ càng nên cầu nguyện thường xuyên và nhiệt thành hơn cho ngài.

Do đó, những lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng có thể chính đáng là cầu xin Chúa ban cho ngài một trái tim khôn ngoan và hiểu biết mà Salômôn đã cầu xin, để ngài có thể cai trị dân Chúa một cách khôn ngoan (1 Cv 3:9). Họ có thể cầu xin để ngài phát triển trong sự ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần khi ngài tìm cách hướng dẫn Giáo hội đến mọi sự thật (Ga 16:13). Họ có thể cầu xin để Chúa ban cho ngài lưỡi lửa để giảng dạy và bảo vệ đức tin một cách nhiệt tình và rõ ràng. Họ có thể khiêm nhường cầu xin để Thiên Chúa thuyết phục ngài đảo ngược một số quyết định có thể đảo ngược mà ngài đã đưa ra. Họ có thể cầu nguyện cho sự hoán cải liên tục của Đức Giáo Hoàng và của chính họ, và thậm chí, khi hoàn cảnh cho phép, cầu nguyện cho một cái chết đầy thương xót và được chúc phúc.

Nhưng những lời cầu nguyện chân thành cho Đức Giáo Hoàng phải là một thói quen hàng ngày đối với mọi người Công Giáo - vì lợi ích của ngài và lợi ích của toàn thể Giáo hội.

Do đó, khi chúng ta đánh dấu lễ kỷ niệm 10 năm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chúng ta hãy dành cho ngài điều mà ngài không ngừng xin như một “ân huệ”, nhưng thực ra đó là một bổn phận Kitô giáo đầy yêu thương của chúng ta.